Đường về hạnh phúc
NGUYÊN CHÂU
Con đường đưa đến đời sống an lạc và hạnh phúc có muôn lối ngàn nẻo, mỗi chúng ta có thể chọn cho mình một pháp môn thích hợp để có được một giá trị đích thực cho cuộc sống. Cái gần gũi với đời sống chúng ta nhất là hơi thở. Nó là đối tượng mà chúng ta dễ có điều kiện để tiếp xúc. Nhưng thực ra, trong mỗi chúng ta, mấy ai đã tiếp xúc với hơi thở, và mấy khi chúng ta trở về với hơi thở trong chính ta? Trở về với hơi thở của chính ta như thế há không phải là một bước mầu nhiệm của việc thực tập hay sao?
Hơi thở là cái bình thường nhất, và cũng là mầu nhiệm nhất. Nó cùng với trái tim tạo nên căn bản sự sống, nó gắn liền trực tiếp với sinh mạng của chúng ta. Bởi vậy, điều chính yếu của sự sống là trái tim và hơi thở.
Phép quán niệm hơi thở giúp ta trở về với thực tại, trở về với sự sống của chính mình, nhận chân được sự hiện hữu và giá trị của sự sống. Đức Phật dạy: “Quý vị khất sĩ! Phép quán niệm hơi thở, nếu được phát triển và thực tập liên tục, sẽ đem lại những thành quả và lợi lạc lớn, có thể làm thành tựu bốn lãnh vực quán niệm; bốn lãnh vực quán niệm nếu được phát triển và thực tập liên tục, sẽ làm thành tựu bảy yếu tố giác ngộ; bảy yếu tố giác ngộ nếu được thực tập liên tục sẽ đưa đến trí tuệ và giải thoát.” (Kinh Quán niệm hơi thở, trích Thiền môn Nhật Tụng 2000, Thích Nhất Hạnh dịch, Nxb Tôn giáo, 2004, trang 36).
Hơi thở là sự sống mầu nhiệm, là phương thức thần diệu để rũ bỏ những tâm hành ràng buộc trong ta như bực bội, gắt gỏng, lo âu, sợ hãi và nghi ngờ... Nếu chúng ta quán chiếu thật sâu từng hơi thở, chúng ta sẽ thấy hơi thở này là hơi thở của cha mẹ, tổ tiên, ông bà, là hơi thở của dòng họ tâm linh và huyết thống; là hơi thở của giang sơn tổ quốc, của mọi người và mọi loài.
Khi chúng ta sống có ý thức trong từng hơi thở thì chúng ta sẽ cảm thấy rất hạnh phúc. Chúng ta cảm thấy mừng vui, khi biết rằng mình có phước báo hơn các sinh vật khác, và có hạnh phúc hơn những người đang bị giam hãm tù đày.
Bởi vậy, khi đón nhận hơi thở, chúng ta phải biết cách trân quý, nuôi dưỡng và chăm sóc hơi thở ấy, rồi từ đó mới có thể vun trồng bằng cách nào đó để cho thân và tâm được an tịnh, biết rõ mọi cảm thọ và vạn pháp đang diễn ra.
Khi theo dõi hơi thở một cách có ý thức, chúng ta sẽ làm chủ được tất cả những hành động của thân, biết rõ tường tận mọi trạng thái đang xảy ra trong thân, nhận diện được sự giả hợp và biến chuyển của nó. Càng thực tập, thì toàn thân chúng ta càng trở nên an tịnh, không còn phải lao theo những tiếng gọi đời thường, không còn đơn phương phát ra những ngôn từ thiếu chất liệu ái ngữ, không còn tạo ra những ngục tù giam hãm trong chính bản thân mình và những người chung quanh. Quán niệm về hơi thở trên lĩnh vực thân thể, trước hết là phát khởi ý thức về hơi thở: “Thở vào với ý thức minh mẫn là mình đang thở vào, thở ra với ý thức minh mẫn là mình đang thở ra.” Trở về với hơi thở có ý thức sẽ đưa ta trở về với chính ta, sẽ giúp ta tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm trong ta và chung quanh ta.
Lại nữa, từ sự thực tập quán niệm hơi thở, chúng ta có thể nhận diện, quán chiếu các cảm thọ đang có mặt trên thân và tâm. Biết rõ các cảm thọ (dễ chịu, khó chịu và trung tính) này do đâu mà có, chúng đang hiện diện như thế nào, hậu quả của chúng ra sao,… khi ấy chúng ta sẽ thoát ra được mọi sự khống chế của thân hành, sẽ có một cái nhìn thấu triệt, một tâm hồn bao dung, vị tha. “Tôi đang thở vào và làm an tịnh cảm thọ trong tôi; tôi đang thở ra và làm an tịnh cảm thọ trong tôi.”
Tới đây, ta bước sang lĩnh vực quán niệm tâm ý. Quán chiếu về tâm ý như vậy, có nghĩa là quán chiếu về các loại dục vọng [ngũ dục: tài dục (ham giàu sang), sắc dục (ham dâm sắc), danh dục (ham danh vọng), thực dục (ham cao lương mỹ vị), thùy dục (ham ngủ nhiều)]. Ngoài ra, hành giả còn quán niệm để thấy rõ tâm của mình có thiện căn hay không có thiện căn, quán niệm về tình trạng ô nhiễm hay thanh tịnh của tâm hành, quán chiếu về tâm có giải thoát hay không có giải thoát… Sự thực tập quán niệm hơi thở sẽ giúp cho hành giả thâu nhiếp tâm ý, làm cho tâm ý được an tịnh, vượt khỏi mọi tham đắm cũng như mọi chán ghét đối với cuộc đời. Từ đó tâm của hành giả mới trở nên mát dịu, thấy rõ được trời xanh, mây trắng. “Ta đang thở vào và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta, ta đang thở ra và có ý thức về những hoạt động tâm ý trong ta; ta đang thở vào và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được thanh tịnh, ta đang thở ra và làm cho những hoạt động tâm ý trong ta được thanh tịnh.” (Kinh Quán niệm hơi thở, sđd).
Lại nữa, khi quán chiếu về hơi thở một cách sâu sắc, thì hành giả sẽ phát kiến được tính duyên sinh, vô thường và vô ngã của vạn pháp. Nhờ thấy được như thế, nên tâm của hành giả không còn ý tưởng tham cầu, vướng mắc đối với vạn pháp, vượt ra ngoài mọi cực đoan của cuộc đời. “Ta đang thở vào và quán chiếu tính vô thường của vạn pháp, ta đang thở ra và quán chiếu về tính vô thường của vạn pháp; ta đang thở vào và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp, ta đang thở ra và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp.” (Kinh Quán niệm hơi thở, sđd).
Khi hành giả đã thực sự an trú trong phép quán thân trong thân, quán cảm thọ trong cảm thọ, quán tâm ý trong tâm ý, quán đối tượng tâm ý trong tâm ý, thì lúc ấy năng lượng chánh niệm được thành tựu, tinh tiến, tỉnh thức trong mọi động thái của thân và tâm, và hành giả bắt đầu đạt được yếu tố thứ nhất là Niệm. Niệm là yếu tố đầu tiên trong bảy yếu tố giác ngộ, làm nền tảng để phát triển những yếu tố giác ngộ về sau này. Niệm luôn luôn ghi nhận và biết một cách rõ ràng những trạng thái định và tuệ (chỉ và quán) ở nơi tự tâm. Trên nền tảng này, hành giả tiếp tục quán chiếu để quyết trạch (trạch pháp) về các pháp. Quyết trạch tức là dùng trí tuệ để chọn lựa và biết rõ pháp nào là pháp đưa đến cảnh giới sanh tử, pháp nào thì đem lại an lạc và hạnh phúc.
Sau khi đã chọn pháp hành đúng lý và cơ, hành giả tiếp tục nỗ lực thực hành thường xuyên theo pháp đã chọn ấy, để tâm luôn thăng tiến ở trong đời sống giải thoát và giác ngộ, đó là Tinh tấn.
Khi hành giả đi vững chãi và bền bỉ trên con đường Chánh đạo, thì tâm hành giả phát khởi niềm vui, yếu tố Hỷ lạc thành tựu.
Hành giả tiếp tục an trú trong trạng thái hỷ lạc, cảm thấy thân và tâm nhẹ nhàng, an tịnh và linh hoạt. Đây là giai đoạn mà hành giả đã làm chủ được trạng thái vui, buồn, yêu, ghét… và bắt đầu vượt trên những thứ đó. Bấy giờ, yếu tố thứ năm được sinh khởi và phát triển, đó là yếu tố Khinh an.
Sau khi đạt được yếu tố khinh an, hành giả tiếp tục thực tập và đi vào Định một cách dễ dàng. Tâm của hành giả hướng đến và an trú vào một đối tượng duy nhất, không còn tán loạn. Mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi cái nhìn… tất cả đều an trú trong định, rồi đến và đi một cách thong dong; không còn bị ràng buộc bởi những lề lối hạn hẹp của đời thường, mang lại sự tĩnh lặng, an lạc, tự do và thảnh thơi. Lúc này yếu tố thứ bảy thành tựu, đó là Hành xả. Hành xả tức là các pháp vận hành thuộc về tâm sở đã bị loại trừ, tâm của hành giả hoàn toàn ở trong các trạng thái an tịnh và thuần nhất.
Khi đã đạt được bảy yếu tố giác ngộ này rồi, thì hành giả sẽ bước những bước thảnh thơi, thừa hưởng được sự mát mẻ của dòng suối thương yêu trên con đường trở về bến bờ giác ngộ, xem sự thịnh suy trong cõi phù du chỉ như hạt sương trên đầu ngọn cỏ.
Phương pháp Quán niệm hơi thở là phương thức thực tập thiền quán căn bản nhất, mà bất cứ ai muốn đi vào con đường hạnh phúc đều phải kinh qua; là phương pháp quán sát vạn pháp mà không có định kiến nào. Cứ quán sát đi, đừng có một ý niệm phân biệt, phán đoán hay lượng định đối với các pháp mà ta đang quán chiếu; có như thế thì tự tính của các pháp ấy mới hiển lộ. Và có như vậy ta mới đạt được sự bất sinh, bất diệt, tương tức và tương nhập; trở về tiếp xúc với những hiện tượng mầu nhiệm của cuộc sống như một buổi mai đẹp trời, một đêm trăng thu, một đóa hoa vàng tươi, v.v…³
|