TÔI NGHE NHƯ VẬY
HIỆN TRÚ
LTG : Trong nửa thế kỷ qua, một vị sư người Hoa Kỳ, Bhikkhu Bodhi, đã miệt mài nghiên cứu kinh tạng Pāli, và bây giờ Thầy là một dịch giả rất có uy tín trong việc chuyên chở nội dung và ý nghĩa của bộ kinh sang tiếng Anh. Những bản dịch Anh ngữ của Thầy về Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya) và Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikaya) đã trở thành những bộ sách gối đầu giường của giới học Phật Tây phương. Trong dịp phát hành một quyển sách mới của Thầy về hợp tuyển những lời dạy của Phật In the Buddha’s Words (Wisdom, 2005), tờ báo Phật học Inquiring Mind có làm một cuộc phỏng vấn sau đây. Xin được gửi đến quý độc giả.
Hỏi: Bắt đầu từ lúc nào Thầy thấy thích và chú ý vào việc dịch kinh?
Tỳ kheo Bodhi: Khi mới xuất gia tôi không hề có ý định trở thành một dịch giả. Vị Thầy đầu tiên của tôi là một vị sư người Việt Nam, tôi sống với Thầy ở California vào thập niên 1960. Thầy đã dạy cho tôi sự quan trọng trong việc học ngôn ngữ kinh tạng của Phật giáo, bắt đầu là tiếng Pāli, như là một phương cách để hiểu Phật pháp, Dharma. Khi tôi xuất gia theo truyền thống Phật giáo Nam tông ở Tích Lan, tôi đã siêng năng học Pāli để có thể trực tiếp tiếp xúc được với những bài kinh nguyên thủy của đức Phật. Tôi tìm chọn Ngài Balangoda Ananda Maitreya làm Thầy, vì trong lúc ấy Ngài nổi tiếng là một vị sư học giả ở Tích Lan. Thật vậy, Ngài là một học giả rất sâu sắc của Tích Lan, Ngài thông thạo tiếng Anh, là một người hiền hòa và rất dễ thương.
Vào năm 1974, tôi có duyên được làm việc chung với vị sư người Đức, Thượng tọa Nyanaponika Mahathera, Thầy là chủ nhiệm và chủ bút của hội Buddhist Publication Society ở Kandy. Trong thời gian này, tôi có dùng tập sổ tay ghi chép của Thầy từ thập niên 50, để hiểu thêm về phong cách chú giải trong tạng kinh Pāli. Cuối năm 1975, tôi sang Kandy và sống chung với Thượng tọa Nyanaponika. Thầy đã có xem qua những bài dịch của tôi và khuyên tôi nên dịch kinh Phạm Võng, Brahmajala Sutta, (kinh đầu tiên trong Bộ Trường A Hàm), cùng với những chú giải và phụ chú giải. Và kết quả đã được phát hành trong quyển The Discourse on the All-Embracing Net of View (1978), đánh dấu điểm bắt đầu cho "sự nghiệp" dịch thuật của tôi.
Hỏi: Thầy có những nhận xét hay quan sát nào về vai trò của kinh điển đối với các thiền sinh, hay người học Phật ở Tây phương? Và những điều gì đã thúc đẩy Thầy phổ biến những bài kinh dịch bằng tiếng Anh này đến với họ.
Tỳ kheo Bodhi: Trong khoảng thời gian ngay trước khi tôi đi sang Á châu và xuất gia vào năm 1972, những quan tâm trong giới trẻ của Hoa Kỳ đối với đạo Phật có một khuynh hướng phản trí thức (anti-intellectual). Vào thời đó, trong khi đa số những người Tây phương sang Á châu học Phật tìm đến những tu viện trong rừng ở Thái Lan hoặc các trung tâm thiền tập ở Miến Điện để hành thiền, thì nghiệp lực đưa đẩy tôi đến Tích Lan, đến với những vị Thầy có hiểu biết thâm sâu về kinh điển và sẵn sàng hết lòng hướng dẫn tôi.
Khi tôi bắt đầu tìm đọc kinh điển Pāli, tôi rất hứng khởi bởi cái tính chất rõ ràng, sâu sắc, một vẻ đẹp tế nhị và cảm tình rất tinh tế của chúng, nằm sâu kín ở bên dưới, tuy trên bề mặt những bài kinh ấy có mang một vẻ hơi khô khan. Tôi bắt đầu phiên dịch những bài kinh và các lời chú giải với mục đích duy nhất là để giúp cho sự học hỏi của chính mình, chứ không có ý định phát hành. Nhưng sau một thời gian, tôi nhận thấy rằng người học Phật Tây phương có một khoảng trống rất lớn: thiếu một sự hiểu biết chính xác về những lời dạy từ chính đức Phật. Vì lý do đó tôi nghĩ rằng, điều quan trọng thiết yếu là làm sao để phiên dịch những kinh điển này ra bằng một thứ ngôn ngữ hiện đại, dễ hiểu và kèm theo bằng những lời chú giải nào có thể soi sáng được những nghĩa lý thâm sâu, và mang lại những ứng dụng thực tế cho đời sống. Và đó là sự nghiệp của tôi cho đến ngày hôm nay.
Hỏi: Sự uyên bác và sự nghiên cứu kinh điển đã giúp ích được gì trong lãnh vực thực hành của Thầy, cũng như vấn đề phát triển tâm linh?
Tỳ kheo Bodhi: Có rất nhiều người học Phật Tây phương cho rằng thực hành đồng một nghĩa với lại thiền tập, và rồi họ chặt đôi và tách biệt phân chia giữa hai lãnh vực học hỏi và thực hành. Họ cho rằng, khi một tu sĩ dành nhiều thời giờ nghiên cứu Phật học, thì người ấy không thể nào là một người thực tập đứng đắn được. Họ làm như là vấn đề học Phật đối chọi lại với một sự thực tập chân chánh vậy. Tôi phải công nhận rằng sự thực tập của tôi cũng chưa được hoàn toàn như tôi mong muốn, nhưng tôi thấy rằng đó là vì lý do sức khỏe của tôi. Chứ hoàn toàn không phải vì tôi hiến dâng quá nhiều công sức cho vấn đề học Phật và phiên dịch kinh điển.
Chúng ta nên nhớ rằng, ở các quốc gia Phật giáo tại Á châu, trong suốt bao nhiêu thế kỷ qua, các vị xuất gia đã giữ một vai trò chánh là duy trì và trao truyền Phật pháp, bằng những phương tiện như là nghiên cứu, học hỏi và truyền bá giáo lý và kinh điển. Công việc ấy đã xây dựng nên một nền móng vững chắc mà từ đó những thành đạt cao hơn trong sự thực tập có nơi làm nền tảng. Ta có thể coi đó như là bộ xương nâng đỡ những bắp thịt và các cơ quan khác trong thân thể Phật pháp. Mặc dù trong mọi truyền thống đều có những câu truyện về những bậc tuy ít học nhưng vẫn đạt được những thành quả rất cao trên con đường thực tập, nhưng nổi bật nhất vẫn là những vị có thể phối hợp được hai pháp học và hành cho thật sâu sắc. Và có người cũng nghi ngờ những câu truyện huyền thoại về các bậc ít học, chúng có thể chỉ là những phóng đại do sự tôn sùng quá đáng mà thôi.
Mối tương quan giữa sự học Phật uyên bác và sự thực hành sâu sắc, theo tôi, là một vấn đề rất phức tạp, mà ta không thể nào tìm được một câu trả lời duy nhất có thể thích hợp cho tất cả mọi người. Mỗi người sẽ có một khuynh hướng tự nhiên thiên về một phía nào đó. Có một điều ta có thể nói chắc chắn rằng, một kiến thức uyên bác mà không có sự thực hành thiết thực sẽ trở thành vô ích, và một sự thực tập công phu nhưng thiếu sự hướng dẫn của học hỏi là hoàn toàn vô lợi.
Thiếu một sự hiểu biết sâu sắc về kinh điển, tôi sợ rằng, chỉ trong vòng một hai thế hệ nữa, truyền thống thực hành của chúng ta sẽ bị pha loãng, lấn áp, và bị nuốt trọn bởi cái văn hóa chung quanh, nhất là khi đó lại là một nền văn hóa của vật chất.
Hỏi: Xin Thầy chia sẻ về giá trị của việc học kinh điển trong sự hành trì của các Phật tử Tây phương ngày nay.
