Xuân Hạnh Phúc
Thích Trừng Sỹ
Cập nhật: 05:34:00 25/01/2009

Xuân hạnh phúc

·                                 Thích Trừng Sỹ

 

Chúng ta đều biết một năm có mười hai tháng, một tháng có bốn tuần lễ, một tuần lễ có bảy ngày đêm, một ngày đêm có hai mươi bốn giờ đồng hồ, một giờ có sáu mươi phút … luôn trôi qua trong từng sát na trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Mặc dầu thời gian trôi qua trôi qua, nhưng Xuân Hạnh Phúc thì luôn hằng hữu trong ta và trong bạn, trong gia đình và trong tự viện, trong khắp mọi nơi và mọi chốn.

Xuân Hạnh Phúc, còn được gọi là Xuân Di Lặc hay Xuân an lạc, có mặt đích thực nơi chúng ta hễ khi nào mỗi chúng ta có ý thức làm chủ được hơi thở, lời nói, ý nghĩ và việc làm của chúng ta một cách chánh niệm và tĩnh giác ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.  

Dựa vào tựa đề của bài viết này, chúng ta bắt gặp từ “Hạnh Phúc,” chúng ta có thể tìm hiểu nó qua nhiều khía cạnh và góc độ khác nhau, đặc biệt qua những lời Kinh, tiếng kệ, xuyên qua những tư tưởng và ý nghĩa Phật học như sau:

“Hạnh phúc thay Đức Phật ra đời,

Hạnh phúc thay giáo Pháp cao minh,

Hạnh phúc thay Tăng đoàn an lạc,

Hạnh phúc thay Tứ chúng đồng tu.”[1]

Như các bạn biết hạnh phúc được cảm nhận qua nhiều khía cạnh và góc độ khác nhau, nhưng chung quy lại, hạnh phúc được cảm nhận tốt nhứt là hạnh phúc được xuất phát từ “thân an lạc” và “tâm giải thoát” của mỗi chúng ta. Đó là món quà quý giá nhất mà chúng ta có thể hiến tặng nó cho chúng ta và cho những người thương của chúng ta nhân dịp Xuân mới.  

Căn cứ bài kệ Pháp Cú trên, chúng ta bắt gặp từ “hạnh phúc” có mặt trong từng lời dạy của Đức Phật, chúng ta lần lượt tìm hiểu các ý nghĩa của nó dưới đây.     

Trong tiếng Phạn hoặc tiếng Pāli, hạnh phúc có từ gốc là “Sukha.”[2] Theo Monier-Williams (1964), “Sukha” có hai từ riêng biệt “Su” và “Kha.” “Su” có nghĩa là “tốt” và “Kha” có nghĩa là “trục xe.” “Sukha” có nghĩa đen là “trục xe tốt.” Ví dụ, xe hơi có trục xe tốt thì xe mới có thể chạy nhanh, chạy xa và chạy lâu bền được. Dĩ nhiên, nó phải còn phụ thuộc vào các yếu tố khác nữa như bánh xe, xăng, nhớt …Cũng như thế, chúng ta có “Chân Hạnh Phúc,” thì chúng ta có thể chuyển hóa các hạt giống bất thiện thành các hạt giống thiện, chúng ta có thể ôm ấp và nuôi dưỡng tấm lòng thương yêu và hiểu biết đến với mọi người và mọi loài, và chúng ta có đi vào các lĩnh vực đạo và đời một cách tốt đẹp.  

Thực hiện những việc ấy, chúng ta phải có những phương pháp cụ thể như nói lời ái ngữ và lắng nghe, trì Kinh, thầm niệm các danh hiệu của Phật và Bồ tát, ngồi thiền, đi thiền, thở thiền trong chánh niệm … để chúng ta có thể áp dụng và hành trì một trong những phương pháp trên một cách thích hợp cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Từ đây, chúng ta có thể thưởng thức được hương vị an lạc của việc thực tập, chúng ta có thể đem lại những hoa trái an lạc và hạnh phúc tới cho số đông, và chúng ta có thể góp phần xây dựng một cõi thiên đường hay cực lạc ngay tại thế gian này.  

Chúng ta biết hạnh phúc, mặc trái của nó là “bất hạnh” và “khổ đau” (Dukkha). Tu là để chúng ta đạt được “hạnh phúc” và chuyển hóa dần bất hạnh và khổ đau. Trong thuật ngữ Phật học, cái nghĩa đích thực của “Sukha” là “Chân Hạnh Phúc.” Trong “Kinh Chân Hạnh Phúc,” Kinh thứ hai của Kinh Tập, nằm trong vị trí thứ năm của Kinh Tiểu Bộ, đề cập tới các giá trị “Chân hạnh Phúc” của Kinh mà chúng ta có thể học, hiểu, áp dụng và thưởng thức được hương vị an lạc của nó từ đầu mùa Xuân của năm mới cho tới cuối mùa Xuân của cuộc đời. Với tâm hân hoan và thoải mái, chúng ta hãy cùng nhau đọc bài “Kinh Chân Hạnh Phúc” này cho vui!    

“Như vầy tôi nghe, một thời Thế Tôn ở tại Savatthi, trong rừng Jeta, vườn Anathapindika. Có một thiên nhân, khi đêm gần tàn, với dung sắc thù thắng chiếu khắp rừng Jeta, đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, kính lễ Thế Tôn, rồi đứng một bên, thiên nhân ấy nói lên bài kệ trước Ðức Thế Tôn như sau: 

''Chư thiên và loài người,

Suy nghĩ về hạnh phúc,

Ước mong được hạnh phúc,

Chân hạnh phúc là gì?

Thế Tôn đáp kệ rằng:

''Kẻ si mê nên tránh,

Bậc hiền đức phải gần,

Cung kính người đáng kính,

Ấy là chân hạnh phúc.

Chọn nơi lành mà ở,

Ðời trước đã tạo phúc,

Nay giữ lòng thẳng ngay,

Ấy là chân hạnh phúc.

Hiểu rộng và khéo tay,

Giữ tròn các giới luật,

Nói những lời hòa ái,

Ấy là chân hạnh phúc.         

Cung dưỡng cha mẹ già,

Yêu mến vợ /chồng và con,

Không vương vấn phiền hà,

Ấy là chân hạnh phúc.

Cho và sống đúng cách,

Nên giúp đỡ bà con,

Hành động không chê trách,

Ấy là chân hạnh phúc.

Ngăn trừ điều ác xấu,

Dứt bỏ thói rượu chè,

Chuyên cần trong Chánh Ðạo,

Ấy là chân hạnh phúc.

Kính nhường và khiêm tốn,

Biết đủ và nhớ ơn,

Tuỳ thời học đạo lý, 

Ấy là chân hạnh phúc.

Nhẫn nhục vâng ý lành,

Viếng thăm bậc tu hành,

Tuỳ thời bàn luận đạo,

Ấy là chân hạnh phúc.

Trong sạch và siêng năng,

Suốt thông các chân lý,

Thực hiện vui Niết Bàn,

Ấy là chân hạnh phúc.

Tiếp xúc với thế gian,

Giữ lòng không sa ngã,

Không sầu nhiễm bình an,

Ấy là chân hạnh phúc.

Như thế mà tu hành,

Việc gì cũng thành tựu,

Ở đâu cũng an lành,

Ấy là chân hạnh phúc.”[3]

Qua bài “Kinh Chân Hạnh Phúc,” chúng ta biết hạnh phúc có giá trị đích thực, trước hết, hạnh phúc được cảm nhận bằng thân an lạc và bằng tâm giải thoát, mình có thể viết lại là “hạnh phúc về thân” và “hạnh phúc về tâm.”

 “Hạnh phúc về thân” có nghĩa là chúng ta rất may mắn làm người có đầy đủ tay, chân, mắt, tai, mũi, lưỡi … Chúng ta có thể nếm được hạnh phúc khi tay, chân ta còn đủ khỏe để đi thiền trong chánh niệm, ngồi thiền trong chánh niệm; mắt ta còn đủ sáng để thấy được mình và người thương của mình đang hiện hữu và giúp đỡ bên nhau; tai ta còn rõ để nghe Pháp thoại và tiếng chim hót; mũi ta ngửi để biết mùi thơm của hoa trái; lưỡi ta nếm để biết hương vị của nó…  

Hơn nữa, “hạnh phúc về thân” có nghĩa là chúng ta ý thức tôn trọng mạng sống của người và của muôn vật, bảo vệ tài sản của người, sống đời sống an vui và hạnh phúc, nói những lời nói lợi ích, ái ngữ và dễ thương đến với mọi người và mọi nhà; ý thức không sử dụng các chất ma túy, rượu, bia và hút thuốc; và ý thức tiêu thụ các phim, ảnh, báo chí hay và lành mạnh có tính cách giáo dục, đạo đức và khoa học. Chúng ta có thể dành nhiều thời gian để làm việc bố thí, phóng sanh; sống đời sống hữu ích và hài hòa giữa người với người, giữa người với muôn vật; chăm sóc cha mẹ, vợ chồng, thầy trò; và dạy dỗ con cháu nên người.    

Như vậy, “hạnh phúc về thân” là hạnh phúc bằng sự thực tập, hạnh phúc rất thật, rất thiết thực và rất hiện tại, chúng ta có thể hành trì và thưởng thức hạnh phúc ấy ngay bây giờ và ở đây ngay trong cuộc sống mầu nhiệm này.

Bên cạnh đó, chúng ta biết trong chúng ta có những người thiếu may mắn, họ không đủ một trong những điều kiện quý giá như chúng ta, nhưng họ cũng có thể tiếp cận được Phật pháp từ người hướng dẫn pháp hoặc nghe bằng tai, hoặc nói và hát bằng miệng, hoặc cảm nhận bằng ý … Ấy vậy mà họ có thể nếm được pháp lạc và hạnh phúc nơi tự thân.  

Tiếp đến là “hạnh phúc về tâm,” “Hạnh phúc về tâm” có nghĩa là chúng ta có đủ duyên lành học, hiểu, hành trì và thưởng thức được hương vị an lạc của thân và của tâm. Chúng ta có thể tu tập và chuyển hóa các hạt giống không tích cực nơi tâm của chúng ta như hạt giống buồn, giận, tham lam, ganh tị, si mê … và chúng ta có thể vun bồi và tưới tẩm các hạt giống tốt nơi tâm của chúng ta như hạt giống từ, hạt giống bi, hạt giống hỷ, hạt giống xả…

Trên đây, những gì được đề cập, thân và tâm được phân chia như vậy là để chúng ta dễ hiểu, chứ thật ra, thân và tâm là một thực thể nhứt như không thể tách rời ra được, như nước với sóng chỉ một mà thôi. Hạnh phúc của thân chính là hạnh phúc của tâm, hạnh phúc của tâm cũng chính là hạnh phúc của thân, và ngược lại. Tu là để chúng ta đạt được an lạc và hạnh phúc của thân và tâm. Thân an lạc thì tâm an lạc; tâm an lạc thì thân an lạc, và ngược lại. Thân và tâm không an lạc thì sức mấy mà chúng ta có hạnh phúc.      

Là đệ tử của Người Tỉnh Thức, chúng ta học và áp dụng những lời dạy thiết thực của Người vào trong đời sống hằng ngày của chúng ta để chúng ta có thể thực hành hơi thở vào và hơi thở ra có ý thức, nói, làm và nghĩ những việc tốt để đem lại an lạc và hạnh phúc cho thân tâm. Hiểu và thực hành được như vậy, thì chúng ta có thể hiến tặng mùa “Xuân Hạnh Phúc” cho tự thân và cho tha nhân ngay trong cuộc đời này.  

Để diễn tả những ý nghĩa của thân và tâm, qua bài thơ Hạnh Phúc của một vị nữ Xuất sĩ ca ngợi về sự may mắn được làm người hạnh phúc, xin mời quý vị cùng nhau thưởng thức bài thơ đó dưới đây cho vui!   

“Đức  Thế  Tôn  cao  cả  tuyệt  vời !

Từ  bi  thị  hiện  khắp  muôn  nơi,

Ban  cho  nhân  loại  niềm  vui  sống,

Cho con hạnh phúc được làm người.    

Lắng nghe chánh pháp vơi sầu khổ,

Diệt  tận  nguồn  mê  trí  sáng  ngời,

Hạnh phúc trong muôn ngàn hạnh phúc,

Làm người hạnh phúc nhất trên đời”![4]

Tiếp đến, chúng ta tập nhìn và hiểu “hạnh phúc” qua thi kệ Pháp Cú ở trên. Ở trong bài kệ này của Kinh Pháp Cú, chúng ta phát hiện từ “hạnh phúc” có mặt trong toàn bài kệ. Trước hết, câu kệ thứ nhất của Pháp Cú là “Hạnh phúc thay Đức Phật ra đời.” Chúng ta biết mục đích của một vị Phật ra đời là để đem lại an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại. Phật có nghĩa là một Bậc tĩnh thức, một Đấng giác ngộ về tình thương, một vị sứ giả của tình thương và hòa bình. Đức Phật ra đời ở đây có thể hiểu là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và cũng có thể hiểu là Đức Phật Di Lặc.

Ở trong ngữ cảnh mùa Xuân, chúng ta có thể hiểu là Đức Phật Di Lặc, một Đức Phật hoan hỷ, xuất hiện vào ngày đầu của năm mới để đem lại an lạc và hạnh phúc cho mọi người và mọi nhà. Tu học Phật Pháp tinh chuyên, mỗi chúng ta có thể là mỗi Đức Phật Di Lặc để hiến tặng mùa xuân Hạnh Phúc cho mình và những người thương của mình.  

“Phật là Thầy chỉ đạo,

Bậc tĩnh thức vẹn toàn,

Tướng tốt đoan trang,

Trí và bi viên mãn."[5]

Câu kệ thứ hai của Pháp Cú là “Hạnh phúc thay giáo pháp cao minh.” Giáo Pháp cao minh có nghĩa là Khổ Thánh Đế, Khổ Tập Thánh Đế, Khổ Diệt Tập Thánh Đế và Con đường đưa tới khổ Diệt Tập Thánh Đế. Giáo pháp này có khả năng đưa chúng ta tới mùa Xuân Hạnh Phúc đích thực cho tự thân và cho tha nhân. Nếu chúng ta áp dụng và hành trì giáo pháp một cách thiết thực vào trong đời sống hằng ngày của chúng ta, thì chúng ta có thể đem lại an lạc và hạnh phúc cho nhiều người. Chính vì thế mà pháp Phật được mệnh danh là “vượt thoát thời gian, thiết thực hiện tại, xa lìa nhiệt não, đến để mà thấy, đến để mà nghe, đến để mà hiểu, đến để mà hành và đến để mà thưởng thức hương vị an lạc của giáo pháp.”[6]

Thực vậy, ”Giáo Pháp cao minh” cũng có nghĩa là khi nào chúng ta áp dụng và hành trì nó một cách siêng năng vào trong đời sống hằng ngày của chúng ta, thì chúng ta có thể gặt hái những hoa trái an lạc và hạnh phúc thiết thực ở hiện đời.

“Pháp là con đường sáng,

Dẫn người thoát cõi mê,

Đưa con trở về,

Sống cuộc đời tĩnh thức.”[7]

Kệ thứ ba của Pháp Cú là “Hạnh phúc thay Tăng đoàn an lạc.” Tăng đoàn là những vị đệ tử của Đức Thế Tôn, những vị hành giả tâm linh, những vị nguyện sống cuộc đời an lạc và tĩnh thức, nguyện đi trên con đường giác ngộ và giải thóat của Đức Thế Tôn, và nguyện chăm sóc và nuôi dưỡng tình huynh đệ và tình thầy trò. « Tăng đoàn an lạc” có nghĩa là Đoàn thể của những vị Xuất sĩ có học, hiểu, hành trì giáo pháp của Phật, nếm được pháp lạc nơi tự thân, và đem lại an lạc và hạnh phúc cho nhiều người.  

“Tăng là Đoàn thể đẹp,

Cùng đi trên đường vui,

Tu tập giải thóat,

Làm an lạc cuộc đời.”[8]        

Kệ thứ tư của Pháp Cú là “Hạnh phúc thay Tứ chúng đồng tu.” Tứ chúng gồm có chúng xuất sĩ nam, chúng xuất sĩ nữ, chúng cư sĩ nam và chúng cư sĩ nữ. Cả Bốn Chúng này đều là đệ tử của Đức Thế Tôn, cùng nhau đi trên con đường tĩnh thức, giác ngộ và giải thoát, và cùng nhau tu học giáo pháp của Người để tịnh hóa thân tâm và để đem lại an lạc và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay trong cuộc đời này.

“Đệ tử nương nhờ Tam Bảo,[9]

Biết Tam Bảo của tự tâm,

Nguyện tu học tinh cần,

Làm sáng lòng ba viên ngọc quý.”[10]

Như vậy, chúng ta thấy “Xuân hạnh phúc” cũng có nghĩa là “Xuân Truyền Đăng.” “Truyền đăng” có nghĩa là chúng ta cùng nhau truyền trao ánh sáng của tình thương, ánh sáng của hạnh phúc và ánh sáng của an lạc tới với muôn loài. Chúng ta cùng nhau thắp sáng lên ngọn đuốc của chánh Pháp, thắp sáng lên ngọn đuốc của hòa bình để đem lại an lạc và hạnh phúc cho số đông. Mỗi chúng ta là những thứ ánh sáng và ngọn đuốc ấy để hiến tặng cho số đông. Hiểu và thực hành được như vậy, chúng ta có thể góp phần xây dựng người người hạnh phúc và nhà nhà an vui bằng tinh thần từ bi và trí huệ của đạo Phật và bằng tinh thần tự tu, tự độ, tự ngộ và tự giải thoát.  

Để tỏ lòng quý kính Tam Bảo, xin kính mời các bạn đọc thưởng thức bài thơ Xuân Hạnh Phúc dưới đây cho vui!

“Xuân Hạnh Phúc thanh thanh trong xanh,
Gió đưa làn mây trôi nhanh nhanh,
Từng đàn chim đua nhau vây quanh,
Mừng Xuân sang đón vui lễ hội.
Quỳ thành tâm nơi đây trang nghiêm,
Lòng cung kính hướng về Tam Bảo
Nguyện cầu cho Tăng thân thanh cao,
Sống hợp hòa, xiển dương đạo pháp.
Cầu mong cho muôn nơi an vui,
Thoát mê lầm, tầm cầu giải thoát.
Và nguyện cho gia quyến hôm nay,
Sức khỏe đầy, vui vầy Chánh Pháp.
Cùng nguyện ước cửu huyền thất tổ,
Thấm nhuần Ðạo, xa lìa nẻo ác.
Mùa Xuân sang, vang ca vang ca,
Niềm hân hoan trong bao thiết tha,
Ðời tươi vui như tâm nở hoa,
Niềm hạnh phúc dâng trào có Bụt,
Người trao ta duyên cùng Chánh Pháp,
Tình bao la trong muôn tiếng ca.
Dù mai đây, khi năm tháng qua,
Con vẫn bước trên đường của Bụt.
Tình thương Bụt mãi là bất diệt,
Bụt trong ta là nguồn nắng ấm.
Mừng Xuân sang, chúng ta hát ca,
Đón năm mới, vui chung mọi nhà.”[11]

Trước thềm năm mới, thành tâm hướng về quê hương Việt Nam thân thương, chúng con kính chúc các vị Xuất sĩ, các vị Cư sĩ, các vị Khách quý, các vị du học Tăng Ni và các vị du học sinh viên tại Ấn Độ, Xuân mới dồi dào sức khỏe, thân tâm an lạc, thế thọ miên trường và đạo thọ miên viễn.  

“Mừng Xuân hạnh phúc hiện tiền,

Người người no ấm nhà nhà an vui.”[12]

Thích Trừng Sỹ

---------------------------------

[1] Kệ Pháp Cú số 194.

[2] http://en.wikipedia.org/wiki/Sukha

[3] HT. Thích Thiện Châu dịch. Xem http://www.thuvienhoasen.org/lienhoa501-04.htm

[4] Bài thơ Hạnh Phúc của nữ xuất sĩ Thích Nữ Tắc Phú.

[5] Thơ Thiền của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

[6] See The Path of Purification (Visuddhimagga). Bhikkhu Ñāamoli translated Pāli into English. Sri Lanka: Buddhist Publication Society, 5th Edition 1991, Reprinted 1999, Chapter VII, 68-88: 209-215.

[7]  Thơ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

[8]  Như trên.

[9]  Tam Bảo: Phật, giáo Pháp của Phật và các vị Đệ tử của Phật.

[10]  Zen Master Thích Nhất Hạnh’s Meditative Poem.

[11]  Vu Lan 2007, thơ “Kính dâng Mẹ” của tác giả Nguyễn Nguyệt. Trong bài thơ này, người viết có đổi một vài từ cho phù hợp với ngữ cảnh Mùa Xuân, kính mong tác giả hoan hỷ và thông cảm. Mến chúc tác giả vui Xuân.

[12]  Người viết, tập làm thơ cho dzui cho dzui, hòa với đời vui cùng chánh Pháp.

 

(Theo PSN)

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay