Đạo Phật và dòng sử Việt
HT Thích Đức Nhuận
Trường A Hàm
Tuệ Sỹ dịch và chú
Triết học Thế Thân
Lê Mạnh Thát
  
 
   
 
 
Hoằng truyền Phật đạo trong xu thế văn hóa Thời đại
Trần Quang Thuận
Cập nhật: 09:56:00 05/10/2008

HOẰNG TRUYỀN PHẬT ĐẠO

TRONG XU THẾ VĂN HÓA THỜI ĐẠI

 

GS. Trần Quang Thuận

 

Trước khi đi vào đề tài HOẰNG TRUYỀN PHẬT ĐẠO TRONG XU THẾ VĂN HÓA THỜI ĐẠI, chúng ta thử cố gắng tìm hiểu trong diễn trình phát triển Phật giáo, Đức Phật lúc đầu tiên khai đạo, các bậc Thánh Tăng, chư Tổ thừa kế sự nghiệp hoằng hoá, trong từng bối cảnh văn hoá, trong từng xu thế thời đại đã ứng dụng phương tiện thiện xảo như thế nào, hòng giúp chúng ta một ít kinh nghiệm trong nhiệm vị duy trì và phát huy ánh sáng Ðạo.

Nghiên cứu lộ trình phát triển Phật giáo, các học giả Trung Hoa chia làm năm Thời kỳ, gọi là Ngũ Thời Thuyết giáo. Chư Tổ dựa vào tín tâm và thành quả chia làm ba Thời kỳ, gọi là Chánh Pháp, Tượng Pháp và Mạt Pháp. Ở đây chúng tôi căn cứ vào bối cảnh lịch sử, địa dư, phát triển tông phái chia làm bốn Thời kỳ:

 

I.                         THỜI KỲ  PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY, từ ngày Phật thành đạo, giảng bài pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển cho đến Ðại hội Kết tập II, 100 năm sau Phật nhập diệt.

II.                       THỜI KỲ  PHẬT GIÁO BỘ PHÁI, từ Ðại hội Kết tập II đến Ðại hội Kết tập III. 200 năm sau Phật nhập diệt.

III.                    THỜI KỲ  PHẬT GIÁO ÐẠI THỪA, từ sau Ðại hội Kết tập III đến cuối thế kỷ thứ 12.

IV.                    THỜI KỲ  PHẬT GIÁO SUY THOÁI và PHỤC HƯNG, từ thế kỷ 13 đến nay.

 

I. THỜI KỲ PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

 

Trên phương diện địa dư ở Thời kỳ I, Ấn Ðộ không phải là một quốc gia thống nhất mà gồm nhiều quốc gia lớn nhỏ khác nhau, có quốc gia theo thể chế quân chủ gọi là  Janapada như Anga, Magadha, Kosala, Kasi, Avanti, v.v… 16 nước; có những quốc gia theo thể chế dân chủ gọi là  Gana-Sangha như Kapilavastu, Vaisali, Malla, Kesaputta, v.v… 10 nước. Phật giáo vào Thời kỳ này đóng khung trong đồng bằng sông Hằng. Trên phương diện văn hoá, văn minh Harappa, Mohenjo-daro, văn hoá Bà-la môn ngự trị cho đến khi Phật ra đời khai truyền chánh pháp. Tư tưởng, nghi lễ, giai cấp xã hội chịu ảnh hưởng Vệ Ðà (Vedas), Phạm Thư (Brahmanas), Áo Nghĩa Thư (Upanishads), sáu phái ngoại đạo, sáu phái triết học. Phương thức hoằng truyền của Phật và hàng Thánh Chúng vào Thời kỳ này: Dung hợp, trực tiếp, dung dị, cưu mang. Những lời thuyết pháp của Phật đều trực tiếp, minh bạch, thân tình, dễ hiểu, không khúc mắc, không bí ẩn. Mục đích Phật nói pháp không nhằm việc trao truyền trí thức cho hàng đệ tử, không bắt họ cố thủ giáo điều. Mục đích chính của Phật là chuyển mê khai ngộ.

 

Ðại tạng Pali cũng như Sanskrit đều nói sau ngày Phật thành đạo tại Bồ đề Đạo tràng, Phật lưỡng lự không biết có nên rải truyền đạo pháp hay không vì dân chúng Ấn Ðộ lúc bấy giờ lún sâu vào truyền thống Bà-la môn, không thuận lợi tiếp nhận đạo lý “ngược giòng sinh tử”. Phạm Thiên, một vị thần tối cao của Bà-la môn giáo xuất hiện thỉnh cầu Phật thuyết pháp. Phật chấp thuận lời thỉnh cầu, đến vườn Lộc Uyển giảng bài pháp đầu tiên, Kinh Chuyển Pháp Luân cho 5 Anh Em Kiều Trần Như, khai triển giáo nghĩa Trung đạo.

 

Khi thấy đệ tử có đủ khả năng và tư cách hoằng truyền đạo pháp, Phật gửi 60 đệ tử đầu tiên đi khắp nơi hoằng hoá với lời căn dặn: “Chúng ta là những con người giải thoát, không bị ràng buộc vào bất kỳ một cái gì. Các con có thể rời Lộc Uyển, mang ánh sáng của đạo giác ngộ đến tận hang cùng ngõ hẽm. Các con không đi cùng một ngả, đem đạo lý giải thoát dạy cho mọi người, nền đạo lý đẹp đẽ từ đầu cho đến cuối, từ hình thức đến nôi dung…”.

 

Một hôm Phật đến Kesaputta, thị trấn của sắc dân Kalama. Dân chúng hay tin đến thăm  và cho Phật biết có nhiều đạo sĩ đã đến đó giảng đạo, người nào cũng nói giáo lý mình cao siêu hơn hết, làm cho dân chúng hoang mang không biết tin vào ai. Phật dạy: “Ðừng vội tin vào một điều gì dù được ghi trong kinh điển, dù được bậc thầy danh tiếng giảng dạy mà chỉ chấp thuận nếu thấy hợp lý, nếu đem ra thực hành có lợi cho mình, cho người, hiện tại cũng như tương lai…”

 

Khi Phật về Ca Tỳ La Vệ thăm phụ vương, Ma Ha Bà Xa Bà Ðề, Da Du Ðà La và nhiều phụ nữ dòng họ Sakya muốn xuất gia, nhưng Phật không chấp thuận. A Nan hỏi Phật: “Vì lý do gì mà Phật không cho phép phụ nữ làm khất sĩ (Parivraja)? Phải chăng Phật cũng như Bà la môn cho giai cấp Thủ Ðà La (Sudra) và phụ nữ thấp kém, ô uế, không thể giải thoát?” Phật dạy: “A Nan, đừng hiểu lầm Phật! Phật xem phụ nữ cũng như nam giới đầy đủ khả năng chứng đắc niết bàn. Phật không chấp nhận hàng phụ nữ làm khất sĩ vì nếp sống của người xuất gia không nhà, không cửa, nay đây mai đó, có khi sống trong bãi tha ma, trong hang động, không an toàn cho nữ giới. Tuy nhiên nếu di mẫu Ma Ha Bà Xa Bà Ðề, Da Du Ðà La, nói chung giới phụ nữ chấp thuận 8 điều kiện thì Phật cho phép họ làm khất sĩ.” Tám điều kiện ấy là Bát Kỉnh Pháp, mục đích cốt để bảo đảm an toàn cho nữ giới, phần khác đáp ứng nhu cầu văn hoá thời đại.

 

Một hôm Phật cư trú trên núi Calika, thị giả Meghiga thổ lộ với Phật, theo lời Phật dạy, hàng đệ tử dành nhiều thì giờ sống một mình để hành trì thiền quán, nhưng vì sống một mình nên đôi khi tư tưởng hỗn tạp, ái dục phát sinh. Phật dạy, sống một mình không có nghĩa là sống không có đạo bạn. Người khất sĩ cần thiện hữu trí thức để sách tấn, để có cơ hội học hỏi.

 

Những dữ kiện trên: Phạm Thiên thỉnh cầu Phật thuyết pháp, Phật giảng  kinh Chuyển Pháp Luân cho 5 ông Kiều Trần Như, khai triển giáo nghĩa Trung đạo, Phật gửi 60 đệ tử đi khắp nơi hoằng đạo, lời dạy của Phật tại thị trấn Kesaputta, lời giải thích của Phật về Bát Kính Pháp, lời dạy của Phật về nếp sống đơn độc của chư Tăng trong hang động cho chúng ta thấy:

 

1.      Ðể trấn an dân chúng Ấn Ðộ, việc giảng truyền đạo pháp của Phật là do Phạm Thiên thỉnh cầu, không áp đặt, không bắt buộc. Một vị thần Bà-la môn trong tư thế này đã trở thành một vị hộ pháp.

