TIẾNG ĐÀN CỦA VỊ TU SĨ
Lam Khê
Thầy Minh Ký là một người lập dị khác đời. Mọi người đều nói về thầy như vậy, dù chẳng ai biết nhiều về thầy. Hai năm trước khi Hòa thượng Viện chủ về tịnh tu và cho tu bổ lại ngôi Bảo điện trên núi, thì thầy cũng tìm đến xin tá túc trong hang đá ngay dưới chân núi.
Thầy sống đời ẩn dật lặng lẽ giữa chốn non xanh nước biếc, quanh năm chỉ áo vải nâu sòng, đầu trần chân đất. Và hầu như không giao thiệp tiếp xúc với ai, nên chẳng mấy ai quan tâm đến sự có mặt của thầy ở đây. Hằng ngày thầy giam mình trong ngôi thạch thất, mọi người qua lại chỉ nghe tiếng gõ mõ tụng kinh. Có khi thầy ra bên ngoài ngồi tham thiền nhập định trên mấy ghềnh đá cheo leo bên sườn núi. Thỉnh thoảng thầy cũng lên chùa phụ làm những công việc lặt vặt như bửa củi, trồng cây, hái thuốc… và ở lại dùng ngọ với các chú tiểu. Đôi khi thầy cũng có công việc phải đi đây đó vài ngày, hoặc ra ngoài thị trấn cách vài cây số. Khi về thì quãy đầy tay nãi nào là gạo muối lương khô…
Xung quanh ngôi thạch thất, thầy có trồng dăm loài hoa kiểng, ít cây ổi mận, đu đủ… Ngày tháng trôi qua, cây trái đã trở nên xum xuê tươi mát, những chậu hoa cũng lấm tấm điểm một vài bông đỏ vàng rực rỡ. Mấy chú tiểu đi qua cứ tấm tắc khen. Thế là thầy gọi vào hái trái cây xuống cho. Khi mấy chú ngỏ ý muốn gởi tiền cho thầy uống trà, thì thầy khoát tay nói: - Mấy chú cứ tự nhiên… thầy trồng cây trái cho vui, chứ đâu phải thiếu thốn hay cần bạc tiền gì !
Nghe nói thầy là người thành phố, từng là sinh viên một trường Đại học kinh tế có tiếng. Đẹp trai, con nhà giàu học giỏi… không hiểu sao tự dưng lại từ bỏ tất cả để sống khắc khổ tu hành, an bần lạc đạo. Và cũng nghe đâu hồi trước thầy thường thích sống đời nghệ sĩ lang bạt kỳ hồ, không chịu sự câu thúc bó buộc. Tuy vậy từ ngày về núi, thầy chỉ chuyên tu mà không màng đến những chuyện thị phi nhân ngã bên ngoài.
Nhưng rồi… một hôm thầy bất ngờ đem về một cây đàn tranh treo trước cửa tịnh thất. Mấy chú tiểu đi ngang qua tò mò xúm lại xem, thầy bèn lấy đàn xuống gảy cho nghe. Có chú thích quá xin theo học đàn thì thầy chỉ cười. Chuyện đến tai Hòa thượng, người gọi thầy lên bảo: - Thầy là người tu hành sao lại còn chơi đàn… nhất là ở chốn núi non yên tịnh này, quả là điều không thích hợp chút nào.
- Bạch Hòa thượng… con đem cây đàn về với mục đích là tạo nhân duyên để hướng dẫn các em nhỏ đến chùa. Dân ở đây dù lam lũ, nhưng đôi khi rảnh rỗi họ cũng muốn đến chùa nghe kinh cho thư thả tâm hồn. Con thiết nghĩ… mình mượn tiếng đàn để dạo lên những baì nhạc đạo, những câu niệm Phật cũng là giúp mọi người thông hiểu giáo lý Phật Pháp, xây dựng cho họ một đời sống tâm linh tốt đẹp, đó cũng là một phương cách hóa duyên.
