Thơ gởi bạn hiền
Thơ gởi bạn hiền
Bạn hiền của tôi nhiều lắm. Tất cả đều hiền, hiền hơn tôi. Cái năm họp bạn được gặp lại một số bạn. Tất cả ít nhiều đều thay đổi, nhưng tất cả đều còn đủ sức – còn quá sức nữa - để tranh nhau nói chuyện cho bù lại những bốn chục năm phiêu lạc. Bạn hiền của tôi đều lục tuần hoặc trên. Tóc muối tiêu hoặc tóc nhuộm, nhưng da chưa nhăn. Răng còn đủ hoặc răng giả nên miệng chưa móm, đủ hơi nói không phèo phào.
Những ngày đầu xuân khí trời Qui Nhơn còn mát, gió biển đưa hơi mặn vào người làm cho tình bạn nồng hơn. Có những bạn suốt những ngày sống chung nói ít nhưng nhìn nhiều. Quan sát xem bạn mình thay đổi như thế nào và nhìn để nhớ lại những ngày tháng năm xưa cùng mái trường và bây giờ khác nhau ra sao. Đa số thì thi nhau nói. Toàn là những chuyện lông rùa sừng thỏ, vô tội vạ. Chuyện gia đình chỉ hỏi qua loa, mấy dâu mấy rễ, mấy cháu nội ngoại.
Nhà bạn đủ sức chứa vài chục bạn hiền và nhất là đủ sức chịu đựng những trận cười, tiếng hát thâu đêm. Nói là thâu đêm vì ban ngày đi chơi đây đó, đâu có thì giờ ngồi nhà.
Những ngày Qui Nhơn khó quên. Tôi nói khó quên không phải nói theo kiểu văn chương bác học, hay văn chương mộng mơ. Chỉ cần một vài cái khó quên nho nhỏ cũng đủ thấm thía.
Ghềnh Ráng của Hàn Mạc Tử cũng vẫn lồng lộng gió từ biển xanh. Cái nắng chưa gay gắt của đầu xuân phản chiếu trên ngôi mộ trắng nẳm nghiêng nghiêng trên sườn ghềnh. Đây là lần đầu tiên tôi đến Ghềnh Ráng. Những năm sống ở Nha Trang nhiều lần ghé Qui Nhơn, vậy mà không đến đây. Chỉ biết Ghềnh Ráng, bệnh viện Qui Hòa mà người ta thường dùng danh từ “trại cùi” Qui Hoà, qua những gì người ta viết về Hàn Mạc Tử. Hôm nay tôi được viếng mộ thi sĩ. Vừa đi quanh mộ tôi thầm tụng bài Tâm Kinh Bát Nhã tuy vẫn biết Hàn thi sĩ là người Công giáo. Có sao đâu. Tất cả đều tàn rụi, chỉ còn lại cái “bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh”. Tôi cũng theo chân bạn hiền vào quán bán vật kỷ niệm bên mộ nhưng chẳng thấy có cái gì đặc thù đối với nhà thơ của lòng người. Lại theo chân bạn thăm ngôi nhà nho nhỏ trưng bày những kỷ vật của chính thi sĩ. Tôi cảm thấy thích hơn. Căn nhà gồm hai gian nhỏ. Một gian kê chiếc giường lúc thi sĩ nằm bệnh ở đây. Bên cạnh giường là chiếc bàn gỗ vuông và chiếc ghế cũng bằng gỗ. Giường và ghế trông tội nghiệp nếu không muốn nói là tồi tàn. Gỗ không được đánh bóng. Trên giường hình như còn trải một manh chiếu cũng củ lắm rồi. Ngoài ra không có gì trên giường, không mền không gối. Còn những thứ gì khác tôi không nhớ. Trên vách tường treo những khung hình, những đoạn thơ văn trích của thi sĩ hoặc của người khác nói về thi sĩ. Treo rất nhiều đầy cả trên tường hai gian phòng. Tất cả bạn bè rời phòng từ lúc nào. Tôi nghĩ có lẽ họ đã đến đây một vài lần rồi nên không có gì lạ. Tôi thong thả ở lại xem cho hết, đọc cho hết những mãnh giấy trong khung kính trưng bày trên vách. Rất nhiều. Tôi thích thú đọc đoạn thơ điếu của Chế Lan Viên. Thơ Chế Lan Viên tôi có đọc nhưng không biết bài này. Tôi thích thú ghi ra giấy giữ cho vui, nhưng khi về nhà không biết mất đâu, chỉ còn nhớ như thế này và dĩ nhiên là không chính xác:
“Một triệu năm Anh đến trái đất này một lần.
Một triệu năm Anh mới được làm người.
Nhưng thật lả rủi
Bởi vì Anh bị bệnh hủi.
Thân xác Anh bị hũy hoại, xoi mòn, gặm nhấm
Nhưng trong Anh có một Điểm Sáng Ngời
Điểm Sáng thật sáng đó không có gì hủy hoại được.”
Đại ý là vậy, tiếc thay không nhớ chính xác. Mong rằng sau này có bạn hiền nào vui chân đến thăm Ghềnh Ráng nhớ chép lại cho.
Cái “Điểm Sáng” Chế Lan Viên đặt trong thân thể hủy hoại của Hàn thi sĩ chính là cái “Bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh” mà tôi đã tụng thầm bên mộ trước đó. Đối với Chế Lan Viên “Điểm Sáng” đó có thể là cái tài hoa, thi chất tràn đầy của thi sĩ. Nhưng cái gì đi nữa nó vẫn là cái không có gì động đến được. Con vi trùng Hansen cũng không gặm nhấm nó được.
Tôi tiếp tục men tường vòng quanh đọc cho hết, xem cho hết. Bắt gặp một mãnh giấy học trò thật nhỏ, màu giấy vàng ố theo thời gian, nằm khiêm nhường trong khung kính cũng nhỏ. Trên mãnh giấy đó chính là bút tích của thi sĩ. Chữ viết nguệch ngoạt bằng bút chì, ghi một giòng, chỉ có năm chữ thôi: “Mẹ ơi, con đói quá” Địa chấn, địa chấn trong lòng tôi khi tôi đọc giòng chữ này. Bạn hiền hãy tưởng tượng nỗi đau đớn vì thân thể đang bị xoi mòn, rỉ máu, từng sợi dây thần kinh trong cơ thể thi sĩ đang bị gặm nhấm và như đã nhiều ngày rồi không được một ai thăm nuôi cho ăn. Không họ hàng, không thân thích chung quanh. Chỉ còn hình ảnh MẸ trong tâm hồn thi sĩ. Đói quá, đói đến viết không được, chữ nguệch ngoạt không thẳng giòng, lếch cho được ra khỏi giường để viết mấy chữ cho Mẹ. Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của thi sĩ:
“Mẹ Maria linh hồn tôi ớn lạnh.
Run như run thần tử thấy Long Nhan.”
Những cái nho nhỏ như mãnh giấy này đối với tôi là sống động nhất. Chỉ một giòng nhỏ này nói trọn hết nỗi thống khổ của tâm và thân xác thi sĩ đã chịu đựng. Trong những năm học trò cũng đọc nhiều thơ nhiều câu chuyện về Hàn Mạc Tử, nhưng chỉ toàn những trăn trở về tình yêu, những đắm đuối say mê trăng, tôi chưa hề đọc đến hoặc nghe người ta nói đến hàng chữ này.
Đi quanh bệnh viện, thả dọc theo hàng cây bóng mát ven bờ biển. Một hàng tượng màu trắng điêu khắc các vị có công trong việc thành lập bệnh viện và chữa trị bệnh nhân. Các vị từ phương trời Tây, có trái tim thật lớn, suốt đời hy sinh, có vị đã chết tại đây. Bước chân tôi chậm rãi bước qua từng vị và kính cẩn thầm nhủ: đích thực đây là những thiên thần, bồ tát hiện thân cứu độ chúng sanh. Gió từ biển khơi rì rào trong cây lá đã bao năm nay như lời kinh bất tuyệt.
Rời Ghềnh Ráng…lòng bâng khuâng.
Ngày thứ hai được đi tham quan đền vua Quang Trung. Thật ra là nhà tổ của ba anh em Tây Sơn. Cũng đền thờ, nhà ngang dãy dọc, sơn son thếp vàng, liễn đối cũng như các đền thờ của các vị vua chúa khác trong nước. Có một cái nho nhỏ - lại là cái nho nhỏ nữa – đi vào trong tôi: Cái giếng nước. Cái giếng nước được giới thiệu là cái giếng nước duy nhất của gia đình ba anh em sử dụng hàng ngày. Giếng được xây bằng đá ong thì phải. Nước vẫn còn nhiều và trong. Ngồi bên thềm giếng tôi nghĩ chính cái giếng mới là còn nguyên thủy. Nhà cửa có thể thay đổi thêm bớt, dời chỗ này, bớt chỗ kia, chứ cái giếng không thể di đi được. Giếng ở đây người xưa đi về đâu? Người Xưa đã một lần làm chấn động thiên triều nhà Thanh, đã một lần hai mươi vạn quân Thanh vỡ mật. Người Xưa đã cùng một thời với Napoléon I vang danh vang bóng. Chính cái giếng đã nhiều lần in bóng Người Xưa.
Bạn hiền, tất cả chẳng mất đi đâu, tất cả đều đang rong chơi. Hàn Mạc Tử đang rong chơi, vua Quang Trung Nguyễn Huệ đang rong chơi. Ngay chúng mình cũng đang rong chơi.
Tôi đi rong chơi từ vô lượng kiếp
Điểm khởi đi tôi không thể tìm kiếm.
Khoảng thời gian cần cho tôi đến đó
Không tính bằng số mà cũng chẳng nhận thức được bằng lời.
Trong một sát na tôi đã có mặt muôn nơi
Trong khoảnh khắc tôi đã tan loãng nhiều lần.
Cánh chim sáng nay
Bông hoa ngày mới
Giòng suối róc rách
Ngọn cỏ xanh tươi
Cọng rau trong rổ
Tản mây trên trời...
Đừng nói rằng chẳng dính dáng đến tôi.
Đừng hỏi tôi từ đâu đến
Cùng lúc tôi đến từ muôn nơi.
Trong hiện tại muôn nơi tôi đều có mặt
Rong chơi thanh thản
Không gian mênh mông
Để cho tôi bơi lội bềnh bồng.
Rong Chơi (thơ Chân Tính Hải)
Rời Qui Nhơn mang theo những cái nho nhỏ. Ngày vui nào cũng qua mau. Bạn hiền ai về nhà nấy và tiếp tục rong chơi.
Chỉ là những chuyện gợi nhớ nho nhỏ, đừng vội vàng cho đó là vô duyên. Chẳng qua chỉ để kể với Bạn Hiền.
Nguyễn Thế Hà
PSN -