Tỳ kheo Bodhi: Trước khi nói về giá trị của việc học kinh trong sự thực tập của mình, chúng ta nên đặt câu hỏi: Thế nào là thực tập? Thực tập có nghĩa là gì? Nếu ta không nhấn mạnh về những điểm này, chúng ta sẽ tự nhiên có khuynh hướng mang những quan điểm cá nhân vào sự thực tập của mình, mà không cần xét lại, về mục đích của sự thực tập. Và từ đó, sự tu tập của ta sẽ dễ dàng trở nên tùy tiện cho những dự tính riêng tư, hoặc là những thiên kiến văn hóa, thay vì là một phương tiện giải thoát mà đức Phật đã đưa ra. Theo tôi thấy thì đó là điều đang xảy ra cho Phật giáo Tây phương, và nó cũng giải thích được lý do vì sao có người cho rằng truyền thống Phật giáo ngày nay đã bắt tay và thỏa thuận với ngành tâm lý học hiện đại hoặc là tùy thuận theo chủ nghĩa duy nhân bản (secular humanism).
Học Phật pháp không phải là việc khuân vác một mớ văn hóa từ một xứ Ấn Độ cổ xưa về và đổ xuống sau vườn nhà mình. Nó phải được xem xét, phân tách cẩn thận, như là một trạch pháp. Khi ta thực hiện được việc ấy, nghiên cứu Phật học cũng chính là một phương cách để ta học hỏi và hấp thụ được cái cơ cấu của Phật pháp. Đó là một phương pháp để ta lãnh hội được những triết lý nền tảng và thấm nhuần khắp giáo pháp. Và quan trọng hơn nữa, nó giúp ta nuôi dưỡng và làm lớn những hạt giống tuệ giác trong tâm mình.
Trên con đường của Phật, điều đầu tiên chúng ta cần thực hành là Chánh kiến, chi đầu tiên của Bát Chánh Đạo, nó sẽ là một kim chỉ nam trên suốt con đường đạo của ta. Chánh kiến được bắt đầu bằng "văn", gồm có đọc kinh điển, nghe pháp, và học hỏi từ những vị Thầy có khả năng. Tiếp đến là "tư", có nghĩa là suy nghĩ, quán chiếu giáo lý, dựa trên chính cuộc sống của mình. Và khi cái thấy của ta được sáng tỏ và sâu sắc, niềm tin của ta vào đức Phật cũng trở nên vững chắc hơn, và dựa trên chánh kiến và niềm tin này sự tu tập của ta sẽ có thể đi đúng theo chiều hướng, "tu".
Hỏi: Có những cạm bẫy hay khó khăn gì trong việc sử dụng kinh điển không?
Tỳ kheo Bodhi: Có một vấn đề nguy hiểm trong việc học kinh được đức Phật chỉ dạy rất rõ ràng trong "Kinh Người Bắt Rắn" (Trung Bộ Kinh 22). Đức Phật nói về những hạng người học giáo lý, nhưng thay vì mang ra thực hành thì họ lại sử dụng những kiến thức ấy để phê phán, hoặc mang ra khoe khoang và tranh luận với kẻ khác. Đức Phật ví dụ họ với lại những người bắt rắn nhưng nắm ở đằng đuôi, họ sẽ bị con rắn quay đầu lại cắn, gây thương tích hoặc mất mạng. Tôi biết có rất nhiều Phật tử Tây phương đã bị rơi vào cạm bẫy này, trong đó có cả tôi trong thời gian đầu. Mặc dù ta bắt đầu với một thành ý, nhưng ta lại nắm bắt Phật pháp qua những lý thuyết và giáo điển, dùng học thức của mình để tranh cãi với kẻ khác, và rồi đối đầu trong một cuộc "chiến tranh phiên dịch" với những ai có một lối giải thích kinh khác lại với mình.
Một nguy hiểm khác là ta buông bỏ hết những nhận xét của mình và hoàn toàn tin hết vào những gì trong kinh. Thật ra, cũng có những điều trong kinh mà ngày nay không còn đúng và thích hợp nữa dưới ánh sáng của khoa học. Ta không thể phê bình thuyết sáng tạo của người Thiên Chúa giáo mà rồi mình cũng bị kẹt vào những hình tướng tương tợ như vậy.
Hỏi: Thầy có thể cho biết một vài đoạn kinh nào mà Thầy ưa thích nhất không?
Tỳ kheo Bodhi: Khi tôi mới bắt đầu đọc kinh Phật lúc còn ở đại học, tôi tự nhiên cảm thấy rất hứng khởi với những lời dạy về lý nhân duyên, ngũ uẩn, vô ngã... chúng đưa ta thẳng vào con tim của giáo pháp. Nhưng một trong những bài kinh gây ấn tượng nhất cho tôi lại không phải là những bài kinh giảng sâu sắc về phương pháp thiền tập hoặc về tuệ giác giải thoát. Khi tôi đọc những bài kinh giảng về lý duyên khởi và vô ngã, tôi tự nghĩ: đức Phật quả là một bậc đại giác ngộ, nhưng cũng chưa toàn vẹn lắm. Nhưng khi tôi đọc đến bài Kinh Thi Ca La Việt, Sigalaka Sutra, những nghi ngờ của tôi hoàn toàn tan biến hết. Khi tôi đọc bài kinh này, đặc biệt là đoạn khi Phật giảng về "Lạy Sáu Phương", tôi nhận thấy rằng một bậc, mặc dầu đã đạt được một tuệ giác về những chân lý sâu xa nhất về hiện hữu, vẫn có thể giảng dạy một cách rất chi tiết cho những bậc cha mẹ về cách dạy con cái, những cặp vợ chồng cách thương yêu và kính mến nhau, một người chủ nên lo cho người làm của mình như thế nào... tôi chợt hiểu rằng, đức Phật là một bậc giác ngộ hoàn toàn.
Trong tâm tôi, bài kinh này chứng minh rằng, đức Phật không những đã đạt được một tuệ giác xuất thế gian, mà Ngài còn ôm trọn cả tuệ giác của thế gian trong tình thương và tâm từ, mang sự hiểu biết của mình hạ xuống trình độ của cuộc đời thế tục, dạy dỗ và hướng dẫn tất cả, thích hợp tùy theo căn cơ của mỗi người.
Một trong những đặc điểm mà tôi ưa thích nhất trong kinh, từ những ngày đầu và mãi cho đến bây giờ, là những ẩn dụ và ngụ ngôn. Dường như đức Phật có thể đem bất cứ một hiện tượng thiên nhiên nào, hay là bất cứ một việc gì trong đời sống hằng ngày và biến nó thành một ví dụ chuyên chở, làm sáng tỏ một điểm quan trọng nào đó mà Ngài muốn nói. Mặt trời, mặt trăng, các vì sao; hoa lá, cây cỏ, sông, núi, biển, hồ; bốn mùa thay đổi; sư tử, voi, ngựa; vua, quan, tướng quân; người thợ mộc, y sĩ và tên trộm... danh sách về những đề tài ẩn dụ của đức Phật dường như dài vô tận. Đôi khi chúng ta đọc liên tiếp những bài kinh tiếp nối nhau rất khô khan, rồi đột nhiên có một ẩn dụ rất tươi mới và rõ rệt, và hình ảnh ấy vẫn có mặt mãi trong tâm ta cho đến cả hằng chục năm sau.
Hỏi: Khi Thầy nhìn lại những thay đổi trong giáo lý của truyền thống Nguyên thủy bởi các vị giáo thọ Tây phương muốn làm cho chúng được thích nghi hơn, những điều nào Thầy nghĩ là hữu dụng và những điều nào Thầy thấy không có ích?
Tỳ kheo Bodhi: Tôi cảm thấy hơi ngại khi phê bình về những việc làm của các Thầy khác, nhưng tôi chỉ muốn đưa ra một vấn đề thích nghi quan trọng đã và đang xảy ra trong việc truyền dạy thiền quán vipassana, mà có thể ta không chú ý đến. Tôi có cảm tưởng rằng mục đích của thiền quán, chánh niệm, được dạy ở Tây phương đã bị biến đổi rất nhiều và khác xa với truyền thống. Tôi nghĩ, có lẽ lý do là vì đa số các vị Thầy ở Tây phương giảng dạy ra ngoài khuôn khổ của kinh điển Phật giáo chính thống. Chánh niệm, dường như, bây giờ được giảng dạy như là một cách để làm tăng trưởng cái kinh nghiệm của giây phút hiện tại. Mục đích của sự thực tập là để giúp ta có khả năng chấp nhận hết tất cả những gì xảy đến cho mình mà không phân biệt. Qua sự nâng cao chánh niệm trong giờ phút hiện tại, ta học cách chấp nhận mọi việc như tự bản chất chúng là tốt đẹp, nhìn thấy mọi vấn đề như là một bài học, kinh nghiệm mọi sự như vốn là đáng thưởng. Và vì vậy mà ta có thể đơn giản an trú trong giờ phút hiện tại, tiếp nhận sự việc như chúng xảy ra, hoàn toàn cởi mở ra với những sự kiện lúc nào cũng biến đổi, mới lạ và bất ngờ.
Ở một trình độ nào đó, đường lối giảng dạy ấy cũng có truyền đạt được cho ta một số bài học giá trị. Lẽ dĩ nhiên, chấp nhận bất cứ những gì xảy đến cho ta bao giờ cũng tốt hơn là sống mà cứ náo nức đeo đuổi theo những thú vui và sợ sệt trốn tránh khổ đau. Và ta cũng sáng suốt hơn nếu thấy được một bài học tích cực trong những nỗi đau, mất mát và đổi thay, thay vì cứ đi than van, trách móc cho số phần của mình. Nhưng dù vậy, khi ta trình bày những điểm này như là ý chánh của lời Phật dạy, theo ý tôi, đó là một sự giải thích sai lầm về Phật pháp.
Lời dạy của Phật, ghi lại trong kinh điển, có những luận cứ hoàn toàn khá khác biệt. Giáo pháp của đức Phật không phải với mục đích tối hậu là để chấp nhận cuộc đời, nhưng mà là để giúp ta thoát ra được sự giam hãm của những kinh nghiệm có điều kiện, và từ đó ta có thể chuyển hóa cuộc đời, và chấm dứt hết mọi khổ đau. Nếu ta chỉ đơn giản duy trì chánh niệm trong giờ phút hiện tại mục đích để đạt đến một sự chấp nhận xa rời, nó có thể dễ đưa ta vào một cánh cửa phía sau để hòa giải với sự luân hồi (samsara). Và ta vô tình một lần nữa xác nhận thêm sự luân hồi chứ không phải là được giải thoát ra khỏi nó.
Theo kinh điển truyền thống, chánh niệm trong giờ phút hiện tại là để giúp ta nhìn thấy sâu sắc được cái tiến trình sinh lên và diệt đi của mọi hiện tượng và đưa đến một tuệ giác về vô thường. Nhưng chúng ta không xác định sự vô thường của mọi vật, vì đó không phải là cách để ta chấm dứt được khổ đau. Cái tuệ giác về vô thường (anicca) phải là một cánh cửa dẫn ta đến tuệ giác về khổ đau (dukkha) và vô ngã (anatta). Và tuệ giác về ba đặc tính này sẽ đập tan hết mọi ảo tưởng của ta về tất cả những sự việc còn bị điều kiện. Sự tỉnh thức ấy sẽ giúp ta xa lìa mọi đam mê, và từ đó đưa đến sự giải thoát, và cuối cùng là tiếp xúc được với Niết bàn trong bây giờ và ở đây.
Tinh yếu của Phật pháp không phải chỉ đơn giản là một luận điểm nói rằng tháo gỡ được sự dính mắc sẽ giúp ta sống một cuộc đời thảnh thơi và hạnh phúc. Thật ra đó chỉ là một phần của hai chân lý đầu tiên trong Bốn Sự Thật Mầu Nhiệm mà thôi, và nó vẫn chưa sâu sắc đủ. Một sự quán chiếu sâu sắc hơn của Bốn Sự Thật Mầu Nhiệm phải mang lại cho ta thấy rõ rằng, năm uẩn bị dính mắc chính là nguyên nhân của khổ đau; nó phải mang lại sự thật rằng khổ đau bắt nguồn từ sự đam mê vào những thú vui của giác quan, và khao khát vào một sự sống tiếp nối; và nó cũng phải mang lại sự thật rằng khổ đau - của sanh tử luân hồi - chỉ có thể chấm dứt cùng với sự tắt ngấm của sự khao khát. Nếu chưa được như vậy, thì giáo lý của Bốn Sự Thật Mầu Nhiệm, con tim của Phật pháp, vẫn chưa được toàn vẹn.
Và lẽ dĩ nhiên, mỗi vị Thầy cũng phải tự quyết định lúc nào là thích hợp để trình bày những sự thật ấy một cách thẳng thắn và mạnh mẽ. Ngay chính đức Phật ngày xưa, Ngài cũng chỉ giảng dạy Bốn Sự Thật Mầu Nhiệm khi nhận thấy rằng trong số những người lắng nghe có kẻ có thể hiểu được. Nhưng nếu ta muốn Phật pháp được hưng thịnh, ít nhất ta cũng phải thừa nhận những giáo lý này, mặc dù chúng ta quyết định rằng bây giờ mình cần phải chuẩn bị trước bằng những phương pháp cho được thích nghi hơn với mọi người.
Hỏi: Đa số những bài kinh trước khi chấm dứt đều ghi chép rằng những người nghe xong lời dạy của Phật, hiểu được, rất hoan hỷ, và đôi khi là đạt được giác ngộ chỉ nhờ nghe và hiểu. Điều này thật khó mà tưởng tượng được.
Tỳ kheo Bodhi: Thật ra chính trong kinh không có giải thích rõ, chỉ nói rằng khi đức Phật giảng, tâm của những người nghe trở nên "sẵn sàng, tiếp nhận, không còn những chướng ngại, hoan hỷ và tự tin." Nhưng thường thường kinh cũng ghi lại rằng, đức Phật giảng bài kinh đó đặc biệt cho một người hay một nhóm người nào đó trong thính chúng, cho nên có thể đức Phật đã biết trước khả năng tiếp nhận và giác ngộ của những người này. Theo tôi thì sự tỉnh thức nhanh chóng của họ là do ở ba yếu tố.
Thứ nhất là, họ đã tích lũy được đầy đủ hết những Ba la mật, tức những phẩm hạnh tốt lành, từ những kiếp trước. Tôi hoàn toàn tin vào nguyên lý tái sinh, và tôi tin rằng sự giác ngộ là quả trái lâu dài của sự tu tập của ta qua nhiều đời, nhiều kiếp, phát triển những phẩm hạnh như là Bố Thí (Dāna), Trì Giới (Sīla), Trí Tuệ (Pannā), Tinh Tấn (Viriya), Nhẫn Nại (Khanti), Chân Thật (Sacca), Quyết Ðịnh (Adhitthāna), Tâm Từ (Mettā), và Tâm Xả (Upekkhā)… Vì vậy, mặc dù những người này chưa hề tu học Phật pháp, nhưng họ cũng đã tu tập những Ba la mật ấy với nhiều đời Phật trước rồi.
Thứ hai, một sự khát khao sâu xa trong tâm thức, mong muốn đạt được sự thanh tịnh và muốn hiểu thấu được chân lý. Sự khát khao này có thể không biểu hiện ra qua ý thức bên ngoài, có thể họ đang sống đời một thương gia, như một người vợ bình thường, một người hầu thấp kém. Nhưng vào những giây phút tĩnh lặng, trong tâm họ có một sự thúc đẩy nào đó về hướng chân lý, tốt lành và một tâm linh tốt đẹp, chúng tạo nên một sự bất an trong tâm, và nỗi thống khổ ấy được dập tắt khi họ gặp và nghe đức Phật giảng dạy.
Thứ ba, trong vài trường hợp, có thể họ đã phải đối diện với một khổ đau khắc nghiệt, dù hiển nhiên hay kín đáo, và khổ đau ấy đã xé toang được tấm màn vô minh trước mắt và thúc đẩy họ đi tìm một con đường giải thoát.
Khi hai hoặc ba yếu tố này có mặt đầy đủ, họ như những đóa hoa sen trên mặt hồ, đợi chờ ánh nắng của bình minh để bừng nở. Sự có mặt của đức Phật là một mặt trời bình minh, và lời dạy của Ngài là những tia nắng ấm tỏa chiếu xuống và khai mở những đóa hoa sen bừng nở ra và tiếp nhận chân lý. ¢ |