TỪ VÔ NHẤT VẬT ĐẾN VÔ SỞ TRỤ
Đại Lãn
Là một vị Tông sư nhưng Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đã sản sinh ra hai người đồ đệ mang hai khuynh hướng Thiền Tiệm và Đốn nghịch nhau trên mặt hành trì tu tập; nhưng trong pháp tu thường ngày Ngài dạy cho các đệ tử xuất gia cũng như tại gia của mình tu tập theo Kinh Kim Cương. Nếu chúng ta căn cứ vào nội dung tư tưởng ý nghĩa của bộ kinh này thì, rõ ràng là nó mang đậm Không lý Tánh không của pháp tu đốn giáo chứ không thể là của Tiệm giáo được? Hơn nữa nội dung tư tưởng Kinh Kim Cương như chúng ta thấy chúng rất phù hợp với phương pháp an tâm của Sơ Tổ thứ nhất Thiền Trung Hoa là Bồ-đề Đạt-ma qua công án hỏi đáp giữa Tổ và ngài Thần Quang Tổ thứ hai thuộc truyền thống này thì, một hôm Thần Quang đến hỏi Bồ-đề Đạt-ma:
“Tâm con chưa an, xin Thầy an cho!”
Sư bảo rằng:
“Đem tâm lại đây ta an cho!”
Thần Quang thưa:
“Tìm tâm không thể được!”
Sư đáp:
“Ta đã an tâm cho ngươi rồi.”[1]
Đó chính là mẫu đối thoại giữa Thầy trò Bồ-đề Đạt-ma nói lên rõ tư tưởng an tâm không khác gì với phương pháp trụ tâm và hàng phục kỳ tâm của hành giả khi tu tập theo kinh Kim Cương qua: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm.” Mặt khác, khi phó chúc cho Thần Quang-Huệ Khả thì Tổ lại đem Kinh Lăng Già 4 quyển để phó chúc làm tâm địa của Như lai để khai thị ngộ nhập độ thoát chúng sanh? Vì bản thân của hai bản kinh Kim Cương và Lăng Già chúng chỉ phù hợp với những căn cơ phù hợp vào thuộc tính của chúng không thôi, nếu chúng ta phối hợp hai bản kinh này lại để cho cùng một căn cơ thì tự chúng mâu thuẫn tương phản nhau trên mặt sự tướng giữa không và hữu (việc này Truyền Đăng lục cũng chỉ y cứ vào Tuyên Luật sư tục Cao Tăng truyện ghi lại thôi, vì vậy theo chúng tôi, chúng ta nên xét lại, chúng có sự nhầm lẫn nào chăng?). Nhưng trên thực tế thì Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn lại làm việc này: Vừa cho chúng tại gia cũng như xuất gia tu tập kinh Kim Cương đại diện cho Không lý vừa lại sản sanh ra một Thần Tú lại đang ngộ giải lý Thiền thật Hữu qua câu kệ mà Thần Tú đã trình chỗ sở ngộ của mình lên sư phụ nhân cuộc tuyển chọn vị tuyền thừa Tổ sư đời thứ sáu. (Nhưng theo Tổ rõ ràng Đại sư Thần Tú chưa đạt được chỗ rốt ráo của nó và, chính Sư bắt Thần Tú phải làm lại bài kệ khác! Theo Kinh Pháp Bảo Đàn đã ghi lại như vậy trong Phẩm Hành Do.) Vậy thì Thần Tú đã học được những gì nơi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, trong khi tự thân Thần Tú vẫn chưa biết chính mình có vượt cách được hay không, trước khi quyết định viết lên vách Nam lang bài kệ này?
“身 是 菩 提 樹
心 如 明 鏡 臺
時 時 勤 拂 拭
物 史 惹 塵 埃。[2]”
Phiên âm:
“Thận thị Bồ-đề thọ,
Tâm như minh kính đài;
Thời thời cần phất thức,
Vật sử nhạ trần ai.”
Dịch nghĩa:
Thân là cây Bồ đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn luôn siêng lau chùi
Chớ để bụi nhơ bám.
Rõ ràng Thần Tú không nắm bắt được tư tưởng của Thầy mình khi bảo Thần Tú làm lại bài kệ khác, nếu vượt cách thì sẽ trao lại ngôi vị Tổ sư đời Thứ sáu cho! Và Ngài đã truyền dạy như thế nào để phải bắt người đệ tử thượng thũ của mình viết ra một bài kệ theo Thiền lý của Thiền tông thì mới được công nhận là vượt cách? Hay theo Pháp Bảo Đàn kinh nói như vậy có quá đi chăng?! Ngay đến một người bửa củi, đạp chày giã gạo, gánh nước nhà sau còn nhìn ra được việc không vượt cách của người cao đồ này huống chi là bậc tông sư Ngũ Tổ!? Việc Ngũ Tổ bắt Thần Túy làm lại bài kệ khác, phải chăng Người muốn dành cho người bửa củi giã gạo có cơ hội thì giờ để thể hiện tánh vượt cách của Ông ta qua việc trắc nghiệm này? Nếu thật sự đúng như vậy thì cả hai đều được lợi lạc. Một bên thì đã tìm ra được người truyền thừa mạng mạch tông sư, đàng khác người bửa củi giã gạo có cơ hội hơp pháp để thực hiện tính vượt cách của mình qua bài kệ này:
“菩 提 本 無 樹
明 鏡 亦 非 臺
本 來 無 一 物
何 處 惹 塵 埃。[3]”
Phiên âm:
“Bồ-đề bổn vô thọ
Minh kính diệc phi đài;
Bản lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai?”
Dịch nghĩa:
Bồ đề vốn không cây
Gương sáng cũng không đài
Xưa nay không một vật
Nơi nào bụi bám đây!?
Từ sự mâu thuãn giữa hai người học trò trên mặt sự tướng, đã nói lên được tính cách của một bậc Thầy. Và cũng từ đây chúng ta truy nguyên đến vị Sơ Tổ Thiền tông Trung Hoa là Bồ-đề Đạt-ma, chúng không khác gì nhau trên mặt sự tướng trong một con người mang hai phạm trù Thực Hữu – không Thực hữu: Bồ-đề Đạt-ma truyền tâm ấn an tâm cho Nhị Tổ qua “không Thực Hữu” nhưng lại phó pháp qua kinh Lăng Già Thực Hữu (hệ thống Duy thức học thuộc Pháp tướng tông), và Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn tuy trong thực hành theo kinh “không Thực hữu” (Kim Cương kinh) dạy chúng tu tập, nhưng trong học pháp lại dạy Thiền “Thực Hữu” cho cao đồ của mình là Thần Tú! Ở đây chúng ta thấy Ngũ Tổ vẫn trung thành trong việc phó chúc truyền pháp lại cho học chúng hậu lai qua kinh Lăng Già, nhưng vẫn trung thành truyền tâm ấn qua không lý Trung đạo, không thực hữu của kinh Kim cương cho Lục Tổ Huệ Năng và, cũng từ Lục Tổ trở về sau việc truyền pháp không dùng kinh Lăng già nữa mà lại dùng Kinh Kim Cương cho việc ấn chứng và truyền pháp cho các thế hệ mai sau.
Qua hai bài kệ của ngài Thần Tú và ngài Huệ Năng trong phẩm Hành Do, Pháp Bảo Đàn kinh của Lục Tổ Đại Sư (do đệ tử của ngài ghi lại), cho hành giả chúng ta hai khuynh hướng tư duy nhận thức một cách rõ ràng trong việc hàng phục Tâm mình.
Một đàng thân chúng ta như là cây Bồ-đề và tâm chúng ta như đài gương sáng; hai vật này chúng đang hiện hữu như là thực tại qua đó Đại sư Thần Tú cho rằng thực thể của thân là Bồ-đề, còn thực thể của Tâm chính là đài gương sáng. Hai thực thể này chúng đang hiện hữu; nhưng theo Đại sư vì chúng bị bụi bặm bám vào làm lu mờ đi thể trong sáng của chúng, nên chúng ta cần phải siêng năng lau chùi chúng. Qua hai câu kệ đầu Đại sư Thần Tú đưa ra cái Thể của thân và tâm chúng ta và, hai câu sau Đại sư đưa ra cái Dụng lau chùi bụi bặm để hiển thị cái thể của nó, tức là phương pháp muốn giữ gìn thề của thân và tâm luôn luôn cho được thanh tịnh và trong sáng thì phải siêng năng lau chùi. Tuy bài kệ này ở trong kinh Pháp Bảo Đàn do đệ tử của Đại su Lục Tổ ghi lại, nhưng nội dung ý nghĩa của chúng cũng rất phù hợp với những ghi chép của Thiền sư Khuê Phong-Tông Mât trong Thiền tông tự pháp đồ, (禪 宗 嗣 法 圖) thì:
“Bắc Tông dạy rằng tất cả chúng sanh đều có sẵn tính Bồ-đề, như bản tính của gương là chiếu soi, khi phiền não dấy lên thì gương không còn phản chiếu được, giống như gương bị bụi phủ. Nếu như theo lời sư dạy, khi vọng tưởng được hàng phục và trừ diệt, thì nó không còn sinh khởi. Thế nên tâm đươc sáng suốt như bản tính riêng của nó, không có gì là không thông suốt. Đó cũng như lau gương khi không có bụi dính thì gương chiếu soi, không có gì ngoài chiếu sáng.”[4] Cùng hai thủ bản Đôn Hoàng mà Đại sư Suzuki đã phát hiện ra từ trong thư viện Quôc gia Paris nói về Thiền Bắc tông với nhan đề là: “Bắc Tông Ngũ Đạo Pháp Môn.(北 宗 五 道 法 門)” do các hàng môn đệ của ngài ghi chép lại từ những bài pháp của Thầy họ, nội dung của chúng là:
“1. Thành Phật có nghĩa là giác ngộ, và giác ngộ cốt yếu là không còn khởi vọng tâm.
“2. Tâm an trú tịch tĩnh, các thức đã chuyển hóa thanh tịnh. Trong trạng thái này, cánh cửa tuệ giác tối thượng được khai mở.
“3. Cánh cửa tuệ giác tối thượng này dẫn đến sự chuyển hóa vi diệu của thân và tâm. Tuy nhiên, đây không phải là cảnh giới Niết-bàn tịch diệt của Tiểu thừa, vì tuệ giác tối thượng mà chư Bồ-tát thể chứng là siêu việt hẳn sự phân biệt của các thức.
“4. Sự siêu viêt hẳn tính phân biệt của các thức có nghĩa là tự tại đối với quan niệm nhị nguyên về thâm tâm, trong đó chân tướng các pháp vẫn được duy trì.
“5. Cuối cùng là con đường nhất như dẫn đến pháp giới chân như, không ngăn ngại, không sai biệt. Đây chính là giác ngộ..”[5]
Tuy hai văn bản tài liệu này chúng không đầy đủ lắm, nhưng tỏ ra chúng rất phù hợp với nội dung tư tưởng ý nghĩa của bài kệ của Đại sư Thần Tú trình lên chỗ sở ngộ của mình cho Đại sư Hoằng Nhẫn trong Pháp Bảo Đàn, do đệ tử của Đại sư Huệ Năng ghi lại trong Pháp bảo Đàn kinh. Sự phù hợp này nói lên tính cách xác thực của bài kệ mang đậm nét tư tưởng theo luật tắc nhân quả trong dụng công thực hành qua chế ngự vọng tâm, trừ sạch vọng niệm khiến tâm trở nên trong sáng thanh tịnh qua chuyển hóa, đưa đến pháp giới chân như không còn những bụi bặm của phiền não bất thiện pháp nữa. Cũng theo Thiền sư Khuê Phong-Tông Mật thì phương pháp để đạt được cứu cánh thanh tịnh trong sáng của thể tâm, trước hết phải thấy rõ được thề tâm xưa nay vốn thanh tịnh trong sáng; nhưng vì chúng sanh chạy theo vọng tâm phân biệt chấp trước nên bụi nhơ phiền não làm lu mờ đi cái bản thể trong sáng xưa nay của tâm kia vốn xưa nay như vậy không đổi. Những gì mà Khuê Phong - Tông Mật đã viết về Thiền Bắc tông của Thần Tú đã xác quyết rằng lối Thiền phủi bụi của Thầy và trò Thần Tú là đầu mối dẫn đến lối Thiền tịch tĩnh. Thiền này nhằm làm trong sạch tâm hành giả bằng cách phủi bụi qua định tâm, hay tập trung tâm vào một đối tượng duy nhất, cắt đứt hết mọi ý tưởng tạp niệm từ bên trong tâm ý phát sinh, hay tâm ý duyên các trần cảnh phát sinh làm loạn động tâm, làm vẫy đục tâm, làm lu mờ tâm. Sự định tâm, cắt đứt mọi duyên trần để trụ tâm vào một đối tượng là một hình thức phủi bụi tâm, lau sạch tâm, làm cho tâm thanh tịnh, đó là một hình thức tu tập theo nhân quả của tiệm tu của Thần Tú cùng các môn đệ của Ngài đã và đang thực hiện theo tinh thần Thiền giáo: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phuong hành. Tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo. (諸 惡 莫 作, 眾 善 奉 行。自 淨 其 意, 是 諸 佛 教)” Khi mà tâm hành giả được thanh tịnh rồi thì tự nhiên thế giới nội tâm hiện tiền sáng tỏ và phản ảnh mọi vật ngoại cảnh một cách rõ ràng. Thần Tú và các Thiền sư khác cùng khuynh hướng tịch tĩnh xác đinh rằng tâm chúng ta luôn luôn hiện hữu và lúc nào cũng thừa hưởng một Phật tánh thanh tịnh vắng lặng, trong sáng xưa nay; nhưng trên thực tế những đức tính ấy chúng ta không nhận diện ra được chỉ vì, tập khí vô minh bao phủ quá dày, do những vọng cầu vọng ngoại, chạy theo duyên ngoài làm loạn tưởng tâm trí mờ đi ánh sáng chân tâm. Theo Thần Tú, muốn làm sáng tỏ và nhận ra được tính quang minh thanh tịnh vắng lặng xưa nay vốn sẵn có đó, hành giả chúng ta phải nổ lực, thay vì chúng ta quên nó hay bỏ rơi nó, chúng ta nên quay lại quán chiếu nơi chính nó ở bên trong bằng cách nhờ vào sức định tĩnh tu tập, cắt đứt hết mọi duyên bên ngoài, vì chúng là đầu mối tạo nên mê mờ tâm trí chúng ta, nên phải dứt khoát đoạn trừ và cắt đứt chúng, hướng tâm về một nơi quán chiếu nó trong chánh niệm, để nhận ra bản lai diện mục tính trong sáng thanh tịnh này. Điều này trong giới hạn nào đó, cò thể là theo giá trị nhân quả chúng hoàn toàn tốt cho mọi hành giả trong giá trị kết quả, nhưng nếu đứng về mặc giá trị tuyệt đối dành cho Duyên khởi tánh không thì chúng chưa đạt được rốt ráo. Ngay đến bản thân của Thần tú vẫn chưa thực hiện nốt giá trị nhân quả này khi Thần Tú trình kệ cho Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn qua bài kệ trên, Thần Tú vẫn chưa biết chắc là mình có vượt cách để Thầy mình truyền pháp và truyền lại y bát hay chưa (theo như những gì đã kể lại trong phẩm Hành Do, trong Pháp Bảo Đàn kinh)? Vậy thì làm sao có thể hy vọng để vượt cách được!
Bài kệ của Thần Tú, ở đây chúng ta cứ tạm cho rằng đó là giáo pháp của Thần Tú đi, nhưng trên thực tế đó cũng chỉ là những gì Thần Tú đã học qua Kinh giáo, hay Thiền giáo mà thôi, Người chưa vượt qua được cửa ải của nhân quả thì làm sao có thể lãnh đạo một tông sư được, trong khi những gì Thần Tú nói ra mà chưa biết được chỗ trói buộc (hữu sư, hữu vi) hoặc giải thoát (vô sự, vô vi) của những gì mình đang theo (chỉ cho pháp tiệm giáo), hoặc đang chủ trương thì làm sao có thể đem so sánh với giáo pháp Đốn ngộ Nam Tông của Huệ năng được!?
Từ đó cho chúng ta nhận thức đúng đắn về Đại sư Thần Tú hơn về trình độ ngộ giải và pháp tu của vị cao đồ này là chưa đạt được sự giải thoát rốt ráo. Và cũng vì chưa đạt được chỗ rốt ráo đối với pháp tu của chính mình vẫn còn có chỗ nghi ngờ, nên một hôm Thần Tú phải nhờ đến sự giúp đỡ của một người đệ tử thông minh lanh lợi nhất dưới trướng của mình qua học lén giáo pháp của Huệ năng đang dạy để về nói lại và, từ đó đem ra so sanh mới biết rõ kiến giải của mình và kiến giải của Huệ Năng về Thiền ai thẳng tắp nhanh chóng hơn ai! Trong Pháp Bảo Đàn kinh[6], phẩm Đốn Tiệm thứ 8 có đoạn viết:
“Một ngày kia Đại Sư (Thần Tú) gọi môn đồ là Chí Thành bảo:
“Nhà ngươi là người thông minh nhiều trí, có thể vì ta mà đến Tào Khê nghe pháp, những gì đã nghe được phải hết lòng ghi nhớ về thuật lại cho ta.”
Chí Thành vâng lệnh sang Tào Khê theo chúng nghe pháp, nhưng chẳng nói ra xuất xứ của mình. Khi ấy Tổ Sư bảo chúng rằng:
“Hôm nay, có người nghe trộm pháp đang ẩn núp trong hội này.”
Chí Thành liền bước ra làm lễ, kể rõ tự sự đầu đuôi. Sư nói:
“Nhà ngươi từ Ngọc Tuyền đến, đích thị là một tên dọ thám rồi.”
“Thưa, chẳng phải đâu.”
Sư nói:
“Chẳng phải sao được?”
Thưa rằng:
”Chưa nói ra thì phải, đã nói ra rồi thì chẳng phải.”
Sư hỏi:
“Thầy nhà ngươi dạy chúng như thế nào?”
“Thưa, Thầy thường dạy chúng trụ tâm quán tĩnh, ngồi mãi không không nằm.”
Sư bảo:
“Trụ tâm quán tĩnh là bệnh chẳng phải thiền. Ngồi mãi bó thân, đối lý chả có ích gì?”
Hãy nghe kệ ta:
“Đang sống ngồi không nằm
Chết rồi nằm không ngồi
Một đống đầu xương thối
Làm sao lập công tội. “
Chí Thành lại lạy và thưa:
“Đệ tử ở với Tú Đại Sư, chín năm học đạo mà chưa khế ngộ được, nay nghe Hòa Thượng nói một lần liền khế ngộ bản tâm. Đệ tử vì việc lớn sanh tử, mong Hòa Thượng từ bi chỉ đạy thêm cho.”
Sư bảo:
“Ta nghe nói Thầy của nhà ngươi dạy pháp Giới-Định-Huệ cho mọi người, nhưng ta chưa rõ cái Hành tướng của Giới-Định-Tuệ như thế nào? Nói cho ta nghe coi.”
Thành thưa:
“Tú Đại Sư dạy rằng: Các điều ác không làm là Giới, các điều lành vâng làm là Tuệ, tự sạch tâm ý mình là Định, Ngài dạy như vậy chẳng rõ Hòa Thượng dùng pháp gì để dạy mọi người?”
Sư nói:
“Nếu bảo rằng ta có pháp để trao cho người, thì ra ta nói dối với nhà ngươi, nhưng ta chỉ tùy theo chỗ bị trói buộc mà mở trói, tạm gọi là Tam muội. Theo như những điều dạy của Thầy nhà ngươi về Giới-Định-Tuệ thì thật là bất khả tư nghị, nhưng cái thấy của Ta về Giới-Định-Tuệ lại khác.”
Chí Thành thưa:
“Giới Định Tuệ chỉ có một thứ, sao lại khác được?”
Sư dạy:
“Giới-Định-Tuệ của Thầy nhà ngươi dạy chỉ để tiếp độ người Đại thừa, còn Giới Định Tuệ của ta dạy là để tiếp độ những bậc Tối thượng thừa. Sở dĩ ngộ giải chẳng đồng vì kiến giải có chậm có nhanh. Nhà ngươi nghe ta nói có giống với Thầy nhà ngươi không? Ta nói pháp không rời tự tánh, nếu lìa bản thể mà nói pháp, tức chỉ nói đến hiện tượng, còn tự tánh thì vẫn mê, phải biết rằng tất cả muôn pháp đều tự tánh khởi lên hiện tượng tác dụng, đó là pháp Giới-Định-Tuệ chân thật.”
Hãy nghe bài kệ của ta:
“Tâm địa không tà là Giới tự tánh
Tâm địa không mê là Tuệ tự tánh
Tâm địa không loạn là Định tự tánh
Không thêm không bớt là kim cương
Thân đến hay đi là Tam muội.”
Chí Thành nghe kệ hối lỗi, tạ ơn và trình một bài kệ:
“Năm uẩn là thân huyễn
Huyễn nào có cứu cánh
Quay về với chân như
Pháp lại thành bất tịnh.”
Sư khen phải, lại bảo Chí Thành:
“Giới Định Tuệ của Thầy nhà ngươi để khuyến hóa những người căn cơ thấp, Giới Định Tuệ của Ta dùng để khuyến hóa người căn trí lớn. Nếu ngộ được tự tánh rồi thì Bồ Đề Niết-bàn cũng chẳng cần lập, giải thoát tri kiến cũng chẳng lập, không có một pháp nào có thể nắm bắt được, khi đó mới có thể kiến lập nên vạn pháp. Nếu hiểu được ý này, thì cũng gọi là thân Phật, cũng gọi là Bồ Đề Niết Bàn, cũng gọi là giải thoát tri kiến. Người thấy tánh, lập cũng được, không lập cũng được, đến đi tự do, không vướng không ngại, theo dụng mà làm, theo lời mà đáp, thấy hóa thân khắp cả mọi nơi mà không lìa tự tánh, do đó đạt được thần không du hí tam muội, đó gọi là thấy tánh.”
Chí Thành lại thưa:
”Không lập nghĩa là gì?”
Sư đáp:
“Tự tánh không sai quấy, không u mê, không loạn động, dùng trí tuệ xem xét soi chiếu trong từng niệm một, thường xa lìa mọi hiện tướng, tự do tự tại ngang dọc thông suốt thì cần gì phải lập? Tự tánh tự ngộ, ngộ liền tu liền, không thể từ từ, cho nên không lập bất cứ pháp nào cả. Các pháp vốn tịch diệt làm gì có thứ tự.[7]”
Qua đoạn kinh trích dẫn trên cho hành giả chúng ta hai cái nhìn thật đúng về Đại sư Thần Tú thứ nhất để nói lên cái kiến giải Thiền học bị giới hạn vào nhân quả thật sự chưa vượt qua khỏi cái vượt cách của Thiền Tông để có thể tiếp nối ngôi vị Tổ Sư thứ sáu của Thiền tông Trung hoa vào lúc bấy giờ, vì tự thân Thần Tú còn đang ngờ về Thiền lý chính ông vẫn chưa biết là mình đã vượt qua hay chưa vượt qua để bước vào cửaTổ, khi muốn trình kệ lên, nhưng năm lần bảy lượt không làm được, phải viết vào vách nam lang để nhờ đó mà Đại Sư Hoằng Nhẫn biết được và, sau này, tự thân Thần Tú phải nhờ đệ tử của mình đi nghe pháp Huệ Năng đang dạy người như thế nào, rồi sau đó sẽ tự đem ra so sánh và đánh giá giữa hai chủ trương thiền học của mình và Huệ Năng: Pháp nào trực tiếp chỉ thẳng và nhanh hơn ai trong pháp tu này? Thứ hai, qua đây cho chúng ta thấy rõ sự khác biệt về hành tướng của ba học Giới-Định-Tuệ, mà chính nó là đầu mối để chúng ta có thể khẳng định rằng: “Thời thời cần phát thức, vật sử nhạ trần ai.” và: “ Bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhá trần ai.” là hai phạm trù tư tưởng sai biệt tương phản nhau về tướng và tánh. Tướng là lập cước trên hữu vi pháp để kiến lập pháp tu thuộc về căn cơ hữu lậu, có vật hiện hữu để lau chùi, để phủi bụi; trong khi Tánh lại lập cước trên vô vi pháp mà kiếp lập pháp tu thuộc về vô lậu, không có một vật để lau chùi hay phủi bụi mà phải trực nhập vào pháp tánh tính không mà thể nghiệm; sư sai biệt này dựa vào thuộc tính của căn cơ mà thiết lập, do đó phương pháp đạt đến cứu cánh rốt ráo có mau có chậm như mẫu đối thoại giữa Lục Tổ và sư Chí Thành.
Từ sự sai biệt tương phản giữa hai phạm trù tư tưởng của hai Ngài trong pháp tu và vì vậy, trước hết bài kệ của Đại sư Huệ Năng đưa ra là nhằm phủ định phương pháp Thiền hữu sự như Thiền sư Hà Trạch - Thần Hội[8] cũng một đệ tử xuất sắc của Tổ Huệ năng đã từng đánh giá về tam học của Đại sư Thần Tú là Hữu sự, trong khi tam học của Huệ Năng thì qui về tự tánh vô sự. Tữ Tánh vô sự này chính là Phật tánh thanh tịnh xưa nay của chúng sanh, nếu hành giả chỉ cần hiểu thẳng tâm này thì sẽ thành Phật, như phần mở đầu trong phẩm Hành Do Lục Tổ đã khẳng định như vậy. Việc hàng phục tâm mình của hành giả qua hữu tướng của Thần Tú: Thân là cây Bồ-đề, tâm như đài gương sáng và, dụng của nó qua lúc nào hành giả cũng lau chùi, để không có bụi nhơ bám vào đài gương sáng, sẽ không đưa đến giải thoát rốt ráo, nếu có giá trị đi chăng nữa thì giá trị này chỉ có trên giá trị nhân quả tương đối mà thôi, không thể nào đưa đến giải thoát rốt ráo như định thức duyên khởi tánh không Thiền vô sự được. Ở đây Thần Tú chủ trương có một cái tâm thực hữu, xưa nay nó vốn trong sáng thanh tịnh, nhưng vì chúng sanh vọng động chạy theo ngoại cảnh bên ngoài nên tâm trở thành bị lu mờ, cần phải tu sửa tâm bằng cách lau chùi bụi mờ đang bám vào tâm làm cho nó không còn trong sáng thanh tịnh nữa, nên cần phải luôn luôn biết bản tâm mình và canh chừng tâm ý đừng cho nó mê mờ tăm tối, không còn những đám mây bản ngã che khuất, khiến cho ánh sáng trong sạch thanh tịnh lưu xuất chiếu soi như chính bản tánh của nó xưa nay. Một chủ trương như vậy, ngay đến Thầy của Thần Tú cũng đã từng xác nhận là với những kiến giải như trong bài kệ đó thì Thần Tú chưa bước vào được cửa Tỗ vì Ngài chưa thấy dược tự tánh của chính mình. Và chính tự ngũ Tổ đã xác nhận với người cao đồ của mình nhân đọc được bài kệ này:
“Tổ đã biết Thần Tú nhập môn chưa được vì chẳng thấy tự tánh. Sáng hôm đó, Tổ cho gọi quan Cung Phụng Lô Trân đến viết đồ tướng lên trên vách nam lang, bỗng thấy bài kệ kia, liền bảo: Quan Cung Phụng! Thôi chẳng cần vẽ nữa. Thật là nhọc công cho ông từ xa lại đây, tuy kinh dạy: “Phàm cái gì có tướng đều là hư vọng.” Nhưng, nên để lại bài kệ này cho mọi người trì tụng. Nếu y vào bài kệ này mà tu hành thì khỏi đọa vào đường ác; hoặc y vào kệ này mà tu hành thì sẽ có nhiều lợi ích. Rồi Ngài bảo môn nhân đốt hương lễ kính và bảo mọi người đều tụng bài kệ này thì sẽ được thấy tánh. Môn nhân tụng kệ đều tấm tắc khen hay. Canh ba Tổ gọi Tú vào phòng hỏi: Nhà ngươi đã làm ra bài kệ đó phải không? Tú thưa: Thật, Tú con đã làm ra bài kệ đó. Con chẳng dám vọng cầu Tổ vị, mong Hòa Thượng từ bi xem thấy đệ tử có chút ít trí tuệ nào chăng? Tổ dạy:
- Nhà ngươi làm ra bài kệ này, chưa thấy được bổn tánh, chỉ đến được phía ngoài cửa chứ chưa vào được trong cửa. Theo kiến giải này thì cầu Vô thượng Bồ đề rõ ràng chưa thể nào được. Vô thượng Bồ đề là ngay lời nói ra cần phải biết tự bổn tâm, thấy được bổn tánh không sanh không diệt. Trong bất cứ lúc nào niệm niệm tự thấy tánh, muôn pháp không buộc, một chơn tất cả đều chơn, mọi hiện tượng tự thanh tịnh, tự như như. Tâm như như tức là chân thật. Nếu thấy như vậy, thì đó chính là Vô thượng Bồ đề.[9]”
Qua đoạn trích dẫn trên cho hành giả chúng ta thấy rằng Thần Tú chưa qua được cửa Tổ, chỉ vì chưa thấy được tự tánh. Như Đại sư Hoằng Nhẫn đã ghi nhận, nhưng chỉ vì thể diện của người cao đồ này nên Đại sư mặc dù biết rằng theo kinh Kim Cương đức Đạo sư đã dạy: “Phàm cái gì có tướng mạo đều là hư vọng!” Ngài vẫn bảo mọi người để lại cho để trì tụng, để theo đó tu hành sẽ đạt được nhiều lợi ích và khỏi đọa vào đường ác. Ngũ tổ Hoằng Nhẫn đưa ra câu kinh này có hai ý nghĩa về tư tưởng cũng như hình thức để xác định bài kệ của Thần Tú: Thứ nhất nếu theo Chơn đế (đệ nhất nghĩa đế) thì bài kệ này chưa đạt, thứ hai nếu theo Tục đế thì bài kệ này vẫn mang lại lợi lạc theo giá trị nhân quả và cũng là để an tâm cho vị cao đồ cùng mọi người dù nó thuộc loại hư vọng. Rồi đến cá nhân Thần Tú, ngũ Tổ đã gọi riêng vào phòng của Ngài và xác nhận với kiến giải như vậy thì rõ ràng là chưa thấy được bổn tánh, chưa vào được nhà Tổ, còn đứng bên ngoài cửa mà thôi. Khi cửa nhà Tổ chưa vào được thì đối với việc cầu đạo Vô Thượng Bồ-đề khó mà tiếp cận huống chi là ngay trong cuộc sống, ngay trong lời nói phải biết phải thấy được bổn tâm bổn tánh của chính mình là không sinh không diệt. Người thấy tánh là người lúc nào cũng thấy rõ ràng bản tánh của mình lúc nào cũng hiện hữu ngay trong từng niệm một, ngay trong cùng sát-na một là muôn pháp không buộc, không lệ thuộc nhau trong tự tại. Lúc này là lúc tánh tướng như như, không phải hai cũng không phải khác, một chơn tất cả chơn, tất cả đều ở trong trạng thái thanh tịnh, tự như như. Tâm như như chính là bản tâm chân thật của chúng ta không còn mọi hiện tượng đối đãi nhau ở đây, do đó không sạch không nhơ không sinh không diệt để còn lấy bỏ, phủi bụi hay lau chùi gì hết. Ở đây nếu hành giả thấy như vậy thì đây chính là Vô Thượng Bồ-đề.
Những gì ngũ Tổ đã dạy cho Thần Tú về việc cầu Vô Thượng Bồ-đề của một hành giả thì phải như vậy, chúng ta thấy chúng phù hợp với tinh thần “Bổn lai vô nhất vật(本 來 無 一 物” theo nghĩa không tánh của muôn pháp, nói về pháp tính xưa nay theo nghĩa chơn đế tuyệt đối, chứ không phải theo nghĩa phủ định hữu tướng của duyên khởi hiện hữu có được từ các duyên như kinh Kim Cương đức Đạo sư đã dạy: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng (凡 所 有 皆 是.虛 妄)” trên mặt giả tướng giả danh được thiết lập qua hệ thống nhân quả để phủ định bài kệ của ngài Thầu Tú. Như vậy, ở đây chúng ta có thể hiểu câu kệ : “Bổn lai vô nhất vật .” có hai nghĩa: Thứ nhất, Huệ Năng muốn phủ đinh phương pháp Thiền tiệm ngộ hữu sự: “Thời thời thường phất thức.” và, thứ hai nói lên tất cả các pháp xưa nay đều là tính không: không ngã, không pháp, khộng có bất cứ pháp nào hiện hữu độc lập mà không nhờ duyên để tồn tại và biến dịch. Do đó tướng hiện hữu có được là tướng như huyễn, giả tạm, giả danh; còn tánh chúng cũng vì vậy mà gọi là Tánh Không.
Nhưng theo bài kệ này mục đích chính của Lục tổ Huệ Năng là muốn phủ định đi tính thực hữu có được của ngài Thần Tú theo bài kệ mà Thần Tú đã làm ra, nhân Ngũ tổ kêu gọi môn nhơn làm kệ trình lên để từ đó Ngài trao lại Tổ vị cho người được công nhận là vượt cách đi vào cửa Tổ, còn nghĩa thứ hai ở đây là thứ yếu. Vì bản thân của Ngài lúc bấy giờ, cho dù là đã ngộ được kinh Kim Cương trước đó, nhân khi nghe người khách tụng kinh này nơi khách điếm, nhưng vẫn chưa được công nhận thậm chí đến việc dự vào hàng Tăng chúng vẫn chưa được công nhận, vì còn đang là kẻ đạp chày giã gạo làm công quả dưới nhà bếp thì làm sao để trình kiến giải làm Tổ được!? Bài kệ này sau đó mới được chính thức công nhận là chúng phù hợp với Không Tánh trung đạo khi được khảo hoạch vào lúc canh ba giữa khuya và, được Ngũ Tổ tâm truyền tân qua: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm,(應 無 所 住 而 生 其 心)” khi Ngũ Tổ nói kinh Kim Cương cho Huệ Năng:
“Hôm sau, Tổ lén đến chỗ giã gạo thấy Năng tôi đang đeo đá nơi lưng giã gạo. Dạy rằng: Người cầu đạo vì Pháp quên mình đến như vậy ư? Lại bảo:
Gạo đã trắng chưa?
Huệ Năng tôi thưa:
Gạo đã trắng từ lâu, chỉ còn thiếu cái sàng.
Tổ dùng gậy gõ xuống cối giã gạo ba lần rồi bỏ đi. Huệ Năng tôi hiểu liền ý Tổ, trống vừa điểm canh ba thì vào phòng Tổ. Tổ dùng áo ca sa che quanh không cho người thấy rồi vì tôi mà nói kinh Kim Cương đến câu: "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm". Huệ Năng tôi hốt nhiên đại ngộ hết thảy muôn pháp đều chẳng lìa tự tánh. Bèn thưa Tổ rằng: "Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, nào ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt, nào ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ, nào ngờ tự tánh vốn chẳng lay động, nào ngờ tự tánh sanh ra muôn pháp".
Tổ biết Huệ Năng tôi đã ngộ bản tánh nên bảo Huệ Năng tôi rằng:
“Người chẳng biết bổn tâm thì học Phật pháp cũng vô ích. Nếu biết tự bổn tâm, thấy tự bổn tánh thì gọi là Trượng phu, là Thầy của Trời Người là Phật".[10]
Qua cuộc trắc nghiệm đối đáp giữa Thầy và trò với nhau cho hành giả chúng ta thấy rằng chúng phù hợp với những gì mà Ngũ Tổ đã dạy cho Thần Tú cũng vào lúc giữa đêm trước đó vài ngày. Thật ra, Pháp dạy người của Lục tổ Đại sư sau này không phải là pháp mà Huệ Năng học trực tiếp nơi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, mà là pháp phát xuất từ tự tánh thanh tịnh xưa nay của Ngài phát ra từ khi nghe Kinh Kim Cương nơi khách điếm và, cho đến khi nghe qua Ngũ Tổ chính thức đọc kinh Kim Cương vào lúc giữa đêm đến câu: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” mà chợt hốt nhiên đại ngộ ra muôn pháp xưa nay chẳng lìa tự tánh của chính mình qua những câu ngạc nhiên tán thán reo mừng: “Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, nào ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt, nào ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ, nào ngờ tự tánh vốn chẳng lay động, nào ngờ tự tánh sanh ra muôn pháp". Đây mới chính là những lời nói phát ra từ nơi tự tánh bổn lai thanh tịnh của tự thân mình mà ngài Huệ Năng thật sự chứng ngộ và, chính thức được vị Thầy của mình ấn chứng; cũng từ đó ngôi vị Tổ sư đời thứ sáu của Thiền Tông Trung hoa có người thừa kế. Và, đây cũng chính là Thể tánh thanh tịnh, không sinh diệt, vốn tự đầy đủ, chẳng lay động, nó sinh ra muôn pháp được hiển bày qua kiến tánh của ngài về phương diện tĩnh của Vô nhất vật. Tũ tính này qua cái trực giác kiến tính của Ngài Huệ Năng, chúng khế hợp với pháp dạy người của Ngũ Tổ cho Thần Tú. Trong đó, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn chỉ xác nhận sau khi nghe Huệ Năng trình bày chỗ thấy tánh của mình:
"Người chẳng biết bổn tâm thì học Phật pháp cũng vô ích. Nếu biết tự bổn tâm, thấy tự bổn tánh thì gọi là Trượng phu, là Thầy của Trời Người là Phật".[11]
Trước hết để khẳng định rằng những gì Ngài Huệ Năng thấy về tự tánh như vậy là chính xác và, cũng từ đó cho Huệ Năng biết rằng sẽ vô ích không lợi lạc gì nếu người học đạo mà không biết bổn tâm mình, không thấy tự bổn tánh mình. Ngài tự xác nhận biết tự bổn tâm, thấy tự bổn tánh mình thì chính người đó là Trượng phu, là thầy của Trời, Người, là Phật. Dù qua đây Ngũ Tổ không chính thức xác nhận qua việc tuyên bố trước đại chúng nhưng qua lời tuyên bố ngay lúc bấy giờ: “Nhà Ngươi là Tổ sư đời thứ sáu, hãy khéo léo mà tự hộ niệm và rộng độ hữu tình, lưu lại đời sau không cho đoạn tuyệt.” [12]Vì qua bài kệ mà Ngài nhờ Biệt Giá Giang Châu là Trương Nhật Dụng viết lên vách Nam lang đã làm kinh ngạc xôn xao trong đại chúng nên Tổ sợ sẽ có người hại Ngài nên đã dùng giày xóa bài kệ đi và, bảo cùng mọi người cũng chưa thấy tánh., mọi người nhờ vậy mà hết nghi.
Sau khi ngài Huệ Năng đã được truyền tâm ấn, vâng theo lời Thầy đi về phương nam để làm hưng thịnh Phật pháp sau này, nhất là xiểng dương cái dụng của Vô Nhất Vật qua pháp môn Vô Niệm Thiền theo con đường Trung đạo của chư Phật đã đi. Lời phát biểu: “Vô Nhất vật” trong bài kệ nhân để trả lời cho bài kề của Thần Tú vào lúc bấy giờ là bị trói buộc trong chấp thủ ý niệm về một cái tâm thanh tịnh xưa nay cần được lau chùi trong hiện tại vì chúng bị lu mờ bỡi bụi trần và, chính nó đã phá hủy một cách có hiệu quả những sai lầm về một ý niệm tính thanh tịnh bản nhiên. Vì ý niệm về tính thanh tịnh bản nhiên vào lúc bấy giờ như là một cái tâm trong mỗi một tâm thức cá nhân nó chính là một thực thể riêng biệt, nó trở thành đối tượng cho một ý niệm siêu việt và trong suốt sạch sẽ trong một đống hỗn độn của bụi trần nhơ uế, cần khám phá khai quật ra nó; ý niệm về bản tính thanh tịnh này không phải là chân tính Bồ-đề vốn thường thanh tịnh của chúng sanh, chính là tính không (śūnyatā) như Huệ Năng đã trực kiến chính là Phật tính mà chúng sanh hữu tình vốn có. Vì ý niệm về bản tính thanh tịnh này chính là một pháp của ý thức, là đối tượng của ý để sinh ra ý thức, vì vậy nó không phải là tính không mà Huệ Năng đã trực kiến khi nghe tụng kinh Kim Cương thuộc văn hệ Bát-nhã. Loại thiện định khán tịnh vào lúc bấy giờ thuộc về loại tĩnh dễ đưa hành giả đến chỗ sai lầm trong lúc khán tịnh của tâm, vì như vậy tâm trở thành đối tượng để cho hành giả khán và, kiểu thiền này thường đưa đến trạng thái mặc chiếu Thiền và sẽ dẫn hành giả đi vào vô ký. Điều này như trong phẩm Tọa Thiền thứ 5 Tổ Huệ Năng đã đề cập khuyến cáo sự sai lầm của nó như sau:
“Môn tọa thiền này nguyên không vướng mắc tâm, không vướng mắc tịnh cũng không phải bất động. Nếu bảo vướng mắc tâm thì tâm vốn là vọng. Nên biết tâm này như huyễn nên không có chỗ vướng mắc. Nếu bảo vướng mắc tịnh thì tánh người vốn tịnh, nhưng do vọng niệm nên che lấp chân như. Chỉ cần không vọng tưởng thì tánh tự thanh tịnh. Nếu khởi tâm vướng mắc tịnh thì chỉ là thứ tịnh của vọng mà thôi, đã là vọng thì không chỗ để bám vào nên gọi là vọng. Tịnh vốn không hình tướng, nhưng lại lập ra tướng tịnh và cho đó là công phu, nếu có kiến giải như vậy thì sẽ làm chướng ngại bổn tánh của mình và sẽ bị tịnh trói buộc.
“Thiện tri thức! Nếu tu mà chẳng động, vậy chỉ cần khi thấy mọi người không thấy phải quấy, thiện ác, tội lỗi của người thì đó chính là tánh chẳng động.
“Thiện tri thức! Người mê, thân tuy chẳng động nhưng khi mở miệng ra hoàn toàn nói chuyện thị phi, hay dở, tốt xấu của người khác, như vậy là trái với đạo. Nếu vướng mắc tâm, vướng mắc tịnh tức là chướng ngại đạo.
Sư thị chúng:
“Thiện tri thức! Sao gọi là tọa thiền? Trong pháp môn này không có gì làm chướng ngại cả. Bên ngoài đối với tất cả cảnh thiện ác mà tâm niệm không khởi lên, đó gọi là tọa. Bên trong, thấy tự tánh bất động, đó gọi là thiền.
“Thiện tri thức! Sao gọi là Thiền định? Bên ngoài lìa tướng là thiền, bên trong chẳng loạn là định. Bên ngoài nếu chấp tướng thì bên trong tâm loạn. Bản tính vốn tự tịnh tự định. Chỉ vì thấy cảnh, duyên cảnh nên tâm loạn. Nếu thấy mọi cảnh tâm không loạn, đó gọi là chân định.
“Thiện tri thức! Ngoài lìa tướng là thiền, trong chẳng loạn là định, ngoài thiền trong định, đó là thiền định. Kinh Bồ tát giới nói: "Ta xưa nay tự tánh thanh tịnh".
“Thiện tri thức! Ở trong mỗi niệm tự thấy bản tánh thanh tịnh, tự mình tu, tự mình thực hành và tự mình thành tựu Phật đạo.[13]”
Qua văn bản trích dẫn này, Huệ Năng đã cho chúng ta thấy được những sai lầm khi chúng ta Tọa Thiền nói chung và khán tịnh, nhìn xem bản tính thanh tịnh của tâm là thế nào? Nên Huệ Năng luôn luôn cực lực lên án loại thiền định như thế này, vì cuối cùng chúng ta tự trói mình vào một đối tượng nào đó làm nô lệ cho một ý niệm mà chúng ta không bao giờ thấy được bộ mặt thật của chúng như thế nào, cho dù ý niệm đó là bản nguyên thanh tịnh, hay Phật tính thanh tịnh gì đó đi nữa thì đó cũng chỉ là một ý niệm của vọng mà thôi, vì chúng ta chưa thấy bộ mặt thật của chúng thì làm sao biết được tịnh là thế nào? nhiễm ô là như thế nào mà khán chúng!? Cũng như trong phẩm Đốn Tiệm, Pháp Bảo Đàn kinh, khi Huệ Năng hỏi Chí Thành về pháp dạy chúng như thế nào của Thần Tú thì Chí Thành thưa: “Thầy thường dạy chúng trụ tâm quán tĩnh, ngồi mãi không nằm” Thì Huệ Năng bảo: “Trụ tâm quán tĩnh là bệnh chẳng phải Thiền, ngồi mãi bó thân đối lý chả có ích gì!” Ở đây khán tịnh với quán tĩnh không khác nhau trong nghĩa xem xét chiêm nghiệm, quán sát tâm thanh tịnh của mình, vì bản thân của khán là nhìn xem với quán là quan sát không khác nghĩa nhau. Khán và quán là chỉ cho chủ thể nhìn xem, quan sát đối với một đối tướng ngoài chủ thể, do đó chủ thể khán và quán về một cái gì là đối tượng khiến cho cái thấy bị phân hai. Trong khi đó thay vì khán hay quán như cách sử dụng xưa nay trong nhà Thiền thì bây giờ Huệ Năng và môn hạ của Ngài dùng chữ kiến trong Kiến tánh để thay thế cái sai lầm trong cái nhìn phân đôi thực thể qua khán hay quán; điều này như cách phân tích của Đại sư Suzuki trong The Zen Doctrine of No-Mind như sau:
“Huệ Năng và các môn hạ bấy giờ sử dụng một thuật ngữ mới là Kiến tánh thay vì từ cũ
là khán tịnh. Kiến tính có nghĩa là nhìn sâu vào, nhận ra bản tính (của tâm). Khán và Kiến cả hai đều liên quan đến ý tưởng thấy, nhưng chữ Khán chiết tự ra gồm có chữ thủ 手 (bàn tay) và chữ 目 mục (con mắt) có nghĩa là quan sát một đối tượng độc lập với người quan sát, người thấy và vật được thấy là hai thực thể riêng biệt. Còn chữ 見Kiến bao gồm một con mắt trên đội chân thẳng đứng, biểu tượng thuần túy tính thấy. Khi chữ kiến được dùng chung với chứ tính 性 tức bản tính, Tính thể hay Tâm, có nghĩa là cái thấy trong thể tính tối hậu của sự vật mà không phải là việc quán sát một vật thể.[14]”
Thật ra, không phải Ngài Huệ Năng không dùng những thuật ngữ Thiền trước kia và ngay trong hiện tại; nhưng cách dùng của Ngài tùy trường hợp nếu nó không mang lại sự nhầm lẫn và sai lầm đối với hành giả và, cũng tùy theo thuộc tính của từng chủ đề mà Ngài vẫn dùng thuật ngữ Thiền trước đây thường dùng, như khi Ngài nói về tịnh tâm “Tự tính vốn thường thanh tịnh, không ô nghiễm” hay “Mặt trời bị mây che” v.v… Nhưng cốt yếu vẫn tránh xa mọi trói buộc vào ngôn ngữ sử dụng và, tránh tạo những sai lầm cho người đi sau.như trong phẩm Tọa Thiền Ngài đã dạy:mà không lẫn vào Thiền tịch mặc hay mặc chiếu Thiền: “Nếu dùng tâm không ngồi Thiền, tức rơi vào không vô ký.” hay “Lại có người sai lầm ngồi lặng lẽ với tâm không, không cho bất cứ niệm nào khởi lên, tự cho là lớn.” Ngồi Thiền như vậy tất cả bị lệ thuộc vào không và vô tình tạo nghiệp vô ký và, vì vậy nên Ngài khuyên hành giả chỉ cần thực hành: “Pháp môn ngồi Thiền này, nguyên không cần dính mắc đến tâm, cũng không dính mắc đến tịnh, cũng không chọn vào bất động.” đúng với những chỉ dạy của Ngài thì mọi rắc rối trói buộc sẽ tự cắt đứt và sẽ được tự tại. Vì khi hành giả: “Khởi tâm dính mắc vào tịnh, thì khiến tịnh thành vọng, nhưng vọng không có xứ sở, nên đắm vào đó là vọng. Tịnh thì không có hình tướng, nếu dựa vào tướng tịnh cho là công phu, hành giả nào có kiến giải như vậy thì sẽ tự làm chướng ngại bản tính và, bị tịnh trói buộc.”
Sở dĩ hành giả tu Thiền chúng ta không thể nào đi trực tiếp vào bản tịnh được là vì xưa nay chúng ta qua quá nhiều trung gian, nhưng những trung gian đó cũng chỉ là hình bóng của bản tính mà thôi, mà hình bóng thì lúc nào cũng là vọng. khi chúng ta dính mắc vào những thứ vọng đó thì cho dù nó là hình ảnh của tịnh, và từ đó chúng ta tạo cho cái tịnh đó một cái thực thể, như vậy chúng ta sẽ dính cứng vào chúng vĩnh viễn. Hay đối với Không cũng vậy, nếu chúng ta dính mắc và coi chúng là một thực thể và an trú vào trạng thái tịch lặng thì hành giả chúng ta bị Thiền trói buộc. Vì để tránh những nguy hiểm có thể xảy ra cho hành giả, khi tu Thiền bị rơi vào tà kiến trói buộc lệ thuộc vào những ý niệm trung gian, dù là gì đi nữa khi chúng ta còn là chúng sanh thì những ý niệm dù là tốt, là thiện vẫn là những ý niệm vọng. Như trong ba bài pháp đầu tiên khi Ngài Huệ Năng trốn về phương nam sau khi đắc pháp thì bài pháp cuối cùng Tổ dạy cho Ấn Tông nhân Ngài tới chùa Pháp Tánh, Quảng Châu gặp lúc Pháp sư Ấn Tông giảng kinh Niết-bàn. Nhân đó Ấn Tông hỏi về việc Tổ Hoằng Nhẫn truyền pháp như thế nào? Huệ Năng đáp[15]
“Truyền dạy thì không, nhưng chỉ luận về thấy tánh chứ chẳng luận về thiền định hay giải thoát gì cả.
Tông hỏi:
Tại sao không luận về Thiền định và giải thoát?
Năng tôi bảo:
Vì hai pháp chẳng phải Phật pháp, mà Phật pháp là pháp không hai.
Tông lại hỏi:
Sao gọi pháp không hai là Phật pháp?
Huệ Năng tôi nói:
Pháp sư giảng kinh Niết Bàn đã làm rõ Phật tánh, thì đó chính là pháp không hai của Phật pháp như Bồ tát Cao Quí Đức Vương bạch Phật: Người phạm vào cấm giới thuộc bốn tội nặng, tạo năm tội nghịch cùng bọn Nhất Xiển Đề thì Phật tánh thiện căn của họ có bị đoạn mất không? Phật dạy: Thiện căn có hai: một là thường, hai là vô thường, còn Phật tánh thì chẳng phải thường, chẳng phải vô thường cho nên chẳng bị đoạn. Đó gọi là không hai - Một là thiện, hai là bất thiện còn Phật tánh chẳng phải thiện, chẳng phải không thiện. Đó gọi là không hai. Uẩn và Giới phàm phu thấy hai, người trí liễu đạt tánh của chúng không hai. Tánh không hai là Phật tánh.”
Qua bài Pháp này đã làm sáng tò việc thiện, ác chúng được quan niệm như thế nào đối với pháp Không hai của đức Đạo sư và, cũng từ cơ sở này chúng ta có thể nhận thức một cách chính xác hơn về bài kệ của Huệ Năng qua câu: “Vô nhất vật.” là phủ nhận tất cả mọi nhận thức một cái ý niệm về tâm được coi như là thực hữu dù có phủi bụi hay không phủi bụi, dù là vô thường hay là thường, dù là thiện hay bất thiện chúng vẫn là pháp đối đãi nhị nguyên mà trong khi Phật tính hay Tánh không, Tánh không hai là Phật tánh, là Tánh không là Vô Nhất vật về mặt Thể Tánh.
Cũng vì vậy cho nên Ngài Huệ Năng cảnh cáo hành giả tu Thiền chúng ta qua lời phát biểu “Vô Nhất Vật” trong bài kệ mà Ngài đã trình bày qua Ngũ Tổ mang nhiều ẩn dụ cho những người đi sau để tránh.khỏi những sai lầm mà người trước đã vấp phải vào lúc bấy giờ. Vô nhất vật nó làm nhiệm vụ chuyên chở ba ẩn dụ mà chỉ có Vô sở trụ hay Vô niệm mới nói rõ lên được chức năng của nó mà thôi. Vì vậy, từ Vô nhất vật đến Vô sở trụ chúng chỉ khác nhau trên mặt bản thể và hiện tượng mà thôi. Về mặt Thể (Tánh), thì Vô nhất vật hiển bày tính thanh tịnh, sau khi hành giả chúng ta thấy lại bản tính của chính mình qua Kiến Tánh đó là Tính Không (śūnyatā) xưa nay của các pháp. Còn nếu đứng về mặt Tướng thì Vô nhất vật phá hủy mọi hiện tượng có được của các pháp dù là chỉ trên ý niệm và, như vậy ở đây chủ ý chính là phá pháp “Thời thời cần phất thức” của Thần Tú để tiếp cận bước giải thoát mà Huệ Năng chủ trương sau này. Và cuối cùng là thể hiện con đường Trung đạo Vô sở trụ qua Vô niệm vượt thoát sau này của mình cho môn hạ tại gia cũng như xuất gia của Ngài.
[1] Cảnh đức Truyền Đăng lục 3, chương Bồ-đề Đạt-ma. Đ. 51. trg. 0218c12.
[2] Pháp Bảo Đàn kinh, phẩm Hành Do.
[3] Pháp Bảo Đàn kinh, Phẩm Hành Do.
[4] . Theo “The Zen Doctrine of No-Mind” Đại sư Suzuki. Bản dịch của Thích Nhuận Châu. tr. 21.
[5] . Theo “The Zen Doctrine of No-Mind” Sđd tr. 21.
[6] . Ấn bản Đại chánh Tân Tu , Pháp Bảo Đàn kinh, Phẩm Đốn Tiệm thứ 8 (Đ. 48. tr. 358b-358c).
[7]. Theo The Zen Doctrine of No-Mind của Đại sư Suzuki thì thủ bản Đôn Hoàng có những chỗ như ý nghĩa về phiền não (kleśa) tức Bồ-đề (bodhi), còn trong bản Đại Chánh Tân tu và, những bản biệt hành hiện đang lưu hành tại Việt nam thì không có. Trên đại thể ý nghĩa về hành tướng của ba học Giới-định-tuệ hoàn toàn giống nhau không có điểm nào khác.
[8] . Thần Hội hòa thượng thiền thoại lục, Trung Hoa Phật giáo điển tịch tuyển san. Dương Tằng Văn biên giáo.
[9] . Pháp Bảo Đàn kinh, Phẩm Hành Do 1 (Đ. 48. tr. 0348b)
[10] . Pháp Bảo Đàn kinh, Phẩm Hành Do 1 (Đ. 48. tr. 0349a)
[11] . Pháp Bảo Đàn kinh, Phẩm Hành Do 1 (Đ. 48. tr. 0349a)
[12]. Pháp Bảo Đàn kinh, Phẩm Hành Do 1 (Đ. 48. tr. 0349a)
[13] . Pháp Bảo Đàn kinh, Phẩm Tọa Thiền (Đ. 48. tr. 0353b)
[14] . Sđd, tr. 34. Thích Nhuận Châu dịch.
[15] . Pháp Bảo Đàn, Phẩm một Hành Do 1 (Đ. 48. tr. 0349a)
(nguồn: Tập san Nghiên cứu Phật học Pháp luân số 7) |