THIÊN NHIÊN-
ĐÔI DÒNG TẢN MẠN
Quảng Thông
ĐI TÌM SỰ SỐNG
Với thiên nhiên, có lẽ chúng ta sẽ nghĩ đến tình yêu nhiều hơn, bởi tình yêu là một cái gì đó được cảm nhận một cách trực tiếp và nói đến tình yêu là chúng ta đã đi vào lĩnh vực của trái tim, không còn ở trên bình diện trí năng nữa. Đó là những gì rung động từ trái tim, hòa điệu và sống động hơn xuất phát từ bản chất của nó. Chúng ta đã nói đến trí năng quá nhiều, đã quá coi trọng sự suy nghiệm của não bộ, đã làm cho tâm trí chúng ta trở nên nặng nề. Nó là hiện thân của nền văn hóa mang nặng lý tính, thích diễn đạt ý tưởng của mình theo chủ trương lôgic; anh phải nói một cái gì, phải trừu tượng hóa hay trí thức hóa cái kinh nghiệm cụ thể của mình. Thậm chí còn muốn đem tình cảm ra phân tích hết thảy để xem nó chứa đựng những gì.
Tinh thần muốn phân tích, muốn tìm hiểu hiện tượng giới này được gọi là khách quan khoa học. Nghĩa là đứng tách rời khỏi những đối tượng cần nghiên cứu. Phân chia và diễn dịch những quan niệm, phân biệt các hoạt chất, nghiên cứu và chinh phục thế giới tự nhiên. Theo cách này, con người đã đạt được những sự hiểu biết, những tiến bộ, những tiện nghi vật chất và người ta đã say sưa với nó, nhưng bên cạnh những thành tựu đó, nó cũng hàm chứa những mặt trái mà chúng ta có thể thấy trong thế giới hiện đại. Nó để lại những tai hại cho môi trường, và ảnh hưởng không nhỏ đến sự sống còn của những sinh vật trên trái đất. Điều đáng chú ý hơn hết là với đầu óc khoa học, áp dụng những hiểu biết về khoa học của mình để phát minh tất cả những máy móc cơ giới để nâng cao mức sống và để tự giải thoát khỏi lao động tay chân mà chúng ta ngày nay vẫn cho là vất vả và vô ích. Nhưng cơ giới cũng sẽ dễ dàng đưa tới cơ tâm và con người đã bắt đầu ra sức khai thác những tài nguyên từ thiên nhiên với những phương tiện kỹ thuật do chính mình tạo ra, và từ đó vô số các vấn đề xã hội nảy sinh đi kèm với sự suy thoái về đạo đức.
Sự sống luôn luôn là một sự liên hệ mật thiết giữa nhiều yếu tố, những hiện hữu và biến diệt của vạn vật đều có sự tương quan mật thiết với nhau. Những biểu hiện của thế giới ngày nay cho chúng ta thấy, sự liên hệ trong thế giới bây giờ không còn là vấn đề của những quốc gia riêng biệt mà là sự liên hệ có tính quốc tế. Sự an sinh của toàn nhân loại trở lại ràng buộc tất cả những phần tử nhỏ khác như một tế bào của một cơ thể sống. Cũng như chúng ta có cảm tưởng là sâu bọ bị giết chết ở ngoài đồng không có liên hệ tới vấn đề tồn tại của thế giới từ vấn đề đói no, cho đến chiến tranh và hòa bình. Nhưng kỳ thực, nó có liên hệ mật thiết với nhau rất chặt chẽ. Thuốc trừ sâu được phun xuống ruộng đồng để nâng cao năng suất cây lương thực nhằm giải quyết vấn đề đói no của con người, nó kéo theo vô số những vấn đề khác, nhất là vấn đề về môi trường sinh thái và sức khỏe của chính cộng đồng nhân loại. Đó là một thực tế mà chúng ta không thể phủ nhận và tảng lờ. Mối quan tâm này cũng đã trở thành mối quan tâm của nhiều người và nó là gì nếu không xuất phát từ tình yêu, tình yêu cuộc sống.
Quá trình trao đổi chất diễn ra từng phút từng giây giữa những sinh vật sống và môi trường. Nếu không có sự đổi trao đó thì không có sự sống. Nước, không khí, năng lượng mặt trời, tất cả đều liên hệ mật thiết với con người. Đó là mối liên hệ chằng chịt của nhiều điều kiện. Trong sự tương quan nhân duyên nhiều tầng nhiều lớp này cuối cùng không có một sự vật nào đứng vững mà tách biệt với những sự vật khác. Cái một góp mặt để tạo nên tất cả và đồng thời, cái tất cả cũng có mặt và làm nên cái một. Mỗi phút mỗi giây trong bất cứ một hiện tượng nào cũng có sự chuyển biến đổi thay để có thể có được sự sống. Nó là một tiến trình vận động. Sự vận động trong hệ thống mà trong đó các phẩm tính chủ yếu của một sinh vật hay một sinh hệ là phẩm tính của toàn thể mà không cấu phần nào của hệ có được (theo thuyết hệ thống, systems theory).
Thiên nhiên là môi trường sống của tất cả các loài sinh vật, cho nên, tôn trọng sự trong sạch, sự lành mạnh của thiên nhiên là tôn trọng sự sống của mọi loài chúng sanh, trong đó có chúng ta. Con người ta dù làm bất cứ một điều gì cũng chỉ để mưu cầu hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc ấy có thực hay không còn tùy vào nhận thức của mỗi người. Mưu cầu hạnh phúc cá nhân và chỉ biết đến lợi ích của bản thân, thì nó chỉ là cái bóng và càng đuổi bắt càng mỏi mệt mà không bao giờ đạt đến được. ‘Cái tôi là cái đáng ghét’, người xưa đã thốt lên một cách phẫn nộ như thế đấy. Tuy nhiên quan tâm đến bản thân vẫn là yếu tố đầu tiên để có được sự quan tâm đối với tha nhân và trong sự thể này việc quan tâm đến mình đồng thời với việc quan tâm đến người khác và ngược lại. Nó luôn ở trong thế hỗ tương tùy thuộc vào nhau.
Khoa học kỹ thuật là sự tiến bộ tất yếu, nhưng sự tiến bộ đó đôi khi lại đi ngược với quá trình vận động của sự sống. Sự lầm lẫn này đã phát xuất từ khái niệm phân biệt về cái tôi (ngã), về nhân loại độc tôn (nhân), các loài sinh vật khác (chúng sanh) và các loại khoáng chất, cho rằng chúng tồn tại độc lập với nhau, không có liên hệ gì với nhau. Khoa học luôn lấy đối tượng nghiên cứu của mình là thế giới tự nhiên và tôn trọng tính khách quan của quá trình nghiên cứu. Hay nói cách khác đó là sự tách ly giữa cái tôi và thế giới còn lại. Nỗ lực của khoa học là tìm hiểu vạn vật, chinh phục nó và bắt nó trở thành những phương tiện phục vụ đời sống con người. Nhưng những nỗ lực đó đã tạo ra không ít những tai ương cho những loài chúng sanh khác cũng như thế giới tự nhiên và hậu quả thì chính con người phải gánh chịu. Chúng ta không chống đối sự tiến bộ của khoa học, nhưng cùng với sự thông minh của mình, con người tìm cách để hiểu sâu hơn sự vận hành của thiên nhiên từ đó có được một thái độ sống hài hòa thực sự để duy trì sự sống và tiến bộ. Tiến bộ không đồng nghĩa với sự tiến dần đến cái chết. Điều này chúng ta có thể có nhiều hy vọng khi nền khoa học ngày nay đã bắt đầu thấy được tính tương tức của các pháp và quan tâm hơn tới những lĩnh vực khác ngoài thế giới vật chất.
Trong nền vật lý mới, vật lý nguyên tử, người ta đã thấy được mối liên hệ không thể tách rời của các hạt cơ bản. Muốn hiểu được bản chất của một hạt cơ bản, người ta phải đặt nó trong mọi mối liên hệ của toàn thể vũ trụ, kể cả tâm thức của người quan sát. Ở đây, người ta phủ định luôn cả những đơn vị gọi là cơ bản- không có hằng số cơ bản, định luật hay phương trình. Vũ trụ vật chất chỉ được xem là một mạng lưới gồm các biến cố tác động lên nhau. Không có tính chất nào của bất cứ thành phần riêng biệt nào của mạng lưới là cơ bản; tất cả chúng đều tuân thủ các tính chất của toàn thể các thành phần khác, và sự dung thông ăn khớp toàn bộ của những mối liên hệ chằng chịt của chúng là nhân tố xác định cấu trúc của toàn mạng lưới. Không thể hiểu được tính chất của một thành phần nếu tách rời nó ra khỏi những liên hệ với toàn thể.
Như thế, việc tìm hiểu bản chất của vũ trụ là tìm hiểu trong cái toàn thể không thể phân tách và vai trò của ý thức đã nổi lên trong mối quan hệ với sự quan sát các hiện tượng vật lý. Thuyết lượng tử đã chỉ rõ rằng những hiện tượng này chỉ được hiểu như là mỗi mắt xích của một chuỗi tiến trình, mà khâu cuối cùng của chúng nằm nơi ý thức của người quan sát. Khoa học gia Eugene Wigner phát biểu,“không thể phát biểu định luật (của thuyết lượng tử) trong một cách hoàn toàn nhất quán nếu không dựa vào ý thức.” Có thể nói rằng sự bao gồm trọn vẹn ý thức con người có thể là một khía cạnh chủ yếu của những thuyết về vật chất trong tương lai. Đó là nhận thức cần thiết để có sự thay đổi trong hành động, thay đổi từ ý định ngự trị và điều khiển thiên nhiên đến một thái độ hợp tác và bất bạo động. Đây là một thay đổi theo chiều hướng tâm linh.
Cảm Nhận Thiên Nhiên
Càng rời xa thiên nhiên tâm tánh con người ngày càng trở nên hỗn loạn và bạo động. Sự hài hòa, thanh thoát của thiên nhiên sẽ giúp chúng ta xua tan những phiền não: xôn xao và lo âu làm cho tâm hồn yên lắng trở lại. Sự yên tĩnh là một niềm phúc lạc lớn đối với sự sống, đó là niềm vui không ai có thể đánh đổi được: “Hạnh phúc tối thượng là sự yên tĩnh của tâm hồn” (Kinh Pháp Cú). Những ai đã từng kinh qua những khổ đau, và cảm nhận được niềm vui sống với thiên nhiên đều không thể phủ nhận sự thực này.
Sự tươi mát tĩnh tại của thiên nhiên sẽ xoa dịu những nỗi đau trong tâm hồn của con người. Nếu trong cuộc đời khi nào ta cảm thấy dao động, bất an thì hãy tìm về với thiên nhiên. Thiên nhiên là người bạn trung thành, không bao giờ phản bội chúng ta, là người mẹ hiền luôn tưởng nhớ và sẵn sàng đón nhận chúng ta. Đừng tưởng rằng ta chẳng còn ai. Thi sĩ Lamartine nói: “Nhưng này bạn, dù bạn có khổ đau thì thiên nhiên vẫn còn đó, thiên nhiên vẫn yêu bạn, bạn nên lặn hụp vào trong lòng của thiên nhiên vì thiên nhiên đang mở hai cánh tay để chào đón bạn. Trong khi đối với bạn, tất cả đều thay đổi, thì thiên nhiên vẫn là thiên nhiên cũ, không bao giờ phản bội bạn, sẵn sàng mở hai cánh tay đón nhận bạn. Mặt trời hôm nay mọc lên, chiếu xuống cuộc đời bạn vẫn là mặt trời cũ, bạn đừng quên.”
