Đạo Phật và dòng sử Việt
HT Thích Đức Nhuận
Trường A Hàm
Tuệ Sỹ dịch và chú
Triết học Thế Thân
Lê Mạnh Thát
  
 
   
 
 
Thơ thiền - Thiền tính trong thơ và sự ngộ nhận
Nguyên Cẩn
Cập nhật: 10:03:00 05/10/2008

THƠ THIỀN –THIỀN TÍNH

TRONG THƠ VÀ SỰ NGỘ NHẬN

 

Nguyên Cẩn

 

1. Dẫn nhập:

Có người từng cho rằng: “Ở đâu có Thơ là ở đó có Đạo và ngược lại.” Thơ và Đạo có duyên với nhau có lẽ từ thuở "nhật nguyệt chưa phân chung thuỷ". Thế nên, khi có ai đó bỗng dưng một hôm dừng bước lại, chấm dứt trò chơi bóng đuổi hình hay hình đuổi bóng mà họ quay sang đuổi bắt chính mình, tìm vào nội tâm của mình nơi trước đây chập chùng bóng tối giờ bỗng lập loè vài tia lửa sáng. Ta thấy Lý Bạch tìm bóng mình trong ly rượu:

"Cử bôi yêu minh nguyệt,

Đối ảnh thành tam nhân

Ngã ca nguyệt bồi hồi

Ngã vũ ảnh linh loạn

 

Tay nâng chén rượu dưới trăng

Mình ta đối ảnh bóng thành ra ba

Bồi hồi trăngnghe ta ca

Ta hoà vào bóng bóng nhoà trong ta".

Ngẫm như chuyện Trang Chu nằm mơ hoá bướm để rồi tỉnh dậy không cần biết là mình là Chu hoá bướm hay bướm hoá Chu:

"Tâm cảnh song song

Nãi thị chân pháp"

                    (Hy Vận )

Hãy đọc những giòng thơ sau :

"Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,

Hoa đường thiềm ảnh mộ vân phi

Khách lai bất vấn nhân gian sự

Cộng ỷ lan can khán thùy vi."

(Xuân cảnh-Trần Nhân Tông )

Chim nhẩn nha kêu, liễu trổ dày

Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay

Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,

Cũng tưạ lan can nhìn núi mây

Rồi lại đọc:

 

"Bờ mây trắng dựng cuối trời bóng dáng

Của ban sơ hoài vọng giữa nhân gian

Lòng vạn vật mơ màng chiều qua sáng

Em về nhanh cho mây trắng buông màn."

                    (Bùi Giáng)

Và có hôm ta tình cờ đọc :

"Nhớ cây vú sữa hiên nhà

Nhớ ta chú tiểu thiệt thà …biết yêu

Nhớ em cổ tự áo điều

Mắt tam quan gọi tịch liêu kiếp nào

Nhập thiền. Tâm biết lao xao

Nhớ em chính điện nên chào Quan Âm"

                    (Du Tử  Lê)

 

Ta bỗng hoang mang khi nghe Thi sĩ Du Tử Lê thuyết trình về ảnh hưởng Phật giáo trong thơ ông và dù không nhận là mình viết thơ Thiền (có nhận cũng chẳng được!)

Ông cho rằng thơ mình là thơ có thiền tính. Dư luận hoang mang, nhiều ý kiến xung đột mâu thuẫn được đưa ra.

Người viết chỉ mong góp một ý nhỏ, có thể chính xác  hoặc  không, vào cuộc luận bàn ấy. Trong những câu thơ trích ở trên, phải chăng câu nào có nhiều từ ngữ liên quan đến Phật, Pháp hoặc cả Tăng mới  là thơ thiền hay thơ có chất thiền?

 

2. Đi tìm một định nghĩa cho  thơ thiền

Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu, Nguyễn Duy Hinh chia thơ Thiền làm ba loại

 2.1 Các thể loại kệ tụng cổ là những hình thức “bình giảng về lý thuyết Phật giáo”, thuần tuý bàn về giáo lý và tu hành, “đó là những tác phẩm thuộc phạm trù kinh và luận của Phật giáo.”

2.2. Những áng văn chương chiụ ảnh hưởng của Phật giáo nội dung bàn về Sinh, Tử, Hữu, Vô, Tâm, Phật… đã thoát khỏi kệ, mang những rung động thơ ca, nhưng đứng giữa thơ và kệ.

2.3. Những tác phẩm ít nhiều  có sử dụng từ ngữ Phật giáo song không mang nội dung Phật giáo.(?)

Nguyễn Phạm Hùng trong luận án PTS “Vận Dụng quan điểm thể loại vào việc nghiên cứu văn học Việt Nam thời Lý Trần đã tổng kết quan niệm về thơ Thiền như sau:

"Thơ Thiền là các bài kệ là thơ bao gồm cả kệ và thơ, nêu lên một triết lý, một quan niệm thiền hay một bài học thiền nào đó hoặc vừa ảnh hưởng thiền vừa mang rung động thi ca có tính trần thế. Thơ thiền là thơ của các nhà sư và của cả những người không tu hành nhưng am hiểu, yêu thích triết lý Phật giáo, bày tỏ trực tiếp hoặc gián tiếp triết lý, cảm xúc hay tâm lý Thiền."

Đồng thời tác giả còn mạnh dạn chia thơ Thiền làm hai loại: một loại thiên về triết ly

(Chủ yếu là tán, tụng, ngộ, giải) chiếm đến 94% Thơ Thiền thời Lý và 70% thời Trần; còn loại thiên về trữ tình, mang tư tưởng, cảm xúc thiền chỉ chiếm 6% thơ thiền thời Lý và 30% thời Trần.

Như vậy khái niệm thơ Thiền bao hàm một nghĩa tương đối rộng, có tính chất mở. Ta có thể thấy đó là những bài kệ trong Thiều Uyển Tập Anh, Khóa Hư Lục, Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, hoặc những bài thơ mang cảm hứng thiền. Trong văn học đời Trần, số thơ này xuất hiện ở một tần số cao hơn văn học Phật giáo đời Lý. Những bài mà nhiều người biết như Ngôn Hoài  của Không Lộ, Hoa Điệp của Giác Hải, một số bài của Tuệ Trung Thượng Sĩ hay Huyền Quang, cụ thể như bài Xuân cảnh của Trần Nhân Tông mà ta vừa đề cập ở phần trên.

3. Thiền trong thơ, nhạc

Thế còn những bài thơ mang phong thái thiền thì sao?

Làm sao phân biệt được cái mà Du Tử Lê gọi là “thơ có thiền tính" và thơ thiền?

Đâu là tiêu chuẩn để vẽ ra một ranh giới  giữa những câu thơ. Như Vũ Hoàng Chương, một nhà thơ cuả những “cặp môi nâu” của “say” của ái tình mộng ảo bỗng dưng có hôm lại viết:

"Ai có như ta  lòng ngộ đạo,

Ắt không mê bến lúc tìm nhau."

                    (Vũ Hoàng Chương)

hoặc

"Trong cõi yên ba đều khác tục

Cớ gì trong rựơu hỡi Thanh liên?"

Cũng nhà thơ này cuối đời tâm sự:

"Ta còn để lại gì không?

Kìa non đá lở nọ sông cát bồi,

Lang thang từ độ luân hồi

U minh nẻo trước xa xôi dặm về,"

Phải chăng như ai đó nói, thơ và đạo là nghệ thuật sống: sống ngay trong hiện tại-cái hiện tại vô thuỷ vô chung của Thiền. Nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, “phải biết sống hết mình trong mỗi sát na của hiện tại, Nhạc sĩ  cho rằng: “Có thể vì một tuổi trẻ đã có cơ duyên đi qua những cổng nhà Phật nên trong vô thức, bên cạnh những di sản văn hoá Đông Tây góp nhặt được, còn có lời kinh kệ vô tình nằm  ở đấy.”

