NGƯỜI CHÈO ĐÒ NĂM XƯA
Lam Khê
Khi tôi trở lại quê nhà, thì chú Tư chèo đò không còn ở đó nữa. Bến đò ngang bên dòng sông nhỏ một thời tuổi thơ tôi thường qua lại đến trường, nay đã được thay thế bằng một cây cầu đúc chắc chắn. Cảnh vật đã thay đổi nhiều. Chút mảnh hồn quê vẫn còn đó, nhưng người tôi muốn tìm thì bặt vô âm tín.
Chú Tư chèo đò ngày ấy là một thanh niên chất phát lực lưỡng. Chú rất có hiếu lại vui vẻ thân thiện với mọi người. Vì vậy mà ai cũng yêu mến, nhất là bọn trẻ chúng tôi, vốn là khách hàng đi đò mỗi ngày nên được chú luôn quan tâm hỏi han giúp đỡ.
Tôi vẫn thường đi đò chịu của chú. Nhà tôi thuộc loại nghèo nhất xóm. Ba mất sớm. Mẹ tảo tần bữa có bữa không cũng ráng lo cho anh em tôi ăn học. Một hôm chú Tư kêu tôi lại bảo:
- Này Thanh, từ nay chú cho cháu quá giang đi học. Cháu đừng ngại, ráng học thành tài, để còn lo cho mẹ cho em.
Tôi biết chú thường chở đám học trò nghèo qua sông miễn phí, nhưng vẫn thấy ngại ngùng:
- Cháu đi hoài sao được. Nhà chú cũng nghèo. Chú còn phải lo cho bà.
- Ốí chào! Chú có lấy thêm tiền của một vài đứa như cháu cũng đâu có giàu hơn. Cũng là tình làng xóm quê hương với nhau cả, giúp ai được chút nào thì giúp cháu à! Cháu cứ lo học và sống cho thật tốt. Mai này lớn lên còn giúp ích cho xã hội.
…. Sau đó gia đình tôi theo người cậu trôi dạt về thành phố. Mãi bận rộn với chuyện cơm áo học hành, trải qua một thời gian lâu tôi mới có dịp trở về thăm quê. Nhưng bến đò xưa không còn; người chèo đò cũng thôi nghề đưa khách sang sông. Hỏi thăm thì làng xóm chỉ nói là từ ngày bà mẹ già mất đi, chú theo người bà con đi làm ăn xa, đâu tận miền đông lận. Còn chính xác như thế nào cũng không ai biết rõ lắm.
Tôi cũng chẳng biết thực hư thế nào. Sự náo nức của tôi khi nhìn thấy làng quê mình sung túc giàu có, dường như vẫn thiếu vắng một điều gì. Mỗi lần bước qua cây cầu mới, lòng tôi cứ bồi hồi nhớ lại khoảng trời xanh thuở trước. Tôi đã mắc nợ chú suốt quãng đời tuổi thơ trên những chuyến đò ngang. Không gặp được chú, tôi biết mình mãi mãi làm một kẻ đi tìm…
***
“Làng mình năm nay cúng Họ lớn lắm, cháu về nhé”.
Nhận bức điện tín của người bác ruột, tôi vội thu xếp trở về thăm quê lần nữa.
…… Suốt ngày mệt nhoài vì lo cúng kiến, lễ lạy. Vừa định đi nghỉ thì nghe bác dâu tôi nói: -Thanh à! Cháu đi lên chùa nghe pháp không? Có thầy ở thành phố về giảng hay lắm. Mà này, bác nghe nói thầy là người làng mình đó, hình như là chú Tư chèo đò ngày trước. Chú đã đi tu, làm tới Đại đức giảng sư gì lớn lắm ở thành phố. Nay mới trở về thăm quê…
Tôi vùng ngồi dậy, đi theo mấy người anh em họ lên chùa. Trời đã tối, ánh trăng rằm soi tỏ con đường quê ngoằn nghèo đầy cát bụi. Mùi hương ngọc lan thoang thoảng từ những ngôi nhà cổ. Tiếng ếch nhái kêu rang cả cánh đồng. Tiếng hò ru con dịu dàng trong đêm vắng. Một khung cảnh làng quê thân quen là vậy, nhưng tâm trí tôi cứ nghĩ ngợi đâu đâu. Chú Tư chèo đò đã bước sang một cuộc đời khác. Nếu vậy thì hay biết mấy. Có điều, không biết Người có còn nhớ đến thằng bé Thanh thường hay đi đò thiếu của chú ngày trước hay không?
Khi chúng tôi tới nơi thì giảng đường đã đông đặc những người. Chắc hẳn đây là lần đầu tiên có vị thầy về quê giảng đạo, nên ai cũng muốn đựơc nhìn được nghe người đồng hương của mình -Nay là một vị đại đức rất đạo hạnh uy nghiêm - nói chuyện. Vì đến trễ nên chúng tôi không thể vào được bên trong. Ngồi ngoài, tôi cố lắng nghe từng giọng nói, âm điệu của người…. vẫn là chất giọng miền quê chơn chất trầm ấm, nhưng lời lẽ thì đầy vẻ sâu lắng hùng hồn cứ làm cho tôi thấy ngờ ngợ. Sau bài pháp ngắn nói về đạo lý làm người, vị giảng sư bỗng nói trở nên thân tình hơn:
- Ở đây, quý vị lớn tuổi một chút chắc là đã biết tôi hết rồi. Tôi từng là người chèo đò nơi dòng sông này của hơn mười lăm năm về trước. Từ ngày rời xa quê hương, tôi gặp nhân duyên được xuất gia học đạo. Hôm nay tôi mới có dịp trở về thăm quê nhà. Thật là vui khi nhìn thấy xóm làng mình ngày càng phát triển. Và cũng thật cảm động với tấm lòng của quý vị đối với đứa con xa quê lâu ngày. Tôi về đây, trước là viếng thăm làng xóm bà con. Sau nữa, là mong muốn đem ánh sáng của đạo từ bi gội nhuần nơi mảnh đất mà mình từng chôn nhau cắt rốn. Những gì mà tôi góp nhặt, trau dồi học tập qua bao năm tầm sư học đạo, tôi sẽ hướng dẫn trao dồi cùng quý vị; để chúng ta cùng tu tập, hành trì. Ngày xưa tôi từng làm anh chèo đò đưa người vượt qua dòng sông đời ngắn ngủi, thì nay tôi cũng xin giữ vai trò của người lái đò để đưa mọi người vượt qua dòng sông sanh tử đến được bờ an vui giải thoát …
Thời thuyết pháp đã xong, mọi người kéo nhau ra về. Tiếng nói chuyện lao xao vang xa cả một vùng quê yên tịnh, ai cũng tỏ vẻ kính phục và mãn nguyện. Riêng tôi vẫn còn đứng chần chờ trước sân chùa. Bao nhiêu dự định muốn giải bày đã không cần thiết nữa. Người chèo đò đã vượt qua dòng sông sanh tử thì còn nghĩ gì đến món nợ ngày xưa. Chỉ có người mang nợ thì mãi ôm lòng khoắc khoải…
Có tiếng bước chân người đi đến. Tôi vội xoay qua định tránh sang một bên bỗng nghe tiếng gọi: -Phải Thanh đó không? Thầy về hôm rày cứ hỏi thăm con hoài, nay mới gặp. Nghe nói con học hành đã thành đạt, và đang làm việc ở thành phố phải không?
Tôi cúi đầu chào thầy, cất tiếng lí nhí, không biết là do run sợ hay vì quá xúc động:
- Dạ….. con cũng mấy lần trở về quê… mong gặp lại Chú… à…Thầy. Không ngờ Thầy đã trở thành một vị Thượng tọa. Cuộc đời đôi khi cũng lắm chuyện bất ngờ. Điều mà trước tiên… con muốn nói với thầy là…. về món nợ ngày xưa…
Thầy cười lớn. Nụ cười chứa đựng biết bao sự bao dung và cởi mở chân tình:
- Ừ cuộc đời vẫn luôn chứa đựng những điều bất ngờ như vậy đó con à! Nếu cùng đi trên một chuyến đò thì cuối cùng chúng ta sẽ gặp nhau thôi. Còn món nợ năm xưa. Nào có đáng gì mà con phải bận tâm. Món nợ ấy Thầy đã gởi lại cho con qua mấy lời nhắn nhủ. “Phải học cho tốt, để làm một con người tốt giúp ích cho gia đình, xã hội.” Hôm nay thầy trò mình có duyên gặp lại nhau nơi quê nhà. Thầy cũng chỉ ước mong con luôn giữ vững được điều đó. Sống cho xứng đáng một con người, trước khi muốn làm một những điều to lớn khác. Con đang làm việc ắt có điều kiện gần gũi với nhiều thành phần trong xã hội, thì phải biết giữ lòng mình cho trong sáng, chánh trực. Đừng để miếng mồi danh vọng bạc tiền làm lu mờ tâm trí…
Dòng sông đời vừa rẽ sóng. Người chèo đò đưa chúng sanh vượt qua dòng sông sanh tử đã trở về quê xưa, sưởi ấm xóm làng qua tâm tình của người đồng hương, chia sẻ cuộc sống bằng trái tim vị tha của bậc Bồ-tát. Tôi lại mắc nợ người thêm một lần nữa. Món nợ ân tình suốt bao nhiêu năm ôm ấp bên lòng vẫn chưa trả được. Khi đi ngang qua chiếc cầu có thấp thoáng bóng dáng màu áo vàng giải thoát, tôi chợt nhận ra là mình cũng vừa bước sang một trang đời mới. Từ phía bờ xa, con nước xuôi dòng đang quay về biển cả.
|