Mái ấm gia đình

Mái ấm gia đình

Minh Nguyên  

Gia đình là tế bào, là hạt nhân của xã hội. Gia đình là nơi sản sinh ra những thế hệ tương lai, vừa là nơi cung cấp nguồn lao động cho nền kinh tế xã hội trong hiện tại. Gia đình còn là ngôi trường đầu tiên của mỗi người, ngôi trường ấy dạy chúng ta những bài học vỡ lòng, dạy chúng ta biết thương yêu, giúp đỡ, biết đối nhân xử thế, dạy chúng ta cách làm người. Gia đình là nền tảng, chắp cánh cho chúng ta bay cao, bay xa trong khung trời xã hội. Gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống mỗi con người.

Tổ tiên chúng ta đã dạy: “Chim có tổ, người có tông, cây có cội, nước có nguồn”. Ở xã hội Việt Nam, gia đình là một hình ảnh vô cùng thân thương, gắn bó và ấm áp nghĩa tình. Chính vì vậy mà gia đình còn được gọi là Mái Ấm.

Từ gia đình mà chúng ta được sinh ra, được khôn lớn thành người rồi hòa nhập vào cộng đồng xã hội để mưu sinh, để cống hiến và xây dựng xã hội, rồi trở lại vun đắp cho gia đình. Dù cho có đi đâu cũng nhớ về gia đình, nhớ về mái ấm thân yêu của mình. Mỗi khi gặp sóng gió, chông gai hay thất bại trong trường đời, chúng ta đều nhớ về gia đình, muốn được trở về mái ấm của mình để được cảm thông, an ủi, động viên; những lúc thành công hoặc là hạnh phúc trong cuộc sống chúng ta cũng muốn trở về gia đình để được cùng sẻ chia và tận hưởng niềm hạnh phúc ấy bên cạnh những người thân yêu. Đặc biệt là những người sống xa quê hương, bên kia bờ đại dương, cách quê hương nửa vòng trái đất, họ luôn nuôi hy vọng được trở về quê hương, trở về thăm lại ngôi nhà ấm cúng thân thương thuở nào. Còn những người tuổi đã xế chiều thì rất muốn được trở về quê nhà, quây quần bên con, bên cháu. Gia đình ẩn chứa những giá trị vô cùng thiêng liêng, cao quý. Khi xa quê, sống nơi xứ lạ quê người mới cảm nhận được một cách sâu sắc về giá trị của mái ấm gia đình và mới biết được nỗi nhớ nhà, sự khát khao được sống dưới mái ấm của gia đình nó da diết và khắc khoải đến nhường nào.

Ngày nay, cùng với sự biến đổi của xã hội, gia đình cũng thay đổi theo. Những đại gia đình tam, tứ đại đồng đường ngày càng hiếm thấy, phổ biến nhất là những gia đình trẻ, gia đình chỉ có hai thế hệ, cha mẹ và con cái. Ngay cả ở những vùng thôn quê, cảnh ông dắt cháu đi chơi, bà hát ru cháu ngủ cũng ít bắt gặp hơn.

Nhiều gia đình trẻ hiện nay đã dần dần đánh mất đi những giá trị thiêng liêng và cao quý, bị mờ dần sức ảnh hưởng đối với các thành viên trong gia đình. Các bậc cha mẹ trẻ thời nay suốt ngày vùi đầu vào công việc, không còn nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc con cái. Nhất là ở các thành phố lớn, sự tiếp xúc, liên hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng ít và càng lỏng lẻo. Con còn nhỏ thì cho vào nhà trẻ, con đến tuổi đi học thì cho vào trường bán trú, trường nội trú. Đôi khi cả ngày con không gặp được cha mẹ, cả ngày cha mẹ giao phó phận sự làm cha, làm mẹ của mình cho người khác. Nhiều gia đình, con cái có phòng riêng, con đi học về sớm thì tự túc ăn uống rồi vào phòng đóng cửa lại, cha mẹ đi làm về sau nhiều khi không gặp được con. Và cứ thế, ngày lại ngày, tình cảm giữa cha mẹ và con cái không còn thân thiết nữa, sự ảnh hưởng của cha mẹ đến con cái bị mờ nhạt dần. Cha mẹ không hiểu được con, con thì không tâm sự với cha mẹ. Mối liên thông giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa cách. Chính điều này đã dẫn đến bất hòa và bất hạnh trong gia đình.

Một số gia đình khá giả, các bậc cha mẹ nhận thấy được sự thiếu trách nhiệm của mình đối với con, họ muốn bù đắp lại cho con bằng cách đáp ứng những yêu cầu của con một cách dễ dàng, mua sắm những vật dụng sang trọng cho con và cho con tiền bạc. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều thanh thiếu niên con nhà giàu sa vào con đường tội phạm, sa vào nghiện ngập. Có một thực tế đáng buồn là phần lớn những thanh thiếu niên phạm pháp, nghiện ngập đều là những cậu ấm, cô chiêu.

Xã hội biến đổi, nếp sống gia đình cũng chịu ảnh hưởng. Những bữa cơm sum họp và ấm cúng của gia đình ngày càng ít đi. Con cái dần dần quên đi nghĩa cử tôn kính đối với ông bà, cha mẹ, chẳng hạn như vòng tay mời ông bà, cha mẹ trước khi dùng cơm, xới cơm và gắp thức ăn cho ông bà, cha mẹ, rồi rót nước, lấy tăm xỉa răng cho ông bà, cha mẹ sau khi ăn xong. Đây không phải hoàn toàn do lỗi của các em, vì các em đâu có điều kiện để làm việc đó. Đừng nghĩ rằng đấy là những việc bình thường, đừng xem nhẹ vai trò những bữa cơm sum họp trong gia đình. Tuy rằng nhỏ đấy, nhưng nó tạo thành đức tính tốt trong lòng con trẻ, nó để lại dấu ấn, trở thành những kỉ niệm êm đềm của tuổi thơ không thể nào mờ phai trong tâm thức. Chính những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách của các em, biết kính trên nhường dưới, biết thương yêu và hiếu kính với ông bà cha mẹ; cũng như đã góp thêm sức mạnh cho sự cố gắng vươn lên, khắc phục khó khăn và vượt qua những buồn phiền trong cuộc sống của các em.

Càng đau lòng hơn khi được biết hiện tại đang có không ít những gia đình không còn là mái ấm nữa. Những gia đình ấy đã trở thành nơi xung đột, đã trở thành một nơi hoang vắng, quạnh hiu. Vợ không muốn nhìn mặt chồng, chồng cố tránh mặt vợ, con không dám nhìn cha, không quấn quýt bên mẹ. Thậm chí là có những gia đình mà vợ chồng, con cái đi ra ngoài không muốn quay về, vì căn nhà quá lạnh lẽo, quá trống vắng và buồn tẻ. Sao lại đến nông nỗi này?! Do hoàn cảnh xã hội đã tạo ra những gia đình như vậy ư? Không phải thế. Chính những con người sống trong gia đình đó đã tạo nên tình cảnh gia đình như vậy. Trong đó, không thể không nói đến trách nhiệm của người phụ nữ, người vợ, người mẹ trong gia đình. Dù cho xã hội có biến đổi thế nào đi nữa thì thiên chức làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ vẫn không thay đổi. Đã là phụ nữ lập gia đình thì phải chăm lo cho mái ấm gia đình mình, phải chăm lo cho chồng cho con. Trong đó việc chăm lo những sinh hoạt thường nhật, về quần áo và cơm nước cho chồng con, tuy là đơn giản nhưng lại không kém phần quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc của gia đình. Bạn đừng quên rằng, khi ra ngoài xã hội dù cho bạn là gì đi nữa, nhưng khi về nhà, bạn vẫn là một người vợ và một người mẹ, vì thế bạn không thể bỏ quên trách nhiệm và thiên chức của mình đối với chồng con được. Bạn có thể bảo rằng, chồng bạn đã giúp đỡ bạn trong việc nội trợ. Vâng, chồng bạn có thể đảm trách việc nội trợ, nhưng chồng bạn vẫn là một người đàn ông, dù cho chồng bạn có chu toàn đến đâu cũng vẫn không bằng bàn tay của người phụ nữ. Đấy là chưa kể đến tâm trạng của người chồng khi phải ở nhà lo việc bếp núc, phải chịu nhiều ấm ức, mặc cảm với bạn bè, hổ thẹn với bản thân, xấu hổ với vợ con. Trong hoàn cảnh ấy, nếu người vợ không khéo léo trong ứng xử với chồng mình thì rất dễ xảy ra bất hòa. Và đây cũng là một nguyên nhân khiến gia đình không hạnh phúc.

Người nữ thời nay thường hay đấu tranh đòi bình quyền, bình đẳng. Đây là một điều hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, có nhiều người nữ đã hiểu chưa thấu đáo ý nghĩa của sự bình đẳng. Bình đẳng ở đây là bình đẳng về địa vị xã hội, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trong xã hội, chứ không thể xóa nhòa ranh giới của giới tính, đánh đồng những nét đặc trưng của nam giới và nữ giới được. Người nữ có thể làm những việc như người nam, có thể thành tựu như người nam và thậm chí là vượt trội hơn cả người nam. Nhưng ở một vài phương diện, người nữ không thể thay thế người nam cũng như người nam không thể thay thế được người nữ, mỗi giới có một thiên chức riêng của mình. Nam là nam mà nữ là nữ, không thể hoàn toàn như nhau được. Chính vì hiểu thiên lệch về ý nghĩa của sự bình đẳng nên một số phụ nữ đã bỏ quên thiên chức làm vợ, làm mẹ của mình, họ lao vào các công việc xã hội, muốn cống hiến cho xã hội, nhưng lại không hề quan tâm đến bữa cơm gia đình, tâm trạng của chồng, giấc ngủ của con, để rồi phải đau khổ ê chề vì chồng theo vợ bé, con vào nhà giam. Người nữ nên nhớ rằng, chăm lo cho gia đình, cho chồng con cũng là một hình thức cống hiến sức mình cho xã hội. Và có thể nói rằng, đấy là một sự cống hiến cao quý nhất người phụ nữ đối với xã hội, vì người phụ nữ đã làm một việc khó làm, đã đóng góp cho xã hội những công dân, những lực lượng lao động đủ sức vóc thể chất và tinh thần, đã góp phần vun đắp và giữ gìn truyền thống của gia đình và các chuẩn mực đạo đức cho xã hội, đã góp phần xây dựng một xã hội bền vững vì xã hội ấy được đặt trên nền tảng của đạo đức. Người xưa đã gọi người phụ nữ là nội tướng, một danh xưng vô cùng cao quý. Hai chữ “Nội Tướng” quả thật có ý nghĩa sâu sắc vô cùng. Danh xưng này cho thấy vai trò của người phụ nữ trong việc chăm lo cho gia đình, cho chồng con đã được xã hội đánh gia rất cao, và rất được kính trọng, không kém gì người đàn ông ở ngoài sa trường. Xã hội đã đánh giá rất cao nhiệm vụ chăm lo gia đình của người phụ nữ nên mới ban tặng cho họ danh xưng ấy. Và người thời nay cũng vẫn đánh giá cao vai trò của người phụ nữ trong những công việc thuộc thiên chức của họ. Điều này được thể hiện qua việc nêu gương những người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà. Vì thế, nếu người phụ nữ nào đã xem nhẹ công việc chăm lo cho gia đình, cho chồng con, đã bỏ quên thiên chức làm mẹ, làm vợ của mình thì xin hãy thay đổi lối tư duy của mình, hãy làm một nội tướng tài trước khi làm một doanh nhân, một chính khách… thành đạt.

Là người đệ tử của đức Phật, học tập theo giáo lý của Ngài và được thấm nhuần trong tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật, chúng ta có thể làm gì để xây dựng mái ấm gia đình mình? Trong kinh Thiện Sanh (Giáo thọ Thi Ca La Việt) thuộc Trường bộ kinh, đức Phật đã dạy rất rõ về vấn đề này. Với cương vị là một người chồng, người cha trong gia đình, phải biết tôn trọng vợ, thủy chung với vợ, giao quyền hành cho vợ; phải quan tâm đến vợ và nên mua sắm nữ trang cho vợ, tặng vợ những kỷ vật vào những dịp đặc biệt và khéo léo trong mối quan hệ giao tiếp với những người thân bên gia đình vợ. Đồng thời phải quan tâm chăm sóc, dạy bảo con cái trong gia đình, gần gũi và tâm sự với con, động viên khích lệ con trong cuộc sống và giúp con có định hướng đúng đắn cho cuộc sống, khuyến khích con đến với đạo Phật, học hỏi giáo lý của đức Phật và thực hành những giáo lý ấy. Với cương vị là một người vợ, người mẹ trong gia đình, phải có lòng thương tưởng chồng, thủy chung son sắt với chồng, quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của chồng, khéo léo trong mối quan hệ ứng xử đối với bạn bè và người thân của chồng, biết hạch toán chi tiêu và dành dụm của cải mà vợ chồng đã vất vả làm ra để phòng khi bất trắc. Đồng thời phải quan tâm chăm sóc con cái trong gia đình, chung sức với chồng trong việc dạy bảo con, giúp con xây dựng cuộc sống tương lai của chúng, gần gũi tâm sự, sẻ chia những chuyện buồn vui, những ưu tư, trăn trở của con và khuyến khích, hướng dẫn con đến với đạo Phật, học tập theo những chuẩn mực đạo đức và luân lý mà đức Phật đã dạy. Điều này cũng được đức Phật dạy rõ trong kinh Bảy loại vợ và kinh Người vợ mẫu mực thuộc Tăng chi bộ kinh.

Ông bà cũng có những đóng góp, có sự ảnh hưởng không nhỏ đối với những người cháu của mình. Ông bà vì tuổi đã cao nên ít khi vắng nhà, do vậy có thể thay con chăm sóc, dạy bảo cho cháu. Nhất là lúc cháu còn nhỏ tuổi, ông bà có thể những cách hành xử rất khéo léo để dẫn dắt cháu đi theo con đường Chân-Thiện-Mỹ. Ông dẫn cháu đi chơi, kể chuyện đạo cho cháu nghe, trả lời những thắc mắc của cháu, phân tích cho cháu hiểu những đạo lý làm người. Bà ru cháu ngủ, kể chuyện cho cháu nghe, động viên cháu học. Những mẩu chuyện mà ông bà kể cho cháu nghe lúc thiếu thời, tưởng chừng như để giải trí, để vỗ về cháu nhưng nó lại có sức ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của cháu và nó sẽ theo cháu trong suốt cuộc đời.

Còn với cương vị là một người con, người cháu trong gia đình thì phải biết hiếu thảo, thương kính, quan tâm, chăm sóc và phụng dưỡng ông bà, cha mẹ lúc về già, phải giữ gìn thanh danh của gia đình. Nếu ông bà, cha mẹ chưa hướng về chánh đạo thì khéo léo dẫn dắt họ về với Chánh đạo, giúp họ hiểu biết về nhân quả, nghiệp báo, biết đến những đạo lý làm người mà đức Phật đã dạy để họ trở lại làm ăn chơn chánh và sống một cuộc sống hiền lương.

Một điều rất quan trọng đối với người Phật tử đó là dù cho ở cương vị nào thì chính bản thân mình phải sống đúng Chánh pháp, phải thể hiện được tư cách của người Phật tử, nêu gương cho mọi người thấy được sự ảnh hưởng tích cực, sự lợi ích của những chuẩn mực đạo đức, luân lý của đạo Phật đối với cuộc sống của mình. Đây mới là vốn liếng đích thực của người Phật tử trong cuộc sống để hành xử với những người thân trong gia đình và ngoài xã hội. Đôi khi không cần đến lời nói, chỉ bằng những cử chỉ, hành động, bằng lối sống thôi cũng đã cảm hóa được người thân của mình, khơi dậy trong họ mối thiện cảm với người Phật tử, mối thiện cảm với đạo Phật và tự nhiên họ cũng trở nên sống hiền lương hơn. Và chính họ chủ động tìm đến với đạo Phật để sống theo những chuẩn mực đạo đức cao quý trong lời dạy của đức Phật.

Những lời dạy về cách hành xử và cách sống giữa những người thân trong gia đình của đức Thế Tôn thật là cụ thể, thiết thực và thấu tình đạt lý. Dù cho ở thời đại nào, ở xứ sở nào đi nữa thì những lời dạy ấy vẫn luôn là khuôn vàng thước ngọc để cho những ai muốn xây dựng hạnh phúc cho mái ấm của mình noi theo.

Gia đình, hai tiếng thân thương, chứa đựng xiết bao ân tình, gắn liền với bao kỷ niệm êm đềm, thân thương của tuổi ấu thơ. Gia đình là mạch nguồn truyền trao những giá trị nhân văn sâu sắc. Hãy cùng nhau giữ gìn và phát huy những giá trị của gia đình Việt Nam, để gia đình mãi mãi là mái ấm che chở cho các thành viên, là hình ảnh đẹp trong tâm hồn những người con đất Việt.■

(Nguồn: TSPL số 44)

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle