MỘT NGÀY ĐẾN VỚI
NGÔI TRƯỜNG KHIẾM THỊ-KHUYẾT TẬT
Lam Khê
Nằm cách trung tâm thành phố chưa đầy 10 cây số, nhưng vừa qua bến phà An Phú Đông, tôi đã thấy một làng quê hiện ra với vô vàng cây xanh nắng gió. Những con đường còn đang lót đá trải nhựa. Những ngôi nhà còn xây dang dỡ với nhiều kiểu dáng phong cách như ngầm nói lên sức sống của một khu đô thị mới trong tương lai. Nhịp sống thời công nghệ có phần yên ả nơi này chính là thế mạnh để rồi đây sẽ hình thành nên một điểm du lịch sinh thái nhà vườn đầy tiềm năng và thật lý tưởng.
Qua khỏi cầu vượt ngã Tư Ga một đoạn, chúng tôi rẽ phải vào con đường đất đi dọc theo con kênh nhỏ chừng hơn 3 km thì dừng lại trước cánh cổng có tấm biển ghi dòng chữ “Cơ sở từ thiện Kỳ Quang 2-Trường hướng nghiệp nuôi dạy trẻ khiếm thị- khuyết tật”. Sư cô Thuần Hiếu, người đưa mấy huynh đệ đến đây để nấu bữa trưa từ thiện cho các em ở trường. Đây là cơ sở 2 thuộc phường Thạnh Lộc, quận 12, nuôi dạy hơn 70 em, đa phần là trẻ khiếm thị và hầu hết đã lớn. Chúng tôi đến vào ngày thứ bảy nên thiếu vắng một số em đã đi làm từ sớm tại cơ sở 1 ở Gò Vấp.
Khuôn viên trường khá rộng. Ngoài các cơ sở đã xây dựng như nơi ăn ở khu vệ sinh, khu vui chơi học tập và làm việc cho học viên. Phần không gian còn lại dành cho mọi công trình kiến trúc vườn cảnh cây xanh vẫn còn trong giai đoạn phác thảo hoặc xây dựng chưa hoàn mỹ. Điều thú vị khi vừa bước chân đến, chúng tôi đã nghe từ băng cassette một giọng nam đọc tác phẩm “Đường xưa mây trắng” của thiền sư Nhất Hạnh để cho các học viên cùng nghe.
Nhà bếp và phòng ăn nằm tận trong xa. Vừa đến quý cô vội mang vật phẩm ra nhà sau chuẩn bị bắc nước rửa rau, soạn tô ly lên bàn. Hôm nay quý cô sẽ nấu cho các em món bún Huế chay, lại thêm món chè thạch dừa nhẫn nhục, lại có cả bánh kẹo tráng miệng. Chúng tôi làm xong công việc và trong khi chờ đợi đến giờ ăn trưa, cả nhóm đi dạo quanh trường xem phong cảnh cùng sự sinh hoạt một ngày của các em. Ngôi trường nằm bên giòng sông Sài gòn, phong cảnh còn man mác một chốn đồng quê yên tĩnh. Chúng tôi ra ngồi bên bờ kè nhìn dòng nước trong xanh lững lờ trôi mang theo những tảng lục bình to xuôi về nơi xa khuất. Bên kia bờ là vùng Lái Thiêu nổi tiếng cây xanh quả ngọt, cũng đang nghiêng mình soi bóng nước bên dòng sông thơ mộng.
Khoảng lặng mà tôi cảm nhận lúc này là hình ảnh một em nam khiếm thị ngồi trong căn chòi lá cạnh bờ sông (kiểu nhà sàn dành cho du khách ngồi nghỉ chân hóng mát). Em ngồi một mình. Ngồi chỉ để thư giãn hoặc đang lắng nghe tiếng sóng vỗ bờ theo triều con nước xuống lên. Ngôi nhà lá. Dòng sông. Tất cả cảnh vật nơi đây đều mang hình ảnh rất riêng trong tâm hồn em. Nhìn em lòng tôi chợt nghĩ: Mọi thứ trên đời đều có ý nghĩa khi người ta biết cảm nhận và luôn sẵn sàng chung sống với nó. Lắng nghe tiếng nói từ lòng sông cũng là lắng nghe sự hiện hữu của mình trong cuộc sống.
Một lúc lâu thì cậu bé đứng dậy đi vào. Đôi chân em thoăn thoắt bước qua khoảnh sân đá bóng rộng, rồi băng qua khu vườn cây. Vài chỗ em đi chậm lại vì nhận ra các chướng ngại vật. Những con đường đã trở nên quen thuộc. Những con đường không chông gai lồi lõm, lại không dễ đi chút nào khi thiếu mất đôi mắt đưa đường. Vậy mà các em vẫn đi được bao năm nay bằng đôi chân và ý chí mà không hề lo sợ bị va vấp trầy trượt.
Cách khu nhà bếp một mảnh sân nhỏ là dãy nhà gỗ một tầng khá rộng. Tầng trên làm nơi ngủ nghỉ với mấy chục giường đơn đóng hộp kiểu nhà chùa. Chúng tôi leo lên cầu thang sắt đứng ngoài cửa nhìn vào. Đây là phòng của các em nam. Có hơn chục em đang ở trong ấy. Có em nghe đài. Có em nằm nghỉ. Bên góc trái thì hai ba em đang chuyện trò rôm rả. Đơn ngoài này một cậu ngồi ôm cây đàn ghita vừa đàn vừa hát nho nhỏ. Cuộc sống trầm lặng giản dị mà thân tình ấm cúng nên không hề vắng những nụ cười vô tư, những lời tỏ bày ý nhị. Khách tham quan đứng nhìn cảnh sinh hoạt nơi này mà cảm nhận bao dòng chảy yêu thương đang tuôn tràn trong tâm tưởng.
Tầng dưới của ngôi nhà được ngăn ra nhiều phòng học nhỏ. Có cả phòng vi tính dành cho các em khuyết tật. Hôm nay các em không có giờ học nên chỉ có vài em đang ngồi ôn bài. Lần đầu tiên nhìn thấy bảng chữ nổi, chúng tôi tỏ vẻ thích thú dọ hỏi thì một cô giáo lớn tuổi đang ngồi chấm bài giải thích:
- Chữ nổi còn gọi là chữ Braille, lấy theo tên gọi của người sáng lập ra. Ông Braille trong một lần bị tai nạn mù mắt đã nghĩ ra kiểu chữ này để tự học rồi lưu truyền lại cho đời. Mấy cô qua phòng bên sẽ thấy mấy em đang học và viết chữ.
Ở phòng bên, một em nam khiếm thị ngồi nơi bàn học dùng tay rờ trên từng trang giấy để dò bài. Bàn bên cạnh, một em nam khuyết tật ở chân ngồi xe lăn thì đọc bài cho em nữ khiếm thị viết. Chữ nổi là những lỗ kim đục nhỏ li ti thành từng ký hiệu. Mỗi ký hiệu là một chữ hoặc số. Để có một bài học ngắn, số ký hiệu dùng phải nhiều hơn số chữ của người bình thường viết. Bởi vậy tập các em cũng dày cộm hơn nhiều. Việc đọc bằng cách mò ký hiệu nổi bằng tay thật là công phu mà để viết được một trang giấy càng đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa. Để đục chữ nổi cần có khung nhựa đen có kích cở bằng tờ giấy A4. Tôi nhìn em gái đặt khung lên trang giấy trắng dày, tay trái rờ trên khung có những lỗ nhỏ, tay mặt thì cầm kim đục vào mấy lỗ ấy theo ký hiệu của mỗi chữ. Khi đọc thì lật ngược tờ giấy lại, dùng tay rờ vào mấy lỗ ấy để đoán chữ.
Tôi hỏi em: - Để đọc và viết được như vậy các em phải mất bao lâu?
- Dạ cũng tùy thưa cô. Với người sáng mắt thì chỉ học độ tuần là có thể đọc được. Như mấy cô giáo đến đây dạy chỉ cần học nhìn mặt chữ nổi để chấm bài. Còn chúng em thì học lâu hơn nhiều.
- Vậy các em vẫn học đủ các môn văn hóa như người bình thường.
- Dạ! Em đang học lớp 8. Cũng học đủ các môn văn toán lý hóa trên bảng chữ nổi.
Chúng tôi lại đi tham quan phòng trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ khắc gỗ. Có nhiều vật dụng rất tinh xảo đều làm bằng gỗ như bình tách ly cối cùng các loại xe mô tô, xe ngựa, xe xích lô v..v.. và những bức tranh gỗ thư pháp mà nét chữ cũng được khắc bằng gỗ. Đây là những sản phẩm do các em khuyết tật làm. Những em khiếm thị thì làm ra các chậu hoa vải đủ loại đủ màu sắc cũng rất xinh đẹp. Khi tôi hỏi nơi làm việc của các em thì vị thầy phụ trách cho biết:
- Cơ sở sản xuất đã nghỉ gần hai tháng nay rồi. Do hàng bán chậm nên tồn kho quá nhiều, không thể tiếp tục. Bây giờ hằng ngày các em đến cơ sở một hành nghề massage bấm huyệt.
Tôi hỏi mua một món hàng về làm kỷ niệm mà lòng cứ miên man suy nghĩ. Những gì các em làm ra bằng sự cần cù của đôi tay, bằng năng lực trí tuệ thật đáng trân trọng. Nhưng niềm tin về một ngày mai và sự khích lệ hướng nghiệp cho đầu ra của sản phẩm là điều mà các em cần hơn cả ở mọi lúc mọi nơi... Và điều này cần có sự trợ giúp không nhỏ của các cơ quan đoàn thể.
Chúng tôi trở lại phòng ăn khi kiểng vừa đánh. Ở đây luôn có mấy chị em cư sĩ tức trực lo việc nấu ăn phục vụ và dọn rửa. Những nụ cười tươi khi ngồi vào bàn như muốn bày tỏ tấm lòng tri ân bên những tô bún Huế nóng hổi, những ly chè đá mát lạnh. Một cô đến bên em nữ đang ngồi ăn mà miệng luôn hít hà vì cay, dịu dàng nói:
- Để cô lựa ớt ra cho. Mà em ăn chay thấy ngon không?
- Dạ lâu lâu mới có quý cô đến nấu chay cho ăn, lạ miệng ngon lắm cô ạ! Hôm nay con bệnh nên mới được ở nhà thưởng thức. Mọi hôm thì qua bên cơ sở một làm việc.
Tôi đứng bên xen vào hỏi:
- Mấy em đi làm bằng xe buýt à? Làm có lương không?
Em gái cười: - Chúng con làm công quả thôi. Sáng có xe chùa đưa đi, chiều rước về.
Tôi cũng cười rồi nhìn vào đôi mắt các em. Đôi mắt không nói lên được điều gì ngoài một mảng tối mênh mông. Vậy mà trong tận sâu thẳm ánh mắt ấy dường như đang bừng lên vài tia sáng lấp lánh. Đó là niềm tự hào với những gì mình đã sống đã cống hiến cho đời bằng tất cả tấm lòng không toan tính thiệt hơn.…
Gió mát từ lòng sông thổi vào làm dịu bớt ánh nắng chiều gay gắt như muốn níu giữ những đôi chân còn ngán ngại ra đường. Một cô nói vui:
- Chúng mình nán lại chút nữa để xem đội bóng khiếm thị đá banh đi.
Nhưng rồi chúng tôi cũng phải lo sửa soạn để trở về. Xem mấy hiệp sĩ mù đá banh chắc cũng nhiều thú vị. Tôi có nghe đội bóng khiếm thị Kỳ Quang đã từng thi đấu giao hữu với các đội bóng Hàn Quốc, Nhật Bản và cũng đoạt được các huy chương vàng, bạc, đồng. Trò chơi giải trí lành mạnh này vừa có lợi cho sức khỏe, vừa tạo thêm niềm tự tin vui sống. Và chính điều này cũng góp phần rèn luyện thêm nghị lực giúp các em vươn lên hòa mình trong mọi cuộc sống đời thường. |