TINH THẦN THIỀN TẬP
“Tôi có cái bạn muốn”
Tại một khu vực ở thành phố cổ Jerusalem, có một khu chợ trời khá lớn. Sinh hoạt nơi đây rất náo nhiệt – những âm thanh, hình ảnh và những món hàng mua bán tới tấp ngập tràn giác quan ta. Có một lần khi tôi đến Israel hướng dẫn một khóa tu, tôi có đi với vài người bạn đến thăm khu vực ấy. Trong khi chúng tôi đang đi bộ trong một hẻm nhỏ, có một người bán hàng gọi vói theo tôi: “Này này, tôi có cái mà bà cần đây!” Tôi chợt thấy như có một cảm giác rộn ràng chạy rần khắp châu thân. “Ồ hay quá, ông ta có cái mà mình đang cần.” Tôi dừng ngay, quay lại, và đi về phía ông ta. Nhưng rồi tôi chợt nghĩ: “Mà khoan đã. Trước hết, mình đâu có cần gì đâu; và kế nữa, làm sao ông ta biết là ông ta có cái mà mình muốn?”
Mà cuộc sống này nhiều khi cũng giống hệt như thế, nó gọi vói theo ta luôn: “Tôi có cái mà anh chị cần! Tôi có cái mà anh chị muốn đây!” Và khi nghe những lời mời gọi ấy, ta lại chuyển dịch ra thành: “Tôi cần. Tôi đang cần một cái gì đó. Tôi đang thiếu thốn và tôi đang bị thua kém.” Nó cũng giống như là chúng ta đột nhiên bị biến thành một nhân vật hoạt hình, với đôi mắt lúc nào cũng vọt ra ngoài như có lò xo. “Nó ở đâu? Nó ở đâu nào? Cái mà tôi cần đang ở đâu?” Hai tay ta với ra trước. Những ngón tay thật dẻo, cố gắng nắm bắt, bám giữ hết đối tượng này đến đối tượng khác. Đôi mắt ta lúc nào cũng nhìn đăm đăm, dán chặt về phía có đối tượng mà mình ham muốn, như sợ lạc đi bóng dáng của nó. Thân ta nghiêng tới trước chờ đợi. Thật là một tình cảnh rối ren.
Và dù vậy, chúng ta vẫn cứ bị lôi cuốn chạy theo những sự mời gọi này. Chúng ta có thể cảm nhận được sự đeo đuổi không ngừng của ta theo những tiếng gọi bên ngoài ấy, qua sự căng thẳng trong thân tâm mình. “Tôi có cái mà bạn cần!” Chúng nói với ta. “Bạn không có cái bạn cần đâu, tôi mới có cái mà bạn cần đây!” Nhưng cái mà ta cần đó là cái gì mới được chứ?
Có phải chăng tất cả mọi người trong chúng ta, ai cũng muốn có hạnh phúc? Chúng ta ai cũng muốn được thảnh thơi, an vui trong cuộc đời. Chúng ta muốn cảm thấy mình là một phần của một cái gì to tát hơn là cái tôi giới hạn và nhỏ bé này. Chúng ta cần một cảm giác sung túc trong nội tâm để ta có thể san sẻ với những người khác. Chúng ta cần một ý thức trọn vẹn về sự liên hệ giữa ta với những sự sống khác, để ta biết thương yêu hết tất cả mọi người. Nhưng trong khi ta bận rộn đeo đuổi, chạy theo bên ngoài để tìm kiếm một sự thỏa mãn, ta vô tình bỏ quên nơi mà niềm hạnh phúc sâu sắc nhất của mình đang thật sự có mặt. Người Tây Tạng thường nói: “Nằm dưới căn nhà của một anh nhà nghèo là một kho châu báu vô tận. Nhưng anh ta không hề biết đến, mà kho tàng ấy cũng không bao giờ nói: ‘Tôi ở đây này.’ Cũng tương tự như thế, kho tàng châu báu của chân tâm ta, nó trong sáng vô cùng, nhưng đang bị vùi lấp và ta phải chịu sự bần cùng nghèo khó.”
Những tiếng réo gọi bên ngoài lôi ta đi mỗi ngày một xa, quên rằng ta đã thật sự có đủ những gì mình cần. Qua sự thực tập thiền quán, ta sẽ khám phá lại được kho tàng châu báu trong tâm mình. Ta sẽ học cách buông bỏ những tiếng réo gọi tới tấp bên tai, nhắc nhở những thiếu thốn của ta. Ta sẽ không còn bị mắc lừa, cố chạy theo nắm bắt những gì mà mình không bao giờ cần đến.
Nhờ thực tập thiền quán, ta sẽ nhận thấy mình có khả năng buông xuống cái gánh nặng mà mình đã mang vác bấy lâu nay. Nhà thơ Rumi có nói: “Chúng ta còn cố làm đầy túi mình, như những đứa trẻ con với cát và đá, cho đến bao lâu nữa? Hãy buông thả cuộc sống này. Nắm giữ nó, ta sẽ không bao giờ hiểu được chính mình, ta sẽ không bao giờ bay cao được.” Thực tập thiền quán chính là thực tập buông bỏ. Chúng ta buông bỏ sự dính mắc của mình đối với một số đối tượng hoặc kinh nghiệm nào đó, buông bỏ cái tin lầm vào những tiếng réo gọi chung quanh. Và chúng ta buông bỏ những kiến thức giới hạn của mình về hạnh phúc, về những gì ta thật sự cần, về ta là ai. Khi khám phá được tự tánh chân thật của mình, ta sẽ cất cánh bay cao. Ta có thể sống tự tại.
Nguyễn Duy Nhiên biên dịch |