ĐƯỜNG LÊN NÚI CẤM
LAM KHÊ
Bốn giờ sáng,… đoàn “du khảo’’ xuất phát từ chùa Đông Lai tiến dần về vùng núi Cấm. Đoàn đi hai xe du lịch khoảng trên sáu mươi vị. Gồm có thầy chủ nhiệm, quý thầy giáo thọ, tăng ni sinh ba lớp Hán Nôm cùng với Phật tử. Hôm nay đã bước sang ngày thứ hai. Và là lộ trình chính của chuyến tham quan. Khi còn cách chân núi khoảng gần cây số thì mọi người bước xuống, bắt đầu một chuyến du hành… vượt núi băng ngàn.
Tôi đi theo phái đoàn có quý thầy giáo thọ dẫn đường. Trời tối tờ mờ và se lạnh. Lúc đầu ai nấy hăm hở bước nhanh trên những thềm đá thoai thoải bằng phẳng. Nhưng khi lên cao, đường đất hẹp lại khó đi với những dốc núi quanh co khúc khuỷu, những bục đá chênh vênh bám đầy rong rêu cỏ dại. Hai bên rừng cây chằng chịt các loại dây leo. Còn mấy tảng đá to đứng cheo leo bên hóc núi dường như cũng bị lung lay theo tiếng chân người dồn dập đi qua.
Đi chưa được bao xa... tôi đã thấm mệt, nên bị tụt lại khá xa. Cũng may còn số vị đi chậm hơn vừa bắt kịp liền cùng nhau nhập bọn. Những người đi “đoạn hậu” thì chẳng cần chi phải vội vã. Trên đường, đoàn chúng tôi cũng góp nhặt thêm vài thành viên nữa. Sau đó thì cả đoàn bắt đầu ca hát, chuyện trò rôm rã cho quên bớt đường dài và tận hưởng làn không khí trong lành của buổi sớm mai yên ả.
Đoàn leo núi khá lâu mà trời vẫn chưa sáng. Tôi nhìn lên ngút mắt cũng chẳng thấy tăm hơi bóng người, nhìn lại đằng sau thì chỉ nghe tiếng lá cây xào xạt qua làn sương đêm giăng kín mịt mù. Tìm được cây gậy trúc, rồi vừa thông thả bước đi, tôi vừa khe khẻ ngâm nga vài câu thơ. Thiên nhiên đối với tôi luôn là người bạn chí tình chí nghĩa. Có điều… lần đầu tiên leo lên ngọn núi cao hơn sáu cây số, mồ hôi ướt vã cả người, tôi chẳng còn mấy tâm sức để thưởng ngoạn cho hết bao vẻ đẹp nên thơ hùng vĩ giữa chốn đại ngàn.
Khi ánh ban mai vừa le lói thì chúng tôi mới lên được lưng chừng núi. Mọi người ghé vào một quán nước ngồi nghỉ và gọi cà phê điểm tâm. Tôi leo lên một tảng đá nhỏ, phóng tầm mắt nhìn quanh khắp chốn. Cảnh núi rừng buổi sáng sao mà lặng lẽ quá. Không một tiếng chim rừng ríu rít. Không cả một cơn gió nhẹ thoảng qua. Trong sự bình yên tĩnh mịch này, tôi bỗng nghe có tiếng róc rách của suối ngàn. Dòng suối từ trên đỉnh cao đổ xuống ở phía bên kia thung lũng, bị che chắn bởi rừng cây trước mặt nên tôi không trông thấy gì. Nhưng tiếng suối reo trong nắng sớm. Khung cảnh núi đồi huyền hoặc như sương khói khi gần khi xa…gợi cho lòng người biết bao là thi vị. Bất chợt đã làm cho tôi nhớ đến bài thơ cổ nổi tiếng:
“Bầu trời cảnh Bụt
Thú Hương Sơn ao ước bây lâu nay
Kìa non non nước mây mây
Đệ nhất động hỏi rằng đây có phải?
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lửng lờ khe yến cá nghe kinh
Thoảng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giật mình trong giất mộng
Này suối Giải Oan
Này non Phật Tích
Nhát trông lên ai khéo vẽ nên hình”
Ở đây nào phải là “Hương Sơn phong cảnh” của thi sĩ Chu Mạnh Trinh, nên làm gì có đệ nhất động. Cũng chẳng có “rừng Mai, khe Yến”. Không có cả “suối Giải Oan” cùng “Am Phật Tích”. Nhưng non nước mây trời và cảnh bụt thì chắc là không thể thiếu. Đoàn “du khảo” chúng tôi đang lần tìm về cảnh Phật. Nơi in dấu tích của các bậc tiền nhân đi khai sơn mở đất. Đến đây rồi mới thấy hết sự bạt ngàn của sông núi Quê hương. Đến đây mới thấm hiểu được muôn vàng sự khổ nhọc của người xưa. Những ngôi chùa mang tầm vóc qua các thời đại. Những ngôi đền thờ chứa đựng biết bao điển tích hiển linh thần bí. Bao nhiêu đó cũng đủ hình thành và tồn tại để cho người đời sau có dịp chiêm bái tự hào. Còn người đi xây đắp thì cứ mãi cần cù lặng lẽ giữa chốn rừng sâu im vắng.
Dọc đường chúng tôi cứ phải dừng lại nghỉ ngơi bên mấy quán cốc. Quán nào cũng treo đầy những chiếc võng miễn phí để chào mời khách. Họ bày bán đủ các thứ trên đời. Từ quà lưu niệm, thức ăn chay, đồ uống đủ loại… cho đến thuốc chế biến từ cây rừng và cả dầu thoa bóp. Có quán còn chưng dọn cả dàn karaoke hát ca inh ỏi - Núi rừng bây giờ cũng văn minh lắm rồi - Trên đường tôi gặp rất nhiều người dân tộc. Họ trao đổi với nhau bằng thứ ngôn ngữ riêng. Nhưng tôi đoán biết là họ cũng đang miệt mài nói về công việc làm ăn. Bước chân của họ đi xuống một cách thoăn thoắt lẹ làng. Khi đi lên, họ trải từng bước vững chắc trên các bực thang đá thẳng đứng. Trên vai họ là những gánh hàng hóa nặng trĩu... Nào là vật dụng đồ đạt của khách, nào là gạch ngói sắt đá xây dựng. Cho đến những giỏ mít, chuối, dâu được mang từ trên núi cao xuống.
Còn chúng tôi, sau khi gởi hết mọi tay nải, túi xách cho nhẹ nhàng.… Mỗi người chỉ mang theo một chiếc gậy, một cây quạt phe phẩy mà thung dung cất bước, cứ y như các vị thiền sư đi dạo cảnh Yên Tử thuở xưa. Dù sao thì đi chậm vẫn có cái thú riêng của nó.… Bởi lẽ, tôi sẽ được nghiền ngẫm cho hết những đoạn đường dốc đá cheo leo khúc khuỷu lượn quanh các triền núi. Chúng tôi lại có dịp nhìn ngắm bầu trời xanh thẩm một cách thỏa thích mỗi khi… ai đó thấm mệt... phải dừng lại chống gậy ngửa mặt lên trời để thở. Rồi còn gì thú vị hơn khi đã quá mỏi lã vì đói, chúng tôi lại tạt vào một quán ven đường để thưởng thức món ăn đặc sản của núi rừng. Đó là những chiếc bánh xèo nóng hổi chỉ có vài cọng giá trên mặt, ăn kẹp với vài món rau rừng có cái mùi vị chua chua chát chát mà sao cảm thấy ngon miệng lạ thường.
Đến quá chín giờ sáng thì đoàn chúng tôi cũng leo lên được tới cổng chùa. Tất cả mọi người đều đã lên trước đó một vài giờ, đang ngồi nghỉ bên các dãy hành lang hoặc đi ngắm cảnh. Khi đứng trước ngôi chùa Vạn Linh đầy vẻ uy nghiêm tráng lệ. Tôi hầu như trút hết bao mệt nhọc trên đường. Chùa do Hòa thượng Trí Tịnh khai sáng từ mấy chục năm nay - Khi ấy được gọi là chùa lá. Tên gọi này đã trở thành quen thuộc với người dân ở đây; dù bây giờ chùa được xây dựng lại khá khang trang. Phía trước mặt chùa sừng sững một ngọn tháp cao bảy tầng. Đi từ xa, tôi đã nhìn thấy ngọn tháp này. Tháp vẫn còn dở dang nhưng đã lộ rõ vẻ nguy nga trang trọng.
Dù rất mệt nhưng tôi vẫn thích thả bộ dạo quanh khuôn viên chùa, để được ngắm nhìn mọi công trình đồ sộ và tận hưởng hết mọi sức sống đang vươn lên từ trong lòng đất. Ở đây con người và vạn vật dường như có sự cảm thông qua lại nên cũng dễ dàng sẻ chia. Phải chăng sống giữa khung cảnh yên bình này, lòng người trở nên cao thượng và gần gũi với muôn loài hơn. Niềm tin sẽ thắp sáng mọi chân trời phía trước. Và ý chí chính là động lực sáng tạo nên bao kỳ quan cho hậu thế. Ngày trước ngài Huyền Trang đi thỉnh kinh tận bên Tây Vực cũng bắt đầu từ một niềm tin và ý chí. Trải qua 17 năm gian khổ, ngài một mình “vượt suối băng ngàn, chịu đựng mọi sự nóng lạnh khắc nghiệt của thời tiết. Trên đường đi, ngài chỉ biết nhìn theo đám khói mây mù, dẫm trên sương tuyết mà lần hồi tiến về phía trước. Như vậy thì làm gì có được quán trọ đường hoàng để dừng bước nghỉ chân. Thậm chí đến tiếng gà gáy trong am tranh, dấu chân người qua lại chốn cầu đường cũng không hề thấy. Ngài lại phải vượt qua những dãy núi tuyết cao hơn nghìn dặm, những bãi sa mạc mênh mông. Trên không một tiếng chim kêu, dưới không một bóng thú chạy, lại luôn đối mặt với muôn vạn lần cái chết” Sự ra đi đầy mạo hiểm của ngài Huyền Trang hoàn toàn do lòng tự nguyện. Tâm chí thành thiết tha vì đạo, cùng nguyện lực sâu dày đã giúp ngài bao lần thoát hiểm nạn. Để cuối cùng trở về trong niềm tôn nghinh kính phục của muôn người, muôn đời.
Màn đêm buông xuống bao trùm mọi cảnh vật. Vậy mà bên trong chùa Vạn Linh hầu như khác hẳn. Dòng điện từ chiếc máy phát ra tỏa chiếu sáng rực. Trên khắp các dãy hành lang chánh điện, nhà tổ, nhà khách chật kín khách hành hương nghỉ lại qua đêm. Tiếng tụng kinh trầm ấm vang xa. Tiếng náo nhiệt của du khách viễn phương làm khuấy động một góc không gian tĩnh lặng. Một sự khuấy động khá là yên lành và thánh thiện. Rừng núi về đêm… bầu trời không trăng sao, mọi vật lại xa khuất tầm nhìn. Trong cảnh bàng bạc của màu trời, tôi cảm nhận có cả hơi thở của từng nhựa cây đang tuôn chảy. Vạn vật hữu tình… để cho con người thao thức mà suy nghiệm trong chốn thinh lặng của lòng mình.
Đến nửa khuya thì cơn mưa bất chợt đổ xuống. Những giọt mưa thu rỉ rả thâu đêm như cố níu bước chân người ở lại. Thế nhưng, dù muốn dù không thì sáng mai này, đoàn du khảo chúng tôi cũng phải xuống núi. Đoạn đường đi xuống dù trơn trợt vẫn dễ chịu hơn nhiều. Mọi việc đến đi là điều tất yếu, thì sự lưu luyến chỉ là chút khoảnh khắc nhất thời để tỏ lòng gắn bó. Mai này xin từ giã rừng núi uy linh ngàn năm còn in dấu chân người khai phá. Xin từ giã cảnh chùa xưa còn chìm trong sương mờ mà vần quang đã tỏ rạng. Ngày mai khi trở lại thành phố, tôi xin mang về chút tình nắng gió phương xa… để lấy đó làm tin và cũng để trang trải lòng mình với muôn trùng sự sống bao la.
(Mùa thu năm 2001- Kỷ niệm chuyến du khảo
tham quan vùng núi Cấm-Châu Đốc của lớp phiên dịch Huệ Quang-)
|