Ngôn ngữ của thiền và thi ca
Thái Không
Cập nhật: 08:27:00 26/12/2008

Ngôn ngữ của thiền và thi ca

Thái Không

 

1. Ngôn ngữ của Thiền:

Ngôn ngữ của Thiền, không phải là ngôn ngữ mới chính là ngôn ngữ.

Một tiếng hét vang vọng đất trời của Ngài Lâm Tế làm bừng vỡ chân tâm của hành giả; những chiêu gậy hàng ma tuyệt hảo của Ngài Bách Trượng xua đi đám mây mù che mắt thế gian; sự im lặng đến vô tình của Ngài Bồ Đề Đạt Ma hay một đóa sen Đức Phật đưa lên ở hội Linh Sơn... đó là ngôn ngữ của Thiền.

Mục đích của Thiền là đạt ngộ chân tâm, cho nên ngôn ngữ của Thiền không phải là ngôn ngữ mà chúng ta thường sử dụng, nó là những phương tiện để đập vỡ vỏ bọc cuộc đời, là những nhát búa chém giữa hư không mà rúng động cả đất trời.

Một cánh tay rớt xuống vô tình của Ngài Huệ Khả chỉ là lời nói bình thường như bao nhiêu anh hùng chí sĩ, nhưng một lời “điểm huyệt” của Bồ Đề Đạt Ma còn vang vọng ngàn thu. Lời nói của Bồ Đề Đạt Ma đã điểm trúng chân tâm của Ngài Huệ Khả, lời nói mà đời sau không ai có thể nói lời tương tự.

Mỗi đối tượng, mỗi hoàn cảnh thì có một công án Thiền thích hợp, và ngược lại, một công án Thiền chỉ khai mỡ cho đúng căn cơ và hoàn cảnh. Những công án mà ngày xưa các Tổ sư đã từng dùng nó để khai ngộ cho các đệ tử nhưng đối với những người có căn cơ khác thì dù nói đến ngàn lần cũng không có tác dụng gì.

Bởi vậy, ngôn ngữ Thiền là làn sóng giao cảm giữa người truyền và người nhận, là ngôn ngữ mà người không cùng tần số thì không thể hiểu, không thể cảm nhận được. Như bao nhiêu người đã từng đọc tụng đến câu “Ưng vô sở trú nhi sanh kỳ tâm”, vậy tại sao chỉ có một mình Ngài Huệ Năng chứng ngộ bởi câu này? Cái “Vô sở trú” trong lời kinh đã tương thích với “Vô sở trú” trong tâm của Ngài Huệ Năng, chính lời kinh đã khơi dậy bản tánh “vô sở trú” vậy.

 Lại nữa, ngôn ngữ Thiền không phải là “văn tự”. Văn tự” ở đây là chỉ cho những khái niệm ngôn ngữ của thế gian, là những quy định trong giới hạn con người. Ngôn ngữ của thế gian là phương tiện truyền tâm. Vậy ngôn ngữ của tâm là gì? Đó chính là ngôn ngữ vượt ra ngoài ngôn ngữ.

Khi Ngài Lâm Tế hỏi Ngài Bách Trượng về đại ý của Phật Pháp, liền bị lãnh 3 gậy, đó là câu trả lời chính xác nhất về Phật Pháp. Mục đích của Phật Pháp là gì? Đó là sự giải thoát khổ đau cho tất cả chúng sinh. Phật Pháp là con đường thực tiễn, chứ không phải là một lý thuyết suông, nếu chúng ta học Phật Pháp như một học giả, thì kiến thức về Phật Pháp đó không đủ để giúp chúng ta đứng vững giữa vũng bùn đau khổ của cuộc đời. Bởi vậy, những ai học Phật pháp để thỏa mãn kiến thức rồi tưởng mình đã đạt ngộ, đến khi cuộc đời giáng cho vài gậy lên đầu liền ngã quỵ.

Ngôn ngữ Thiền không phải là thứ ngôn ngữ để trao truyền kiến thức, bởi vì ngôn ngữ của kiến thức không đủ để đoạn trừ khổ đau, không đủ để làm chiếc bè thoát ly sanh tử.

Các lậu hoặc trong tâm chúng ta như những viên sỏi cứng nằm lâu trong nước vẫn không tan, phải dùng những phương cách để nghiền nát chúng ra thành bột chúng mới có thể hòa vào trong nước. Bởi vậy, mỗi công án là một nhát búa phá tung những chấp trước tầm thường của thế gian, nghiền nát những lớp vỏ vô minh để hiện lộ chân tánh trong tâm.

Ngôn ngữ của Thiền là ngôn ngữ để khai ngộ, là những gì mà vị Thiền sư dùng để có thể chỉ thẳng vào tâm của hành giả, ngôn ngữ Thiền thật biến ảo không cùng, có khi là những câu thơ đưa người trở về với thế giới thực tại, có khi là những thái độ lạnh lùng hoặc là những thoại đầu hóc búa.

Khi Ngài Huệ Khả đến cầu phép an tâm, Ngài Bồ Đề Đạt Ma nói ”Đưa tâm đây ta an cho!” Tâm là gì mà phải đi tìm, vậy câu nói này có phải là Bồ Đề Đạt Ma tự mâu thuẫn hay không? Vì Ngài đã từng nói:

“... Trực chỉ nhân tâm

Kiến tánh thành Phật.”

Tâm là gì mà “trực chỉ”, lấy cái gì để trực chỉ. Đó chính là Thiền. “An tâm” hay “Trực chỉ nhân tâm”, chỉ là một bước trong quá trình kiến tánh thành Phật. Bởi vậy, cứu cánh chính là sự kiến tánh, là thấy được Phật tánh, chứ không phải là tìm tâm, hay an tâm, hay trực chỉ nhân tâm! Đây là phương tiện, chúng ta đừng lầm tưởng đây là cứu cánh.

Bản thể của vạn pháp thật là thâm diệu, bởi vậy ngôn ngữ của thế gian không bao giờ diễn tả hết nghĩa lý sâu xa, chỉ có tự thân thực chứng, mới có thể thấy sự vắng lặng nhiệm mầu của pháp. Còn dùng ngôn ngữ để biện giải, hoặc dùng đầu óc lý luận để phân tích thì không đem lại kết quả gì cho sự tu chứng, vì càng phân tích, càng lý luận thì càng sai lầm.

Ngôn ngữ của Thiền vượt ra ngoài ngôn ngữ bình thường của thế gian, vượt ra ngoài ý niệm của con người, nó không có nguyên tắc chung, tùy theo hoàn cảnh, tùy theo căn cơ mà Thiền sư dùng từng thứ ngôn ngữ khác nhau, xem đó như chiếc bè giúp hành giả vượt biển mà thôi.

2. Ngôn ngữ của Thi ca:

Ngôn ngữ của Thi ca là ngôn ngữ của cuộc sống tinh thần, êm đềm như những tiếng ru, trầm thống như những mảnh đời khắc khoải, đôi khi lại bàng bạc mênh mang thể hiện những cuộc viễn mộng kiêu hùng.

Phải dấn thân vào thi ca mới hiểu được ngôn ngữ của Thi ca là gì. Bởi vì nó muôn hình vạn trạng, đổi màu tùy theo làn sóng nắng, mà chỉ có những người đồng cảm mới hiểu nổi.

Ngôn ngữ của Thi ca không phải là ngôn ngữ tả cảnh bình thường, nó có mặt như “ngôn ngữ hiện sinh” để diễn tả những thực trạng của tâm hồn. Một bài thơ, hay một câu ca, là những gì còn sót lại nơi tận cùng sâu thẳm của một con người, là những gì còn đọng lại trong ký ức hay trong tàng thức, để rồi bộc lộ một cách tự nhiên như dấu chân người đi trên cát.

Như J. P. Sartre từng viết :

“Những nhà thơ dừng lại ở chữ, như họa sĩ dừng lại ở màu sắc và nhạc sĩ dừng lại ở âm thanh; như thế không có nghĩa là dưới mắt họ chữ đã mất hết ý nghĩa; thật ra chỉ có ý nghĩa mới có thể cho chữ sự thống nhất ngôn ngữ của chúng; không có ý nghĩa chữ tản mác thành âm thanh hay nét bút. Chỉ có điều là ý nghĩa, cả nó nữa, cũng trở thành tự nhiên; nó chẳng phải là cái đích không bao giờ nắm được và bao giờ cũng được cái siêu việt tính của con người nhắm vào; đó là một đặc tính của từng chữ, cũng tựa như nét biến của mặt, tựa như cái nghĩa nho nhỏ vui buồn của các âm thanh và các màu sắc”.

Thật vậy, ngôn ngữ không phải là chỗ dừng lại cuối cùng của Thi ca, khi bước vào chỗ tận cùng của ngôn ngữ thì nó sẽ chuyển hướng sang một lãnh vực khác, đó là giao cảm của tâm hồn. Con người bao giờ cũng hướng đến “siêu việt tính” và đã mượn tất cả những gì đang có để đi đến đó. Ngôn ngữ trong Thi ca thể hiện một cách chân thật, không đắn đo do dự khi nói lên những thực cảnh của cuộc đời và thực trạng của tâm hồn.

J. P. Sartre lại viết :

“Thi ca là một thứ ngôn ngữ được sử dụng như một dụng cụ tìm kiếm chân lý”.

Nhà thơ hướng đến những gì rất thật của cuộc đời, nhưng mỗi người có một lăng kính nên Thi ca thật quá nhiều hình dạng. Tùy theo từng góc cạnh nhìn nhận cuộc đời mà ngôn ngữ Thi ca được phô diễn bằng một màu sắc khác nhau. Vũ Hoàng Chương nhìn đời trong “Say”, Hàn Mặc Tử nhìn đời trong “Điên”, họ chỉ nhìn thấy một cảnh của cuộc đời, chỉ thấy cuộc đời là đau khổ. Đúng, cuộc đời là đau khổ, là thiên lưu, nhưng cuộc đời không phải là những gì tuyệt vọng, cho nên Thi ca cũng là một lối thoát của cuộc đời, từ Thi ca có thể mở ra một lối sống lành mạnh hơn để nuôi dưỡng những mảnh đời điên dại, xoa dịu những vết thương đã chất chứa bao ngày. Từ đó, Thi ca vút lên ngàn không diệu vợi, mênh mang giữa đất trời, để mà “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên”.

Thi ca cũng là duyên sinh như muôn vàn pháp khác, nên Thi ca cũng mờ mờ ảo ảo, có có không không như bản thể của đất trời.

Trong Thi ca, trăng không còn là trăng, nước không còn là nước và hiện hữu cũng không còn là hiện hữu. Vì trong Thi ca “Lô sơn chân diện mục” đã được bày tỏ. Và để cho trang trắng nợ đời. Lý Bạch đã ôm trăng mà chết, nhưng bao giờ mới ôm được trăng đây ?

Thi ca có thể là những tiếng cười của thi sĩ, những tiếng cười trong thống ẩm cuồng ca, tiếng cười trong ánh trăng khổ nhục của Lý Bạch, và cũng có thể là tiếng cười trong đêm dài lạnh giá để thể hiện ý chí trầm hùng” Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư” của Không Lộ Thiền Sư. Đứng một mình trên đỉnh cô phong bạt ngàn sương gió, mỉm cười trong lẽ sống, chết, thịnh, suy.

Thi nhân thật cô đơn, nên Thi ca cũng cô đơn như người sinh ra nó.

“Sầu cô quạnh tung trời lên Bắc đẩu

Dải ngân hà tan tác bụi thu bay”

Những hùng tâm tráng chí bao giờ cũng cô đơn, muốn đạp tung trời để mở ra một cái gì thật mới. Vì thấy rằng dải ngân hà đã vàng úa trong bụi thu mờ, chẳng còn gì để luyến tiếc hay bi quan, ý chí thật siêu phàm trác tuyệt.

Nhưng trong Thi ca nhiều khi còm đượm những buồn man mác bởi vì

Ai đem xáo trộn sầu kim cổ ?

Trăng nước Đà Giang mộng Liêu Trai

Vũ Hoàng Chương đã lạc vào nẻo say của cuộc đời hư thực, đâu là bến Tầm Dương, đâu là lầu Hoàng Hạc để cho khách phong trần dừng chân khi mỏi gối, càng ngây ngất trong ý thơ, càng lạc lối trong mộng liêu trai.

Thi ca là những nỗi lòng hoài mộ gót phiêu du, trải qua bao năm tháng lang thang trong giấc mộng hải hồ, một hôm trở về nhìn lại đỉnh Hương Lô, tất cả tâm sự đều thể hiện qua thơ, trong đó chất chứa những hoài niệm đã xa tít mù khơi. Hoài niệm không phải là chân lý, không phải là thật có, nhưng nó đang hiện hữu và được bộc lộc thành thơ, một bức tranh thủy mặc vẽ bằng mây, nhưng nó vẫn đẹp như sông hồ diễm ảo. Thi ca là vậy đó, cho nên ai không phải là thi nhân thì đừng bao giờ đụng đến thơ, và đừng bao giờ nói chuyện với thi nhân, vì trong hai người sẽ có một người tỉnh và một người điên.

Thơ có thể là đóa hoa mà thi nhân cài lên áo, nhưng thơ cũng có thể là phế phẩm của thi nhân, nhưng nó là tất cả những gì của thi nhân. Vì qua thi ca thể hiện những quan điểm nhìn đời, phong cách sống và những điều suy nghiệm khi nhìn lại bản thân mình.

Thi ca là những bước chân mềm mại, đã đi vào đời người, "như từng viên đá cuội, rớt vào lòng biển khơi". Thi ca là những nỗi niềm tâm sự của một đoạn đời, là những viên đá cuội ngàn năm phủ rêu xanh nhưng vẫn còn khắc lại tên người...

Thi ca là thiên đường mộng ảo của thuở ban sơ, chỉ vì một chút trần tâm vọng niệm mà bắt Thi ca phải “Xa vời mây nước, lá vàng trôi”, Thi ca phải uốn mình theo dòng chảy của cuộc đời. Nhưng dù sao đi nữa, Thi ca có chìm đắm trong “đọa đày viễn mộng”, hay Thi ca có bạc màu như “tường rêu lữ thứ” Thi ca vẫn là Thi ca, vẫn là những gì rất thật của tâm hồn.

3. Sự liên hệ giữa Thi ca và Thiền học:

Thi ca là những đóa hoa tô điểm cuộc đời, dù vàng úa hay xanh tươi, dù tỏa hương phô sắc hay ẩn mình trong gai góc, vẫn có một giá trị riêng của nó mà không một ai có thể phủ nhận. Thi ca muôn màu muôn vẻ, biến ảo như ráng mây chiều, nhưng khi Thi ca bắt gặp nhịp thở của Thiên thì bỗng nhiên trở thành cao thượng và phóng khoáng.

Cũng như Thiền học, Thi ca là những gì đã “lịch nghiệm kỳ cùng cuộc lữ” từ đó mới nhận chân được sự thật của cuộc đời. Và không ngần ngại khi buông thả tất cả vào chân không tĩnh lặng.

“Em về đi giữa hằng sa

Giữa vô biên cõi một tòa Như Lai”

                                 Tuệ Nguyên

Đến đây, Thi ca đã bước vào cõi uyên nguyên, sắc trời giờ đây chỉ còn một màu bàng bạc giữa vô biên mà không còn phân biệt.

Thiền sư và Thi sĩ, không chung hướng nhưng đã bước một đường, cả hai đều gặp nhau trên nẻo đường sanh tử, cả hai đều đã gặp những đợt sóng gầm thét hãi hùng, nhưng ai là người ngã quỵ và ai là người đứng dậy? Ai là người ngồi lại bên biển đời chao đảo để làm thơ, và ai là người dũng mãnh bước đi trên những ngọn ba dào?

Tất cả các triết gia và các nhà tư tưởng thường suy tư về thân phận con người và thấy nó thật là ngắn ngủi. Con người có cái nhìn giới hạn trong sự sống chết, nên họ cố hướng đến một cái gì vĩnh cửu, nhưng đó chỉ là giấc mộng, ước mơ mà không bao giờ trở thành hiện thực. Chỉ có một sự hiển nhiên là bản tính vô thường của vạn pháp. Bởi vậy, thơ Thiền thật là phóng khoáng.

“Y cẩu phù vân biến thái đa

Du du đô phó mộng Nam Kha

Sương dung tẩy hạ hà phương trạm

Phong sắc xuân lai mai dĩ hoa".

Cuộc đời như đám phù vân luôn luôn thay hình đổi dạng, có nhưng không phải là thực có, nó không tự sinh ra và cũng không bao giờ hoại diệt, chỉ biến đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác. Nếu ai ôm mãi đám phù vân bồng bềnh sinh tử thì sẽ khổ lụy triền miên. Công danh phú quý như giấc mộng Nam Kha, bao nhiêu mơ ước của một đời người, dãi dầu mưa gió trong con đường gấm lụa, đâu biết rằng tất cả đều như bèo dạt mây trôi, một mai chợt tỉnh kiếp mơ màng lại thấy năm tháng mang theo vạn hộc sầu. Nhưng không phải đi vào tuyệt lộ, bởi vì sương vừa tắm hạ sen đang nụ, gió kịp vời xuân mai nở hoa. Giấc mộng tàn để bình minh ló dạng, sương đêm tan để điểm thắm sen hồng. Thơ Thiền đã thoát ra khỏi màn đen u tối, sưởi ấm ngọn đông phong để hoa mai hé nụ giữa cuộc đời.

 Nhìn năm tháng xoay vần, ý niệm về thời gian đã đè nén lên tâm hồn thi sĩ để nuối tiếc những mùa hạ êm đềm, những mùa thu kỷ niệm, để ép nốt dòng dư lệ, nhỏ xuống thành thơ... Trăng đã bao lần tròn rồi lại khuyết, như Vũ Hoàng Chương vẫn nhớ mãi Trăng của nhà ai, trăng một phương và nhớ mãi Mười hai tháng sáu. Thật ra, thời gian là gì mà phải nuối tiếc? Quá khứ làm gì mà phải đau buồn? Tương lai là gì mà vọng tưởng? Hãy sống trong hiện tại mới đúng là đang sống:

“Đản tri kim nhật nguyệt,

Hà thức cựu xuân thu”

Những gì đang hiện hữu trong ta và xung quanh ta là sự hiện hữu nhiệm mầu. Hôm nay cũng có hoa có bướm, có mây trắng bàng bạc, có lá vàng rơi và vẫn còn nhịp thở. Đâu cần phải tìm lại những cánh bướm ngày xưa, đâu cần phải nhặt lại chiếc lá vàng mùa thu ấy, vì cúng sẽ làm cho chúng ta chìm đắm trong dĩ vãng mơ màng. Nên thơ Thiền toát lên từ đời sống an trú trong thực tại.

Cái nhìn của Thiền sư và Thi sĩ đối với ngoại cảnh đôi khi cũng tương tự, nhưng họ chỉ gặp nhau một điểm là thơ rồi lại rẽ hai dòng, trong thi sĩ phong trần còn có những cái nhìn trắc trở. Trên thế gian này, ai cũng đã từng ngắm trăng, nhưng trăng trong cái nhìn của Lý Bạch ẩn chứa những hoài niệm xa vời.

“Cử đầu vọng minh nguyệt

Đê đầu tư cố hương“.

Đối với Lý Bạch, trăng hôm nay vẫn sáng nhưng khác hẳn trăng xưa, ánh trăng ngày xưa là ánh trăng trong hoàng kim diễm lệ, và ánh trăng bây giờ là ánh trăng lưu lạc trong hồn thi sĩ.

Cũng vậy, Thiền sư bây giờ nhìn trăng không phải là trăng, nhìn nước bây giờ không phải là nước... vì tất cả đã hiển bày.

“Nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự

Thủy hữu thu hàm thiên hữu thu”

Trần Nhân Tông

Từ cõi thơ đến cõi mơ, từ cõi thực đến cõi hư chỉ cách nhau một đoạn đường phân biệt, và chỉ có Thiền sư mới có thể xóa hết đoạn đường này, để nắm ánh trăng trong tay mà không hề động niệm. Và hãy nhìn trăng đúng là trăng, thật là oan uổng khi bắt trăng phải xẻ làm đôi. Những ý tưởng điên cuồng đã bắt trăng phải lênh đênh. Sự phân biệt đối với ngoại cảnh sẽ làm cho chúng ta có cái nhìn sai lạc. Một nửa vầng trăng chìm đáy nước, một nửa vầng trăng ở trên không, Vậy trăng nào mới thật là trăng đây? Tất cả đều hiện hữu trong trùng trùng duyên khởi, các pháp hiện hữu trong nhau và hòa nhập vào nhau.

Dù cho thế sự đổi đời, nhưng đối với Thiền sư thì đường trở về đã rõ, nên:

“Ung dung đi giữa đất trời

Đưa tay vỗ đá, đá cười hoát nhiên"

Tuệ Nguyên

Đá cuội ngàn năm vẫn mỉm cười theo bước chân kiêu kỳ của Thiền sư đạp trên sóng cồn sinh tử. Tiếng hài vô chung đã không còn khứ lai, chơn vọng, vì giờ đây tất cả đều nguyên vẹn, mặt nhật không còn bị ý niệm bẻ ra từng mảnh vụn.

Thiền sư và phong trần khách, ai cũng bước vào cõi thơ, ai cũng đi qua những năm tháng chênh vênh, và ai cũng đã từng dừng chân bên quán lạnh đường xa. Chung lối nhưng chẳng chung tình, vì đã có người mang nặng niềm tâm sự :

“Thềm vắng, đêm mưa, buồn da diết

Nghẹn ngào cô quạnh khóc ai đây”.

Tô Đông Pha

Một nỗi sầu man mác rơi xuống trong mưa, hòa tan những giọt lệ đau buồn mong bôi xóa những tâm sự đời người. Nghẹn ngào trong cô quanh, khóc mà chẳng biết mình đang khóc ai! Khóc cho mình hay khóc cho người, hay khóc cho cuộc đời hẩm hiu bạc bẽo?

Chẳng có gì để tiếc nuối hay đau buồn, dù xuân có đến muộn màng vẫn là xuân, Thiền sư ngồi an nhiên nhìn xuân đến rồi xuân lại đi, bởi vì :

“Như kim khám khá đông hoàng diện

Thiền bản đồ hoàn khán trụy hồng"

Trần Nhân Tông

Hôm nay, diện mạo thật của mùa xuân đã hiển bày, nên ngồi trên nệm cỏ nhìn hoa rụng mà chẳng thấy xuân tàn, nhìn lá vàng rơi mà chẳng thấy mùa thu đến. Giữa trưa hè nóng bức hay trong đêm đông dài giá lạnh thì Thiền sư vẫn nhẹ nhàng dạo gót cõi phong trần.

Thiền sư là những nhà thơ siêu việt, là những lãng tử xuất trần. Bởi vì, Tuệ Trung Thượng Sĩ đã tiêu dao Vui Thú Giang Hồ, dù cuộc đời nghiêng ngửa cũng chỉ là cơn gió thoảng qua :

“Tiểu đỉnh trường giang đãng dạng phù

Du dương trạo bát quá thang đầu

Nhất thanh hà xứ tân lai nhạn

Trắc giác thu phong biến thập châu”

Đời người là một chiếc thuyền nhỏ lênh đênh trong sóng cuộc trường giang. Nếu ai buông xuôi sẽ bị những cơn sóng gió của thất tình lục dục nhận chìm trong cảnh đời náo diệt. Đường sanh tử còn dài lắm, tuy đã biết quay đầu nhìn lại, vẫn thấy rằng bến Giác còn xa, nhưng dù đứng trước thác ghềnh vẫn du dương trạo bát. Mái chèo vẫn thảnh thơi đến vô tình, mặc dù đang chèo trong sóng thác mà hành giả đã đến bên bến bờ tự do.

Một tiếng nhạn trời đâu vẳng đến, bất giác thấy ngọn gió thu lành lạnh thổi mênh mông. Cảnh vật sao mà hoang sơ quá! trong thơ như chứa đựng một cái gì man mác nhưng thật là tự nhiên. “Vui thú giang hồ” cũng là vui thú do cõi tử sinh, dù đứng trong thác ghềnh sinh tử nhưng thiền sư thật sự đã đến bờ bên kia. Đây là chất lãng mạn đến cực đỉnh của thơ Thiền.

Trong thi ca và Thiền học, một cánh hoa rơi là một đề tài lớn cho Thiền sư và Thi sĩ, bao nỗi niềm tâm sự của Thi sĩ đã gói trọn trong một cánh hoa rơi để trở thành những vần thơ nghiệt ngã.

Đạm đạm Trường giang thủy,

Du du viễn khách tình,

Lạc hoa tương dữ hận,

Đáo địa nhất vô thanh.

Những mối tâm tình của người viễn khách ngổn ngang như sóng nước Trường Giang, một đời trôi nổi trong giấc mộng hải hồ, Vi Thừa Khánh đâu biết tâm sự cùng ai, để rồi kết thúc như một đoá hoa rụng xuống vô tình. Đó là những gì còn lại sau một đoạn đường phiêu lãng hay sao. Qua đôi mắt của Thiền sư, một cánh hoa rơi cũng chứa chất đạo lý nhiệm mầu:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua sân trước một cành mai. Mùa xuân đâu có đến có đi, hoa cũng không có nở và tàn. Từ vọng thức mà sinh ra vọng niệm, bởi vậy mà chúng ta thấy có xuân đến rồi xuân lại đi, có hoa nở rồi hoa lại tàn.

Thật ra, mùa xuân chưa từng có và mùa xuân cũng là muôn thuở, chưa từng có đóa hoa cũng là tất cả. Vì tâm hoa đã nở nên dù vũ trụ xoay vần cũng không làm ngăn ngại bước tiêu dao.

Vậy đó, Thiền sư và Thi sĩ đều là những người đi tìm cuộc sống cho chính bản thân và tâm hồn mình. Họ gặp nhau trên các thắng cảnh kỳ diệu của Thi ca, nhưng lái ớ vội chia tay vì không cùng hứng thú. Thi sĩ thì chỉ thích cái mờ mờ ảo ảo của màn sương để che phủ cuộc đời, vì chẳng muốn thấy những vết rạn nứt của thế giới đang trên đà hủy diệt.

 Trong Thiền sư có chất Thi nhân, nhưng trong Thi sĩ chưa hẳn đã có chất Thiền. Vì sao? Vì Thiền sư vẫn làm thơ và sống rất là thơ, nhưng trong thơ đã phơi bày bản lai diện mục của các pháp trần sanh diệt, bởi vậy đối với Thiền sư thì Vạn sự đô lô nhập nhãn không. Tất cả đều như bỏ vào thùng không đáy. Nên Ngộ Ấn Thiền Sư trước khi viên tịch có nói bài kệ:

Diệu tánh hư vô bất khả phan

Hư vô tâm ngộ đắc hà nan

Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận

Liên phát lô trung thấm vị cam.

Bản tánh hư vô của vạn pháp như hư không, không thể nắm bắt được. Chỉ có thể lấy cái tâm vô niệm mà giác ngộ thì không còn là khó nữa. Vì như ngọc đốt trên núi vẫn không thay đổi màu sắc, sen nở trong lò vẫn tươi màu. Dây là một hệ thống triết học Tam vi nhất thể của kinh Pháp Hoa, đồng thời là triết lý thực mà vị Thiền sư đã kinh qua và chứng nghiệm.

Đối với Thiền sư, Thi ca là một nhịp cầu nối để đi vào nhân thế, và chính đời sống Thiền đã là một bài thơ bất hủ. Thiền là những dấu chân siêu việt in trên bước đường thoát ly sanh tử.

4. Thiền học trong Thi ca Lý Trần:

Trong Thi ca vốn đã ẩn chứa những gì sâu sắc nhất của tâm hồn, là những trang nhật ký của cuộc du hành trong sinh tử. Thi ca là những lăng kính nhìn đời của tác giả, nhưng khi nhìn đời bằng đôi mắt của Thiền học thì tất cả đều trở nên mầu nhiệm vô cùng, từ đó Thi ca cũng cất cánh bay lên theo tâm hồn rộng lớn của những vị Thiền sư. Thi ca trong Thiền học và Thiền học trong Thi ca, Thơ và Thiền đã hòa quyện vào nhau để trở thành những bản nhạc còn vang muôn thuở. Khác hẳn với khúc Tiêu tương dạ vũ, Tuệ Trung Thượng Sĩ “xăm xăm một mạch đi vào đời mà không ngại ngùng e sợ”. Thơ Thiền phóng khoáng bởi vì Thiền sư sống đời sống vô ngại.

Thời đại Lý - Trần là thời cực thịnh của Thiền học Việt Nam, thời đại này xuất hiện nhiều vị Thiền sư nổi tiếng như Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông, Mãn Giác Thiền Sư, Không Lộ Thiền Sư, Huyền Quang, Pháp Loa... các Thiền sư đồng thời là những nhà thơ. Cho đến bây giờ vẫn chưa có một giai đoạn nào văn học được nổi bật hơn thời Lý- Trần.

Thơ và Thiền đã hòa nhập vào nhau tạo nên sự tự tại trong cách sống và phóng khoáng trong lối sáng tác. Mọi danh lợi quyền tước đều đã bỏ lại sau lưng, những bước đi thênh thang giữa đất trời lồng lộng đa tạo nên khúc Phóng Cuồng Ngâm.

Thiên địa diêu vọng hề hà mang mang

Trượng sách ưu du hề phương ngoại phương,

Hoặc cao cao hề vân chi sơn

Hoặc thâm thâm hề thủy chi dương.

Cơ tắc xan hề hòa la phạn,

Khốn tắc miên hề hà hữu hương

Hứng thời suy hề vô khổng địch,

Tĩnh xứ phần hề giải thoát hương...

Đất trời không giới hạn bước tiêu dao của Thiền sư, vui với non xanh nước biếc khi tâm đã hoàn toàn tĩnh lặng đối với trần cảnh. Khác với những khúc thống ẩm cuồng ca của lữ khách đày đọa kiếp phong trần, Tuệ Trung Thượng Sĩ đã thể hiện cuộc sống giải thoát trong hiện tại, khi đến non cao để hưởng cảnh thanh u tịch mặc, khi về biển rộng để cùng hòa nhịp với sóng cồn hùng tráng, đói thì ăn, mệt thì ngũ. Lúc hứng thì thổi sáo vô âm, khúc nhạc của chính tâm hồn, lúc tĩnh tọa thắp lên nén hương giải thoát.

Quyện tiểu phại hề hoan hỷ địa

Khát bão xuyết hề tiêu dao thang,

Quy sơn tác lân hề mục thủy cổ

Tạ Tam đồng chu hề ca Thương Lang.

Nhọc chút chừ nghỉ đất hoan hỷ. Khát uống no chừ thang tiêu dao.” Sự hoan hỷ mới đúng là thật địa cho mỗi chúng ta nghỉ khi những gánh nặng của cuộc đời đè nén lên tâm thức. Những bước tiêu dao, hóa giải những nỗi khổ nhọc của tâm hồn, sự thực tập Thiền quán nuôi dưỡng con người trong những tháng ngày mệt lử trên đường vạn lý cõi Ta-bà. Ngài Quy Sơn Linh Hựu thường lấy hình ảnh con trâu để hướng dẫn Thiền cho chúng đệ tử, mỗi hành giả là mỗi mục đồng, tâm là con trâu cần được điều phục.

Khi Ngài Quy Sơn Linh Hựu tịch rồi,học trò của Ngài là Đại An nói: “Đại An ở núi Quy ba mươi năm, ăn cơm núi Quy, đại tiện núi Quy, mà không học Thiền núi Quy, chỉ coi chừng con trâu. Nếu nó lạc đường hay vào trong cỏ liền lôi nó lại. Nếu ăn lúa mạ của người, liền đánh đập điều phục nó. Đáng thương đã lâu chịu người rầy rà, hiện giờ nó đổi thành con trâu trắng đứng hiện trước mặt, trọn ngày hiện sờ sờ đuổi cũng chẳng đi”. Tuệ Trung Thượng Sĩ nói cùng với Quy Sơn chăn châu, nghĩa là cùng đi trên Thiền lộ, tuy kẻ trước người sau cách nhau vài thế kỷ vẫn có thể gặp nhau. Cho nên Tuệ Trung Thương Sĩ cũng có thể ngồi chung thuyền với Tạ Tam Lang. Tạ Tam Lang tức là Tông nhất Thiền sư Pháp danh là Sư Bị ở Huyền Sa, thường gọi là Huyền Sa Sư Bị, lúc Ngài tuổi trẻ thường có thú vui câu cá, đến khi phát tâm xuất gia cầu giải thoát, liền bỏ thuyền câu, lên núi tu hành. Về sau ngộ đạo, nổi tiếng là đức hạnh và trí tuệ. Trong những tháng năm du hóa, Ngài thường dạo trên sông Hán Thủy. Nên, Tuệ Trung Thượng Sĩ nói về khúc hát Thương Lang, tức là một khúc hát của ông chài, nhưng lại nói lên thú tiêu dao của những người xuất trần thượng sĩ.

Ngoài ra, Thương lang còn là tên của một đoạn sông Hán Thủy. Những vị Thiền sư đã tiêu dao trên dòng sông sinh tử, và đã cùng nhau hát khúc thương lang, sống thanh thản trên những đợt sóng ngầm của cuộc đời.

Đốt đốt phù vân hề phú quý,

Hô hô quá khích hề niên quang

Hồ vi hề quan đồ hiểm trở

Phả nại hề thế thái viên lương.

Thâm tắc lệ hề thiển tắc yết,

Dụng tắc hành  hề, xả tắc tàng.

Phóng tứ đại hề mạc bả tróc,

Liễu nhất sinh hề hưu bôn mang

Thích ngã nguyện hề đắc ngã sở,

Sinh tử tương bức hề ư ngã hà phương.

Phú quý chỉ là đám phù vân, tháng năm như bóng ngựa qua cửa sổ. Tất cả đều theo một quy luật ngàn đời không hề thay đổi, đó là sinh thành dị diệt, tất cả có tụ rồi sẽ tán, có thành rồi sẽ hoại.

Biết rõ điều đó, Thiền sư không còn bận tâm đối với thế sự. Con người cứ mãi mê lặn hụp trong sự tranh giành hơn thua danh lợi, không biết rằng cuộc đời vô thường, ba vạn sáu ngàn ngày là mấy mà phải đồ vương định bá để gây đau khổ cho chính bản thân mình và những người xung quanh. Đường danh lợi là con đường tủi nhục.

“Đi càn chừ, đường quan hiểm trở

Chịu sao chừ ấm lạnh tình đời”

 Thật gian truân cho những người còn vướng vòng danh lợi, càng đi càng nguy hiểm, càng đi càng đau khổ.

Trong sự tranh danh đoạt lợi, con người không từ chối một thủ đoạn nào, không bỏ qua một tội ác nào, và quên đi tất cả những đạo lý mà Thánh Hiền đã nói. Bởi vậy, mà Vương Duy, một vị quan thời thịnh Đường, đỗ tiến sĩ và làm quan đến chức Thượng Thư Hữu Thừa cũng than rằng:

“Chước tửu dữ quân, quân tự khoan,

Nhân tình phiên phúc tợ ba lan,

Bạch thủ tương tri do án kiếm

Chu môn tiên đạt tiếu đàn quan”...

Vương Duy rót rượu cho bạn và khuyên bạn đừng buồn, lòng người như sóng nước mà thôi. Nhân tình thế thái là vậy, lòng người thay trắng đổi đen là chuyện thường tình, người bạn tâm giao đã bổ kiếm vào đầu nhau chỉ vì một chút danh lợi. Tương tự như vậy, Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng đã cảm thấy ngao ngán tình đời, nên đã sớm từ bỏ con đường hoa gấm để tiêu dao ngày tháng với sông nước hải hồ. Nhưng không phải bi quan, Tuệ Trung Thượng Sĩ vẫn có một lối nhập thế, đó là tùy duyên hóa độ. “Sâu thì xắn, cạn thì vén. Cần thì làm, không thì ẩn”. Tư tưởng thật khoan dung phóng khoáng, cứ mặc cho lòng người đen bạc, cứ tùy thời mà xử thế, không nên có thành kiến hoặc câu chấp.

Buông bốn đại, không cần nắm bắt,

Tỉnh một đời, dừng bước bôn ba.

Người đời đau khổ vì sự lụi tàn của tứ đại, cũng như sự mất mát của những gì họ cho là ngã sở. Bởi chấp vào thân nên mới khổ vì thân, chấp vào ngã nên phiền não không cùng. Nên khi buông bỏ sự chấp trước vào tứ đại, thì tâm không còn lưu luyến với sự còn, mất, vui, buồn... Dù sống trong cuộc đời xuôi ngược nhưng vẫn tỉnh táo vì Thiền sư đã đứng lên trên cuộc đời.

Thỏa nguyện ta chừ vui sở thích

Sống chết bây giờ có ngại chi

Sống giữa cõi Ta-bà mấy ai được sở nguyện, chỉ có những vị Thiền sư, đến vì bản nguyện và đi trong bản nguyện, cho nên trong lúc hành hóa cũng là vui thú dạo chơi trong cõi đời ô trược nhưng không vướng bụi hồng. Sống an vui giữa trời cao biển rộng, ra vào ba cõi nhẹ nhàng tợ mây trôi. Thượng Sĩ đã làm chủ được sự sống và chết, nẻo đi về đã mở rộng thênh thang.

Bên bước tiêu dao ngạo nghễ giữa cuộc thăng trầm của Tuệ Trung Thượng Sĩ, còn có Trần Nhân Tông trầm tĩnh thanh cao. Ngài là vị Tổ Sư khai sáng dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, hiệu là Giác Hoàng Điều Ngự. Ngài là con đầu của Trần Thánh Tông, lên ngôi năm 1279, niên hiệu là Thiệu Bảo.

Đối với thế gian, Ngài là một vị vua tài ba, đã cùng cha (Hoàng Thượng Trần Thánh Tông) lãnh đạo triều đình đề giữ gìn đất nước trong những cuộc xâm lăng của quân Nguyên và đã giành những chiến công lừng lẫy làm rạng rỡ đất Đại Việt.

Là người nổi tiếng khoan hòa nhân ái nên được mọi người kính phục và mến mộ. Đối với sự nghiệp văn hóa, Trần Nhân Tông là một nhà thơ xuất sắc có phong cách riêng, là vị Tổ sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm.

Từ sự hành Thiền sâu sắc đi đến sự phóng khoáng trong đời sống tâm linh, và tiếp xúc với thế sự bằng tinh thần lạc quan, điều này đã giúp Trần Nhân Tông trở thành một nhà nghệ sĩ đồng thời là một Thiền sư sống tự tại thảnh thơi. Thơ của Trần Nhân Tông vừa mang tính cách của một học giả uyên bác, vừa mang tính dân dã. Cho nên, thơ của Trần Nhân Tông dễ đi vào cảm xúc của lòng người. Bài “Nguyệt” của Trần Nhân Tông nói lên tính lãng mạn trong thơ.

Bán song đăng ảnh mãn sàng thư,

Lộ trích thu đình dạ khí hư,

Thụy khởi châm thanh vô mích xứ,

Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ.

Dịch:

Đèn song chếch bóng, sách đầy giường,

Đêm vắng, sân thu lác đác sương,

Thức dậy tiếng chày đâu chẳng biết,

Trên cành hoa quế, nguyệt lồng sương.

Đêm đã về khuya, người nghệ sĩ thường có những cảm hứng thi ca, ngồi bên ngọn đèn chếch bóng, thả hồn theo ánh trăng trong sân thu lác đác sương. Phải có một tâm hồn hết sức thư thái mới có thể có được trạng thái này. Mặc dù ở trong thế gian, hằng ngày lo việc quốc gia, nhưng bây giờ hãy gác thế sự lại một bên để thưởng thức cảnh thái bình trong đêm thu thanh vắng. Vẳng nghe tiếng chày đồng vọng quê hương, không phải là tiếng chày như tất cả những tiếng chày bình thường mà là tiếng chày tự trong tâm thức. Trong đêm khuya mới có dịp tiếp xúc thực sự với quê hương, thấy quê hương sao mà gần gũi quá, và chính quê hương mới là nhịp sống của mỗi con người. Làm sao quên được chùm hoa quế thơm ngát đầu vườn với mảnh trăng non mới mọc, một hình ảnh thật nên thơ.

Như tất cả các nhà thơ, Trần Nhân Tông cũng có những hoài niệm xa xôi qua Thiên Trường Vãn Vọng. Ngay từ đề thơ đã tạo cho chúng ta một cảm giác thật là thơ. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, phủ Thiên Trường đời nhà Lý là phủ Hải Thanh, đến đời Trần Thánh Tông mới đổi là Thiên Trường, đây là nơi phát tích họ Trần, Nhà Trần khi lập được ngôi vua, có xây hành cung ở đó và hàng năm về thăm để tỏ ý không quên nguồn gốc. Cũng trong một dịp về quê, Trần Nhân Tông đã đứng ngắm nhìn quê hương trong khói lam chiều.

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,

Bán vô bán hữu tịch dương biên,

Mục đồng địch lý quy ngưu tận

Bạch lộ song song phi hạ điền.

Dịch:

Xóm trước thôn sau tựa khói lồng

Bóng chiều như có lại như không,

Mục đồng thổi sáo, trâu về hết,

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.

Quang cảnh quê hương mờ ảo trong sương tạo cho lòng người biết bao cảm xúc, vãn vọng những nỗi hoài cổ của thời cha ông gây dựng cơ đồ. Cảnh vật như bức tranh thủy mặc đã khơi cho tác giả những cảm hứng vô cùng sâu đậm đối với tình cảm quê hương. Tất cả nửa như có, nửa như không, ẩn hiện trong không gian chìm lắng. Điều đó đã diễn tả một tâm hồn tĩnh lặng đối với không gian và thời gian, nếu một tâm hồn xao động theo thế sự thì không bao giờ có những cảm hứng đối với cảnh vật xung quanh, dù đó là một cảnh thật thơ mộng. Ở đây, tác giả đã gạt bỏ những nỗi buồn vui nhân thế để hòa mình vào sự cô tịch thanh u của hiện tại. Hoàng hôn buông xuống theo tiếng sáo mục đồng, từng đôi cò trắng xuống đồng tìm nơi ẩn trú, vạn vật như trở về chốn cũ để lại sự yên tĩnh cho ánh tà dương còn đọng lại trên miền hoang dã. Thơ và Thiền đã gặp nhau trên tâm hồn thanh thoát và tĩnh lặng.

Thơ của Trần Nhân Tông thể hiện tính cách của một Thiền sư hơn là một vị vua hay là một nhà chính trị. Từ khi còn ở ngôi vua, Trần Nhân Tông đã có những bài thơ nói lên đời sống hướng đến tâm linh nhiều hơn nói về thế sự.

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,

Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi,

Khách lai bất vấn nhân gian sự,

Chỉ bạng lan can khán thúy vi.

Dịch:

Chim nhởn nhơ kêu liễu trổ dày,

Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay,

Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,

Cùng tựa lan can nhìn núi mây.

Xuân trong thơ của Trần Nhân Tông không khác gì xuân trong cửa Thiền. Tinh thần nhập thế của Trần Nhân Tông được thể hiện qua bài Cư Trần Lạc Đạo Phú bằng chữ Nôm, tuy ở giữa chốn hồng trần nhưng tâm không dính bụi, ngồi trong phồn hoa phố thị mà vẫn bình thản như nhiên:

“Mình ở thành thị,

Nết dụng sơn lâm,

Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính,

Nửa ngày rồi tự tại thân tâm.

Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý,

Thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm,

Chơi nước biếc, ẩn non xanh, nhân gian có nhiều người đắc ý,

Biết đào hồng, hay liễu lục, thiên hạ năng mấy chủ tri âm.

Nguyệt bạc vừng xanh, soi một chỗ Thiền hà lai láng,

Liễu mềm hoa tốt, ngất quần sinh tuệ nhật sâm lâm.”...

Tâm an nhiên không còn bị vướng mắc trong xa hoa phú quý, ngồi tự tại nghe yến hót oanh ngâm. Tiêu dao với nước biếc non xanh, thấy sự hiện hữu nhiệm mầu, sáng bừng tuệ nhật.

Thơ của Trần Nhân Tông mang đậm hương vị của Thiền, những năm chưa xuất gia, Ngài đã là một người am tường về Thiền học, nên những khi hành quân gìn giữ non sông, Ngài vẫn thể hiện tính trầm tĩnh của một Thiền giả. Khi xuất gia hành đạo, Trần Nhân Tông đã du hóa khắp nơi để giảng dạy về Giáo lý cũng như hướng dẫn mọi người thực tập Thiền quán, cuối cùng Ngài dừng chân ở Trúc Lâm Yên Tử và trở thành vị Tổ thứ nhất của dòng Thiền Trúc Lâm. Sau khi Trần Nhân Tông thị tịch, Thiền sư Pháp Loa đã kế nghiệp Ngài, làm vị Tổ thứ hai của dòng Thiền Trúc Lâm.

Thiền sư Pháp Loa là người uyên thâm Thiền học, đồng thời có tài tổ chức các hoạt động Phật giáo thời bấy giờ, Ngài đã có công khai sáng viện Quỳnh Lâm và tu sửa nhiều tu viện khác. Ngài thường được vua Trần Anh Tông mời giảng kinh Pháp Hoa, kinh Viên Giác, Tuyết Đậu Ngữ Lục, Đại Tuệ Ngữ Lục và Thượng Sĩ Ngữ Lục của Tuệ Trung Thượng Sĩ và Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục của Trần Nhân Tông. Ngài ít sáng tác thơ, nhưng hiện giờ vẫn còn ba bài: Nhập tục luyến thanh sơn, Thị tịch và bài Tán Tuệ Trung Thượng Sĩ, tất cả các thơ và văn của Ngài chủ yếu nói về Thiền học. Khi Ngài thị tịch đã để lại bài kệ:

Vạn duyên tuyệt đoạn nhất thân nhàn,

Tứ thập niên dư vọng ảo gian,

Trân trọng chư nhân hưu tá vấn,

Ná biên phong nguyệt cánh hoàn khoan.

Dịch:

Một thân nhàn nhã dứt muôn duyên,

Hơn bốn mươi năm những hão huyền,

Nhắn bảo các người đừng gạn gỏi,

Bên kia trăng gió rộng vô biên.

Sợi tơ vương vấn trong lao tù chấp ngã giờ đây đã cắt đứt, đi-về trong ba cõi đâu còn ngăn ngại. Thiền sư đã thể nhập đạo lý mầu nhiệm của sự sống, Ngài đã dạy các đệ tử của mình rằng hãy sống và tiếp xúc với thực tại chứ đừng bao giờ đặt những nghi vấn về sự mất còn, suy thịnh... Vũ trụ sẵn sàng đón nhận chúng ta, và chúng ta sẽ có những bước thảnh thơi nếu tất cả những mối nghi ngờ đều lắng xuống. Đất trời lồng lộng là nhà, ba cõi là quê hương và tất cả chúng sanh là bằng hữu, tất cả các pháp là trò ảo hóa, có gì để vướng mắc và khổ lụy.

Thời đại Lý Trần là thời hoàng kim của văn học Việt Nam và xuất hiện nhiều cao nhân trong Thiền uyển. Bởi vậy, văn học Lý Trần khác xa văn thơ đời Nhà Đường. Văn đời Lý Trần là lối văn biền ngẫu, lãng mạn nhưng rất oai hùng và mang đậm màu sắc của Thiền học. Nền văn học Lý Trần là nền văn học mới vùng lên từ ách nô lệ, cho nên mang đủ khí phách của những tâm hồn hùng tráng, đồng thời Thiền học là yếu tố quan trọng để nền văn học đó cất cánh bay cao, vượt lên trên những lối lãng mạn của khách phong trần thế tục đời Đường. Lý Bạch tài ba, sống lãng mạn bất cần thế sự, lãng mạn đến độ ngông cuồng, cái lãng mạn đó chỉ đủ can đảm để lao mình ôm trăng và quên đi những nỗi buồn thống khổ. Trăng trong thơ của Lý Bạch nói riêng và Trăng trong thơ Đường nói chung là một màu trăng ảm đạm, là ánh trăng phủ kín sương mờ, Trăng đẹp, nhưng Trăng đắm chìm trong hoài cổ, Trăng khát vọng mơ hồ. Ngược lại, Trăng trong thơ của Trần Nhân Tông là Trăng vô sự chiếu người vô sự. Trăng trong thơ Lý-Trần là ánh trăng Lăng Già chiếu thuyền Bát Nhã.

Tất cả đều gác lại sau lưng để mở ra một bầu trời tự tại.           

(nguồn: TSNCPH Phật giáo Huế)

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay