Đóa hoa vô thường

ĐÓA HOA VÔ THƯỜNG

HOÀNG CÔNG DANH

 

La thứ - cung bậc âm thanh ấy không phải tôi chọn mà chính là anh - nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – đã chọn để đánh lên cho những bản tình ca của mình trong vườn địa đàng, ở đó anh là một đóa hoa vô thường, cứ tỏa hương sắc mãi cho đời...

Mọi người đã viết quá nhiều, đã nói quá nhiều về anh, nhưng cứ nói mãi vẫn chưa đủ và nếu tôi có nói thêm cũng không phải là thừa. Mỗi tác giả viết về anh ở một góc nhìn, với tôi anh là một “cái gì đó” không thể được định nghĩa mà chỉ có thể được nhìn bằng con mắt của một người yêu mến hơn là hâm mộ. Tôi mạn phép gọi Trịnh Công Sơn bằng anh, mặc dù Trịnh Công Sơn đáng tuổi ông nội tôi. Gọi anh chứ không phải một cố nhạc sĩ vì trong tôi anh như chưa bao giờ chết, vẫn “loanh quanh” đâu đó giữa cõi đời này mà thôi.

1. Tôi không thể nhớ được là mình yêu nhạc Trịnh từ lúc nào, hình như cái tiền kiếp đã gắn liền với một định mệnh nào đó nên khi sinh ra, ông nội đặt cho cái tên có chữ lót là “Công” giống với anh. Cái chữ “Công” ấy nếu vứt đi dấu mũ trên đầu thì thành ra “cong”, một đường vòng quanh, một đường tiều tụy.

Ngày còn biết hát “Em là hoa hồng nhỏ” cũng say sưa như những đứa bé cùng trang lứa khác. Chúng tôi đến trường, cô giáo vỗ tay và tập cho những gì rất vui đầu đời mà sau này tôi mới biết là “âm nhạc”. Có thể nói bài hát đó được hầu hết trẻ em thuộc lòng và chẳng thể quên được trong suốt cuộc đời, không phải do trí nhớ thuở đầu sâu đậm mà là do ca từ quá gần gũi. Có một sự so sánh rất dễ thương trong đó, “em sẽ là mùa xuân của mẹ, em sẽ là màu nắng của cha”. Mùa xuân thường mang những hương sắc tuyệt vời đến cho đời, và em - một đứa bé sinh ra để ngày ngày mẹ nhìn ngắm, làm cho mẹ thấy ấm áp. Con là một mùa xuân nho nhỏ mang đến cho cha ánh nắng hồng tươi – cái màu nắng đẹp tinh khôi vào lúc bình minh của ngày đầu năm mới. Dường như một mùa đông dài giá rét con đã nằm trong bụng mẹ và được thai nghén bởi sự viên mãn mà tạo hóa gầy dựng, để rồi “một sớm mai kia nở đóa xuân thì”. Thế nên con là tất cả những gì đẹp nhất trên đời mà ba mẹ đã dành cho nhau. Anh Sơn đã nói điều đó thật đơn giản dễ hiểu nhưng hàm ý triết lí rất lớn, một đứa bé hay một bậc phụ huynh cũng đều hiểu được.

Cái ngày xưa ấy, chúng tôi hát nhạc thiếu nhi, không được nhắc đến tên tác giả, chính vì thế mà tôi cũng không biết Trịnh Công Sơn là ai, chỉ có điều cái ca khúc “Em là hoa hồng nhỏ” nó dễ thuộc như một bài thơ vậy, “cây có rừng bầy chim làm tổ/ sông có nguồn từ suối chảy ra/ tim mỗi người là quê nhà nhỏ/ tình nồng ấm như mặt trời xa”. Với ca khúc này Trịnh Công Sơn như muốn gửi gắm cho các em nhỏ một bức thông điệp rằng các em sẽ là những chủ nhân tương lai của đất nước, các em là cả một “quê nhà nhỏ” mà tình nồng ấm lan tỏa ra như ánh dương - một lời dạy rất nhẹ nhàng mà sâu sắc.

Có thể nói Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ viết tình ca hay nhưng không quên viết cho các em bé, anh ưu ái dành cho tuổi thơ khá nhiều bài vui như “Mẹ vắng nhà” – đó là ca khúc anh phổ nhạc từ bài thơ của Nguyễn Văn Dũng, một trong số ít ca khúc mà anh chỉ việc phổ nhạc. Về cái cách sáng tác này thì chỉ ở Trịnh Công Sơn mới có, anh thường viết nhạc bằng ca từ của mình và bỗng nhiên mà ca từ nó thành những bài thơ hay nên người ta gọi anh là Người ca thơ. Một số bài anh phổ từ thơ của người khác vì sự nể nang hay cũng có khi anh bắt gặp trong đó điều “ngẫu nhiên” mà tự mình viết lại anh sợ mình không cáng đáng nổi. “Mẹ đi vắng/ con sang chơi nhà bà/ con cầm cây đàn con hát/ hát cho mẹ về với con” - rất giản dị, chỉ với bốn câu mà cũng nên một ca khúc. Tôi được nghe ca khúc này lần đầu tiên trong phim “Xóm nước đen” của hãng phim Sài gòn, mấy đứa bé mồ côi mẹ trong phim đã tự làm cây đàn dây chun và hát nó. Thực sự xúc động khi nghe những đưa bé ngô nghê cất lên, với chúng dường như mẹ chỉ đi vắng, không mất đâu cả, cũng như anh Sơn bây giờ đang đi vắng đâu đó mà thôi. Quả là ca khúc của anh như một lời kinh cầu nguyện, theo anh thì lời ca có một năng lực nào đó mà có thể “hát cho mẹ về với con”.

Cứ mỗi mùa trung thu, các em lại tung tăng nhảy lân và hát “Ông tiên vui”, với ca khúc này anh Sơn muốn xây dựng cho trẻ em nước mình một hình ảnh Bụt hiền lành xuất hiện trong ngày trung thu, cũng như trẻ em bên Tây có ông già Nôel chui ống khói đi vào phát quà trong đêm giáng sinh.

Lớn lên thêm một tí nữa, trẻ em biết đến “Tuổi đời mênh mông” và ca hát suốt ngày. Trịnh Công Sơn là người viết nhạc cho mọi lứa tuổi, những đứa bé cứ thế lớn lên và hào sảng ca những bài hát của anh. Biện pháp tu từ được anh sử dụng nhiều là so sánh hay nói một cách dễ thương hơn là ví von. Với “Tuổi đời mênh mông”, anh ví tuổi hoa “như sóng đùa” giữa biển khơi, cứ vô tư sống, vô tư đùa giỡn không suy nghĩ nhiều, song trách nhiệm bản thân vẫn không quên lãng. Cũng như con sóng kia dù lặng lẽ thế nhưng nếu không vỗ vào bờ thì dễ gì làm nên mặt biển khơi ngàn năm rì rào, chính ở đó đã nảy sinh tình yêu như những nhịp đập con tim. Nữ sĩ Xuân Quỳnh đã từng viết “Ước gì được tan ra/ thành trăm con sóng nhỏ/ giữa biển lớn tình yêu/ để ngàn năm còn vỗ...” (Sóng).

2. Bài hát mà tôi ấn tượng mãi trong một quá khứ tuổi thơ cho đến bây giờ là “Hoa xuân ca”. Hồi ấy, cứ mỗi lần có dịp văn nghệ ở trên chùa chúng tôi đều ca bài này. Màu sắc Phật giáo trong các ca khúc của anh Sơn rất đậm bởi anh là một người Phật tử và sống đúng với tinh thần nhà Phật. “Cây sẽ cho lộc và cây sẽ cho hoa” - một câu nói rất ý vị, một niềm hy vọng về tương lai đầy khả quan và tràn trề sức sống, để rồi những ai đã hiểu được điều ấy thì cố làm sao để “dâng cho đời một nụ hoa tình cờ”. Trong đời sống, mỗi người chọn một đức tin để nương tựa, tôn giáo cũng có đóng góp lớn vào việc hình thành nên những bến bờ vững chãi cho con người. Người ta đã cố gắng mọi cách để đưa Phật giáo vào đời sống, và với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, dường như anh đã làm cho Phật giáo thoát khỏi sự trói buộc của một tôn giáo bình thường. Ở trong các ca khúc ấy anh luôn cởi bỏ cái tôi của mình để đưa cái tâm ra với đời, làm cho Phật giáo gần gũi với cuộc sống thường nhật hơn. “Hoa xuân ca” là một sự dâng hiến, cái trách nhiệm đặt ra cho mỗi sinh linh đã được tạo hóa nặn ra.

Anh vận dụng nguyên lí “sắc - không” và luật “vô thường” vào ca khúc rất tài. “Không có đâu em này/ không có cái chết đầu tiên/ và có đâu bao giờ/ đâu có cái chết sau cùng” đúng là một sự “Ngẫu nhiên” mà không phải vô cớ. Chết - sống là hai phạm trù lớn của triết học, nó hiện sinh trong mỗi con người và khiến họ phải làm việc, suy nghĩ cho sự sinh tồn. Trong Phật giáo quan niệm cái sống cái chết chỉ là một, sống không là mãi mãi và chết không là cuối cùng, chúng tuần tự nhau, thay phiên nhau một cách “luân hồi”. “Hôm nay thức dậy không còn thấy mặt trời/ không còn thấy mặt người” (Không còn thấy mặt người) - Vậy là ta và đời sống quanh ta đang chết. Nhưng bỗng: “Hôm nay tôi nghe có con chim về gọi/ về giữa trời về hót giữa đời tôi” (Hôm nay tôi nghe) thì đột nhiên cái đời sống nó đã trở về ngự trị nơi trái tim. Nhạc của Trịnh Công Sơn là nhạc của niềm yêu đời mãnh liệt, hướng con người đến với niềm tin và sự lạc quan. “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi! Đừng tuyệt vọng!” (Tôi ơi đừng tuyệt vọng) - nhiều người đã nói rằng mỗi khi buồn chán mà hát mấy bài này thì bỗng nhiên sầu đau tan biến, cảm thấy “tuyệt vọng cũng đẹp như một đóa hoa” mà phải đi đến tận cùng mới thấy được. Cuộc sống đôi lúc làm con người ta mệt mỏi và bận rộn, cảm thấy ngột ngạt đến mức không chịu nổi, anh Sơn cũng có những lúc trống trải như thế, có những quãng đời như thế mà anh gọi là “tuổi đá buồn”, thế nhưng anh vẫn hát “còn cuộc đời ta cứ vui”.

Có thể nói “Để gió cuốn đi” là một bản tuyên ngôn mà bất cứ ai trên đời này khi mới sinh ra cũng cần được nghe, trong đó có một trách nhiệm và nghĩa vụ cao cả “sống trong đời, sống cần có một tấm lòng” mà sinh thời anh giải thích câu đó có nghĩa là “sống cho tử tế với nhau”. Anh Sơn là thế, viết thì ý vị cao siêu mà giải thích thì gần gũi dễ hiểu, anh không giáo điều thật nhiều như diễn thuyết mà chỉ gợi ý khéo. Tôi không được sống cùng thời với anh, không được gặp anh một lần, chỉ khi tôi bắt đầu biết đến anh thì anh đã ra đi, thế nhưng qua những tài liệu người ta viết cũng như rất nhiều lần được nghe ca khúc của anh, tôi nhận ra một sự tương tri tương ngộ. Dường như anh Sơn là người mà đời sống đã mang lại cho cõi trần này, anh đến và đi, để lại trong trái tim người những dư ba khó tả. Khi một người đã trở thành “tổng hòa các mối quan hệ xã hội” thì họ được nhiều người yêu mến và nhớ mãi...

“Đóa hoa vô thường” là cuốn tiểu thuyết bằng âm nhạc của đời Trịnh Công Sơn, người ta đã nói như vậy và có lẽ đúng bởi ngoài cái độ dài về thời gian ra nó bao gồm nhiều chương đoạn rời rạc mà ghép lại thì thành một thể thống nhất hệt một tác phẩm văn học. Một đóa hoa hình thành từ cuộc kiếm tìm tình yêu “tìm em tôi tìm, mình hạc xương mai”, chỉ gầy gò thế nhưng rồi em - nụ hồng ấy đơm lên trong vườn tình ái một đóa hoa bất tử. Ở ca khúc này, anh khéo léo kết hợp nhiều vốn hiểu biết triết học. “Mình hạc xương mai” là một cách ví von về dáng vẻ người phụ nữ được anh để mắt tới. Trong cái cuốn tiểu thuyết ấy, anh đã kết hợp các cung bậc âm thanh một cách đầy đủ, với điệu valse mở đầu như dẫn dắt ta vào một vườn hoa yên tĩnh, ở đó có đóa vô thường mới hiện sinh. Anh cho nhạc điệu nhanh dần, vẫn là “tìm em tôi tìm...” Nhưng bây giờ anh tự an ủi mình “nhủ lòng tôi ơi!” Nên chi gấp gáp. Có lẽ đó là quy luật muôn đời của tình yêu, ta cứ nôn nóng vội vàng mà tình thì vẫn hờ hững chậm rãi, để rồi chính cái gấp gáp ấy lại chẳng mang đến cho anh một nàng thiếu nữ, anh chỉ còn nhặt lại trên sông “những dấu hài” mang vào kỷ niệm và thành ca khúc trong hòa điệu trái tim mà thôi. Tôi chưa đủ khả năng về âm nhạc cũng như về triết lí để hiểu hết ca từ của anh dù cho đã nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần. Có lẽ nó giống với một cuốn tiểu thuyết vậy, khó mà hiểu hết cho được những con chữ kia tác giả muốn gửi gắm điều gì. Ở giữa những đoạn chuyển anh đệm vào mấy lời vấn ngôn từ tốn như để làm dịu lại âm nhạc. Đây là một lời như vậy “Tình do tâm ta mà sinh, có khi tình mất mà tâm còn đồng vọng. Đến lúc tâm bình an thì tình kia cũng đoạn nỗi”. Đóa hoa vô thường không biết nên gọi là ca khúc của thể loại nào, nó vừa tự sự, vừa réo rắt, vừa nông nổi lại có lúc trầm lắng. Một cuốn tiểu thuyết ra đời có thể không được người ta đọc hết, cũng như cái “cuốn tiểu thuyết định mệnh” của anh Sơn rất ít người thể hiện hoàn chỉnh và có hồn vía. Ngoài Khánh Ly gắn liền với anh như hình với bóng thì theo tôi Hồng Nhung là người thể hiện “Đóa hoa vô thường” đạt nhất. Cái chất giọng của cô bé “Họa mi hót trong mưa” kia vừa trong trẻo lại lảnh lót nên truyền đạt rất tốt, hát mà như đang ru người ta ngủ - hay đến vậy đó!

3. Tôi may mắn có được nhiều kỷ niệm với các ca khúc của Trịnh Công Sơn, nói đúng hơn là có duyên. Hầu như mỗi bài hát đều gắn liền với một kỷ niệm. Cái hồi mới đầu thì hát “Diễm xưa”. Diễm xưa là một bóng hồng thuở ngây thơ, một người con gái Huế bên kia Đập đá mà anh Sơn đã thầm yêu trộm nhớ. Cái tên Diễm đã hay mà thêm chữ xưa vào thì cổ kính lắm. Có phải vì thế mà anh giăng lên ca khúc của mình một vẻ đẹp cổ điển “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”. Đó là một cơn mưa xứ Huế vì chỉ có mưa Huế mới dai dẳng và dằng dặc như thế “mưa vẫn mưa bay...”. Một lần nữa, anh Sơn lại đưa triết lí vào ca khúc của mình nhưng lần này là một lời hứa, hay một lời thề thì đúng hơn – “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Tình yêu ấy là một thứ tình yêu muôn đời muôn kiếp, dù khó khăn gian khổ thì vẫn yêu nhau thắm thiết. Ôi cái tình yêu của những người nghệ sĩ thật đáng trân trọng biết bao, trong cuộc chơi với bạn bè hay cuộc tình với nàng đều vậy! Nhiều nhà thư pháp đã mượn câu này để họa bút như khéo nhắn nhủ  nhắc nhở hay nhắn nhủ?những người đang yêu hãy giữ cho nhau cái tình bền lâu.

Nhạc Trịnh Công Sơn là sự chuyển tiết điệu khéo léo. Hầu hết ca khúc của anh đều vào gam thứ rồi đến khi cao trào thì lên gam trưởng, với điệu slow dịu dàng mềm mại như đưa tình vậy. Với tôi, không một cuộc rượu nào là không hát ca khúc “Như cánh vạc bay” vì nó gắn liền với kỷ niệm tình yêu thuở ban sơ. Gặp một người con gái nào đó có cái nét giống với nguyên mẫu trong ca khúc của anh, thế là yêu. “Nắng có hồng bằng đôi môi em/ mưa có buồn bằng đôi mắt em.” Sau này họa sĩ La Toàn Thắng đã giải thích cho tôi cái câu ấy dưới góc nhìn Phật giáo rằng: “Nắng tượng trưng cho niềm vui, mưa là nỗi buồn, nắng mưa hay niềm vui nỗi buồn ở đời dường như đã đọng lại trong dung nhan của em làm ta yêu, bởi ở đó có cả cuộc đời.”

Anh Sơn rất quý đôi mắt, trong nhiều ca khúc anh đã nhắc đến nó, “vì trong đôi mắt đó có quê hương bạn bè”, chính khi ấy anh yêu nàng vì trong nàng có quê hương, có bạn bè, yêu nàng chính là yêu cái đời sống rộng lớn ngoài kia. Dường như đến đây tình yêu đã vượt ra ngoài khuôn khổ của sự ích kỉ vốn có trong con người ta, anh thoát thân làm một con người cao cả. Bài hát “Con mắt còn lại” được anh phổ từ bài thơ của thi sĩ Bùi Giáng với âm điệu nhí nhảnh mà thâm sâu. Chỉ xoay quanh con mắt mà anh như muốn mang đến cho người nghe cả những luân lí giữa đời “con mắt còn lại nhìn cuộc đời tôi/ nhìn tôi lên cao nhìn tôi xuống thấp”. Đôi mắt của mẹ cũng được Trịnh Công Sơn nói nhiều trong các ca khúc mà người ta gán lên cho cái tên “da vàng” hay “phản chiến”, ở đó anh như nhận ra cái dằng dặc ngóng trông của người mẹ chờ con, người vợ chờ chồng trong cuộc chiến chinh trường kì.

Hầu như Trịnh Công Sơn đưa được tất cả các giác quan bộ phận trên cơ thể vào ca khúc một cách tài tình, “môi nào hãy còn thơm/ cho ta phơi cuộc tình. Tóc nào hãy còn xanh/ cho ta chút bình yên. Tim nào có bình yên/ ta rêu rao đời mình” (Ru ta ngậm ngùi). Rồi thì tứ chi cũng được anh âm nhạc hóa thú vị, “bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm” (Ru em từng ngón xuân nồng), “tôi đi bằng nhịp điệu, một-hai-ba-bốn-năm. Em đi bằng nhịp điệu, sáu-bảy-tám-chín-mười” (Tình khúc Ơ-bai). Đưa các bộ phận của con người vào âm nhạc nhưng không thô thiển kiểu nhục thể, ngược lại chúng rất có hồn. Với “Tình khúc Ơ-bai”, anh lí giải cái chuyện ta và em không thể yêu nhau là vì ta đi bằng nhịp một-hai-ba-bốn-năm, trong lúc đó em lại đi bằng nhịp sáu-bảy-tám-chín-mười, chính cái sự khác nhau đó không làm ta và em hội ngộ được một lần, cuối cùng anh đứng than thở “sông cạn đá mòn, làm sao ta gặp, làm sao ta gặp được nhau..?”.

4. Nhạc Trịnh Công Sơn dễ nghe, dễ thuộc và dễ hát nhưng không phải dễ hiểu, nếu mà cố tìm cách để hiểu hết thì càng khó, nên chi hãy cứ nghe lâu thấm dần thôi! Có người bạn bảo với tôi rằng, hắn chỉ thích nghe nhạc không lời để tự hiểu theo ý mình, vậy nên khi nghe nhạc Trịnh thấy hay nhưng chẳng hiểu nổi ngụ ý tác giả. Rồi hắn nhờ giải thích câu “từng lời tà dương là lời mộ địa”, tôi nói “khi ta sống là thực chất đang tiến dần đến cái chết, mà mỗi lúc tà dương thì thấy dường như cái chết sắp đổ sụp theo bóng hoàng hôn”, thế đấy! Nhạc anh Sơn thâm thúy triết lí như vậy. Bài hát “Một cõi đi về” chẳng biết nên gọi là nhạc bi hay nhạc hùng, có lẽ nó là một qui luật tất yếu của tự nhiên, sống và chết hiện sinh đồng thời trong mỗi phút giây. Chính điều đó mà anh từng nói “Hãy sống hết mình trong mỗi sát-na của hiện tại!”. Trịnh Công Sơn nói nhiều về cái chết, mặc nhiên gán cho nó với một định mệnh nên cái chết cũng không sầu bi lắm. Với anh, đón nhận cái chết là một điều rất “vô thường” chứ không phải là chuyện nghĩa vụ và thời hạn. Chết cho một cuộc hồi sinh và tái tạo lại bản thân ở một thực thể khác, mà với anh thì dù có kiếp nào vẫn muốn được ca hát – đó là ý nguyện của anh khi trả lời với Văn Cầm Hải lúc anh trở về Huế. Anh Sơn có thích sống không? Có! Bất cứ ai nói nhiều về cái chết đều rất yêu đời sống, chính vì yêu đời sống nên mới tự nhủ phải nhiệt tâm với đời, với sáng tạo để khi nằm xuống đỡ phải nuối tiếc. “Thí dụ bây giờ tôi phải đi, tôi phải đi, xa quê hương, đời sống này. Có chiều hôm, đưa chân em, về nơi xa. Mơ...” - ấy là anh đang “Rơi lệ ru người” mà như ru mình vậy!

Tôi thích nhìn chân dung anh Sơn khi đang cầm điếu thuốc, nhìn bâng quơ về một miền xa xăm nào đó trong cõi mịt mùng. Anh yên lặng với gọng kính đồi mồi, chiếc mũ tai bèo trong vóc dáng hốc hác. Trong cái dáng vẻ ấy, anh vừa giống một nghệ sĩ, một nhà triết học và một vị thiền sư. Mà ở góc độ Phật giáo thì anh có thời đã từng lên ở chùa nên chi cái câu kinh dường như đang được anh niệm trong cái giây phút này. Anh Sơn, dù ngồi hay đi vẫn tạo cho mình những khoảng lặng để nhớ nhung, suy tư, “chiều một mình qua phố/ âm thầm nhớ nhớ tên em”. Người ta nói anh Sơn là người gốc Huế nhưng nhạc của anh là nhạc của mọi vùng miền, anh như một “gã lãng du đi qua những vùng đất và hát lên những bản tình ca”. Anh không viết riêng cho Huế một bài cụ thể nào, nhưng với “Chiều một mình qua phố” và “Diễm xưa” thì có lẽ cái chất Huế rõ ràng hơn cả.

Nhạc Trịnh Công Sơn là thứ gạo quê hương nên ăn mãi không thấy chán, ví von như thế là để so sánh với cái loại mì ăn liền của nhạc hiện nay. Dĩ nhiên nhạc anh Sơn mang một tầm cao hơn và ở một đẳng cấp khác mà ai cũng phải công nhận. Phải nói anh viết nhiều nhưng không bao giờ lặp lại chính mình, mỗi ca khúc đều có một nét riêng mà khi hát lên ta có cảm giác được sống thực sự. Nhờ hát nhạc anh mà tôi có thêm những người bạn tốt vì sự gặp gỡ ở một khía cạnh trong nghệ thuật cũng như đời sống. Nhạc anh đã dẫn dắt tôi vào thế giới của phiêu bồng và cả lang bạt ở những quán cà phê Huế. Cố đô là đất cà phê mà hầu như quán nào cũng mở nhạc Trịnh. Lúc đầu chỉ nghe cho vui nhưng dần dà không biết nghiện cà phê hay nghiện nhạc mà cứ thích đến ngồi một mình để suy ngẫm. Với nhạc Trịnh, ta có thể đem làm mồi nhắm rượu đàn hát, cũng như chọn làm bạn tri âm để ngồi ở quán cà phê. Âm nhạc của Trịnh không làm mình cô đơn mà chỉ tạo ra sự chơi vơi.

Anh luôn phân vân giữa thực và ảo, trong cái cõi mông lung ấy đôi khi nhận ra cái sắc-không (trong Phật giáo) trong đời sống cũng như tình yêu. Ở “Nguyệt ca”, điều ấy thể hiện rõ hơn cả “từ khi trăng là nguyệt, lòng tôi có đôi khi, tựa bông hoa vừa mọc, hân hoan giây xuống thế”. Đến đó tình yêu vượt ra khỏi khuôn khổ của bản thức ham muốn vốn dĩ trong con người, nó rộng lớn như đất trời ngoài kia. Tình yêu - với anh đó là sự dâng hiến cho đời. Anh từng nói “ở đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô hạn, chúng ta làm sao để lấy tình yêu cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”. Dường như khi sinh ra, con người đã bị tử thần đóng đinh lên cây thập giá (hình tượng Chúa Giesu) nên mỗi phút giây đang sống là ta đang bị chết đi, chết không phải là hết mà là cuộc luân vũ cho cái sức sống mới biểu hiện, và anh nghĩ chỉ có tình yêu mới cứu nổi ta thoát khỏi những phút giây mặc nhiên ấy. Một triết lí lớn trong “Nguyệt ca” là nguyên lí âm-dương của triết học Trung Hoa, “từ khi em là nguyệt, trong tôi có những mặt trời”. Em - nguyệt – thái cực âm, tôi - mặt trời – thái cực dương, tưởng chừng như chúng đối lập nhau nhưng đó là một sự thống nhất vì chỉ có âm và dương mới hút nhau (theo quan điểm điện học vật lí). Em và tôi là âm và dương tạo thành cái viên mãn của hình đồ bát quái, một thể thống nhất bù trừ san sẻ cho nhau.

5. Nhạc Trịnh Công Sơn là một bức tranh được vẽ nên bằng ca từ nốt điệu, trong bức tranh ấy anh quả là một người hoạ sĩ tài ba với việc sử dụng màu sắc tinh xảo. Mà thực ra thì anh Sơn cũng là một người cầm cọ tài năng đấy nhé! Nhiều bức chân dung anh để lại cho đời rất có hồn. Anh thích vẽ chân dung thiếu nữ trong cái khắc khổ của cuộc đời – theo tôi đó là những người tình trong cuộc đời anh.

“Trời ươm nắng, cho mây hồng” (Mưa hồng) – chưa ai vẽ như vậy về mây cả, chỉ có anh chàng họa sĩ Trịnh Công Sơn mới vẽ nổi nó. Người ta thường nói mây trắng như bông chứ mây hồng thì họa chăng là điềm lạ. Nếu nhìn dưới góc độ của người quan sát thì anh Sơn đúng, khi nắng xuyên qua những đám mây, màu của nó như đã nhuốm lên trên đó nên mây mới có màu hồng. Anh sử dụng màu hồng ở đây để nói về niềm lạc quan hy vọng. Anh yêu con nắng và cũng chính con nắng ám ảnh anh những ngày còn sống, anh nói “ngày xưa mình nghĩ rằng mưa buồn, nhưng mưa không buồn hơn nắng vì mưa thì chỉ có một màu, nắng có nhiều màu. Nắng cũng như đời người vậy!” Ở góc độ nào anh Sơn cũng nhìn ra được cái tinh tế của đời sống và thể hiện nó rất gần gũi bình dị.

Màu xanh được anh phủ lên ca khúc với cái bạt ngàn trập trùng lá “rừng xanh bao nhiêu lá, lá bao nhiêu trên cành...” (Rừng xanh xanh mãi). Rồi thì “rừng xanh, rừng xanh, em cây non mới lớn, còn tôi như cây già”. Cái màu xanh bây giờ nó cũng đã có sự phân cấp, ở đó em là xanh của cây non, tôi là xanh của cây già và chúng ta cùng hiện sinh trong một khu rừng tình ái rợp màu xanh. Có khi anh lấy màu xanh để nói về cái gầy guộc của một người con gái “trên mùa tóc xanh, ngón tay em gầy nên mãi ru trên ngàn năm” (Ru em từng ngón xuân nồng). Đôi khi màu xanh là cái thèm thuồng về một nhan sắc, “em mượt xanh như ngọc mà tôi có đâu ngờ?” (Hoa xuân ca).

Rồi thì đến vàng, bắt đầu là con nắng, “nắng vàng, em đi đâu mà vội?” (Bống bồng ơi!), hay là cái vàng rơi rất vội của kiếp người “nhật nguyệt í a trên cao, ta ngồi í à dưới thấp, một đường í a cong queo, nắng vàng ối à đột ngột” (Cũng sẽ chìm trôi). Về cái màu vàng này, anh lại yêu nó bởi đó là màu nước da của người dân Việt Nam mình, trong đó có anh, có tôi và có cả em “người con gái Việt Nam da vàng, yêu quê hương như yêu đồng lúa chín”.

Màu tím thì anh dùng để vẽ sắc hoa khi hoàng hôn, “có khi nắng kia chưa lên, mà một loài hoa chợt tím...” (Chiều một mình qua phố). Cái tím của sự chờ mong dằng dặc nỗi nhớ, có chút gì đó buồn buồn nhuốm lên sự vật. Đối với người dân Huế thì màu tím tượng trưng cho lòng thủy chung, như một tà áo tím thướt tha của dáng em qua cầu Trường Tiền. Màu tím của anh cũng vậy! Màu trắng thì mang nỗi tang tóc bi lụy, thế nhưng cái buồn của anh nó cũng là “một nỗi buồn có tên” rất sang trọng “gọi nắng, cho cơn mưa chiều nhiều hoa trắng bay” (Hạ trắng). Anh từng bị cái màu trắng ám ảnh khi một lần chợp mắt “tôi thấy tôi qua đời”, thức dậy cầm đàn viết bài Hạ trắng.... Rất nhiều màu khác được anh sử dụng mà nếu đem pha lại thì sẽ được một màu lam của Phật giáo, cái từ bi trong con mắt và cây cọ của chàng họa sĩ vẽ bằng nhạc ấy.

Để vẽ chân dung Trịnh Công Sơn, quả thật là khó! Tôi chỉ biết nói yêu anh và viết những gì mình nghĩ được khi nghe nhạc của anh. Dĩ nhiên chừng ấy năm có mặt trên đời của anh Sơn chẳng phải là nhiều, cũng như bao nhiêu năm đối với tôi chưa phải là đủ để hiểu hết nhạc anh, tôi chỉ viết từ góc nhìn cảm quan cá nhân. Người ta kể lại với tôi, Trịnh Công Sơn là một người nghệ sĩ đích thực, một con người sống thực; còn với tôi, anh như một đóa hoa vô thường!

Chia sẻ: facebooktwittergoogle