Phật giáo với tuổi trẻ

PHẬT GIÁO VỚI TUỔI TRẺ

Uyên Nguyên

 

Cho dù là thành viên của một đoàn thể giáo dục thanh thiếu niên Phật giáo - Gia đình Phật tử Việt nam tại Hoa kỳ - có cơ duyên thường xuyên tiếp cận với giáo lý Phật Đà, gần gủi Chư Tăng Ni, chùa tự, sinh hoạt với mọi lứa tuổi từ đồng ấu, thanh thiếu niên, thiếu nữ, kể cả những anh chị cao niên mà lòng nhiệt huyết và sức hoạt động còn rất "trẻ", chúng tôi vẫn thấy mình chưa mấy hiểu rõ Phật giáoTuổi trẻ. Phật giáo vẫn là những đỉnh Thái sơn chót vót, bạt ngàn, thâm viễn, học một đời vẫn không thấm gì. Tuổi trẻ vẫn cứ là lớp người quá năng động, nhiều khát vọng, thật phức tạp, đa diện...

Trong khuôn khổ của bài viết mang chủ đề "Đạo Phật với tuổi trẻ", chúng tôi chỉ xin mạo muội nêu lên những gì mà mình đã cảm nhận về những điều mà lớp người Phật tử trẻ thao thức nhất, và họ rất mong được chỉ dạy. Nhìn chung, người Phật tử trẻ sống giữa Đời thườngđến với Đạo thường hay tự vấn:
1. Làm sao để chọn và tu học một Đạo Phật đích thực?
2. Làm sao ứng dụng hữu hiệu Đạo Phật trong cuộc sống hàng ngày?


1. Làm sao để chọn và tu học một Đạo Phật đích thực?

Hầu hết người trẻ đến với Đạo bằng con đường học hỏi trước khi tu tập, bằng kiến văn, lý thuyết nhiều hơn thực hành, chuyên trì. Để nhận chân một Đạo Phật đích thực, họ phải đối diện những giải lý sai khác: Đạo Phật là một tôn giáo, một khoa học, một triết lý, một hệ thống đạo đức học, một tổng hợp giáo dục nhân sinh, một ngành tâm lý học, một khoa học trị liệu pháp cho tâm thân, v.v... Hay Đạo Phật là toàn bộ những định danh, định nghĩa đó?

Khi nhìn quanh, họ thấy Phật giáo diễn bày dưới nhiều sắc thái tông hệ phái đặc thù riêng, hình thức thờ tự, lối hành đạo, giảng đạo dị biệt, nhiều chủ điểm giáo lý được luận khác nhau. Họ lại thấy những bậc cha anh với lòng mộ đạo và tín tâm sâu sắc mà gần trọn đời vẫn vật vã "dùi mài" kinh văn, lại liên tục tham học hết Chư Tăng này đến Tôn Sư khác mà vẫn chưa tìm ra chân lý để mà bằng lòng, an tại.

Ngày nay, đông đảo người trẻ may mắn sống trong gia đình có ông bà, cha mẹ theo truyền thống Phật giáo đầy tín tâm, họ được phụ huynh hướng dẫn đến chùa, theo sát các khóa giảng Pháp, tập Thiền có trình tự, có căn bản do Quý Chư Tăng Ni nghiêm túc giáo dưỡng, chắc chắn là những người trẻ này bớt nghi nan, lạc nẽo giữa hiện cảnh Đạo Phật trăm hoa đua nở ở xứ người. Cũng ngày nay, đông đảo người trẻ đến sinh hoạt liên tục năm tháng với tổ chức Gia đình Phật tử, họ may mắn được học giáo lý có trình tự, có phân cấp và có thực hành các chủ điểm giáo lý qua thân giáo, qua cung cách sinh hoạt tập thể. Những thành viên Áo Lam đã có bản đồ học Phật như thế chắc cũng đở lung trạo, tứ tầm lung tung trước bối cảnh Đạo Phật thiên biến vạn hóa ở xứ người.

Những người Phật tử trẻ mà chúng tôi vừa mô tả là may mắn đó đã tìm hạnh phúc gì cho mình cho người giữa cái xã hội tiên tiến, kỹ thuật cao đẳng, phương tiện vật chất dư thừa nhưng cũng dư thừa bạo lực, tội ác, uất cảm? Cố nhiên nhiều người trong số họ đã học được những bài học bổ ích để có được sự an tâm, tỉnh trí; hàn gắn được những xung đột tình yêu, gia đình, bè bạn; sáng suốt, khiêm tốn, xã thân hơn với tha nhân; bình tỉnh hơn trước những huống trạng của đời sống,... Những người Phật tử trẻ đó đã biết tận dụng những khoảng thời gian rãnh sau giờ nghỉ sở, ngày cuối tuần, lúc nghĩ lễ, nghỉ hè cho những lợi ích bản thân, và cho người khác trong việc tu học và bồi dưỡng giáo pháp. Nhưng, nói như thế không có nghĩa những người trẻ đó đã thật sự mãn nguyện 100% trong việc tầm đạo và cầu học.

Trong hoàn cảnh và môi trường tưởng chừng may mắn, không phải lớp người trẻ kia đã ngưng những xôn xao ba động trong tâm thức học Phật, khi mà họ là lớp người thuộc thế hệ thứ III, thứ IV trong làn sóng người Việt Nam tị nạn. Nói - nghe - đọc và hiểu tiếng mẹ đẻ của họ đã dần quên bớt hay càng ngày càng xa lạ, trong khi đó đa phần các chùa tự, chư tăng, đoàn hội Phật giáo trong cộng đồng Việt Nam vẫn hoằng dương, giảng pháp bằng Việt ngữ. Những giảng khóa bằng Anh, Pháp ngữ nếu có, vẫn chưa được tổ chức sâu rộng, phổ biến, không được thường xuyên, xa khu vực cộng đồng, chi phí phải đóng có phần khó khăn cho giới trẻ,... khiến chuyện tu học giảm bớt sức thu hút người trẻ. Phải chăng vì những lý do này mà đã có nhiều bậc phụ huynh Việt Nam đã quy y, hay học Đạo với các Tăng, Sư truyền giáo bằng Anh, Pháp ngữ của các cộng đồng khác (như Trung Hoa, Nhật, Tây Tạng,...) chỉ để con em của họ có thể cùng theo tu học. Cũng có rất nhiều người trẻ tâm sự rằng nghe - đọc - hiểu tiếng Việt bình thường, thông dụng đã khó huống gì nghe giảng hay đọc sách phật đầy rẫy tiếng Hán, lại nhiều khi ghi thêm Pali, Phạn ngữ, dễ làm họ chán ngán. Đa số những người trẻ còn đọc làu được tiếng Việt, thú nhận rằng khi đọc những sách mới đây của các chư Tăng, luận sư thời đại dùng ánh sáng Đạo Phật để soi dọi những vấn đề thiết cận thường ngày như: sân hận, bạo lực, căng thẳng tinh thần, tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc, an lạc, quan niệm sống và chết,... vẫn thấy dễ hiểu, dễ cảm thụ hơn là những kinh sách, luận giải chi li của lớp tăng nhân, luận sư uyên bác, cách đây 15, 20 năm viết theo lối kinh viện.

Lớp Phật Tử trẻ Việt Nam hải ngoại hằng ao ước việc hoằng pháp và giáo dục Phật Đạo cho họ cần sớm canh tân, có nội dung, chương trình hấp dẫn, thích hợp, giúp họ san bằng được những trở ngại ngôn ngữ, thời gian, nơi chốn, tài chánh, đem lại những lợi lạc thiết thực, việc tu học ngày thêm tinh tiến.

Nhưng đáp ứng được ao ước đó của người trẻ, cũng chỉ mới trả lời được cho họ về giải pháp và phương tiện học Phật chứ chưa trả lời được câu hỏi: Làm sao để chọn và tu học một Đạo Phật đích thực? Chúng tôi thiết nghĩ các bạn trẻ khi thừa hiểu rằng Đạo Phật là con đường, là phương tiện dẫn đạo giúp con người đạt tới mục tiêu an lạc, hạnh phúc cho chính mình. Con đường, phương tiện có thể khác nhau, nhưng mục tiêu chỉ là một. Nói như thế cũng có nghĩa Đạo Phật dù được quảng diễn cách nào, là đúng đích thực cho bất cứ ai khi người này nhờ Đạo đó mà thực sự tìm thấy an lạc, hạnh phúc. Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ có lần đã chân tình khuyên bảo giới trẻ (trong bài "Đạo Phật với Thanh Niên") như sau: "Các bạn trẻ nên tự tìm cho mình một hình thái Đạo Phật thích hợp, không phải là hình thái rập khuôn mẫu do bởi các Anh Chị Trưởng, do các Đại Đức, Thượng Tọa, hay do các nhà nghiên cứu uyên bác... Hãy tự đào luyện cho mình một trí tuệ, một bản lãnh để sẳn sàng lựa chọn hướng đi, và dũng cảm chịu trách nhiệm những gì ta đã lựa chọn và gây ra cho bản thân và cho cả chúng sanh." và Thượng tọa xác quyết: "Không có Đạo Phật chung chung cho đồng loạt tuổi trẻ. Mỗi cá nhân tuổi trẻ là biểu hiện của mỗi hình thái Đạo Phật sinh động"

2. Làm sao để ứng dụng hữu hiệu Đạo Phật trong cuộc sống hàng ngày?
Trả lời câu hỏi này, người trẻ đã nghe và đọc thấy rất nhiều giải thích tường tận, phân tích cặn kẽ. Người ta bàn nhiều về ích lợi của giáo lý Phật Đà trên nhiều phương diện: bản thân, gia đình, xã hội, dân tộc, và cả thế giới chúng sinh. Người ta trưng dẫn cụ thể và hiệu quả của lòng từ bi, trí huệ, an định, thiền tỉnh. Người ta còn nhắc nhở những lời dạy của Đức Phật về bất công và bình đẳng, chiếnh tranh và hòa bình, giáo dục và kinh tế. Người ta nhấn mạnh đến vũ trụ quan và nhân sinh quan Phật giáo qua các giáo điển. Nói chung, Phật giáo đáp ứng được mọi thao thức, vấn hỏi, trăn trở của con người về cõi nhân sinh gần gủi đến thế giới vũ trụ bao la, về đời sống hiện tiền lẫn cõi chết mai sau.

Nhưng dù tín mộ Đạo Phật cách mấy, không phải chỉ riêng người trẻ mà cả người cao niên cũng nhận thấy rằng giữa lý tưởng, lý thuyết trong kinh điển Phật giáo và thực chứng, thực hành Phật Đạo ngoài đời còn có khoảng cách rất xa. Bởi thế một nhà nghiên cứu Phật học đã thốt: "Nếu không có quảng cách đó giữa Đạo Phật lý thuyết và Đạo Phật thực tế thì mọi người chúng ta đã thành Phật cả rồi, và cõi đất này là cõi Phật rồi" Ai cũng rõ, nguyên nhân quảng cách là do người Phật tử không tròn vẹn với hai chữ TU HỌC. Có học, có hiểu mà thiếu tu tập, thực hành. Trong Đạo Thiền, không tinh tấn Thiền tọa, không Thiền tỉnh trong bốn oai nghi được xem không mảy may dính dáng với Thiền.

Với người trẻ các khái niệm Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, Tứ Diệu Đế không phải quá khó để lĩnh hội, nhưng lại không dễ dàng gì mà đi vững chãi theo Bát Chánh Đạo. Không dễ dàng gì nhanh chóng loại trừ cái Ngã do tự sinh từ bản năng sinh tồn của con người, do nền giáo dục tri thức lâu dài, do tập quán phổ thông của nhân loại. Không dễ dàng gì rũ lòng bi mà không mềm lòng khiến quên cái dũng. Cũng không dễ phô cái dũng thẳng thừng đi cùng lòng từ hòa, từ ái. Trong việc phát triển Trí Huệ, người trẻ luôn luôn được gia đình, học đường, xã hội khuyến khích, thúc dục và ra sức vu đắp, tài bồi cái Trí thay vì cái Huệ, các quán tính năng động thể lực và tinh thần thay vì sự an tịnh, tỉnh lặng. Người trẻ lắm lúc khố khăn và khéo léo dùng Chánh Ngữ và thiệt ngôn với một người đang bi quan và sắp chết vì căn bệnh hiểm nghèo. Vì học Phật không thông - mà thế nào và biết lúc nào mới gọi là thông - người trẻ dễ phân vân giữa luận lý Đạo Phật lúc thì xác định lúc phủ quyết...

Quan điểm giáo dục học cho rằng những bài nhân văn, đạo đức cần nhắc nhở liên tục vì chúng thuộc phạm trù khái niệm, tư tưởng, không mấy cụ thể, do đó kết quả của những bài học này cũng đến chậm, ít bền vững, và không đong đếm được. Sau nhiều năm tháng dài kết quả của các bài học đó tích lũy thành tập quán, phong tục, nếp sống và đi vào văn hóa. Có lẽ kết quả của học tập giáo lý Đạo Phật cũng như thế. Khó mà tìm thấy kết quả tức thì. Phật phải đặt ra Giới để câu thúc sự chuyên cần tu tập, hành trì. Chúng sanh hiểu Vô Thường, Vô Ngã rất nhân, nhưng Ngộ và Hành động loại trừ Cái Ta và Cái Của Ta lại đến rất chậm có khi gần cuối đời mới đạt được. Người học sinh học văn xuôi, văn vần, bình giảng, phân tích để tìm nét hay vẻ đẹp văn chương; và rồi một ngày kia anh ta biết làm thơ, biết viết văn lúc nào không rõ. Người Phật tử trẻ cũng thế, anh ta cứ thấm nhiễm tư tưởng Phật Đà ngày một hơn, và rồi anh ta cư xử, hành động, ăn nói "như Chánh Pháp' lúc nào không hay. Học Phật như gieo mạ. Muốn đến thời vụ phải chờ ngày. Muốn thời vụ tốt còn phải tưới nước, trừ sâu, nhổ cỏ dại, canh chừng thời tiết... Cũng thế học một chủ đề giáo pháp còn phải tài bồi bằng nhiều bài khác thì lý đạo mới thêm rõ, nhận thức mới thêm sâu và mỗi lần tu tập thực hành lại phải phản quang tự kỹ mà sửa sai, tinh tấn thêm lên.


Người trẻ học Đạo để an tâm dưỡng tánh và để ứng xử trong đời thường. Họ cũng đang thao thức muốn học hỏi xem quan điểm của Phật giáo ra sao về những vấn đề thời thượng đã và đang xảy ra trong xã hội thời đại như phá thai, ly dị, đồng tính luyến ái, trợ tử, cloning, phá hoại sinh thái,...

Lớp Phật tử trẻ Việt Nam hải ngoại ngày nay phải thường trực sống và chứng kiến sự sa sút của lương tâm nhân loại qua nạn khủng bố tràn lan và chiến tranh truy diệt khủng bố, đang thường trực nghe biết tiếng vọng đau thương của dân tộc trong áp bức, độc tài, đạo lý suy đồi, tệ trạng xã hội đầy dẫy. Lớp người trẻ này đang cần học hỏi, thảo luận và triển khai giáo lý Bồ Tát Đạo để tìm ra con đường nhập thế, nhập cuộc chính đáng, hợp lẽ, hợp tình trước thế tình thế giới và đất nước, thực hiện toàn hảo bài học "Tự giác - Giác thá"; "Tự độ - Độ tha". Ai cũng nhận rằng thế hệ Phật tử trẻ là người Hộ Đạo đắc lực và đầy khả năng, là tương lai của đất nước, là niềm hãnh diện của quốc dân trên thế giới, nhưng họ đã được đào tạo và huân tập giáo lý Phật Đà đủ nội lực và tinh thần Lý Công Uẩn chưa để chuẩn bị lên đường? Trân trọng kính xin Quý Chư Tăng, quý vị Cư Sĩ Thức Giả, quý Phụ Huynh tâm thành lưu tâm xây dựng và giúp đỡ họ trong việc tu học và hợp quần chặt chẽ trong ngôi nhà Phật giáo Việt nam.

 (hoadam.net)

Chia sẻ: facebooktwittergoogle