Trước những lập luận nghe có vẻ hợp lý của thầy, Hòa thượng chỉ nói: - Thầy có ý như vậy cũng được, phương tiện hóa sanh thì có nhiều, cũng chẳng thể câu thúc vào một việc gì. Duy có điều không nên cho mấy chú tiểu sa đà theo học đàn hát. Hơn nữa thầy cũng đừng quá chủ quan, nếu chuyển hóa đời không khéo thì sẽ bị đời chuyển lại đó.
Thế là hằng đêm đám trẻ con quanh vùng tụ tập lại quanh tịnh thất để nghe thầy nói đạo, giảng pháp. Rồi thầy gảy đàn, dạy cho chúng hát và niệm Phật theo tiếng đàn. Chúng thuộc nhanh các bài nhạc đạo, yêu thích câu niệm Phật qua tiếng đàn lảnh lót nhịp nhàng. Lâu ngày tiếng đàn và phong cách sống cởi mở của thầy lan xa đến cả xóm chợ. Thỉnh thoảng nhiều thanh niên thanh nữ trong thị trấn rủ nhau đến để cùng thầy đàn hát nói chuyện. Ngôi Thạch thất im vắng bỗng trở nên sinh động vui tươi giữa những câu chuyện đời đạo thân tình ý vị.
Bạch Hòa thượng! Người cho gọi con lên có gì dạy ạ?
Vẻ mặt Hòa thượng trông nghiêm nghị khác thường, nhưng người chỉ từ tốn nói:- Có bà Tư đây muốn nói chuyện với thầy.
Bà Tư - chủ hãng nước đá ngoài thị trấn - một Phật tử thuần thành vẫn hay lui tới cúng dường chùa. Thầy Minh Ký chỉ biết vậy thôi chứ chưa từng nói chuyện tiếp xúc với bà. Thầy ngồi nghe bà nói chuyện… tưởng chừng như câu chuyện về một ai khác. Nó giống như một pho tiểu thuyết mà hồi xưa thầy đã từng đọc qua đâu đó. Cô Trâm - con gái rượu của bà được coi là hoa khôi ở vùng này. Thời gian gần đây có nhiều người thuộc hạng danh vọng giàu sang đến dạm hỏi. Nhưng cô Trâm một mực cự tuyệt hết thảy. Gia đình bắt ép. Thế là cô bỗng phát bệnh không chịu ăn uống thuốc thang gì cả. Tra gạn mãi, cô mới thú nhận. Gần một năm nay cô cùng chúng bạn đến tịnh thất của thầy để học đàn hát theo các em nhỏ. Cô thích hát, mê mẩn trong những cung bậc du dương trầm ấm. Tiếng đàn trong những đêm trăng huyền ảo, đã thổi vào tâm hồn cô biết bao mộng tưởng xuân thì. Cô yêu trăng, yêu đàn và mến mộ luôn người đánh đàn. Sự thương kính tưởng chừng như trong sáng ấy đã dần dần đổi màu… khi trái tim cô bắt đầu tấu lên những tình khúc lạc điệu. Cô yêu dáng vẻ phong sương, yêu cả nụ cười hiền từ mà đạo mạo của thầy. Cô biết như thế là tội lỗi. Thầy là người tu hành. Thầy cũng chẳng có tư ý gì với cô. Thầy chỉ đàn cho mọi người hát. Những lời hát mang ý nghĩa thanh cao, chứa đựng bao điều hay, bao lý tưởng đẹp trong cuộc sống. Vậy mà từng đêm… từng đêm… lòng cô cứ ray rứt khổ đau trong nỗi niềm đơn phương lặng lẽ. Cô thầm trách người, rồi lại trách trời cao dun rũi. Nếu như không thoát khỏi lưới tình, thì sao lại buộc cô vào chốn thâm nghiêm này.
Bà Tư thở dài: - Cả tuần nay nó không chịu ăn uống gì, cứ vật vã khóc lóc. Lại còn đòi tự tử nữa. Chính tiếng đàn của thầy đã làm hại nó. Dù mục đích của thầy có tốt đẹp như thế nào, nhưng hậu quả thì gia đình tôi phải chịu. Chuyện đã như thế này thì thầy không thể không có trách nhiệm.
Hôm sau thầy Minh Ký xuống núi tìm đến nhà thăm cô gái đang lâm bệnh. Không hiểu thầy đã nói những gì với cô, nhưng được một lúc sau thì thầy trở về đập gảy cây đàn… thu xếp hành lý rồi từ giã núi rừng ra đi biền biệt.
Cuối năm, cô Trâm đi lấy chồng. Chồng cô là một Kỹ sư địa chất đang làm việc trong thị trấn. Mọi người rồi cũng quên đi câu chuyện một thời đó. Nhưng cô gái ngày xưa thì dường như không quên được. Nhiều năm sau này, cô vẫn thường hay dắt đứa con nhỏ của mình lên núi, vào tận nơi hang đá… nhện giăng bụi bám để tìm lại chút dư âm cũ. Cây đàn bị đập vỡ nằm lăn lóc trong góc xó chẳng ai buồn đụng đến. Cảnh vật đìu hiu cũng khiến lòng người ai cảm bâng khuâng. Không ai biết được vị thầy của ngôi thạch thất này đã đi đâu và làm gì? Có người bảo thầy trở về tu trên thành phố. Cũng có người nói gặp thầy ở một ngọn núi xa tít tận cùng đất nước. Dù gì thì thầy cũng đã dứt tình ra đi, để cho người ở lại tìm quên trong hạnh phúc của đời mình. Cô vẫn còn nhớ như in những lời thầy đã nói :- “Tôi vì không muốn buộc ràng trong đường tình lụy mà từ bỏ gia đình, sự nghiệp để được sống đời tự tại giải thoát. Còn cô thì có biết bao nhiêu mộng đẹp đang chờ đón phía trước… mà chắc chắn là tôi sẽ không mang lại cho cô những hạnh phúc đó được. Chúng ta là hai ranh giới không thể cùng hòa hợp trong một ngôi nhà thế gian. Có chăng là cùng hướng đến một thứ tình cảm cao thượng tốt đẹp để còn giữ cho nhau niềm thương kính như sơ. Cô hãy vì bản thân vì gia đình… mà sống xứng đáng với những gì mình đang có, đừng quá mơ mộng viễn vông. Chuyện tình cảm không thể gượng ép van xin và hạnh phúc không thể có khi mà hai trái tim không đồng điệu. Hơn nữa tôi vì lý tưởng, vì mục đích cao cả nên không bao giờ từ bỏ con đường mà mình đã chọn…”
Núi rừng đã bao mùa thay lá, cảnh cũ rêu phong càng in đậm vẻ tang thương biến đổi. Dù tiếng đàn không còn, người khởi xướng đã như chim trời cá nước; nhưng thỉnh thoảng vào những đêm trăng rằm… đám trẻ con vẫn quay quần bên chân núi cùng hát vang những câu hát, câu niệm Phật ngày xưa mà thầy đã dạy. Hạt giống lành thầy gieo trồng nay đang vươn mầm trổ nhụy. Có biết bao niềm tin được thắp sáng lên kể từ khi thầy rời bỏ ra đi.
Khi nghe tiếng hát vọng lên từ vùng ký ức xa xôi, người thiếu phụ chợt thấy lòng nhẹ khuây trong nỗi niềm sám hối chân thành. Tiếng hát từ lâu đã giúp cô cảm nhận ra một điều: -Hạnh phúc và khổ đau luôn đan xen như hình với bóng… để muôn đời trói buộc kiếp sống nhân sinh. Chỉ có người liễu ngộ được đạo lý chơn thường thì mới trở nên bất biến ngay trong vòng cương tỏa của thế gian. |