2.      Năm ông Kiều Trần Như là những người đã quyết tâm đi tìm đạo cả, có khả năng thâu nhận bài pháp đầu tiên của Phật.

3.      Bánh xe chuyển pháp luân là biểu tượng của thần Vishnu ngồi trên xe phun lửa dẹp tan mọi u ám, san bằng mọi trở ngại, không khác giáo lý Phật.

4.      Giáo lý Trung đạo là giải đáp thỏa đáng cho xu thế văn hoá thời đại.

5.      Giáo lý Phật vượt mọi ràng buộc tôn giáo truyền thống đương thời. Chủ trương của Phật là giáo hoá chúng sanh, lợi tha chứ không phải tự lợi.

6.      Pháp môn có nhiều, không nên dẫm chân nhau, không đối nghịch nhau. Giáo pháp Phật lợi ích mọi thời, mọi xứ, hoàn mỹ về hình thức cũng như nội dung. Không câu nệ hình thức mà chú trọng nội dung.

7.      Giới luật Phật, ngay cả Bát Kỉnh Pháp là những biện pháp giải quyết vấn đề thực tế, giúp tiến tu, có giá trị giải đáp xu thế thời đại, không phải là chân lý bất di, bất dịch.

8.      Chư Tăng dù sống một mình trong hang động, không có nghĩa hoàn toàn cách biệt nhau, mà phải thường xuyên tiếp xúc, phải có đạo bạn cùng nhau sách tấn tu học.

9.      Phương thức giáo hoá: trực tiếp, dung dị, cưu mang, thân thiện, cởi mở.

 

I. THỜI KỲ THỜI PHẬT GIÁO BỘ PHÁI

 

Kosala Năm 490. TCN, 7 năm trước khi Phật nhập niết bàn, A Xà Thế giết vua cha, soán ngôi, phát khởi chiến tranh chiếm Kosal, Vaisali… bành trướng lãnh thổ. A Xà Thế trước theo Ðề Bà Ðạt Ða, sau theo Phật, bảo trợ tổ chức Ðại hội Kết tập I tại Vương Xá thành.

 

Năm 413. TCN, đại thần Sisunàga giết vua Nagadasaka, hậu duệ của vua Tần Bà Ta La, thành lập vương triều Sisunàga, dời đô từ Vương Xá thành đến Vaisali, cai trị 18 năm (413-395.TCN). Vua Sisunàga chết, nhường ngôi lại cho con là Kàlasoka (395-367). Ðại hội Kết tập II được tổ chức tại Vaisali, dưới thời vua Kàlasoka, 100 năm sau Phật nhập diệt. Tại Ðại hội này Tăng già chia làm hai: Trưởng Lão Bộ và Ðại Chúng Bộ vì quan điểm bất đồng về giới luật.

 

Năm 329. TCN, Ðại đế Hy Lạp Alexander sau khi chiếm xong Ba Tư, xua quân qua đèo Hindukush tiến vào Ấn Ðộ, vượt sông Indus, muốn tiến tới vịnh Bengal nhưng quân lính không chịu, ông đành cho rút quân năm 325. Thừa thế, Chandragupta I (321-297 TCN), tổ phụ của vua Asoka, cho quân đánh tập hậu đạo quân rút  lui của Alexander, chiếm Hoa Thị thành (Pataliputra), kinh đô xứ Ma Kiệt Ðà, thành lập triều đại Maurya.

 

Asoka (268-232 TCN) lên ngôi năm 268 TCN, cai trị một đế quốc rộng lớn, thừa hưởng một gia tài văn hoá Ấn-Hy, yểm trợ Phật giáo tổ chức Ðại hội Kết tập III năm 250 TCN. Trong Ðại Hội này Luận Tạng được kết tập, Phật giáo bước vào giai đoạn cuối của Thời kỳ II, thời Phật giáo Bộ Phái, từ Ðại Chúng Bộ phát sinh 8 Phái, từ Trưởng Lão Bộ phát sinh 11 Phái. Trên phương diện địa dư, Phật giáo trở thành quốc giáo tại Ấn Ðộ rồi trở thành một tôn giáo hoàn vũ, truyền đến các nước vùng Cận Ðông, Ðông Á. Trên phương diện giáo lý, Phật giáo bước vào thời A Tỳ Ðàm (Abhidhamma), mọi vấn đề đều được định nghĩa, phân loại, rồi từ đó đứng trên lập trường, góc độ khác nhau để thuyết minh Phật lý, thời Phân Tâm học Phật giáo phát triển mạnh. Trên phương diện văn hoá, Phật giáo tiếp xúc với nhiều nền văn hoá mới, đặc biệt văn hoá Ba Tư và Hy Lạp.

 

Lộ trình phát triển Thời kỳ II, thời Phật giáo Bộ Phái được đánh dấu bằng:

 

1.      Phật giáo không còn đóng khung trong vùng Trung và Ðông Ấn mà lan tràn khắp Ấn Ðộ, đến các vương quốc Ấn Hy, lan tràn khắp thế giới.

2.      Ấn Ðộ không còn là những vương quốc nhỏ sau khi A Xà Thế thôn tính Kosala, Vaisali, khi Asoka biến Ấn Ðộ thành một đế quốc. Chiến tranh bành trướng lãnh thổ, nội biến thay đổi triều đại, đi lại khó khăn, liên lạc giữa Tăng già từ vùng này đến vùng khác không thuận lợi, nếp sống và phương pháp hành trì có phần thay đổi. Ðại hội Kết tập II tổ chức tại Vaisali, một quốc gia có truyền thống dân chủ, chư Tăng ở đây muốn tổ chức Tăng già được điều hành theo nguyên tắc dân chủ… Sau nhiều năm chinh chiến, nhân dân Ấn Ðộ được sống trong cảnh thanh bình, phồn vinh. Phật giáo được sự ủng hộ của vua Asoka bành trướng mạnh, địa bàn hoạt động rộng lớn, ảnh hưởng phong tục, tập quán địa phương làm cho Tăng già trước đây chia thành hai ở Ðại hội Kết tập II, bây giờ phân hoá thành 20.

3.      Ðoàn thể Tăng già tuy không có vị lãnh đạo tối cao, nhưng tại mỗi Yết ma (Chùa, đơn vị địa phương) có vị tôn túc chúng Tăng kính ngưỡng được mời làm Thủ Chúng, hướng dẫn chư Tăng tu học, hướng dẫn Bố tát. Không có định chế liên hệ giữa Yết ma này với Yết ma khác, không thường xuyên giao tiếp, khó khắc phục dị biệt.

4.      Hệ thống chuyên ngành trong văn học Phật giáo. Trước khi Tam Tạng Kinh điển được chép thành văn vào thế kỷ thứ nhất trước kỷ nguyên, lời dạy của Phật, Kinh cũng như Luật, được chư Tăng truyền miệng, học thuộc lòng. Ðể giúp trí nhớ, truyền thừa, chư Tăng theo năng khiếu, được chia thành từng nhóm, ngủ gần nhau, ăn gần nhau, chuyên trì từng phần Kinh, Luật và sau Luận. Nhóm này biệt lập với nhóm khác, dần dần xa cách nhau, chia thành bộ phái.

5.      Vây quanh các bậc thầy nổi danh. Hàng đệ tử theo năng khiếu, khả năng, sở trường, sở nguyện, tìm thầy có khả năng chuyên môn học tập, truyền thừa.

6.      Asoka lấy Phật giáo làm quốc giáo. Lần đầu tiên Phật giáo và quốc gia chính thức liên hệ mật thiết. Phật giáo khai triển tinh thần Chuyển Luân Vương xem như triết học chính trị Phật giáo. Quốc gia thống nhất dưới đế quốc Asoka, nhưng Phật giáo không thể thống nhất: Magadha và Vasaili vẫn chưa bỏ được truyền thống quân chủ và dân chủ của mình. Tăng già đứng ngoài chính trị, Phật giáo không có đội ngũ cán bộ chính trị do đó khi đế quốc Asoka sập đổ kéo luôn sự suy vong của Phật giáo.

7.      Phương thức hành trì của Tăng già có phần thay đổi, chuyên nghiên cứu Tam Tạng, đặc biệt Luận Tạng, ngành Phân Tâm học Phật giáo phát triển. Nếp sống Tăng già phần nào thay đổi. Chế độ tự viện bắt đầu xuất hiện, kèm theo hệ thống giai cấp Tăng lữ và sự cách biệt giữa Tăng già và Cư sĩ khi điều hành tự viện được phân công, phân nhiệm, khi tự viện có nhiều tài sản,

8.      Không đưa ra những phương thức mới có thể dung hoà dị biệt hay kỹ thuật dung hòa không được linh động ứng dụng vì quá câu nệ văn tự. Chấp trước hình thức, chấp chặt truyền thống làm cho tường thành Bộ Phái thêm kiên cố. (PG Kinh viện).

9.      Phật giáo Bộ Phái trở thành chủ nghĩa xuất gia, chủ trương chủ nghĩa Nhất Phật. Mẫu người lý tưởng Thời kỳ này là A La Hán.

 

II. THỜI KỲ THỜI KỲ  PHẬT GIÁO ÐẠI THỪA, từ sau Ðại hội Kết tập III đến cuối thế kỷ thứ 12.

 

Tại Ấn Ðộ sau khi vua Brihadratha, hậu duệ của Asoka bị tướng Bà La Môn Pushyamitra (183-147 tkn) ám sát soán ngôi, thành lập vương triều Sunga (183-71 tkn), Phật giáo không những bị chính quyền ngược đãi mà còn bị các giáo phái Bà La Môn tấn công tới tấp. Chư Tăng và cư sĩ xích gần lại với nhau để yểm trợ, nương tựa nhau và để đối phó với Bà La Môn giáo trên bình diện tư tưởng. Phật giáo Ðại Thừa xuất hiện. Môn Luận Lý Học Phật giáo phát triển. Ngoại xâm bùng nổ. Chính quyền Scytho-Parthia được thành hình, cai trị vùng tây bắc Ấn Ðộ vào đầu thế kỷ, bị Ðại Nhục Chi từ đồng cỏ Trung Quốc tấn công khiến dân Parthia (An Tức) và Saka phải di chuyển đến miền nam và miền tây, bành trướng thế lực đến Kabul, Kashmir, thành lập  vương quốc Kushana. Năm 78 Kanishana thừa kế ngai vàng, đem quân tiến vào Trung Ấn, chiếm Hoa Thị Thành, chinh phục Parthia (An Tức) của Ba Tư, chiếm lãnh thổ Sở Lạc (Kashgar), Xa Sa (Yarkand), Vu Ðiền (Khotan) của nhà Hậu Hán, đóng đô tại Bá Lộ Xa Thành (Purusapura) thuộc nước Gandhàra, trị vì một đế quốc rộng lớn. Kanishka được xem như Asoka thứ nhì của Ấn Ðộ. Ðại Hội Kết Tập IV được tổ chức dưới thời vua Kanishka.

 

Ấn Ðộ và Trung Quốc, Ấn Ðộ và Ðông Ðịa Trung Hải nối liền nhau nhờ đế quốc Kushana. Con đường tơ lụa nhộn nhịp khách buôn. Chữ Sanskrit được phổ cập tại các quốc gia chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn. Kiến trúc, hội họa, điêu khắc, thơ phú, kịch nghệ Phật giáo phát triển. Nghệ thuật Gandhàra trình bày các thần Hy Lạp cung kính đảnh lễ Phật. Hàng phú hộ đua nhau cúng dường bất động sản cho Giáo Hội khi khái niệm hồi hướng công đức được khai triển. Hoả Giáo, Cơ Ðốc Giáo đến Ấn Ðộ. Ấn Ðộ bước vào thời hoàng kim dưới triều Gupta (310-467).

 

Sau Ðại Hội kết Tập III, Thượng Tọa Bộ bành trướng mạnh tại Tích Lan. Rồi từ Tích Lan, Phật giáo Thượng Tọa Bộ truyền đến Thái Lan, Miến Ðiện, Cao Miên, Lào, loại bỏ ảnh hưởng Ðại Thừa, Kim Cang Thừa từ Ấn Ðộ truyền đến.

 

Ðại Thừa Phật giáo xuất hiện với những danh tăng  như Mã Minh, Long Thọ, v.v… đi vào diễn trình phát triển Phật giáo Thời kỳ III từ sau Ðại Hội kết Tập III đến cuối thế kỷ thứ 12, thời Phật giáo Nam Phương bành trướng tại Tích Lan, Thái Lan, Miến Ðiện, Cao Mên, Lào, khi Phật giáo Bắc Phương bành trướng tại Trung Quốc, Việt Nam, Mã Lai, Nam Dương, Ðại Hàn, Nhật Bản, Tây Tạng, Mông Cổ, khi Phật giáo Ấn Ðộ suy thoái qua nhiều thế kỷ bị quân Hồi tấn công, rồi tiến chiếm Ấn Ðộ, tiêu hủy Phật giáo.

 

Năm 467 trong cuộc thư hùng với quân Hung Nô, Skanda Gupta, vị vua cuối cùng của triều đại Gupta, tử trận. Quân Hung Nô tiến chiếm Bắc và Trung Ấn. Suốt hơn một thế kỷ Ấn Ðộ sống dưới ách nô lệ của Hung Nô. Phật giáo bị bức hại cho đến khi Harsha Vardhana (606-647), hậu duệ của giòng họ Gupta đứng lên dành lại chủ quyền, đem thanh bình thịnh trị trong vòng 42 năm. Theo Huyền Trang, vua Harsha nguyên tín đồ giáo phái Shiva sau theo Phật giáo, là một Phật tử thành khẩn, hàng năm tổ chức TRAI TĂNG CHẨN TẾ. Vào thời điểm này Bà La Môn Giáo cải cách, tiếm dụng tư tưởng Ðại Thừa Phật giáo để làm phong phú Tân Bà La Môn Giáo. Chư Tăng phải đương đầu với nhiều trào lưu văn hoá, tín ngưỡng mới, đặc biệt với Tân Bà La Môn Giáo, vừa uốn mình tiếp nhận văn hoá khác, vừa khai triển giáo lý cho phù hợp với trào lưu mới, thu dụng và chuyển hoá tư tưởng Du Già Ấn Ðộ do Patanjali khởi xướng vào khoảng năm 150 trước kỷ nguyên với hệ thống Du Già Phật giáo do ngài Vô Trước thành lập. Từ Du Già Phật giáo, hệ thống Mật Giáo phát sinh.

 

Vào cuối thế kỷ thứ 6, những vị tu chứng Mật Giáo đã trải qua và chiến thắng mọi thử thách tham, sân, si, đã thông đạt nguyên lý hoà hợp giữa tâm với cảnh. Thử thách tham, sân, si được thể hiện bằng những hình vẽ các ác thần hung bạo. Sự hòa hợp giữa tâm và cảnh được thể hiện bằng hình nam nữ dung hợp, bắt nguồn từ tư tưởng Shiva.

 

Vào thế kỷ thứ 7, Phật giáo Ấn Ðộ đã biến dạng, đã thu dụng vô số hình tượng, nghi qũy, lễ bái nhân gian. Vào thế kỷ thứ 10, Mật Thừa bành trướng tại Bắc Kinh, Kashmir, Nepal, trở thành Kim Cang Thừa với phương pháp hành trì Kàlacàkra. Vào thế kỷ thứ 12 khi quân Hồi xâm chiếm Ấn Ðộ, phá hủy tự viện, tiêu diệt Tăng sĩ, chư Tăng đến các nước láng giềng tị nạn và hoằng pháp, Ấn Ðộ vắng bóng Tăng già.

 

Chiến tranh, ly loạn ở miền Bắc, dân chúng di chuyển xuống miền Nam. Một số Bà La Môn đến định cư tại Tamilaham, tiếp tục duy trì truyền thống Vệ Ðà, dần dần được quốc vương địa phương kính nễ, yểm trợ vì sự uyên bác, đặc biệt khả năng liên lạc với thánh thần thiêng liêng, vô hình. Shankara, thế kỷ thứ 8-9, tác giả của nhiều bộ luận Vedanta, là một ngôi sao sáng của Bà La Môn Giáo lúc bấy giờ, một đối thủ hạng nặng của Phật giáo.

