Thầy- Giọt sương trong vừa rụng
THẦY - GIỌT SƯƠNG TRONG VỪA RỤNG
(Tưởng niệm Sư bà Thích nữ Chơn Nguyên, trú trì chùa Phò Quang - Huế)
NHUẬN TRIỀU MINH
Nếu như, cuộc đời nầy không có hạt buồn vừa rụng thì hạt vui đâu hoá kiếp phong trần. Hạt buồn, gió muôn phương thổi lại, tụ thành dấu lặng trên phím đàn; để rồi cung bậc hòa âm vang lên, sợi buồn lại về cùng mười phương mây nước.
Cuộc đời tu tập, học hành, làm sao tránh khỏi nỗi buồn, nhiều khi chính đáng, đôi lúc cũng bâng quơ. Một công án thiền mạnh mẽ, một câu thoại đầu nghìn cân, một chiếc lá rơi bên thềm, một giọt sương chợt rụng, âm vang thoáng qua đôi tai, nốt buồn, tất cả đã có mặt. Ai cho rằng, không có nỗi buồn khi sống giữa cuộc thế, xin nhận ở đây một lạy chí thành.
Song, cung điệu trầm buồn luôn đến như thế, nhưng qua từng tâm hồn mà hóa hiện muôn hình muôn vẻ, yếu- mạnh, dài-ngắn... Và tùy theo mỗi người mà âm hưởng nỗi buồn có tác động, có ảnh hưởng đến dấu hài phiêu du của họ hay không.
Bởi nghiệp duyên nhiều đời, tâm hồn chúng tôi luôn có mặt khi một chiếc lá lìa cành, một cành bạch mai vừa rơi trước gió, để lại trong tim một vết thương. (Trong cuộc đời, có những vết thương. Vết thương năm tháng. Những gì đã qua một lần, mà dấu ấn khó phai mờ, bởi đã có vết trên trái tim, thường lưu lại như một vết thương. Chúng tôi gọi là vết thương năm tháng. Thời gian trôi đi, vết thương còn đó. Nó đợi chờ thức dậy, khi ai đó chợt gọi thầm; và nó sống lại như chính bản thân nó là một vết thương, vết thương chính hiệu. Song, khi trổi lại một lần nữa, nó trở thành vết thương tỉnh thức, vết thương biết nó là vết thương). Hình như tất cả chỉ là một. Những gì đã từng một lần đi qua tâm hồn chúng tôi, luôn luôn có nhiều kỷ niệm, để rồi thở giùm một chút khi sự thể an tường. Với sự ra đi, thuận thế vô thường của Sư bà Phò Quang, cũng không ngoài những gì mà chúng tôi vừa thổ lộ.
“Nửa câu tiếp dẫn vừa rơi,
Thầy về cõi Tịnh hương trời lung linh”.
Có những lúc, tâm tư rong ruổi, bay bỗng nhiều nơi, hòa nhập nhiều phương sở và biểu hiện dưới mọi hình ảnh mà tự tâm hư cấu nên để thể hiện những nhu yếu mà nó đang sở hữu. Có khi thấy mình là Ma diện thư sinh Y Mộng Lăng-chàng trai có gương mặt lạnh lẽo như ma, giết người trong nháy mắt, lại rất đa tình, lãng mạn và phong lưu-nhân vật chính của tác phẩm Ma Diện Ngân Kiếm. Có khi lại là lữ khách lang thang trên mọi nẻo đường của cuộc sống, ra tay nghĩa hiệp, dẹp mọi bất bình giữa cuộc đời, lãng tử Trầm Kha. Có khi là Tuyết Hồ công tử, một mình rèn luyện võ học trên đỉnh Thiên Sơn ngàn năm tuyết phủ; làm bạn với mây trời, dã thú.
Đôi dép trắng màu ngọc
Nay thành màu khói đất
Tháng năm tinh khổ luyện
Hiển lộ màu ngọc xưa.
Có khi như Thiền sư Ngộ Quả, một mình tĩnh cư trên ngọn Độc Cô phong, làm cánh hạc giữa không gian hùng vĩ của núi rừng. Thầy, vầng mây bạc thong dong, núi cao biển rộng. Con, cánh nhạn chiều, chân trời sải cánh, dõi theo Thầy hóa hiện đường mây.
Khi Sư bà ra đi, cơn buồn ấy như một làn sóng rì rào, ầm ĩ vang vọng trong tâm khảm chúng tôi, khiến cái buồn man mác. Cái buồn đó chắc chắn đã có khởi nguyên của nó. Song vẫn hỏi: Từ đâu? Từ đâu? Như đánh lên một dấu phong trần để đùa vui cùng cuộc lữ. Ai thả hồn trôi giữa sông trăng kỳ cùng mộng ảo và hòa mình vào nhịp thở mênh mông?
Chiếc lá có mặt khi nào? Trưởng thành ra sao? Chúng tôi không hề thấy, nhưng vẫn biết sự hiện hữu của chiếc lá trong không gian phù mộng này. Khi nó vừa lìa cành thì đồng thời nó cũng có mặt. Với Sư bà cũng vậy. Chúng tôi biết Sư bà trong khoảng mươi năm lại đây. Sư bà trong tâm hồn chúng tôi không phải là học giả uyên thâm có nhiều tác phẩm Phật học nổi tiếng hay nhiều đệ tử vang danh mà chỉ là một người Thầy mẫu mực, hiện thân của giới luật, của Bát Kỉnh Pháp mà một thời Sư bà đã nhất tâm lãnh thọ ở chốn Phật trường. Trong lòng chúng tôi, có hai vị mà chúng tôi hằng kính trọng, đó là Sư bà Quang Minh, và Sư bà Phò Quang - Người vừa thuận tịch.
Dùng văn chương, ngôn ngữ để ca ngợi tri thức thì được, nhưng để diễn tả cuộc đời đạo hạnh, khiêm cung của Sư bà thì ngôn ngữ lép vế. Ngôn ngữ vốn hạn hẹp, nó chỉ là thứ quy ước của con người trong cuộc đời, làm sao chúng ta có đủ ngôn từ để tán dương!?. Đem một cái hạn cuộc để diễn tả cái bay bỗng lung linh, thì không ai làm như vậy. Hãy để ngôn ngữ không ngôn ngữ, tự nó đánh nhịp để ca ngợi - bản tình ca diệu vợi, mềm như lời thơ, êm đềm như hơi thở.
Những hạt sương mong manh sương khói trên đầu ngọn cỏ, là bản kinh chiều vô ngôn, vang vọng khúc vô thường, để thức tỉnh những ai còn ngái ngủ giữa cuộc thế. Hạt sương trong vừa rụng, hóa hiện muôn hạt li ti, trở về bản thể uyên nguyên của nó. Cuộc đời Sư bà đến rồi đi. Chúng tôi ví như hạt sương trong vừa rụng sáng nay.
Cuộc đời phù du huyễn mộng. Cuộc đến-đi chỉ là đến-đi.²