Tình yêu đối với thiên nhiên giúp chúng ta dễ tìm thấy sự cảm thông với cái Đẹp, cái Lành và cái Chân thực trong cuộc sống. Một bông hoa bên hàng dậu, một áng mây trôi lững lờ, một dòng nước trong xanh…, tất cả đang hiện hữu rất tươi đẹp và nó như thể hiện được một cái gì đó thuộc về một thực tại tuyệt diệu, ly ngôn. Thực tại ấy chỉ có thể miêu tả bằng sự cảm nhận trong đại thể mà không thể phân tích bằng khái niệm phân biệt trong một thoáng lặng nhìn.
“Đứng yên bên hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.”
(Bài thơ “Hoa Thược Dược” của Trụ Vũ)
Hay một cái nhìn tuyệt vời trọn vẹn cả thân tâm. Một cái nhìn biến tan cả chủ thể lẫn đối tượng, một sự nhận thức mà người quan sát đang trở thành một với bông hoa, là bông hoa, để đón nhận ánh mặt trời, hô hấp không khí và tiếp thụ các khoáng chất từ lòng đất của chính một bông hoa. Có một nụ mỉm cười với tất cả sự hiện hữu mầu nhiệm trong giờ phút đó và cũng có một nụ cười với tất cả lòng từ bi khi trông thấy một thiếu nữ vì không thấy rõ được bản chất tuyệt diệu của hoa cỏ giữa đất trời, đã bẻ ngắt những cành hoa cắm đầy đầu khi ra về từ vườn hoa:
“Cười kẻ không hay hoa huyền diệu
Khi về mái tóc dắt đầy hoa”
(Hai câu cuối trong bài thơ “Hoa Cúc” của thiền sư Huyền Quang đời Trần)
Nếu được một lần đứng trước thiên nhiên hùng vĩ, ta mới thấy cái bản ngã của con người mới nhỏ bé làm sao!. Những tính toán hơn thua, giận hờn hôm qua hay ban nãy đây thật vô lý. Thiên nhiên khoáng đạt thế, đời người được bao lâu. Nếu tưởng tượng một mình lạc lõng giữa núi rừng hoang sơ không một bóng người, ta sẽ cảm giác như thế nào nhỉ? Hẳn ta cảm thấy cần tình thương yêu biết mấy, ta thèm nghe tiếng nói và nhìn khuôn mặt của con người biết mấy, những người đã đang cùng ta sống hàng ngày mà bấy lâu ta cứ coi như những cái bóng ấy. Thì ra, sống trong thế giới vật chất, sự xa hoa giàu sang, địa vị danh vọng, ta cứ tưởng mình là một cái gì quan trọng, nhưng nếu không có cộng đồng con người thì phải chăng ta chỉ là một sinh vật không biết suy nghĩ. Đó là bài học đầu tiên mà mẹ thiên nhiên muốn dạy chúng ta để làm người và biết sống với con người.
Cánh chim rừng sải cánh giữa bầu trời, con cá lội dưới sông sâu, gió thổi thông reo, tất cả như đang nói rằng có cái gì đó là tự do, là hạnh phúc. Tất cả mọi loài đều khao khát tự do. Con người muốn có hạnh phúc cũng phải có tự do. Tự do là không bị kéo lôi của định mệnh và dục vọng, không bị cầm tù trong bản ngã.“Không có hạnh phúc chân chính nào mà không được thiết lập trên tự do. Nếu không có tự do thì thật sự không có hạnh phúc. Tự do chỉ có được khi mình chống lại được với định mệnh.” – Nhất Hạnh.
Thiên nhiên là một cuốn sách mà trong đó người ta có thể đọc hoài không biết chán, càng đọc lại càng khám phá ra được nhiều điều bí ẩn. Quả vậy, thiên nhiên luôn luôn rất thiệt thà và chung thủy, có sự tranh sống diễn ra giữa loài này với loài khác, nhưng không có sự lừa dối phản trắc. Nếu có kẻ nào đến với thiên nhiên mà bị hại là tại chưa đọc hết, chưa hiểu hết, chứ thiên nhiên không bao giờ phản bội. Nhưng con người, với quan niệm hạnh phúc vị kỷ, chỉ muốn rằng tất cả những gì họ yêu thích thì nó phải thuộc về sở hữu của mình. Họ chỉ muốn đóng khung, làm lồng cho những đối tượng mình yêu mến. Yêu nhau, người ta thường xây ngục thất cho nhau.
Khi Rác Không Thể Biến Thành Hoa
Rừng cây xanh bạt ngàn kia, là buồng phổi của cơ thể trái đất, là nhà máy khổng lồ điều hòa nhiệt độ, độ ẩm, duy trì lượng nước ngầm ổn định, cũng như cung cấp dưỡng khí cho muôn loài sinh vật. Sự tách biệt môi trường với con người đã làm cho con người trở thành kẻ đương đầu với thiên nhiên. Con người là một bộ phận của môi sinh, không thể tách rời khỏi mạng lưới của môi sinh được. Đó là quá trình trao đổi sống động. Một tờ lá rơi xuống đất là để trở lại nuôi dưỡng cây xanh, sinh vật ăn cây cỏ và thở dưỡng khí từ cây xanh thải ra và đồng thời cũng thở ra thán khí và các chất hữu cơ, vô cơ khác cần thiết cho quá trình quang hợp của cây xanh. Đó là một chuỗi biến đổi sinh học, đồ phế thải của bộ phận này trở thành đồ nuôi dưỡng của bộ phận kia. Rốt cuộc trong thiên nhiên không có gì là đồ phế thải. Rác có thể biến đổi thành hoa và hoa có thể biến đổi thành rác để rồi lại biến thành hoa, không có cái gì mất đi mà chỉ là một sự chuyển biến thành dạng này hay dạng khác.
“Lá vàng rụng xuống
Cho đất thêm màu
Có mất đi đâu
Chồi lên lộc biếc.”
(Xuân Quỳnh)
Thế nhưng trong đời sống hiện đại, với chủ trương kinh tế kỹ nghệ, các tổ chức xã hội là những mạng lưới áp đặt lên cá nhân những tiêu chuẩn tiêu thụ tối đa và hưởng thụ một cách ích kỷ. Do đó thúc đẩy một tốc lực sản xuất tối đa, tài nguyên được biến chuyển thành sản phẩm cộng với một số lượng đồ phế thải khổng lồ. Sản phẩm đem tiêu thụ lại tạo ra thêm một số lượng đồ phế thải nữa. Thiên nhiên cứ như thế càng ngày càng trở nên chật chội với những thứ phế thải khó tiêu này, ô nhiễm nặng nề và sự sống trên trái đất bị đe dọa.
Nhận thức rõ điều này chúng ta thấy có một trách nhiệm chung trong việc bảo vệ sự trong sạch của môi trường tự nhiên. Nhìn những núi rác chất ngất ở ngoại ô thành phố với mùi xú uế cực kỳ, và là nơi trú ẩn của vô số những vi khuẩn có thể nguy hại đến sức khỏe của con người, chúng ta nghĩ gì? Nhìn những cánh rừng bị đốn ngả, bị đốt cháy trơ trụi, những dòng sông ô nhiễm kia, chúng ta nghĩ gì? Có thấy xót xa? Nhưng chúng ta cũng chớ vội đổ lỗi cho những người đốn rừng và những người làm ô nhiễm không khí và nước sông. Tất cả chúng ta đều đã và đang cùng nhau tạo nên tình trạng đó. Muốn biết, hãy nhìn cách chúng ta tiêu thụ. Đời sống với những nhu cầu tiêu thụ đi kèm với những chất thải khó tiêu, khó xử lý sạch đối với môi trường (như bao bì, chai, nhựa, chất plastic…). Phải chăng chính chúng ta “vừa là cây rừng đang bị đốn ngả, là nước sông và không khí đang bị ô nhiễm mà cũng là người đốn rừng và làm ô nhiễm không khí và nước sông?”(Thiền môn nhật tụng 2000, trích thực tập ba cái lạy, Thích Nhất Hạnh)
Chiến tranh cũng là một trong những nguyên nhân chính yếu của sự ô nhiễm môi trường. Chúng ta gây bạo động đối với con người và cũng gây bạo lực đối với thiên nhiên. Khi những hận thù, tham đắm, bạo động trong mỗi con người chưa lắng xuống, thì chiến tranh và chết chóc chưa thể chấm dứt. Mỗi sự giận hờn, trách móc, thù địch đều có thể tương tác và gây nên bầu không khí chiến tranh trên thế giới. Nhìn lại thì từ sự chuẩn bị chiến tranh, thử nghiệm vũ khí, và đưa vào chiến tranh thực sự đã hao tốn không biết bao nhiêu là tài nguyên và nhân mạng và còn để lại những di hại không lường cho môi sinh và con người. Phải chăng chúng ta vừa là kẻ phải gánh chịu những tai ương của chiến tranh và đồng thời cũng là người gây ra chiến tranh; vừa là kẻ bị tàn phế, tật nguyền của bom đạn, vừa là kẻ chế tạo bom đạn để bán cho các bên tham chiến, cổ vũ chiến tranh?
HÀN GẮN VẾT THƯƠNG LÒNG
Hãy tìm về với thiên nhiên để tâm trí được cân bằng trở lại, để làm lắng nhẹ những khổ đau, mà chính những khổ đau này đã dẫn đến những bế tắc và nổi loạn. Về với thiên nhiên không phải là sự trốn chạy khổ đau mà chính là để có cơ hội nhìn nhận cho rõ mặt mũi của khổ đau. Thói quen của chúng ta là trốn chạy khổ đau và muốn khỏa lấp chúng bằng những thú tiêu khiển rẻ tiền và những cảm giác độc hại. Khỏa lấp để tìm một chút an ninh, nhưng càng chạy trốn, càng khỏa lấp, thì những nỗi bất an lại càng lớn mạnh thêm.
Bước thiền hành, hơi thở chan hòa giữa đất trời rộng mở sẽ giúp chúng ta chế tác năng lượng của sự bình tĩnh, tháo gỡ những mối lo âu trong tâm hồn. Ta sẽ tìm gặp lại sự hồn nhiên, tươi vui của trẻ thơ mà ta đã từng trải qua, và rồi vì nghiệp lực, chúng ta đã bị thúc đẩy để phải xa rời chốn bình yên mà lưu lạc trong đời với những toan tính, lo âu. Con người đã bị cuốn đi bởi guồng quay của dục vọng, của những tập khí. Chúng ta đã đánh mất sự dịu dàng nhạy cảm của tâm hồn, trở thành những người lớn nhưng đồng thời cũng trở nên chai sạn. Chai sạn đến vô cảm với những gì mới mẽ, tuyệt đẹp đang diễn ra chung quanh. Tìm lại dấu ấn nguyên sơ của mình là trở lại với tâm hồn cởi mở và hồn nhiên của trẻ thơ, tuy vẫn nhìn thấy thực tế một cách minh bạch và không hề có ảo tưởng. Một Thiền sư, “họ ban đầu là trẻ thơ, rồi trưởng thành, rồi quay lại là trẻ thơ mà không hề đánh mất tính hiện thực của người trưởng thành.” - D. T. Suzuki.
Mỗi bước chân đi là một dấu ấn in trên mặt đất của thực tại (bộ bộ đạp trước thật địa). Mỗi bước chân là một bước trở về với thiên nhiên, hòa với cỏ cây và đất đá và đó cũng là lúc trở về lại với chính mình. Hãy lắng nghe tiếng gió thổi trên những tàng cây, tiếng con chim hót, tiếng dòng nước chảy dưới chân đồi, tia nắng lọt qua những khe lá xanh như ngọc, con chuồn chuồn chập chờn trước gió... Đó là những âm thanh, những hình ảnh rất quen thuộc. Mỗi phút mỗi giây tiếp xúc với thiên nhiên, ta sẽ được tiếp thêm năng lượng. Năng lượng của sự bình an, của chánh niệm. Đó là những bước chân đi trên Tịnh Độ. Khi chánh niệm đã dồi dào thì cũng chỉ là những hàng cây cũ, cũng lối mòn xưa, cũng những tiếng chim, tiếng dế trùng ca hát ấy mà tất cả đều hiện ra đẹp đẽ lạ lùng khác nào những hàng cây quý, và những tiếng chim kỳ diệu của cõi Cực lạc.
HÀN GẮN VẾT THƯƠNG ĐẤT MẸ
Đất mẹ chở che nâng đỡ, nuôi dưỡng chúng ta nhưng đất mẹ cũng cần sự quan tâm chăm sóc của chúng ta, những người con sinh ra từ bà mẹ đất nhu hòa và đầy sức chịu đựng. Hiểu được những mối họa đối với môi trường, cũng như những mối họa mà con người đang phải đối đầu, một thao thức cần thiết là làm sao để có thể góp phần bảo vệ thiên nhiên. Đó là một thiện chí tốt, nhưng đôi khi càng cố gắng làm một điều gì, chúng ta lại càng làm cho tình trạng thêm hỗn độn. Ấy là bởi chúng ta chưa thấy rõ cái nguyên nhân sâu xa của tình trạng. Ấy là bởi trong tâm chúng ta chưa có sự bình yên. Tâm chưa bình thì thế giới vẫn chưa yên. Muốn đem đến sự bình yên cho thiên nhiên, trả lại sự lành mạnh cho môi trường, thì nhất định ta phải thiết lập cho được trạng thái an bình ngay trong đời sống nội tâm mình. “Không có con đường đẫn đến bình yên, bình yên chính là con đường” (there is no way to the Peace, Peace is the way). Như vậy không có gì khác hơn là trong mỗi phút giây phải biết sống an bình. Chỉ cần dừng lại và tiếp xúc với thiên nhiên, với trái đất, tự khắc chúng ta sẽ biết làm gì.
Khi lấy nước để rửa tay, hãy tự hỏi, nước này từ đâu tới? Câu hỏi đó sẽ giúp ta thấy rõ sự liên hệ giữa mình với thiên nhiên. Ta thấy mình thật là may mắn để có được nguồn nước sạch. Nếu mở mắt ra, nếu lắng tai nghe, ta sẽ thấy trên thế giới không phải ai cũng có đủ nguồn nước sạch để dùng. Diện tích rừng cây trên toàn cầu đã bị thu hẹp rất nhiều, không đủ để giữ ẩm cho không khí và không dự trữ được các mạch nước ngầm cần thiết cho sinh hoạt của con người. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghiệp hiện đại, đã làm cho nguồn nước trong các sông ngòi và các mạch nước ngầm trở nên ô nhiễm, gây nên tình trạng thiếu nước trầm trọng trên toàn thế giới. Và rồi hãy nghĩ đến người khơi nguồn cho giếng nước thơm trong:
“Nước từ nguồn suối cao
Nước từ lòng đất sâu
Nước mầu nhiệm tuôn chảy
Ơn nước luôn tràn đầy.”
(Thích Nhất Hạnh: Thi kệ nhật dụng)
Người biết ơn là người hạnh phúc nhất trên đời. Phật dạy: “Biết khiêm cung lễ độ, tri túc và biết ơn, không bỏ dịp học đạo, là phước đức lớn nhất”. Vâng, tri túc và biết ơn. Tri túc là dừng lại tình trạng tiêu thụ quá đáng của chúng ta, biết trân quý và hoan hỷ với những gì mình đã có và biết ơn đời đã hiến tặng cho chúng ta những điều kiện tốt để có được một đời sống hạnh phúc ngay ở đây và bây giờ. Nhìn lại đi, chúng ta không thiếu điều kiện nào để có thể sống một đời sống hạnh phúc. Chúng ta may mắn được nước sạch để sử dụng hàng ngày và chúng ta không quên cầu mong cho người khác cũng được đầy đủ nước như thế và có ý thức bảo vệ môi sinh như thế. Chúng ta lại thầm nguyện:
“Vốc nước để rửa tay
Xin nguyện cho mọi người
Có đôi bàn tay sạch
Gìn giữ trái đất này.”
(Thích Nhất Hạnh: Thi kệ nhật dụng)
Đúng rồi, trái đất cần có những đôi bàn tay cần mẫn, có hiểu biết, có thương yêu để chăm sóc và gìn giữ. Bàn tay không sạch tức là những bàn tay còn có nhiều tham vọng ích kỷ, những hận thù nhiễm ô. Bàn tay ấy nhúng vào chuyện gì cũng chỉ đem lại sự ô nhiễm và tai hại. Nhưng tất cả đều có thể rửa sạch bằng thứ nước của chánh niệm và của lòng biết ơn. Lòng biết ơn sẽ thôi thúc chúng ta quay về với lối sống tỉnh thức để có thể nhìn sâu và thấy rõ sự liên quan tương hỗ giữa cá nhân và cộng đồng, mọi loài chúng sanh và nhiên giới.
Khi nâng bát cơm hay chén trà lên cần phải có ý thức để thấy cho được sự có mặt của vũ trụ đang cùng có mặt để nâng đỡ sự sống chúng ta.
“Tay nâng bát cơm đầy
Tôi thấy cả vũ trụ
Đang dang tay góp mặt
Để cùng nuôi dưỡng tôi”
(Thích Nhất Hạnh: Thi kệ nhật dụng)
Khi tiêu dùng những thực phẩm cũng phải học cách lựa chọn những thứ dễ dàng chuyển hóa trở lại đối với cơ thể và môi trường. Hạn chế mua những thứ phải dùng đến những chai, hộp và bao bì làm bằng chất ni-lon … nói chung nên chọn phương pháp sinh học trong tiêu thụ để bảo vệ bản thân và môi trường. Tất cả những cái đó quả thật là nhỏ nhặt, nhưng lại rất căn bản để học, bài học đầu tiên về bảo vệ môi trường. Giọt nước nhỏ nhưng sẽ làm đầy thùng, đóng góp chỉ là cá nhân nhưng nhiều người sẽ tạo ra một ảnh hưởng lớn.
Về với thiên nhiên là để cảm nhận được tình yêu của thiên nhiên, sự bao dung và độ lượng. Đến để học cách sống chan hoà với thiên nhiên, lập lại sự bình yên của tâm hồn, làm lắng dịu những nỗi đau của chính mình. Đến với thiên nhiên là để học cách nhìn thế giới trong nhiều mối tương quan, để thấy mình là vô ngã và sống tích cực hơn. Sự hiện hữu của mình chỉ là Không, không có tự ngã riêng biệt (chân không), mà cũng đồng thời là một hiện hữu nhiệm mầu (diệu hữu) với vô số những hiện hữu khác. Tất cả đều đang có mặt để cho chúng ta có mặt. Cho nên khi đến đừng để lại một dấu tích nào đáng tiếc cho mọi sự hiện hữu, cho môi sinh. Đến là sự chuẩn bị cho ngày về, và cần phải có sự chuẩn bị để ngày về, cũng đừng bị vướng kẹt vào một chấp trước nào cho sự đến và đi. Đến và đi thong dong tự tại như gió nội, trăng ngàn. Xin mượn hai câu thơ sau đây của Tuệ Nguyên để nói lên tâm nguyện này:
“Đi không lưu một dấu hài
Ngày về cũng vượt ra ngoài có không.”{ |