Đạo Phật và dòng sử Việt
HT Thích Đức Nhuận
Trường A Hàm
Tuệ Sỹ dịch và chú
Triết học Thế Thân
Lê Mạnh Thát
  
 
   
 
 
GIỚI THIỆU KINH PHÁP HOA
Thích Thái Hòa
Cập nhật: 18:40:00 10/09/2008

 

GIỚI THIỆU KINH PHÁP HOA

THÍCH THÁI HÒA

 

 NHỮNG ĐẶC ĐIỂM

Kinh Pháp Hoa xuất hiện trong Tam tạng giáo điển Phật giáo ngoài những điểm chung, kinh còn có những điểm độc đáo và đặc biệt riêng, nên khiến kinh không phải chỉ là Pháp mà còn là Diệu pháp.

Những điểm độc đáo và đặc biệt của kinh Pháp Hoa như sau:

1. Phật

Phật có đầy đủ ba thân,

Phật pháp thân: Phật lấy Pháp làm thân. Pháp đây là bản thể tịch diệt của vạn hữu. Bản thể ấy là thực tướng của các Pháp không có sinh diệt.

Bản thể ấy là Niết-bàn, là tâm chân thật tịch lặng không sinh diệt.

Phật báo thân: Thân Phật do tu tập các Pháp vô lậu như giới, định, tuệ và thực hành Lục độ của Bồ-tát mà tạo thành, không còn khởi niệm ngã và pháp.

Thân ấy, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, tạo thành sắc thân của Phật. Sắc thân ấy là sắc thân vô lậu, nên  thọ mạng của Phật là vô lượng, được tạo thành từ các pháp của tâm, không bị hủy diệt bởi thời gian. Thân ấy luôn luôn hiện hữu, không nhập Niết-bàn, bởi vì chính nó là Niết-bàn, nên không còn phải nhập.

Phật ứng thân: Là thân Phật ứng hiện theo bản hạnh để hoạt dụng hóa độ. Thân này do bản nguyện, nên Ngài mượn các Pháp hữu vi mà tạo thành. Thân này có đến, có đi, có sanh, có diệt như tất cả thân của chúng sinh. Nhưng khác hẳn với thân chúng sinh, là thân chúng sinh do nghiệp lực tạo nên, còn Phật ứng thân do bản nguyện mà thiết lập.

Vì ứng hóa thân là như vậy, nên ứng hóa thân của Phật Thích-ca là thân thể lịch sử thuộc về con người, nên nó có hạn lượng về thời gian.

Pháp thân, Báo thân, Ứng hóa thân ấy đều là thân của Phật Thích-ca, nhưng trong đó độc đáo nhất mà kinh Pháp Hoa cho rằng, báo thân của Ngài là bất khả hoại, tồn tại và siêu việt với mọi thời gian.

Điều này kinh Pháp Hoa đã chỉ cho ta thấy, báo thân của Phật là do tâm vô lậu tạo thành.

Tâm ấy siêu việt mọi thời gian, nên thân ấy cũng tồn tại đúng như thời gian của tâm ấy.

Nên báo thân của Phật Thích-ca được trình bày ở kinh Pháp Hoa là báo thân siêu việt.

Đó là cách nhìn đặc biệt của Pháp Hoa về Phật thân.

Phẩm Như Lai thọ lượng của kinh Pháp Hoa đã cho ta cách nhìn về báo thân này (1)

Ứng hóa thân được trình bày trong kinh Pháp Hoa là thân của đức Phật lịch sử, nhưng mục đích có mặt của thân ấy trong thế gian, không gì khác là để “khai, thị, ngộ, nhập tri kiến” của Phật cho chúng sinh, khiến chúng sinh ngộ nhập đúng như cái thấy, cái biết của Phật.

Ứng thân ấy của Phật Thích-ca không phải chỉ có mặt ở đây mà còn có mặt khắp cả mọi nơi để thuyết giảng kinh Pháp Hoa. Phẩm Phương Tiện (2) và phẩm Kiến Bảo Tháp (3) của kinh Pháp Hoa cho ta cách nhìn độc đáo và đặc biệt đối với tác dụng của Phật ứng hóa thân nầy.

