Đức Phật với các em

Đức Phật với các em

Tâm Minh

Kính thưa quí vị và các bạn,


Con người được phân chia theo biên giới quốc gia, rồi màu da, rồi ngôn ngữ, truyền thống, tôn giáo, đảng phái, v.v... nhưng khi học Phật pháp thì Anh Chị Em Huynh trưởng và Đoàn sinh chưa bao giờ nghĩ đến “quốc tịch” của đức Phật cả. Hình như kinh điển nói chung, Phật pháp nói riêng, làm cho Huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT thấy rằng những chữ Phật, Pháp, Tăng, Bồ-tát, chư Tổ, v.v... quá ư thân quen, như cha mẹ, anh em, thầy cô gíáo, v.v... vậy; rất nhiều người còn có thói quen gọi “đức Phật của chúng ta” nữa!

Tuy nhiên những danh từ Phật pháp - cho dù rất thông thường - đối với các em đoàn sinh và huynh trưởng trẻ ở hải ngoại có khi hơi khó hiểu; nếu dịch ra tiếng Anh thì các em hiểu ngay. Ngoài ra có những từ “mới” như 12 nhân duyên, giáo lý duyên khởi, giáo lý ngũ uẩn, v.v... thì cho dù nói tiếng Việt hay tiếng Anh các em cũng phải được nghe giảng vào nội dung rồi mới hiểu được.

Các em ngành Thiếu học Phật rất nhanh - tất cả các bậc học từ Hướng thiện đến Chánh thiện - nhưng không liên hệ đến thực tế khi có một chữ khác với danh từ mà các em được học. Ví dụ có em thắc mắc rằng tại sao đạo Phật chỉ dạy người ta làm Phật mà không dạy làm người! Vì các em rất hiểu ý nghĩa Vu Lan nhưng không nghĩ ra được đó là giáo dục về lòng hiếu thảo; có khi các em học thuộc ý nghĩa Bát chánh đạo nhưng không nắm bắt ngay được khi người ta nói đến Chánh niệm, Chánh kiến… bằng những “danh từ nhân gian”, v.v...

Đó cũng là một vấn đề quan trọng mà người huynh trưởng trong khi truyền đạt Phật pháp cho các em phải đối diện với những thắc mắc có khi rất ngây thơ nhưng thật khó trả lời. Xin mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc hội thoại bỏ túi sau đây của các huynh trưởng quen thuộc A, B, C.


A: Hôm nay đề tài nói chuyện của chúng mình là gì hở các bạn?


B: Nhân mùa Phật đản, chúng ta cùng nhau ôn lại những thắc mắc của các em ngành Thiếu về đức Phật Thích-ca Mâu-ni đi nha!


C: Phải đó, các em thắc mắc nhiều khi rất hay đó, các bạn có nhận thấy như vậy không?
A: Chúng ta hãy lần lượt đưa ra những câu hỏi của các em và câu trả lời của chúng ta đi nha! Mình xin nêu ra trước. Các em hỏi mình: tại sao đức Phật chỉ dạy làm Phật mà không dạy làm người như sách vở thế gian dạy cách học làm người vậy! Mình trả lời: những bài học Phật pháp về Từ bi, Tứ nhiếp pháp, Ngũ minh pháp, hay kinh Thiện Sinh, kinh Hiền Nhân, v.v... là gián tiếp dạy làm người chứ gì nữa!


B: Các em hỏi mình tại sao chương trình học Phật pháp không kể chuyện thời ấu thơ, thời niên thiếu… của đức Phật mà chỉ kể chuyện tiền thân, mình trả lời: cũng có nhưng các em không được đọc đó thôi; ví dụ trong tác phẩm Ánh đạo vàng, kể lại cuộc đời đức Phật từ ngày đản sanh đến ngày nhập diệt; trong đó có kể thời thiếu niên Ngài là một Đông cung Thái tử, một thiếu niên anh tuấn, văn võ song toàn, đã chiến thắng tất cả các cuộc so tài, thi đua trên toàn quốc, v.v... Ngài không chỉ chinh phục các bạn đồng học mà còn làm cho các vị thầy của Ngài cũng phải bái phục về tài năng và đức độ của Ngài; các vị thầy đều nói rằng: kiến thức của họ thì có hạn mà trí tuệ của Ngài thì vô cùng.


C: Mình xin bổ sung thêm: Ngày xưa còn bé, Thái tử Tất-đạt-đa đã nổi tiếng giỏi toán nhất, đã đếm được đến những con số không ai có thể hình dung nổi! Trong kinh Phổ diệu (Lalitavistara) kể lại rằng, trong một cuộc thi đếm số lượng mà Thái tử đã thắng giải, Ngài đã làm cho vị giám khảo phải quỳ xuống bái phục!


A: Có em hỏi mình: Nhân quả, Tứ diệu đế, Bát chánh đạo là dạy làm Phật còn ở giai đoạn nào thì Phật dạy về đạo đức làm người? Mình trả lời: tại vì các em không nghiên cứu chứ thật ra giáo dục Phật giáo, trước khi đi vào Phật thừa (thừa=hệ thống giáo dục), có 5 hệ thống giáo dục từ dưới lên trên đó là: 1. Nhân thừa, 2. Thiên thừa,  3. Thanh Văn Thừa, 4. Duyên Giác Thừa, 5. Bồ-tát thừa.


B: Các em hỏi mình: đã nói là nhân quả thì tại sao lại có thể hóa giải được? Giải sao giải hạn như vậy Phật giáo có phải là mê tín dị đoan không? Mình trả lời: vì y báo theo chánh báo mà chuyển cho nên nếu bản thân mình chuyển hóa (lời nói, hành động, ý nghĩ khởi lên, v.v...) thì có thể “hóa giải” -  nghĩa là hoàn cảnh sẽ thay đổi theo, được chứ sao không.


C: Đúng vậy, mình cũng gặp câu hỏi như vậy, mình bèn kể câu chuyện chú tiểu kia được thầy trụ trì cho về thăm nhà vì “thấy” chú mạng yểu, không sống được qua khỏi 1 tháng nữa; chú tiểu không biết gì cả, cứ vui vẻ đi về làng. Khi đi ngang qua con sông giữa đường về nhà thấy có một tổ kiến trên cây bên bờ sông bị rơi xuống nước, chú bẻ một cành cây dài vớt tổ kiến tấp lên bờ, rồi tiếp tục đi. Về nhà được 10 ngày thì cha mẹ bảo chú trở lại chùa. Khi trở lại gặp thầy trụ trì thì thầy không thấy dấu hiệu chết yểu hiện ra nữa; thầy hỏi kỹ lưỡng những công việc chú đã làm trong 10 ngày qua, từ khi rời chùa, chú kính cẩn thuật lại không sót chi tiết nào; thầy mới giảng cho chú nghe: việc chú cứu tổ kiến là một phước báo lớn, đã giúp hóa giải được tướng chết yểu của chú, chú sẽ được thọ mạng lâu dài. Thầy nói: “Tướng bất cập số, số bất cập đức” nghĩa là tướng không bằng số (mạng) và số không qua được đức (nghĩa là nếu mình làm được một công đức gì lớn thì số mạng mình sẽ được chuyển hóa tốt hơn).


A: Có một em còn nói: em có đọc thấy một câu “Phật giáo phi tôn giáo, phi triết học, nhưng rất cần thiết cho cuộc sống con người”. Tại sao vậy? Mình trả lời: Phật giáo không phải một tôn giáo vì không có giáo chủ, không chủ trương chỉ thờ phụng và tin giáo chủ, không cần thắc mắc gì cả! Đức Phật thì lại dạy “Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta” và Ngài nói Ngài không phải thần linh hay thượng đế, Ngài chỉ là một con người, một người đã tỉnh thức mà thôi (giác ngộ).
B: Đúng thế, vì vậy Phật giáo là giáo dục, một nền giáo dục của xã hội đa nguyên vì tính chất giáo dục của Phật giáo vượt qua giới hạn của quốc độ và của tôn giáo; đức Phật Thích Ca đã dạy rằng: dù chư Phật có ra đời hay không, Phật pháp vẫn có tự muôn đời.


C: Cho nên không cần phải là Phật tử, ai áp dụng Phật pháp thì sẽ được an lạc, cho dù người ấy ở trong bất cứ tôn giáo nào, thuộc bất cứ quốc độ nào.


A: Phải! Phải! Mình đã trả lời như vậy và thêm rằng: Phật pháp đem lại an lạc cho bất cứ ai áp

dụng vì Phật pháp dạy ta những qui luật của 3 mối quan hệ quan trọng của đời người, đó là:  1. quan hệ giữa người với người  2. quan hệ giữa người với thiên nhiên (môi trường sống)  3. quan hệ giữa người với quỷ thần.


B: Đúng vậy, nếu làm tốt 3 mối quan hệ này thì đúng là thế giới chúng ta sống sẽ “phong hòa vũ thuận, quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc” (mưa thuận gió hòa, nước thịnh dân an, thế giới hòa bình, mọi người an lạc).


C: Còn bạn A trả lời như thế nào với câu nói “Phật giáo không phải là triết học?”
A: Mình nói: Triết học nói chung gồm những học thuyết, những tư tưởng, những ý nghĩ hay những hệ thống tư tưởng, v.v... tìm cách định nghĩa, giải thích những sự việc, hiện tượng tâm lý hay vật lý, góp phần vào kho tàng trí tuệ của con người. Triết học thiên về lý thuyết còn đạo Phật chủ trương thực hành. Phật giáo là “đến để thấy” và sau khi thấy, hiểu rồi thì phải thực hành.
B: Buổi hội luận của chúng ta hôm nay thật ích lợi vì chúng ta đã tập hợp được những câu hỏi của các em khi muốn tìm hiểu thêm về đức Phật cũng như về đạo Phật để tự hào mình là người con Phật.


C: Mình cảm ơn các bạn rất nhiều; các câu trả lời của các bạn với các em đã soi sáng cho mình nhiều điều. Chúng ta có thể chấm dứt buổi hội thoại này được rồi nha! Xin tạm biệt!


A và B: Tạm biệt! Tạm biệt!

Tâm Minh

(Nguồn: TS. Pháp Luân số 62)

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác