Nắm tay nhau cùng đi

NẮM TAY NHAU CÙNG ĐI

(Pháp thoại TT. Thích Thái Hòa giảng đám cưới cho hai đệ tử Dũng và Ngân tại chùa Phước Duyên, Huế, ngày 12/06/ Nhâm Ngọ (2002) do học trò Nhuận Hạnh Châu và Quảng Như kính ghi từ băng giảng, đệ tử Nhuận Tịnh Phương và Nhuận Viên Như vi tính)

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Dũng và Ngân, hai con thương mến!

Hôm nay ngày 12, tháng 06, năm Nhâm Ngọ, hai gia đình của hai con đưa hai con Dũng và Ngân đến chùa Phước Duyên, trước Tam Bảo, trước hiện tiền chúng Tăng để cầu nguyện cho hai con thành tựu tốt đẹp trong đời sống lứa đôi.

Hai con đã được Hòa Thượng trú trì niêm hương bạch Phật, cầu nguyện Tam Bảo chứng minh cho hai con, hai con cũng được cha mẹ, chú bác, cô dì và bạn bè đều nhất tâm hộ niệm cho hai con thành tựu ước nguyện đời sống lứa đôi một cách tốt đẹp, đó là hạnh phúc nhất, đó là tặng phẩm quý báu nhất để hai con có thể bước vào cuộc sống lứa đôi một cách có ý nghĩa.

Và nhân đây, Thầy thay mặt Hòa Thượng trú trì cũng như quý Thầy ở trong chùa có vài lời với hai con trong buổi lễ này.

Hai con Dũng và Ngân quý mến!

Là Phật tử, hai con đã tìm hiểu nhau và thấy rằng, mình có thể đến với nhau, sống với nhau để tạo nên hạnh phúc cho nhau, cho nên hai con đã tự nguyện đến với nhau và được cha mẹ của hai con cho phép.

Con Đường Tự Nguyện:

Như vậy, việc đi đến với nhau của hai con không phải là do nghiệp lực, mà do nguyện lực. Ở đời, phần lớn người ta đi đến với nhau là bằng nghiệp lực, nên trong đời sống lứa đôi, trong đời sống vợ chồng có rất nhiều khổ đau, có rất nhiều rối rắm, có những điều không ưa mà cũng phải làm, không ưa mà cũng phải sống. Trái lại, người Phật tử, sau khi đã học giáo pháp của Đức Phật rồi, mình mới bắt đầu xây dựng đời sống lứa đôi, vì mình đã tìm hiểu nhau rất kỹ, hai người cùng nhìn về một chân trời, nhìn về một phía và cùng dắt tay nhau đi về phía đó, mình nguyện cùng nhau đi về phía đó, cho nên tình yêu lứa đôi của người Phật tử không phải là nghiệp lực mà là nguyện lực. Chất liệu tình yêu lứa đôi của hàng Phật tử đi đến với nhau bằng nguyện lực, chứ không phải bằng nghiệp lực, nên cơ bản đã có hạnh phúc rồi, mỗi người đã có chủ quyền của mình.

Ở đây, quý vị trong thân tộc đang tham dự buổi lễ này, quý vị cũng phải ý thức cho được điều đó, để hướng dẫn cho con cháu của mình, khi mà con cháu của quý vị thương ai đó, thì quý vị không có can dự vào, nhưng mà quý vị phải nhắc nhở cho con cháu của mình biết rằng, con đường đó là con đường rất khó khăn, nên mấy đứa con phải cẩn thận lúc chọn lựa, phải chọn lựa một cách thông minh và khi mình nói như vậy, không phải mình chỉ nói một lần, mà mình phải nói tới ba lần.

Bởi vì bậc làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị, làm chú, làm bác, làm cô, làm dì, mình phải nói cho nó biết đó là con đường khó khăn, con đường rất hẹp, chứ không phải là con đường rộng lớn thênh thang.

Với con đường hẹp đó, nếu mình không chín chắn, không có thông minh mà mình đi vào đó, mình sẽ bị ngột thở và rất dễ bị đổ vỡ. Do đó mình sẽ chia s? với con, với cháu của mình, khi nó thưa chuyện đó với mình. Mình hỏi, con đã suy nghĩ kỹ chưa, con đã thấy rõ chưa, con đã tìm hiểu nhau kỹ chưa, mình phải hỏi điều đó đến ba lần.

Thầy biết rằng, Dũng và Ngân thương nhau đã lâu, tìm hiểu nhau đã lâu, cũng có thể hai con đã chín chắn trong vấn đề này và hai con cũng đã lên thưa với Thầy v? điều này.

Cho nên, hôm nay, có cha mẹ của hai con, có những người thương yêu của hai con, trước Tam Bảo, trước hiện tiền chúng Tăng, Thầy nhắc nhở hai con những việc sau đây:

Tình yêu lứa đôi đã đến với nhau bằng tự nguyện, thì bất cứ cái gì, các con cũng tự nguyện mà làm, vợ đừng áp đặt lên chồng, khi chồng chưa nhận ra được vấn đề, chồng cũng không được áp đặt lên vợ, khi vợ chưa nhận ra được vấn đề, mà vợ chồng phải đến với nhau như những người bạn chân tình nhất, hiểu biết nhất.

Khi vợ mình, chồng mình chưa hiểu vấn đề, thì mình phải nỗ lực làm cho vợ mình, chồng mình hiểu, có thể chồng mình, vợ mình chưa hiểu được mình ở lời nói, hay có nghi ngờ ở nơi lời nói, thì mình phải thể hiện lời nói đó, ngay nơi hành động của mình, nơi đời sống của mình, ngay nơi xử sự của mình. Khi hai con sống được như vậy, thì hai con đã làm đẹp cho mình, làm đẹp cho cha mẹ mình, cho dòng họ nội ngoại của hai con.

Ý Thức Sống Chung:

Trong đời sống lứa đôi, kỵ nhất là sống theo cá tính của mình, nếu mình sống theo cá tính của mình, thì hạnh phúc lứa đôi sẽ vỡ ngay, đó là điều mà hai con phải lưu ý. Bởi vì, trong đời sống lứa đôi, hạnh phúc của chồng là hạnh phúc của vợ, hạnh phúc của vợ là hạnh phúc của chồng, niềm đau của chồng hay của vợ cũng chính là niềm đau của cả hai người và niềm đau của cả hai người cũng là niềm đau của cha mẹ hai bên, dòng họ hai bên, nên mình nói một điều gì, mình cũng phải cân nhắc cho kỹ, có đôi khi cha mẹ hai bên làm thông gia sống với nhau rất đẹp, nhưng bởi vì hai đứa trẻ kém hiểu biết, kém sự đối xử với nhau, làm cho tình cảm của hai bên thông gia trở nên ngột ngạt, đó là điều mà các con phải hết sức cẩn thận.

Tình yêu lứa đôi rất là đẹp, nhưng rất là mong manh, giống như ngàn cân treo sợi tóc, cho nên các con bước vào đây, thì phải cẩn thận hơn sự cẩn thận của ông thầy tu mới giữ được tình yêu, bởi vì đây là tình cảm đẹp, nhưng rất mong manh, nên nếu mình thiếu sáng suốt, thiếu thông minh là nó vỡ toang, vậy muốn giữ được tình cảm này, các con phải cẩn thận và chín chắn như những vị thầy tu vậy, chứ không phải vợ chồng sống với nhau như cặp uyên ương. Nếu chỉ sống như những cặp uyên ương, nó sẽ làm khổ đau cho nhau một cách khủng khiếp và cuối cùng vợ chồng như là oan gia tụ hội.

Bởi vì, người ta đâu có ý thức được rằng, đây là hạnh phúc rất đẹp, nhưng mà rất mong manh, nên mình muốn giữ được hạnh phúc đẹp mà mong manh đó, thì mình phải hết sức cẩn thận. Phải cẩn thận từ lời ăn, tiếng nói, cẩn thận từ cách nhìn, điệu bộ của mình với nhau, nếu mình không tế nhị, thì chồng mình cũng có thể nghi mình và hạnh phúc cũng có thể tan ngay, vợ mình cũng có thể nghi mình, thì hạnh phúc của mình khơng cịn.

Cho nên, mình phải tế nhị trong từng cử chỉ rất nhỏ, để chồng mình không nghi mình, vợ mình không nghi mình. Và khi vợ, chồng không nghi nhau, đời sống lứa đôi không có nghi ngờ, khi đó mình mới tạo được hạnh phúc cho nhau, còn nếu có nghi ngờ nhau, thì làm sao có hạnh phúc.

Nghi thường thường đi kèm theo với hận thù, với cái ghét, nghi thường đi kèm theo với cái sân và không nghi thường đi kèm theo với cái thương, cái cảm thông. Nên, trong đời sống hàng ngày, hai con phải hết sức cẩn thận trong từng động tác, cử chỉ, lời nói, ngay cả khi mình giao tiếp với bạn bè, mình cũng phải hết sức tế nhị. Người chồng có thể giao tiếp với bạn gái, nhưng phải tế nhị, người vợ có thể giao tiếp với những bạn trai đã học hành quen biết với nhau từ lâu, nhưng cũng phải hết sức tế nhị, nếu không tế nhị, thì vợ cũng có thể làm cho chồng nghi ngờ và chồng cũng có thể làm cho vợ mình nghi ngờ, điều đó hai con phải thông minh mới giữ được.

Cùng Nhau Tương Kính:

Trong đời sống lứa đôi, hai con phải tương kính nhau, khi mình tương kính nhau, thì mình đừng bao giờ ỷ lại khả năng vốn có của mình. Nếu ỷ lại khả năng của mình, thì đời sống lứa đôi cũng khó mà có hạnh phúc. Nên, trong sự tương kính mình không ỷ lại khả năng của mình, gia thế của mình, không ỷ lại sở học hay trí thức của mình. Khi vợ hay chồng đã ỷ lại khả năng của mình, thì mình không thể dựa vào nhau được, nên tình cảm trở thành một lằn mức và khi đã có lằn mức, thì khó mà có sự cảm thông để đi đến hạnh phúc trọn vẹn.

Do đó, trong đời sống hàng ngày, hai con phải giữ cho được sự tương kính nhau, không những mình chỉ tương kính cho mình hay vợ mình, mà còn tương kính cả cha mẹ, bà con, bạn bè hai bên.

Dũng phải tương kính cha mẹ, bà con, bạn bè của Ngân như cha mẹ, bà con, bạn bè của mình và Ngân cũng phải tương kính cha mẹ, bà con, bạn bè của Dũng như cha mẹ, bà con, bạn bè mình. Nếu chồng chỉ tương kính vợ thôi, hoặc vợ chỉ tương kính chồng thôi, còn coi thường cha mẹ, họ hàng hai bên là không được, hạnh phúc sẽ vỡ ngay. Cũng như nếu mình coi thường bạn bè, thì hạnh phúc của mình sẽ bị cô lập. Hạnh phúc đã có then chốt rồi, thì phải biết làm cho nó lan tỏa ra, phải biết nhìn rộng ra và chính bờ đê rộng đó sẽ bảo vệ cho hạnh phúc lứa đôi của mình. Bởi vì, hai con không thể tự bảo vệ hạnh phúc của hai con được, nếu không có cha mẹ, bà con, bạn bè đùm bọc, bảo vệ. Chỉ một lời nói của bạn bè thôi, cũng sinh ra bao sự nghi ngờ và cũng có thể làm tan vỡ hạnh phúc, nên hai con phải biết học tập sự tương kính và phải hết sức cẩn thận.

Tương Ái Cùng Nhau:

Khi mình có sự tương kính rồi, thì mình mới có sự tương ái, tức là phải thương nhau, phải giúp nhau trong đời sống lứa đôi. Trong cuộc sống vợ chồng, nhiều khi người chồng có những niềm đau ngoài xã hội, nhưng không biết trút lên ai, cho nên về nhà trút lên vợ mình, như thế là oan, nhưng người vợ phải nghiến răng, phải thông minh, phải thương chồng mình, phải biết chồng có những nỗi đau như vậy, ngoài xã hội, khơng biết trút cho ai, nn trút cho mình là đúng rồi, cho nên, mình phải biết như vậy để chấp nhận và sau đó mình sẽ nói lại với chồng mình sau.

Người chồng cũng vậy, khi đi ra ngoài, nhìn được trời mây, được gặp bạn bè, còn vợ mình ở nhà lam lũ, chăm sóc con cái, nhiều khi đau ốm không ai biết, có những nỗi buồn chẳng ai hay, khi chồng về, thì dọn cơm cho chồng ăn, chồng ăn xong rồi đến xem tivi, hoặc đi chơi tennis, nhiều khi còn chở bạn gái đi nữa, người vợ ở nhà thấy cô quạnh, hẩm hiu như vậy, rất là đau khổ, cái đau khổ đó kéo dài từ ngày này sang ngày khác, cuối cùng đi tới sự đổ vỡ. Cho nên, người chồng phải khôn khéo, phải thông minh để chia sẻ được niềm đau, khổ tủi của vợ mình, làm được như vậy, thì hạnh phúc lứa đôi mới đảm bảo.

Biết Tương Thuận Nhau:

Trong đời sống lứa đôi, mình phải tương thuận nhau, không nên ý vợ một đường, ý chồng một nẻo, mình phải biết tương thuận nhau, mình sống luôn có mặt bên nhau. Có mặt bên nhau, không có nghĩa là mình đi đâu, mình cũng cõng vợ mình đi theo đó, mình đi đâu mình cũng cõng chồng mình đi theo đó, nếu mình tương thuận như vậy, thì cuối cùng lưng mình cũng còng, mà mình tương thuận, có nghĩa là mình làm gì, thì mình phải bàn bạc vợ chồng với nhau thật kỹ và tùy theo khả năng của mỗi người mà thực hiện, khi người chồng đóng vai trò chủ đạo, thì người vợ hết lòng ủng hộ và khi người vợ đóng vai trò chủ đạo, thì người chồng hết lòng ủng hộ. Có nhiều việc, người chồng đứng ra chịu trách nhiệm, thì công việc thành tựu, có những việc người vợ đứng ra chịu trách nhiệm, thì công việc thành tựu, chứ không phải lúc nào, người chồng hay vợ cũng làm ch?. Khi nhận ra được điều đó để sống, tức là mình có sự tương thuận và tương thuận được như vậy, nó sẽ bảo chứng được cho đời sống hạnh phúc lứa đôi.

Như vậy, hai con có thể sử dụng các chất liệu ý thức sống chung, tương kính, tương ái, tương thuận trong đời sống hàng ngày của mình, thì Thầy tin chắc rằng, hai con sẽ có hạnh phúc rất lớn trong đời sống lứa đôi.

Bởi vì, đời sống lứa đôi nầy hai con đã tự nguyện đến với nhau, cha mẹ, bà con, bạn bè đâu có ép đặt, hai con đã tự nguyện đến với nhau, thì đã có bản nguyện rồi, nên trong đời sống, hai con luôn luôn nhìn tính tích cực của nhau để mà chăm sóc nhau và nhìn vào cái tiêu cực của nhau để vượt ra khỏi cái tiêu cực đó, chứ không phải nhìn cái tiêu cực để tạo ra hố ngăn.

Tam Bảo Là Điểm Tựa:

Điều cuối cùng, Thầy muốn nói với hai con rằng, hai con đã quy y Tam Bảo rồi, hai con nguyện thiết lập hạnh phúc lứa đôi trên nền tảng của Tam Bảo, và trong cách nhìn cuộc đời của người Phật tử, chứ không phải theo cách nhìn của người tầm thường, như vậy hai con đến với nhau là để giúp nhau đi đến với sự cao quý trong đời sống hàng ngày, giúp nhau kế thừa huyết thống, kế thừa nòi giống, mà không phải đi đến với nhau để khai thác cảm giác dục vọng.

Nếu hai con đi đến với nhau để khai thác cảm giác dục vọng, thì cái đẹp của sự thương yêu không còn nữa, mà đó như một món nợ mà mình phải làm nghĩa vụ cho nhau và trong món nợ đó, nó tiết ra chất liệu oan khiên, cái oan khiên đó không chỉ liên luỵ một đời, mà liên luỵ đến nhiều đời.

Tên Pháp Của Hai Con:

Lại nữa, khi hai con làm một điều gì, thì hai con phải nhớ đến Pháp danh của mình mà làm, mà sống. Pháp danh của Dũng là Quảng Niệm, pháp danh của Ngân là Quảng Như. Dũng nhớ đến Pháp danh Quảng Niệm như là định hướng, hành xử của cuộc sống. Quảng Niệm là người Phật tử có tâm niệm rộng lớn. Khi một người đệ tử Phật có tâm niệm rộng lớn, thì mình đã có cơ hội hạnh phúc rồi. Sở dĩ, ở đời họ không có hạnh phúc, là vì tâm niệm của họ quá hẹp, quá tầm thường, người có tâm niệm rộng lớn, nhất định họ sẽ có hạnh phúc và che chở được cho nhiều người khác, và họ sẽ giúp đỡ được cho nhiều người.

Và Ngân hãy luôn luôn nhớ đến Pháp danh Quảng Như. Quảng Như là người học trò có định hướng và hành xử đúng như chân lý và rộng như chân lý vậy. Cho nên, một người có tâm hồn rộng lớn và một người có hành xử rộng lớn đúng như chân lý, thì chắc chắn hai con sẽ tạo được hạnh phúc lớn cho chính mình và cho những người xung quanh, cho thế hệ tương lai của chính mình.

Biết Ơn Và Cùng Nhau Bước Đi:

Bây giờ, để cảm ơn công ơn sâu sắc của tổ tiên, ông bà nội ngoại, của bạn bè, của mọi loài, hai con hãy theo dõi hơi thở thật sâu sắc để cảm nhận cái ơn đức đó, mình có tình yêu lứa đôi ngày hôm nay, mình có tâm hồn, thân thể ngày hôm nay là do cha mẹ, do tổ tiên, do ông bà nội ngoại hai bên, do thầy, do bạn, do đồng loại của mình giúp mình, mà cúi đầu và chí thành đảnh lễ đến tất cả.

Sau khi đảnh lễ để cảm nhận được công ơn sâu dày của tổ tiên, ông bà nội ngoại, của thầy, của bạn và của đồng loại xong, hai con đứng đối diện với nhau, chắp tay nghe Thầy nói, Thầy nói xong hai con sẽ lạy nhau hai lạy.

Trong đời sống của con người, mình không thể đi một mình, mình không thể sống một mình, mình không thể vui một mình, mình không thể buồn một mình, mình không thể ăn một mình, mình không thể uống một mình, trong thế gian này không có cái một mình nào, mà tự nó tồn tại được cả.

Trong thế gian này ta muốn tồn tại được, thì tối thiểu phải có hai mình, như vậy mình muốn tồn tại, muốn bảo vệ hạnh phúc, thì phải có hai mình và muốn thoát ly khổ đau cũng phải có hai mình.

Bởi vậy, hai mình tự ý thức và nguyện đến với nhau để giúp nhau, để tương kính nhau, tương ái nhau, tương thuận nhau, mà không phải đến với nhau để phiền hà nhau, cho nên bây giờ, trước Tam Bảo, trước quý Thầy, trước ba mẹ, trước cô dì, chú bác, trước bạn bè của hai con, hai con lạy xuống để biểu lộ sự tương kính, tương ái, tương thuận nhau trong đời sống lứa đôi.

Nhờ chất liệu tương kính, tương ái, tương thuận đó, mà hai con có phước đức rất lớn và chính phước đức đó, mới bảo chứng cho đời sống lứa đôi của hai con, cho dòng dõi của hai con sau này, bởi vì, sau này hai con cũng làm cha, làm mẹ, rồi làm ông bà nội, ngoại, rồi làm ông bà cố. Nhưng khi ta làm ông bà nội, ngoại, ông bà cố, nếu ta không có phước đức gì, thì làm sao ta có thể ngồi trên bàn thờ cùng với tổ tiên chúng ta được. Cho nên, ngay từ giờ phút này, mình phải tạo ra phước đức, để mình càng lớn tuổi, càng nhiều thế hệ bao nhiêu, thì cái cao quý trong gia đình mình, trong dòng họ mình càng phải được gìn giữ và tăng trưởng lên bấy nhiêu. Làm được như vậy, tức là hai con xứng đáng là con cháu của cha mẹ mình, của ông bà nội ngoại mình, xứng đáng là học trò đáng yêu, là đệ tử thuần thành của Tam Bảo.

Và có bao nhiêu phước đức mà các con làm được trong buổi lễ này, trong giờ phút này, các con đem hồi hướng cho tất cả những người thân yêu của mình, những người đã quen hay là những người chưa quen, xin cho họ sớm được gặp nhau ở trong biển cả giác ngộ và đem trí tuệ, tình thương chia sẻ và tạo hạnh phúc cho nhau, thiết lập quê hương tịnh độ ngay trong mỗi tâm hồn và mỗi gia đình, để cảnh giới tịnh độ của chư Phật thật sự có mặt trong đời sống của chúng ta. Có như vậy, thì buổi lễ cầu an hôm nay mới có ý nghĩa, vậy bây giờ, xin tất cả quý vị đứng dậy chắp tay hồi hướng.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle