Sứ giả Như Lai
SỨ GIẢ NHƯ LAI
CHIÊU HOÀNG
Chú tên Chân Hạnh. Thầy đặt cho chú cái tên ấy vì chú ưa chơi, ưa ăn và ưa ngủ lắm. Nên cần phải học hạnh ăn, hạnh chơi, hạnh ngủ. Tôi thường gọi chú là "Sứ giả Như Lai". Vì trông chú rất đáng yêu, khuôn mặt trắng hồng, bầu bĩnh với đôi môi đỏ như son. Ðôi mắt trong sáng toả ra một sự ngây thơ của một tâm hồn chưa biết gì về đau khổ. Nếu chú không mặc bộ quần áo vạt mẻ của chùa với cái đầu cạo nhẵn thín, thì chú chỉ là một đứa trẻ 9,10 tuổi, chẳng có gì đặc biệt. Nhưng, dưới y áo của nhà chùa và cái đầu trọc, trông mặt chú sáng như trăng rằm. Mọi động tác thi vi chú làm, từ dáng ngồi tụng kinh, niệm Phật, tới việc lễ lạy và lối nói chuyện trẻ thơ, trong sáng v.v.. Ở chú, toát ra một nét hồn nhiên lạ kỳ. Vì sự hồn nhiên ấy, nên mọi người trong chùa - từ Thầy trụ trì xuống đến bà vãi - ai ai cũng thương chú. Nghe đâu chú cũng có nhiều cơ duyên với Phật, nên một lần lên chùa, chú chẳng chịu về nữa. Dỗ dành thế nào chú cũng không nghe. Cuối cùng cha mẹ đành để chú ở lại, hy vọng chú chơi trên chùa vài ngày chán rồi lại đòi về.
Tưởng chơi mà hoá thiệt. Chú ở trên chùa đã sáu tháng rồi mà vẫn chưa chán. Chẳng biết trên đó có trò chơi nào cám dỗ chú lâu thế mà lần nào lên lễ Phật, tôi cũng đều gặp một khuôn mặt hớn hở của chú. Một lần tôi hỏi chú:
- Chú ở đây chơi có vui không?
Chú trả lời tôi bằng một giọng rất "người - lớn - trẻ - con":
- Vui chứ! Thầy cho tui đủ mọi việc để làm. Nhưng chẳng ở không mà chơi đâu.
- Vậy chú làm những việc gì mà có vẻ quan trọng thế?
- Ồ... Tui phải học nhiều lắm. Thầy kêu tui học cho giỏi nơi trường đời, và cho thông ở trường đạo. Nên sáng sớm thức dậy lễ Phật xong là phải tới trường đời. Trưa về ngủ một chút - Chú càm ràm - Nhưng nói thiệt nghen. Tui không có ưa ngủ buổi trưa, nó phiền lắm!. Mỗi lần nằm xuống chỉ có lim dim con mắt thôi hà. Nằm chừng một giờ, sau đó thức dậy học tiếp...
- Học gì?
- Phải làm bài tập ở trường đó mà.... Sau đó còn phải học... Phật!!
- Học Phật?
- Phải... Học niệm Phật đó mà...
Tôi thả một câu thăm dò:
- À, niệm Phật thì dễ òm. Ai niệm chẳng được. Cần gì phải học hả chú?
Chú trợn mắt cãi:
- Chị đừng tưởng niệm Phật dễ nghe. Khó lắm đó! Ăn, uống, đi, đứng cũng còn phải học, huống hồ chi niệm Phật! Mình niệm đâu có phải nhắm mắt cà rù, cà rì rồi kêu là niệm Phật đâu...
- Thế Thầy dạy chú niệm Phật ra sao?
Chú làm ra vẻ rất quan trọng:
- Khi niệm Phật phải nghĩ tới Phật mà không được nghĩ gì khác...
Tôi biểu đồng tình:
- Ừa.... Khó thiệt! Mỗi lần tôi niệm Phật, miệng niệm ì xèo mà óc thì cứ hay nghĩ lung tung... (Ðổi giọng) Còn chú. Mỗi lần chú niệm Phật thì chú nghĩ gì thế?
- Tôi nghĩ đủ thứ.. Có khi đói, tôi nghĩ tới cái ăn. Khi buồn ngủ, tôi vừa niệm vừa ngủ gục, nhưng nhiều khi không buồn ngủ, không đói thì tôi nghĩ tới cái chơi...
- Chú nghĩ cái chơi ra sao?
- Tui thích chơi mấy đồ điện tử. Nên ba má tui đem tới nhiều lắm. Nhưng tui không có chơi được nhiều...
- Sao vậy?
- Vì có ở không đâu mà chơi... Nội cái vụ niệm Phật cũng đủ hết ngày rồi.(Chú nói thêm) Buổi tối còn phải tụng thêm thời kinh tối trước khi đi ngủ nữa...
- Chà.... Chú bận quá héng...!
Ðang nói chuyện thì nghe có tiếng thỉnh chuông trên chánh điện. Chú Chân Hạnh vừa ù chạy vừa nói:
- Chết tui rồi. Tới giờ tụng kinh. Tui đi nghen.
Một lần khác đến thăm. Tôi lại gặp chú đang quét lá sân chùa. Nhìn thoáng, sân chùa khá sạch, chỉ có vài chiếc lá vương vãi trong sân. Nhưng chú ra cái dáng hăng hái lắm. Người chỉ có một khúc, mà cầm cây chổi cao hơn đầu. Muốn quét cho sạch, chú phải cầm gần cuối cán. Cây chổi nằm ngang phè. Chú loay hoay quét quét một cách rất chăm chú. Tôi chạy tới đỡ cây chổi:
- Nè...., Chú để tôi giúp chú một tay nghen.
Chú vẫn nắm chặt lấy cán chổi:
- Ðược mà.... Ðể tui... Chị không biết quét đâu!
- Ủa... Quét sân mà còn phải học hả chú?
- Phải đó. Thầy mới dạy tui sáng mơi nè....
- Thầy dạy sao?
- Thầy nói nhiều lắm, tui hông có nhớ hết... Chỉ biết là Thầy kêu khi quét sân thì phải nghĩ là quét hết mấy cái ác nghiệp của mình đó...
- Ủa... Chú cũng có ác nghiệp hả?
- Tui đâu có biết!. Nhưng Thầy dạy sao, tui nghe vậy.
- Vậy là chú đang quét ác nghiệp của chú đó hả?
- Phải!
Tôi chỉ một chiếc lá đang chạy lăng quăng theo gió:
- Coi kìa... "Ác nghiệp" của chú sao cứ chạy tới, chạy lui, không để chú quét kìa...
Chú hăng hái:
- Chị dang ra chỗ khác cho tui quét nó coi. Mấy cái ác nghiệp này khó quét lắm nghe, vì cứ hễ tui đưa cái chổi tới là nó bay lăng xăng ra chỗ khác hà... Thiệt là bực mình hết!
Vừa nói, chú vừa đập cây chổi lên cái lá, kéo lê về cuối sân. Sốt ruột. Chú dở cây chổi lên nhặt lấy chiếc lá lon ton bỏ thẳng thùng rác.
Tôi lại chỉ một chiếc lá khác đang rơi:
- Kìa chú...., Lại có một cái ác nghiệp khác đang rơi...
Chú chạy tới. Nhưng cây chổi vướng quá, chú quăng luôn qua bên, chạy theo cánh lá đang chao đảo trên không. Trong bầu trời ngập nắng của sân chùa, hình ảnh một chú bé với chiếc đầu trọc, mặc bộ quần áo vạt mẻ nâu sòng, lăng quăng chạy theo cánh lá, vươn đôi tay như đang nắm bắt những hoa đốm trong hư không. Trông chú sáng ngời dưới nắng. Ðộ một lúc thì chiếc lá nhẹ nhàng đậu gần chân chú. Chú nhặt lên, nhưng ngẫm nghĩ sao lại bỏ xuống. (Chắc vì nhớ lời Thầy dạy là phải "quét" lá). Chú chạy lon ton đi lượm cây chổi rồi làm giống như trước, ịn cây chổi trên chiếc lá kéo lê về cuối sân, nhặt bỏ thùng rác.
Tôi đứng ngoài vỗ tay tán thưởng:
- Hoan hô! Chú giỏi quá. Ác nghiệp của chú chui vào thùng rác hết trơn rồi!!!
Trên trán lấm tấm vài giọt mồ hôi, nhưng khuôn mặt chú rạng rỡ mỉm cười, khoe khoang:
- Từ nãy giờ tui bỏ thùng rác chín cái ác nghiệp rồi đó!
- Thiệt hả? (Tôi nhìn quanh sân, chẳng còn một chiếc lá nào cho chú quét. Trầm trồ tán thưởng). Chà.... Chú giỏi thiệt. Ác nghiệp của chú sạch trơn rồi! Bây giờ chú thấy trong người sạch chưa?
Ngây thơ, chú hỏi lại:
- Sạch gì?
- Thì sạch ác nghiệp đó...
Chú cãi:
- Trong người tui đâu có lá mà sạch. Sân sạch thôi!
- À....à..... "Ác nghiệp" chỉ có trong sân chứ không ở trong người hả chú?
- Phải... Ngưng tay. Chú nhìn tôi rồi - bắc chước Thầy - nghiêm trang hỏi lại:
- Chị lên chùa có chuyện chi hông? Sao chưa vô chùa lễ Phật. Ðứng xớ rớ ở đây làm chi?
Tôi suýt phì cười với cái lối nói chuyện ra dáng người lớn đó của chú. Nhưng thấy chú rất nghiêm trang, nên ráng nén cái cười xuống bụng và cũng nghiêm chỉnh trả lời:
- Tôi cũng tính vô lễ Phật rồi đó chứ. Nhưng (ra vẻ bí mật), chưa vô trỏng được vì tôi đang gặp một vị "Sứ giả Như - Lai"...
Thấy chú ngơ ngác chẳng hiểu tôi nói gì. Tôi bèn nắm tay chú, ngồi xuống băng ghế đá ngoài sân chùa. Dưới gốc cây ổi với tàn lá xum xuê và giải thích cho chú nghe ý nghĩa của chữ "Sứ giả Như Lai" bằng sự hiểu biết về Phật giáo rất nông cạn của mình:
- Chú biết không, "Sứ giả Như Lai" là hoá thân của chư Phật và chư Bồ Tát thị hiện vào trong các cõi để độ sanh (thấp giọng). Có một điều tôi muốn thì thầm cho chú biết, bí mật lắm ngheng, chú phải hứa là không được nói với ai nghe.
- Ðược. Tui hứa, không nói ai....
- Tôi nghĩ chú cũng là một "Sứ giả Như Lai" đó....
Khuôn mặt chú tỏ vẻ rất ngạc nhiên, nhưng không kém phần sung sướng:
- Thiệt hả chị?
- Thiệt mà... Bởi vì tôi thấy chú giống lắm. Nhưng đây là điều bí mật, chú phải giữ kín.
- Tại sao vậy?
Tôi cũng không hiểu tại sao, nên không có câu trả lời cho chú một cách rõ ràng. Ngẫm nghĩ một lúc, tôi bảo:
- Vì nếu không giữ kín thì nó... không còn là bí mật nữa, lúc đó mình sẽ... trở lại người bình thường. Mà chỉ có Sứ Giả Như Lai mới được ở chùa thôi. Còn người thường thì phải về nhà sống với cha mẹ. Chú muốn làm người bình thường không?
Chú trả lời không do dự:
- Không. Tôi muốn ở chùa. Muốn làm Sứ giả Như Lai...
- Nhưng chú nhắm có giữ được nổi cái bí mật này không?
Chú hăng hái:
- Ðược chớ!
Tôi nói tiếp:
-Ðể tôi kể cho chú nghe về đức Phật. Trong nhiều kiếp Ngài đã từng là những Sứ giả Như Lai...
Một trẻ, một nhí thì thào nói chuyện có vẻ rất tương đắc. Chú rất thông minh. Nói tới đâu, hiểu tới đó. Tôi kể cho chú nghe những câu chuyện tiền thân của đức Phật. Chú nghe một cách say sưa...
Sau lần nói chuyện đó. Chúng tôi trở thành bạn thiết. Hỏi ra, mới biết chú là con một trong một gia đình giầu có. Cha mẹ chú đều là thương gia, có những cơ sở làm ăn buôn bán lớn lắm. Ban đầu chú muốn ở chùa chỉ vì mục đích duy nhất là chú thích ăn chay, mà ở nhà thì bà mẹ cứ ép chú ăn thịt, bà nghĩ rằng, còn nhỏ dại, không ăn thịt thì không đủ chất dinh dưỡng nuôi chú lớn. Một lần tới chùa, ăn cơm chay ngon quá, chú không chịu về nữa. Ban đầu bà mẹ còn làm dữ, nhưng thấy thằng con cưng mình khóc quá, cứ ôm cứng lấy chân Thầy mà không chịu về. Chẳng đặng đừng, bà bèn gửi con cho chùa vài ngày, thỉnh thoảng lên thăm. Ai dè, nó đòi cạo trọc đầu "cho giống Thầy" và tu luôn.
Một vài lần lên chùa tôi có gặp mẹ chú. Lần nào cũng thấy bà ngồi nhìn con mà khóc thút thít... Chú càng thông minh, càng dễ thương thì bà lại càng tiếc nuối... Bà có một lối suy nghĩ rất kỳ cục là bà gần như đã mất hẳn đứa con yêu. Chú học rất giỏi, tinh tấn. Thầy dạy sao, chú làm y chang vậy. Ðôi khi, ở đầu óc non nớt tuổi thơ, chú cũng có những suy nghĩ thật tức cười nhưng cũng đầy sáng tạo bằng sự tưởng tượng rất phong phú của chú. Chẳng hạn, một hôm vừa bước chân vào cổng chùa. Chú chạy lon ton ra đón tôi. Dường như chú đã mong ngóng tôi lâu lắm rồi, nên chỉ cần thấy thấp thoáng bóng tôi ngoài cổng là chú chạy ra ngay. Chẳng cần chào hỏi chi.
Chú nắm tay tôi lôi đi sềnh sệch:
- Chị ra đây, tui chỉ cho chị coi cái này...
Tôi theo chú ra sân sau chùa. Chú ngừng lại ở một cái giếng giả, trên trồng đầy những loại hoa bốn mùa nở rực rỡ. Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Chú đưa tôi ra đây coi cái chi?
Chú chỉ vào cái giếng. Nhìn một cách lấm lét:
- Chị thấy hông?
-Thấy. Cái giếng!?!?
Chú thì thào, nói rất khẽ như sợ có người nghe:
-Nhưng chị biết trỏng có gì hông?
- Thì hoa thôi chứ có gì? Chú thấy có gì nói tôi nghe thử?
Chú càng thấp giọng thì thào nói khẽ:
- Tui vừa biết được đường xuống địa ngục đó...
- Hả?
Chú kiên nhẫn giải thích:
- Thì chính là cái giếng này nè. Nếu chị đào nắm đất trên miệng giếng ra thì cái miệng sẽ toang hoác. Ðó là con đường xuống địa ngục đó...
Tôi lại suýt phì cười với lối lý luận ngây thơ của chú. Nhưng cũng thấp giọng - ra vẻ rất quan trọng và bí mật - thì thào trả lời:
- Thiệt không chú? Sao chú biết được hay quá vậy?
- Tui mới... nghĩ ra sáng mơi đây thôi. Nhưng tui biết chắc là đúng đó...
- Vậy mà tôi cứ tưởng đường xuống địa ngục ở đâu xa lắc. Ai dè nó gần xỉn, ngay tại vườn sau chùa...
Chú vội đưa ngón tay chỏ chặn trên môi:
- Suỵttt!!! Chị đừng nói lớn quá coi chừng có người nghe. (Chú giải thích). Người ta biết được họ sợ sẽ... té giếng, không lên chùa lễ Phật nữa...
Từ đó. Chúng tôi có 2 điều bí mật cần bảo trọng. Một là "Sứ giả Như Lai" của chú. Hai là cái giếng. Những lúc lên chùa lễ Phật, thế nào tôi cũng phải tìm chú, khi thì tặng chú những cuốn sách kể những chuyện về tiền thân đức Phật, viết bằng những chữ to và đầy hình ảnh, khi thì cho chú cái nón len để chú đội trong mùa đông, hoặc những thứ gia dụng hằng ngày. Cái chú thích nhất là cho chú sách nói về đức Phật, chú rất say mê đọc những câu chuyện tiền thân của ngài. Có khi, chú kể lại cho tôi nghe mẩu chuyện (mà chính tôi đã kể cho chú) về lòng từ bi của đức Phật, hy sinh mạng sống mình cho một con hổ đói mà mắt chú rưng rưng...
Khoảng một năm sau thì tôi phải từ giã chú để dọn về một nơi khá xa vì công việc. Ðời sống vội vã, dòng đời cứ tiếp tục xuôi chảy, tôi không có nhiều cơ hội để trở về ngôi chùa cũ thăm chú nữa....
Mười lăm năm sau tôi trở lại...
Thấy thật bỡ ngỡ. Ngôi chùa xưa hoàn toàn đổi mới, vườn cây chung quanh chùa không còn nữa, thay vào đó là một nền xi măng khô, nóng để làm chỗ đậu xe. Chùa cũ bị đập sạch. Sân sau chùa, "con đường xuống địa ngục" cũng được san bằng, lấy chỗ cho một ngôi chùa khác lớn hơn, đẹp hơn, với vòm mái cong cong. Vị sư trụ trì già đi rất nhiều so với số tuổi của Thầy (Có lẽ vì nhiều chuyện phải lo toan). Khác với năm xưa, trong chùa nay có nhiều tín chúng ra vào tấp nập, lúc nào cũng có những dịch vụ rộn rã, hối hả... Duy có một điều thiếu vắng là tôi không còn tìm thấy chú Chân Hạnh đâu nửa. Hỏi ra, mới biết khoảng ba năm trước, chùa có mời một vị thiền sư rất nổi tiếng tới thuyết pháp và ban cho những khóa tu tập thiền định. Sau những ngày đó. Chú xin phép Thầy cho chú đi theo vị thiền sư, quyết chí dấn thân vào con đường thiền quán. Ngoài ra, nghe đâu chú cũng còn tham gia trong chương trình "Thanh Niên phụng sự xã hội", làm những thiện nguyện viên về những nơi hẻo lánh, để giúp những người bệnh tật, nghèo khó. Hạnh nguyện của chú đúng như một "Sứ giả Như Lai" - những gì tôi đã giải thích năm xưa cho chú nghe - bằng sự góp nhặt những mẩu truyện tiền thân đức Phật theo trí nhớ rất nông cạn của mình. Rất tiếc, tôi đã không được gặp chú lần cuối trước khi chú đi. Giả dụ, nếu tôi có cơ duyên gặp lại, chắc tôi cũng chẳng nhận ra được chú, nghe bà vãi nói chú dạo này lớn bộn, chú đã thọ giới tỳ kheo, và người ta thường gọi chú bằng Ðại Ðức.
Tôi xin trang nghiêm đặt một đoá hồng trên những hạnh nguyện của Ðại Ðức. Nguyện cho Thầy được hoàn mãn trên con đường tu tập, đem lại lợi ích cho toàn thể chúng sanh được an vui, hạnh phúc...