Đạo Phật và dòng sử Việt
HT Thích Đức Nhuận
Trường A Hàm
Tuệ Sỹ dịch và chú
Triết học Thế Thân
Lê Mạnh Thát
  
 
   
 
 
TÁNH KHÔNG TỔNG HỢP
Không Quán
Cập nhật: 14:11:00 08/01/2009

TÁNH KHÔNG TỔNG HỢP

TAM THỪA PHẬT GIÁO TRONG TINH THẦN

BẤT BỘ PHÁI  THEO PHẬT GIÁO TÂY TẠNG

 

Không Quán

 

 

 

Lời tác giả: Trong hai tháng bảy và tháng tám năm 2008 vừa qua, tác giả đã có duyên may được mời làm thông dịch viên Việt ngữ trong hai pháp hội lớn do Đức Đạt-lai Lạt-ma thuyết giảng: một pháp hội tổ chức tại đại học Lehigh University trong tháng bảy với đề tài "Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Luận[1]" ở tiểu bang Pensylvania và một pháp hội tổ chức tại tỉnh Nantes, Pháp quốc với bốn đề tài chính[2] nói về "Tánh Không" trong Phật giáo. Sau hai pháp hội đó, tác giả trở về đời sống của mình thường ngày với một tâm tư xúc động và biết ơn sâu xa.

 

Do lời kêu gọi của một số thân hữu, tác giả xin ghi lại những điều học hỏi về Tánh Không do Đức Đạt-lai Lạt-ma giảng dạy, nhưng trình bày dưới một kinh nghiệm riêng: đó là Tánh Không theo quan điểm Tổng Hợp Tam Thừa Phật Giáo và Theo Tinh Thần Bất Bộ Phái.

Tác giả trân trọng.

 

Ghi chú: (C) Hán ngữ, (S) Phạn ngữ, (T) Tạng ngữ, (E) Anh ngữ, (L) La-tinh.

 

1. Nhập đề

 

Khi nhìn chung về tình trạng của thế giới ngày nay, chúng ta đều phải nhận thấy là thế giới đi về một tình trạng toàn cầu hóa. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế, sự phồn thịnh đặt trên quan điểm thực dân, khai thác các nước nhược tiểu của những thế kỷ trước đã lỗi thời. Ngày nay, muốn tồn tại, muốn sống còn, các cường quốc đều phải hướng về nền kỹ nghệ toàn cầu, đưa các công nghệ và ngay cả các cao kỹ[3] về các nước mà ngày xưa coi như là nhược tiểu, để cộng tác và sử dụng nhân lực, bộ óc, chất xám khổng lồ này trong công cuộc phát triển kỹ thuật và kinh tế toàn cầu.

 

Cũng do chính sự phát triển nền cao kỹ này mà sự truyền thông và các phương tiện di chuyển trở thành cực kỳ nhanh chóng, tiện ích với giá tiền thật rẻ, mang gần các đại lục lại với nhau và giao thoa các nền văn hóa khác nhau. Thế giới đi về một điểm chung, một "Giao Hòa Điểm[4]", trong đó tất cả mọi văn hóa đều được mở rộng ra và được đón nhận không phân biệt. Hai cường quốc mẫu mực và tiên tiến của nền đa nguyên, đa văn hóa này chính là Hợp Chủng Quốc (Hoa Kỳ) và Gia Nã Đại. Cao điểm điển hình mới nhất của sự mở rộng sắc tộc và đa văn hóa này chính là hiện tượng nhân dân Hoa Kỳ đã bỏ đa số phiếu cho vị ứng cử viên da đen gốc Phi châu, ông Barrack Obama, người đã từng hùng hồn tuyên bố: "... là công dân của thế giới[5]...." Câu nói này đã chiếm trọn trái tim của những ai đã từng tranh đấu cho nhân quyền của con người.

 

Sự mở rộng của thế giới ngày nay mang lại cho toàn thể nhân loại nói chung và cho những người Phật tử nói riêng những điều lành.

 

Thực thế, nhân loại đã ý thức rõ ràng sự tốt đẹp của lòng nhân ái, của sự bất phân chủng tộc, và của vẻ đẹp đa văn hóa, tuy khác nhau mà chẳng ngăn ngại, "mỗi bên mỗi vẻ mười phân vẹn mười". Do chính sự mở rộng tầm nhìn này mà nhân loại bớt lòng phân biệt và chấp nhận nhau, thương yêu nhau hơn. Đó là điều lành chung cho nhân loại.

 

Đối với các Phật tử nói riêng thì nhờ chính sách toàn cầu hóa, mở rộng này, làm cho chúng ta cũng được mở rộng tầm nhìn qua Phật giáo toàn thế giới. Đầu tiên là làn sóng của Thiền tông Nhật Bản trở thành trọng điểm văn hóa của toàn thế giới qua các phong trào hành trì thiền định của các Trung Tâm Thiền Nhật Bản[6] mở ra khắp nơi, khởi xướng từ các thập niên 60-70 và cho đến hiện tại. Trong các vị tôn sư có công hoằng hóa Thiền tông Nhật Bản, chúng ta phải kể đến thiền sư Daisetz Teitaro Suzuki (C. 鈴木大拙, Linh Mộc Đại Chuyết, 1870–1966) qua đại tác phẩm Thiền Luận[7].