Lại nữa, kinh Pháp Hoa chỉ cho chúng ta thấy, tuệ giác của Phật là tuệ giác chứng nhập “thực tướng” của các pháp qua mười Phạm trù gồm : như thị tướng, như thị thể, như thị nhân…

Do chứng nhập thực tướng của các Pháp qua mười phạm trù này, nên Ngài thành bậc Vô  thượng giác.

Do đó, báo thân của Ngài lúc nào và ở đâu cũng có, để chứng minh cho sự chứng ngộ tướng tịch diệt của các Pháp là không sinh diệt, ứng hóa thân  của Ngài thì lúc nào và ở đâu cũng biểu hiện để giáo hóa chúng sinh, bằng vô số phương tiện thiện xảo, khiến tất cả đều thành tựu tuệ giác vô thượng là tuệ giác chứng nhập “chư Pháp thực tướng” ấy.

Bởi vậy, Phật qua cách nhìn của kinh Pháp Hoa hết sức đặc biệt và độc đáo so với các kinh khác, nên kinh Pháp Hoa đối với các kinh khác không phải chỉ là Pháp mà còn là Diệu Pháp. Bậc chứng ngộ và tuyên bố Pháp ấy cho mọi giới, không phải chỉ là Toàn giác mà còn là Diệu giác.

2. Pháp

Pháp được kinh Pháp Hoa diễn đạt là Pháp Nhất thừa.

Nhưng, Pháp Nhất thừa của Pháp Hoa không hề phủ nhận những giáo pháp mà đức Phật diễn đạt và hướng dẫn đã được ghi lại ở trong các kinh điển A Hàm và Nikāya như Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã hay Vô thường, Khổ và Không  hoặc là Vô thường (sarvasakāra-anitya: chư hành vô thường), vô ngã (sarvadharmānātman: chư pháp vô ngã), và Niết-bàn (nirvāa sāntam: Niết-bàn tịch tịnh) đã được các kinh điển A Hàm và Nikāya đóng dấu ấn, gọi là “Tam pháp ấn” hay “Tứ pháp ấn”, tức là những dấu ấn của Chánh pháp, mà kinh Pháp Hoa chỉ đưa tất cả dấu ấn ấy về với một dấu ấn duy nhất là “Thực tướng ấn”. (4)

Thực tướng ấn là dấu ấn của tướng chân thật. Dấu ấn ấy, ấn rõ tuệ giác của Phật vào nơi thực tướng của các Pháp.

Dấu ấn ấy, ấn rõ các pháp là vô thường, khổ, không, vô ngã chỉ có một, đó là Nhất  thiết Pháp không. (5)

Dấu ấn ấy, ấn rõ “Vô thường, vô ngã, Niết-bàn” chỉ có một, đó là Niết-bàn.

Dấu ấn ấy, ấn rõ sự giác ngộ của Phật duy nhất là “Thực tướng không” hay “Tịch tịnh Niết-bàn”.

Dấu ấn ấy, ấn rõ Báo thân của Phật không bị sinh diệt và không bị thời gian chi phối. Và ứng hóa thân của Phật có mặt trong cuộc đời là chỉ cho chúng sanh thấy rõ thực tướng của các Pháp, bằng tất cả phương tiện thiện xảo mà ứng hóa thân  đều có  thể  sử dụng.

Như vậy, dấu ấn ấy, là dấu ấn chứng thực mục đích duy nhất của Phật ra đời là khai thị ngộ nhập Phật tri kiến cho chúng sanh, khiến cho họ thấy biết mà ngộ nhập.

Lại nữa, ba mươi bảy phẩm pháp trợ đạo trong Đạo đế của Tứ Diệu đế là pháp hành  căn  bản để đoạn tận Tập đế, dứt sạch Khổ đế, chứng nhập Diệt đế.

Diệt đế là thực tướng tịch diệt của các pháp, là Niết-bàn tuyệt đối của chư Phật.

Nên, ba mươi bảy phẩm pháp trợ đạo là pháp phương tiện của Niết-bàn mà không phải là Niết-bàn. Và chỉ có Phật mới chứng nhập Diệt đế hoàn toàn hay Niết-bàn tuyệt đối.

Bởi vậy, không có Niết-bàn nào chân thật ngoài Niết-bàn của Phật và không có trí tuệ nào là trí tuệ toàn giác ngoài trí tuệ của Phật.

Do đó, đối với cách nhìn của Pháp Hoa, thì hàng Thanh văn, chưa đạt tới sự chứng nghiệm Tứ Diệu đế như sự chứng nghiệm của Phật, chưa đạt tới Niết-bàn tuyệt đối của Phật, nên họ cần phải buông bỏ những gì mà họ cho rằng, họ đã chứng nghiệm Tứ Diệu đế, để họ đạt tới sự chứng nghiệm Tứ Diệu đế như Phật và thể chứng Niết-bàn tuyệt đối như Ngài.

Đối với sự chứng nghiệm Pháp mười hai duyên khởi của hàng Duyên giác cũng vậy, họ phải buông bỏ cách nhìn Pháp mười hai duyên khởi theo cách nhìn của họ, để tiến tới cách nhìn thấy Pháp mười hai duyên khởi theo cách nhìn thấy của Phật, thì họ không những đoạn tận các chi phần ái, thủ, hữu, hay vô minh, hành mà còn đoạn tận cứ địa chứa chấp và huấn luyện vô minh (tận vô minh địa) nữa.

Và chỉ có đạt tới Niết-bàn tuyệt đối mới đoạn tận hết thảy các cứ địa chất chứa và huấn luyện vô minh ấy.

Nói tóm lại, hàng Duyên giác phải buông bỏ cách nhìn thấy mười hai duyên khởi và đoạn tận các chi phần trong mười hai duyên khởi của mình, để đi tới cách nhìn thấy và cách đoạn tận các chi phần trong pháp mười hai duyên khởi của Phật, để họ có cái thấy, cái biết của Phật và chứng nhập Niết-bàn tuyệt đối như Ngài.

Và đối  với sự phát Bồ-đề tâm, thực hành Lục độ của Bồ-tát cũng vậy. Họ phải buông bỏ hoàn toàn mọi ý tưởng về ngã và pháp, để đạt tới cái nhìn thấy tịch diệt hoàn toàn đối với chúng.

Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát phải buông bỏ cách thấy pháp của Phật theo cách nhìn thấy của họ, phải buông bỏ cách chứng nhập Niết-bàn theo cách chứng nhập của mình mà tiến tới cách chứng nhập Niết-bàn của Phật, và cách thấy pháp của Phật như Phật.

Như kinh Pháp Hoa nói:

“Chư Phật lưỡng túc tôn

Tri pháp thường vô tánh

Phật chủng tùng duyên khởi

Thị cố thuyết Nhất thừa

Thị Pháp trụ, Pháp vị

Thế gian tướng thường trú…” (6)

Nghĩa là:

“Các Đấng giác ngộ đầy đủ trí và đức, biết rõ các Pháp không có tự tánh, hạt giống Phật sinh khởi do duyên, nên Phật nói Nhất thừa.

Và bản thể của các Pháp vốn là thường trú và nguyên vị, tướng chân như của thế gian vốn thường trú…”

Như vậy, kinh Pháp Hoa đã chỉ cho ta thấy, các pháp không có tự tính, hạt giống Phật cũng sinh khởi do duyên và pháp chân như ở nơi vạn hữu không hề bị sinh diệt. Phật tính của hết thảy chúng sinh tuy ở trong sự luân chuyển của thế gian mà vẫn thường trú, và Niết-bàn có mặt thường trú ngay ở trong sinh tử.

Nên, tuy ứng hóa thân của Phật ở trong sinh tử với chúng sinh mà vẫn thường sống với pháp Niết-bàn tịch tịnh.

Pháp như vậy là pháp Nhất thừa. Và Nhất thừa như vậy là pháp Nhất thừa độc đáo và đặc biệt của Pháp Hoa so với pháp Nhất thừa được quảng diễn từ kinh Thắng Man, Bát Nhã và Hoa Nghiêm.

3. Tăng

Ở trong kinh Pháp Hoa, đức Phật nói Tăng là đoàn thể đệ tử của Ngài: “Nội bí Bồ-tát hạnh, ngoại hiện thị Thanh văn; thiểu dục yếm sanh tử, thật tự tịnh Phật độ.” (6.1)

Nghĩa là: bên trong của Tăng đoàn là nuôi dưỡng, giữ gìn hạnh của Bồ-tát, ngoài biểu hiện hình thái của Thanh văn, ít có tham dục, nhàm chán sinh tử, mà thật ra, tự thân làm cho cõi Phật thanh tịnh.

Nên, kinh Pháp Hoa không công nhận có một đoàn thể Thanh văn thuần là đệ tử của Phật, nếu có chăng chỉ là giả lập để giúp họ trở thành Bồ-tát và giáo hóa cho họ Pháp Nhất thừa, nhằm đưa họ đến địa vị Phật.

Điều này, ta thấy đức Phật nói rõ qua thi kệ của phẩm Phương tiện, kinh Pháp Hoa sau đây:

“Quý vị chớ có nghi

Ta là vua các pháp

Nói cho đại chúng biết

Chỉ dùng đạo Nhất thừa

Giáo hóa các Bồ-tát

Không đệ tử Thanh văn”

(Nhữ đẳng vật hữu nghi

Ngã vi chư Pháp vương

Phổ cáo chư Đại chúng

Đản dĩ Nhất thừa đạo

Giáo hóa chư Bồ-tát

Vô Thanh văn đệ tử) (7)

Nên, ở kinh Pháp Hoa, đức Phật khẳng định sự ra đời của Ngài có hai việc:

Đối với Pháp, thì Ngài chỉ dạy pháp Nhất thừa, tức là pháp làm Phật.

Và đối với Tăng Thanh văn, thì Ngài phải giáo dục để họ đều trở thành Bồ-tát và dạy cho họ pháp Nhất thừa, rồi tuyên bố họ sẽ thành Phật.

Điểm này, đức Phật đã nói với Tôn giả Xá-lợi-phất như sau:

“Xá-lợi-phất nên biết

Người căn chậm, trí nhỏ

Chấp tướng và kiêu mạn

Pháp này không thể tin.

Ta nay vui, vô úy

Ở trong các Bồ-tát

Thẳng thắn bỏ phương tiện

Chỉ nói đạo Vô thượng

Bồ-tát nghe Pháp ấy

Lưới nghi đều trừ diệt

Ngàn hai trăm La-hán

Chắc chắn sẽ làm Phật.

Như chư Phật ba đời

Theo nghi thức thuyết pháp

Ta nay cũng như vậy

Thuyết pháp đều giống nhau.” (8)

Chính điểm này là điểm then chốt của kinh Pháp Hoa, và là cách nhìn đặc biệt và độc đáo về Tăng của Pháp Hoa.

Cũng chính điểm này mà các nhà Phật học Pháp Hoa, gọi là “Phế quyền hiển thực”. Nghĩa bỏ quyền trí mà hiển thị thật trí; bỏ quyền Pháp mà hiển thị Phật pháp; bỏ phương tiện mà hiển thị cứu cánh.

Và cũng chính điểm này, Tôn giả Xá-lợi-phất, bậc thượng căn, thượng trí của hàng Thanh văn đã lãnh hội và tin tưởng, nên đã phát biểu với đức Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn! Con từ xưa đến nay, suốt ngày và đêm luôn luôn tự trách.

Nhưng, ngày nay từ đức Thế Tôn, con nghe được Pháp chưa từng có, nên nay mọi nghi ngờ của con đoạn sạch, thân và tâm của con thư thái, tự nhiên và ổn định một cách thích thú.

Ngày nay con mới biết rằng, con là con đích thực của Phật, sinh ra từ giáo huấn của Ngài, sinh ra từ Pháp chuyển hóa của Ngài, thừa hưởng gia tài chánh Pháp của Phật (9).

Ngay sau đó, Tôn giả Xá-lợi-phất đã được đức Phật thọ ký thành Phật.

Và ở phẩm Tín giải (10), các vị Thanh văn như các Tôn giả Tu-bồ-đề, Ca-chiên-diên, Đại Ca-diếp, Mục-kiền-liên cũng đã trình bày sự lãnh hội Pháp Nhất thừa của mình lên đức Phật.

Để chứng minh cho sự lãnh hội và tin tưởng ấy, các Tôn giả đã kể cho Thế Tôn nghe câu chuyện Trưởng giả và Cùng tử, để minh họa cho tâm Từ bi của Phật, hạnh nguyện giáo hóa của Phật và Trí tuệ phương tiện thiện xảo của Ngài đối với việc giáo hóa hàng Thanh văn. Và hàng Thanh văn cho dù những vị thông minh hay không thông minh, những vị giỏi đã hoàn thành tuệ giác vô học của Thanh văn, hay chưa hoàn thành tuệ giác ấy, rồi đức Phật cũng thương, tìm đủ mọi cách dìu dắt phát triển thành tâm Bồ-tát, giáo hóa cho Pháp Nhất thừa và rồi sẽ thọ ký thành Phật.

Nên, sau đó đức Phật đã thọ ký cho các Tôn giả này đều thành Phật trong tương lai (11).

Và không những các đại Tỳ-kheo Tăng được thọ ký thành Phật, mà các Tỳ-kheo đã hoàn thành tuệ giác vô lậu của Thanh văn và chưa hoàn thành tuệ giác ấy, cũng đều được đức Phật thọ ký thành Phật. (12)

Chúng Thanh văn thuộc Tỳ-kheo ni, như bà Đại Ái Đạo (Maha Ba-xà-ba-đề), bà Pháp Dự (Da-du-đà-la), cũng đều được đức Phật thọ ký thành Phật (13).

Như vậy, hàng Thanh văn tăng là đối tượng đặc biệt và là đối tượng chủ yếu mà kinh Pháp Hoa nhắm tới để chuyển hóa, khiến tất cả hai bộ Đại tăng của Thanh văn đều trở thành Bồ-tát tăng, tu học pháp Nhất thừa và đều sẽ thành Phật trong tương lai.

Do đó, đây là điểm độc đáo và đặc biệt về cách nhìn nhận Tăng của Pháp Hoa.

Và đối với các Tỳ-kheo Tăng có hạnh nguyện sống độc cư để quán chiếu sâu vào Pháp mười hai duyên khởi, thấy lưu chuyển của mười hai duyên khởi là Khổ đế và Tập đế, và thấy rõ sự hoàn diệt của Mười hai duyên khởi là Diệt đế và Đạo đế mà đoạn tận ái, thủ, hữu; đoạn tận vô minh và hành, hưởng thụ đời sống tịch lạc độc cư trong hiện thế, thì đối với những vị Thanh văn có chủng tính Duyên giác như thế, đức Phật cũng sử dụng phương tiện thiện xảo giúp họ để tiến lên Bồ-tát thừa, trở thành Bồ-tát tăng, rồi dạy cho họ Pháp Nhất thừa và sẽ thọ ký cho họ thành Phật.

Như vậy, bằng mọi phương tiện, đức Phật đã chuyển vận giáo đoàn tăng có nội dung Thanh văn và Duyên giác trở thành giáo đoàn tu học có nội dung của Bồ-tát và trở thành giáo đoàn Bồ-tát tăng, và từ giáo đoàn Bồ-tát tăng này, đức Phật dạy cho Pháp Nhất thừa và thọ ký cho tất cả thành Phật.

Ở điểm độc đáo và đặc biệt này, các nhà Phật học Pháp Hoa, gọi là “Hội tam quy nhất”. Nghĩa là chuyển hóa và thống nhất cả ba thừa gồm: Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát thành một thừa duy nhất, gọi là Nhất thừa hay Phật thừa.

Nên, Tăng qua cách nhìn của kinh Pháp Hoa là giáo đoàn có nội dung của Bồ-tát.

Do đó, giáo đoàn ấy có khả năng làm chỗ nương tựa cho tất cả mọi giới trong thế gian, có khả năng giữ gìn chánh pháp, khiến cho hạt giống Phật pháp không bị ẩn một.

Và giáo đoàn tăng như vậy, không những có khả năng gìn giữ mà còn có khả năng tuyên dương Diệu Pháp đến mọi giới không những thế gian mà còn cả các giới xuất thế gian. (còn tiếp)

4 Tin và hiểu:

Tuệ giác Pháp hoa là tuệ giác thấy và biết rõ hết thảy chúng sinh đều có Phật tánh và đều có khả năng thành Phật, nếu có điều kiện tác động và yểm trợ.

Nên, đức tin Pháp hoa là đức tin sinh khởi từ tuệ giác ấy và của tuệ giác ấy.

Do đó, người học Pháp hoa tin rằng, hết thảy chúng sinh đều có Phật tánh và đều có khả năng thành Phật.

Với tuệ giác và đức tin ấy, nên Pháp hoa tin rằng, A-la-hán đồng có Phật tánh như Phật và sẽ thành Phật là vấn đề dễ hiểu.(13a)

Đức tin Pháp hoa không dừng lại ngang đó, mà còn đi tới rộng lớn và sâu sắc hơn. Người học Pháp hoa còn tin rằng, Phật tánh không có đối lập và không cònnằm trong hạn hữu của giới tính hay chủng loại.

Nên, ngay cả người tạo tội ngũ nghịch như Đề-bà-đạt-đa, không những được đức Phật thọ ký thành Phật mà còn xem Đề-bà-đạt-đa là ân nhân, là thiện hữu tri thức của một thời.

Tuy, Đề-bà-đạt-đa tạo tội ngũ nghịch, bị thọ báo địa ngục, nhưng Phật tánh trong Đề-bà-đạt-đa không mất.

Phật tánh ấy, cần có sự tác động của nhân duyên và sự yểm trợ của Chánh pháp để chúngsinh khởi; đó là cách nhìn và cách thấy hết sức độc đáo và đặc biệt của kinh Pháp hoa. Và lại càng độc đáo và đặc biệt hơn nữa là đức tin Pháp hoa tin vào điều ấy là một sự thật. Kinh Pháp hoa còn nói: “Nếu có người nào đối với việc này mà không nghi ngờ, thì sinh ở đâu cũng được nghe kinh Pháp hoa. Sinh trong nhân loại hay chư thiên, thì thọ hưởng sự yên vui tuyệt diệu. Và nếu sinh ra ở trước mặt Phật, thì hóa sinh từ hoa sen.”(13b) Đức tin ấy là đức tin độc đáo của Pháp hoa, nhưng kinh chưa dừng lại ở đó, mà còn tin rằng, Phật tánh không bị hạn hữu bởi giới tính hay chủng loại, nên tất cả mọi loài cũngđều có khả năng thành Phật, ngay cả loài súc sanh hay nữ giới.

Việc tin tưởng hành động hiến dâng châu ngọc tức thì biến thành nam tướng, đầy đủ phong cách Bồ-tát, lướt ngay qua thế giới Vô Cấu ở phương Nam và thành Phật của Long nữ mới tám tuổi, con của vua Rồng Diêm Hải, là đức tin độc đáo và bất khả tư nghì của Pháp hoa.

Lại nữa, người học Pháp hoa tin rằng, tất cả chúng sanh, ai cũngđều có Phật tánh và ai cũng có khả năng thành Phật,. Và như vậy, thì bất cứ ai cũng có khả năng thọ trì, đọc tụng, diễn giảng, và hoằng truyền kinh Pháp hoa đến với tất cả mọi người, mọi loài.

Ở Diêm Hải, Bồ-tát Văn-thù chỉ hoằng truyền kinh Pháp hoa, và Long nữ mới tám tuổi đã lãnh hội kinh ấy một cách sâu xa.(14)

Pháp hoa tin rằng, Báo thân của Phật không có hủy diệt, và có mặt bất cứ nơi nào có thọ trì, đọc tụng, diễn giảng kinh Pháp hoa, và ứng hóa thân của Phật hiện hữu khắp nơi để hoằng truyền kinh Pháp hoa. Bảo tháp của kinh Pháp hoa(15) có báo thân của Phật Đa Bảo là sự chứng minh độc đáo cho đức tin nầynày. Và khi mở cửa Bảo tháp của Phật Đa Bảo, thì tất cả ứng hóa thân của Phật Thích-ca đang đi hoằng truyền Pháp hoa khắp mọi nơi cùng một lúc có mặt lại là một độc đáo khác, nói lên sự linh hoạt, sống động, cùng khắp mà thống nhất của đức tin Pháp hoa.

Lại nữa, Pháp hoa tin rằng, đức Phật lịch sử chỉ là ứng hóa thân, chứ không phải Ngài mới thành Phật trong thời đại nầy này, mà Ngài đã thành Phật cực kỳ lâu xa, như ví dụ “Tam thiên trần điểm kiếp” đã được diễn đạt trong phẩm Như Lai thọ lượng.(16)

Lại nữa, Pháp hoa tin rằng, ngoài thế giới hệ của Phật Thích-ca đang giáo hóa, còn có vô số thế giới hệ khác, khắp cả mười phương, và thế giới nào cũng có Phật và Bồ-tát giáo hóa và đang giáo hóa cho thế giới hệ ấy bằng Pháp hoa.

Như vậy, nếu ta nhìn kinh Pháp hoa về mặt đức tin, thì đức tin của Pháp hoa cực kỳ độc đáo, thực tế, sâu sắc, rộng lớn với linh hoạt và đa dạng, nên ta nói về đức tin ấy không bao giờ hết.

Và độc đáo hơn nữa, đức tin Pháp hoa không phải được nuôi dưỡng và lớn mạnh từ ngôn thuyết và trí thức Pháp hoa mà nó được nuôi lớn và bảo chứng từ tuệ giác Pháp hoa, từ bản hạnh và đời sống ấy.

được gia trì bởi Thần lực của Như Lai, của các vị Đại Bồ-tát, của Thần chú và của các bậc Thiện tri thức,(17) thì mới có thể tin hiểu sâu xa đối với Pháp hoa và mới có khả năng hoằng truyền Pháp hoa mà không bị trở ngại.

Tại sao đức tin Pháp hoa và người hoằng truyền kinh này phải có sức gia trì của chư Phật và Đại Bồ-tát?

Vì như ở phẩm Như Lai thần lực, đức Phật đã nói với Bồ-tát Thượng Hạnh rằng: “Như Lai có vô biên thần lực, và đem vô biên thần lực ấy mà diễn đạt tính chất của kinh Pháp hoa, thì dù cho trải qua vô số kiếp, cũng không thể diễn tả hết được.

Vì sao? Vì tất cả thần lực tự tại của Như Lai; tất cả kho tàng bí yếu của Như Lai và tất cả những gì cực kỳ sâu xa của Như Lai, tất cả đều có ở trong kinh Pháp hoa, nên kinh đó có mặt ở đâu, quý vị hãy xem đó như Bồ-đề đạo tràng, nơi mà Như Lai đã từng giác ngộ; hãy xem đó như là Lộc uyển, nơi mà Như Lai đã chuyển vận Pháp luân và xem đó như là rừng Sa-la, nơi Như Lai đã thể thị hiện Niết-bàn.”(18)

Kinh Pháp hoa là diệu pháp, nên không thể dùng tri thức mà hiểu, không thể sử dụng đức tin đơn thuần mà tin, mà phải hiểu và tin bằng tuệ giác, được sự gia trì của chư Phật và các Đại Bồ-tát.

Tin và hiểu như vậy là tin và hiểu bằng tâm linh siêu việt mà không phải tin và hiểu theo thường tục.

Ấy cũng là một trong những cách tin và hiểu độc đáo của Pháp hoa. (còn tiếp)

Chú thích:

1.        Như Lai Thọ Lượng phẩm,  p.42, Hán, La Thập, Đại chánh tân tu 9

2.        Phương tiện phẩm, p.5, nt.

3.        Kiến Bảo tháp phẩm, p.32, nt.

4.        Phương tiện phẩm, p.8b, nt.

5.        Pháp Sư phẩm, p.31c, nt.

6.        Phương tiện phẩm, p.9b, nt; 6.1.Ngũ bách Đệ tử thọ ký phẩm, p. 28a, nt.

7.        Phương tiện phẩm, p.10 , nt.

8.        Phương tiện phẩm, p.10a, nt.

9.        Thí dụ phẩm, p.10c, nt.

10.     Tín giải phẩm, p.16, nt.

11.     Thọ ký phẩm, p.20, nt.

12.     Ngũ bách đệ tử thọ ký phẩm, p.27, nt.

13.     Thọ học vô học nhân ký phẩm, p.29, nt.

13a Phẩm Tín giải, Đại chính tạng, quyển 9, kinh số 262, trang 16.

13b. Phẩm Đề-bà-đạt-đa, Đại chính tạng, quyển 9, kinh số 262, trang 35a.

14. Phẩm Đề-bà-đạt-đa, Đại chính tạng, quyển 9, kinh số 262, trang 34.

15. Phẩm Kiến Bảo tháp, Đại chính tạng, quyển 9, kinh số 262, trang 32.

16. Phẩm Như Lai thọ lượng, Đại chính tạng, quyển 9, kinh số 262, trang 42.

17. Gia trì cho đức tin Pháp hoa để có đủ năng lực hoằng truyền kinh này, đều có trong phẩm 10, và các phẩm: 21-27.

18. Phẩm Như Lai Thần lực, Đại chính tạng quyển 9, kinh số 262, trang 186a.

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay