Tâm sự với người bạn đạo xuất gia
Tâm sự với người bạn đạo xuất gia
Bạn Sa Di thân mến,
Chúng ta như vậy đã có duyên may quen biết với nhau qua những quá trình hoạt động về đạo Phật. Bạn đã xuất gia từ nhiều năm nay và rời xa thế tục, đi hẳn vào trong chùa để nương náu trong cánh cửa từ bi và thực hiện lý tưởng cứu khổ độ thế. Không Quán vẫn hằng tán thán công đức của bạn và tán thán nhân duyên thù thắng của bạn, tích lũy từ nhiều đời, để kiếp này có được thuận duyên xuất gia.
Chúng ta cùng là bạn đạo, có thể nói là gần như đồng cảnh ngộ và tuổi tác thế hệ. Bạn ra đi du học cùng một năm với Không Quán, chỉ cách nhau mấy tháng. Tuy chúng ta đi du học khác nhau về nơi chốn, phần bạn thì đi sang Âu châu, còn Không Quán lưu lạc sang vùng nói tiếng Pháp của Bắc Mỹ. Hoàn cảnh nhân duyên của hai chúng ta có khác nhau, nhưng tựu chung thì chúng ta đồng thế hệ cho nên sự giao cảm quả thật dễ dàng. Và đặc biệt, tâm đạo của chúng ta thì gần như đồng nhất, khát khao mưu cầu hạnh phúc rốt ráo cho mình và cho các chúng sinh hữu tình. Như thế, trong nhân duyên của bạn, bạn đã xuất gia và có những hoàn cảnh và khuôn khổ của người tu sĩ khép mình trong giới hạnh, hành trì. Còn Không Quán, tuy nhân duyên chưa thuận để trở thành tu sĩ, nhưng ý nguyện tìm về cửa đạo thôi thúc để trở thành một dịch giả và sống để viết văn thơ về đạo.
Nhân chuyến thông dịch hai lần qua cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, thuận duyên đã đưa chúng ta hội ngộ đến đến gần nhau để cùng đi trên con đường tìm học về đạo, chung nhau dưới sự giảng dạy của vị đạo sư lớn nhất đương thời. Chúng ta đã có dịp cùng học hỏi và trao đổi những hiểu biết và thắc mắc trên con đường hành trì của riêng mỗi chúng ta, nhưng có lẽ cũng là những câu hỏi và thắc mắc tiêu biểu của chung tất cả những vô lượng vô số bạn đạo đang hiện hữu trên thế gian, cùng đi tìm về ánh sáng soi đường giác ngộ của đấng Thiên Nhân Sư.
Bạn Sa Di thân mến, bạn hỏi Không Quán những câu hỏi, nhưng Không Quán vẫn hằng nghĩ rằng bạn hỏi với tâm nguyện từ bi giống như hạnh nguyện của chư vị Bồ tát. Tâm thức của bạn đã nhuần nhuyễn trong ý đạo, Không Quán nghĩ bạn hỏi chẳng phải vì bạn không biết và hỏi riêng cho cá nhân bạn, mà có lẽ bạn mang tâm trạng tương tợ như của Ngài Xá Lợi Phất, tâm trạng mà Đức Thích Ca Mâu Ni đã tán thán qua các bài kinh từ kim khẩu của Ngài:
"Lành thay! Xá-lợi-phất! Thầy có nhiều lòng lân mẫn vì lợi ích đến chúng sinh hữu tình mà đặt câu hỏi để lợi lạc chúng sinh..."
Khi viết như thế, ý của Không Quán chỉ muốn nói đến tâm nguyện cao thượng của bạn chứ chẳng có ý gì khác. Bản thân Không Quán chỉ cũng là một người đi tìm về đạo, như bao nhiêu người khác, và câu hỏi đặt ra thì chúng ta cùng nhau bàn thảo và học hỏi để có thể đả thông những thắc mắc. Cổ nhân đã có câu: “học thầy không tày học bạn” mà phải không!
Và như thế, trong tinh thần cùng nương nhau mà học hỏi Phật pháp và thảo luận, bạn viết cho Không Quán lá thư thân tình....
Trích thư:
A Di Đà Phật
Gửi anh Sonam Nyima.
Anh Sonam Nyima,
Sa Di vừa vừa mới hoàn tất một chuyến đi về Việt Nam thăm các chùa chiền và các bạn đạo, nghĩa là vừa mới từ Sài gòn về lại Paris. Chuyến đi này, Sa Di đã chuẩn bị từ lâu để làm một số công chuyện, mà vì xuất gia bận rộn trong công việc tu hành Sa Di đã tạm gác lại. Lần này, Sa Di về rất là tốt và vui vẻ, thân nhân bạn bè hài lòng và chuyến đi rất thành công. Nhưng có một điều thú vị phải kể cho anh nghe là hôm trước khi ra phi trường trở về Paris, Sa Di đi qua một tiệm sách ở đường Lê Lợi, thấy bày bán cuốn sách mang tên anh viết, nên Sa Di có mua được quyển sách ấy, mang tựa đề là "Nhật ký Dharamsala".
Mấy ngày nay, Sa Di bỏ công ra để đọc xong quyển sách "Nhật ký Dharamsala", và nhận thấy là anh viết về chuyến đi hành hương học đạo tại nơi đức đương kim Đạt Lai Lạt Ma trú ngụ rất hay. Ngày mai, Sa Di sẽ đưa quyển sách cho một người bạn đạo đọc. Tiếc là không còn ở Sài gòn, nếu không Sa Di sẽ mua nhiều quyển khác mang đi biếu người quen để làm món quà tinh thần nhỏ từ Việt Nam.
Trong sách anh có nhắc đến bài anh đã viết và đăng tải trên các diễn đàn mang tựa đề "Khổ đau và hạnh phúc" (1), nên Sa Di đã vào trong trang nhà của anh và đọc bài anh viết. Câu chuyện của anh viết về liên hệ tình cảm giữa đôi bạn, một người ở Paris, một người ở Orange County của thành phố Sài gòn nhỏ (Little Sài Gòn) tại Los Angeles. Dù sao, câu chuyện với đề tài nói đến những hệ lụy giữa đôi bạn và với bối cảnh là thành phố Paris, nơi của Sa Di trú ngụ cho nên Sa Di thấy câu chuyện có một hình thức khá lãng mạn, bởi dù sao thì đó cũng là một câu chuyện tình.
Đọc xong, Sa Di có một câu hỏi nhỏ này, không biết anh có từng suy tư về nó, hoặc có ý kiến, chứng nghiệm riêng cá nhân của mình để chia sẻ với Sa Di, hoặc là đã từng hỏi các Lạt ma Tây Tạng chưa? Nếu có thì Sa Di muốn biết các ngài nghĩ sao về câu hỏi nhỏ sau đây của Sa Di.
Câu hỏi như sau:
Người đã chọn đường tu, cho dù là tu cư sĩ tại gia cũng là tu, vậy tâm hồn lãng mạn có đi ngược gì với với sự tu hành? Và nhất là cản trở tâm giải thoát? Chỉ là một câu hỏi nhỏ thôi nhé, hỏi để tìm hiểu với nhau và không có ý phê phán hoặc hậu ý gì khác hơn đâu.
Lý do Sa Di hỏi câu này là bởi vì hôm trước, Sa Di có thảo luân với một người nhiều tình cảm, nên Sa Di không biết làm sao phân tích cho họ khác biệt của lòng từ bi và tình cảm thế gian. Nhờ anh giúp ý kiến.
À, cũng xin nói với anh thêm, Sa Di nhận thấy trang nhà của anh có nhiều bài mà cá nhân Sa Di thấy hay và thích.
P.S: Có lẽ mình cùng thế hệ và niên tuế cho nên dễ dàng thông cảm và bàn luận chung với nhau trong tinh thần rộng rãi cởi mở. Theo Sa Di nhớ là anh đi du học Canada cuối năm 1970, còn Sa Di thì đi du học Âu châu đầu năm 1970.
A Di Đà Phật,
Sa Di cẩn bút.
Ngưng trích.
Câu hỏi của Sa Di là một câu hỏi khá phổ thông của những con tim muốn đi tìm về đạo, nhưng có thể vẫn còn những gút thắt: cái gì là đạo, cái gì là đời, ranh giới giữa hai bên dường như rất là khó phân biệt. Đồng thời, mang tâm trạng nửa ngại ngùng, nửa sợ hãi: đi tu rồi thì có còn được phép lãng mạn một chút hay không, có phải khép mình trong kỷ luật của giới luật, và diệt tiệt những tình cảm trong lòng?
Bạn ơi, Không Quán hiểu và thông cảm những thắc mắc đó. Và nhất là Không Quán hiểu tầm quan trọng và đứng đắn của câu hỏi. Cho nên Không Quán xin trân trọng trình bày qua lá thư trả lời ngắn gọn, gửi đến bạn Sa Di với tất cả những tâm sự chân thành nhất trong cuộc đời tìm về đạo của Không Quán. Mời bạn pha một ly trà thơm, và cầm trong tay thong thả đọc lá thư trả lời này… với tất cả tấm lòng thương mến của người đạo hữu cư sĩ tại gia xin gửi đến người bạn xa xôi …
Kính bạn Sa Di,
Trước hết với tư cách là một người viết văn và làm thơ ở một vị trí phải nói rất là khiêm nhường trong văn đàn, Không Quán xin trân trọng cám ơn lòng ưu ái của Sa Di đối với những tác phẩm mà Không Quán đã viết...
Thứ hai, nếu bạn Sa Di đọc hết truyện "Khổ đau và hạnh phúc" thì chắc hẳn bạn cũng đã đọc phần kết của bài, trong đó có những lời tha thiết khuyến tu đạo và buông xả chấp thủ (nếu bạn Sa Di ở Âu châu và thành thạo Pháp ngữ thì chấp thủ trong tình yêu nghĩa là: l’amour possessif).
Nói một cách khác, với một tính cách khẳng định thế nào là tình yêu tinh thuần, thì Không Quán viết như sau :
Tình yêu thực sự tinh thuần lìa xa mọi sự chấp thủ... Như thế nghĩa là tình yêu thực sự tinh thuần không có cái ngã của ta ở trong đó.
Chúng ta sẽ trở lại đào sâu về khía cạnh này ở phần sau.
Bây giờ mình bàn thảo với nhau về câu Sa Di hỏi:
Người đã chọn đường tu, cho dù là tu cư sĩ tại gia cũng là tu, vậy tâm hồn lãng mạn có đi ngược gì với với sự tu hành? Và nhất là cản trở tâm giải thoát?
Theo thiển nghĩ của Không Quán, câu này có thể giải đáp qua 2 phương diện:
1. Trên phương diện Mật tông (và cả Hiển giáo): quá trình tu tập đặt nặng trên hành trì phát tâm Bồ Đề. Nhưng muốn phát tâm Bồ Đề, theo Không Quán trước hết, phải hiểu tâm Bồ Đề là cái gì và nó dựa vào đâu để mà có thể khởi lên?
Bồ Đề (phạn ngữ Bodhi) nguyên nghĩa là Giác (ngộ như chư Phật), do đó người tu hạnh Bồ Đề gọi là Bồ tát, nguyên chữ là Bodhisattva. Chữ này là một từ kép bao gồm Bodhi và Sattva. Bodhi là Giác, sattva là chúng sinh hữu tình.
Vậy Bodhisattva hay Bồ tát dịch là Hữu Tình Giác (có chỗ gọi là Giác Hữu Tình), nghĩa chính xác là một chúng sinh hữu tình đã giác ngộ hoặc đang hành Bồ tát đạo.
Nhưng ở đây, thế nào là hữu tình và tại sao phải có chữ hữu tình này?
Hữu tình là có tình cảm. Là con người thì cũng là một chúng sinh hữu tình. Tình cảm thì có nhiều loại. Thấp nhất là loại tình cảm si mê đắm chìm trong ái dục, luyến ái và thủ hữu... Chính từ cái loại tình cảm thấp kém chấp ngã đó mà mọi vấn đề của thế giới khởi sinh: Từ trong gia đình, vợ chồng ghen tuông nhau, hành hạ nhau khổ sở, chí đến ngoài xã hội, tranh chấp giành giựt nhau, rồi rộng lớn hơn là chiến tranh từ quốc gia này đến quốc gia khác... Tất cả mọi vấn đề đều không đi ra ngoài tâm chấp ngã, nắm chặt “cái tôi và cái của tôi”. Bất cứ người nào đụng đến cái tôi và cái của tôi (thuật ngữ Phật giáo gọi là “ngã và ngã sở”, Anh ngữ gọi là “I and mine”), thì tôi nhất quyết phải đánh nhau, sống chết với người đó, và giành giựt, bảo vệ cho cái tôi và những cái của tôi. Đó là định nghĩa của tâm vô minh, nhuốm nặng màu sắc nô lệ cho cái ngã, tức là chấp ngã trầm trọng, căn bệnh chấp ngã thâm căn cố đế, đóng lớp dày đặc từ bao nhiêu kiếp đời, vô lượng vô số…
Biết như thế, và sau khi được học về đạo thì chúng ta cố gắng tu. Mà tu chính là sửa đổi, sửa đổi là chuyển hóa, chuyển hóa thứ tình cảm thấp kém, nhuốm đầy ái dục khổ đau, chấp thủ giữ chặt người mình chấp ái... từ đó gây ra phiền não... Nhận ra nguồn gốc chính của nó là tâm vô minh chấp ngã...
Xin mở ngoặc :
Có câu chuyện Phật giáo như sau.
Có một ông vua, ông này có một bà ái phi mà ông ta cực kỳ sủng ái yêu thương.
Một hôm, bên bà phi đó, ông vua hỏi: "Ái khanh có yêu trẫm không?"
Bà phi này, vốn là một Phật tử tu tập hành trì thiền định, hiểu rõ bản chất của ái dục là lòng ích kỷ chấp ngã, và muốn giúp nhà vua tỉnh ngộ, thoát ra khỏi chấp ái, bà hỏi lại nhà vua: "Bệ hạ muốn thiếp trả lời thành thực và đúng với chân lý hay Bệ Hạ muốn thiếp trả lời cho Bệ Hạ vui lòng?"
Vua nói: "Ta muốn biết sự thực? Ái khanh hãy nói thật lòng, có yêu ta không?"
Bà phi nói: "Thưa Bệ Hạ, nếu Bệ Hạ muốn câu trả lời cho Bệ Hạ vui lòng, thì thần thiếp sẽ nói là: Dạ, thần thiếp yêu Bệ Hạ lắm. Nhưng nếu Bệ Hạ muốn câu trả lời đúng với sự thực thì thần thiếp xin trả lời: Thần thiếp không yêu Bệ Hạ!"
Nhà vua cảm thấy choáng váng hỏi: "Vậy thì ái khanh yêu người nào, nói mau".
Bà phi trả lời :
" Khoan, xin Bệ Hạ đừng nóng, hãy suy nghĩ những lời chân thật sau đây...:
Thần thiếp chỉ yêu thương cái ngã của thần thiếp nhất, vì sao? Vì thần thiếp muốn được Bệ Hạ yêu thương thần thiếp nhất...
Tỷ như Bệ Hạ, nếu thiếp hỏi: Bệ Hạ yêu ai nhất, thì Bệ Hạ sẽ trả lời: Ta yêu ái khanh nhất.
Nhưng thực sự mà xét kỹ thì Bệ Hạ chỉ yêu thương Bệ Hạ nhất khi Bệ Hạ đòi hỏi thiếp phải yêu thương Bệ Hạ nhất, bởi vì giả dụ nếu thiếp yêu một người khác, thì Bệ Hạ sẽ khép thiếp vào tội khi quân, phản vua và mang thiếp ra chém đầu... đúng không? Vậy Bệ Hạ yêu thiếp chỗ nào? Khi Bệ Hạ mang thiếp ra chém đầu, Bệ Hạ chỉ yêu thiếp khi nào thiếp còn trung thành với Bệ Hạ và chỉ yêu thương cái tôi của Bệ Hạ nhất, có phải không?
Bởi vì nếu Bệ Hạ thực lòng yêu thương thiếp, đâu có mang thiếp ra chặt đầu, mà nhất là chặt đầu chỉ bởi vì thiếp đã không yêu Bệ Hạ...
Vậy Bệ Hạ chỉ yêu thương cái ngã của mình nhất....
Còn thiếp cũng thế thiếp chỉ yêu thương cái ngã của thiếp nhất...
Nhà vua nghe xong tỉnh ngộ ra và từ đó hành trì Tánh Không, buông xả lòng ái dục, từ đó trả bớt các cung tần về nhà mình và sau cùng thì giác ngộ..., phá chấp ngã...
Câu chuyện này chấm dứt ở đây, nhưng Không Quán xin góp thêm một lời bàn, rút tỉa từ những năm sinh hoạt trong chùa và ghi nhận:
Nhìn chung quanh trong các chùa, biết bao nhiêu người xuất gia đi tu cũng chỉ vì "yêu" thầm vị thầy của mình...? Họ đi tu lúc đầu chẳng phải vì lý tưởng, mà chỉ vì si mê Thầy... muốn được Thầy yêu thương mình nhất!!!! Muốn được làm đệ tử thị giả... bám sát lấy Thầy... Rồi từ đó mà nảy sinh các mối hiềm khích với các bạn đồng tu, khi thấy thầy mình san sẻ tình thương cho những bạn đồng tu. Không Quán cũng đồng ý, đôi khi vị thầy dùng phương tiện thiện xảo dẫn dắt đệ tử vào đạo qua tình cảm buổi đầu tiên, nhưng không thể để tình trạng như thế kéo dài lâu bởi cái nguy cơ chính thầy và đệ tử lại rớt vào trong chính cái phương tiện đã dùng để giăng ra khi dẫn đệ tử vào đạo và gây ra một trường chiến tranh trong chính nơi đạo tràng tu tập. Thế có nghĩa là sau khi dẫn đệ tử vào đạo, vị thầy phải nên mau mau tìm cách tiêu trừ cái tâm “tình cảm ích kỷ ấy của người đệ tử” trước khi cái phương tiện trở thành tai họa trong chốn đạo tràng. Bạn Sa Di có thấy như vậy không!
Chí đến khi diện kiến với đức Đạt Lai Lạt Ma, những loại người "yêu thầm vị thầy của mình" như thế, khi thấy Ngài, thường “a thần phù”, nhào đến, hất tất cả những người khác ra để ôm chặt lấy Ngài, hôn hít tay Ngài v.v...
Xin cầu mong cho những người như thế được giải thoát khỏi si mê vô minh... hoặc là được cơ duyên giáo hóa.. .ra khỏi... bờ mê...
Xin đóng ngoặc...
Trở lại đề tài:
Vậy hữu tình là phải có tình cảm, tình cảm siêu việt (Anh, Pháp ngữ là transcendental, transcendantal) với trí tuệ Tánh Không, chứ không phải tình cảm vô minh, bởi vì nếu vô tình như gỗ đá thì không thể tu thành Phật...
Chỉ khác là tình cảm Giác Ngộ, nguyện tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, hoàn toàn không có loại tình cảm chấp ái...
Tình cảm Giác Ngộ là lòng từ bi, vô chấp thủ. Anh ngữ có một từ ngữ rất hay để tả lòng từ bi, đó là chữ "loving-kindness", thương yêu và xót xa đến chúng sinh hữu tình trầm luân trong vô minh và khổ đau do vô minh tạo ra.
Người mang tâm nguyện từ bi muốn giăng đôi cánh tay bảo bọc các chúng sinh hữu tình và nắm tay họ để cùng nhau tu, cùng dẫn dắt nhau vượt lên khỏi bờ mê, hay ít nhất là cùng nhau tái sinh lên lên cung trời Đâu Suất Thiên Nội Viện, ở nơi đó có chư Bồ tát và đức Di Lặc đang thuyết pháp... (xem Khổ Đau và Hạnh Phúc (1), phần cuối)....
Về câu hỏi tâm từ bi ấy dựa vào đâu để khởi lên, Không Quán nhớ lại trong lần đi thông dịch vừa qua, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã giảng: Một đứa bé mới sinh ra đời, đã biết tự nhiên đi tìm bầu sữa mẹ để bú, để được mẹ ôm ấp yêu thương, và thầm nhuần trong tình yêu của mẹ. Lòng từ bi phát khởi ra từ tình cảm yêu thương mẹ... Là bài học từ bi đầu tiên trong đời...
Ngài nói: Môn khoa học tự nhiên đã từng làm thí nghiệm chứng minh trên loài khỉ. Lấy hai con khỉ sinh ra đời trong cùng một hoàn cảnh thiên nhiên và xã hội của loài khỉ. Một con thì sinh ra trong vòng tay bảo bọc của khỉ mẹ, ôm ấp yêu thương và cho bú. Còn con kia, không có mẹ từ thủa lọt lòng, nhưng được cho bú sữa bình đấy đủ, không thiếu thốn chi cả. Cả hai đều lớn lên và học hỏi trong cùng điều kiện, chỉ khác, một con có mẹ ôm ấp, còn con kia được nuôi nấng kỹ lưỡng đầy đủ bằng sữa bình và thiếu vòng tay thương yêu ôm ấp của mẹ. Kết quả là con khỉ được mẹ nuôi lớn lên thì biết sống hòa đồng, biết thương yêu trong xã hội loài khỉ đó, không đánh nhau và bạo động với các đồng loại của nó. Còn con khỉ sống thiếu tình mẹ thì tính tình rất là bạo động, luôn luôn đánh nhau với các con khỉ khác trong cộng đồng của loài khỉ đó.
Ngài giảng: Tất cả chư Phật trong ba đời đều khởi lên từ Bồ Đề Tâm, tức là tâm từ bi. Và tâm từ bi lại khởi ra từ Phật tánh sẵn có trong mọi chúng sinh hữu tình.
Từ đó Mật tông có dạy hai pháp môn để thành tựu Bồ Đề Tâm:
1. Bảy điểm luyện tâm để đạt quả Bồ Đề
2. Chuyển hóa tâm: đổi ta lấy người
Không Quán không thể đi vào chi tiết của hai pháp môn này vì quá dài dòng trong khuôn khổ nhỏ hẹp của lá thư. Điều Không Quán muốn nhấn mạnh ở đây là cả hai phương pháp này đều đặt trên cùng một nền tảng: Nhận biết mọi chúng sinh hữu tình đã từng là mẹ của ta, và đã từng nuôi nấng thương yêu ta trong các đời quá khứ...
Điều nhận biết này có thể rất khó khăn với một số người chỉ có thể nhìn thấy đời này mà không nhìn thấy ta đã từng tái sinh qua vô lượng vô số kiếp, không thể tìm ra khởi thủy. Các chúng sinh khác cũng thế (và khi nói đến chúng sinh hữu tình là bao gồm cả đến các loài khác, kể cả các cầm thú muôn loài). Tất cả đều đã từng tái sinh qua vô lượng vô số kiếp đời. Chính vì thế mà chúng ta đã từng trao đổi vị trí “mẹ-con” lẫn nhau qua vô lượng vô số kiếp tái sinh.
Đức Phật đã từng nói: “Sữa mẹ mà chúng ta đã uống qua vô lượng đời quá khứ còn nhiều hơn nước tích tụ trong biển lớn...”
Từ tình cảm yêu thương mẹ mình trong đời này mà phát triển rộng ra thành tâm Từ bi với toàn thể chúng sinh hữu tình, đã từng là mẹ ta, nuôi nấng ta trong vô lượng đời quá khứ...
Từ bi khởi ra chính từ tình cảm yêu thương đối với người thân yêu... chí đến chuyển hóa thành lòng từ bi vô lượng...
Không tình cảm lấy gì để mà tu và đạt Giác Ngộ?
Còn về từ ngữ lãng mạn, lãng âm hán việt nghĩa là sóng, mạn nghĩa là bờ, như là mạn thuyền. Lãng mạn nghĩa là như sóng nước tràn bờ....
Vậy lãng mạn chỉ đến tình cảm lai láng tràn đầy....
Nếu tu sửa, chuyển hóa hữu tình lãng mạn tầm thường si mê, chấp ngã thành ra từ bi tràn đầy vô lượng, vô ngã... thì đó chính là đường tu vậy...
2. Trên phương diện văn thi sĩ:
Không Quán viết văn và thơ với chủ đích đi theo lý tưởng: “Văn dĩ tải đạo, Thi dĩ chuyển đạo...”
Dùng văn chuyên chở đạo vào lòng người, dùng thơ để cảm hóa, chuyển hóa đời đi vào đạo...
Bản thân Không Quán trì tụng kinh Pháp Hoa và thâm cảm ý của chư Phật, phương tiện hóa độ chúng sinh...
Chúng sinh ham vui, Phật mượn xe dê xe trâu để dụ chúng sinh ra khỏi nhà lửa...
Nếu Không Quán chỉ viết dịch về kinh, hay viết các bài luận về kinh điển, thì cũng có thể đoán ra là có sẽ bao nhiêu người đọc?
Họ sẽ thấy rất là khô khan khó hiểu... và chán ngán, không đọc, thì cũng vô ích.
Do đó, những loại thi sĩ và văn sĩ "văn dĩ tải đạo" là những người nguyện hành Bồ tát đạo, nương theo các loại tình cảm của chúng sinh và dẫn dụ họ vào cửa đạo...
Sống thực với chúng sinh từng ngày từng giờ, cảm nhận nỗi đau của chúng sinh và viết lên bài văn hay câu thơ. Sự sống tràn đầy trong văn thơ... lôi cuốn họ vào cửa đạo...
Bạn Sa Di có tụng kinh Hoa Nghiêm, phẩm Thiện Tài Đồng Tử đi tìm 52 vị Thiện Tri Thức, bạn sẽ thấy vô lượng vô số chư vị Bồ tát khác nhau thị hiện trên đường đi tìm đạo pháp của Thiện Tài Đồng Tử, nhưng tựu chung vẫn chỉ là phương tiện dẫn chúng sinh vào đạo...
Vài lời tâm sự, xin bạn Sa Di miễn thứ cho vì e rằng quá dài dòng làm bạn Sa Di nhàm tai...
Trân trọng.
Không Quán
Xuân phân 2009.
P.S: Cảm ơn bạn đã cho phép Không Quán viết về đề tài của bạn hỏi thành câu chuyện đạo.
(1) Xin xem tại trang bài viết của Không Quán tại Đặc Trưng, hoặc tại: http://tetet.net/tt/viewforum.php?f=356