Song song với làn sóng Thiền tông Nhật Bản đó thì tại Việt Nam cũng phát triển Thiền tông, làm sống lại nền Phật giáo của các thời Lý, Trần mà chư tôn chủ xướng chính yếu là thiền sư Thích Nhất Hạnh và thiền sư Thích Thanh Từ.

 

Nhưng cùng lúc đó thì đặc biệt hơn nữa, thế giới mở rộng vòng tay ra để đón nhận làn sóng Phật giáo Tây Tạng, qua các công trình hoằng pháp của chư tôn sư Tây Tạng với bốn đại môn phái Mật tông: phái Cổ Truyền (Nyingma), phái Khẩu Truyền (Kagyu), phái Tát Già (Sakya) và phái Giới Đức (Gelug).

 

Nói chung như thế để nhận biết sự mầu nhiệm của sự tiến hóa của nhân loại, chúng ta đi về một sự toàn cầu hóa, sự bất phân biệt, một tinh thần cởi mở hòa đồng, thương yêu chung với nhau, đã là con người thì cùng có một trái tim, một dòng máu đỏ, và đều là chúng sinh hữu tình.

 

Thế nhưng khi đi vào nội bộ, chúng ta cũng nhận xét thấy có một sự phân hóa trong hạ tầng của nhân loại. Sự phân hóa này có thể quy nguyên chính từ lối giáo dục phân tích, từ tâm chia chẻ phân biệt. Bởi vì để nâng cao dân trí, tất cả các quốc gia trên toàn thế giới đều đi về nền giáo dục cưỡng bách, trong đó đặt nặng trên sự học hỏi về khoa học và kỹ thuật, và bớt dần sự học hỏi về văn hóa cũng như đạo đức. Những môn toán học và luận lý học trong nền giáo dục của chúng ta càng ngày càng tăng hệ số và quan trọng hơn, trong khi các môn học về đạo đức như là "Công dân giáo dục" ở Việt Nam nói riêng, hay là môn "Giáo lý công giáo" của các nước Âu Mỹ nói chung đều từ từ bị xóa bỏ. Dĩ nhiên là học hỏi về khoa học rất cần thiết và là căn bản thiết lập sự hiểu biết và luận lý của con người, nâng cao nền dân trí. Nhưng đi vào học hỏi khoa học thì phải học về luận lý phân tích. Phân tích thì cần phải chia chẻ, phân biệt. Nếu học để làm căn bản đi tìm hiểu sâu vào sự vật thì rất tốt. Nhưng nếu ngưng tại đó mà không cân bằng tâm trí, học về toàn diện để trở lại có cái nhìn tổng thể, và nếu cứ bị mắc kẹt ở trong cái nhìn phân tích phiến diện thì sẽ tạo nguy cơ đưa đến sự phân hóa, bắt đầu bằng phân hóa chính bản thân mình qua cái nhìn phân tích chia chẻ trên mọi sự việc, trở thành tiêm nhiễm trong thói quen và sự huân tập của tâm phân tích chia chẻ, để rồi mắc kẹt vào tâm phân biệt, kết hợp chặt chẽ với tâm chấp ngã bẩm sinh, thì sẽ từ đó mà khởi sinh tất cả mọi vấn đề, kể cả các vấn đề của thế giới.

 

Đức Đạt-lai Lạt-ma đã từng nhấn mạnh trong những lần thuyết pháp: "...Tất cả mọi tranh chấp trên thế giới đều khởi ra từ cái tâm chấp ngã, phân biệt..." và Ngài nói rằng tuy Ngài là vị lãnh đạo tông phái Giới Đức, nhưng Ngài cũng là một thành viên tranh đấu cho tinh thần Bất Bộ Phái[8] (xem thêm ở phần 6, “Tinh Thần Bất Bộ Phái”).

 

Sự phân hóa trong Phật giáo được thấy qua các tranh cãi bất tận về Tiểu thừa[9], Đại thừa, về Tịnh Độ tông, Thiền tông, về Mật tông v.v....Tất cả các tranh cãi đều khởi ra từ những sự học hỏi đặt nặng trên luận lý phân tích, và bỏ quên sự chứng ngộ tổng hợp của toàn Phật pháp. Nhất là vì sự chứng ngộ này vốn cực kỳ vi tế, bất khả thuyết. Khi học hỏi, cái học được dễ dàng là tâm phân tích, nhưng khi đã lọt vào mạng lưới ngoắt ngoéo của tâm phân tích thích thú này rồi mà không thoát ra được, không chứng ngộ được tâm viên dung bất khả tư nghì, thì mọi rối rắm của vấn đề sẽ khởi ra từ đó. Do đó, ta thường thấy các tranh cãi luôn luôn được khởi ra qua các câu đại loại như “Thầy tôi đã giảng là....” hay là “Pháp môn xyz tôi giảng này là cao nhất, dễ nhất v.v...”, trong khi thật sự ra, các điều chư tôn sư giảng chỉ có một vị là Giải Thoát Giác Ngộ Vô Phân Biệt, và tất cả những gì chư vị dạy cũng chỉ thu tóm lại thành một điều: đoạn dục, chứng Tánh Không để phá chấp ngã và hành Bồ-tát đạo.

 

Sự nguy hại của lối học hỏi và tâm phân tích chia chẻ không chỉ nằm trong Tam Thừa Phật Giáo, trong các Tông phái, mà cũng phôi thai trong chính nền Phật Giáo Tây Tạng.

 

Chính vì thấy rõ nguy cơ phân hóa này mà chư tôn trong các dòng truyền thừa Tây Tạng đã đề xướng tinh thần Bất Bộ Phái. Theo đó, chúng ta diệt trừ tận gốc tâm phân biệt chia chẻ này, đi vào một con mắt nhìn viên dung của 84.000 pháp môn, chỉ cùng một vị duy nhất: dứt trừ tham ái, chứng ngộ Tánh Không và hành trì Bồ-tát đạo.  Đó là điểm tối hậu: gom tất cả về một cỗ xe duy nhất của Phật thừa. Bởi vì đức Phật chỉ phương tiện mà giả lập ra các cỗ xe giúp chúng ta vượt qua các giai đoạn tu hành tùy theo căn cơ của mỗi chúng sinh (trích Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Thứ Hai: Phương Tiện):

 

“Xá-lợi-phất! Nay ta cũng lại như thế, rõ biết các chúng sanh có những điều ưa muốn, thân tâm mê chấp, ta tùy theo bổn tánh kia dùng các món nhân duyên, lời lẽ thí dụ cùng sức phương tiện mà vì đó nói pháp.

Xá-lợi-phất! Như thế đều vì để chứng được một Phật thừa "Nhất thiết chủng trí”.

 

Nhất Thiết Chủng Trí chẳng thể nào đạt được qua tâm phân tích chia chẻ. Nhất thiết chủng trí chỉ có thể đạt được qua tâm viên dung bất khả thuyết, bất khả tư nghì và do sự chứng ngộ Nhất Thiết Pháp Không, để từ đó khởi tâm Đại Bi, đi vào con đường Bồ-tát Đạo. Trích kinh Lăng Già Tâm Ấn:

 

Thế gian lìa sanh diệt 
Như hoa đốm hư không,

Trí chẳng thấy có, không
Mà khởi tâm đại bi.
Tất cả pháp như huyễn
Xa lìa nơi tâm thức,
Trí chẳng thấy có, không
Mà khởi tâm đại bi.
Xa lìa chấp đoạn thường

Thế gian hằng như mộng,
Trí chẳng thấy có, không
Mà khởi tâm đại bi.

 

Đọc kinh đến đây thì khởi rõ trong tâm con đường “chứng ngộ Nhất Thiết Pháp Không, khởi tâm Đại Bi”. Con đường mà Tổ Long Thọ đã đề xướng Tánh Không của Trung Quán Tông trong Trung Quán Căn Bản Luận Tụng[10].

 

Như thế thì có thể hiểu rõ là trên con đường đạt đến Giác Ngộ, chúng ta không thể nào không kinh qua giai đoạn tu tập và chứng ngộ Tánh Không, bởi vì có chứng ngộ Tánh Không thì ngã chấp mới được tiêu trừ, và chỉ khi nào ngã được tiêu trừ thì con đường Bồ-tát đạo mới thực hành được đến viên mãn. Bồ-tát đạo dẫn đến chứng ngộ Phật quả cao tột nhất, Tam Miệu Tam Bồ Đề, trong đó là tâm vô lượng từ và vô lượng bi. Nếu chúng ta còn chút gốc gác nào của sự chấp ngã, thì ít nhiều gì chúng ta cũng vẫn còn bị sai sử bởi tâm chấp ngã này, do đó mà Bồ-tát đạo chưa được thành tựu viên mãn.

 

Trong lần thuyết pháp tại pháp hội đại học Lehigh, Pensylvania, Hoa Kỳ, Đức Đạt-lai Lạt-ma sau khi giảng cặn kẽ về Tánh Không đã cho một thí dụ điển hình rất ngộ nghĩnh. Ngài nói: "...khởi đầu học Tánh Không cũng giống như một người già cả, răng đã móm hết cả, mà lại phải ăn món bò bít-tết, cho nên chẳng thể nào nhai cho nổi, chỉ có thể nuốt chửng mà thôi...". Nói xong thí dụ dí dỏm đó, Ngài cười thật thoải mái. Đó là vì, muốn đi trên đường đạo đạt đến Giác Ngộ, không thể nào không cố gắng từ từ nuốt trôi môn học khó thực hành là Tánh Không này.

 

Như đã đưa ra ở trên, thực chứng Tánh Không là phải vượt lên tâm phân tích chia chẻ, đạt đến tâm viên dung bất khả thuyết, trong đó chấm dứt mọi tâm khái niệm luận lý phân biệt ta và người, mọi chấp ngã và ngã sở[11], không còn hiện hành, đạt trình độ dung nhiếp, hợp nhất bất phân giữa chủ thể và đối tượng, nghĩa là không còn khởi tâm ấy ra nữa. Tâm viên dung ấy trong Phật giáo còn được gọi bằng nhiều từ ngữ khác như là tâm bất nhị, tâm vô phân biệt... Tổ Long Thọ trong Căn Bản Trung Quán Luận Tụng đã viết:

 

Chư pháp thực tướng giả
Tâm hành ngôn ngữ đoạn
Vô sinh diệc vô diệt
Tịch diệt như Niết-bàn.

 

Có thể diễn giải là:

Chứng ngộ thật tướng của các pháp là khi có khả năng chấm dứt cả hai điều: 1. tâm hành (tâm suy tư vọng tưởng) và 2. ngôn ngữ, cũng như chứng ngộ mọi pháp đều không sanh cũng không diệt, và sau cùng là trụ trong niềm vui tịch diệt (nghĩa chấm dứt, tắt ngấm mọi tâm tham dục) như Niết-bàn.

 

Nói theo cách khác thì tâm bao trùm lên tất cả, cho nên Duy Thức tông có nói: "Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức". Chẳng có một pháp nào ngoài tâm ra. Muốn vào được thực tướng của vạn pháp, chỉ có thiền định, làm theo lời dạy của Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ : "Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc."

 

Thiền định phản quan tự kỷ cho đến khi nào "Tâm hành ngôn ngữ đoạn" thì vào được thực tánh chư pháp, chẳng thể nào đạt được điều đó qua người khác…

 

Mọi pháp môn đều phải kinh qua các hành trì để đoạn dục, chứng Tánh Không và hành Bồ-tát đạo trong tinh thần viên dung vô phân biệt, bất khả thuyết đó. Các tông phái của chúng ta đều đến từ cùng một giáo pháp, cùng một gốc rễ là giáo lý của đức Bổn sư Thích-ca, và pháp môn nào rồi cũng phải đi đến viên mãn Bồ-tát đạo. Như thế thì chẳng có gì khác nhau, cho nên tự bổn tánh đã là Bất Bộ Phái.

 

1. Lịch sử Phật giáo thế giới qua ba kỳ chuyển Pháp Luân

 

Để có thể hiểu được Tánh Không và vai trò của nó trong quá trình tu tập đạt Giác Ngộ, chúng ta hãy tìm hiểu, xem lại nguồn gốc và lịch sử Phật Giáo Ấn Độ.

 

Trước hết, chúng ta đều biết là đức Phật Thích-ca Mâu-ni đản sanh trong thế giới của nhân loại với hạnh nguyện cao cả giúp chúng sinh giải quyết vấn đề của sinh tử. Thời bấy giờ nước Ấn Độ nằm trong chế độ quân chủ, về đời sống vật chất thì người dân sống khổ sở trong một xã hội đặt nền tảng trên sự phân chia giai cấp, bất công và áp bức, bao gồm những giai cấp chính sau đây:

 

Bà-la-môn (Brahman) là những Giáo- sĩ, phụ-trách về lễ nghi, cúng bái. Họ tự có quyền ưu- tiên, được tôn- kính, và hưởng thụ cuộc đời sung sướng nhất.

Sát-đế-lợi (Kastrya) là hàng vua chúa quý- phái, nắm giữ quyền hành thống trị dân chúng.

Vệ-xá (Vaishya) là những hàng thương- gia điền chủ.

Thủ-đà-la (Shudra) là hàng dân nô lệ bần tiện, an phận làm tôi đòi suốt đời cho các giai cấp trên.

 

Ngoài ra còn có một hạng tiện dân gọi là Chiên-đà-la (S. Candala), không thuộc về giai cấp nào cả, bị coi như sống ngoài lề xã hội loài người, tệ hơn cả súc vật, ai cũng kinh tởm không dám đụng đến người, sống một kiếp thật là khổ nhục.

 

Còn về phương diện tâm linh, xã hội Ấn Ðộ lúc bấy giờ cũng sống trong một tình cảnh hỗn loạn. Các trào lưu tôn- giáo, các hệ thống triết học, tư tưởng cũng ở trong một hoàn cảnh vô cùng hỗn độn. Đủ loại tín ngưỡng, đủ loại triết thuyết ra đời. Từ thờ phụng các vị thần thế gian cho đến các vị trời như Phạm Thiên, thờ thần lửa, thần sông, thần núi, cho đến tu lõa thể, hoặc tôn thờ những loài vật. Các triết học đủ loại, từ cụ thể đến trừu tượng, lập thuyết trên thời gian, trên không gian, chủ trương nhất nguyên, nhị nguyên, đa nguyên... Hàng trăm hệ phái khác nhau, luôn luôn tranh luận, hý luận không ngừng, đả kích chống báng nhau. Các vị luận sư thời đó ai ai cũng cho mình là giỏi nhất, biện tài nhất, trong khi thực tế thì các tầng lớp dân chúng khổ sở dưới ách thống trị của giai cấp, bất công và áp bức, còn hý luận của họ chẳng hề cứu độ gì được những người dân nghèo khổ.

 

Tất cả xã hội lúc bấy giờ đang điên đảo trong khổ đau vật chất lẫn tinh thần, qua những tà thuyết rối loạn. Trong tình trạng đó, đức Phật Thích-ca Mâu-ni đản sanh và khai thị cho con người theo về chánh đạo.

 

Để giáo hóa, dẫn dắt chúng sinh tu đạo thành công, Ngài đã thực hành đồng sự và lợi hành qua hành trình tự mình đi tìm và thực nghiệm ra con đường chánh đạo. Bắt đầu từ địa vị tôn quý của một vị hoàng tử, Ngài đã từ bỏ gia đình, "cát ái từ sở thân" để xuất gia theo con đường Phạm hạnh  "và chuyên tu khổ hạnh cho đến khi nhận chân ra là không thể đi theo con đường đó mà đạt toàn giác[12]. Từ đó, Ngài chuyên tâm thiền định dước gốc cây Bồ Đề, phát triển trí tuệ Bát Nhã trong bảy tuần lễ. Vào ngày thứ 49, trước khi trời sáng, Ngài đã chứng ngộ toàn giác viên mãn.

 

Sau khi chứng ngộ trí Bát Nhã tối thượng và sự toàn giác viên mãn ấy, Ngài tiếp tục thiền định bên bờ sông Ni Liên Thiền và vị trời Phạm thiên Sahampati đã xuất hiện để tán thán Ngài đã đắc quả Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Chánh Đẳng Chánh Giác Tam Miệu Tam Bồ Đề.

 

Ngài thiền định và quán tưởng đến các chúng sinh còn đang trầm luân trong ái dục ngũ trần, và phát sinh tư tưởng rằng sự chứng ngộ tối thượng viên mãn này quả thật thâm sâu huyền diệu, khó nhận thức, khó lãnh hội, vắng lặng, cao siêu, không nằm trong phạm vi luận lý, tế nhị, chỉ có các bậc thiện trí mới thấu hiểu. Nhất Thiết Chủng Trí bất khả thuyết, bất khả tư nghì ấy khó có thể giảng, đạo lý cao siêu mầu nhiệm ấy khó có thể dạy cho các chúng sinh hữu tình đang đắm chìm trong ái dục và trong những tà thuyết hý luận. Lý Nhân Quả và Duyên Khởi, Tánh Không là những điều rất khó lãnh hội, cũng như Niết-bàn chấm dứt mọi nhân duyên quả báo, tắt ngấm mọi ái dục, tịch tĩnh an vui cũng là những điều rất khó lãnh hội. Nếu Như Lai truyền dạy Giáo Pháp ấy, người đời ắt không thể hiểu được. Chỉ phí công vô ích.

 

Rồi Đức Phật lại suy tư tiếp:

"Phải khó khăn lắm Như Lai mới chứng ngộ được Pháp Bồ Đề tối thượng này. Nhưng lòng người còn đang chìm đắm trong tham ái và sân hận, không dễ gì hiểu được. Kẻ tham ái mê mờ như đi trong đêm tối, như ở trong đám mây đen bao phủ, chẳng thể thấy được Pháp này, thâm sâu, khó nhận biết và toàn triệt."

 

Lúc ấy vị trời Phạm Thiên Sahampati lo sợ Ngài không truyền bá Giáo Pháp và thế gian sẽ không được nghe Pháp, ắt phải lạc vào nẻo tận cùng, nên cung thỉnh đức Phật ba lần để xin Ngài chuyển Pháp Luân. Nhờ vậy mà đức Thế Tôn chấp nhận dùng phương tiện để giáo hóa chúng sinh: "...Hãy để cho những kẻ nào muốn nghe Giáo Pháp tối thượng này có cơ hội..."

 

Ngay lúc ấy, chư thiên vui mừng tán thán Ngài từ bi trụ thế, chuyển pháp luân và dùng phương tiện thiện xảo để giáo hóa chúng sinh đang trầm luân trong bể khổ luân hồi.

 

Rồi y như lời, Ngài đã trụ thế trong suốt 49 năm, thị hiện trong khắp ba cõi hoằng hóa Giáo Pháp tối thượng. Do đó mà đức Thế Tôn chuyển pháp luân ba lần trong cõi Ta-bà tcủa chúng ta. Ngài biết là căn cơ của chúng sinh vốn khác nhau, kẻ sáng người tối không đồng đều. Cho nên chỉ có cách giáo hóa qua các phương tiện thiện xảo, đi từng trình độ khác nhau, từ bước một, dễ cho đến khó, chứ không thể đi thẳng vào chính đề.

 

Như thế, đức Thế Tôn đã vì chúng sinh hoằng pháp trong 49 (theo Tiểu thừa là 45) năm trụ thế, khi thì Ngài thuyết về “Hữu Ngã”, khi thì Ngài thuyết Vô Ngã”, tựu chung cũng chỉ là phương tiện tùy bệnh cho thuốc mà giáo hóa theo căn cơ và giai đoạn của chúng sinh. Theo Hiển giáo (còn theo quan điểm của Mật giáo thì hơi khác, sẽ đề cập đến trong các phần sau), Ngài đã có ba lần chuyển pháp luân, từ từ dẫn dắt chúng sinh. Hai lần chuyển pháp luân đầu, đức Thế Tôn thuyết về phương tiện pháp và bất liễu nghĩa pháp (để khế lý, khế cơ với tâm của chúng sinh). Lần chuyển pháp luân thứ ba, đức Thế Tôn thuyết về liễu nghĩa pháp (thắng nghĩa giáo), các giáo lý cơ bản là Bát Nhã Trí, Tánh Không, Trung Đạo, Tam Tự Tính và Tam Vô Tính.

 

Lần chuyển pháp luân thứ nhất: Đức Thế Tôn thuyết về Hữu giáo qua các giáo lý cơ bản là Tứ Diệu Đế và Thập Nhị Nhân Duyên. Thời kỳ này là nền tảng tạo thành các tông phái Nguyên Thủy (cũng còn gọi là Tiểu thừa) và Hữu Bộ. Các bộ kinh điển chính ghi lại trong thời kỳ này bao gồm bốn bộ A Hàm và Trường Bộ Kinh [13].

 

Lần chuyển pháp luân thứ hai: Đức Thế Tôn thuyết về Vô (Bát Nhã, Tánh Không, Nhị Vô Ngã). Đó là những giáo lý để sửa soạn mở đường vào Ðại thừa, và chính những giáo lý Ðại thừa, qua các lần thuyết giảng cơ bản về "Nhất thiết pháp không" (Không Tông). Các bộ kinh điển ghi lại trong thời kỳ này bao gồm các bộ kinh như Bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh, Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh, Bát thiên tụng bát-nhã kinh, Đại phẩm bát-nhã kinh, Kim cương bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh[14]

 

Lần chuyển pháp luân thứ ba: Đức Thế Tôn thuyết về Trung Đạo. Thời kỳ này thuộc về Ðại thừa và hậu Ðại thừa. Các bộ kinh điển ghi lại bao gồm các kinh Giải Thâm Mật, các bộ Đại Phương Quảng như Hoa Nghiêm Kinh, bộ Như Lai Tạng Kinh, và Đại Bát Niết-bàn Kinh[15], v.v…

 

Phải nói rõ rằng trong thời kỳ đức Phật Thích-ca còn tại thế thì không có sự phân biệt và đặt tên gọi là Tiểu thừa hay Đại thừa. Tất cả lúc ấy chỉ là những lời giảng dạy của Ngài dẫn dắt hành trì đi từ bài pháp đầu tiên cho đến bài pháp cuối trước khi Ngài Bát Niết-bàn.

Và như vậy, ta có thể xem lại toàn thể giáo lý của đức Thế Tôn để lại cho chúng ta, kết hợp và tổng hợp những pháp môn mà Ngài đã giảng dạy theo một trình tự hợp lý, bao gồm trong hai loại quyền giáo và thật giáo[16], bổn môn và tích môn[17] để thấy rõ những trình tự mà đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni đã phải ra công dẫn dắt và khuyến giáo chúng ta, nắm tay chúng ta dẫn dắt đi từng bước trên đạo lộ, từ dễ đến khó hơn, cho đến khi có thể đặt chân vào con đường tối thượng của Phật thừa mà tựu chung là chúng ta, tất cả đệ tử của Ngài, phải nỗ lực hướng đến. Như đức Thế Tôn đã huấn dụ sự tu tập qua hình ảnh của người nghệ sỹ sử dụng đàn, nếu lên dây đàn căng quá thì sẽ đứt, mà dây chùng quá thì không ra tiếng đàn.

Do đó, hành giả phải biết tùy theo trình độ mà chọn pháp môn hành trì. Khởi đầu Ngài giảng về Tứ Diệu Đế, Vô Thường, Nhân Quả, Thập Nhị Nhân Duyên, Duyên Khởi, để sau đó qua các pháp tu hành trì thiền định phân tích tâm thức tiêu trừ mọi tà kiến si mê, phá chấp ngã, rồi sau đó dung hợp trong tinh thần bất nhị để đưa vào thiền định chứng ngộ Tánh Không và đạt quả A-la-hán, tắt ngấm mọi tham dục và đạt an nhiên tịch tĩnh, nhưng không chấp trước, trụ trong Niết-bàn tịch tĩnh này mà nhập thế cứu độ mọi chúng sinh hữu tình. Đó là tinh thần tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn của Bồ-tát đạo.

Mỗi giai đoạn tu tập là một chứng ngộ liên hệ đến đề mục và hành trì thiền quán trên đề mục đó, tuần tự vượt lên trên, do đó mà phương tiện giả lập ra mục đích tạm thời và các quả vị tạm thời của Tứ Hướng và Tứ Thánh Quả, đi từ giai đoạn thiền quán Tứ Niệm Xứ để tiêu trừ bốn tâm điên đảo, nhuần nhuyễn Tứ Diệu Đế, giả lập con đường của Thanh Văn, Duyên Giác cho đến Bồ-tát, để giúp cho chúng sinh dễ dàng đi trên đạo lộ trường kỳ mà không nản chí tầm đạo. Mỗi mỗi chứng ngộ của một đề mục chẳng phải làm cho chúng ta tự mãn, thấy là đủ, mà lại giúp chúng ta tạo dựng nền tảng và tâm hoan hỷ phát lòng tu thêm các pháp môn sau đó cho đến pháp môn tối thắng và đạt đến Phật Quả Tối Thượng, như chính Ngài đã từng tu tập qua các giai đoạn và đạt đến Quả Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Chánh Đẳng Chánh Giác, Tam Miệu Tam Bồ Đề.

Xem xét quá trình lịch sử như thế để hiểu ra được là nếu mắc kẹt vào tâm phân tích chia chẻ cục bộ thì thấy đạo lộ có phân ra giai đoạn, phân ra pháp môn và dính mắc tranh cãi về các pháp môn Nhưng nếu nhìn thấu suốt cả tiến trình đức Thế Tôn đã hoằng đạo trong suốt 49 năm thì sẽ phát khởi trí tuệ viên dung và nhận ra rằng tất cả chẳng qua chỉ tùy giai đoạn mà hành trì, tùy trình độ của tâm mà tu tập, rồi rốt cục cũng sẽ hội tụ, đi về một điểm chung và duy nhất đã trình bày tóm gọn trước đó là "đoạn dục, chứng Tánh Không để phá chấp ngã và hành Bồ-tát đạo".

Đó là xét trên phương diện tổng hợp của Hiển Giáo. Từ đó sẽ khởi ra tầm nhìn tổng hợp của Tánh Không, là hợp nhất trong Tam Thừa Phật Giáo, và cũng từ đó để trả lời câu hỏi: “ Như vậy Tánh Không trên quan điểm viên dung là gì?”. Câu này sẽ được đề cập đến trong phần 5. (còn tiếp)

 

PhẦn PhỤ LỤc:

 

Tóm lược các trước tác chính của chư Tổ trong Trung Quán.

(trích từ Tự Điển Phật học của Chân Nguyên)

 

Tổ Long Thọ (C. 龍樹 , S. Nāgārjuna, 150-250):

Căn bản trung quán luận tụng (S. [mūla-] madhyamaka-kārikā), cũng được gọi là Trung quán luận tụng, hoặc Trung quán luận (S. madhyamaka-śāstra), Cưu-ma-la-thập dịch Hán văn. Còn Phạn bản, E. The Root of Wisdom;

Căn bản trung quán luận thích vô uý chú (S. mūlamādhyamikavtti-akutobhayā), được gọi tắt là Vô uý chú, chỉ còn bản Tạng ngữ;

Đại trí độ luận (S. mahāprajñāpāramitā-śāstra, mahāprajñāpāramitopadeśa), 100 quyển, Cưu-ma-la-thập dịch;

Thập nhị môn luận (S. dvādaśanikāya-śāstra, dvādaśadvāra-śāstra), Cưu-ma-la-thập dịch;

Nhân duyên tâm luận tụng (S. pratītyasamutpāda-hdaya-kārikā), không biết người dịch; còn Phạn bản;

Đại thừa nhị thập tụng (S. mahāyāna-viśikā), Thí Hộ dịch;

Bảo hành vương chính luận (S. rājaparikathā-ratnāvalī, cũng được gọi là ratnāvalī, hay Vòng bảo châu), 1 quyển, Chân Đế (S. paramārtha) dịch, còn Phạn bản;

Thất thập không tính luận (S. śūnyatā-saptati), bản Tạng ngữ vẫn còn; còn Phạn bản

Thất thập không tính luận thích (S. śūnyatā-saptativtti), chú giải Thất thập không tính luận, Nguyệt Xứng (S. Candrakīrti) và Parahita cũng có soạn một tác phẩm dưới tên này;

Phương tiện tâm luận (S. upāya-hdaya), một tác phẩm về Luận lí học (nhân minh) được xem là của Sư, bản dịch Hán vẫn còn do Cát-ca-dạ dịch;

Tập kinh luận (S. sūtrasamuccaya); có hai tập dưới tên này: một tác phẩm có lẽ đã thất truyền của Tịch Thiên (S. śāntideva) và một tác phẩm được xem là của Sư;

Hồi tránh luận (S. vigraha-vyāvartanī, vigrahavyāvartanīkārikā), Tì-mục Trí Tiên và Cù-đàm Lưu-chi dịch chung; còn Phạn bản;

Hồi tránh luận thích (S. vigraha-vyāvartanī-vtti);

Long Thọ Bồ-tát khuyến giới vương tụng (S. ārya-nāgārjunabodhisattva-suhllekha), Nghĩa Tịnh dịch, còn Phạn bản;

Quảng phá kinh (vaidalya-sūtra?), Quảng phá luận (vaidalyaprakaraa?), bản dịch Hán và Tạng ngữ vẫn còn;

Lục thập tụng như lí luận (S. yukti-aṣṭhikā), Thí Hộ dịch, cũng có bản Tạng ngữ;

Thập trụ tì-bà-sa luận (S. daśabhūmi-vibhāā-śāstra), 17 quyển, Cưu-ma-la-thập dịch.




[1] Tạng ngữ là Lam Rim Chen Mo

[2] Bốn đề tài chính là: 1. Căn bản Trung Quán Luận, 2. Thích Bồ Đề Tâm Luận, 3. Bảo Hành Vương Chính Luận, 4. Tràng Hoa Tri Kiến Luận.

[3] E. High-tech, C. 高科技, Cao Khoa Kỹ, Cao Kỹ Thuật.

[4] E. Melting pot.

[5] Barrack Obama: “I come to Berlin as so many of my countrymen have come before, although tonight, I speak to you not as a candidate for president, but as a citizen, ­a proud citizen of the United States, and a fellow citizen of the world....”, 24 july 2008 speech in Berlin.

[6] E. Zen Center.

[7] Thiền Luận, D.T Suzuki, gồm 3 quyển: quyển thượng do Trúc Thiên dịch., quyển trung và hạ do thầy Tuệ Sỹ dịch.

[8] Bất Bộ Phái, T. , Rimé (đọc là Ri-Mê), E. Non-sectarian, nghĩa là tránh không bị mắc vào tình thần chấp trước vào trong tông phái, bộ phái của mình và si mê đả kích những bộ phái khác, hoặc vi tế hơn là tinh thần đề cao thầy, bộ phái của mình một cách lộ liễu và đồng thời gián tiếp cho rằng cách thầy, bộ phái khác không thể cao bằng thầy, bộ phái của mình. Phong trào Rimé được khởi xướng khoảng thế kỷ 19 bởi chư tôn sư Jamyang Khyentse Wangpo (1820-1892), thuộc về bộ phái Drikung Kagyu và Jamgon Kongtrul đời thứ nhất, Lodro Thaye (1813-1899), thuộc về bộ phái Karma Kagyu.

[9] Năm 1950, Hội Phật Tử Thân Hữu Thế Giới (World Fellowship Buddhists) họp tại Colombo (Tích Lan) đã quyết nghị loại bỏ danh từ Tiểu thừa khi nói đến Nam tông Phật giáo. Trong khuôn khổ của bài viết này, với tinh thần tổng hợp và bất bộ phái, từ ngữ Tiểu thừa chỉ được tạm sử dụng để có thể nói về những vấn đề liên hệ, chứ không có ý phân biệt cao thấp, bởi vì thực ra chỉ có một thừa duy nhất chung cho tất cả: đó là Phật thừa, bởi vì tất cả mọi đạo lộ đều đưa ta chung về một mục đích là Giác Ngộ tối thượng, hình thức hành trì khác nhau chỉ là tùy giai đoạn, và bệnh mà sử dụng phương pháp đối trị.

[10] S. Nagarjuna, Mula-Madhyamika-Karika.

[11] E. I and mine.

[12] Hãy tham khảo thêm về đề tài: “Mười Hai Công Hạnh của đức Phật Thích-ca Mâu Ni”.

[13] A Hàm (S. Agama) dịch là Pháp quy hay Vô tỷ pháp, bao gồm 4 bộ: 1. Trường A Hàm (S. Dirghagama), 2. Trung A Hàm (S. Madhyamagama), 3. Tạp A Hàm (S. Samyukta-agama) và 4. Tăng Nhất A Hàm (S. Ekottara-agama).

Trường Bộ Kinh (S. Nikàya) gồm 5 quyển: 1. Trường bộ kinh (S. Dìgha-Nikàya), 2. Trung bộ kinh (S. Majhima-Nikàya), 3. Tương ưng bộ kinh (S. Samyutta-Nikàya), 4. Tăng chi bộ kinh (S. Angttara-Nikàya), 5. Tiểu bộ kinh (S. Khuddaka-Nikàya).

[14] Bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh (S. Prajñāpāramitā sūtra), Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh (S. Prajñāpāramitā-hdaya-sūtra), Bát thiên tụng bát-nhã (S. Aṣṭasāhasrikā sūtra), cũng được gọi là Tiểu phẩm bát-nhã, Đại phẩm bát-nhã kinh (S. Pañcaviśatisāhasrikā sūtra), Kim cương bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh (S. Vajracchedikāprajñāpāramitā sūtra).

[15] Giải Thâm Mật Kinh (S. Samdhinirmocana sutra), Hoa Nghiêm Kinh (S. Avatamsaka sutra) Như Lai Tạng Kinh (S. Tathagatagarbha sutra), Đại Bát Niết-bàn Kinh (S. Mahāparinirvāa Sūtra).

[16] Quyền giáo là những giáo pháp sử dụng phương tiện, giả lập, tạm dùng, không thực, để dẫn dắt chúng sinh vào đạo, chưa phải là thắng nghĩa giáo. Thật giáo là những giáo pháp tối hậu, rốt ráo, bền chắc, đúng cho mọi thời, mọi lúc, là thắng nghĩa giáo.

[17] Bổn môn và Tích môn do Đại sư Trí Khải, sơ tổ tông Thiên Thai đề xướng ra. Ý nghĩa như sau. Bản: bản địa, nghĩa là đã thành tựu từ lâu, chỉ cho Phật tánh có từ khởi thủy. Tích: thùy tích, nghĩa là mới thành tựu, chỉ cho dấu vết của Phật tánh.

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay