Về nguồn
Không Phương
Cập nhật: 16:04:00 18/09/2008

VỀ NGUỒN

KHÔNG PHƯƠNG

 

Cho đến bây giờ, mặc dầu hơn một phần ba năm tháng của đời người đã trôi, song, mỗi khi nghĩ về quê hương-nơi tôi sinh ra và lớn lên, tôi không khỏi bồi hồi xúc động, nhớ nhung.

Tôi hay nhớ về quê cũ ở vùng ngoại ô hẻo lánh trên một vùng cát trắng xóa với rừng dương bát ngát, nơi gió đồng mặc sức đuổi nhau trên những con đường làng mảnh như kẻ chỉ, nơi có cái nắng chiều vàng ửng, có đôi má hồng của người em gái và bụi đỏ đường thôn. Ở đó, tôi có thể nghe lúa thì thào những điều quen lạ về quê cha đất tổ, văng vẳng điệu hò buồn rười rượi mẹ ru em ngủ; lòng bồi hồi nhìn những giọt mồ hôi của bao người nông dân rơi vào lòng đất cho hoa thơm trái ngọt đầy cành. Sau những lũy tre làng xanh như màu nước sông Hương, những buổi chiều Hè được hóng ngọn gió nồm mát mẻ, được tiếp xúc với ngọn khói lam chiều cay nồng dưới mái tranh mái ngói, bên hoàng hôn buông xuống theo tiếng sáo mục đồng, với từng đôi cò trắng xuống đồng bay vào giấc mơ bình yên và no ấm. Tất cả, được hòa quyện thành một bức tranh quê tràn đầy hương sắc, sinh động, làm say đắm lòng người viễn xứ.

Xuân về, Hạ đến, Thu qua, và Đông tới. Uống ngụm nước giếng làng giữa đêm giao mùa yên ả, tôi thoảng nhớ hình ảnh người mẹ hiền tảo tần dưới nắng mưa để kiếm tiền nuôi con ăn học; tiếng kĩu kịt của chiếc đòn gánh trên đôi vai của mẹ, tôi vẫn nhớ, đã mở ra những chân trời mờ ảo, tinh khiết quê tôi. Chính vì lẽ ấy, đã khiến cho những người con xa xứ như tôi đang sống nơi đất khách quê người không khỏi cảm xúc, hoài vọng về một thời mà cha ông đã gầy công xây dựng; quặn lòng với những nỗi nhớ, niềm đau trước những tình cảnh ngang trái mà người thân của chúng tôi đã và đang hứng chịu, vì đã can đảm nói lên sự thật, nhất là nói lên những sai lầm để sửa chữa, biết can đảm nói lên sự thống khổ, nỗi khao khát, niềm hy vọng của đồng bào; thực hiện những thử thách, và cơ hội mới để bảo vệ nền an ninh văn hóa Dân tộc, tìm Công lý-Tự do-Ấm no và Hạnh phúc cho con cháu Lạc Hồng. Tôi cảm giác dường như sự bình an và hạnh phúc chung quanh mình ngày càng ngắn ngủi và mong manh. Tâm hồn của tôi quá đơn điệu và bàn tay tôi quá nhỏ bé, biết lấy gì để nắm giữ và làm sao để hành động.

Từ biệt quê hương yêu dấu, dưới không khí làng quê thoang thoảng, mùi hương cau tỏa ngát đã gieo vào tâm hồn tôi với niềm biết ơn cùng bao nỗi vấn vương, bỏ lại sự yên tĩnh bên ánh tà dương còn đọng lại trên miền quê hoang dã. Năm lên mười lăm, tôi có duyên được tu học tại Huế. Huế, nơi đây, như tôi được nghe và biết, trong gần 400 năm (1558-1945), là Trung tâm chính trị và văn hóa của Đàng Trong, rồi trở thành kinh đô của cả đất nước trong một thời. Biết bao tinh hoa của mấy thế kỷ đã hội tụ về núi Ngự sông Hương thơ mộng hữu tình này để tạo nên nơi đây một mô thức văn hóa kiểu mẫu, rồi đặc tính văn hóa này đã lan tỏa khắp nơi trong cả nước. Ngày nay Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại; di sản đó tuy không hoành tráng bằng Vạn lý trường thành của Trung Quốc, bằng đền Angco-Vat của Campuchia, nhưng hệ thống di sản đó khác hẳn các di sản khác, đó là, nó được nằm trong một đô thị di sản. Với phong cách riêng, với kiến trúc tinh tế của các công trình điêu khắc và mỹ thuật phương Đông được kết hợp hài hòa với  thiên nhiên tuyệt mỹ, cũng như được an bài theo đúng các nguyên tắc về phong thủy, đã góp phần tạo nên sắc thái nghệ thuật của Huế, đã hòa quyện và nuôi dưỡng nhau để trở thành một vùng đất của thơ, một bầu trời của nhạc, một thế giới của tâm hồn. Huế là chiếc nôi của Phật giáo Việt Nam một thời, nơi có hàng trăm ngôi chùa tọa lạc giữa những thung lũng của vùng đồi tĩnh mịch hay trong các thôn làng hẻo lánh như Quốc Ân, Từ Hiếu, Thuyền Tôn, Tra Am... bên cạnh những ngôi chùa nổi tiếng, gắn liền với lịch sử như Linh Mụ, Diệu Đế, Túy Vân, Từ Đàm, Linh Hựu Quán (hiện nay là Nhà thờ Tây Linh, Huế)... Khung cảnh ấy vẫn như thế, (tuy nay có thay đổi chút ít) dù lịch sử đã xoay vần, chuyển hướng. Dường như ngày nay, ai đó đã có ý làm biến thái đi những hình ảnh thiêng liêng, vàng son này.  Chúng tôi cảm thấy hổ thẹn cho chính mình, ... trước  những bậc tiền bối của chúng tôi-Người có tầm nhìn vĩ mô, có trí tuệ mẫn tiệp và con tim khoan dung, nhưng quả cảm, có niềm tin và sự trung thành tuyệt đối với lý tưởng đã chọn; đã dấn thân, gánh vác những trách nhiệm lớn lao, giữ tấm lòng son với Đạo và quê hương đất nước, không phụ lòng lịch sử... Có thể nói, nhờ ảnh hưởng tinh thần văn hóa Phật giáo, mà người dân Huế mới có nếp sống tâm linh thuần hậu, có nhịp sống thanh thản, trầm tư trong an hòa tịch lặng và gần gũi với thiên nhiên, chứ không phải rộn ràng, và náo nhiệt như các thành phố anh em khác. Là người yêu Huế, quý trọng di sản, thì cần ý thức rõ cái gì là đẹp và cái gì là thiện, thì khi đó chúng ta mới có trách nhiệm trong việc giữ gìn, chăm chút, tô điểm, phát triển, nhất là kiến thiết các vị trí khá nhạy cảm trong quần thể di tích văn hóa. Ngày còn nhỏ, tôi chưa nhận thức được điều đó. Nhưng càng lớn khôn, tôi mới dần dần cảm thấy cái “thâm trầm và thi vị” của Huế. Nhiều khi, tôi ước ao được trở thành một họa sĩ giỏi để vẽ nên cái thần thái hồn thiêng sông núi của đất Thần kinh, vẽ nên những bức tranh thủy mặc tinh tế, trầm hùng, và khí khái của chùa chiền, cung điện, lăng tẩm của một Cố đô Huế huyền thoại; vẽ nên tiếng chuông chùa thăm thẳm và thanh thoát trong đêm yên lắng, để làm thức tỉnh cho những ai đang còn ngái ngủ, cho những ai đang còn mơ mộng hão huyền, những ai đã và đang đánh mất những giá trị về truyền thống đạo đức tâm linh của Dân tộc, cũng như để xua tan đi tất cả những nỗi buồn tê tái, phủi sạch bụi hồng sau một ngày mệt nhoài giữa đường đời phù sa lầy lội, hòa nhập vào chốn cô tịch, náo nhiệt của kiếp sống hiện tại trước ngưỡng cửa sinh hoạt kinh tế, văn hóa và giáo dục toàn cầu mà Việt Nam vừa mới bước vào.

Trên con đường đi tới cuối cuộc đời, một lúc nào đó, hình như trong tâm tưởng, trong đời sống của con người, ai ai cũng có nhu cầu nhớ lại những kỷ niệm vui buồn, được mất, thăng trầm của chính mình, … để rồi tiếp tục chuẩn bị hành trang đi vào dòng đời lẩn quẩn của một kiếp người.

Ngày tháng trôi qua, những hình ảnh về quê hương yêu quý ấy, thực sự đã nhắc nhở, gợi lại về tuổi thơ ấu, những chuỗi ngày dài kỷ niệm trên quê hương đầy ấm áp, đơn sơ và hạnh phúc. Tôi đã để lại tất cả những gì thuộc về ngày kia, đó là những kỷ niệm sâu lắng, đã khắc đậm trong ký ức, có lẽ sẽ mãi mãi không bao giờ quên trước một mùa xuân vui tươi, thấm đẫm tình người đang về.³

 

 

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay