SỐNG DẬY
Nguyễn Duy Nhiên dịch
Không lâu trước đây có một người bạn của tôi bình thường rất khỏe mạnh, đột nhiên bị sưng phổi rất nặng, và lần đó gần như không qua khỏi. Một thời gian sau khi anh khỏi bệnh, tôi về nhà nghe tiếng anh nhắn lại trong máy trả lời điện thoại của tôi. Khi tôi vừa mới định gọi lại anh thì điện thoại reo. Người gọi là một người bạn quen biết với cả hai chúng tôi. Khi tôi bảo là tôi cần cúp máy để gọi lại anh bạn, thì chị nói: “Chị có biết còn chút nữa là anh ta chết rồi không?” Tôi đáp rằng tôi biết, rồi chào chị để gọi lại cho anh bạn. Khi tôi vừa gác máy thì điện thoại lại reo. Lần này lại là một người bạn khác, quen biết cả hai chúng tôi. Và khi nghe nói tôi cần cúp máy để gọi cho anh bạn, chị ta cũng nói: “À, chị có biết là anh ta vừa suýt chết không?”
Cuối cùng khi tôi gọi được anh bạn, tôi bảo anh: “Tôi nghĩ là bây giờ tôi có thể chánh thức gọi anh là ‘người gần chết’.” Anh bạn trả lời, “À, cũng được. Như vậy còn đỡ hơn bị gọi là ‘người gần sống’.”
“Anh nói vậy là nghĩa gì?” Tôi hỏi.
Anh bạn đáp: “Tôi muốn nói nghĩa là, chúng ta có thể bỏ trọn cuộc đời của mình ra để chỉ gần sống thôi, chứ chưa thật sự là sống.”
Mà sự thật nhiều khi là vậy! Chúng ta có thể sống phần lớn cuộc đời như là mình đã chết rồi vậy. Khi ta không có ý thức và bị cắt lìa với thực tại thì sự sống mầu nhiệm đầy sinh động, với tất cả những nỗi vui buồn, sẽ chìm sâu vào sự chết, cho dù là ta đang sống. Sự sống sẽ trở thành một “cuộc đời gần như thật”.
Đức Phật có nói: “Những ai sống trong thất niệm thì cũng giống như kẻ đã chết rồi vậy.” Và có một số người trong chúng ta, vì cảm thấy rằng mình chỉ “gần sống” thôi và muốn được hoàn toàn tỉnh thức dậy, đã tìm đến với con đường tu tập thiền quán. Muốn thật sự biết được mình, muốn thật sự sống, ta cần phải biết nuôi dưỡng năng lực chánh niệm – tức một ý thức sáng tỏ.
Chánh niệm khơi dậy trong ta một năng lượng mãnh liệt và thiết yếu. Trong tiếng Pali, ngôn ngữ của kinh điển Phật giáo nguyên thủy, danh từ dùng để diễn đạt tính chất này là tejo. Chữ ấy có nhiều nghĩa. Nó có thể có nghĩa là lửa, sức nóng hoặc là ánh sáng. Và nó cũng có thể chuyên chở hình ảnh hào quang tỏa chiếu, sáng ngời và huy hoàng. Tejo nói về một năng lượng sáng chói, một sức mạnh, một năng lượng tỏa sáng.
Khi thực tập thiền quán, chúng ta mời gọi cái năng lượng tỏa chiếu, trong sáng và mãnh liệt này vào trong những sinh hoạt thường ngày của mình. Chúng ta thực tập thiền quán để mình có ý thức, có chánh niệm, cho dù ta đang làm bất cứ một công việc gì. Chánh niệm càng sâu sắc bao nhiêu, càng tỏa sáng bấy nhiêu. Thực tập thiền quán giúp ta thật sự tiếp xúc với cuộc đời, để rồi một ngày nào đó khi đối diện với cái chết, ta sẽ không phải tiếc nuối như một “người gần sống.”
|