Đạo Phật Của Tôi
Tuệ Chương
Tôi đi chùa từ khi còn rất nhỏ, 5 hay 6 tuổi. Mỗi năm, cứ dịp Tết âm lịch, ngày mồng một, cậu tôi (Thân phụ tôi, gọi là cậu vì là con khó nuôi) dẫn ba anh em tôi đi chùa:
Tôi, người anh kế, hơn tôi hai tuổi và ông anh cả, hơn tôi sáu tuổi. Chùa cậu tôi dẫn đi là chùa Phật Lồi ở truông Ái Tử (địa điểm trong chiến tranh vừa qua là căn cứ quân đội Mỹ). Từ thị xã Quảng Trị, cậu tôi dẫn ba anh em chúng tôi qua đò ngang trên sông Thạch Hãn, đi ngang qua làng ngoại tôi là làng Nhan Biều ở bên kia sông. Hết địa phận làng ngoại, chúng tôi qua cầu Ái Tử, chỗ phát sinh câu ca dao: “Mẹ thương con ra ngồi cầu Ái Tử…”, bên kia cầu là một bãi cát rất rộng, thường gọi là truông Ái Tử. Truông nầy kéo dài gần tới Đông Hà mới hết. Xưa, chúa Nguyễn Hoàng, khi vào Nam cũng đóng đô lần đầu tiên ở đây, tên cũ gọi là Dinh Cát hay Dinh Cây Khế. Sử cũng chép, năm 1558, khi ông cùng binh lính và bà con từ Đàng ngoài vào tới truông Ái Tử, đường xa, ai cũng khát nước nên dân chúng đem 7 chum nước ra dâng. Cậu ông Nguyễn Hoàng là Nguyễn Ư Kỷ đi theo làm quân sư thấy thế bèn nói rằng: “Nay mới đến trấn mà dân đem nước dâng, đó là điềm trời cho đó. Nước tức là nước vậy”. Cảm vì tấm lòng tốt của dân nên Nguyễn Hoàng quyết định đóng quân tại đây.
Ái Tử nguyên là đất châu Rí của Chiêm Thành. Năm 1306, vua Chiêm là Chế Mân dâng đất hai châu Ô và Rí (Còn gọi là Lý) để làm sính lễ cưới Công chúa Huyền Trân. Người Chiêm Thành bỏ đất đi vào phía Nam, giao đất lại cho người Việt. Người Chiêm, trước khi theo đạo Hồi, đã từng theo đạo Phật, cũng lập chùa thờ Phật. Trước khi bỏ đất đi về phương Nam, họ đem tượng Phật chôn xuống cát. Tượng Phật nặng, họ không thể mang theo mà họ cũng không muốn Phật của họ rơi vào tay “ngoại bang”.
Từ Quảng Trị ra tới Nghệ An, Thanh Hóa là vùng có gió Lào. Mùa hè, gió Lào từ Trường Sơn thổi ra biển mạnh lắm, nhiều nơi còn làm cho những đỉnh đồi cát chuyển dịch. Vì gió mạnh, cát bị thổi bay đi, tượng Phật chôn ở dưới cát trồi lên. Người Việt theo đạo Phật thấy vậy bèn lấy lên, dựng chùa thờ Phật. Một cách nôm na, Sắc tứ Tịnh Quang là tên chữ - chùa được sắc phong của vua - chùa mang tên Phật Lồi là vậy.
Bao giờ cậu tôi cũng dắt ba anh em chúng tôi đi chùa Phật Lồi, và cũng chỉ đi chùa Phật Lồi mà thôi.
Hồi ấy, ngày Tết, đi chùa chúng tôi phải mặc áo quần Tết. Áo quần Tết của anh em chúng
tôi là áo đen dài, quần ta màu trắng, nón cối trắng, loại làm bằng cây điên điển, dày, nhẹ chứ không mỏng mà nặng như “nón cối” ngày nay. Thường chúng tôi được cậu mua cho nón cối mới. Khi khó khăn thì nón cũ được dùng lại, sau khi đánh phấn trắng Ever-Blanc bằng bàn chải đánh răng cũ.
Tôi ít khi vào chùa. Tới sân, thấy tượng hai ông Thiện, ông Ác ngoài hiên chùa là tôi sợ lắm rồi. Ông Ác mặt xanh, tay cầm thanh long đao, chém bay đầu người ta như chơi nên tôi chỉ dám đứng xa mà nhìn. Ông Thiện hiền hơn nhưng chỉ nhìn cái mặt đỏ gay của ông cũng đủ sợ. Trong khi cậu tôi đang làm lễ trong chùa hay uống trà, nói chuyện với sư cụ, (thường gọi một cách thân mật là “ông”, các sư trẻ hơn thì gọi là thầy – còn trẻ như anh em chúng tôi thì gọi là chú tiểu hay chú điệu) thì anh em tôi ra phía hông chùa, phía đó có những đồi cát trắng. Chúng tôi leo lên đỉnh đồi rồi nằm xuống sườn đồi lăn tròn cho tới khi xuống tới chân đồi không lăn được nữa mới thôi. Dĩ nhiên, chân tay, mặt mũi, tóc tai vướng đầy cát trắng. Khi cậu tôi gọi chúng tôi vào chùa để chào sư cụ ra về, chúng tôi vừa chạy vào chùa vừa phủi cát trắng còn bám đầy người. Đứng trước sư cụ, tôi vừa thở vừa phủi cát còn bám trên mắt, trên má, tai, vừa cúi đầu vòng tay chào. Bao giờ sư cụ cũng mỉm cười, vuốt má và nói những lời rất ân cần nhẹ nhàng, trong khi cậu tôi thì rầy la vì chuyện nghịch trên đồi cát. Bao giờ sư cụ cũng cho tôi một cái bánh, cái kẹo gì đó để ăn.
Đạo Phật của tôi, ngay từ khi thơ ấu chính là hình ảnh sư cụ, hoặc các ông “thầy chùa hiền từ” chẳng rầy la chúng tôi bao giờ, mặc dù chúng tôi vẫn thường vào chùa hái bông hay nghịch phá. Năm 1948, khi gia đình tôi sau ba năm chạy tản cư trở lại thành phố thì tôi được đi học lại. Lớp học của tôi bấy giờ là lớp Ba, nằm ở nửa trong căn nhà trai của chùa Tỉnh Hội. Nửa ngoài là lớp Nhất. Trường cũ đã bị Tây chiếm làm doanh trại. Khác với trước năm 1945, nhà tôi bây giờ gần chùa hơn, nên mỗi sáng, mỗi tối, chúng tôi nghe tiếng chuông chùa rõ hơn. Tôi có 8 anh chị em, ngoại trừ ba người lớn tuổi, còn lại năm đứa, mẹ tôi cho đi học lại. Bấy giờ cậu tôi đã qua đời, mẹ tôi vừa lo làm nuôi con vừa chăm sóc việc học hành của chúng tôi. Nhà không có đồng hồ, không có điện. Mỗi tối, khi chuông bên chùa dóng dả công phu kêu boong boong là mẹ tôi gọi: “Học bài bây!” Thế là bốn anh em chúng tôi - ngoại trừ Hùng Món - đang học lớp năm, lớp thấp nhất hồi ấy - ngồi vào cái bàn giữa nhà, thắp ngọn đèn bát lên - một loại đèn dầu hỏa - dầu hôi - và ê-a học bài. Khi thuộc thì đứa lớn dò bài cho đứa nhỏ, sau khi trả lời với mẹ “con thuộc bài rồi” mới được đi ngủ. Mẹ tôi ngồi trên cái rương xe bên cạnh, theo dõi việc học bài của chúng tôi - Mỗi sáng, dù đang giữa mùa đông lạnh giá, khi chuông bên chùa công phu buổi sáng - mẹ tôi gọi “Dậy học bài” là chúng tôi thức dậy, ôn bài một lần nữa. Dù lạnh, dù bị muỗi cắn, dù buồn ngủ, thời khóa biểu ấy suốt trong niên học bao giờ cũng thực hành một cách nghiêm chỉnh, đều đặn. Dĩ nhiên, chúng tôi học giỏi, ít nhất là bao giờ cũng thuộc bài. Tiếng chuông chùa mỗi sáng mỗi tối dóng lên như thế đã ăn sâu vào tâm tư tôi tự bao giờ. Đó cũng là một cách tôi đến với đạo Phật của tôi vậy!
Ngày nghỉ, chúng tôi qua chùa chơi, xem thầy Bật trồng bông hay chuyện trò cùng chú Sung, lúc ấy khoảng gần 20 tuổi - sau nầy thầy là thượng tọa Thích Chánh Trực trước khi
viên tịch - Thầy Bật hay chú Sung bao gờ cũng là người hiền hòa, vui vẻ, nhất là chú Sung rất gần gũi với chúng tôi. Hoàng Hữu Chỉ, học trước tôi một lớp mà cũng là hàng xóm, người đỗ đầu kỳ thi tiểu học năm 1950 ở Quảng Trị, có tài làm thơ từ nhỏ, sau nầy lấy hiệu là thi sĩ Cuồng Vũ, cũng thường sang chùa chơi như chúng tôi. Một hôm, Hoàng Hữu Chỉ đọc cho chúng tôi nghe mấy câu thơ do anh sáng tác để chọc chú Sung chơi:
Con chi trong bụi mới bay ra
Chích vào đầu trọc đau quá ta!
Đó là con ong chứ con chi?! Không biết chuyện có thật hay Hoàng Hữu Chỉ bày ra để đùa.
Đó là trong đời thực, còn trong văn chương thì biết bao nhiêu hình ảnh những thầy tu, những sư cụ hiền hòa uyên bác văn chương thi phú, bao nhiêu hình ảnh đẹp về một giới tu hành có từ ngàn năm ở đất nước ta - Dĩ nhiên đôi khi cũng có những ông thầy bậy bạ nhưng chúng tôi bỏ qua rất dễ dàng - mà chúng ta có thể đọc trong “Hồn Bướm Mơ Tiên” của Khái Hưng hay trong “Vang Bóng Một Thời” của Nguyễn Tuân v.v… hay trong những tác phẩm trong “Tủ Sách Bạn Trẻ” của nhà xuất bản Tân Việt đã củng cố, xây dựng trong tâm hồn tôi về một đạo Phật hiền hòa, về một đạo Phật biết đau với cái đau của một dân tộc mất quyền tự chủ. Hơn thế nữa, tục ngữ, mà tôi thường nghe mẹ tôi thường dùng để dạy con, ca dao mà tôi thường nghe qua những câu hò ru em, những câu chuyện cổ tích tôi cũng được nghe nhiều người kể hay tôi được học ở trường, đọc trong sách vở, đã vẽ ra trong tôi một ông Phật hiền từ, thường xuất hiện cứu giúp người lâm nạn, v.v… Phật của tôi, qua những điều tôi mô tả ở trên là những cái gì rất Việt Nam, hoàn toàn xa lạ với ông Phật Ấn Độ khi tôi thấy lần đầu tiên ở trên chánh điện chùa Tỉnh hội.
Vào chùa lần đầu tiên, thấy ông Phật Thích-ca, mặc cái áo hở vai, tóc quăn, tôi không nghĩ rằng đó là Phật của tôi, nhất là khi so sánh với những hình ảnh sư cụ, sư ông, đã in đậm vào tâm hồn tôi từ khi tôi còn thơ ấu. Như thế, trong tôi có hai thứ đạo Phật khác nhau, một đạo Phật với những triết lý cao siêu của những người trịnh trọng đi chùa, nói cái gì cũng dẫn chứng bằng lời Phật dạy, coi cuộc đời nầy bằng sắc không, bằng thiên kinh vạn quyển sách Phật. Đạo Phật của tôi một thứ đạo Phật bình dân, đơn giản, bình dị, mà tôi hấp thụ được qua ca dao, tục ngữ, chuyện cổ tích, bằng lời mẹ dạy, ông bà, bà con xóm làng khuyên bảo, qua cuộc sống bình thường hằng ngày của sư cụ, của “ông”, v.v…
Đạo Phật cấm tôi làm điều ác. Điều cấm ấy, ngay khi còn thơ ấu, tôi không được dạy dỗ ở chùa, ở kinh sách đạo Phật mà ngay chính bà nội tôi. Trẻ con, tôi cũng như bao đứa trẻ khác, ưa nuôi chim. Trước nhà tôi có một cây ngô đồng (thường gọi là vông đồng). Cậu tôi sai anh Trà chặt ngang đọt, vì vông đồng gỗ xốp, dễ gãy khi có gió bão. Từ chỗ chặt ngang đọt ấy, nhiều nhánh mọc lên. Một trong các nhánh, có một tổ chim. Tôi không rõ chim gì, hình dáng con chim mẹ còn nhỏ thua con chim sẻ. Tôi muốn bắt trọn tổ chim, cả con lẫn mẹ. Chờ khi có tiếng chim non kêu, chim mẹ hằng ngày đi kiếm mồi, buổi chiều, tôi bèn lấy một cái thang tre, dựng sẵn bên gốc cây. Chờ trời tối, chim mẹ về ấp con ngủ, tôi leo lên thang để hốt trọn. Không ngờ cái thang bị trật chỗ tựa, hơi nghiêng. Cái trật đó gây nên một tiếng động, chim mẹ bỏ tổ bay vào bụi tre la ngà bên cạnh. Mấy ngày sau chim mẹ không về, có lẽ bị chuột bắt mất rồi, các chim non kêu la thảm thiết, tôi bèn leo lên thang, đem hết chim non về. Có tất cả ba con. Ngày ngày, tôi ra bãi cỏ đá bóng phía sau trường tiểu học bắt châu chấu về cho chim ăn. Trước khi cho ăn, tôi bẻ đầu, bẻ càng những con châu chấu. Thấy vậy, bà nội tôi rầy. Con chim bay trên trời, bắt bỏ vào lồng là làm điều ác. Bắt châu chấu bẻ đầu, bẻ càng, lại càng ác hơn.
Từ đó, lớn lên, tôi nghĩ làm những điều gì trái với tự nhiên là điều ác. Làm cho người khác đau đớn là ác, làm cho người khác khốn khổ là ác. Đánh đập đâm chém người khác là ác. Ganh ghét, đố kỵ, hận thù người khác là điều ác. Thậm chí không biết thương loài vật cũng là điều ác. Câu chuyện ông già với con bò kéo xe lên một cái dốc cao, thấy bò khó khăn mệt nhọc, ông già xuống xe phụ đẩy với bò trong sách Quốc Văn giáo Khoa Thư dạy cho chúng ta biết thương loài vật là biết tránh điều ác. Gia Huấn Ca là bài các anh chị tôi học hồi đó, nghe riết tôi cũng nhớ đôi câu dạy chúng ta không làm điều ác, mà phải làm điều thiện:
Thấy người hoạn nạn thì thương,
Thấy người tàn tật lại càng trông nom
Thấy người già yếu ốm mòn
Thuốc thang cứu giúp, cháo cơm đỡ đần.
Trời nào phụ kẻ có nhân
Người mà có đức muôn phần vinh hoa.
Tôi nhớ những năm đầu chạy tản cư 1946-1947, người nhà quê tốt bụng lắm. Câu họ thường nói là “Chật bụng chớ chật chi nhà”. Họ chia nhà cho người tản cư ở, hoặc dọn xuống ở nhà dưới nhường nhà trên cho người tản cư ở. Chỉ mấy năm sau, điều đó không còn vì hận thù giai cấp, hận thù giàu nghèo, hận thù sang hèn,… Và tình người biến thành thù ghét.
Gia đình, cha mẹ ông bà, xóm làng dạy trẻ em phải biết thương người nghèo khổ, giúp đỡ họ. Ông ngoại các con tôi là một người sinh vào những năm đầu thế kỷ 20, biết chữ Nho nhiều hơn chữ Quốc ngữ, không bị ảnh hưởng “nếp sống văn minh”, “tư tưởng tiến bộ”, nên mỗi chiều hè, khi cả nhà ngồi ăn cơm ở căn nhà mát trước nhà, lỡ khi có người ăn mày đến xin ăn, ông lặng lẽ bỏ chén cơm xuống. Chờ khi các chị của vợ tôi đem cho người ăn mày cái gì đó, người ăn mày rời đi thì ông lại cầm chén cơm lên. Có phải ông không nuốt được cơm khi trước mắt ông có người nghèo khổ. Cái hình ảnh đó của ông ngoại các con tôi, ngày nay không còn nữa, không tìm lại được nữa! Giúp người hoạn nạn là điều lương tâm bắt buộc. Tôi từng nghe mẹ tôi đọc câu ca dao:
Dù xây chín bậc phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người.
Không phải người ta chống lại việc xây chùa. Xây chùa là việc làm công đức. Vua chúa quan quyền xây chùa, người giàu có xây chùa, người thoát khỏi hiểm nguy xây chùa để tạ
ơn. Họ muốn tỏ bày công đức, nhưng theo Phật, có một việc cao quý hơn cả việc xây chùa. Đó là bố thí. Bố thí là giúp người, cứu người, nhất là những người đang cơn hoạn nạn, thiên tai, hỏa hoạn, hay người nghèo khổ, khốn cùng…
Không làm điều ác là tránh sát sinh. Bắt châu chấu bẻ đầu bẻ càng như tôi làm khi còn thơ ấu là sát sinh nên tôi bị bà nội rầy. Các chị tôi đi chợ mua thịt gà thịt heo bán sẵn ở chợ. Các chị không thể cầm dao cắt tiết con gà. Khi cần lắm, họ nhờ đàn ông. Ngay chính
đàn ông có người cũng không muốn sát sinh. Sau nầy lớn lên tôi mới biết ăn chay là để diệt dục, nhưng khi thơ ấu, những ngày rằm mồng một nhà tôi ăn chay là để tránh sát sinh, không những cho mình, mà còn cho người khác. Mình không mua thì người khác không giết thịt. Từ thơ ấu, tôi hiểu lờ mờ như thế.
Đạo Phật cũng dạy tôi phải có hiếu với cha mẹ. Mỗi khi anh chị tôi có điều gì lầm lỗi với mẹ, với bà con… trong khi anh tôi là người đi chùa rất chăm, mẹ tôi thường nhắc nhở con cái:
Tu đâu chẳng bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ bằng ba tu chùa.
Người ta không báng bổ chê bai việc vào chùa tu. Vào chùa tu là hành động người ta thường làm. Nhưng có một việc quan trọng hơn việc vào chùa, đó là thờ kính cha mẹ. Đó là hiếu. Đạo Phật cũng dạy người ta phải trọn chữ hiếu. Điển hình là sự tích Mục Kiền Liên mà nhiều người Việt Nam đã biết.
Người đi tu cũng có cha mẹ. Điều tu trước tiên của người tu hành là phải có hiếu với cha mẹ. Đời sống dân thường chứng minh điều đó và lịch sử Việt Nam cũng chứng minh vua quan cũng phải làm điều đó.
Đạo Phật dạy ta tu, tu là bỏ tính xấu, tập tính tốt, không khoe khoang và hãy tự sống bằng sức mình, không bóc lột người khác, không ngồi mát ăn bát vàng. Mẹ tôi thường tỏ vẻ khó chịu khi thấy những bà cho vay ăn lãi đi chùa. Các chùa không giàu. Các chùa không có ruộng để cho tá canh, không có nhà đất để cho thuê mướn. Chùa không làm công việc cho vay. Các sư, các chú tiểu, các bà vải phải làm ruộng để có gạo ăn, phải tự trồng đậu nành để có tương chao, không ai giàu vì giàu không phải là chân tu, giàu là điều không hay, chưa nói có khi giàu là vì có lòng tham lam. Tham lam, độc ác là hai cái tính xấu mà người ta phải tu tâm để từ bỏ.
Tôi học đạo Phật từ những người bình dân, như mẹ tôi, dì cậu chú các o (cô) mợ tôi, từ xóm làng tôi, từ trong ca dao, tục ngữ, từ trong truyện cổ tích của người Việt. Vì vậy, đạo
Phật tôi theo không có gì cao siêu khó hiểu.
Tôi yêu cái đạo Phật bình dân ấy hơn hết. Vì sao? Bởi vì trước hết là cái hiền, hài hòa, bình dị của cuộc sống hằng ngày quanh tôi. Cái hiền từ ấy đã thấm sâu vào lòng tôi khi tôi còn thơ ấu, lớn lên cùng tâm hồn và tuổi tác của tôi, luôn luôn ở bên tôi, trong lòng tôi, trong tâm hồn tôi khi tôi đi học, đi dạy và cả trong đời lính, khi tôi phải xông pha ở chiến trường.
Tôi mừng cho đạo Phật và dân tộc của tôi vì đạo ấy đã không đưa dân tộc tôi vào những cuộc chém giết như các cuộc chiến tranh Thập Tự Chinh bên Địa Trung Hải, không dạy cho dân tộc Việt sự cuồng tín để anh em giết nhau như ở Trung Đông bấy lâu nay.
Ông Trời là tạo hóa sinh ra muôn loài muôn vật, bảo tồn gìn giữ công lý để có trời người ta mới ở với nhau được, bởi vì “Không trời ai ở với ai”. Trong khi đó, đạo Phật là đạo cứu giúp con người. Ông Bụt là người “cứu nạn cứu khổ”. Ông sẽ hiện ra với chúng ta như khi cô Tấm ngồi khóc ở trong truyện Tấm Cám hay trong truyện Cây Tre Trăm Đốt vậy. ³
|