Đi tìm mùa Xuân trong thơ Bùi Giáng
Đi tìm mùa Xuân trong thơ Bùi Giáng
Nguyên Cẩn
Lời người viết:
Một chiều cuối năm, hình như là 28 Tết, ba anh em tôi tình cờ gặp Bùi trung niên thi sĩ trong quán café Khói trên đường Nguyễn Đình Chiểu, hôm ấy ông trầm ngâm. Nói chuyện bông lơn một lát, ông lặng lẽ rút tờ giấy bạc trong bao thuốc lá và hý hoáy viết tặng anh em chúng tôi gọi là quà cuối năm với 2 câu thơ:
Mùa xuân hiện giữa ngàn mai
Nguyên hình nữ chúa trên ngày phù du.
(Sau này tôi biết hai câu thơ trên trong bài Nausicaa)
Ông chào chúng tôi ra đi với cái xích sắt to tướng quấn ngang cổ, áo quần thì đúng là biểu tượng của thời đại - trên áo dưới váy trông rất khôi hài và lẫm liệt khiến tôi chợt liên tưởng đến Bồ-đề Đạt-ma mô tả trong Vô môn quan như một “tên rợ mắt xanh” (bích nhãn hồ), hay “tên rợ gẫy răng” với đôi mắt trợn trắng, mày quặp lại, râu đen cả mặt. Người được Phạm Công Thiện ca ngợi “cuộc đời là một bài thơ và tâm hồn là tâm hồn của một nghệ sĩ ‘tứ chiến giang hồ’. Con người ấy năm năm trời biển ngang tàng, chẳng bao giờ biết sợ ai và sống một đời cô đơn đến cùng cực”. Nhìn lại Bùi huynh, cũng na ná thế nào ấy – khi cả cuộc đời cũng là một bài thơ lớn. Xuân xanh về khóc giữa dòng, tuổi già quá cỡ, tấm lòng quá vui. Đọc thơ Bùi Giáng sẽ thấy “mùa xuân có thể không phải là mùa xuân mà chỉ là mùa xuân và bốn mùa có thể đều là mùa xuân và chỉ là bốn mùa mà thôi”.
1. Lá cũng mất như một lần đã lỡ
Hôm nay đây, ngồi đọc lại những vần thơ xưa, chợt nhớ đến hai câu thơ người tặng, nó thảng thốt như một tiếng kêu của chàng Odysseus trong cuộc hành trình bão táp mưa sa tối mặt mù trời tìm bến đỗ nơi nàng Nausicaa – Ôi, nữ chúa của ngày tháng ngao du u buồn bất tuyệt!
Nếu những năm tiểu học và đệ nhứt cấp l bậc Trung học (bây giờ là cấp hai) ta mải mê ghi chép:
Xuân vui vẻ bảo lòng thôi trống trải
Xuân gieo lời an ủi khắp nhân gian,
Xuân điểm tô cho đôi má lâu tàn,
Xuân đốt lửa để lòng ai hết lạnh.
(Xuân Tâm - Lời tim non)
Để rồi khi lớn lên, trong sổ nhật ký lại bắt đầu bằng những dòng thơ:
Em hái hoa xuân một buổi chiều
Lòng em rạo rực thấy yêu yêu
Xuân về, hoa đỏ, môi em đỏ,
Cặp má em như gợn đỏ nhiều.
(Huy Tân – Theo trăm hoa)…
Và thảng hoặc có buồn cũng lãng đãng như Hàn Mặc Tử:
Ngoài kia xuân đã thắm duyên chưa?
Trời ở trong đây chẳng có mùa
Không có niềm trăng và ý nhạc
Có người cung nữ nhớ thương vua.
Ta hiểu rằng mùa xuân sẽ trở lại theo nhịp tuần hoàn của đất trời và cứ đến rồi đi:
Xuân đang đến nghĩa là xuân đang qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Thế nhưng, Xuân Diệu đã phải kêu lên:
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
(Xuân Diệu)
Với Bùi giáng, cái mùa xuân vô thường ấy vẫn cứ mãi vô thường vì không có vô thường làm gì có mùa xuân cho thi nhân ca tụng, ngâm vịnh và lấy cớ bộc bạch nỗi cô đơn mỗi độ xuân về.
Những nhành mai sớm sương bên lá
Những nhành liễu chiều gió bên cây
Cũng lay lắt bởi đời xuân em ạ,
Thế nên chi anh cũng viết dòng này.
Và thi nhân, hơn ai hết, thấm thía cái thời gian đang trôi qua kẽ tay mình:
“Mùa gãy đổ, tuổi xuân xanh không còn, lòng người đã mòn mỏi. Đợi chờ gì dưới nhiều bến sông, gió quạnh? Dòng nước vẫn trôi, em hãy xuôi đò, xin cùng anh vĩnh biệt. Con người không níu giữ được cuộc đời”.
Cũng như Xuân Diệu, Bùi Giáng đã toan tính níu lại một chút gì của xuân khi Giã từ Đà Lạt:
Tay lẩy bẩy níu gì xuân tan biến
Ô thiều quang làn nước cũ trôi mau.
2. Trời đã xanh như tuổi ngọc đã xanh
Chợt một hôm nào, khi soi gương chải tóc, ta thấy một vài sợi tóc bạc rơi xuống, lúc ấy mới hiểu rằng cái thời xuân xanh đã và đang đi về quá khứ như những cánh lá xanh kia có ngày úa vàng trong gió heo may:
Lá cũng mất như một lần đã lỡ
Trời đã xanh như tuổi ngọc đã xanh
Trời còn đó giữa tháng ngày lỡ dở
Hồn Nguyên Tiêu ai kiếm lại cho mình.
Không ai kiếm lại khoảng trời xanh xưa ấy, đó là một chân lý thường hằng tàn nhẫn.
“La vie est trop brève pour être insignifiante. Une vie ne vaut rien, mais rien ne vaut une vie” (André Malraux - đành rằng cuộc đời ngắn ngủi đến vô nghĩa, nhưng có cái gì có nghĩa hơn một cuộc đời đâu?)
“Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ” (Khổng Tử). Ai có thể tắm cùng dòng nước đến hai lần? Dù có kêu lên như Lamartine “O, temps, suspend ton vols” (Hỡi thời gian, mi hãy ngừng cánh lại) thì cũng chỉ để mà kêu cho đỡ buồn.
Em hái mòn dần hoa trái xuân
Vì đâu ta tưởng chỉ đôi lần
Từ đây chân bước về ta sợ
Không nói nữa rồi tiếng bặt âm.
Mở con mắt to ra mà ngó xuân vẫn về nhưng lòng ta đã khác, thân ta đã mất đi nhiều cái nguồn sinh lực ngày xưa, tâm ta đã phai nhiều mơ ước, viễn vông nhưng thơ mộng làm sao, rồi luyến tiếc một thời để yêu, một đời để nhớ.
Ngày vui ngắn, lòng đã vơi mấy bận
Ngày vui đi, mấy bận giữa lòng ta
Đổ lây lất mưa về xuân lấm tấm
Ô thiều quang tan biến vội sao mà.
3. Trời còn đó những tháng ngày lỡ dở
Trong suốt cuộc lữ hành tìm màu hoa trên ngàn, tìm mộng mị nấu nung trong tâm khảm, vậy mà càng về cuối đời, chừng như cái quằn quại u hoài như thế đã không còn ray rứt nữa, điều mà ban đầu đã mơ hồ phảng phất, thì giờ đây dường như ông đã nhận ra đâu đó cái phi lý trong bài Và màu xuân đó:
Đời dại khờ như một giấc chiêm bao
Ừ thế sao em hãy rủ ta vào.
Đọc thơ Bùi Giáng phải đọc toàn bộ vì cuộc đời ông là một bài thơ lớn. Mỗi bài thơ là một mảng màu trên bức tranh vĩ đại tô sáng toàn bộ cuộc đời ông. Phải lục, phải lặn sâu dưới mấy tầng ngôn ngữ để thấy cái điều ông muốn nói, đôi khi phải ngậm ngùi thương khóc, đôi khi bật cười vì văn chương trác tuyệt của Bé Già Nua, đọc để thấy những ý thơ đều xoay về một hướng, quanh một trục. Ông nói đến con đường, đến sa mạc, đến Nguyên xuân, cái mùa xuân của ngày sơ ngộ, ngày ngơ ngác mộng đầu, ngày huyền thoại đi về trong triết lý, ngày sen ngó gặp đào tơ, ngày chưa phải lạc bước quẩn quanh với Đường đi trong rừng mà ra Ngã ba sầu mộng, ngày tuyệt vời của mùa Xuân tinh thể, ngày “Hỏi rằng người ở quê đâu, thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà” - cái quê nhà mà chúng ta đánh mất trong phần đời còn lại: “Hỏi quê rằng biển xanh đâu, thưa rằng ấy mộng ban đầu đã xa …”
Rồi khi gia nhập cuộc chơi, bàng hoàng đi trong gió thổi thu bay, có lúc trong thiên ma bách chiết của miệt mài tư tưởng dằn vặt về tồn sinh bế tắc đã lạc lối ra, người phải ngậm ngùi mà sống mà hoàn tất bổn phận mà Phạm Công Thiện đã nhắc lại thay lời Nietzsche là “lên đường đi đến hố thẳm, một cách rộng lượng và không hy vọng”.
Hãy mang tôi đến dặm trường
Cho tôi chết giữa con đường bơ vơ
Con đường là trở về Sơ Khai Mật Hương Hội Tụ. Mất con đường là mất cuộc chào nhau, là vắng mãi trên tinh cầu này những lối về: ‘Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng’ (Nguyễn Du). Con đường đưa ta về với Nguyên xuân xanh ngắt mộng đầu (Bùi Giáng -Tư tưởng hiện đại).
4. Hồn Nguyên Tiêu ai kiếm lại cho mình
Triết học Phương Tây đã đánh mất hồn thần thoại gắn với nhân thế đa đoan lầm than, xa cõi nguyên xuân trong thiêm thiếp hồn người nên Nietzsche và sau này Heidegger, hay Albert Camus đều u hoài mà lẩm bẩm:
“Je n’ai plus de patience en réserve pour cette Europe òu l’automne a la visage de printemps, et le printemps odeur de misère” (La Malentendu) nghĩa là “Tôi không còn chút kiên nhẫn nào nữa để chịu nấn ná ở lại trên cái đất Châu Âu ảm đạm này. Mùa Thu ở đây mang khuôn mặt mùa xuân và mùa xuân dâng mùi tủi nhục” (Bùi Giáng - Tư tưởng hiện đại).
Thế nên thi sĩ muốn ghé lại bên đường để chỉ trao “cây gậy và một ít hành trang mà bước đi trên con đường tìm cái chốn nơi riêng mà định mệnh đã phó thác cho tài hoa của mỗi người”.
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau.
Hãy trở lại phương Đông, tìm lại ngôn ngữ của Thiền, hay nói theo Bùi tiên sinh đó chính là ngôn ngữ của Mưa nguồn, của Diệu huệ vân biến hòa vô tận, ngôn ngữ của Vũ lâm xuân trong Con đường ngã ba khi mythos hay logos đã tan tành theo gió phù du:
Bờ mây trắng dựng cuối trời bóng dáng
Của ban sơ hoài vọng giữa nhân gian
Lòng vạn vật mơ màng chiều qua sáng
Em về nhanh cho mây trắng buông màn.
Buông màn là chan hòa Diệu huệ. Em về nhanh là gọi về cuộc Nhập pháp giới hiện thành.
Đó là điệu chào của mùa xuân cho tuổi trẻ…. Theo thể lệ một lần nào Tượng vương đã quay lại đầu:
“Nhĩ thời Văn-thù Sư-lợi bồ-tát như Tượng vương hồi, quán Thiện Tài đồng tử, tác như thị ngôn:
… Trung niên thi sĩ đương vi nhữ thuyết (Trung niên tỳ-kheo sẽ vì con mà nói). Đó là lời Văn-thù Sư-lợi chỉ dẫn cho Thiện Tài trong buổi tao ngộ ban sơ.
Chỉ dẫn như thế nào?
Ư thử nam phương… Nơi phương nam này có một quốc độ tên là Lá hoa cồn (Hàng Châu). Trong nước có một tòa núi tên là Ngàn thu rớt hột Vũ lâm sơn, ở trong núi có một làn suối bay phấp phới tên là Mưa nguồn, bên bờ suối có một Trung niên tỳ-kheo tên là Đười ươi thi sĩ. Ngươi nên đến hỏi thi sĩ”. Bồ-tát phải học bồ-tát hạnh thế nào, phải tu bồ-tát hạnh thế nào. “Trung niên tỳ-kheo sẽ chỉ bảo cho ngươi”.
Từ cuộc chiếu cố đệ nhất đó của Văn-thù Sư-lợi (như Tượng vương hồi) sẽ nảy ra một bờ cõi thượng thừa Diệu huệ của Bình minh Vũ lâm xuân bất tuyệt đi giữa hoàng hôn sa mạc. (Bùi Giáng - Con đường ngã ba).
Sa mạc hồi khan Thanh cấm nguyệt
Hồ sơn ứng mộng Vũ lâm xuân.
Vũ lâm xuân ấy chính là bình minh thường tại Vũ lâm vốn theo nghĩa đen là một ngọn núi ở Hàng châu (tỉnh Chiết Giang). Bài thơ của Tô Đông Pha được Bùi thi sĩ lôi ra minh họa cho ngôn ngữ thi nhiên đầy rẫy sương bóng Hoa nghiêm kinh. Vì theo ông, những ngôn từ luận thuyết như trùng trùng duyên khởi, điệp điệp duyên sinh, sự lý vô ngại, lý lý viên dung, v.v… đã sa vào cạm bẫy của luận lý Triết học, ngôn ngữ sơ nguyên Hoa nghiêm bị tước đoạt mất mạch động âm thầm sơ thủy thi nhiên của nó nên đến đời mạt hậu, con người học giả không còn biết gì về cái Nôi ban sơ của Hoa nghiêm:
Bấy chầy mới tỏ âm hao
Thu linh ứng mộng xuân vào bình minh
Điệu chào Mùa xuân đã chập chùng sau hiện ra phía sau mỗi mỗi ngôn ngữ Hoa nghiêm?
Ra đi hẹn với xuân đầu
Chờ nhau ngõ khác ngó màu nguyên xuân
Xuân đầu ấy là xuân sơ ngộ của màu hoa trên ngàn, xuân của Thiền sư Chân Không khi được hỏi: Bạch Hòa thượng, khi sắc thân bại hoại thì thế nào?
Ngài đáp lại:
Xuân đến, xuân đi, ngỡ xuân hết
Hoa nở, hoa tàn, chỉ là xuân.
Hoa nở rồi tàn, sắc thân ta cũng như hoa, có sinh ắt có diệt, làm sao tránh khỏi lý vô thường. Thế thì xuân là gì, phải chăng là cái vĩnh viễn, an lành, tỉnh giác.
Vậy cái tàn cái hoại chỉ là ngũ uẩn, là tứ đại giai không. “Thác là thể phách, còn là tinh anh” (Nguyễn Du).
Đấy chính là pháp tánh chân như miên viễn. Là hồn Nguyên tiêu.
Nhớ đến Thiền sư Huyền Quang trong Xuân nhật tức sự:
Nhị bát giai nhân thích tú trì
Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly
Khả liên vô hạn thương xuân ý
Tận tại đình châm bất ngữ thì.
Bản dịch của Huệ Chi:
Lỏng tay thêu gấm, gái yêu kiều,
Hoa rợp, hoàng oanh lảnh lót kêu.
Bao nỗi thương xuân, thương biết mấy,
Là khi không nói, chợt dừng thêu.
Nàng thiếu nữ yêu kiều đang thêu gấm. Người đẹp, gấm cũng đẹp như người. Hoa ngoài trời nở rộ, mùa xuân đang về rực rỡ trên ngàn cây nội cỏ, tiếng hoàng oanh lảnh lót, tất cả là mùa xuân, chìm trong một mùa xuân tràn đầy sức sống nhưng nếu chỉ có thế thì cuộc đời trôi đi như trên khung cửi trong tháng ngày đan mơ dệt mộng, trong cái đẹp như mảnh gấm đan hoài đan mãi, đấy là cái đẹp của trầm luân xoay vòng sanh diệt.
Tại sao lại phải ngừng thêu? Đó là cái đẹp khi không nói và ngưng thêu, theo HT. Thanh Từ thì trong nhà Thiền, khi đến chỗ chân thật cứu kính, thường nói là “Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt, tức là bặt đường ngôn ngữ, không còn lời để diễn tả và dứt chỗ tâm hành, cái tâm đang mê vọng, chạy theo sáu trần. Thế nên dừng thêu, đình châm và bất ngữ, nghĩa là không còn cuốn hút trong sáu nẻo vô minh, như Tâm kinh viết ‘viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu kính Niết-bàn’. Niết-bàn (Nibbāna theo tiếng Pāli (tiếng Phạn là Nirvāna) Nib là không (nil), Bana là thêu dệt. Không thêu dệt, không tạo nghiệp, không tạo nghiêp, đạt đến cõi vô sanh.”
Trời đất tụ về chung nơi một góc
Một năm nào đời đứng lại nghe xuân.
Muốn thấy mùa xuân, hãy quán chiếu lòng mình vì không phải cứ mùa xuân mới đem lại niềm vui, như chàng Tú Uyên của Bích câu kỳ ngộ, đi giữa mùa xuân mà lại thảng thốt: “Vui xuân chung cả một trời, Sầu xuân riêng nặng một người tương tư”.
Thế nên cái vui thường hằng nằm trong cái hồn Nguyên tiêu của chính mình là khi không nói chợt ngưng thêu để nghe trong mình:
Anh đi về ở giữa người anh,
Trời đất du dương sẽ giữ dành
Cơn mộng xuân hồn thu ý tỏa
Cho lòng ngưng tụ khối băng tâm.
Lòng ngưng tụ, đời đứng lại ta đi hân hoan trên con đường trước mặt đầy hoa an lạc thơm hương chiên đàn và ở đó ta sẽ không thể không nhập pháp giới như Trung niên tỳ-kheo vì ở trong khối băng tâm ấy hiển hiện “thế giới vô tận vừa như một hình ảnh để chiêm ngưỡng, vừa chính là thực tại sống động ngay trong đời sống cá biệt của mỗi người” và “Khi con bướm mùa hè dừng lại trên đóa hoa, khép lại đôi cánh, và đong đưa theo cơn gió của cỏ nội hoa ngàn. Đó chính là ý nghĩa tột cùng của Tánh Không.” (Tuệ Sỹ - Mười huyền môn)
Mùa xuân, nói như Tuệ Sỹ chỉ có thể tìm qua đôi mắt vì mùa xuân không động lên trên đôi mắt, mà qua đôi mắt, người ta tìm thấy khát vọng của mùa xuân, vì nơi đó phản chiếu hình ảnh của những bụi phấn liễu phản chiếu hình ảnh một giòng nước lượn quanh.
Cuộc đời như một tao ngộ tình cờ rồi tan rã và biến mất, cũng nên nghĩ là biến mất trong cơn nắng chiều mòn mỏi, hay biết mất trong lớp sa mù buổi sáng. (Tuệ Sỹ - Mười huyền môn)
Hôm nay đọc lại thơ người, một chút vui một chút ngậm ngùi nghe lời chào nức nở vì
Người đã bỏ đường kia ở lại
Để đi vào đối diện hư không
Bờ thánh thót thu sau về vạn đại
Lời chào kia nức nở lạnh vân nồng.
Người đã về tòa núi Vũ lâm bên con suối Mưa nguồn trị vì Lá hoa cồn quốc độ với một lời ước nguyện:
Ra đi hẹn với xuân đầu
Bồi hồi nguyên lại pha màu bình minh.
Ngoài kia xuân lại sắp về, non sông lại rực rỡ trong những chiều cuối năm. Người người sum họp đầm ấm nhưng cũng không ít kẻ không nhà bơ vơ trên đường gió bụi. Cái vui nào cái buồn nào cũng đang tuôn chảy, hãy dừng lại trong phút giao thừa tại một sát-na vô niệm để nghe tiếng của loài sâu đêm nay trở mình trong giấc ngủ triền miên, loài sâu còn đợi cỏ cây nứt vỏ sau tiếng sấm của Kinh Trập rồi trỗi dậy: Giải chi thời, đại hỷ tai (Quẻ Lôi thủy giải - Kinh Dịch)
Mùa xuân của thời gian sẽ bước ra trên đôi vai trần của Nữ chúa phù du trong không gian đứng lặng như khi cô gái đã ngừng thêu thì là lúc xuân về viên mãn trên ngàn mai đang rực rỡ.
Thưa rằng nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào.■
(Nguồn: TS. Pháp Luân số 47)