Và nhạc sĩ cho rằng: “Từ mỗi cái ăn, uống, đi đứng nằm ngồi. Không làm công việc này mà nghĩ đến công việc khác. Với tôi, đó cũng là Thiền, là một cách sống đích thực. Tôi vẫn tiếp tục thực tập cách sống như thế hàng ngày.”

Ta thấy nhạc của Trịnh Công Sơn bàng bạc những: Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi… Tôi vui chơi giữa đời  biết đâu nguồn cội /Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tuỵ /Không có đâu em này không có cái chết đầu tiên/ Trăm năm ở trọ ngàn năm, con cá ở trọ trong khe nước hiền/Tôi là ai mà yêu quá đời này?. Và như chính nhạc sĩ thừa nhận là cảm hứng bài hát “Sóng về đâu"  từ câu kệ Gaté, gate paragaté.

Dòng đời qua là từng sát na, từng sát na mới lại mãi, tuyệt đối và tròn đầy.Thiền nói ta phải bắt kịp cái “đương hạ nhất niệm tức là cái “pensée instantanée” .

Thiền sư và thi sĩ vẫn sóng đôi như hình với bóng trong truyền thống thi ca Viễn Đông, ở Việt Nam cũng như Trung Quốc hay Nhật Bản, ta đã từng thấy nhiều tình bạn gắn bó như Tô Đông Pha và Thiền sư Đạo Tiềm hay như trong số các môn đồ của Thiền sư Basho có đến 10 nhà thơ lớn gọi chung là Ba Tiêu Thập Triết lừng danh  Nhật bản. Giải thích theo Tuệ Sỹ thì cái giống nhau và khác nhau giữa thiền và thi ca là ở chỗ:

"muốn cho lời thơ tuyệt diệu thì phải là không gò ép vừa không vừa tĩnh. Tĩnh cho nên thâu tóm hết mọi vọng động; không cho nên bao hàm vạn cảnh. Ngắm nhìn sự đời bôn ba giữa đời mà như thấy mình nằm trên chóp đỉnh non cao. Đủ hết mặn nồng, chua chát trong đó có cái hương vị tuyệt vời.”

Đạt tới cõi thượng thừa của thơ, như người học thiền chứng chỗ không tịch của Đạo; cái đó vừa khó, vừa dễ. Học Thiền ba mươi năm đày đoạ thâm tâm mà không thành. Phẫn chí bỏ đi , bất chợt thấy một cánh hoa rơi, cõi không tịch cũng hốt nhiên, đột ngột mở ra chỗ ảo diệu đó."

"Bế môn toạ huyết nhất thiền sáp

Đầu thương tuế nguyệt không tranh vanh"

(Khép cửa hang sâu một giường Thiền

Trên đầu năm tháng trôi chênh vênh)

Để rồi trong một ngày thả bộ rong chơi thì bất chợt ngọn gió thu từ đâu thổi những phương trời viễn mộng đến thì ý thơ bỗng ngọt ngào như cam quýt chin đỏ:

"Thu phong xuy mộng quá Hoài thuỷ

Tường kiến quật sửu Thùy không đình."

(Gió thu đưa mộng qua Hoài thuỷ

Này cam nọ quýt rũ sân buồn)

 

Có những ngòi bút còn phóng túng hơn

"Mùa xuân mặc lá trên ngàn

Mùa thu mặc chú bướm vàng tương tư

Động Nam Hoa có Thiền sư

Đổi kinh lấy rượu tâm hư uống tràn."

(Phạm Thiên Thư)

Vì khi,

"Sư lên chót đỉnh rừng thiền

Trong tim chợt thắp một rừng tà dương."

(Phạm Thiên Thư)

Nói theo Thích Phước An thì Phạm Thiên Thư đã hiểu rõ sự giằng co trong nội tâm giữa con đường đi lên hay đi xuống của Thiền sư và thi nhân. Hoặc là ở lại với cái đẹp phù du nơi cuộc đời hữu hạn này hay là phải vứt bỏ tất cả để lên đường tìm kiếm cái đẹp vô hạn kia.

Vũ Hoàng Chương đã từng viết:

"Ta van cát bụi trên đường

Dù nhơ dù sạch đừng vường gót này

Để  ta tròn một kiếp say

Cao xanh liều một cánh tay níu trời

Đêm nào ta trở về ngôi

Hồn thơ đã hết luân hồi thế gian

Một phen đã nín cung đàn

Nghĩ chi còn mất hơi tàn thanh âm?"

Bởi thi sĩ sẽ cứ mãi chần chừ, phân vân:

"Xuống non nhớ suối hoa rừng

Vào non nhớ kẻ long chừng phố mây

Về thành nhớ cánh chim bay

Xa thành thương vóc em gầy rạc hoa."

(Phạm Thiên Thư)

Thế nên thơ hay thiền là phải sống với từng sát na trong hiện tại. Ta chợt hiểu vì sao Lý Bạch ngủ say giật mình thức dậy hỏi bâng quơ:

Tá vấn thử hà nhật ?

(Hôm nay là hôm nào nhỉ?)

Thì rõ là thi sĩ đã đánh mất thời gian giữa lòng cuộc sống. Thơ Lý Bạch vì thế  mang âm hưởng diệu dụng của cái KHÔNG, mà có người gọi bút pháp của họ Lý đạt đến chỗ tâm vô lượng xả. Hệt như khi đọc kinh Kim Cang, người ta có cảm giác Phật nói tới đâu phủ nhận tới đó, từng trang kinh viết lại đến đâu xé nát đến nay, không còn một câu một chữ nào để bám víu. Như Lý Bạch hát ca, ngâm xong bài thơ nào, xé luôn bài thơ đó (Khúc tận dĩ vong tình)

Ném bút đi, quên hết mới thành thi sĩ. Ngâm xong, mình quên hết, không thơ, không lời, không tâm không cảnh, không người, không ta, không cả cái không. Tựa như Trịnh Công Sơn nói:

Tôi đang tập hành thiền về sự lãng quên. Lãng quên những gì không cần thiết cho đời và chơ chính bản thân mình."

Nhưng xin thưa, có cái gì cần thiết còn ở lại?

"Biết không khôngbiết biết không không

Không không biết biết không không biết"

        (Bùi Giáng)

Vì nói cho cùng thì:

"Rồi tôi cũng phải xa tôi

Đời tài hoa cũng xa xôi ven trời"

        (Bùi Giáng)

4. Thơ có thiền tính hay chỉ là thiền ngữ?

Trở lại với đề tài trên sau khi đã lan man ngao du cõi thơ cùng các bậc thi nhân và Thiền sư để thấy rằng Thơ và Đạo khó mà tách rời một cách rạch ròi nếu xét đến yếu tính tận cùng. Trong những đoạn thơ trích dẫn phần đầu bài viết, chúng tôi có đề cập đến trường hợp thơ Du Tử Lê, một nhà thơ nổi tiếng trước đây với những bài thơ tình độc đáo mà người viết bài này cũng là một fan hâm mộ. Rất tiếc chúng tôi không có trong tay tập thơ “Vì em tôi đã làm Sa di" của ông mà chỉ được biết được đọc qua bài nói chuyện của ông trên Phật Học Đường Vạn Hạnh về đề tài “Ảnh hưởng Phật giáo trong thơ Du Tử Lê (DTL) qua thi phẩm "Vì em tôi đã làm Sa di", một thi phẩm đã làm dấy lên cuộc tranh luận về những bài thơ mà theo lời tác giả là thơ thiền tính. Nhưng cũng phải công tâm mà nói rằng DTL trong bài nói chuyện của mình đã “chỉ muốn xác định rằng tập thơ nhỏ này là một tập hợp những bài thơ có chút hơi hướm hoặc phảng phất chút hương vị Thiền hoặc triết lý Phật giáo mà thôi”. Ông cũng “muốn tránh mọi nhăn mặt, khó chịu của những bậc thiền giả, luôn cả những văn nghệ sĩ từng cho biết có làm thơ thiền hay đã in thơ thiền."

Thế nên trong tập thơ của mình, DTL đã giãi bày những suy nghĩ, cảm nghiệm về giáo lý nhà Phật:

Ta, có đâu! mà một người, có đâu ! mà hai trời không hai, chẳng một đâu, không một, chẳng hai.

hoặc

Trăng vô thỉ, vô chung

Em vô hình, vô tướng

Giọt nước và đại dương

Vốn cùng ta sinh, diệt.

Vậy thì tại sao lại có những dư luận phản ứng với tập thơ của ông , phải chăng là cách sử dụng ngôn ngữ Thiền để chuyên chở một nội dung khác đó là Tình yêu. Hãy đọc những bài thơ tình “mang phong vị Thiền" như ông nói :

Diện bích ngàn năm vẫn bất an

Nhờ em thưa lại với Quan Âm

Cõi tâm tôi trụ nơi nào nhỉ

Phải chính tình em, chính mắt em?

Hoặc

Thế giới vì em sẽ dịu hiền

Biển đời phút chốc bỗng bình yên

Cánh chim tịch tịch miền vô niệm

Vô chấp em ngồi như Quan Âm

Hoặc

Thấy trong Địa Tạng em và mẹ

Tam Bảo theo tôi có dáng người

Hoặc

Muông thú vì em ở với rừng

Tôi vì em ở với Kim Cang

Hoặc

Xuống tóc. Theo em khép cửa đời

Vào thiền chỉ để thấy viền môi

Yêu nhau ai bảo tâm không trụ

Quên hết. Nhìn nhau nhất quán rồi

Để rồi

Nước mắt em trên chánh điện tình

Nở hoa siêu độ hoá tâm kinh

Đêm đêm tôi nhớ bàn tay cũ

Và thấy trong kinh đủ bóng, hình

Và kết cục là:

Vì em tôi đã làm Sa di

Không đi nên ý vẫn quay về

Bế quan toạ thị. Tôi và vách

Em tụng kinh gì? Cho tôi nghe đi

...

Hôn em Bồ-tát. Chuông kinh hãi

Rung hoảng vì tôi? Hay cả em?

Trích dẫn tương đối nhiều để mọi người khi đọc thi phẩm này có thể hiểu phản ứng của người đọc vì có người cho rằng đọc xong thấy cả một trời tham ái trong đó; có người cay đắng nói không hiểu “thiền tính là cái giống gì", khi tác giả viết:

Hôm nay quỳ dưới chân Bồ-tát

tụng một pho tình yêu – Hoa Nghiêm (?)

Hay

Trì tụng cho tình kinh Vãng sinh

Một pho Phụ Rẫy, Một Pho Quên

Hay nhà thơ nhất quan cái gì khi nhìn người yêu? Rồi ở một nơi trang nghiêm như chánh điện, nhà thơ lại viết là chánh điện tình, hay tác giả đọc kinh gì mà có cả pho Phụ Rẫy, lại có Pho Quên, rồi thấy đủ bóng hình.

Hiểu thế nào cho đúng về những điều nhà thơ viết. Liệu rằng chúng ta có thể nhìn những bài thơ của tác giả dưới một lăng kính “táo bạo và cách tân", theo quan niệm Osho: Tình yêu và Thiền Định phải sánh đôi, tay trong tay, vì ông cho rằng “Nếu không có tình yêu, bạn sẽ không dễ gì nhận chân những vấn đề của chính bạn và bạn cũng không giải quyết được mọi vấn đề, cũng như là tấm gương soi sẽ giúp bạn nhìn thấy bộ mặt thật của chính mình. ” (Osho-Tình yêu-Tự do và Cô đơn)

“Tình yêu đích thực thẩm thấu đi thẳng vào trong cốt lõi của một con người; tình yêu chạm đến thánh địa linh hồn của một con người.”

Hay phóng khoáng như Ryokan, một thiền sư Nhật bản (1758-1831), năm 69 tuổi đã từng viết thi phẩm Giọt Sương trên Lá Sen với những câu thơ tình nồng thắm:

"Tôi không biết

nàng sẽ đến bao giờ

nay thì đã có

cuộc đời bên nhau

chẳng cần chi nữa

 (Nhật chiêu dịch)

Hay

Đọc thơ và ca hát

cùng chơi trên cánh đồng

quả cầu bay lượn

và giữa đời họ có

một trái tim chung

Cái khác giữa DTL và những bài thơ của Ryokan là nhà thơ Nhật Bản không hề dùng Thiền ngữ mà tình yêu ông lại mang sắc thái pháp vui vô tận, pháp của chơi đùa, nô rỡn trên đồng và uống rượu dưới trăng:

Đó là pháp của tình yêu, yêu trẻ thơ, yêu côn trùng, yêu thiên nhiên và cả con người Ryokan ca hát

Vô tâm hoa mời bướm

vô niệm bướm thăm hoa

hoa nở thì bướm đến

bướm về thì khai hoa

tôi không biết người

người không biết tôi

không biết nhau, ờ nhỉ

là Con Đường ta đi

(Nhật Chiêu dịch)

Đạo là hoa nở, bướm về. Đạo không biết. Ta không biết. Đó là trò chơi của linh thánh. Nếu như ta biết rằng Ryokan không hề là một ẩn sĩ. Ông rời am xuống làng để chơi đùa với trẻ con, thăm bạn, uống saké với nông dân. Ông không bao giờ thuyết pháp vì ông là hiện thân của pháp, hiện pháp lạc trú, luôn hò hẹn với hiện tại:

Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi

Trần gian ơi cánh bướm cánh chuồn chuồn

Con kiến bé cùnh hoa hoang cỏ dại

Con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn

(Bùi Giáng)

Bởi vì theo thi sĩ họ Bùi thì  :

Trong linh hồn một bông hoa

Hình như có cõi người ta đàng hoàng

Đó chính là tinh thần Hoa nghiêm. Ông lý luận rằng “Bên cạnh những cuồng điên đẫm máu có những trận man mác thơ mộng tót vời. Đó là điều không thể giải thích, đó là những khoảng lưu không bạch xứ mở ra cho bất tư nghì tồn lý đi về, đó là chỗ trì ngự của tinh thần, cái chốn nghiêm mật để Hoa nghiêm kinh chan rưới hồng ân cho mọi bàn chân đi bước phiêu bồng ngoài vùng cương toả, chốn nghiêm mật tót vời và siêu đẳng..."

Cõi bờ  con mắt Hoa nghiêm

Tường vôi lá cỏ lim dim vô cùng

Ta thấy nhạc sĩ họ Trịnh, thi sĩ họ Phạm ít khi nói thơ nhạc mình có thiền tính nhưng chất thiền trong thi nhạc của họ còn "đậm đặc" hơn những bài Thiền ca hay thiền thi của một số thi sĩ, nhạc sĩ khác. Thơ của thi sĩ DTL theo thiển ý chúng tôi mang nhiều THIỀN NGỮ  hơn là thiền tính, nên gây phản cảm ở một số bạn đọc vì họ cho rằng ông ghép từ, đưa ngôn ngữ Phật giáo vào thơ một cách khiên cưỡng, gượng gạo.

Không phải cứ đưa vào thật nhiều những từ trong kinh kệ mới làm cho thơ mình mang tính thiền, điều này khiến chúng tôi không đồng ý với định nghĩa thứ ba ở trên của Nguyễn Duy Hinh cũng như trong  những bài hát gần đây, một số nhạc sĩ đưa thật nhiều những từ "vô thường, cát bụi, hư vô"… thậm chí cả Namo Buddha vào nhạc, cũng không thể làm tăng thiền tính trong thơ nhạc họ được.

Nhưng thôi theo tinh thần viên  dung  vô ngại, chúng ta hãy cứ trân trọng vì dù sao ảnh hưởng Phật giáo đang ngày một nhiều trong các tác phẩm văn nghệ gần đây qua các trang văn, bài hát và hãy nhìn sự việc khoan hoà hơn vì không phải ai cũng "có một tuổi trẻ được cơ duyên đi qua những cổng nhà Phật" như nhạc sĩ  TCS hay thi sĩ  PTT một thời khoác áo thiền gia hoặc như Bùi Giáng đã đến trình độ “thõng tay vào chợ", vì DTL cũng đã  tự nhận rằng: "… hiểu biết của tôi về giáo lý Phật giáo, là kiến thức, hiểu biết của một học trò mẫu giáo, vẫn còn trong giai đoạn đang được khai tâm bởi sách vở, những bài giảng của quí chư Tôn đức Tăng Ni cùng các bậc thức giả về giáo lý Phật giáo.”

Tựu trung, về bản chất ông chỉ là một nhà thơ tình cũng như không ai cho rằng Phạm Duy phổ nhạc bài thơ "Vì tôi là Linh mục" là ông đang viết Thánh ca. Hay cũng không ai có thể khẳng định 10 bài gọi là Thiền ca của ông là "thiền" một cách rốt ráo được khi còn tranh luận về thiền ý hàm chứa trong những câu, chữ trong nhạc của ông.

Như đã đề cập ở trên, thi sĩ Phạm Thiên Thư  đã có lúc giằng co giữa cái đẹp vô hạn và hữu hạn nhưng “dường như cái đẹp nào cũng cần thiết cả, vì nếu chúng ta không thấy được cái đẹp trong cõi thế hữu hạn này thì sẽ chẳng bao giờ ta thấy được giá trị của cái đẹp thiên thu vĩnh cửu cả .” (Thích Phước An)

"Ai biết mình tóc trắng

Vì yêu ngọn nến tàn

Rừng khuya bên bếp lạnh

Ngồi đợi gió sang canh"

        (Tuệ Sỹ)

Phải yêu ngọn nến sắp tàn, khi đang ngồi đợi gió sang canh cũng là tinh thần Thiền sống hết mình với từng sát na của hiện tại. Như Ryokan đã  nhập thế  với pháp một cách hồn nhiên , không băn khoăn , như Bùi Giáng ngao du ngày tháng dù không ít lần hoài nghi về cái tôi giữa cuộc đời

Hỏi người, người ở quê đâu ?

Hỏi tôi, tôi chẳng biết tôi chốn nào?

Để hôm nay chúng ta lại lạm bàn về thơ thiền, thiền tính trong thơ hay cũng chỉ là

Đi vào giữa cuộc thi phi

Nửa tam bành với nửa nghi vấn về

 (Bùi Giáng)

Để rồi cuối cùng cũng chỉ là :

Que diêm que lửa que lời

Cõi trăm năm cũng một lời ba que

 (Bùi Giáng)

Thôi thì, hãy vui mà tha thứ cho nhau vì ngôn ngữ nói cho cùng vẫn bất lực trước những điều bất khả tư nghì của bản lai diện mục

Trần gian trên đất dưới trời

Một lời là một không lời nói ra

(Bùi Giáng)

 

 


 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay