Huế tháng Bảy
Gia Khang
Cập nhật: 22:29:00 06/09/2008

HUẾ THÁNG BẢY

Gia Khang

1. Khúc nghê thường

Nghe có vẻ lạ lẫm lắm...Một đặc điểm khá riêng biệt, người ta có thể liên tưởng đến một câu hát, hay một đoản khúc hòa tấu nào đó. Còn đối với nhỏ, chỉ đơn giản là một khúc nghê thường của riêng nhỏ mà thôi...

Con bé làm thơ khá hay. Người ta bắt gặp trong mỗi giai điệu-cung bậc hay nhịp thơ của nhỏ luôn có một cái gì đó khiến họ phải chú ý. Từ ngữ mới lạ, cùng với tính phá cách của nhỏ, từ đó, làm cho thơ của nhỏ trở nên trau chuốt, thanh thoát hơn. Đôi lúc người ta thường hỏi nhỏ những câu nghe rất “ngây thơ: “Sao mi lại làm thơ hay thế nhỉ?. Nhỏ im lặng, khẽ cười... Ai biết được trong  mầm thơ luôn có một dấu vết của mâu thuẫn, của đau thương và của một tâm hồn nhạy cảm. Nhỏ cũng vậy. Nhìn bề ngoài trông có vẻ nhỏ khá cá tính. Người sâu sắc dễ nhận biết lắm. Thơ của nhỏ cũng mang những nét cá tính riêng đó: hay phá cách và tự làm mới mình. Ai hiểu thì tốt, còn không nhỏ lại giữ cho riêng mình cái khúc thơ nghê thường đó...

Đất Huế vốn đã mang trong mình đầy chất thơ-chất mộng lắm rồi. Thêm một tâm hồn cảm nhận nữa, thì con người Huế dường như toàn vẹn hơn. Đôi lúc muốn tự kiếm tìm cho mình một chút mới lạ, nhỏ phóng xe ào ào ra ngoại ô thành phố. Chẳng làm gì, chỉ để ngắm, để hít thở cái không khí trong lành của thiên nhiên. Thỉnh thoảng thích sự yên lặng-con bé lại bay vào một góc càfê nhạc Trịnh nào đó, với một cuốn sách trên tay, thế là thi vị, là đầy đủ lắm rồi...

Cuộc sống yên bình hàng ngày trôi qua đối với nhỏ chỉ là ăn-ngủ-học và làm những việc mà nhỏ nghĩ rằng: Nó rất có ý nghĩa. Có cô đơn lắm không? Kể ra cũng hơi buồn. Người ta nghĩ vậy-hay nhỏ...cũng chẳng sao. Con bé quen rồi. Sống xa gia đình, nhỏ đã quen dần với cá tính tự lập, tự quyết lấy cuộc sống của mình.

Tháng Bảy, Huế vẫn là Huế; vẫn bình yên trôi đều bên nhịp đời hối hả. Những bóng trúc khẽ nghiêng mình bên hai ven bờ sông Hương. Không phá cách bằng mấy cú đột phá đầy lãng tử, mà nhỏ gọi đó là “Khúc nghê thường của Huế như mọi lần. Tối nay, bước chân vào gia đình một người bạn, nhìn thấy bóng dáng người mẹ lui cui làm bữa cơm gia đình. Ấm cúng quá. Nhỏ bỗng chạnh lòng, nghe dòng nước mắt âm ấm cứ ứa ra trên mi mắt... Hình ảnh đó chỉ có trong mơ ước của nhỏ. Mà có lẽ cũng đã từ lâu, nhỏ quên béng cái mơ ước đó rồi. Thời gian làm người ta phải tập quen với sự tạm quên của mất mát và bất hạnh. Mẹ mất từ năm bốn tuổi. Nhỏ sống bên cạnh bà nội. Cái người ta cần trong cuộc sống này là niềm tin và nghị lực. Con bé đã chứng minh cho mọi người thấy: Nó có những yêu cầu đó, để sống tốt trong mỗi giai đoạn trưởng thành. Khuôn mặt ngăm ngăm nhìn nhỏ duyên lạ, khiến người ta khó quên. Nét đặc biệt của con gái Huế chăng? Có lẽ vậy...

Lê bước chân mình trên dải cát dài mênh mông. Nhỏ lặng lẽ xua tan đi những nỗi buồn của mình bằng những dấu vết tròn tròn, rồi đếm từng nhịp, từng nhịp một. Biển chiều, dịu dàng trong xanh như lòng mẹ, khe khẽ hát cho nhỏ nghe thêm một khúc nghê thường yêu thương nữa... không phải là vùng ngoại ô như thường lệ, cũng không là một góc Trịnh bình yên... Chỉ là mẹ... Mẹ ở giữa biển, giữa đất trời bao la. Sao lúc này nhỏ khao khát được cất tiếng gọi đó biết bao nhiêu, chỉ một lần, một lần được òa khóc trong vòng tay của mẹ. Đây có phải là khúc nghê thường của Huế, của mẹ và của con không?

Con sóng thì thầm vỗ nhịp, thỉnh thoảng nghe tiếng gió biển thổi phạt qua ngang mái tóc... Dẫu có là tháng bảy-dẫu không một chiếc bông hồng cài áo. Con bé vẫn thấy lòng mình ấm áp. Huế lại sang mùa, nhỏ lại thêm một tuổi. Tuổi của tình yêu và sức trẻ giống như con sóng kia cứ hàng ngày vỗ nhịp đều đều bên đời hiu quạnh....

 2. Giọt đắng...

Bước chân ra khỏi quán càfê... Hắn. Nghe lòng mình đắng ngắt. Lạ. Dư vị mà hắn yêu thích, hôm nay lại là những giọt đen đang tan trong miệng hắn nghe nhạt nhẽo quá. Có lẽ tại cái ngọt đắng trong đầu óc hắn đã chiếm hết cái khẩu vị quen thuộc...

Hai mươi tuổi đầu. Nhìn hắn có vẻ già dặn quá. Cũng phải... Gia đình hắn nghèo. Nghèo có phải là một cái tội không nhỉ! - như nhà văn hào đó đã nói... Mà nghèo thật. Giữa thời buổi có kẻ đốt tiền như lá thế này, lại còn những mái nhà chắp vá. Hắn nghe xót xa quá. Không phải hắn chán cái sự nghèo... Hai mươi tuổi hắn đã phải bon chen để kiếm sống, kiếm ăn, để nuôi cái thân cho trọn vẹn bốn năm Đại học...

Chiều thứ bảy. Công viên đông đúc hơn mọi ngày. Hắn lang thang dạo khắp các ngõ ngách, những con đường lát đá xung quanh các ô cỏ. Chẳng làm gì. Chỉ là đi dạo. Hắn muốn giọt cà phê tan sâu hơn nữa vào lòng hắn. Có một nỗi nhớ nào đó cứ len lỏi trong trái tim hắn. Không phải là tình yêu nam nữ... Không gian quanh hắn-tất cả đều im lặng. Lạnh lùng. Đáng sợ. Chỉ còn chút lá cây xào xạc trên ngọn gió cùng tiếng cười đùa của một gia đình, đang tổ chức picnic cuối tuần...

Tối... vừa về đến phòng. Hắn nhận được một mẩu giấy nhỏ: “T. ơi, tối nay lên chùa thắp hương cầu siêu cho mẹ với mình nhé!. Hắn lặng người. Nhỏ bạn cùng cảnh ngộ với hắn. Bất giác một chút gì đó ấm nóng khẽ ướt trên mi mắt. Hắn chưa bao giờ phải khóc. Con trai mà... cái ý thức của người con trai càng làm tim hắn nhói đau. Nỗi đau hắn chưa kịp quên. Mới đó hắn đã xa mẹ, xa vĩnh viễn, đã không còn được nhìn thấy bóng dáng của mẹ, của bàn tay ấm áp dịu dàng. Giữa quá khứ và hiện tại là một khoảng cách khá gần khi trái tim người ta vẫn chưa kịp quên đi nỗi đau...

Ngày mai... hắn sẽ làm một điều gì đó: Đặt một bó hoa lên ngôi nhà mới của mẹ. Làn gió nhẹ khẽ lọt qua song cửa. Hắn bỗng nghe lòng mình ấm lại... Giọt đắng trong tim hắn vẫn tràn đầy cái dư vị ngọt ngào, yêu thương...

3. Mênh mông cõi nhớ

Cậu ta cứ bước như thế. Giữa đời thường-in dấu vết của chiếc roi đời. Không gian cũng là một cõi mênh mông. Ai hiểu được những ánh mắt sâu thẳm. Có người bảo: “Nhìn vào đôi mắt sẽ thấy được tâm hồn của một con người. Còn nó, nó chỉ thích nhìn vào ánh mắt. Đôi mắt của mùa xuân, mùa thu hay mùa đông lạnh lẽo, còn ánh mắt là của niềm vui hay nỗi buồn... Mỗi khoảnh khắc đó là những phút giây bức tranh sinh động của tâm hồn, trái tim người ta thể hiện rõ nhất. Ánh mắt của một cõi mênh mông - nỗi nhớ - quá khứ - đau... Làm sao người ta có thể dễ dàng quên đi nỗi nhớ và nỗi đau. Người ta vẫn thường băn khoăn lựa chọn đâu là cõi riêng của mình: Hạnh phúc-sự vẹn toàn - hoàn hảo - hay vết rạn... tất cả dường như đã trở thành một guồng quay. Và cuộc sống chỉ có thể đầy đủ ý nghĩa hơn khi người ta phải nếm đủ dư vị của đắng cay. Cậu ta cũng vậy. Cái mớ chất sống đó đã tồn tại suốt quãng đời tuổi thơ đã tạo thành một cõi nhớ... có “Dáng mẹ cuối trời mây trắng bay.... Nó chỉ có thể cảm nhận, chứ không thể nói lên bất cứ điều gì. Đôi khi sự im lặng lại đáng giá hơn bất cứ lời nói nào-cũng giống như cái cõi mênh mông mà cậu ta đang cố công tìm kiếm...

Sáng nay, nó phóc ra phố, chui vào một địa điểm quen thuộc. Nó khoái nghe nhạc Trịnh. Có lẽ tại cái chất triết lý về cuộc đời sâu quá, cõi “vô thường mà. Vừa bước chân vào quán, chưa kịp ghì cương con ngựa sắt lại, nó đã nghe cái tiếng quen thuộc cất lên:

- Cà phê sữa nhé!

Nó quay phắt lại. Mỉm cười:

- Ùh, mới đến à? Cậu ta cũng nheo nheo mắt nhìn. Câu trả lời im lặng. Giá trị lắm đây... Lại cười. Nụ cười cũng khá duyên.

- Nghe thơ hay nhạc?

- Cả hai. Trong thơ có nhạc mà... Nó giao hẹn:“Nhưng không phát biểu gì hết nhé!... cậu ta lại cười... có lẽ đã quen rồi... Cậu ta bắt đầu đọc-nghe giọng hơi òa-vỡ run. Nó hiểu. Lại là “Cõi nhớ mênh mông... cứ tìm mãi bóng dáng mẹ trong miền ký ức...

Lá vàng chưa thả trôi trước mắt, đã nghe Thu đến gần...

Từng giọt cà phê sóng sánh như ánh mắt... Câu hát lặng lẽ vang lên trong một góc quán: “Một bông hồng cho những ai... cho những ai...

Nắng đã lác đác bên sông... Huế tháng bảy về, như nỗi nhớ không tên. Dòng người bước đi rộn rã. Ai biết được giữa khoảng cách của những dấu chân đã qua hay còn đứng lại bên đời-nghe xót xa một dấu lặng của khúc ca chiều ê buồn, của một xác lá thu rơi: Trong ánh mắt, trong nụ cười, trong nước mắt lung linh như trái tim màu pha lê... ²

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay