Bước đầu làm quen với Thiền
Bước đầu làm quen với Thiền
Kính thưa quí vị và các bạn,
Ðối với các bạn trẻ, đạo Phật rất hấp dẫn vì tính cách khoa học và khai phóng của nó; không giáo điều, thần bí và “độc tài” như ở vài tôn giáo khác. Tuổi trẻ luôn tìm hiểu Phật pháp bằng cách tham gia vào những sinh hoạt tu học, cũng như tham dự những khóa tu do các vị Thiền sư hướng dẫn. Tuy nhiên, mấy chữ “tu Thiền”, “tu Tịnh độ”, “Tu Mật tông”… đối với họ vẫn còn mới mẻ và cao siêu quá, cho nên những người Huynh trưởng có bổn phận giải đáp những câu hỏi rất cần thiết nhưng đôi khi hơi ngây ngô của các em - cũng là huynh tưởng nhưng HTr. trẻ, chưa thông hiểu những ngôn ngữ Thiền, Tịnh, Mật, v.v…
Hôm nay chúng tôi xin mời quí vị và các bạn cùng chúng tôi tham dự một buổi hội thoại bỏ túi giữa anh chị em Huynh trưởng GÐPT, tạm gọi tên là A, B, C (A là H.Tr lớn, thông hiểu danh Phật pháp hơn hai em B và C).
B: Thưa Anh, kỳ vừa rồi, em nghe mấy bác nói “tôi tu Thiền” hay “tôi tu Tịnh Ðộ”… em không hiểu; vì anh chị dạy chúng em “tu là sửa”. Vậy thì các bác sửa Thiền và Tịnh Ðộ sao?
C: Thiền và Tịnh Ðộ thật ra là gì? Tại sao phải sửa? Ai thì có thể sửa được?
A: Thong thả đã, anh trả lời B trước rồi mới đến câu hỏi của C nha!
B&C: Dạ, dạ!
A: Ðúng vậy, Thiền và Tịnh Ðộ là hai cách tu, nói đúng hơn là hai pháp môn trong rất nhiều pháp môn tu của Phật giáo; nói nôm na là hai cánh cửa trong rất nhiều cánh cửa để vào Ðạo, vào Phật pháp. Như vậy, các bác đã nói “tắt”, đáng lẽ ra phải nói: “tôi tu theo pháp môn Thiền”, hay “tôi tu theo pháp môn Tịnh độ”. B, em hãy nói cho C biết Thiền là gì?
B: Thiền là thiền định (Meditation, Concentration - Zen) là tập trung tư tưởng, chú tâm về một đề mục nào đó, một việc gì đó. Ví dụ em tập trung tư tưởng vào việc đếm hơi thở hay vào việc quan sát tượng đức Phật Thích Ca (hay đức Phật A-di-đà, đức Quán Thế Âm, v.v...). Còn Tu là gì? Bạn (C) hãy nói đi!
C: Tu là sửa, sửa những thói hư, tính xấu như tính tham lam, tính hay giận dữ, hay nổi nóng… Những tính xấu đó làm cho chúng ta trở nên khổ sở, bất an, phiền não; và đó là những hạt giống xấu đã được huân tập từ muôn ngàn kiếp trước rồi. Bây giờ chúng ta tu là để loại trừ những hạt giống xấu đó và gieo vào tâm ta những hạt giống của sự vui vẻ, hiền hòa, bình tĩnh, từ bi…
A: Như vậy là các em nắm được vấn đề chính yếu. Tu là sửa những thói hư tật xấu, và tu Thiền hay tu Tịnh độ là sửa theo cách dạy, theo phương pháp của Thiền tông hay của Tịnh Ðộ tông.
B: Em nghe anh nói tu có nghĩa là “sửa” và cũng có nghĩa là “chuyển hóa” phải không? Xin anh cho chúng em ví dụ để hiểu rõ hơn.
A: Như chúng ta đã biết, phiền não hay giận dữ không phải ở luôn trong tâm chúng ta. Chúng chỉ là “những đám mây đen” hay “những cơn mưa giông” kéo ngang qua “bầu trời Tâm yên tĩnh”. Như vậy, khi ta biết dùng trí tuệ để xua tan phiền não hay dẹp cơn giận dữ thì cũng như mặt trời hiện ra sau cơn mưa hay xua tan mây đen vậy. Lúc đó, giận dữ hay phiền não đã được chuyển hóa thành bình yên và an lạc. Tuy nhiên hết nắng lại mưa đấy! Không phải phiền não không trở lại đâu!☺☺!! Vì vậy mà chúng ta phải tu hoài!
C: Anh có nói rằng mục đích của sự tu hành là sửa những thói hư, tánh xấu (gọi chung là phiền não) còn tụng kinh, ngồi thiền,… đều là phương tiện; có phải vậy không?
A: Ðúng vậy! Anh xin nói thêm về Thiền. Thiền hay “thiền na” tiếng Sanskrit là dhyãna còn tiếng Pali là jhãna, tiếng Trung Hoa là tĩnh lự, tiếng Anh như các em đã biết là meditation, tiếng Nhật là zenna hay zen. Thiền là gồm những phương pháp tu tập khác nhau nhưng với mục đích chung là đạt được kinh nghiệm của sự tỉnh giác, giác ngộ, chứng ngộ, giải thoát, v.v...
Thiền gồm có hai: Thiền chỉ và Thiền quán. “Chỉ” là dừng lại, giữ tâm thức an tịnh, không tán loạn, đình chỉ mọi ý nghĩ lăng xăng. “Quán” là xét, soi rọi kỹ về một vấn đề gì, tìm cách “thấy” rõ hơn… ví dụ quán về thân tứ đại, về khổ, về vô thường, v.v...
Ðó là những định nghĩa và ý niệm tổng quát về Thiền ở trình độ của anh chị em chúng ta; bây giờ chúng ta hãy nói về thực tập Thiền trong đời sống mà GÐPT chúng ta đã và đang áp dụng đi!
C: Dạ, em xin anh nói thêm cho chúng em về mục đích và phương tiện như câu hỏi trên của em mà anh mới trả lời một nửa!☺☺!!
A: Phải rồi, xin lỗi em! Mục đích tu là sửa những thói quen xấu, sai lầm, chữa những “bệnh” tham lam, ganh tị, độc ác,… những bệnh làm cho tâm mình dao động, điên đảo, bất an… trả lại cho tâm những giây phút tĩnh lặng, trong sáng. Thế nhưng nhiều người nhầm lẫn giữa phương tiện và mục đích. Họ chỉ lo ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật, v.v… mà quên kiểm chứng xem tính xấu của mình có bớt không? Tính tốt có tăng thêm không? Những thói quen xấu ác có hoạt động mạnh không?
B: Sao vậy hở anh? Em tưởng hễ mình siêng năng ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật thì nhất định phải tiến bộ chứ!
A: Em nói cũng đúng nhưng đúng một phần thôi, không phải “nhất định” như em nói đâu, bởi vì có người tụng kinh, trì chú, v.v… mà trong bụng lại có ý hại người hay ngồi thiền để giữ tâm được định trước tiếng rên la của đồng loại!
B: Thật vậy sao anh? Cái gì mà lạ vậy? Như vậy sao gọi là tu được?
C: Cái này em có biết vì đã đọc trong sách đó! Như trong truyện dịch từ một cuốn sách của Nhật - “Shogun” - có ông tướng gì đó, tra tấn tù binh của ổng bằng cách đun người ấy trong một thùng nước sôi; nạn nhân rên la thảm thiết, những người dân ở gần đó phải dọn đi hết mà ông ta cứ “ngồi thiền” để “định tâm” và “an nhiên tự tại” ăn uống, tẩm bổ, hưởng thụ cuộc sống sung túc của mình.
B: Thật là kinh khủng quá! Tu cái gì kỳ vậy?
A: Ðó không phải là tu mà họ chỉ lợi dụng phương pháp định tâm của Thiền để dùng vào mục tiêu riêng của họ mà thôi! Còn có một chuyện nữa làm các em ngạc nhiên hơn. Đó là chuyện trước khi sư Từ Ðạo Hạnh xuất gia; ông ta luyện chú Đại Bi để có phép rồi trở về giết pháp sư Ðại Ðiên để trả thù cho cha.
C: Em cũng có đọc qua chuyện đó trong cuốn Thiền Sư Việt Nam của Thầy Thanh Từ, phải không anh? Rõ ràng phương tiện là trì chú nhưng mục đích lại là giết người thì đâu có phải là tu theo Phật anh hở?
A: Đúng vậy đó, các em! Những người như vậy là tu theo Ma chứ không phải tu theo Phật rồi! ☺☺!! Các em có nghe nói “Phật cao một thước, Ma cao một trượng” không? Ý nói về phương tiện thì Ma không thua Phật đâu, nó chỉ thua Phật ở mục đích, cứu cánh của sự tu hành mà thôi, còn tâm Ma và tâm Phật trong chúng ta thì chỉ cách nhau trong gang tấc. Riêng về thiền sư Từ Ðạo Hạnh; sau khi trả thù cha, ông ta đã ăn năn và bỏ tất cả để thật sự tu hành và sau này đã trở nên một thiền sư Việt Nam nổi tiếng vào thế kỷ thứ 12 đó các em ạ.
B: Như vậy người ta gọi là “bỏ đồ đao xuống là thành Phật” đó phải không anh?
C: Không phải vậy, ông này đâu có phải là chuyên môn giết nguời đâu mà bạn nói như thế?
A: C nói đúng, trường hợp vị sư này là do một phút nông nổi, bất giác, bị lòng thù hận xâm chiếm, bị mối thù giết cha khống chế, bị quan niệm sai lầm cố chấp và hẹp hòi về chữ Hiếu thúc đẩy nên mới dấn thân vào sự trả thù và tư tưởng trả thù đã che mờ lương tri, không còn nhớ lời Phật dạy “lấy oán báo oán, oán không bao giờ dứt” và cũng không còn nhớ bài học của ngài Ngộ Ðạt trong kinh Thủy Sám nữa!
B: Anh nói “bất giác” có phải là trái nghĩa với tỉnh giác không?
A: Phải đó, trong một phút bất giác, ta có thể nói hay làm những điều tệ hại không thể tưởng tượng được, có thể khiến ta phải hối hận, đau khổ… về sau này. Vì vậy, Thiền áp dụng trong cuộc sống của GÐPT chúng ta là nhằm cho các em tập tỉnh thức (mindful), ý thức rõ ràng mình đang làm gì, đang nói gì, đang nghĩ gì; biết được những ý nghĩ, lời nói ấy, việc làm ấy không gây đau khổ cho mình và cho người khác, mà nếu tích cực hơn thì còn đem lại an vui hạnh phúc cho mình và người chung quanh nữa.
C: Em biết rồi, đó là “sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ” phải không anh?
B: Em cũng biết rồi, như các anh chị dạy chúng em phải học thuộc các thi kệ và khi thấy cái gì, làm cái gì… đều nghĩ đến người khác và nguyện cho mọi người được an lạc có phải không?
C: Ví dụ như khi đi ra đường thấy đường sạch sẽ ta liền nhớ bài kệ:
Thấy đường sạch sẽ
Nguyện rằng chúng sanh
Thường hành đại bi
Tâm luôn tươi mát.
Còn thấy đường bụi bặm thì đừng có phàn nàn, “đường gì mà dõm vậy!” mà phải nhớ đến bài kệ này nha!
Gặp đường đầy bụi,
Nguyện rằng chúng sanh
Rời xa bụi bặm
Giữ lòng thanh tịnh.
Hễ gặp đám đông hãy nghĩ đến bài kệ:
Khi thấy đám đông
Nguyện rằng chúng sanh
Nói lý thậm thâm
Hòa hợp tất cả.
Và bản thân mình thì áp dụng bài kệ này để khi hội họp thì nói lý lẽ để xây dựng, không nổi nóng, không cố chấp… đó là những phương pháp để mình thực tập về sự tỉnh thức phải không anh?
A: Đúng vậy! Các em rất giỏi, đã thuộc nằm lòng những bài kệ để “phòng hộ” tâm như lời dạy của chư Tổ về Thiền:
Khi sáu căn tiếp xúc sáu trần
Đem ý thức tinh chuyên phòng hộ.
B: Tại sao phải “phòng hộ” tâm hở anh? Khi tiếp xúc với cảnh, tâm bị nguy hiểm chăng?
A: Phải đó! Ví dụ như khi mắt thấy của cải, vàng bạc, v.v... thì tâm sinh ham muốn, ý muốn ăn cắp khởi lên, người ăn trộm sẽ tìm cách để cướp của, kể cả giết người… rồi sau đó anh ta có thể bị tù tội, xử tử, v.v... các em thấy có phải không những tâm gặp nguy hiểm và thân cũng gặp nguy hiểm nữa hay không?
Có người nói rằng nếu đối cảnh mà không sinh tâm thì không cần phải học Thiền nữa.
C: Như vậy, Thiền dạy cho ta làm những gì từ thấp lên cao hở anh?
B: Bạn hỏi gì mà nhiều vậy? Bộ bạn muốn thành Phật liền sao?
A: Câu hỏi của C đúng thật là nhiều đó, nhưng anh sẽ trả lời một phần theo hiểu biết của anh và chương trình học của GÐPT chúng ta thôi nha!
Trước khi tu tập Thiền, chúng ta đều được dạy phải hội đủ ba điều kiện: phát Bồ đề tâm, xa lìa tham sân chấp ngã và hiểu rõ tánh Không; nếu thiếu một trong ba yếu tố đó thì dù luyện thần thông cao đến đâu cũng chỉ là hành Ma đạo mà thôi! ☺☺!!
C: Chúng em đã học về phát Bồ-đề tâm, tham sân chấp ngã rồi, còn tánh Không có phải là thực tánh duyên khởi của các Pháp không anh?
B: Nghĩa là mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ này, ở thế giới ta-bà này đều không có thực tánh và không có cái gì độc lập tồn tại? “Cái này có vì cái kia có, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt...” phải không?
A: Đúng vậy, và chúng ta phải thường quán sát để thấy như thế. Như vậy thì trong khi tu thiền, hay bất cứ tu theo pháp môn nào, tâm ta cũng không có mong cầu, mà chỉ thực hành theo lời dạy của Kinh, của Thầy mà tu tâm sửa tính; vì đã biết duyên khởi, đã tin nhân quả, nghiệp báo… thì không còn gì để mong cầu hay van xin ai cả; chính mình là người sẽ ban ân hay giáng họa cho mình, tùy vào những hành vi của mình qua ba ngỏ thân, miệng, ý là thiện hay bất thiện mà thôi.
C: Như vậy, xin Anh tóm tắt lại cho chúng em GÐPT chúng ta tu Thiền như thế nào?
B: Em đâu thấy chương trình có tu thiền đâu anh?
A: Tuy không ghi rõ là tu Thiền nhưng những bài về “Chánh niệm và Tỉnh thức”, “Ăn cơm trong chánh niệm”, “Hạnh lắng nghe”, “Nghệ thuật nghe Pháp thoại” hay 5, 10 phút ngồi tĩnh tâm trước hay sau buổi lễ Phật hằng tuần, hay những bài thi kệ, v.v… tất cả đều nằm trong nội dung của giáo dục Thiền đấy các em ạ!
C: Xin anh trở lại câu hỏi của em!
A: Về lý thuyết, chúng ta học cho biết về các phương pháp Thiền, về thực hành chúng ta chú trọng hai phần: Sám hối (tu tâm dưỡng tánh) và tập ngồi thiền (tại Chùa cũng như ở nhà hay ở những khóa tu học). Ðó là lý do tại sao dù ở ngành nào, bậc nào chúng ta cũng đều tụng bài sám hối đầu tiên hết trong các buổi lễ Phật. Tụng và thực hành sám hối chân thật về các căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, v.v...), chúng ta phải soi rọi lại mình, từ cái thấy, cái nghe, v.v… Ví dụ: Mắt thấy sắc (vật chất: cái hoa, của cải, con người, v.v…) có sinh tâm tham lam muốn chiếm hữu không? Tai nghe lời khen tiếng chê có sinh tâm ngã mạn hay giận dữ, ganh ghét không? v.v... Nếu thấy mình có lỗi thì phải biết sửa lỗi.
Về thực hành Thiền thì tùy theo trình độ, ngồi thiền, tĩnh tâm, tham dự những khóa tu học, v.v... Nhưng dù bất cứ dưới hình thức nào cũng không xa rời mục đích giữ gìn chánh niệm và cần nhất là áp dụng Thiền trong đời sống, luôn nhìn lại mình từng giờ, từng phút chứ không phải chỉ trong thời gian 5 phút, 15 phút hay 1 giờ… của thời khóa tu tập hằng ngày mà thôi đâu!
B: Thưa anh, còn những điều chúng ta học trong bài Lục độ Ba-la-mật thì sao? Chúng ta mới áp dụng “sổ tức quán” và “niệm Phật quán” trong thiền định thôi, phải không?
A: Phải, chúng ta chỉ mới bước đầu làm quen với Thiền mà thôi. Nói đúng hơn, chúng ta chỉ áp dụng phép đếm hơi thở để giữ tâm tĩnh lặng, để tập dừng lại các tư tưởng lăng xăng… Tâm có lặng thì mình mới có dịp soi rọi lại mình, để “thấy” được những tư tưởng khởi lên như thế nào, tồn tại và lặn xuống như thế nào, v.v... Ðó là một trong những cách để chuyển hóa tâm giận dữ, tâm đố kỵ… Còn về pháp quán thì chúng ta chỉ mới tập “quán vô thường” bằng cách trầm tư suy gẫm về vô thường trong đời sống, trong trời đất, trong lịch sử nhân loại, và trong chính tâm ta.
Câu chuyện cũng đã dài rồi. Hôm nay chúng ta tạm dừng đây nha!
C: Cảm ơn anh đã giải thích cho chúng em rất nhiều về chữ “tu” nhất là những điều lý thú về tu Thiền.
B: Lần sau anh sẽ nói thêm và kể cho chúng em nhiều mẫu chuyện ý nghĩa về Thiền nữa chứ?
A: Được! Tạm biệt các em!
B&C: Tạm biệt! Tạm biệt!
Tâm Minh