Màu Thời Gian
Màu Thời Gian
NGUYỄN VĂN SÂM
Sau thời gian địa ngục đằng đẵng, tôi trở về với cái xách tay rách và tờ giấy trả về nguyên quán in trên giấy đen cáu bẩn. Tấm giấy quỷ quái nhiều người mòn mỏi đợi chờ đến biến tánh và biến thể. Bầu trời xanh trong vắt như pha lê trên đầu. Chim rừng líu lo ca hát tiễn đưa người vừa trả xong món nợ lạ lùng nhất thời đại. Món nợ chồng lên đầu dân tộc bất ngờ như trận mưa xối xả tưới ào xuống thành phố không một dấu hiệu báo trước. Mấy năm vô lý trong trại mỗi ngày qua như một thế kỷ đè nặng lên tâm hồn khô cằn vì căm hờn tủi nhục rồi cũng qua. Tôi thở dài. Thoát nợ. Trong sự rộn rã của một con chim chùn chân đã lâu khi thấy bàn tay nào đó sắp mở cửa lồng, tôi đè nén sự xúc động bằng cách chậm rãi xếp những đồ nhật dụng đã tẩn mẩn tỷ mỷ chế tạo trong những ngày nghỉ ngơi suốt khoảng thời gian đày ải, mắt cố tìm một vài người bạn xấu số hơn để nói lời từ biệt hoặc giả lén nhận chuyển giùm tin tức cho gia đình. Họ đã đi lao động hết trơn...Tôi muốn chửi thề. Tụi nầy mánh thiệt. Cho về mà không báo trước để chuẩn bị, giấu như mèo giấu cứt. Thế là có lẽ tôi sẽ rời nơi nầy, nơi chôn một phần tuổi thanh xuân của mình - mà không gặp được những người bạn đã cùng mình chia lao xẻ khổ.
Buổi sáng đó lúc anh em sửa soạn đi rừng lao động tôi được gọi lên văn phòng quản giáo trình diện. Mặt hắn lạnh như phiến đá phủ đày sương trong góc rừng mỗi sáng tôi đi qua thèm được dừng chân trên đó. Cặp môi dầy, đen, chúm lại như cố đậy bớt đi phần thịt thừa thãi đã từ lâu tạo một sự bất cân xứng trên gương mặt. Hàm răng hô tuy thường được che một cách vụng về ít khi có dịp phô bày nhưng cũng nói lên sự có mặt bắng cái mỏ nhọn vẩu. Đôi mắt vàng khè vì bệnh sốt rét qua biến chứng gan nhìn tôi như cặp mắt đỏ tròng vàng của một con vật trong thần thoại Đông Phương. Hắn không nhìn lên mặc dầu biết tôi đã đứng trước bàn từ lâu, chăm chú, giơ qua giơ lại chồng hồ sơ nhầu nát cáu bẩn mất bìa được cột lại bằng những sợi dây chuối khô. Trò quan liêu làm dáng đó thường được lập lại bằng cách nầy hay cách khác, chúng tôi đã quá quen. Thời gian ở đây có nghĩa lý gì đâu mà bực mình? Tất cả bọn tôi đều tự thức rằng trong hoàn cảnh nầy càng cố thu lại cái tôi càng tốt. Dửng dưng trước mọi trò lố lăng, đa cuội của chúng. Vô ngã - vô chấp. Cứ coi như mình từ một hành tinh nào không may lạc xuống. Vấn đề là bảo vệ mạng sống mà không hèn. Không cần phải làm người hùng. Tôi lơ đãng nhìn bức ảnh lão già treo trên đầu hắn. Lão già phương phi no tròn với hàm râu có vẻ tiên phong đạo cốt nhưng đôi mắt toát ra tính chất tinh quái lọc lừa. Đôi mắt của một loài chồn loài cú. Đôi mắt nói nhiều điều ngược lại với khuôn mặt và chòm râu. Cũng bức hình đó, có lần một đứa bạn ngắm nghía rồi lật ngược lại chỉ cho anh em hình của một con quỷ mặt xanh nanh vàng mắt đỏ. Hắn ngồi dưới bức hình đó, nét tự mãn ứa ra trong cử chỉ khệnh khạng của một người thuộc vào bộ tộc cai trị. Mâu thuẫn. Người già mập mạp phương phi; trung niên như hắn, trẻ như tôi lại gầy còm, ốm yếu, bệnh hoạn. Tôi hiểu tại sao có sự kiện đó, tôi tức giận, nhưng tôi biết dầu cho hắn sống hết đời hắn, chết, đầu thai, chết, mười lần như vậy nữa - nếu chế độ phi nhân vô lý nầy có thể tồn tại đến chừng đó, hắn cũng không thể có sự tức giận đó. Đây là điều cấm kỵ của bộ tộc mà hắn được uốn nắn để không bao giờ suy nghĩ đến.
Có lẽ thấy chừng tạm đủ hắn từ từ ngước mặt lên chiếu thẳng vào mắt tôi; lạnh lẽo dọa nạt. Tôi không cảm giác gì trước tia mắt uống máu chuyên nghiệp đó, từ lâu tôi luyện tập để dửng dưng đón nhận những bất trắc chợt đến. Trời khi mưa khi nắng. Người lúc vui lúc buồn. Huống chi bọn hắn. Một bọn người kém cỏi, cô độc, luôn luôn cố vùng vẫy ra khỏi yếu tính của mình bắng cách nạt nộ, hành hạ tụi tôi. Vậy tại sao lại sợ, lại lo? Sợ, lo càng làm cho chúng thích thú, càng hành hạ thêm. Tôi nói với mình ‘Bình tĩnh! Bình tĩnh..!
Hắn nói, lời nói khó nhọc mới lòn lỏi được qua kẽ răng :
- Chắc hẳn anh đã biết anh được cách mạng giáo dục bao lâu rồi chứ?
Câu hỏi coi tầm thường nhưng thật quan trọng. Tôi lục lọi trong trí để xem gần đây mình có làm gì sai trái đối với trại và bọn hắn không. Tuyệt nhiên không. Dĩ nhiên là cũng muốn lắm. Muốn giết tụi hắn. Muốn trốn về. Muốn nói rằng tụi bây cướp sức lao động của bọn tao, cố nhét vào óc chúng tao những điều láo khoét. Nhưng hoàn cảnh chưa chín mùi, chưa muốn vọng động nên chưa làm thôi. Tôi trả lời phân hai:
- Thưa anh - tôi thù tiếng nầy nhất nhưng nó thuộc về kỷ luật trại nên đành phải có - vì mải mê với cuộc sống ở đây nên tôi không chú ý lắm thời gian, dường như năm sáu năm gì đó.
Câu nói chính tôi còn thấy trơ trẽn. Hắn trái lại gật gù:
- Ừ! Cũng không sai lắm. Sáu năm, tám tháng, mười bốn ngày. Chừng đó cũng đủ để một cái dĩa cũ nhừa nhựa bên tai tôi độ hơn nửa giờ, cũng bao nhiêu đó, cũng một điệp khúc nghe câu trước đoán được mười câu kế tiếp. Một điệp khúc nhàm chán, thừa mứa. Mắt hắn sáng và linh động. Lắm lúc hắn ngưng nói, ngừng hẳn thật lâu để bắt mạch cường độ thẩm thấu những lời cơm gạo đó vào trí óc tôi. Hắn bình thường, thiếu linh động, chậm hiểu trong các vấn đề hằng ngày, nhất là những lời đói thoại xỏ ngọt, chanh chua, lúc này trở nên tinh anh sắc sảo. Hắn nói say mê, nồng nhiệt như người tình si thuyết phục người yêu trong tuổi dậy thì. Tôi sợ cái nhìn như thấu ruột gan người trước mặt đó. Nếu hắn biết mình không muốn nghe thì mệt. Tôi trấn tĩnh mình ngay. Sợ gì! Mình đã đóng kịch gần bảy năm qua. Vở tuồng quá nằm lòng. Tôi nhìn thẳng vào mặt hắn gật gù. Thỉnh thoảng tỏ vẻ suy nghĩ. Tôi thường sống khoảnh khắc nầy hoàn toàn bằng mộng du và phân ý thức ra làm hai, một đối phó với hắn, một suy nghĩ cho mình. Tôi thấy mình lái xe jeep trở về buổi trưa nắng cháy. Rồi mẹ tôi cười lo lắng cho sức khỏe thằng con trai chưa vợ. Rồi nụ cười thèn thẹn nửa dửng dưng nửa tinh quái của nàng mỗi khi tôi bước xuống xe. Hôm nay nàng ôm chầm lấy tôi, rạng rõ như ứng viên kỳ thi hoa hậu ở rạp Rex độ nào. Tôi giơ hai tay lên trời, hình chữ V, mỉm cười như nói ‘Cuối cùng rồi anh cũng về được với em. Cơn mộng du chấm dứt đột nhiên với câu nói của hắn. Hôm nay cách mạng cho anh về. Bao nhiêu đó đủ rồi. Tôi rộng lượng tiếp tục chịu đựng hơn hai giờ nữa cái dĩa hát rè đó. Bình thản, bình thản, tôi nói với tôi. Mọi việc sẽ tiến hành, như vậy. Vui buồn không thay đổi khá hơn. Chỉ có thể trở thành tệ hơn thôi.
Tôi được phép từ giã hắn để về sửa soạn vật dụng khi hắn đổi nét mặt, bọt mồm trắng xóa hai bên mép. Tròng mắt vàng ố không còn linh động nữa. Đã tới giờ cơm. Bây giờ là lúc tôi trở về với tôi và với cuộc đời trước mặt. Bảy năm nay bay qua như một giấc mộng quái ác rút ngắn cuộc đời bằng cách nối hai thời điểm trước và sau khi ở trại. Như một cuốn phim hai hồi, bắt đầu hồi thứ nhì bằng chữ ‘...bảy năm sau và người kép chánh được một tài tử khác già hơn thủ vai thế. Tôi sẽ trở về đón nhận những gì cuộc đời dành sẵn ở ngoài...
Giờ đây sau một tuần chờ đợi ở sân ga hôi hám, chật chội và mấy ngày ngủ gà ngủ gật trên toa xe lửa đầy ắp, dơ bẩn bao trùm những bất an, tôi đã đứng trước căn nhà nàng. Me tôi hẳn sẽ mừng lắm khi thấy con trở về, nhưng tình yêu đã hướng dẫn bước chân tôi. Tôi yêu nàng và người con gái đó chắc cũng có tình cảm tương tợ đáp ứng. Tôi thường đến nhà nàng mượn cớ nầy nọ để trao đổi những câu không đâu về mưa nắng. Chưa đủ can đảm để đi xa hơn. Chiến tranh và những bất trắc của cuộc chơi thời chiến đã chận đùng lời tỏ tình. Bây giờ thì có gì ngăn chặn được đâu. Cuộc đời bắt đầu ngay chính giây phút nầy. Tôi trình diện ngay từ phút trở về để tùy nàng quyết định. Chắc cũng không gì lạ đâu. Cũng là Anh....Em. Rồi ôm nhau, rồi những giọt nước mắt, rồi cùng nhau vững tâm gầy dựng tương lai. Tình yêu sẽ vô thể hóa tất cả huống hồ gì sự gầy gò ốm yếu của một người mới ra tù . Tội nghiệp nàng. Chắc nàng bây giờ khô héo. Bảy năm trời còn gì? Gái ba mươi tuổi như chình mắm nêm. Thời gian có thể đã bốc nước khô cằn sự tươi mát của người con gái đôi mươi khổ công đợi chờ người yêu trở về. Nhưng rồi tình yêu sẽ tưới mát thân thể héo úa đó. Nàng sẽ trẻ ra, dòn tan, mũm mĩm trở lại. Tình yêu sẽ ngăn chặn bước tiến của thời gian, cũng như tình yêu đã nuôi tôi sống sót qua giai đoạn hồng hoang của đời mình.
Căn nhà vẫn vậy, tuy khung cảnh hơi khác. Mấy chậu kiểng xác xơ khô héo. Góc trái nơi xưa kia là vườn hồng, cẩm hồng, thỉnh thoảng nở rộ những đóa đỏ thẩm mịn như nhung, giờ đang uốn éo theo gió mấy hàng mì èo uột. Một đứa con gái nhỏ độ hai tuổi, mắt đen nháy tròn xoe, đang vọc cát dưới mái hiên ngó tôi sợ hãi rồi vụt chạy vào nhà trong. Tôi thẫn thờ nhìn chung quanh. Cảnh cũ khác chăng ở những biểu tượng của sự sa sút, sơn loang lổ tróc, hàng cột hiên mối mọt, cái lu bể lăn lóc, những gốc cây điêu tàn. Như tôi vẫn là tôi ngày trước nhưng tàn tạ, uể oải. Thế thôi. Trong khoảng không gian im lặng cảm giác hân hoan của thời gian cũ trước học tập và sự thơ thới của những lần đón nhận cái cười rạng rỡ của nàng mười ngày trước chồng làm một bên giác thức tôi. Một lâng lâng mơ hồ của sự pha trộn quá khứ hiện tại và giấc mơ khiến tôi như một người từ cõi tiên bồng nào đó bước một chân vào cõi trần. Cõi tôi, nàng và tương lai tuổi hồng trước mặt. Bóng người đàn bà dắt đùa nhỏ trở ra, tay che bóng nắng, ngỡ ngàng. Tôi như muốn đứng tim. Tuy đã dự trù sẵn một thái độ đói với tác dụng quái ác của thời gian, tôi vẫn bàng hoàng trước thực tế. Nàng giống như căn nhà trước mặt, vẫn còn đó nhưng đầy vết tích biểu hiện một sự đi xuống thê thảm.
Đứa nhỏ thấy người lạ tiến tới ôm quíu chân thiếu phụ. Nàng cúi xuống thân mật ‘Con của mẹ ngoan nào! Ông cười cho!’ Đứa bé được dỗ dạn dĩ hơn nhưng vẫn không thôi lấm lét nhìn tôi. Nàng ngó lên về phía tôi, tiếng đục hơn, nghiêm trang và chững chạc:
- Thưa ông hỏi ai?
- Tôi ở trại Quảng Ninh mới được thả về... Anh Nguyễn Văn X. nhờ tôi đến đây báo tin anh ấy...’ Tôi nói dối trơn tru và ngạc nhiên tại sao mình đặt ra điều nầy!
- Mời ông vào nhà...X. là người yêu tôi dạo trước. Nhưng mà... Biết bao đổi thay... Có tiếng sụt sùi trước mặt và cái thắt mạnh ở tim tôi...
Tôi từ giã căn nhà đó không biết vui hay buồn về chuyện mất người yêu. Yên nơi chốn, ít ra nàng cũng sẽ không khổ, vì vướng vào một gánh nợ có quá nhiều bất trắc. Nhưng tôi, những điều xây đắp trước khi tới đây bị cuốn tan theo nước lũ. Tình yêu giúp tôi sống sót qua những cường bạo của nhà giam, nhưng cũng chính tình yêu sẽ đem tôi vào sự trống vắng những tháng ngày sắp tới. Tôi đã để cho nàng yên lòng rằng người trước mặt không từng là người yêu của nàng. Lỗi là lỗi với một người nào đó, em sẽ quỳ trước mặt anh ấy để chịu lỗi, nhưng không thể chịu đựng ngày này qua ngày khác một sự nhớ nhung vô vọng. Lấy chồng ngoài những lý do thực tế của cuộc sống còn có điểm quan trọng: có điều kiện để bỏ qua một bên sự nhớ nhung quái quắc gậm nhấm hình hài mỗi ngày. Tôi hài lòng với lời biện hộ đó. Tôi xót xa trước những giọt nước mắt của nàng. Quân tử khả dĩ kỳ phương. Đem chuyện có lý mà dối người trí thức thì dối được, như thầy Tử Sản trước đây có dạy. Tôi, tôi đi xa hơn, tôi cho điều nàng nói là hoàn toàn thật. Tôi đã chẳng từng mong mỏi ngày đêm là nàng quên tôi để gầy dựng cuộc đời sao? Tôi bước những bước bâng quơ trên đường phố thưa thớt không một chút giận hờn. Tôi đã đổi thay đến độ nàng không còn nhận ra thì tại sao tôi lại bắt nàng chung tình với một người nay đã trở thành trừu tượng?
Cánh cửa thời gian đã nhốt tôi lại, đã tàn ác chém chặt gọt đẽo hình hài tôi, đã quăng ra đời một xác héo úa khô cằn, khác hẳn con người sống động tươi mát nó đã ngoạm lúc trước. Nhiệm vụ hoàn hảo đến nỗi chính người thân thiết của tôi cũng không nhận ra. Bi hài ở chỗ đó. Cầu mong màu thời gian xanh xanh mãi mãi với nàng. Riêng tôi màu tím ngắt chắc sẽ theo đuổi lâu dài sau mấy năm đọa đày từ ấy. Bài thơ tình của một tác giả ưa thích nhảy vào trong trong tôi, biến thể một cách đáng thương và phù hợp.
Tôi gục mặt
Trên mảnh đất quê hương.
Một năm
Hai năm
Sáu năm
Lúc ngẩng đầu lên
Màu thời gian tím ngắt chung quanh
Trời chiều, trên đầu những cụm mây xanh tê tái phủ che thành phố vắng.
San Antonio, TX, 1981
NVS
Theo: trangnhahoaihuong.com