 

Mặc dầu hàng Bà La Môn thủ cựu lúc đầu không mấy hoan nghênh phong trào Bhaki chủ trương giải thoát không bằng trí tuệ mà bằng đức tin, bằng lời nguyện cầu, bằng tình yêu thương thần thánh, nhưng về sau thay đổi thái độ vì phong trào được dân chúng và quốc vương ủng hộ. Vào thế kỷ thứ 12, một giáo phái Bà La Môn mới, phái Lingayat xuất hiện, chủ trương cải cách xã hội, loại bỏ giai cấp, loại bỏ hàng rào giới tính, loại bỏ bất công. Một phong trào tín ngưỡng nhân gian khác khá phổ cập giữa quảng đại quần chúng: thờ thần làng, thần Ayannar, con cháu thần Shiva, mục đích củng cố hạ từng cơ sở. Nói tóm lại Bà La Môn Giáo trên đà phục hưng, rút tỉa kinh nghiệm quá khứ và bồi bổ giáo nghĩa bằng tư tưởng Phật giáo và Kỳ Na Giáo, không còn chủ trương nghi lễ rườm rà, không còn khắt khe về giai cấp, chủng tộc. Ðạo lý cho thánh thần có thể biến hiện làm thân người được sử dụng để hợp thức hoá thể chế chính trị, thần thánh hoá quốc vương. Cảm tình được dung hoà với lý trí. Thiền định được dung hợp với đức tin. Tín ngưỡng Bà La Môn không còn khô cứng mà uyển chuyển muôn hình.

 

Phật giáo và Kỳ Na Giáo tranh dành ảnh hưởng, tranh dành sự yểm trợ của dân chúng và đặc biệt của triều đình với Bà La Môn Giáo. Tại Tây Ấn nơi Kỳ Na Giáo phát triển mạnh nhờ hạng thương gia giàu có, hạng vua quan bảo trợ. Tuy số lượng đạo sĩ và tín đồ không đông mấy, nhưng đạo sĩ Kỳ Na Giáo phần đông là những người có học thức, được triều đình và hạng thượng lưu giúp đỡ. Phật giáo lần lần mất vị thế chỉ đạo. Sự suy thoái có vẻ chậm chạp từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 12, nhưng từ thế kỷ thứ 13. mức độ suy thoái rất mau chóng. Chư Tăng muốn Phật giáo đi vào lòng nhân gian, sử dụng một số tín ngưỡng nhân gian trong nỗ lực Phật hoá nhân gian, vô tình làm mất đi đặc tính của Phật giáo, để rồi Phật giáo bị nhân gian hoá, bị Tân Ấn Ðộ Giáo đồng hoá, biến Phật giáo thành một giáo phái Ấn Ðộ, trong đó đức Phật được xem như là hiện thân của thần Vishnu.

Xã hội nông nghiệp định cư là môi trường thuận lợi nhất cho sự phát triển của Phật giáo. Chư Tăng không phải là những người khai khẩn ruộng đất, trong khi người Bà La Môn có thể là kẻ định cư, có thể là kẻ khai khẩn đất hoang, có thể là kẻ tiền phong tái cấu trúc xã hội, có thể là kẻ xây dựng đế nghiệp. Trong một xã hội ly loạn, biến chuyển nhanh chóng như xã hội Ấn Ðộ từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 13, triết học chính trị Phật giáo quan niệm chính quyền là một khế ước giữa nhà cầm quyền và dân chúng –khái niệm Chuyển Luân Vương, Chakkhavatti- không cần sự chuẩn y của cấp Bề Trên, không cần Thiên Mệnh, không mấy hấp dẫn đối với giai cấp Sát Ðế Lợi mới. Hệ thống giai cấp của Bà La Môn Giáo đối với nhà cầm quyền là nền tảng của trật tự xã hội, trong khi tinh thần bình đẳng của Phật giáo không làm tăng vị thế của nhà cầm quyền... Phật giáo vào thời điểm này thật sự phải đương đầu với không biết bao nhiêu thử thách, bao nhiêu xu thế thời đại. Ðược sự yểm trợ của quốc vương Pala tại Ðông Ấn, Phật giáo có thể duy trì một thời gian, nhưng rồi khi quân Hồi tiến chiếm Ấn Ðộ, Phật giáo bị tiêu hủy.

 

Lộ trình phát triển Phật giáo Thời kỳ III tại Ấn Ðộ đầy kỳ hoa, dị thảo, thiên hình vạn trạng, bao nhiêu học thuyết, bao nhiêu phương thức hành trì của Phật giáo Bộ Phái, Phật giáo Ðại Thừa, Phật giáo Mật Thừa, Phật giáo Kim Cang Thừa, nói lên sức sống mãnh liệt của tiềm năng Phật giáo, nhưng rồi dần dần tàn rụi để trổi dậy  ở Phương Nam, Phương Bắc, Phương Ðông (Tích Lan, Trung Quốc, Tây Tạng). Lộ trình phương Nam tương đối hiền hoà, lộ trình phương Ðông hết sức ngoạn mục, lộ trình phương Bắc thì thật kỳ diệu.

 

Lộ trình Phương Ðông tại Trung Quốc thật hết sức ngoạn mục, vì ở đây một nền văn hoá cổ đã được xây dựng vững vàng qua nhiều triều đại Hạ, Thương, Chu, thời Xuân Thu Chiến Quốc, thời Tần, thời Hán, giờ đây bị Phật Hoá trong vòng 300 năm, từ thiên tử cho đến thứ dân qui ngưỡng Phật giáo. Phật giáo lúc ban đầu phải đương đầu với bốn thế lực: các gia đình thượng lưu cổ, các gia đình giàu có mới, hoạn quan và hàng trí thức nhân sĩ, phải vật lộn với một thứ ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt với chữ Sanscrit, phải đối đầu với quan niệm khác biệt về thời gian, không gian, gia đình, cá nhân, cộng đồng, tâm lý, hình nhi thượng... Các bậc thánh Tăng đã vận dụng phương tiện thiện xảo một cách tài tình. Khi tự viện trở nên quá phồn vinh, trở thành đại địa chủ, chư Tổ chủ trương: “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”. Khi quá chú trọng kinh văn, từ chương, chư Tổ chủ trương “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền”. Lộ trình thênh thang đầy hoa thơm cỏ lạ bị trở ngại vào thế kỷ thứ 11, khi Nho Giáo Cải Cách xuất hiện. Lý Học hay Tân Nho do Chu Ðôn Di (1017-1073), Trịnh Di (1033-1007), Trịnh Hạo (1032-1085), Vương An Thạch (1021-1086)… khai triển, lôi cuốn hàng trí thức Trung Hoa và dần dần quảng đại quần chúng trở về nền văn hoá truyền thống giống như Tân Bà La Môn Giáo bên Ấn Ðộ. Dưới triều Tống (960-1279) Phật giáo càng ngày càng bị văn hoá bản xứ vay mượn, tiếm dụng, khiến cho Phật giáo ngày càng bớt đi sắc thái linh hoạt, sống động.

 

Tóm lược xu thế văn hoá thời đại và biến chuyển nội bộ Thời kỳ III, thời Phật giáo Ðại Thừa, Mật Thừa, Kim Cang Thừa xuất hiện, thời Tân Bà La Môn Giáo, Tân Khổng Giáo ra đời:

 

Phật giáo tiếp xúc với những nền văn hoá xa lạ: Hy Lạp, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập, Hung Nô, Trung Hoa, Tây Tạng, văn minh Abraham… có khả năng dung hợp, phát triển đặc tính trong môi trường văn hoá mới. Nghệ thuật Gandhara: truyền đạt giáo lý không những bằng văn tự mà còn bằng hội họa, điêu khắc.

Chiến tranh, ly loạn: nội chiến, ngoại xâm giúp Tăng già và Cư Sĩ xích gần lại nhau để cùng bảo vệ, an ủi và đương đầu với Bà La Môn Giáo trên bình diện tư tưởng. Ðại Thừa Phật giáo xuất hiện.

Nông nghiệp, thương mãi phát triển giúp Phật giáo bành trướng qua khái niệm hồi hướng công đức. Ðể thăng bằng hoá việc tự viện có nhiều ruộng đất, vô tình biến thành đại điền chủ, Phật giáo chủ trương Nông Thiền, với câu châm ngôn Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực.

Nếp sống Tăng già thay đổi. Nhiệm vụ điều hành, bảo trì tự viện thêm phức tạp. Hệ thống giai cấp Tăng Lữ phát sinh.

Tân Bà La Môn Giáo, Tân Nho ra đời, không những cung cấp nhu cầu tâm linh cho quần chúng mà còn mô hình chính trị, kinh tế, xã hội. Bà La Môn Giáo chuyển biến: triết thuyết Vệ Ðà cung cấp nhu cầu lý trí; đúc tin thành khẩn Bhaki qua giáo phái Vishnu và Shiva; tín ngưỡng siêu việt qua hành trì Shakta. Phái Lingayat chủ trương san bằng bất công xã hội. Ấn Ðộ Giáo cải cách không chủ trương nghi lễ rườm rà, không khắt khe giai cấp chủng tộc.

Nữ thần xuất hiện. Tình yêu thần thánh được thể hiện trong điêu khắc, nói lên tính nhất thể giữa người và thánh thần, chống lại hàng rào giai cấp, thành kiến xã hội. Mật Thừa, Kim Cang Thừa xuất hiện.

Ðạo lý Ấn Ðộ Giáo quan niệm thần thánh có thể hoá thành thân người đã được sử dụng để hợp thức hoá thể chế chính trị, thần thánh hoá quốc vương. Quan niệm giai cấp của Ấn Ðộ Giáo được nhà cầm quyền thưởng thức xem đó là nền tảng trật tự xã hội. Người Bà La Môn  có thể vừa là kẻ định cư, vừa là kẻ khai khẩn đất hoang, vừa là kẻ tiền phong tái cấu trúc xã hội, xây dựng đế nghiệp.

Chính sách đồng hoá Phật giáo của Ấn Ðộ Giáo cải cách. Chính sách tiêu diệt Phật giáo của quân Hồi xâm lăng. Chính sách hoàn cầu hoá của văn minh Abraham.

Phật giáo đương đầu với nhiều thử thách đã cố gắng đối phó bằng cách canh tân tổ chức, nhân sự, khai triển Bồ Tát hạnh, dung hoà quan niệm nhập thế, xuất thế. Mẫu người lý tưởng ở Thời kỳ này là Bồ Tát.

 

Từ thế kỷ thứ 13 cho đến nay, tiến trình phát triển Thời kỳ IV, Phật giáo hầu như vắng bóng tại xứ Phật, hầu hết các nước theo Phật giáo đều là thuộc địa hay bán thuộc địa của các cường quốc Tây Phương. Phật giáo trên đà suy thoái. Trong đà suy thoái này, Phật giáo va chạm nền văn minh Abraham, cái nôi của Do Thái, Thiên Chúa, Tin Lành, Chính Thống, Hồi Giáo; cha đẻ của chủ thuyết Mác Lê, của chủ nghĩa tư bản bành trướng khắp nơi, ngự trị không những trời Âu mà lan tràn khắp thế giới. Năm 1923, giới trí thức Trung Hoa tổ chức hội thảo để tìm một giải pháp cho Trung Quốc. Các hội thảo viên lên diễn đàn với từ ngữ tôn giáo, hình nhi thượng bị tấn công nặng nề. Năm 1924, thi hào Tagore Ấn Ðộ, người được giải Nobel Văn Chương, đến thăm Trung Quốc, thuyết trình cái ưu việt của tư tưởng duy linh Á Châu so với tư tưởng duy vật Tây Phương không đem lại sự hào hứng và thiện cảm mấy. Tham dự viên cho ông là biểu tượng của tư tưởng thụ động tôn giáo Ðông Phương đã làm cho Ấn Ðộ bị ngoại bang đô hộ, đã khiến cho Trung Quốc thành một nước bán thuộc địa.

 

Phật giáo, một tôn giáo hoà bình đã tỏ ra bất lực trước sức mạnh của vũ khí và cuồng tín. Phật giáo không còn đất đứng tại Ấn Ðô, Mã Lai, Nam Dương, tất cả các nước vùng Trung Á sau thế kỷ thứ 12 và Phật giáo là công dân hạng hai ở tại các nước Á Châu theo Phật giáo bị Tây Phương cai trị. Nhưng khá nghịch lý, nhờ Tây Phương mà Phật giáo được phục hưng, bắt đầu từ cuối thế kỷ thứ 19, rồi truyền bá khắp thế giới. Phật giáo phát triển khá nhanh chóng tại Âu Châu, Úc Châu, Mỹ Châu, Phi Châu mặc dầu Phật giáo còn rất hạn chế trên phương diện nhân sự, tài chánh, kỹ thuật.

 

Vừa chập chững trên đà phục hưng Phật giáo phải đương đầu với xu thế văn hoá thời đại mới mà chưa được chuẩn bị đầy đủ. Văn minh Abraham trên lãnh vực tôn giáo, chủ thuyết chính trị, đường hướng kinh tế thay đổi bộ mặt quả địa cầu: những văn minh cổ ở Phi Châu, Úc Châu, Mỹ Châu, Trung Ðông, Trung Á, Á Châu thay đổi. Vào đầu thế kỷ 20, Phật giáo đứng đầu về nhân số trên thế giới. Ðến giữa thế kỷ, Phật giáo đứng hạng tư sau Cơ Ðốc Giáo, Hồi Giáo, Ấn Ðộ Giáo.

 

Chủ nghĩa vật chất, kỹ nghệ hoá, thành thị hoá, chuyên môn hoá, cách mạng tin học, dân số, di dân, thư lại ảnh hưởng đến các tổ chức tôn giáo, con người ngày càng cảm thấy cô đơn, tha hoá, cuộc sống vô ý nghĩa, thiếu định hướng. Phật giáo, một tôn giáo lấy việc cứu đời làm mục tiêu tối hậu hành xử như thế nào? Phật giáo muốn duy trì và phát triển trong bối cảnh văn hoá hiện tại, trong xu thế văn hoá thời đại phải chứng tỏ có khả năng cung cấp nhu cầu tâm linh, hướng dẫn dân chúng đầy khắc khoải, ước mơ và kỳ vọng. Mẫu người lý tưởng của Thời kỳ IV là anh hùng dân tộc, hoà mình vào nhịp sống nhân gian, thiên về xã hội. Ðức Phật ra đời chỉ vì muốn cứu chúng sanh ra khỏi biển khổ. Giáo lý của Ngài hướng vào con người. Trung tâm hành hoạt có thể là một thảo am, một hang động, một bãi tha ma, một khoảng rừng, một hòn núi, một cái chòi, một cái trại. Ðoàn truyền giáo không khác gì đoàn hành hương: thành khẩn, khám phá và thỏa mãn. Yếu tố thường hằng của đoàn hoằng truyền là lòng từ bi, là hạnh nguyện cứu đời, là sự kiên trì, là quyết tâm như được thể hiện trong ý chí của đại đức Punna xin Phật về nguyên quán giáo hoá cho dân chúng trên đảo Sunaparanta dù bị xua đuổi, mắng chửi, đánh đập, quăng đồ dơ hay bị giết.

 

IV THỜI KỲ  PHẬT GIÁO SUY THOÁI và PHỤC HƯNG, từ thế kỷ 13 đến nay.

 

Lộ trình phát triển Phật giáo Thời kỳ IV, thời hiện tại, được đánh dấu bằng:

 

Phật giáo đã tỏ ra bất lực trước sức mạnh và cuồng tín.

Ly loạn, biến thiên không phải là môi trường thuận lợi cho Phật giáo phát triển.

Chưa có những định chế hữu hiệu để khắc phục phân hoá.

Tiến bộ trên bình diện tư tưởng nhưng vẫn chưa cập nhật hoá trên bình diện điều hành, tổ chức, huấn luyện nhân sự, kiểm soát thành quả.

Xu thế quyền năng bị di tản, con người cảm thấy bất lực, trở nên lãnh đạm, thờ ơ, tức giận, phiền muộn, thụ động, chán chường.

Xu thế dị thể hỗn tạp do chiến tranh, di dân, thành thị hoá gây nên.

Xu thế đa nguyên làm cho con người thấy cuộc đời quá mênh mông không chỗ đứng, bơ vơ không ý nghĩa.

Xu thế chuyên môn hoá làm cho con người trở thành xa lạ, vô vọng trong cuộc sống tha hoá.

Mẫu người lý tưởng ở Thời kỳ này là anh hùng dân tộc.

Ðạo lý dung thông vô ngại, thuyết Trung Ðạo một thời chinh phục Ấn Ðộ, Trung Quốc là kim chỉ nam cho thế giới hiện nay.

 

“Ta là ai?” Ba chữ này đôi khi thốt ra do kinh ngạc, vì thất vọng, vì chán chường; đôi khi vì khám phá, ngỡ ngàng. Từ xưa đến nay, các thi sĩ, triết gia Ðông, Tây, đều tự hỏi như vậy, nói lên ước vọng tìm kiếm của con người về cá thể, về bản thân trong xu thế văn hoá quyền năng bị di tản.

 

1- Tìm kiếm bản thân.

 

Tìm kiếm bản thân là tìm kiếm là tìm kiếm cá thể, tìm kiếm cái gì đặc biệt của riêng mình. Nếu còn sống trên thế gian này, cá thể là điều quan trọng, vì từ đó danh dự, đạo đức, trung tín, thành khẩn, v.v... mới được xây dựng. Tìm giác ngộ, giải thoát là trở về với bản tánh thanh tịnh, bản lai diện mục, không phải tìm cái ta ảo ảnh. Tìm kiếm cá thể là tìm kiếm sự tự chủ, tìm kiếm tự do, độc lập, bản năng của mình, là tìm kiếm Phật tánh trong ta, tìm kiếm Phật trong ta. Ðó là sự tìm kiếm có trách nhiệm. Ðó là tìm kiếm chân tính chứ không phải cái bản ngã hẹp hòi. Tìm kiếm cá thể là tìm kiếm sự trọn vẹn của nó, bản thể nguyên lai của nó. Chúng ta luôn luôn cố xây dựng hệ thống giá trị cho chính mình. Mỗi chúng ta đều mong mỏi có sự ổn định (thanh tịnh) an lành. Mỗi chúng ta đều mong sống cuộc đời gương mẫu, thánh thiện.

 

Xu thế thời đại 1 : Quyền năng bị di tản.

Tại sao ta phải tìm kiếm bản thân ? Vì ta đang sống trong xu thế thời đại quyền năng bị di tản. Di tản quyền năng là diễn trình trong đó mọi liên quan đến vận mệnh con người bị tập trung ở cấp quốc gia hay quốc tế. Trước đây vào đầu thế kỷ 20, những quyết định liên quan đến đời sống và vận mệnh dân chúng được cá nhân hay cộng đồng địa phương lựa chọn, nhưng chỉ trong vòng mấy chục năm gần đây, phần nhiều những quyết định này không còn được cá nhân hay cộng đồng địa phương lựa chọn mà do tỉnh, vùng, trung ương rồi quốc tế quyết định, kết quả người ta không biết những quyết định ấy do ai lựa chọn và ở đâu lựa chọn.

 

Hậu quả 1: Diễn trình tập trung quyền năng.

Hậu quả đầu tiên của di tản quyền năng là diễn trình tập trung quyền năng. Khi mà quyền quyết định lọt vào cấp quốc gia và quốc tế, khi mà hệ thống hành chánh được ổn định, sẽ đi đến quyền hành tập trung. Thư lại phát sinh thư lại để rồi cả hệ thống hàh chánh sẽ tăng theo chiều lũy tiến. Mức độ thư lại tăng nhanh bao nhiêu thì mức độ tập trung quyền hành càng mạnh bấy nhiêu.

 

Hậu quả 2: Cảm nhận bất lực. Quyền năng càng tập trung, thư lại càng mạnh bao nhiêu thì dân chúng càng cảm thấy bất lực bấy nhiêu. Hệ thống thư lại, thái độ quan liêu không những ở trong các tổ chức thế tục mà ngay trong các tổ chức tôn giáo.

 

Hậu quả 3: Thái độ lãnh đạm, hờ hững. Họ cảm thấy dù cố gắng mấy chăng nữa cũng chẳng đi đến đâu, do đó họ không mấy hăng say, họ thờ ơ lãnh đạm.

Hậu quả 4: Tức giận, phiền muộn. Đôi khi ta thấy trong những phiên họp của các hội đồng điều hành hay hội đồng quản trị có những lời phê bình nặng nhẹ, có những tức bực nhỏ nhoi, đó là hậu quả của di tản quyền năng. Trong các tổ chức tôn giáo đôi khi tín hữu tỏ ra tức giận hay phiền muộn là vì họ muốn được săn sóc, được chú tâm, chứ không phải để guồng máy đè nát họ.

 

Hậu quả 5: Thụ động, một im lặng chán chường cho số phận của mình.

 

Hậu quả 6: Đòi hỏi quyền năng. Sau một thời gian thụ động, nguời ta muốn lật nguợc thế cờ, đây là hậu quả thứ sáu, đòi hỏi quyền năng, đòi hỏi kiểm soát, quyền quyết định liên quan đến đời sống, vận mệnh của mình.

Chúng ta đang đứng trước ngả ba đường. Hàng nghìn hàng vạn người gần như tiến tới vực vô vọng. Vì vậy nhà lãnh đạo hoằng truyền có trách nhiệm giúp tìm kiếm bản thân; giúp tái khám phá quyền năng trong đời sống, trong gia đình, học đường, trong tổ chức chính trị, nếp sống cộng đồng, giải trí, tôn giáo.

 

2- Tìm kiếm cộng đồng.

Nhiệm vụ thứ hai của nhà lãnh đạo hoằng truyền trong đời sống con người –mà tôi gọi là chuyến hành hương của cuộc đời, vì trong đời sống con người khám phá nhiều mới lạ, trong đời sống con người tràn đầy hy vọng- là tìm kiếm cộng đồng, là tạo dựng cộng đồng mới, sống hòa hợp với nhau, đùm bọc nhau, công bằng bác ái, là kiến tạo Phật quốc.

Ta liên hệ với ai, thân thuộc với người nào, với cộng đồng, bà con lối xóm nào? Tìm kiếm cộng đồng là tìm kiếm gốc rễ của mình, là tìm kiếm nơi chốn, nơi thân thuộc, tìm kiếm sự san sẻ nỗi vui buồn, tìm kiếm sự săn sóc nhau, tìm kiếm gia đình, bạn bè thân thuộc. Tìm kiếm gốc rễ là tìm kiếm di sản, tìm kiếm lịch sử khi mà những đoàn thể căn bản ngày càng bị tiêu diệt. Tiểu gia đình tan vỡ. Đại gia đình chỉ còn vang bóng một thời. Nhiều người muốn tìm hiểu ông cha, giòng họ, gia phả, bà con, họ hàng xa, không phải là thú vui tiêu khiển mà thật sự họ muốn tìm cái gốc gác của mình để bám lấy, để thấy mình không phải cô đơn giữa cuộc đời này. Tìm kiếm gốc rễ là kiếm tìm sự nối tiếp, trường cửu trong chuyến hành hương của cuộc đời. Sự hiện hữu của chúng ta không phải là những tia chớp trong không gian vô tận. Tìm kiếm gốc rễ là kiếm tìm sự tham gia trong cộng đồng có tương lai cũng như quá khứ chứ không phải chỉ hiện tại. Chúng ta là chứng nhân của giòng đời đang tiếp tục trôi.

 

Tìm kiếm nơi chốn là kiếm tìm một chỗ đứng trong không gian, giữa sự di tản của thời đại. Kiếm tìm sự thân thuộc là tìm kiếm một gia đình, bằng hữu trong cuộc đời phân tán, là kiếm tìm láng giềng huyết thống, láng giềng xã hội, láng giềng liên hệ, láng giềng địa dư. Kiếm tìm cộng đồng là kiếm tìm sự san sẻ vui buồn của cuộc sống, là kiếm tìm sự cưu mang, săn sóc, trong xu thế văn hoá tha hoá, cô đơn của cuộc đời.

Trong cuốn Our Town, Thorton Wilder tả đời sống đầm ấm của George và Emily trong một gia đình thân thuộc, với cha mẹ, bà con, họ hàng, làng xóm thân yêu, đùm bọc lẫn nhau. Họ sinh ra đời, lớn lên, gặp nhau, yêu nhau, lập gia đình. Nhà họ ở gần đường rầy xe lửa và cứ mỗi buổi tối vào lúc 11 giờ chuyến tàu cuối cùng đều đều chạy ngang qua. Cuộc sống thanh thản ấy kéo dài năm này qua năm khác, nhưng rồi chẳng may Emily qua đời lúc sinh con. Cô ta sau khi chết được biết, nếu cô muốn, cô có thể trở lại trần thế một ngày để nhìn lại gia đình của cô sau khi cô qua đời. Cô trở về nhà sau 12 năm âm dương cách biệt. Giờ đây tình trạng kinh tế thay đổi, đời sống gia đình không còn êm ấm đều đặn như trước. Người nhà bận rộn đến nỗi dù sống chung dưới một mái nhà cũng không có thì giờ để trò chuyện với nhau. Quá tuyệt vọng cô la lên: “Mẹ, Mẹ để dành cho con một phút thực sự Mẹ nhìn thấy con… chỉ một phút thôi để con cảm thấy gia đình mình đoàn tụ, gia đình mình hạnh phúc. Hãy cùng nhìn mặt nhau một phút thôi!...”

 

Xu thế thời đại 2: Dị thể hỗn tạp.

Trong tìm kiếm cộng đồng hiện nay ta phải đương đầu với xu thế dị thể hỗn tạp phát xuất khi mức độ di chuyển dân số ngày càng tăng làm cho dân chúng bất thăng bằng so với đặc tính văn hóa đồng nhất của xã hội nông nghiệp thế kỷ thứ 19.

 

Ngôi chùa hiện tại phản ảnh phần nào văn hoá dị thể hỗn tạp. Đặc tính của ngôi chùa xưa, ngôi chùa của đại gia đình dần dần biến mất trừ những ngôi chùa làng xa xuôi hẻo lánh. Ngôi chùa hiện tại là nơi tập họp của nhiều tập thể văn hoá phụ, của những gia đình riêng rẽ với sợi giây cộng đồng rất mong manh thắt chặt họ lại. Thêm vào đó những chương trình hoạt động nhằm vào các nhóm nhỏ làm cho xu thế dị thể hỗn tạp bành trướng mạnh. Trước đây vào Thời kỳ nông nghiệp, khi kỹ nghệ chưa phát triển, khi thành thị hoá chưa phổ cập, khi không có chiến tranh, không có di dân hay sự di chuyển của dân rất ít, ngôi chùa là của cộng đồng địa phương. Chúng ta đang sống trong xu thế văn hoá dị thể hỗn tạp, hậu quả của di dân, của kỹ nghệ hoá, thành thị hoá và chuyên môn hoá. Cộng đồng phân hoá, tinh thần cộng đồng dần dần biến mất. Con người dần dần sống trong ốc đảo, trong gia đình đơn chiếc. Vì vậy chùa, nhà lãnh đạo hoằng truyền phải cố gắng tái tạo những cộng đồng mới với tinh thần dung hợp, toàn diện, cưu mang và công bằng.

Ngôi chùa của chúng ta, nhà lãnh đạo hoằng truyền có cung cấp những yếu tố khẩn thiết trên?

 

3- Tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời.

Nhiệm vụ thứ ba của nhà lãnh đạo hoằng truyền là xây dựng một hướng đi mới, với mục tiêu đặc biệt có thể cùng nhau san sẻ: Chúng ta là ai? Cuộc sống chúng ta có ý nghĩa gì? Hạnh nguyện chính của chúng ta là hạnh nguyện gì? Sứ mệnh của chúng ta đối với nhân loại là sứ mệnh gì? Mục đích của đời người là gì?

 

Ở đây nhiệm vụ của chúng ta là tìm niết bàn trong sinh tử. Vui cái vui của thiên hạ và buồn cái buồn của thiên hạ. Kiếm tìm ý nghĩa của cuộc đời là kiếm tìm giá trị, mục tiêu trong đời sống hàng ngày. Không ai muốn đời mình vô giá trị hay trống rỗng. Họ muốn khi về chiều cảm thấy mình đã sống có ý nghĩa, đã đóng góp phần nào trong cuộc sống. Con người lo sợ nhất về cái chết là sự chết dần dần, âm thầm, lặng lẽ, vô nghĩa, trống rỗng. Chúng ta cố gắng thoát ngoài vòng sinh tử luân hồi, trong khi chờ đợi đến Thời kỳ đó, chúng ta phải sống làm sao cho có ý nghĩa với gia đình, bạn bè, cộng đồng, quốc gia. Đa số chúng ta cần sự giúp đỡ để có thể khám phá ra ý nghĩa của cuộc đời. Chúng ta cần ngọn đèn chánh pháp, không phải trong hệ thống tư duy sâu thẳm, lý thuyết rườm rà mà trong ánh sáng đạo đơn thuần mà ấm áp, dung dị mà cưu mang. Con đường chúng ta đi tuy không thênh thang sáng chói, nhà của chúng ta ở tuy không lộng lẫy, cao sang nhưng là con đường mòn quen thuộc, nhưng là mái nhà tranh ấm cúng, thân tình.

 

Xu thế văn hoá thời đại 3: Đa nguyên.

Xu thế văn hoá thời đại thứ ba là đa nguyên. Tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời hiện nay ta phải đương đầu với xu thế đa nguyên, trong nền văn minh kỹ thuật, văn minh hành tinh hệ. Chúng ta nhìn thế giới như là quả địa cầu. Con cháu chúng ta nhìn thế giới như là giải ngân hà. Chúng ta nhìn vũ trụ thấy đại dương tinh tú trùng trùng điệp điệp. Thế giới ngày nay nhỏ lại và do đó ý nghĩa của cuộc đời không còn đóng khung trong một phạm vi nhỏ hẹp. Quả địa cầu chỉ là một hạt cát trong giải ngân hà, trong vũ trụ thăm thẳm, bao la, tam thiên đại thiên thế giới. Đạo lý “Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất” đưọc thể hiện như thế nào trong cuộc sống, trong chuyến hành hương của đời người? Thuyết trùng trùng duyên khởi giúp gì cho cuộc kiếm tìm ý nghĩa của cuộc đời trong xu thế văn hoá đa nguyên thời đại?

 

4- Kiếm tìm hy vọng.

Chúng ta đang đi về đâu? Chúng ta muốn xây dựng tương lai như thế nào? Sự kiếm tìm thứ tư trong chuyến hành hương của cuộc đời là kiếm tìm hy vọng. Hy vọng mạnh hơn hoài niệm. Tước đi hoài niệm, con người cảm thấy lo ngại. Tước đi hy vọng con người cảm thấy hốt hoảng. Tôn giáo là cội nguồn của hy vọng. Nếu tôn giáo không thoả mãn nhu cầu này, cuộc đời thật sự trống rỗng, cô đơn. Cuộc kiếm tìm hy vọng là cuộc kiếm tìm sinh tử, cấp bách. Có cách nào kiếm tìm Tịnh Độ trong kiếp sống Ta Bà? Vô lẽ nó là cái bánh vẽ? Trong Kinh Duy Ma Cật, Phẩm Quốc Độ Phật, có đoạn Phật dạy: “Tùy sự thành tựu chúng sinh mà quốc độ Phật thanh tịnh… nếu BồTát muốn quốc độ thanh tịnh, hãy làm thanh tịnh tự tâm. Tâm tịnh thì Phật độ tịnh.” Thể hiện lời Phật dạy vào cuộc đời, vào sự tìm cầu hy vọng như thế nào?

 

Xu thế văn hoá thời đại 4: Chuyên môn hoá.

Xu thế văn hoá thời đại thứ tư là chuyên môn hoá, đưa lại nhiều hậu quả tai hại nhưng cũng là cơ hội thuận lợi cho kiếm tìm hy vọng. Ta hãy lấy giáo dục làm thí dụ điển hình. Trước đây ít người được đi học. Những gia đình giàu có mời thầy về dạy học cho con cái. Sau đó trong làng có một lớp học, nhiều em học trong một căn phòng nhỏ, thường thường đến cấp Sơ Học. Giờ đây ta có trường Mầm Non, Mẫu Giáo, Tiểu Học, Trung Học Đệ Nhất Cấp, Trung Học Đệ Nhị Cấp, Đại Học, Cao Học, Trường Chuyên Nghiệp, Trường Kỹ Thuật, v.v… Chuyên môn hoá cung cấp nhiều cơ hội xây dựng tương lai, giúp kiếm tìm hy vọng.

 

Hậu quả 1: Phân cách và tha hoá.

Chuyên môn hoá cung cấp nhiều cơ hội nhưng cũng mang lại nhiều hậu quả tai hại. Hậu quả đầu tiên của xã hội chuyên môn hoá là đóng khung văn hoá thành những lãnh vực riêng biệt, cuối cùng dẫn đến sự cô lập, tha hoá giữa lãnh vực này với lãnh vực khác. Những lãnh vực khác nhau trong gia đình, giáo dục, kinh tế, chính trị, xã hội, tiêu khiển, tôn giáo (7 lãnh vực) vì chuyên môn hoá nên bị phân cách nhau. Lúc đầu không khác gì một hành tinh duy nhất, đến giai đoạn hai giống như Thái Dương Hệ, qua giai đoạn ba như Giải Ngân Hà và đến giai đoạn bốn trở thành 7 Giải Ngân Hà riêng biệt không liên hệ nhau tiến đến tình trạng tha hoá, mỗi lãnh vực hoạt động riêng rẽ mà xem như bao quát, rồi lãnh vực cạnh tranh lãnh vực, mỗi lãnh vực đòi hỏi sự trung thành, nhiệt tình, năng xuất, phát triển riêng của mình.

 

Hậu quả 2: Phân tán và hủy hoại nhân tính.

Chuyên môn hoá càng tiến xa sẽ đi đến phân hoá và hủy hoại nhân tính. Tìm kiếm cá nhân là tìm kiếm con người trọn vẹn. Càng phân tán bao nhiêu càng cảm thấy ít con người bấy nhiêu.

 

Hậu quả 3: Sự cô lập của Giáo Hội.

Hậu quả thứ ba của xã hội chuyên môn hoá là sự cô lập của Giáo Hội. Giáo Hội trở thành vùng biệt lập dành riêng cho hàng thiểu số. Giáo Hội xa lánh thế gian. Giáo Hội ruồng bỏ con người. Có người cho đây là một điều tốt vì đây là cơ hội thuận lợi nhất để duy trì sự thuần khiết của tôn giáo. Họ muốn xây dựng một văn hoá nhỏ trong lãnh vực tôn giáo, ở đây con người sống thung dung trong thành trì kiên cố của tôn giáo mặc cho thế sự sóng gió đảo điên. Giáo Hội trở thành trung tâm của đời sống con người thay vì Giáo Hội trong lòng người. Một số khác nhìn thấy sự biệt lập của Giáo Hội đi sai mục tiêu của Giáo Hội, chủ trương đi con đường khác. Thay vì rút ra khỏi thế gian đi sâu vào lãnh vực tôn giáo biệt lập, họ đem Giáo Hội đặt ở vị thế cao nhất, quan trọng nhất.

 

Hai mô hình trên, lãnh vực tôn giáo cô lập và lãnh vực tôn giáo đẳng cấp không phải là đáp số thoả đáng. Giải pháp thứ nhất trốn tránh thế gian. Giải pháp thứ hai hủy hoại Giáo Hội. Khi Giáo Hội là trên hết thì không còn là Giáo Hội nữa. Giáo Hội tồn tại là để phục vụ, để cứu độ. Giáo Hội là để hoằng truyền chứ không phải để đứng trên cao; phải nằm trong thế gian, chứ không phải trên thế gian. Hoa sen không mọc trên chỏm đá  mà sống dưới vũng bùn lầy. Viên ngọc trai không tìm thấy ở miền cát tinh khiết mà ở dưới đáy biển bùn dơ. Giáo Hội không phải là cứu cánh mà là phương tiện giúp người khám phá sự thoả mãn trong việc tìm kiếm cá nhân, cộng đồng, ý nghĩa và hy vọng. Phật vì đại sự nhân duyên mà xuất hiện giữa đời. Đại sự nhân duyên ấy không phải để ở trên mà để khai thị Phật tri kiến, chứng nhập Phật tri kiến, để giúp chúng sinh chuyển mê thành ngộ, chuyển phàm thành thánh. Đã đến lúc nhà lãnh đạo hoằng truyền xông pha trận mạc chứ không phải nấp mình trong khu biệt lập tôn giáo an toàn, không đứng trên cao nhìn xuống đám quần sinh đang lăn lộn, ngụp lặn trong cô đơn, vô vọng.

 

Ở Thời kỳ IV, thời đại của chúng ta, bốn kiếm tìm căn bản của đời người trong bốn xu thế văn hoá thời đại là những tương duyên rất quan trọng trong việc xây dựng nền tảng hoằng truyền, cho bản chất lãnh đạo. Lãnh đạo không dựa vào bối cảnh văn hoá, lịch sử không phải là lãnh đạo. Lãnh đạo không nhận rõ xu thế thời đại không phải là lãnh đạo. Lãnh đạo đứng ngoài xu thế thời đại là xây dựng điện đài trong hư không. Lãnh đạo đứng trên xu thế thời đại là hủy hoại Bồ Đề Tâm, huỷ hoại Phật Chủng.

 

Phương tiện dùng để chuyên chở chánh pháp tùy từng quốc độ, từng truyền thống văn hoá, lịch sử. Đó là phương tiện thiện xảo theo danh từ Phật học. Danh từ này nếu diễn đạt theo ngôn ngữ thời đại là khả năng đối thoại, hội nhập với các nền văn hoá, với các tôn giáo, với các trào lưu tư tưởng hiện hành. Phật giáo quan niệm mọi hiện tượng trên thế gian đều liên hệ mật thiết với nhau như chiếc võng của Phạm Thiên. Tư tưởng này cung cấp nền tảng luận lý cho việc đối thoại, đồng thời chuẩn bị trạng thái tâm lý chấp nhận thành quả hay hậu quả của sự đối thoại.

 

Ở đây chúng ta rút tỉa một bài học: Trong tiến trình phát triển, nếu sử dụng phương tiện thiện xảo tài ba thì tiến trình phát triển điều hoà, con đường phát triển đầy hoa thơm, cỏ lạ. Nói một cách khác, khả năng đối thoại khá thì sức phát triển nhanh. Khả năng đối thoại ở đây không chỉ hạn chế ở lời nói, ở tài hùng biện mà còn tác phong, nếp sống, phong thái, cách xử thế, trí tuệ, phương thức hành trì, cá nhân, tập thể, cách diễn đạt, cách tiếp nhận, dung nạp, hội nhập, tinh thần phóng khoáng, cách buông xả, lòng từ mẫn, rộng lượng, tha thứ, bao dung. Muốn cung cấp đầy đủ khả năng đối thoại, hay nói một cách khác nếu muốn có một nhà lãnh đạo hoằng truyền đầy đủ khả năng phải lưu tâm đến cách tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, thi hành, kiểm soát; phải có những định chế cần thiết để khuyến khích tăng trưởng quyết tâm thi hành sứ mệnh; phải đặc biệt nuôi dưỡng tâm Bồ Đề, cổ võ thi hành sứ mạng cứu đời. Chúng tôi sẽ trình bày những đề tài này vào những dịp khác.

 

Kính thưa qúy vị;

Cách đây ba tuần, tôi vào nhà thương để kiểm soát lại sức khoẻ. Trong khi chờ đợi bác sĩ, thấy tập báo The Costco Connection của cơ sở thương mại Costco. Tôi dở trang 11, mục Trade Secrets nói làm cách nào đối phó với khách hàng không mấy vui vẻ. Người phụ trách mục này và độc giả đưa ra đề nghị:

Phải có thái độ thành khẩn, cưu mang, quan tâm đến cảm nghĩ của khách hàng.

Hỏi khách hàng làm cách nào giải quyết vấn đề. Xin lỗi nếu sai, vui vẻ giải thích nếu đúng.

Cám ơn khách hàng sau khi giải quyết êm đẹp.

Đối với khách hàng không thỏa mãn, một cơ sở thương mại còn hướng dẫn nhân viên của họ như vậy. Với hạnh nguyện độ sinh, thấy chúng sinh khổ đau, thấy Phật tử bơ vơ, lạc lõng, hoang mang, không định hướng, bi lụy, thấy đời vô nghĩa, trống rỗng, các vị trưởng tử của Như Lai, các nhà lãnh đạo hoằng truyền xử sự như thế nào? Có cưu mang họ, đoái hoài đến số phận của họ? Giáo Hội hướng dẫn cấp thừa hành ra làm sao?

 

Trong Phẩm Chúc Lụy, Chương XIV, Chương Cuối Cùng của Kinh Duy Ma Cật, Phật tiên đoán sau này nhiều người thích Kinh Duy Ma Cật, học kinh, giảng kinh, vì lời kinh quá mỹ lệ, chứ không hành trì Kinh, nên Phật khi phó thác cho ngài Di Lặc hộ trì Kinh, hộ trì những người đọc tụng, diễn giải Kinh, lưu ý đến thành phần chỉ ưa văn từ hoa mỹ mà không hành trì Kinh: “Này Di Lặc, có hai dấu hiệu để nhận diện Bồ Tát: Thứ nhất, hạng Bồ Tát thích văn từ hoa mỹ và hạng thứ hai, cố gắng hội nhập diệu nghĩa thậm thâm…”. Không khéo phần đông chúng ta rơi vào thành phần thứ nhất, ưa văn từ hoa mỹ mà không chịu hành trì. Hay nói một cách khác, nói mà không làm. Bao nhiêu buổi hội thảo, bao nhiêu cuộc hội luận, diễn giả thao thao bất tuyệt, thính giả chăm chú nghe lời văn hoa mỹ, vui vẻ ra về. Ban tổ chức cảm thấy hài lòng, cảm thấy thành công trong nhiệm vụ hoằng pháp trong khi con người cô đơn vẫn cô đơn, vẫn bơ vơ trong chuyến hành hương tìm kiếm cá thể, tìm kiếm cộng đồng, tìm kiếm ý nghĩa, tìm kiếm hy vọng. Phải chăng Phật Pháp và Thế Gian Pháp không có cơ hội gặp gỡ?! Phải chăng đạo lý Bất Nhị chỉ là một mô hình Hình Nhi Thượng không thể thực hiện được?!

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay