Vài kỷ niệm nhỏ với Thầy Châu Lâm
Hạnh Viên
Đã mấy tuần thất kể từ ngày Thầy trú trì Châu Lâm viên tịch, vậy mà mỗi lần ngồi xuống những mong viết đôi điều ‘tưởng nhớ’ về Thầy, tôi vẫn không ngớt bối rối vì trong tôi Thầy như vẫn còn đó, có phần còn thật hơn cả khi Thầy còn tại thế… Di ảnh của Thầy vẫn còn đó nụ cười âm thầm, thân thuộc và từ ái. Làm sao tôi có thể ‘hồi tưởng’ về một người như vừa mới bước ra, đi đâu đó rồi sẽ quay về, mà sự hiện diện của người ấy như vẫn còn quanh quẩn đâu đây?
Nói về Thầy, tôi không biết nên nói điều nào trước? Về lòng từ hòa nhân ái của Thầy, về tính kiên định vô úy của Thầy, về tính lạc quan, luôn xem thường bệnh hoạn và giễu cợt cái chết, về tính trân trọng tri thức, luôn khuyến khích giúp đỡ lớp Tăng ni cầu học, hay về tài hoa khí phách của Thầy để lại qua nét bút? Những ai quen biết Thầy đều có thể nhận thấy các đức tính này.
Có lẽ tôi nên nói về một đức tính ít người biết đến hơn, bởi nó âm thầm, không hiển lộ ra ngoài, tuy đó lại là một trong những phẩm chất cao quý của bậc Sa môn Thích tử. Tôi muốn nói đến tính dung dị nhưng ân cần, sự quan tâm chân tình của Thầy đối với tất cả mọi người.
Có những điều nhỏ bé trong cuộc sống lại thể hiện một nhân cách lớn. Tôi học được từ Thầy không phải những bài học nơi thiền đường, những ‘Pháp thoại’ của một vị trú trì bổn sư nói với chúng đệ tử; từ Thầy tôi học được những bài học lợi ích của cuộc sống giản dị, khiêm cung và chân tình; từ thân giáo vô ngôn của Thầy.
Một buổi chiều đông, thầy lặng lẽ dạo quanh sân vườn. Chùa hôm ấy vắng vẻ, chỉ còn lại một điệu nhỏ và một chú đang loay hoay lặt rau, thổi cơm trong bếp. Để chuẩn bị buổi tiểu thực, không muốn sai bảo điệu vì Thầy biết hắn mới đi học về, Thầy tự tay bẻ mấy mụt măng non ngoài hàng rào, những mụt măng chỉ to hơn ngón chân cái mà chẳng ai để ý đến. Để nguyên măng mới bẻ, Thầy ngồi nướng ngay bên đống lửa nhỏ nơi góc sân chùa. Tro tàn, thầy khơi măng ra, bóc vỏ rồi đem thái mỏng. Thầy vắt vào đó vài lát chanh, trộn sơ với chút bột nêm rồi dọn lên bàn với dĩa muối ớt. Hôm đó trời đông lạnh. Dĩa măng nướng bốc khói thơm mùi dân dã… Thầy ăn cơm với chừng đó món. Vậy mà thầy vẫn gắp cho tôi hai đủa, bảo: “Cho HV nếm thử, ‘đặc sản’ của Châu Lâm đó. Ngon lắm đó. Khi xưa Cố vẫn thường ăn uống đạm bạc ri đây!” Tôi thấy hạnh phúc trong niềm xúc động sâu xa… Miếng măng đơn sơ, không thơm mùi cao lương mỹ vị, mà đậm tình thầy trò, ngọt ngào hương vị chốn thiền môn.
Một chuyện khác, tuy chỉ là chi tiết, nhưng thể hiện lòng ân cần, chân tình của thầy đối với mọi người, mà tôi được biết ngay trong những ngày tang lễ Thầy. Buổi tối đầu tiên bắt đầu viếng tang, có hai vợ chồng già chở nhau từ Đà Nẵng vội vã đến chùa. Ông chồng đã ngoài 70, gương mặt còn lộ nét mệt mỏi sau chặng đường dài, nói với tôi: “Thầy ơi, nghe tin Ôn mất tụi con sốt ruột quá, không chờ xe anh em được, con tự chở nhà con ra đây. Trời tối quá gần đến nơi còn bị lạc đường…” Bà vợ không nói được gì, chỉ nhìn lên di ảnh Thầy, nhìn tôi, rồi lại nhìn quanh như cố nén lại những giọt lệ đã đọng quanh khóe mắt. Hồi lâu bà mới nói: “Nghe tin Ôn mất con không tin nỗi thầy ơi. Tụi con mới gặp Ôn đây… Hôm đó khi về Ôn còn đưa tụi con xuống tận cổng. Thương Ôn quá… Ôn sợ con bổ, Ôn dắt con đi từng bước xuống cái dốc trơn ngoài cổng, rồi Ôn còn nói: Bữa ni tui dắt chị, mai mốt Phật dắt chị đi…”.
Họ chỉ là đôi vợ chồng già, vội vàng đến viếng tang Ôn không cần trướng liễn, không một vòng hoa, nhưng với tấm lòng thiết tha chân tình. Hoa nào rồi cũng tàn, nhưng chân tình của những con người này đối với nhau là những đóa hoa thường tại giữa lòng nhân gian.
Bây giờ xác thân tứ đại của Thầy đã được an nghỉ. Tang lễ đã trôi qua, đau thương lắng đọng; các sinh hoạt thường nhật lại trở về với Châu Lâm lặng lẽ. Sự hiện diện hình thể của Thầy không còn nữa, nhưng những đức tính Thầy để lại là sự hiện diện mạnh mẽ giúp tôi cảm thấy như chưa bao giờ mất Thầy; đó là những bài học vô ngôn sẽ giúp anh em chúng tôi ở lại với nhau trong chân tình, hòa ái.
“Sinh tự hà lai
Tử tùng hà khứ…”
Hương khói Châu Lâm sẽ tan biến vào những ngọn gió hắt hiu trên đồi Dương Xuân thượng, nơi thầy đã đến như một vầng trăng sáng, và ra đi như áng mây nhẹ trôi qua trời xứ Huế…
Với sự đến và đi như vậy, chúng con hôm nay mất Thầy, nhưng chưa từng xa Thầy trong khoảnh khắc.
Vĩnh biệt ly…
Hằng hội ngộ.
|