ĐỨC PHẬT VÀ BÌNH ĐẲNG XÃ HỘI
Nguyên Hiệp
Khái niệm về “con người ngoài lề xã hội” đầu tiên được dùng trong kinh tế học đã phát triển để chỉ cho những người mà thân phận của họ phụ thuộc vào vị trí xã hội của những nên văn hoá đối lập khác nhau. Ở Ấn Độ, khái niệm này liên quan đến sự phân chia xã hội và hệ thống đẳng cấp mà trong đó những cơ hội kinh tế và xã hội đều liên quan đến một hệ thống phân chia đẳng cấp dựa trên dòng dõi di truyền và nghề nghiệp.
Trong Phật giáo, khái niệm bình đẳng được bàn đến nhằm nâng đỡ thân phận thấp kém của những đẳng cấp thấp và tầng lớp tiện dân, cũng như xoá bỏ khoảng cách về giới tính giữa nam và nữ. Đức Phật không chấp nhận những quan điểm tôn giáo và triết học luôn gây xung đột của những đạo sư Bà-la-môn và không phải Bà-la-môn đương thời. Ngài phê bình những tư tưởng triết học khác nhau vào thời đại của mình và nhận ra sự thật về tính chất đồng nhất của tất cả mọi người bất kể đẳng cấp, vị trí xã hội và tín ngưỡng. Điều đó giúp con người thuộc những đẳng cấp khác nhau hợp nhất lại trong một nền văn minh bình đẳng và nhân đạo. Ngài đã thay đổi hệ thống giá trị con người được dựa trên sự phân chia đẳng cấp, thay đổi thể chế xã hội, tôn giáo và chính trị, những tiêu chuẩn và cách thức suy nghĩ. Tinh thần đó đã được duy trì tích cực từ thế kỷ thứ V trước Tây lịch cho đến thế kỷ XII sau Tây lịch tại mảnh đất Phật giáo được khai sinh, nhưng đáng tiếc đã không vượt qua được sự chống phá của Bà-la-môn giáo và sự bành trướng rầm rộ của đạo quân Hồi giáo khi xâm lăng Ấn Độ. Ở Ấn Độ, Bà-la-môn Adi Sankaracharya vào thế kỷ thứ VIII sau Tây lịch đã thành công trong nỗ lực cải cách Ấn giáo, và đã thiết lập tôn giáo này trở thành quốc giáo. Sau ông, những vị vua Bà-la-môn khác đã tái thiết lập lại uy thế của Bà-la-môn giáo. 1200 năm sau Tây lịch, khi sự cai trị của Hồi giáo được thiết lập, thì các tự viện cũng như đời sống văn hoá tư tưởng của Phật giáo ở Ấn Độ bắt đầu đi vào thời kỳ suy tàn.
Tuy nhiên, theo Huntington, mặc dù Phật giáo bị suy tàn ở Ấn, nhưng sự truyền bá, sáp nhập và thích ứng của Phật giáo vào các nền văn hoá khác nhau đã nâng Phật giáo trở thành một tôn giáo lớn của thế giới. Dân chúng ở nhiều quốc gia khác nhau ở châu Á và Tây phương đang quay về với đức Phật để tìm kiếm sự bình đẳng và hoà bình. Con đường Trung đạo của đức Phật có thể hướng dẫn trong việc giải quyết đói nghèo, bất bình đẳng và khủng bố mà thế giới hiện tại đang đối mặt.
Ở Ấn Độ, vào những thập niên cuối của thế kỷ XX, tiến sĩ B.R. Ambedkar và những người theo ông đã làm hồi sinh lại Phật giáo. Họ đang thu hút thêm nhiều thành viên mới và nỗ lực trình bày những khía cạnh mới mẽ từ nơi Phật giáo. Ở Maharashtra, tất cả họ đã và đang nhiệt tâm mang tinh thần đó vào đời sống xã hội thực tiễn. Phong trào Phật giáo mới này đã làm thay đổi thái độ sống của con người, xã hội và công chúng. Và ở Ấn Độ, dân chúng quy ngưỡng theo Phật giáo ngày càng gia tăng. Vào năm 1951, tín đồ Phật giáo chỉ khoảng 0.14 triều người thì đến năm 1961 đã tăng lên đến 3.2 triệu, và đến năm 2001 tăng lên tám triệu, và hiện này là gần mười triệu. Và Phật giáo đang được truyền bá rộng rãi khắp thế giới trong sứ mệnh đem lại cho mọi người một đời sống tâm linh lành mạnh, góp phần tạo bình an và công bằng cho xã hội.
Đối với vấn đề bình đẳng xã hội, đức Phật đã nhấn mạnh vào yếu tố con người, đưa ra những giải pháp nhằm đem lại sự công bằng giữa người với người trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội. Những vấn đề này có thể tìm thấy trong những bản kinh khác nhau của kinh tạng. Trong thông điệp của Ngài ta không thấy có sự phân định hay những chính sách phân biệt sắc tộc nhằm phục vụ cho giai cấp này hay lớp người kia. Thông điệp của Ngài mở rộng với mọi người, không phân biệt đẳng cấp và tín ngưỡng. Ngài bãi bỏ sự bất bình đẳng xã hội và nỗ lực làm thay đổi nền văn hoá bất bình đẳng đang tồn tại trong xã hội Vệ-đà. Đức Phật cất lên tiếng nói phủ nhận vị thế quyền uy của đẳng cấp tu sĩ trong tất cả mọi lĩnh vực xã hội. Đây là nhiệm vụ tích cực chống lại hệ thống đẳng cấp đang hiện hành và ủng hộ những người ngoài lề xã hội chống lại những kẻ bóc lột họ và cả cái xã hội đang phân loại con người này. Đây là một trong những đống góp đặc biệt của đức Phật đối với nền văn minh nhân loài. Quan điểm điểm này đã được Ngài chỉ ra trong kinh Pháp cú:
Ðược gọi Bà-la-môn,
Không vì đầu bện tóc,
Không chủng tộc, thọ sanh,
Ai thật chân, chánh, tịnh,
Mới gọi Bà-la-môn.
Trong Ấn Độ cổ đại, uy quyền tôn giáo đã định nên một sự đối xử vô cùng tàn bào với tầng lớp những người Thủ-đà-là (Shudra) và cái gọi là những kẻ tiện dân (Dalit). Họ là những người nằm ngoài lề xã hội theo cách gọi bây giờ. Sử sách chép rằng, một người Thủ-đà-la nếu cố ý lắng nghe lời đọc tụng kinh Vệ-đà thì sẽ bị đỗ nước sắt nấu chảy vào lỗ tai. Nếu vị ấy đọc kinh Vệ-đà thì lưỡi sẽ bị xẻo đi. Nếu vị ấy quan hệ với một phụ nữ Aryan, thì nam căn sẽ bị cắt đi. Nếu vị ấy ghi nhớ những bài kinh Vệ-đà thì thân thể sẽ bị chẻ ra làm đôi.
Người làm luật Manu của Hindu cũng đã dành nhiều trang để nói về những đẳng cấp pha tạp (sankaravarna) và những đẳng cấp ngoài lề xã hội (antyavasayin). Nơi cư trú của những người này là những vùng đất gần nghĩa địa, trên núi hoặc trong rừng. Nơi ở của những người Chiên-đà-là (Candala) và những người ăn thức ăn của chó (Svapaca) thì ở bên ngoài các ngôi làng. Tài sản của họ chỉ có chó và lừa. Những bình chậu mà họ dùng phải là những thứ mà các đẳng cấp khác chưa đụng vào. Áo quần của họ là đồ của người chết và họ ăn bằng những chiếc đĩa bị vỡ. Điều này nói lên sự bất công xã hội và hành vi ngược đãi con người trong Ấn Độ cổ đại mà nó vẫn còn tiếp tục cho đến kỷ nguyên dân chủ hiện đại ngày nay.
Những người Dalit ở Ấn Độ, là những người thuộc đẳng cấp thấp, chiếm khoảng 166 triệu, tức vào khoảng 16.2 phần trăm dân số Ấn Độ. Đầu tiên họ được gọi là những kẻ tiện dân trong hệ thống đẳng cấp của Ấn. Hệ thống đẳng cấp này là một trong những hệ thống phức tạp và cổ nhất trong tổ chức xã hội của người Hindu, nhưng cũng tìm thấy trong những người theo Hồi giáo và cả Thiên chúa giáo. Vị trí của một cá nhân trong hệ thống phân chia được ấn định theo lễ nghi đã vạch rõ toàn bộ lối sống của vị ấy. Hệ thống đẳng cấp được đặt cơ sở trên triết học tôn giáo giữa những người Hindu, là ủng hộ một sự phân chia xã hội thực dụng. Và từ được dùng trong các kinh điển để chỉ hệ thống phân chia này là “varna”.
Các đẳng cấp là các nhóm nội giáo; các varna là các thành phần của một cấu trúc phân chia xã hội Hindu. “Varna” có nghĩa là “màu sắc” và nguyên thuỷ được dùng để phân biệt những người Aryan và không phải Aryan. Sau khi người Bồ Đào Nha đến Ấn Độ, từ “caste” đã được sử dụng phổ biến. Từ ‘caste’ của Bồ Đào Nha được dùng để chỉ dòng dõi, chủng tộc và thứ loài. Điều đó cho thấy nguồn gốc hệ thống đẳng cấp bắt nguồn từ sự xâm chiếm Ấn Độ của người Aryan, mục đích là làm giảm đi tầm quan trọng của những cư dân bản địa và đồng hoá họ thành những nông dân và nô lệ trong một xã hội phân tầng.
Hệ thống đẳng cấp là một sự phân chia xã hội thành những nhóm nội giao, dựa vào dòng dõi di truyền. Những nhóm này cấu thành một hệ thống cấp bậc mà trong đó các Bà-la-môn chiếm giữ vị trí cao nhất và đẳng cấp Thủ-đà-la là những người tận cùng của xã hội. Tuy nhiên, sự sắp xếp đẳng cấp theo thứ bậc cũng thuỳ thuộc vào vùng miền. Nguồn gốc, sự phát triển và địa vị hiện hành của các đẳng cấp cũng liên quan đến nghề nghiệp của họ. Khoảng cách giữa những đẳng cấp khác nhau được định nghĩa bằng những từ ‘ô nhiễm’ và ‘tinh khiết’. Một đẳng cấp cao hơn luôn được coi là tinh khiết trong mối liên hệ với một đẳng cấp thấp hơn. Để giữ vị thế cao hơn của mình, trong một vài thể thức, đẳng cấp cao hơn phải tránh tiếp xúc với những đẳng cấp thấp hơn. Tất cả những điều này ít nhiều nâng cao thêm địa vị của những đẳng cấp cao, và hạ thấp vị trí của những đẳng cấp thấp, tức Thủ-đà-la và tiện dân.
Hệ thống đẳng cấp có nguồn gốc rất cổ xưa. Hệ thống này được tìm thấy nơi văn minh Vệ-đà. Với thứ tự bốn bậc của mình, hệ thống này cũng phân chia nghề nghiệp thành bốn cấp bậc. Điều này được tìm thấy nơi những tài liệu cổ nhất về đẳng cấp trong Vệ-đà. Cơ cấu cho sự phân loại này được cho là do thần linh tạo ra, được mô tả như là con người vũ trụ trong cái nhìn của nhà tiên tri mà từ đó các đẳng cấp được sinh ra.
Trong thời kỳ Vệ-đà, thần Krishna trong Bhagavad Gita đã giải thích rằng hệ thống đẳng cấp có liên quan đến một luật lệ thiêng liêng. Krishna nói, “Nó do Ta tạo ra theo sự phân chia các guna và công việc”. Bhagavad Gita nhấn mạnh vào các guna ở trong một trật tự gồm bốn cấp bậc. Mỗi phần trong sự phân chia bốn cấp bậc bao gồm ba guna, tức sattva (đức hạnh), rajas (đam mê) và tamas (ngu muội). Như vậy, Bà-la-môn, Sát-đế-lợi, Vệ-xá và Thủ-đà-la tất cả đều mang ba thuộc tính hay guna. Kết quả của sự phân chia đẳng cấp này đã đem lại những quyền lợi lâu dài cho những đẳng cấp cao, tạo cơ hội cho họ bốc lột những đẳng cấp thấp hơn thông qua cơ cấu tổ chức xã hội.
Hệ thống đẳng cấp đã khiến cho những người đẳng cấp thấp dễ dàng chấp nhận vị thế thấp kém của mình trong hệ thống ấy, coi đó như là một trật tự tự nhiên của vạn vật. Ở Ấn Độ, hệ thống đẳng cấp đã trải qua hơn ba ngàn năm, thậm chí đến bây giờ vẫn chưa thấy có dấu hiệu khai tử nó. Không có một thể chế xã hội nào chứa đựng một yếu tố bất bình đẳng và sự phân biệt tệ hại đối với phần đông dân chúng lớn lao như vậy lại có thể sống lâu trong một bối cảnh xã hội duy nhất. Rõ ràng nhờ vào một hệ thống kinh điển phức tạp, rắc rối và vi tế, nhờ vào thần thoại và nghi lễ mà Bà-la-môn giáo đã thành công trong việc quy cho hệ thống đẳng cấp một quyền lực đạo đức mà nó đã thách thức ngay cả những nhà cải cách xã hội hăng hái nhất. Chính tôn giáo và huyền thoại được sử dụng để dệt nên mạng lưới kỳ lạ này.
Phần thưởng xử phạt và tiền thuế cũng liên hệ chặt chẽ với đẳng cấp của mỗi người. Một Bà-la-môn được người cai trị miễn cho những thuế thông thường, cả người lẫn tài sản của các Bà-la-môn hoàn toàn không được xâm phạm. Một Bà-la-môn được quyền làm bất cứ thứ gì tồn tại trong đời. Sự thật, toàn thể thế giới là tài sản của ông ta và người khác sống nhờ vào sự bố thí của ông ta. Thủ-đà-là không thể có tài sản thực sự, bởi vì tài sản của người này có thể bị cướp đoạt theo ý muốn của ông chủ mình.
Cũng có những phân biệt đối xử trong trường hợp phạm tội và xử phạt. Trong Ấn Độ cổ đại, một vị vua không bao giờ có thể kết tội một Bà-la-môn dù cho vị này phạm các trọng tội. Vua chỉ có thể trục xuất ông ta, nhưng tất cả tài sản của ông ta phải được bảo đảm và thân thể không bị làm tổn hại. Không có một tội nào trên trái đất này lớn hơn tội giết hại một Bà-la-môn; và do đó, nhà vua thậm chí không được hình thành trong tâm trí mình dù chỉ là ý tưởng về việc giết hại tu sĩ Bà-la-môn. Tính triệt để trong sự phân biệt đẳng cấp này được phổ biến và thực hành ngay cả trong những vấn đề về liên quan đến ăn mặc. Những người thuộc đẳng cấp thấp bị cấm tranh đua ăn mặc với những người đẳng cấp cao. Đẳng cấp Thủ-đà-la không có quyền mang những trang phục dành cho Bà-la-môn.
Sự phân chia đẳng cấp xã hội ở Ấn Độ có khi chia thành sáu. Trong chuyện Tiền thân Silvimamsa, ngoài bốn đẳng cấp như đã biết còn đề cập thêm hai đẳng cấp khác là Chandala và Pukkusa. Và bên cạnh sáu đẳng cấp chính này, còn chia ra thành những đẳng cấp nhỏ khác nữa. Họ không được gọi là đẳng cấp xã hội mà chỉ được xem như là những bộ phận nhỏ bên trong đẳng cấp. Tên bộ tộc của họ được gọi theo nghề nghiệp của họ, chẳng hạn như người làm đồ gốm, ngư phủ.v.v.. Có nhiều chủng tộc và bộ lạc nằm ngoài danh sách các đẳng cấp xã hội chính nói trên.
Có những sự giải thích khác nhau liên quan đến nguyên nhân phát sanh sự phân cấp xã hội. Những yếu tố này bao gồm sự kiêu hãnh về dòng dõi, sắc da, nghề nghiệp và sự di truyền huyết thống. Những giới hạn được quy định cho mỗi nhóm là yếu tố quyết định sự phân tầng xã hội.
Đức Phật bác bỏ tính không thể sai lầm của kinh điển Vệ-đà, và theo Ngài mọi vấn đề phải được công khai kiểm tra, xem xét và chứng minh. Ngài bảo rằng sự phân chia đẳng cấp dựa trên kinh điển Vệ-đà là không có giá trị, vì lý do đơn giản là nó được đặt cơ sở trên những học thuyết sai lầm. Đức Phật tuyệt đối không chấp nhận khái niệm quyền uy của kinh điển do các Bà-la-môn dựng nên, mà đó là trụ cột chính chống đỡ dinh thự Bà-la-môn giáo. Ngài phá bỏ sự nguỵ biện trong lý luận về đẳng cấp của Ấn giáo, cho dù đó là vấn đề về sự hiện hữu của Thượng đế hay về một linh hồn luân hồi vĩnh cữu, hay là nguồn gốc linh thiêng của một Bà-la-môn. Phương pháp của đức Phật trong việc giải quyết những vấn đề như vậy là bằng phân tích, thực chứng và thực tiễn. Ví dụ như, Ngài bác bỏ lời phát biểu sai lầm và vô lý của một thanh niên Bà-la-môn, cho rằng các Bà-la-môn là người thuộc dòng dõi cao nhất vì họ nguyên thuỷ được sinh ra từ miệng của Phạm thiên. Mà xét cho cùng, họ cũng được thọ thai và sinh ra bởi các phụ nữ Bà-la-môn giống như những bà mẹ của những đứa trẻ thuộc đẳng cấp khác. Ở một đoạn kinh khác, đức Phật bảo với một Bà-la-môn: Này Bà-la-môn, có một vài ẩn sĩ và Bà-la-môn bảo rằng đêm là ngày và ngày là đêm. Nhưng ta nói rằng điều này chỉ là ảo tưởng của họ. Với ta, đêm là đêm và ngày là ngày. Ngài nói rằng những học thuyết của Vệ-đà chỉ là do suy đoán và không dựa trên sự thật.
Như vậy, đức Phật đã bác bỏ hệ thống đẳng cấp sai lầm làm suy kiệt xã hội. Ngài đã làm lung lay nền tảng hệ thống đẳng cấp và quy tụ những người tiện dân vào trong tôn giáo của mình. Ngài cũng bác bỏ sự can thiệp của thần linh vào đời sống con người, phản đối việc tế lễ thú vật mà nó là nền tảng quan trọng của Bà-la-môn giáo. Ngài chấp nhận quan điểm rằng bất cứ Thượng đế hay thần linh quyền uy nào khi cai trị trần gian này phải dựa vào quy luật nhân quả và phải vì đời sống con người. Ngài chống lại những nghi thức tôn giáo đi ngược lại Chánh kiến, chi phần quan trọng trong Bát chánh đạo.
Trong suốt cuộc đời của đức Phật, những nguyên tắc về bình đẳng mà trong đó mọi đẳng cấp được đối xử công bằng đã được mọi đẳng cấp chấp nhận. Các Bà-la-môn, vua quan, thương gia, các đẳng cấp thấp và thậm chí cả kẻ cướp đã đến với Ngài. Nhiều bài kinh đã đề cập đến những vị đệ tử của đức Phật, mặc dù xuất thân từ giai cấp thấp những đã có những ảnh hưởng lớn trong Tăng đoàn bởi đời sống phạm hạnh, trí tuệ và sở chứng của họ. Upali vốn là một thợ cắt tóc, nhưng cũng là người trùng tuyên giới luật tại kỳ kiết tập thứ nhất. Sunita xuất thân từ tầng lớp nô lệ, những đã trở thành vị trưởng lão A-la-hán. Abhayakumara là con trai của một kỹ nữ, nhưng cũng đã thành công trong tu tập.v.v.. Như vậy, đức Phật là nhà cải cách xã hội đầu tiên đã giới thiệu khái niệm về bình đẳng trong cộng đồng và bác bỏ sự phân chia đẳng cấp dựa trên dòng dõi. Ngài đã trao cho mọi người con đường đi đến niềm vui, có được một đời sống tốt đẹp, duy trì chân giá trị và sự tự do cho xã hội. Khái niệm tự do của đức Phật không chỉ là việc chống lại việc bất bình đẳng mà còn là sự thay đổi sự bốc lột đang tồn tại mà nó hình thành do văn hoá xã hội và tôn giáo.
Đức Phật nhận ra sự tương đồng và bình đẳng của con người trong những đặc tính vật lý và sự khác nhau giữa người với người được nhìn từ quan điểm nghề nghiệp. Kinh Vasetta đã trình bày chi tiết về các đặc tính nghề nghiệp của sự phân cấp xã hội về con người vào thời đại của Ngài như sau:
Do công việc người ấy là một nông dân
Do công việc người ấy là một thợ thủ công
Do công việc người ấy là một thương nhân
Do công việc người ấy là một nô lệ
Do công việc người ấy là một kẻ cướp
Do công việc người ấy là một người lính
Do công việc người ấy là một thầy tế
Do công việc người ấy là một nhà vua.
Theo đức Phật, công việc là điều căn bản của sự phân chia xã hội. Sự khác nhau giữa người và người là do những công việc khác nhau, không phải do đẳng cấp và màu da. Như vậy, con người chỉ khác nhau trong nghề nghiệp, nhưng kỹ năng nghề nghiệp trong những ngành nghề khác nhau là bình đẳng đối với mọi người. Mỗi người có trách nhiệm đối với công việc chuyên môn mà mình đảm nhiệm. Chính hệ thống đẳng cấp đã sắp xếp nghề nghiệp cố định, phủ nhận tính linh động nơi mỗi cá nhân, không tôn trọng sự tự do chọn lựa lối sống.
Tóm lại, với những gì đã được trình bày, theo quan điểm của đức Phật, mọi người trong xã hội đều bình đẳng như nhau. Họ bình đẳng trong mọi cơ hội chọn lựa nghề nghiệp cũng như bình đẳng trong trách nhiệm của mình. Họ bình đẳng trong giới tính cũng như bình đẳng trong khả năng phát triển và hoàn thiện bản thân. Đức Phật không chấp nhận tư tưởng truyền thống về đẳng cấp dựa trên dòng dõi, không chấp nhận sự phân biệt giới tính được viết trong luật Manu. Hành động và đạo đức của mỗi người, theo Ngài, là thước đo giá trị của người ấy. Với tư tưởng đó, đức Phật đã đem lại sự tự do và bình đẳng trong mọi lĩnh vực cho đẳng cấp Thủ-đà-la và những người tiện dân. Thời kỳ của Ngài là thời kỳ xã hội có nhiều thay đổi, sự thay đó đã làm lay chuyển hệ thống giáo điều Vệ-đà và cả đẳng cấp Bà-la-môn, một đẳng cấp đã dựng nên hệ thống giáo điều để hưởng lợi từ nó. Theo tiến sĩ Ambedkar, người Phật tử và cũng là nhà cải cách xã hội lỗi lạc của thế kỷ XX, rằng Phật giáo đã đem lại quyền bình đẳng xã hội trong quá khứ và đem lại sự dân chủ xã hội trong thời kỳ Ấn Độ độc lập./.
Tài liệu tham khảo:
- S.N. Singh, Value Education for Living Together” in K.B. Power, Higher Education for Human Development, New Delhi: Association of Indian Universities, 2002.
- A.A. Shiromany, The Political Philosophy of His Holiness the XIV Dalai Lama.
- Samuel Hutington, The Clash of Civilizations and the Remraking of World Order, New Delhi: Penguin Books, 1996.
- Bhikku Kuala Lampur Bhammajoti, Recent Research in Buddhist Studies, Hongkong: Chiyin Foundation, 1997.
- Chalmers Lord, Dialogues of Buddha, London: Oxford University Press, 1984.
- P. Norelli-Bachelet, “Caste, Culture and Cosmos” in World Affair, The Journal of International Issues (Janualy-March 2002) New Delhi.
- S.N. Singh, Caste, Tribe and Religion in Indian Politics, Bombay: Asia Publishing, 1971.
- B.R. Ambedkar, The Buddha and His Dhamma, Bombay, 1984.
- K.M. Pannikar, Hindu Society at Cross-roads, Bombay: Popular Book Depot, 1976.
- Peter Robb, Dalit Movements and the Meanings of Labour in India, New Delhi, 1996.
|