TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ KẺ RONG CHƠI GIỮA SỐNG VÀ CHẾT
THÍCH PHƯỚC AN
I
Tại sao lại phải từ chối sự bao la của bể cả, để chấp nhận thế giới hoang vu heo hút của núi rừng.
Quốc vương đức trạch khoan như hải, Tùy phận ta ta thủy thảo xuân.
Nghĩa :
Ơn đức quốc vương như bể cả. Nhưng xin cứ tùy phận với chút ít cỏ nước mùa xuân.
Con đường đi lên, bao giờ cũng chông chênh và đầy hiểm nguy. Người đi phải tự mình vượt qua biết bao là núi non, đồi đỉnh, thì mới uống được ngụm nước đầu nguồn. Và chỉ tại nơi đó thôi, con người mới được hoàn toàn tự do ngắm cỏ nước mùa xuân :
Phóng ngưu
Ngẫu hứng Quy sơn đắc đệ lân Hoang vu cam tác mục ngưu nhân Quốc vương đức trạch khoan như hải Tùy phận ta ta thủy thảo xuân.
Nghĩa :
Quy Sơn xóm nọ bỗng quay về Cam phận chăn trâu chốn nội hoang Ơn đức Quốc vương như bể cả Riêng vui cỏ suối với hoa ngàn. Đỗ văn Hỷ dịch. (Thơ Văn Lý Trần II. NXB. KHXD. tr. 238)
Các sử liệu còn để lại, cho chúng ta biết rất ít về cuộc đời và con người của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Ngay cả việc một số người viết, đã lầm lẫn từ người anh cả, xuống làm con của Hưng Đạo Vương TrầnQuốc Tuấn, chỉ chừng ấy thôi, cũng khiến cho con người của ông, vốn đã độc đáo, lại càng độc đáo hơn nữa đối với chúng ta.
Có lẽ, cũng như đa số các Vương hầu thân tín khác của nhà Trần, Ông cũng đã từng trực tiếp tham gia các cuộc kháng chiến đánh đuổi quân Nguyên xâm lược. Nhưng khi chiến thắng rồi, nghĩa là đất nước trở lại thanh bình, thì hành tung của ông không được nhắc đến nữa.
Đây là một sự thiếu sót tư liệu bình thường? Hay là, chúng ta nên xếp Tuệ Trung Thượng Sĩ vào đội ngũ của những con người ngoại lệ? Những con người đi và muốn xóa sạch vết chân của chính mình?
Khi một dân tộc hay một cá nhân quá khát khao đi tìm thanh bình cho đời sống nội tâm của mình, thì chắc chắn vấn đề lịch sử không bao giờ được họ bận tâm đến.
Như Ấn Độ chẳng hạn, có một nền văn minh lớn nhất vào thời cổ, vậy mà không có một sử gia cỡ Tư Mã Thiên (Trung Quốc) Hérodote Thucydie (Hi Lạp) Plutarque hay Tacite (La Mã), vì họ chỉ muốn giải thoát thân phận bi thảm của chính họ ra khỏi ngục tù của thời gian thôi. Đối tượng suy tư của họ cũng cao ngất như dãy Hi-Mã-Lạp-Sơn quanh năm bao phủ đầy tuyết trắng kia.
Và Lão tử của Trung Hoa nữa, vì khinh bỉ tư cách đê tiện của một số quan lại và xã hội mình đang sống, nên đã quyết tâm đi ẩn dật. Nếu không có Doãn Hỉ, thì chúng ta đã không có bộ Đạo Đức Kinh. Đây là sự cống hiến lớn lao và nền văn minh triết của nhân loại.
Nhưng điều khôi hài là, những kẻ xem lịch sử như một trò đùa đó, thì chính họ lại đóng một vai trò lớn lao trong sự phát triển của lịch sử tư tưởng con người.
Chúng ta có thể tưởng tượng được như thế nầy : thế giới sẽ đen tối biết là bao, nếu xưa kia, không có những con người dám từ bỏ những thú vui vật dục tầm thường, đi vào rừng sâu, để tìm kiếm một thú vui khác, một thú vui mà chung cục, sẽ không gây tai hại và chết chóc cho bất cứ ai trên đời này.
Dường như, nền văn minh của thế giới hiện tại quá lạnh lùng, lạnh lùng đến độ gần như tàn nhẫn. Có lẽ chính vì thế mà những con người của Thế giới ngày hôm nay, đang khát khao hơn bao giờ hết, một chút thi vị của người Đông Phương xa xưa.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Tuệ Trung Thượng Sĩ thuộc vào đội ngũ của những con người ngoại lệ ấy.
Trong bài Dưỡng Chân (nuôi dưỡng chân tánh). Ông đã từ chối tham dự vào trò chơi của con người trên sân khấu cuộc đời, và chỉ chấp nhận nhập cuộc vào trò chơi lớn lao hơn-trò chơi cùng tạo vật trong vũ trụ.
Dưỡng chân
Suy táp hình hài khởi túc vân Phi quan lão hạc tị kê quần Thiên thanh vạn thúy mê hương quốc Hải giác thiên đầu thị dưỡng chân.
Nghĩa :
Nuôi dưỡng chân tánh : Hình hài suy yếu đâu phải là chuyện đáng bàn Cũng không phải chuyện chim hạc lánh đàn gà Nghìn màu xanh, muôn vẻ thúy tràn ngập làng nước Góc bể bên trời là nơi nuôi dưỡng chân tánh của ta. Đỗ Văn Hỷ dịch. (Sđd. tr 226)
Tại nơi góc bể chân trời ấy-Con người có thể dong thuyền ra khơi, say sưa ngây ngất với một mùa thu vừa chớm dậy và lắng nghe niềm im lặng của đất trời mênh mông :
Giang Hồ Tự Thích
Tiều đỉnh trường giang đãng dạng phù Du dương trạo bát quá than đầu Nhất thanh hà xứ tân lai nhạn Trắc giác thu phong biến thập châu.
Nghĩa :
Vui thích giang hồ
Sông dài, thuyền nhỏ nổi lênh đênh Cất mái chèo qua đoạn thác ghềnh Một tiếng nhạn trời đâu vẳng đến Gió thu như đã dậy mênh mông. Đào Phương Bình dịch (Sđd.tr 244)
Dường như có một nỗi khát khao về tự do và cái đẹp cứ trào vọt ra từ cõi thơ của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Chỉ có cái đề được chọn là : Vui thích giang hồ (giang hồ tự thích) thôi, cũng đã nói lên hết tất cả nỗi khát khao ấy.
Nhưng những ai dám cùng với Tuệ Trung Thượng Sĩ “Cất mái chèo qua đoạn thác ghềnh” để đến được bến bờ của tự do ấy?
Dĩ nhiên, chỉ những người đã nhận chân được rằng, cuộc đời mà hiện mình đang sống đây, chẳng có một ý nghĩa gì cả, nhưng chỉ lập đi lập lại trong nhàm chán và vô vị. Bởi vậy, đã đến lúc phải từ bỏ mà lên đường tìm kiếm một hương vị khác cho cuộc đời.
Còn những người sống chỉ biết hưởng thụ, lúc nào cũng chờ có dịp tốt là kiếm quyền lợi về cho bản thân mình, những người trong một bài thơ Tuệ Trung Thượng Sĩ đã gọi là bọn “Cháy đầu bỏng trán” (Tiêu đầu lạng ngạch), những người như vậy làm sao biết đến chân trời đó-Vì chân trời ấy, chỉ để cho những con người xuất chúng, những con người đầy nghị lực bước đi mà thôi :
Chiếu thân
Tiêu đầu lạn ngạch bị kim bào Ngũ thất niên gian thị xưởng tào Túng đã siêu quần kiêm bạt tụy Nhất hồi phóng hạ nhất hồi cao.
Nghĩa :
Soi mình
Cháy đầu bỏng trán, thì được mặc áo bào vàng Còn mình năm bảy năm nay vẫn ở nơi xay giã Nếu là bậc siêu quần xuất chúng Thì cứ một lần hạ xuống lại một lần lên cao. Đỗ Văn Hỷ dịch. (Sđd. tr 233)
Có nên xem hai câu :
Túng đã diêu quần kiêm bạt tụy Nhất hồi phóng hạ nhất hồi cao
Như là Kinh Nhật tụng, mà ta phải trì tụng mỗi ngày để không còn sợ hãi sự thất bại trước cuộc đời nữa không?
II
Khi ta nhìn một đóa hoa đang nở rộ, hay thỉnh thoảng đứng trên đồi cao nhìn vạt nắng mong manh cuối cùng của buổi chiều tà. Những lúc như vậy, dường như tâm hồn ta như có một nỗi bất an. Vì có lẽ, ta trực nhận được rằng, cái đẹp này rất mong manh, thoáng chốc, và chẳng bao lâu nữa, nó sẽ tan biến ngay lập tức.
Như vậy, con người nên đi tìm cái đẹp ở đâu? Nơi nào mới không có sự tàn phai?
Là một bài thơ của Phật giáo Thiền Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ khuyên ta nên trở về tìm kiếm cái đẹp ngay bên trong, chứ đừng tìm bên ngoài. Nếu ngày nào ta vẫn cứ tiếp tục lang thang đi tìm bên ngoài, thì ngày đó ta vẫn chỉ gặp toàn thất vọng và đau khổ mà thôi.
Trong ta có một suối nguồn sâu thẳm, nếu ta biết khai phá một cách kiên trì, thì một lúc nào đó, hàng vạn đóa hoa sẽ bừng nở lên giữa mùa xuân bất tận :
Thị học
Học giả phân phân bất nại hà Đô tương linh đích khổ tương ma Báo quân hưu ỷ tha môn hộ Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa.
Nghĩa :
Gợi bảo người học đạo Học đạo mênh mông ai có hay Gạch đen mài gạch, nhọc nhằn thay! Cửa người anh hãy thôi nương tựa Một ánh xuân về hoa đó đây! Đỗ Văn Hỷ dịch (Sđd.tr 233)
Nhưng không phải Tuệ Trung Thượng Sĩ chỉ là một nhà thơ ngồi tưởng tượng ra cái đẹp đó rồi viết thành thơ đâu, nhưng Người còn là một hành giả nữa, nghĩa là đã từng trực nhận cái đẹp vời vợi đó, bằng chính kinh nghiệm bản thân mình :
Ngẫu tác
Đường trung đoạn tọa tịch vô ngôn Nhàn khẩn Côn Luân nhất lũ yên.
Nghĩa :
Chợt hứng làm thơ
Ngồi ngay ngắm giữa nhà lặng lẽ không nói Thảnh thơi nhìn một tia khói trên núi Côn Luân Huệ Chi dịch (Sđd. tr 233)
Ngồi thảnh thơi nhìn một tia khói trên núi Côn Luân là gì? Có phải chính đó là giây phút mà nói theo thuật ngữ của Thiền là ngộ (Sateri) đó không? Giây phút đó rất quan trọng, vì nó làm sụp đổ tất cả trật tự cũ, và cánh cửa vô hạn đã được mở tung:
Thoát thể
Phiên thân nhất trịch xuất phần lung Vạn vật đô lô nhập nhãn không Tam giới mang mang tâm liễu liễu Nguyệt hoa Tây một nhật thăng Đông.
Nghĩa :
Thoát đời
Vương mình một cái vượt ra khỏi lồng Muôn việc đều như trò chơi, vào mắt cũng thành hư không Tam giới mênh mông cõi lòng sáng rõ Bóng trăng chìm xuống phương Tây, mặt trời mọc ở phương Đông. Đào Phương Bình dịch (Sđd.tr.243)
III
Thiền, cần thực nghiệm, có nghĩa là ta phải nắm bắt thực tại trong đôi bàn tay trần của mình nên từ chối vai trò của văn tự “Giao ngoại biệt truyền, bất lập văn tự”.
Nhưng vì là một nhà thơ và tư tưởng gia của Thiền, nên Tuệ Trung Thượng Sĩ vẫn phải sử dụng đến phương tiện của ngôn ngữ. Nhưng ngôn ngữ có một giới hạn nhất định của nó trong việc diễn đạt thực tại.
Có một bài thơ hơi khó hiểu, nhưng ta cũng có thể đoán được rằng,... Tuệ Trung Thượng Sĩ đã rất phân vân khi ông phải phát triển cái mà đáng lý ra nên im lặng :
Đề tịnh xá
Đạp trước quan đầu vị sát na Tung hành phóng ngữ trát già dà Niên lai bút chảy vô đoan thậm Tam giới Như Lai bất nại hà.
Nghĩa :
Đề tịnh xá
Dẫm chân tới đầu cổng chùa chưa được giây lát Buông lời dọc ngang viết nên bài kệ Năm gần đây, ngòi bút bỗng trở nên hờ hững Như Lai ở ba giới cũng chả biết là thế nào! Đỗ Văn Hỷ dịch (S.Đ.D.tr.239)
Thế nhưng đã để lại văn tự, thì tất nhiên phải có giải thích mà giải thích thì phải có sai lạc, đó là chuyện bình thường. Nhưng có những trường hợp mà ta bị bắt buộc phải nghĩ là đã có cố ý giải thích sai lạc.
Chẳng hạn, gần đây có một số bài viết cho rằng, Tuệ Trung Thượng Sĩ đã chủ trương không cần ngồi Thiền, cũng chẳng cần niệm Phật, vì đã có thơ trích để chứng minh cho lý luận trên :
Tự thị quyện thời tâm tự tức Bất quan nhiếp niệm bất quan thiền,
Nghĩa :
Khi nào mỏi mệt thì tâm tự tắt Chẳng cần niệm Phật, chẳng ngồi Thiền (S.Đ.Đ. tr.233)
Hay táo bạo hơn, bát bỏ hẳn việc trì giới và nhẫn nhục :
Trì giới kiêm nhẫn nhục Chiêu tội bất chiêu phước Dục tu vô tội phước Phi trì giới nhẫn nhục.
Nghĩa :
Trì giới và nhẫn nhục Chỉ chuốc tội chứ không chuốc phước Muốn biết không tội phước Thì đừng trì giới nhẫn nhục. (S.Đ.D.tr. 290)
Chúng ta phải hiểu rằng, đây là ngôn ngữ của người đã đứng trên đỉnh núi cao. Nhưng chúng ta, những người còn ở dưới chân núi, mà vẫn cố ý lập lại như vậy, thì đó chỉ là đại ngôn mà thôi, và nên biết rằng, phá chấp nhiều khi cũng rất nguy hiểm, nó dễ bị lợi dụng để biện minh cho hành động “bậy bạ” của mình vậy.
Tuệ Trung Thượng Sĩ đã rất ý thức được điều nguy hại nầy, nên khi đọc cho Trần Nhân Tông nghe xong bài kệ ấy, Người đã cẩn thận căn dặn :
... Vật thị phi nhân
(Chớ có bảo cho người không ra gì!)
Như vậy, chỉ có nhân cách của con người mới chứng mminh cho lời nói của mình là đúng hay sai? Nhân cách của Tuệ Trung Thượng Sĩ như thế nào? Có phải nhân cách đó đã làm chấn động tâm hồn của Trần Nhân Tông không? Cái gì đã khiến ông phải thốt lên :
... Ngã tri Thượng Sĩ môn phong cao tiếu.
(Vì vậy, ta biết môn phong của Thượng Sĩ thật là siêu việt)
Tại sao một ông vua đã từng ăn chay từ hồi còn nhỏ, vậy mà phải ca ngợi một người đang ăn thịt cá là “Siêu việt”
Có lẽ, đây là điều chúng ta nên suy nghĩ vậy.
IV
Nhất khúc vô sinh xướng liễu thì Đảm hoành tất lật cố hương quy
Nghĩa :
Vừa lúc “Vô sinh” dứt khúc ca Cầm ngang ống sáo lại quê nhà. Đỗ Văn Hỷ dịch (S.Đ.D.tr. 231)
Đó là lời hát ca của người vừa tìm lại được tự do nơi quê nhà.
Nhưng con người ấy, vẫn phải tiếp tục sống như bao nhiêu người thường tình khác trên thế gian nầy. Bởi vậy nên :
Khỏa quốc hân nhiên tiện thoát y Lễ phi vô dã, tục tùy nghi.
Nghĩa :
Đến xứ cởi trần cứ vui vẻ mà bỏ áo Không phải là quên lễ, chỉ tùy theo thói tục mà thôi.
Nhưng điều quan trọng nhất trong thái độ chấp nhận đời sống, mà bên ngoài có vẻ như tầm thường ấy vẫn là, cũng chỉ vì tình thương vô hạn đối với người đồng loại mà thôi.
Trong suốt bài thơ “Vật bất năng dung”, ta nghe ra được nỗi đau khổ vô cùng của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Ông đau khổ, không phải cho chính mình, mà đau khổ vì biết được rằng, mình đang gánh lên vai tất cả sự ngu xuẩn của con người :
Kim xuyên chốc ấu vi huyền đắc Minh kính manh nhân tác cái chi Ngọc tháp nhập cầm ngưu bất chính Hoa trang anh lạc tượng hà tri Hu ta nhất khúc huyền trung diệu Hợp bã hoàng kim chú Tử kỳ.
Nghĩa :
Chiếc thoa vàng đối với bà già đầu hói chỉ là chiếc móc để treo. Tấm gương sáng đối với người mù chỉ là cái nắp để đựng chén. Dẫu tiếng ngọc nhập vào đàn cầm thì trâu cũng chẳng thèm nghe. Bông hoa có trang sức thêm chuỗi ngọc thì voi cũng không biết đến. Than ôi! Một khúc mầu nhiệm trong huyền vi. Nên đem vàng mà đúc Tử Kỳ. (S.Đ.D. tr. 257)
Nhưng không phải vì thế mà thối lui, trái lại con người càng vô minh bao nhiêu, thì sứ mạng cứu vớt con người lại càng phải được nung nấu bấy nhiêu. Vì vậy, Tuệ Trung Thượng Sĩ đã tham gia và xông trận, Ông đã xuống núi với Thiền trượng trong tay :
Trụ trượng tử
Nhật nhật trượng trì tại chưởng trung Hốt nhiên như hổ hựu như long Niêm lai khước khủng hơn hà toái Trác khởi hoàn phương nhật nguyệt lung Tam xích song lâm xà xứ hữu Lục hoàn Địa Tạng khoái nan phùng Túng nhiên thế đạo kỳ khu thậm Bất nại tòng tiền bột tốt ông.
Nghĩa :
Chiếc gậy
Ngày lại ngày qua tay vững gậy Thoát nhanh như cọp dẽo như rồng Vung lên sông núi e tan nát Dựng dậy trời trăn sợ mịt mùng Ba thước song lâm tìm mỏi mắt Sáu vòng Địa Tạng kiếm hoài công Dẫu cho đường tục chông gai mấy Lão chẳng như xưa bước ngại ngùng. Huệ Chi dịch (S.Đ.D.tr. 266)
Tuệ Trung Thượng Sĩ kêu gọi con người trước tiên, hãy đạp vỡ bức tường ngăn cách với thế giới bên ngoài. Từ lâu ta cứ nghĩ rằng, hiện tượng bên ngoài chẳng có liên quan gì với chính ta cả, chính ý nghĩ đó thôi, cũng đã làm cho ta cảm thấy cô độc trước vũ trụ vô biên kia.
Nhưng không, tất cả những gì được thể hiện bên ngoài chỉ là sự phóng hiện từ bên trong của chúng ta. Ta nghĩ như thế nào, thì vũ trụ và thế giới mà ta đang sống cũng sẽ như thế.
Thị đồ
Niệm khởi, tâm tâm khởi Tâm vong, niệm niệm vong Dục tri đoan đích ý Thạch hổ giảo kim đương Thiên địa do đàn chỉ Sơn xuyên đảng thấu thanh Tạm thời trong vũ động Kê hướng ngũ canh minh.
Nghĩa :
Gợi bảo học trò.
Một ý nghĩ nổi lên, thì mọi tâm nổi lên Một tâm quên đi, thì mọi ý nghĩ quên đi Muốn biết nghĩa đích thực Hổ đá cán dê vàng Trời đất như búng ngón tay Non sông chỉ bằng một tiếng tằng hắng Tạm thời gió mưa rung chuyển Gà gáy lúc canh năm. Huệ Chi dịch (S.Đ.D.tr.245)
Sau khi đã giải phóng được ý niệm đó rồi, thì thiên nhiên không còn lạnh lùng và xa lạ trước cái nhìn của ta nữa, và vũ trụ vạn vật bỗng như được hồi sinh lại, đẹp vô cùng :
Tự đề
Thu quang hữu bút mạc hình dung Kích mục sơn hà xứ xứ đồng Nhất phái Tào Khê hàn trạm trạm Thiên nhiên hùng nhĩ bích tùng tùng Đăng lung chàng phá Kim cương quyến Lộ trụ hổn thôn lật cúc bông Dục thức cá trung đoan đích ý Tân la dạ bán nhật đầu hồng
Nghĩa :
Tự đề
Ánh sáng mùa thu, không bút nào hình dung được Ngước nhìn non sông nơi nào cũng một vẻ Một dòng suối Tào Khê lạnh ngăn ngắt Nghìn năm núi Hùng Nhĩ vẫn xanh lớp lớp Đèn lồng đập vỡ lồng kim cương Cột trần nuốt trọn tấm phên gai góc Muốn biết cái ý xác thực trong đó Nửa đêm ở Tân La, mặt trời đã ửng đỏ Huệ Chi dịch (S.Đ.D.tr 267)
Và sau cùng, con người phải nhận ra rằng, mọi hiện tượng của thế gian, cứ thế tiếp tục trôi chảy không ngừng, sự tồn tại và hủy diệt của mọi sự vật và của chính ta nữa cũng nằm trong dòng sông vô tận ấy :
An định thời tiết
Sinh tử do lai bãi vấn trình Nhân duyên thời tiết tự nhiên thành Sơn vân đã hữu xuất sơn thế Giản thủy chung vô đầu giản thanh Tuế tuế hoa tùng tam nguyệt tiếu Tiếu tiêu kê hướng ngũ canh minh A thùy hội đắc nương sinh diện Thủy tín nhân thiên tống giả danh
Nghĩa :
Thời tiết yên định
Thôi đừng hỏi lai lịch về con đường sống và chết làm gì, Thời tiết của “nhân duyên” cứ thế tự nó hình thành Mây núi đã có cái thế bay ra khỏi núi Nước suối không tiếng nào không phải là tiếng nước gieo vào lòng suối. Hàng năm hoa vẫn nở vào tháng ba Sáng sớm, gà vẫn gáy vào canh năm Ai là người hiểu được mặt trời mẹ Mới tin rằng người và trời đều là giả danh. Đỗ Văn Hỷ dịch (S.Đ.D.tr 246)
Vậy thì, tại sao ta phải sợ sống chết nhỉ?
Trong bài : Sanh tử nhàn nhi dĩ (Sống chết chỉ là nhàn mà thôi!), Tuệ Trung Thượng Sĩ cho rằng, chỉ có người ngu mới sợ sống chết, còn kẻ trí, tức là người đã “ấn định được thời tiết” rồi, thì xem sống và chết chẳng là gì cả, mà cũng chỉ là một dịp để cho ta tiếp tục cuộc rong chơi, chỉ có vậy thôi :
Ngu nhơn điên đảo bố sinh tử Trí giả đạt quan nhàn nhi dĩ.
Nghĩa :
Người ngu điên đảo sợ sống chết Bậc trí có cái nhìn thông đạt, xem sống chết chỉ là lẽ thường mà thôi. (S.Đ.D.tr 283).
Mùa an cư năm 1991, tại chùa Hải Đức, Nha Trang.
THÍCH PHƯỚC AN.
(phatviet.info) |