Khắc Phục Định Kiến Và
Tập Khí Chỉ Lo Nghĩ Cho Bản Thân
Phần II
Tenzin Palmo
Một tâm thức bị ám ảnh nhiều bởi chính nó và bị khống chế bởi bản ngã quan hệ (relative ego) là một tâm thức cứng nhắc, ưa phê phán, và đầy thành kiến… một tâm thức giác ngộ thật sự sẽ không còn kỳ thị phân biệt.
Đức Đạt-lai Lạt-ma gặp gỡ người dân mỗi ngày – những người mới đến từ Tây Tạng mang theo những câu chuyện thật là kinh khiếp về nỗi đau khổ của họ cũng như của gia đình và cộng đồng. Ngài phải liên tục lắng nghe những lời tường thuật này. Ngài là lãnh tụ của xứ Tây Tạng, nhưng Ngài không có quyền lực, vì vậy hãy thử hình dung nỗi đau lòng mà Ngài phải chịu. Trong tình huống ấy, Ngài tạo được mối quan hệ với các cơ quan viện trợ và cộng đồng trong nhiều quốc gia vì Ngài được kính mến như một vị sứ giả hòa bình. Hằng ngày, Ngài nghe những mẩu chuyện thương tâm từ khắp nơi trên thế giới. Công chúng, không chỉ từ Tây Tạng mà cũng từ Ấn Độ và vòng quanh địa cầu, liên tiếp vây quanh Ngài, mà nhiều người trong số này trút hết bao nỗi sầu khổ của họ cho Ngài. Thế thì Ngài luôn lưu tâm tới niềm đau nỗi khổ của người khác! Nhưng mà Ngài có khốn khổ chăng? Nếu chúng ta nói cho Ngài biết điều gì buồn bã, Ngài sẽ khóc vì Ngài thực sự quan tâm đến. Tuy nhiên, giây phút kế tiếp, Ngài vui cười trở lại! Hãy nhìn vào đôi mắt Ngài – đôi mắt ngời sáng lóng lánh. Trong hầu hết các bức ảnh, đức Đạt-lai lạt-ma đều tươi cười.
Một tâm thức bị ám ảnh nhiều bởi chính nó và bị khống chế bởi bản ngã quan hệ (relative ego) - như là sở thích, ghét bỏ, quan niệm, thiên vị, và ý kiến đối với sự việc hay đối với người nên là thế này hoặc không nên là thế kia – là một tâm thức cứng nhắc, ưa phê phán, và đầy thành kiến. Hết thảy chúng ta đều có tâm thức này. Chúng ta tiêm nhiễm thiên kiến từ lúc lọt lòng mẹ. Ngay cả những người rút ra ngoài cuộc sống xã hội cũng còn có ý tưởng thiên vị nặng nề. Trên thực tế, họ thường là những người cứng nhắc hơn ai hết. Những người không thích sống theo những chuẩn mực ứng xử thông thường của xã hội cũng còn có quan điểm, ý kiến, phán xét và tiêu chuẩn riêng của họ! Họ vẫn không có sự thảnh thơi, tự tại.
Tâm ta rất dễ bị điều kiện hóa. Chỉ khi nào ta hoàn toàn giác ngộ mới thôi, còn không thì tâm ta luôn bị điều kiện hóa bởi vì đó là cách thức mà ta suy nghĩ. Tuy nhiên, ta nên nhận rõ sự thật là ta thường hay có thiên kiến và phê phán về đủ mọi thứ. Ai cũng có quan điểm của mình cả. Chúng ta nghĩ rằng: “Đây là quan điểm của tôi,” nhưng thường thì không phải vậy. Đây có thể là quan điểm chung chung của ngành truyền thông hoặc là của chương trình nào đó mà ta đã xem trên đài truyền hình tối qua, và chương trình này đã được soạn thảo khéo léo và trình bày chu đáo đến nỗi khiến cho chúng ta đồng ý với quan điểm đó, hoặc đây cũng có thể là cách nhìn của một đoàn thể nào đó mà ta giao du. Tuy vậy, ta lại nhận nó như là quan điểm riêng của mình. Ta bám chặt vào nó và cho nó là lẽ thật, còn cái nhìn khác thì sai lầm. Thế rồi một vài năm sau đó, quan điểm chung chung thay đổi, và mọi người lại theo quan điểm khác. Thật là thú vị. Nếu ta sống đủ lâu thì ta có thể quan sát được sự việc này xảy ra.
Khi còn trẻ trung, ta tưởng rằng điều gì ta nghĩ ra cũng chỉ có một cách duy nhất mà thôi, và bất cứ ai suy nghĩ khác đi đều là người khùng khịu. Xu hướng hiện thời là lẽ thật tối hậu, là lời tuyên bố không thay đổi được nữa, và mọi thứ nào có trước đó đều là lỗi thời và ngu ngơ. Rồi thì một thời gian ngắn sau đó, mọi thứ lại thay đổi lần nữa, và thời trang thịnh hành của chúng ta trở nên cổ lỗ sĩ. Này tất cả bạn trẻ – các bạn hãy chờ xem! Kiểu cách chưng diện của bạn bây giờ sẽ làm cho bạn thấy tức cười mười năm sau đó. Khi bạn nhìn lại các tấm hình của mình sau đó, bạn sẽ nghĩ:, “Ôi, tôi thật trông giống như vậy à khi tôi ở lứa tuổi ấy!” Nhưng ở thời điểm đó, mốt này là đỉnh cao của thời trang bắt mắt.
Tất cả chúng ta đều có thiên kiến, có khuynh hướng thiên vị, và đầy ắp biết bao ý kiến phê phán này nọ, mà phần lớn những thứ này không được thực nghiệm và là do chúng ta thừa hưởng từ gia đình và sự giao tiếp với xã hội, hoặc là từ sách vở ta đọc được, hoặc là từ các chương trình ta xem qua.
Rất ít các ý kiến và sự phê phán được thuần túy khảo sát dưới ánh sáng của lẽ phải và hiểu biết. Khi ta nắm bắt một quan điểm, ta sẽ chết vì nó. Người ta lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh cho những ý tưởng của mình, mà đây lại không phải là những ý tưởng sáng suốt. Thay vào đó, rất thường, chúng lại là những ý tưởng ngốc nghếch. Các tín ngưỡng, quan điểm, và phê phán này nhuộm màu mọi sự vật ta thấy. Chúng nó không chỉ là vô thưởng, vô phạt hoặc là vô hại thôi đâu.
Có một số quan điểm gần như không gây tai hại gì cả - chẳng hạn như ta uống trà có đường hay không có đường, hoặc là ta nghĩ mình nên dùng hạt đậu hay trái cây. Những thứ này có thể ảnh hưởng thân thể ta, nhưng căn bản thì chúng vô thưởng, vô phạt. Tuy nhiên, có một số định kiến tác hại rất nhiều đến tâm ta và xã hội. Rõ ràng nhất là những định kiến tôn giáo và chủng tộc. Chúng đã gây ra biết bao tổn hại cho thế gian. Hàng triệu người bị giết bởi vì họ không tin tưởng vào những gì mà ta tin tưởng, hoặc là bởi vì họ thuộc một chủng tộc khác, chỉ vậy thôi, không còn lý do gì khác hơn nữa. Họ không phải là thành phần xấu ác, nhưng là: “Nếu bạn không tin tưởng vào những gì mà tôi tin tưởng, thì bạn đáng chết lắm.”
Vậy thì vấn đề quan điểm và tín ngưỡng của chúng ta không phải là một vấn đề nhỏ đâu. Đa phần tín ngưỡng và định kiến riêng tư của chúng ta quả thực không được khảo nghiệm hoàn toàn. Chúng từ đâu đến? Ta có thật sự suy nghiệm về chúng một cách thấu đáo chăng? Ta có từng thảo luận về chúng một cách thông suốt với những người có lối nhìn khác không? Ta có đọc qua sách vở trình bày về lối suy nghĩ khác không? Thông thường, khi ta tin vào điều gì đó, ta sẽ chỉ đọc những loại sách đề cao tín ngưỡng của ta mà thôi. Ta thường không đọc sách hay xem chương trình nào cống hiến một lối nhìn khác ta.Nếu ta đang nghe người nào nói điều gì mà ta không đồng ý, thì ta nghe với một tâm chất chứa thành kiến. Thật là thú vị để quan sát cái tâm đo vì lúc nào ta cũng lọc bỏ kinh nghiệm, và điều này làm cho ta trở nên xa lạ với những gì đang xảy ra quanh mình.
Ta phải thể hiện được một lối sống có khả năng dẫn dắt ta trở lại quê nhà, trở lại với tự ngã chân thật.
Thế thì ta cần làm gì đây? Ta không thể nào sống mà không có những quan điểm và ý tưởng trong lúc ta vẫn còn ở trong trạng thái tâm thức chưa giác ngộ. Chính sự kiện tôi là một sư cô cho thấy rằng tôi có những quan điểm và tín ngưỡng! Nhưng ta phải hiểu rằng chúng chỉ là tín ngưỡng – chúng chỉ là quan điểm mà thôi. Tự chúng không có bản chất chân thật nằm ở bên ngoài (external verity). Chúng chỉ là những phán xét và ý kiến, và chúng có thể thay đổi. Có những tư tưởng nào đó được thừa nhận cả nghìn năm nay và dứt khoát cần phải được xét nghiệm lại từ đầu. Một số đức tính phẩm hạnh nào đó mà ta luôn ca tụng (nhưng chúng có thể xứng đáng hay không xứng đáng để được ca tụng) nên được khảo sát lại bằng cặp mắt tươi mới ngay cả khi chúng tồn tại trong suốt một thời gian lâu dài như vậy.
Điều quan trọng là đừng đồng nhất hóa ta với những tư tưởng và cảm thọ của ta, nhưng là để thấy rằng tư tưởng và quan điểm chỉ là những tâm hành (mental factors). Ngay cả một hệ thống tín ngưỡng, tự nó cũng chỉ là một sự giả tưởng được tạo tác từ tâm (mental artefact). Đức Phật, khi nói về Pháp, đã lấy ví dụ:, “Đây là chiếc bè, là con thuyền. Nó chở các thầy từ bờ thực tại tương đối này sang bờ thực tại tuyệt đối kia.” Bây giờ, trong khi ta đang ở giữa dòng, ta sẽ thật là dại dột nếu quăng bỏ chiếc bè, nhưng một khi tới bờ bên kia rồi, thì ta quả thật khờ khạo không kém nếu vác chiếc bè ấy trên vai và hết lòng kính cẩn khuân theo bên mình. Khi ta qua tới bờ bên kia, ta không còn cần đến chiếc bè nữa. Pháp chỉ là phương tiện, là con đường, không phải là cứu cánh.
Mọi hệ thống tín ngưỡng và tôn giáo chỉ có tính cách tương đối, qui ước mà thôi. Tự chúng không phải là chân lý, nhưng chúng có thể giúp ta nhận ra được chân lý. Không có chúng, thật khó mà đạt tới sự nhận thức rõ ràng về mặt tâm linh. Ta có lẽ có khả năng thoáng nhận ra được, nhưng để làm cho kinh nghiệm đó được vững vàng thì thực tình là khó mà không có ứng dụng một vài loại giới luật phát triển tâm linh. Ngay cả những quan niệm, ý tưởng, và phán đoán cao cả quý báu nhất cũng phải đi tới chỗ kết thúc. Trong lúc ấy, ta nên hiểu rằng tất cả định kiến, khái niệm và khuynh hướng thiên vị của ta nên được hiểu chỉ như là một hiện tượng đi ngang qua mà thôi. Chúng không có một giá trị tối hậu nào cả từ khía cạnh riêng của chúng, chúng cũng chỉ là những trạng thái tâm thức và không phải là “tôi” hay “của tôi.”
Hết thảy chúng ta biết rõ rằng một tâm thức thật sự giác ngộ sẽ không có sự đối xử phân biệt. Ta biết rằng một bậc thầy, là hiện thân của tuệ giác và từ bi đích thực, sẽ hoàn toàn cởi mở và tiếp nhận mọi người. Làm sao một vị thầy giác ngộ lại nói: “Vâng, tôi chấp nhận người này, nhưng tôi không chấp nhận người kia”? Không thể nào có được hay ngay cả chỉ tưởng tượng ra điều đó. Vì vậy, ta càng khép kín con tim mình bao nhiêu đối với một thành phần nào đó trong xã hội, hay tôn giáo, hay chủng tộc thì ta càng thể hiện kém đi tự tánh giác ngộ chân thật của mình. Ta càng ưa phê bình chỉ trích và cứng nhắc bao nhiêu, thì ta lại càng bị vướng mắc bấy nhiêu trong cái thích và không thích của mình, và ta càng rời xa trạng thái giác ngộ, vì trạng thái giác ngộ không có sự kỳ thị phân biệt.
Chúng ta trở lại với vấn đề cái ngã lần nữa. Cái ngã đưa ta đi thật xa vào con đường lầm lạc. Trong một xã hội, giống như là xã hội của chúng ta, dựa vào rất nhiều sự ban thưởng cho bản thân, khiến cho chúng ta xa cách với đạo chân thật. Đó là lý do tại sao người ta thường cảm thấy quá đỗi trống trải trong lòng và lạc lối hoàn toàn. Ta phải thể hiện được một lối sống có khả năng dẫn dắt ta trở lại quê nhà, trở lại với tự ngã chân thật, để ta có thể sống theo cái thấy biết của bản tánh chân thật, chứ không theo cái ngã giả tạo.
Trong Phật pháp có hai phương thức để thực hiện lối sống này. Cách thứ nhất là tự quán sát nội tâm để học biết làm thế nào cho tâm được an định, chuyên chú vào một đối tượng. Rồi quán sát tự tánh của tâm để có thể biện biệt giữa vọng tâm và chân tâm. Theo cách này thì ta có thể bắt đầu buông bỏ mọi sự đồng nhất hóa giả tạo, nhất là sự đồng nhất hóa vô cùng kiên cố với cái tôi. Cùng lúc, ta có thể khởi sự mở lòng đối với những người khác bằng cách ban phát rộng rãi những gì ta có thể. Không những rộng lòng ban tặng tài vật, mà còn ban tặng thời giờ, ban tặng sự hiểu biết, ban tặng không gian cho người, và hãy có mặt khi ai đó cần đến mình. Ta vun bồi các đức tính không phán xét, cởi mở, kiên nhẫn, thông cảm, khoan dung, và không tức giận phản ứng khi chuyện xảy ra không như ý mình muốn, cũng như khi người nào đó không làm theo những gì ta muốn họ làm. Trên con đường tu tập, ta dần dà biết chấp nhận sự việc và tiếp nhận những nỗi khó khăn trở ngại trong đời, đó là ta tiếp xử với chúng một cách khôn khéo thay vì phản ứng bất lợi và trở nên bực tức. Ta trưởng dưỡng tấm lòng tử tế – cái mà đức Đạt-lai Lạt-ma gọi là trái tim nhân từ (good heart) – một trái tim luôn quan tâm đến những người khác, chứ không chỉ quan tâm cho mình mà thôi. (còn tiếp)
Tâm Diệu Phú dịch |