Đạo Phật và dòng sử Việt
HT Thích Đức Nhuận
Trường A Hàm
Tuệ Sỹ dịch và chú
Triết học Thế Thân
Lê Mạnh Thát
  
 
   
 
 
Thiền sư Chân Nguyên với thế giới quan cho người dân quê Việt Nam
Thích Phước An
Cập nhật: 11:01:00 05/09/2008

THIỀN SƯ CHÂN NGUYÊN
VỚI THẾ GIỚI QUAN CHO NGƯỜI DÂN QUÊ VIỆT NAM


THÍCH PHƯỚC AN

 

 

Trong tác phẩm Nguồn Gốc, Nỗi Hoài Niệm Về Thuở Ban Đầu, dù là một nhà thiên văn học nhưng Trịnh Xuân Thịnh đã viết một câu đầy tinh thần thi ca như thế này: “Qua các thời đại và các nền văn hóa khác nhau con người đã phóng chiếu lên các bầu trời những ước mơ và khát vọng của mình”.[1]

Tôn giả Malunkyaputta có lẽ là một trong những người tiền phong không phải chỉ trong lịch sử Phật giáo mà còn cả lịch sử của nhân loại nữa đã mơ ước và khát khao muốn hiểu biết nguồn gốc về “Những thuở ban đầu” ấy chăng?

Không giống như Blaise Pascal (1623 – 1662), tư tưởng gia Pháp ở thế kỷ 17 đã hốt hoảng kêu lên: “Sự im lặng vĩnh cửu của không gian vô hạn này khiến tôi hoảng sợ”,[2] mà Malunkyaputta theo kinh Tiễn Dụ: “Trong khi tĩnh tọa nơi chỗ thanh vắng, bỗng nảy ra ý nghĩ: “Có một vấn đề mà lâu nay Đức Thế Tôn gác qua một bên không chịu nói đến, ấy là cõi thế gian này là thường hay vô thường, là hữu biên hay vô biên, thần ngã (như nghĩa linh hồn) với thân là một hay khác, Đức Như Lai sau khi diệt độ rồi còn có hay không còn có, hay cũng có cũng không, hay chẳng phải có chẳng phải không? Ta không thể nào yên tâm không thắc mắc đó được. Nếu Đức Thế Tôn nói rõ cho ta biết thì ta còn theo Ngài tu học, còn nếu Đức Thế Tôn không chịu nói rõ cho ta biết thế gian là thường hay vô thường, thì ta sẽ cật vấn Ngài xong rồi hoàn tục không tu theo Ngài nữa”. (HT Trí Đức dịch).

Câu trả lời của Đức Phật cho Malunkyaputta là: “Dù có biết được thế gian là thường hay vô thường, hữu biên hay vô biên, Như Lai sau khi diệt độ rồi còn có hoặc không có, hoặc cũng có cũng không hoặc chẳng phải có chẳng phải không thì thế gian này vẫn tiếp tục có sanh, già, bệnh, chết, có thống khổ ưu bi vậy”. Đọc câu trên của Đức Phật khiến chúng ta không khỏi ngậm ngùi khi nghĩ đến những nhà khoa học lừng danh, những Galileo, những Albert Einstein, những Edwin Hubble v.v… Đã ôm giấc mộng chinh phục vũ trụ mênh mông này nhưng chưa kịp nhìn thấy những thành tựu vĩ đại của khoa học ngày nay thì đã vĩnh viễn ra đi, đúng như lời than của một sử gia: “Con người hì hục chinh phục trái đất nhưng rồi cuối cùng con người cũng phải gửi nắm xương tàn của mình trong lòng đất lạnh” (Will Durant) .

Nhưng với chúng ta những người Đông phương thì điều đó chẳng có gì quan trọng cả, vì như Nguyễn Du đã nói:

Xưa nay những đấng tài hoa

Thác là thể phách còn là tinh anh

Nếu cứ theo lối suy nghĩ thông thường của hầu hết mọi người thì, khi một dân tộc hay một hệ thống tư tưởng nào chỉ bận tâm đến việc chinh phục nội tâm để tìm kiếm thanh bình cho tâm hồn như Phật giáo nói riêng hay nền minh triết cổ đại Ấn Độ nói chung chẳng hạn thì vấn đề chinh phục thế giới bên ngoài hoàn toàn bị bỏ quên. Nhưng ngược lại với lối suy nghĩ thông thường ấy thì những nhà thiên văn học lỗi lạc hiện nay đã đi đến một kết luận bất ngờ rằng:

“Vũ trụ thần thoại Ấn Độ cũng chứa đựng tư tưởng về sự vô hạn của các vũ trụ, mỗi vũ trụ là sản phẩm của giấc mơ của các vị thần khác nhau. Một lần nữa, quan niệm này lại hoàn toàn trùng hợp với quan niệm đa vũ trụ song song của vũ trụ học hiện đại”.[3]

Và không chỉ trong giấc mơ của các vị thần trong thần thoại Ấn Độ mới thấy vũ trụ là vô hạn, và không phải chỉ có một vũ trụ mà còn nhiều vũ trụ nữa, thì trong Phật giáo nhất là Phật giáo đại thừa hầu như bất cứ quyển kinh nào cũng đều nói đến “Tam thiên đại thiên thế giới”. Ví dụ: chỉ có thuật ngữ là Giới Tạng (Dhātu-garbha) thôi mà Tuệ Sỹ đã chú giải trong Thắng Man Giảng Luận như thế này: “Bào thai sản sinh các chủng loại. Đây chỉ thế giới tạng (Lokadhātu-garbha) bào thai sản sinh các chủng loại thế giới-tam thiên đại thiên thế giới tạng, vũ trụ trong thuyết Như Lai Tạng (Tathāgatagarbha) gọi thế giới là giới tạng, vì mọi chủng loại đều được sản sinh từ thai tạng của Như Lai. Ba nghìn giới đại thiên giới tạng tương ứng với ba nghìn đại thiên thế giới (Trisāhasra-mahāsra-lokadhātu), bốn châu thiên hạ tức là bốn lục địa (Caturdvipā) hợp thành một thế giới. Một nghìn thế giới như vậy là một tiểu thiên thế giới (Sàhasracùdika-lokadhàtu). Một nghìn tiểu thiên hợp thành một trung thiên thế giới (Sāhasra-Madhyama-lokadhātu). Một nghìn trung thiên hợp thành một đại thiên (Sāhasramhāsāhasra-lokadhātu). Ba nghìn đại thiên như vậy được gọi là một cõi Phật (Buddha-ksetra), Phật sát hay Phật độ”.

Như vậy khi Đức Phật bảo Malunkyaputta rằng: “Điều nào không đáng nói thì ta không nói, điều nào đáng nói thì ta nói, các ông nên như vậy mà thọ trì, như vậy mà tu học”, không có nghĩa là Đức Phật ngăn cấm hay không biết gì đến vũ trụ bên ngoài mà Ngài chỉ muốn nhấn mạnh rằng, cứ nỗ lực tu tập đi thì vấn đề sẽ tự giải quyết.

Người dân quê Việt Nam của chúng ta vốn rất giàu trí tưởng tượng, mỗi khi nhìn lên bầu trời đầy sao họ thấy một dải lớn màu trắng nhạt hình vòng cung vắt ngang qua bầu trời (chữ của Trịnh Xuân Thuận) mà người Tây phương gọi là “Con đường sữa” (Voie Lactée) thì người dân quê Việt Nam lại gọi dải sáng này là sông Ngân Hà.

Rồi từ sông Ngân Hà này người dân quê Việt Nam tự bao đời đã tưởng tượng ra một câu chuyện tình vô cùng lãng mạn nữa. Đó là câu chuyện giữa chàng mục đồng đẹp trai có tên là Ngưu Lang và nàng Ngọc Nữ, một trong những công chúa đẹp nhất của Ngọc hoàng. Hai người yêu nhau say đắm đến nỗi Ngưu Lang cứ bỏ mặc cho đàn trâu chạy rong khắp các cánh đồng của nhà trời, còn nàng Chức Nữ thì không còn siêng năng đạp cửi dệt vải bên bờ sông Ngân nữa.

Ngọc hoàng giận quá, bắt hai người phải sống xa nhau. Bên này bờ sông là Ngưu Lang và bên kia là Ngọc Nữ. Mỗi năm hai người chỉ được Ngọc hoàng cho phép gặp nhau một lần vào tháng bảy mà thôi. Chính vì thế cho nên mỗi khi gặp nhau Ngưu Lang và Chức Nữ vì quá sung sướng nên đã phát khóc, rồi đến khi sắp chia ly thì buồn thảm đến nỗi nước mắt tuôn như mưa.

Từ đó cứ đến những ngày cuối hạ, khi trên khắp các cánh đồng, các dòng sông đều cạn nước thì người nông dân lại mong đến tháng bảy mưa ngâu. Câu “tháng bảy mưa ngâu” mà người dân quê thường gọi bắt đầu từ truyền thuyết trên.

Trong ca dao Việt Nam ta cũng thấy có hai câu nói lên tâm trạng của một người thôn nữ đứng nhìn trời cao đất rộng, nhìn rặng núi, nhìn dòng sông rồi băn khoăn tự hỏi về nguồn cội của chính mình:

Ai đem em đến chốn này

Bên kia là núi bên này là sông?

Thế nhưng điều lạ lùng là trong văn học cổ điển của Việt Nam dường như chưa có bất cứ một tác phẩm nào đề cập đến cái boăn khoăn thắc mắc mà người thôn nữ đã nêu lên trong câu ca dao vô cùng thơ mộng trên, ngoài một tác phẩm duy nhất là Hồng Mông hạnh (HMH) của thiền sư Chân Nguyên. Và vì là một thiền sư của Phật giáo Việt Nam nên tất nhiên Chân Nguyên đã trình bày thế giới quan ấy bằng chính quan điểm của mình, hay nói theo giáo sư Lê Mạnh Thát tác giả Chân Nguyên thiền sư toàn tập (CNTSTT) thì “Thế giới quan này tuy chịu một quá trình Phật giáo hóa có ý đồ và chủ mưu, vẫn bộc lộ một cái nhìn hết sức tích cực, về lịch sử hình thành và tiến hóa của thế giới tự nhiên và xã hội loài người”.[4]

Cũng như mọi tác phẩm viết về thế giới quan, thiền sư Chân Nguyên cũng mở đầu tác phẩm của mình về những ngày đầu tiên của vũ trụ như thế này:

Trải xem thuở trước hồng mông

Hư không nhất trí tượng cùng hỗn mang

Tam tài thuở chửa phân trương

Kiếp dường bát ngát đời dường mênh mông

Trời chưa có, Đất còn không,

Người ta quạnh quẻ mịt mùng dưới trên

Tự nhiên một khí nổi lên

Tỳ Lô nhất trích bỗng liền hóa ra

Thon thon dường tợ trứng gà

Khí thanh khí trọc hợp hòa âm dương.

Giống như hầu hết các triết gia Đông Tây xưa nay, Chân Nguyên cũng thử tìm xem cái gì là nền tảng để từ đó vũ trụ vạn vật hình thành. Chẳng hạn như đối với Thalès là nước, với Héraclite là lửa, với Anaximene De Milet là không khí hoặc là đất, nước, không khí lửa (Empédocle) là nguyên tử (Démecrite) với Pythagore là con số với Anaximandre thì vô cùng hợp thể bất định và vô hạn của bốn yếu tố: Nước, không khí, đất và lửa, hoặc tinh thần siêu việt (Một số triết gia sau khi Thiên chúa giáo ra đời). Như vậy bản thể của vũ trụ vạn vật có thể là vô hình mà cũng có thể là hữu hình”.[5]

Nhưng theo tác giả CNTSTT thì khi viết đoạn trên Chân Nguyên đã: “Chịu ảnh hưởng nặng nề của thuyết sáng thế duy vật thô sơ phát biểu trong Hoài Nam Tử. Đạo bắt đầu trong chỗ mịt mùng, mịt mùng sinh ra vũ trụ, vũ trụ sinh ra khí, khí có nặng nhẹ, trong và nhẹ thì bàng bạc thành trời, nặng và đục thì ngưng tụ lại thành đất. Kết hợp trong và mịn thì dễ, còn ngưng tụ nặng và đục thì khó, nên trời thành trước và đất thì lập sau, kết hợp trời đất lại thì khí nó thành âm dương” và như vậy tác giả CNTSTT kết luận: “Chân Nguyên đã sử dụng thuyết sáng thế duy vật thô sơ của Hoài Nam Tử, rồi Phật giáo hóa nó đi bằng cách thêm vào cái ý niệm ‘Một giọt tỳ lô’.”

Theo hai tác giả Nguyễn Hiến Lê và Giản Chi thì Hoài Nam Tử chỉ là người tiếp nối và hoàn chỉnh thôi, vì triết gia đầu tiên của Trung Quốc chủ trương thuyết duy khí phải là Hà Hưu đời hậu Hán: Cái nguyên thủy là khí. Bắt đầu từ vô hình, khi hữu hình thì (Khí) phân bổ mà dựng nên trời đất vậy. (Nguyên giả, khí dã. Vô hình dĩ khởi, hữu hình dĩ phân, tạo khởi thiên địa, thiên địa chi thủy giả).[6]

Chân Nguyên tiếp tục trình bày quá trình hình thành vũ trụ như thế này:

Tự nhiên chấn động khai trương

Mới có Bàn Cổ, Tam Hoàng túc Phân

Thiên Tý, địa sửu, nhân dần

Ba giờ khai tịch linh thần đã an

Thái cực nhất khí chân nguyên

Lưỡng nghi tứ tượng sanh nên muôn loài

Thần cơ tạo hóa chẳng sai

Dựng ra núi cả sông dài bể sâu

Sơn xuyên thành thị đâu đâu

Phật tổ biến hóa phép mầu ghê thay

Chúng ta có thể xem câu Tự nhiên chấn động khai trương của Chân Nguyên như một Big Bang của vũ trụ học hiện đại chăng? Bởi vì trước khi “Tự nhiên chấn động khai trương” thì vũ trụ lúc đó chỉ là một khối tối tăm mù mịt chưa có gì hết, chỉ sau khi “chấn động khai trương” rồi thì mới có Tam Hoàng, tức Thiên Hoàng (vua trời), Địa Hoàng (vua đất) và Nhân Hoàng (vua người) và tiếp nữa mới là núi rộng sông dài v.v…

Tác giả CNTSTT đã rất thẳng thắn khi cho rằng quan điểm của Chân Nguyên trong quá trình hình thành vũ trụ như vậy là hơi ngây thơ và đơn giản, vì sao?

“Chân Nguyên tiếp thu những khái niệm của cái thế giới quan mang ít nhiều tính chất duy vật biện chứng ấy, để xây dựng nên một thế giới quan của chính mình, sau khi đã Phật giáo hóa nó tới một mức độ nhất định. Quá trình Phật giáo hóa này diễn ra không phải dựa trên cơ sở những quan điểm rút ra từ kinh sách Phật giáo chính thống. Trái lại, nó phần lớn đã lặp căn trên một quan niệm Phật giáo dân gian, đôi khi tiếp cận với môt tư tưởng ngây thơ và đơn giản quá mức”.

Đúng là ngây thơ và đơn giản. Nhưng có lẽ cái ngây thơ và đơn giản đó cũng dễ hiểu thôi, vì vị Thiền sư của chúng ta đã sống vào nửa sau thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18, vào thời điểm ấy cả khu vực Viễn Đông nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn chưa nhận được bất cứ một thông tin nào cả về những cái chết đang gây chấn động khắp các quốc gia Tây phương như cái chết của Bruno (1548-1600) triết gia Ý, vì đã dám bác bỏ những giáo điều ngây thơ trong Kinh Thánh về sự hình thành của vũ trụ, giáo hội La Mã đã kết án ông là “muốn lật ngược thế giới” nhưng Bruno đã hỏi lại giáo hội là: “Nhưng lẽ nào lật ngược thế giới đã bị lật ngược là xấu xa ư?” Khi bị đem lên giàn hỏa để thiêu sống Bruno vẫn hiên ngang tuyên bố “Đốt cháy không có nghĩa là bác bỏ”.[7]

Và sau đó không bao lâu là Galilê (1554-1642) nhà vật lý, toán học, thiên văn học cũng người Ý. Cũng giống như Bruno, khi tòa án giáo hội La Mã ở Rome bắt Galilê phải từ bỏ quan điểm của mình về sự hình thành và cấu tạo của vũ trụ, thì Galilê cũng để lại cho đời một câu nói bất hủ đến tận ngày nay: “Dù sao thì nó (trái đất) vẫn đang quay kia mà”.[8]

Nếu biết rõ những thông tin về khoa vũ trụ học này thì vị Thiền sư của chúng ta có lẽ đã không vì quá tôn sùng Đức Phật, dù chỉ là quan niệm Phật giáo nhân gian (chứ không phải chính thống) đã gán ghép Đức Phật vào những việc mà Đức Phật không bao giờ làm sau đây:

Tạo Thiên lập Địa đã ôn

Nhật Nguyệt chưa có hãy còn nhẵn tay

Nhân vật cầm thú bấy chầy

Mở mắt làm ngày, bịt mắt làm đêm

Chửa có Nhật Nguyệt khôn xem

Bây giờ Phật Tổ hóa nên lạ lùng

Đại ngọ nhân trí Phật dùng

Lấy kim đúc Nhật sáng thông đòi ngày

Ngân thì đúc Nguyệt bằng nay

Cùng tinh tú rày đêm thì sáng xông

Vậy là chỉ sau khi con người đã có mặt trên mặt đất thì Chân Nguyên mới để Phật xuất hiện. Đức Phật như thế chỉ là người đứng ra xếp đặt lại trật tự cho xã hội loài người chứ không phải là người đã tạo dựng trời đất và loài người như Đức chúa trời Jahvé đã làm vào ngày thứ 5 như trong Cựu Ước đã ghi: “Ta hãy làm ra người theo hình ảnh của ta”.

Nhưng ta có thể giả thiết là, nếu như Chân Nguyên có vì quá sùng mộ mà tôn Đức Phật như Đức chúa trời Jahvé, nghĩa là cũng tạo dựng trời đất và loài người thì sự tôn sùng ấy cũng chẳng làm hại đến ai cả, vì lịch sử truyền bá đã từng chứng minh rằng đạo Phật chưa hề ép buộc một dân tộc nào phải từ bỏ tôn giáo của họ để theo Phật giáo cả. Nguyên tắc bất di bất dịch này dường như càng được thực thi một cách nghiêm chỉnh hơn dưới những triều đại mà Phật giáo hoàn toàn nắm ưu thế tuyệt đối về quyền lực chính trị, như dưới triều đại Asoka của Ấn Độ chẳng hạn. Vị hoàng đế này chẳng những đã không ép buộc ai theo Phật giáo mà còn ra một sắc lệnh đặc biệt về tín ngưỡng có những câu như thế này: “không nên vô cớ đề cao giáo phái của mình, chê bai các giáo phái của người khác. Muốn chê bai thì phải có những lý do vững vàng vì tất cả các giáo phái khác đều có một khía cạnh nào đó đáng cho ta kính trọng”.[9]

Còn đối với lịch sử Việt Nam thì chúng ta cũng đừng quên rằng chính vua Lý Thánh Tông đã là người đầu tiên chủ trương xây dựng văn miếu để thờ Khổng Tử và Chu Công vào năm 1070 chứ không phải ông vua nào của triều Lê hay triều Nguyễn của Nho giáo đã chủ trương điều ấy cả.

Trong HMH, ngoài khái niệm khí của triết gia Hoài Nam Tử, Chân Nguyên cũng còn lấy một tư liệu khác nữa cũng của Trung Quốc để đưa vào trong tác phẩm của mình là thuyết nói rằng dù tên gọi có khác nhau nhưng Khổng giáo hay Lão giáo thật ra cũng đều từ Phật giáo mà ra cả:

Phật dựng Tam giáo độ nhân

Một cây bảo thọ linh thần ba chi

Vốn nguyên đạo Phật từ bi

Suất đà Thiên thượng phân chi phát hành

Cứ theo thuyết này thì Khổng Tử là do từ:

Tịnh Quang Bồ Tát giáng sinh

Thác thân nuớc Lỗ dạy dân báy chầy

Mùng 4 tháng 5 bằng nay

Ngọ thì nửa ngày Khổng Tử giáng sinh

Còn Lão Tử của Đạo giáo thì:

Ca Diếp Bồ Tát ra đời

Ở trong lòng mẹ đã ngoài tám mươi

(…)

Tóc đầu mày bạc phân minh  

Thái thượng hóa hình đạo giáo thần thông

Tác giả CNTSTT cho rằng thuyết các Bồ Tát giáng sinh để làm giáo chủ Nho giáo cũng như Lão giáo xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ thứ 7 trong tác phẩm của Minh Khái và Pháp Lâm được viết trong những năm 621-622, đến đầu đời Nguyên thì thuyết này vẫn còn khá phổ biến, như Tường Mại đã dẫn trong Biện Ngụy Lục được viết sau biến cố tranh chấp xảy ra giữa Phật giáo và Lão giáo vào năm 1280.

Và tác giả cũng cho rằng trong HMH Chân Nguyên cũng đã sử dụng tài liệu của Tường Mại để viết về Khổng Tử và Lão Tử.

Nhưng nếu hai nguồn tài liệu trên được rút ra từ các sách vở của Trung Quốc chẳng có gì là sáng tạo của Chân Nguyên trong đó cả thì ta phải đợi đến nguồn tài liệu thứ ba, tức là những truyền thuyết đã lưu hành từ rất lâu trong nhân gian mà tác giả CNTSTT cho rằng: “lần đầu tiên được Chân Nguyên ghi lại bằng ngôn ngữ dân tộc trong HMH”, và tác giả đã khẳng định: “đây là một cống hiến độc đáo và lớn lao của Chân Nguyên cho lịch sử văn học dân tộc ta”. Ví dụ tác giả dẫn chứng hai câu thơ trong HMH:

Con mèo xưa đã có duyên

Đã ở cùng Phật Tây Thiên tốt lành

Thì truyền thuyết này đã được Nguyễn Trãi ở đầu thế kỷ 15 ghi lại trong Quốc Âm Thi Tập, trong bài thơ có tên là Mèo, nguyên Văn như thế này:

Lọ Vằn sinh lạ mãi phương Tây

Phụng sự Như Lai trộm phép Thầy

Hơn chó được ngồi khi mặt bếp

Tiết Hùm chẳng bảo chước leo cây

Đi nào kẻ cấm buốn the kín

Ăn đợi ai làm bàn soạn đầy

Khó Liễu sang chăng nở phụ

Nhân chưng giận chuột phải nuôi mày

Tại sao chuột và mèo lại ghét nhau? Cứ theo truyền thuyết nhân gian thì trong những ngày đầu khi Phật vừa xuất hiện trên mặt đất này thì con người vẫn chưa có lương thực để ăn nên Phật mới hóa ra lúa rồi sai chuột đem đi rãi khắp mọi nơi, nhờ thế nên con người mới được ấm no. Thế nhưng sau đó chuột lại ỷ công lao của mình nên :

Lúa thời nó cắn đã tan

Bấy giờ Thiên Hạ thế gian lo lường

Tìm sang Bạch Phật Tây Phương

Rằng thì chuột nó làm hoang cực nhiều

Phật phán Tây Phương có mèo

Đem về nó bắt nó trèo mọi nơi

Bấy giờ chuột hãi rụng rời

Đào hang hòa ẩn trọn đời mới yên

Con mèo xưa đã có duyên

Đã ở cùng Phật Tây Thiên tốt lành

Còn những cái mỏ dùng để tụng kinh thì tại sao người thợ mộc từ xưa nay lại thường khắc hình con cá Kình? Đọc HMH của Chân Nguyên ta mới biết được là vì cá Kình hay đón đường chuột cướp mất bông lúa mà Phật đã sai chuột đi vung vãi khắp nơi:

Chẳng ngờ cá kình bất nhân

Đón ăn cướp mất xa gần còn không

Lý Ngư can gián có lòng

Cá kình phàm tục bạo hung bấy chầy

Cá chép hóa rồng khi nay

Có lòng nhân đức Phật rày hóa cho

Cá kình độc dữ phàm phu

Moi ruột làm mỏ đánh hồ trả dân

Nhưng có lẽ phải đợi đến truyền thuyết về chuyện cây Nêu ba ngày tết thì ta mới thấy được Phật giáo đã ảnh hưởng sâu đậm như thế nào đối với dân tộc Việt Nam, đặc biệt là đối với người dân quê, vốn chiếm hơn tám mươi phần trăm trong xã hội nông nghiệp.

Khi Đức Phật đã lặp lại trật tự trên thế gian này thì:

Phật Tổ mở tiệc hội lễ

Quỷ Vương nó lại đến thì công dương

Quỷ ở cùng Phật một dường

Quỷ cũng có phép oai lường ghê thay

Hung hăng xáo xác trêu thây

Phật dựng làm hội quỷ rày đến chơi

Dù Phật rất tử tế với quỷ nhưng quỷ vẫn chứng nào tật ấy:

Rủ nhau Quỷ liền trêu ngươi

Đem đồ công đức tanh hôi chơi vần

Thấy quỷ quậy phá như vậy nên Phật liền “Phân doanh” một miếng đất gần sát mé biển cho quỷ, nhưng hễ ngày nào quỷ còn ở trên đất liền, dù gần sát bờ biển đi nữa thì quỷ vẫn tiếp tục tấn công không những với súc vật mà còn cả với con người nữa:

Quỷ có phần đất bấy chầy

Ai qua nó bắt khốn thay những là

Bắt về ăn thịt chẳng tha

Nhân vật cầm thú khôn qua đó rày.

Thế là một cuộc đấu trí diễn ra giữa Phật và bọn quỷ. Trước tiên Phật bèn làm một lễ hội nữa để dụ quỷ vào, quỷ vào vẫn giữ thái độ hung hăng, ngạo mạn như những lần dự lễ hội trước đó. Sau khi lễ hội kết thúc, Phật ngỏ lời trước:

Ta hỏi mua đất chúng bây

Quỷ vương bạch Phật mua tày bao nhiêu

Phật đáp:

Phật rằng mua ít chẳng nhiều

Mua có một lèo bằng bức cà sa

Phật vừa nói vừa bung chiếc áo cà sa ra thì :

Chúng quỷ xem thấy mừng thay

Vừa bằng một chiếu vỗ tay reo cười

Và lại hứa sẽ trả tiền gắp bội nhưng với điều kiện là quỷ phải ký vào biên bản trước khi Phật giao tiền, quỷ đồng ý ký:

Tánh danh quỷ vương ở trên

Nguyên có phần đất ở trên Ta Bà

Kim tương mãi dữ Thích Ca

Y như khế hội lập hòa chẳng sai

Sau khi ký xong, quỷ trao giấy cho Phật:

Phật liền chiếu đọc chúc thư

Mở cà sa bức rộng dư vô cùng

Quỷ bạt ra ở biển đông

Ở trên non nước mênh mông bấy giờ

Tham ăn ái vật chẳng ngờ

Đều cùng dại cả lọ bề tâu ai

Chúng ta đã bán cho người

Phật cứ bằng lời văn tự giao ngân

Quỷ đành ngậm bồ hòn, không còn cách nào hơn là phải xuống nước nài nỉ:

Bây giờ mất đất ỷ khôn

Ta vào bạch Bụt Thế Tôn ân cần

Tôi xin một năm ba lần

Về viếng quê cũ đầu xuân ba ngày

Phật đồng ý nhưng nhắc lại cho quỷ nhớ là chỉ được ở lại đất liền ba ngày mà thôi:

Phật phán nhữ Quỷ rằng bây

Tao cho ba ngày đoạn lại hồi quy

Hễ đâu nêu cắm chế hề

Thằng nào xông xáo diệt thì tan thây

Sự tích cây nêu ngày Tết ấy được Nguyễn Đổng Chi biên tập lại trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam lại càng độc đáo hơn nữa:

“Ngày ấy không biết từ bao giờ và biết bằng cách gì, Quỷ chiếm đoạt tất cả đất nước. Người chỉ ăn nhờ ở đậu và làm thuê đất của Quỷ. Quỷ đối với người ngày càng quá tay. Chúng nó dần dần phải tăng thuế nộp lên gấp đôi và mỗi năm mỗi nhích lên một ít. Cuối cùng chúng nó bắt người phải nộp theo một thể lệ đặc biệt do chúng nó nghĩ ra là: “ăn ngọn cho gốc”. Người không chịu, chúng nó áp lực, bắt người phải theo. Vì thế năm ấy sau vụ gặt, chỉ còn trơ ra những rạ là rạ, cảnh tượng da bọc xương thê thảm diễn ra khắp nơi. Bên cạnh, quỷ reo cười đắc ý. Người thì cơ hồ muốn chết tuyệt.

Phật từ Phương Tây lại, có ý định giúp người chống lại sự bóc lột tàn nhẫn của quỷ. Sau mùa đó, Phật bảo người đừng trồng lúa mà đào đất thành luống để trồng khoai lang. Người cứ y lời làm đúng theo lời Phật dặn. Quỷ không ngờ người đã bắt đầu có mưu kế chống lại mình nên cứ nêu đúng thể lệ như trước “Ăn ngọn cho gốc”. Mùa thu hoạch năm ấy quỷ rất hậm hực nhìn thấy gánh khoai núc ních chạy về nhà người đổ thành từng đống lù lù, còn nhà mình chỉ toàn những dây và lá khoai là những thứ không nhai nỗi, nhưng thể lệ đã quy định, chúng nó cứng họng không thể chối cãi vào đâu được.

Sang mùa khác, Quỷ thay thể lệ mới là “ăn gốc cho ngọn”. Phật bảo người lại chuyển sang trồng lúa. Kết quả quỷ lại hỏng ăn. Những hạt lúa vàng theo người về nhà, còn rạ thì phó mặc cho bọn quỷ. Quỷ tức lộn ruột nên mùa sau chúng nó lại tuyên bố “ăn cả gốc lẫn ngọn” lần này quỷ nghĩ “cho chúng mày muốn trồng gì thì trồng, đằng nào cũng không lọt khỏi tay chúng tao”. Nhưng Phật đã bàn với người thay đổi giống mới, Phật trao cho người hạt giống cây Ngô để gieo khắp mọi nơi, mọi chỗ.

Năm ấy người lại sung sướng trông thấy công lao của mình không uổng. Trong nhà Người thóc ăn chưa hết thì từng gánh ngô đã tiến về từng gánh đầy ắp. Về phần quỷ lại bị một vố chua cay uất ức hàng mấy ngày liền. Cuối cùng quỷ nhất định bắt người trả lại tất cả ruộng đất không cho làm thuê nữa. Trong bọn chúng nó nghĩ “thà không được gì cả còn hơn là để cho nó một mình”.

Phật bảo người điều đình với quỷ cho tậu một miếng đất vừa bằng một chiếc áo cà sa. Nghĩa là người sẽ trồng một cây tre trên có mắc chiết áo cà sa, hễ bóng che bao nhiêu diện tích ở mặt đất là sở hữu của người ở đó. Ban đầu quỷ không thuận, nhưng sau chúng nó suy tính thấy đất tậu ít mà giá rất hời nên nhận lời: “ Ồ ! bằng chiếc áo cà sa có là bao đâu!” Chúng nó nghĩ thế, hai bên bèn làm tờ giao ước ngoài bóng che là đất của quỷ, trong bóng che là của người.

Khi người trồng xong cây tre, Phật đứng trên ngọn tung áo ca sa bay tỏa ra thành một miếng vải tròn. Rồi Phật hóa phép làm cho cây tre cao vút lên mãi đến tận trời. Tự nhiên trời đất trở nên âm u, bóng của cà sa dần dần che kín khắp cả mặt đất. Bọn quỷ không ngờ có sự phi thường như thế, mỗi lần bóng áo lấn dần vào đất chúng, chúng phải dắt lùi mãi. Cuối cùng quỷ không có đất ở nữa phải chạy ra biển Đông, vì thế người ta mới gọi là Quỷ Đông.

Tiếc vì đất đai hoa mầu đều thuộc về Người, quỷ rất hậm hực, cố chiêu binh tập mã để cướp đất lại. Lần này người phải chiến đấu với quỷ thật gay go vì quân đội của quỷ có đủ một bầy ác thú như Voi, Ngựa, Chó, Ngao, Bạch Xà, Hắc Hổ… rất hung dữ. Phật cầm gậy tầm xích đánh giúp người làm cho quỷ không tiến lên được.

Sau mấy trận bất lợi, quỷ bèn cho quân đi dò xem thử Phật sợ gì, Phật cho chúng biết là sợ hoa quả, oản chuối và cơm nắm, trứng luộc. Về phía Phật cũng dò hỏi và biết được rằng quỷ chỉ có sợ độc có mấy thứ: Máu chó, lá dứa, tỏi và vôi bột.

Lần giáp chiến sau đó quân của quỷ đem không biết cơ man nào là hoa quả đến ném Phật, Phật bảo người nhặt làm lương ăn rồi đem máu chó vấy khắp mọi nơi. Quân của quỷ thấy máu chó sợ hoảng hồn bỏ chạy.

Lần thứ hai, quân của quỷ lại đem oản chuối ném vào quân Phật. Phật bảo người nhặt làm lương ăn, giã tỏi phun vào quân quỷ. Quân của quỷ không chịu được mùi tỏi nên cũng cắm đầu chạy biệt tích.

Lần ba, quân quỷ lại đem cơm nắm, trứng luộc vào ném quân Phật. Người tha hồ ăn và theo lời Phật dùng vôi bột vung vào quỷ. Người lại lấy lá dứa quất vào chúng. Chúng chạy không kịp, lại bị Phật bắt đày ra biển Đông. Ngày quỷ già, quỷ trẻ, quỷ đực, quỷ cái cuốn gói ra đi, bộ dạng của chúng vô cùng thiểu não. Chúng rập đầu xuống đất cố xin Phật thương tình cho phép một năm vài ba ngày vào đất liền thăm phần mộ của tổ tiên cha ông ngày trước, Phật thấy chúng khóc vang cả nên mới thương hại, hứa cho.

Vì thế, hàng năm cứ đến ngày tết Nguyên Đán là quỷ lại vào thăm đất liền, thì người ta theo tục cũ, trồng nêu để cho quỷ không dám bén mảng vào chỗ người ở. Trên cây nêu có bánh đất mỗi khi gió rung thì tiếng động phát ra để luôn luôn nhắc nhở bọn quỷ nghe mà tránh. Cũng trên cây nêu có một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hài để cho quỷ sợ. Ngoài ra người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía Đông và rắc vôi bột xuống đất vào những ngày tết để cấm cửa quỷ. Vì thế mới có mấy câu tục ngữ:

Cành Đa lá Dứa treo cao

Vôi bột rắc ngõ chớ trêu mọi nhà

Quỷ vào thì quỷ lại ra

Cành Đa lá Dứa thì ta Cứa mồm.

Trong NHQA Chân Nguyên có hai câu:

Nôm na xin diễn tích Ngài

Cho người ít chữ nhớ lời kính tin

“Người ít chữ” mà Chân Nguyên nói ở đây không ai khác hơn chính là giới nông dân chân lấm tay bùn, dù quanh năm suốt tháng lúc nào cũng dầm mưa dãi nắng nhưng họ lại chẳng bao giờ được yên thân. Ngoài sưu cao thuế nặng ra họ lại còn chịu nhiều bất công khác nữa do giới thống trị áp đặt lên đầu, lên cổ họ. Bởi thế, ta chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi Chân Nguyên đem câu chuyện cây Nêu ngày Tết vào trong tác phẩm HMH của mình như muốn chia xẻ bớt nổi khổ cho họ hay nói theo cách nói của tác giả CNTSTT thì Chân Nguyên muốn đứng hẳn về phía họ để đẩy xã hội đi lên theo hướng tích cực, tác giả viết:

“Như thế thì rõ ràng yếu tố Phật được Chân Nguyên đưa vào với mục đích tuyên truyền cho lòng tin Phật giáo. Do đó, nó không thiết yếu đối với diễn trình tiến hóa khách quan của tự nhiên và xã hội. Sự thật đằng sau bóng dáng của Phật ta thấy thấp thoáng hình bóng của đông đảo nhân dân mà vào thời Chân Nguyên vẫn chưa nhận ra rõ nét, chính lực lượng của đông đảo quần chúng mới làm nên lịch sử, mới đẩy xã hội loài người đi lên, mới giành thắng lợi hoàn toàn về cho chính nghĩa. Vậy thì trong giới hạn của quá trình phát triển thế giới tự nhiên, yếu tố Phật đóng vai trò của những quy luật, trong khi lãnh vực đấu tranh và hình thành xã hội lại đóng vai trò yếu tố nhân dân của lực lượng chính nghĩa mang tính chất tất thắng và lý tưởng. Từ đó, yếu tố Phật ấy có thể thay thế một cách dễ dàng bằng những gì mà nó đã choán mất. Một khi đã thực hiện việc thay thế, ta thấy nổi bật ra ngay một thế giới quan hết sức tích cực trĩu nặng tư tưởng khái niệm và hình ảnh nhân dân. Nói rõ ra, thế giới quan ấy có thể là thế giới quan của nhân dân, mà Chân Nguyên đã trí thức và Phật giáo hóa nó đi, để một phần nào nói lên chính thế giới quan của bản thân mình”.

Đức Phật như vậy theo quan điểm của Chân Nguyên không còn là Đức Phật chỉ ngồi trên tòa sen để công bố thế giới này là đầy đau khổ nữa, mà chính Ngài còn bước xuống khỏi tòa sen để cùng với những con người đau khổ tìm cách giải phóng tất cả những khổ đau mà họ đang còng lưng ra gánh chịu.

Ngoài những lý do trên, những lý do đã khiến cho Chân Nguyên phải viết HMH để nói lên cái ước mơ của mình là Phật giáo phải đóng một vai trò tích cực hơn nữa trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp cho con người trên thế gian này. Bây giờ ta thử xem còn một lý do sâu xa nào nữa để Chân Nguyên phải viết HMH không? Tác giả CNTSTT đã đưa ra một lý do nữa hết sức quan trọng như thế này:

“Cuối cùng cần nói thêm là HMH ra đời chắc chắn để trả lời thuyết sáng thế duy thần Ki-tô giáo do những tên tay sai phương Tây đội lốp thầy tu như Đờ Rốt với Phép Giảng Tám Ngày. Chính trên bối cảnh của cuộc đấu tranh tư tưởng này mà HMH mặc dù có những hạn chế thời đại và lịch sử của nó vẫn nổi bật lên một cách rõ nét với quan điểm sáng thế ít nhiều mang tính chất nhân dân và duy vật thô sơ. Trong giới hạn ấy, nó đóng một vai trò hết sức thiết yếu cho những người nghiên cứu lịch sử tư tưởng Việt Nam ở thế kỷ thứ 17”.

Chắc chắn vào thời Chân Nguyên thì cuộc đấu tranh tư tưởng đã diễn ra khá quyết liệt giữa Phật giáo và Thiên chúa giáo rồi.

Trong Hương Hải Thiền Sư Ngữ Lục có ghi lại cuộc đấu lý sôi nổi giữa một bên là thiền sư Hương Hải với ba vị giáo sĩ Thiên Chúa giáo có sự chứng kiến của một vị quan lại ở đàng ngoài như sau:

“Một ngày rãnh, trưởng quan lại đến Nguyệt Đường gọi ba thầy giảng đạo với tổ sư, để xem thắng bại thế nào. Ba thầy đạo Hoa Lang, một tên là Tài Gia, một tên là Tài Hựu, và tên kia Tài Chi. Trưởng quan hỏi đạo một câu, hỏi Thích một câu, ba thầy Đạo ba lần không nói được, chỉ còn một Thích nói lời không dứt. Trưởng quan bảo: Đạo không bằng Thích. Hoa Lang ngoa dối lời dụ dỗ để xiêu lòng người, đó gọi là tà đạo, chẳng biết nghĩa lý. Trưởng quan lại bảo, họ Thích thông lời chí lý, có sự có tích, pháp bảo vô biên. Từ đó, ông biết Đạo là ngụy chẳng chân, liền trở về báo lên Thánh Thượng Cửu Trùng. Trải tám tháng, phụng sai quan đuổi Đạo Hoa Lang về nước họ không được ở chỗ phố Hiến nữa”.[10]

Thiền sư Hương Hải sinh năm 1628 và mất năm 1715, còn Chân Nguyên thì sinh năm 1647 và mất năm 1726, được xem như sống cùng một thời. Trong khi đó, các giáo sĩ Thiên chúa giáo đã chính thức đặt chân đến nước ta từ thời vua Lê Trang Tông của nhà Lê (1533), rồi đến năm 1624 có giáo sĩ Jean Rhodes đến giảng đạo ở Phú Xuân và đã lập ra các giáo đường. Có giáo đường nghĩa là đã có nhiều con chiên, tất nhiên ngoài Phép Giảng Tám Ngày để bài bác Phật giáo ra, thì chắc chắn những lời sau đây trong Cựu Ước cũng được họ khai thác triệt để nhằm hù dọa những kẻ yếu bóng vía, nhất là những Phật tử không chịu bỏ đạo để theo họ:

“Người phải diệt tất cả các dân tộc mà Jahvé, Đức chúa Trời sắp giao cho người, mắt người đừng đoái thương chúng và người đừng phụng sự các thần của chúng”. (Sách luật lễ ký, chương 17, tiết 16).

Hoặc đoạn sau đây còn quyết liệt hơn:

“Khi Jahvé Đức chúa Trời của người vô cái xứ mà người sẽ làm chủ, tức những dân tộc Hê tít, Ghi-Rê-Ga-Sít, A mô-nít, Ca-Na-An, Phê-Rê-Sít và Giê-Bu-Sít, hết thảy bảy dân tộc đông và mạnh hơn người, khi Jahvé, Đức chúa Trời đã giao phó những dân tộc đó cho người và người đã đánh bại chúng, thì người phải diệt chúng cho hết đi, đừng liên kết với chúng mà cũng đừng thương xót chúng. Người đừng kết sui với chúng, đừng gả con gái cho con trai chúng, đừng cưới con gái chúng cho con trai mình, vì chúng sẽ dụ con trai người lìa bỏ ta, mà phụng sự cho các thần khác, mà cơn thịnh nộ của chúa trời sẽ bùng lên mà diệt người trong nháy mắt đấy. Trái lại người phải đối với bọn chúng như thế này: Lật đổ bàn thờ của chúng đi, đập tan tượng thần của chúng đi, hạ các ngẫu tượng của chúng, đốt những hình chạm của chúng cho hết”.[11] (Sách luật lễ ký, chương 17).

Gần bảy thế kỷ sau, nghĩa là thế kỷ thứ bảy sau TL, ta thấy trong kinh Coran cũng hô hào những lời tương tự như trong Cựu Ước:

“Ta sẽ gieo khủng bố vào lòng những kẻ không thừa nhận (tôn giáo ta) vì những kẻ ấy gán cho Chúa (Allah) những ý xấu mà họ không đưa ra được các bằng chứng.

Từ nay ta sẽ sống và chết với các người (Tức đồ đệ của Mahomed), đời ta là đời của các ngươi, máu của các người là máu của ta, các người thua là ta thua, các người thắng là ta thắng. Và “Hễ tụi dị giáo tấn công các người thì các người sẽ tắm trong bể máu của chúng”.[12]

Vì sao kinh CoranCựu Ước lại giống nhau như vậy?

Đọc lịch sử Hồi giáo ta biết được rằng, trước khi trở thành giáo chủ Hồi giáo ở tuổi 40 thì Mahomed lúc còn trẻ làm nghề đi buôn ở Syrie, ông đã gặp một giáo sĩ Thiên Chúa giáo và đã theo đạo này “Rồi khi đi qua tới Medine, gần người Do Thái, Mahomed lại chịu thêm một ảnh hưởng nữa là đạo Do Thái (…) “Thành thử Hồi giáo là sự hỗn hợp của đạo Ki-tô và Do Thái, và cũng thờ một vị thần duy nhất mà Mahomed gọi là Allah”.[13]

 Từ những dữ kiện trên, ta có thể giả thiết là, nếu như Mahomed không gặp một giáo sĩ Thiên Chúa giáo ở Syrie thì có lẽ vùng Trung Đông không chìm ngập trong máu và nước mắt như hiện nay? Và thế giới văn minh tiến bộ sẽ không phải tốn công sức một cách vô ích để chống trả lại những giáo điều cuồng tín mà các tôn giáo nhất thần đã thuyết giảng trong các thánh kinh của họ chăng?

Để trả lời lại một Đức chúa Trời “nổi cơn thịnh nộ”, một Đức chúa Trời thúc dục hãy “lật đổ bàn thờ” của những người không cùng tôn giáo với mình, thì thiền sư Chân Nguyên của nước ta thời bấy giờ đã giảng nghĩa cho người dân quê Việt Nam biết Đức Phật mà họ đang tôn thờ như thế này:

Phật là tâm địa tài bồi

Hóa sinh lại dưỡng mọi loài vật nhân

Và đặc biệt là khuyên họ nên trút bỏ hết mọi hận thù đi:

Ai ai tu lấy cho cần

Kẻo phải đọa lạc mất thân oán thù

Dù HMH “phần lớn đã lập căn trên một quan niệm Phật giáo dân gian, đôi khi tiếp cận với một tư tưởng ngây thơ giản đơn quá mức” như lời nhận định của giáo sư Lê Mạnh Thát, tác giả CNTSTT nhưng chắc chắn đó là cái ngây thơ của một kẻ cứ nơm nớp lo sợ rằng một ngày nào đó không xa những tôn giáo chuyên kích động hận thù này sẽ tràn vào đất nước của mình, một đất nước mà kể từ thời lập quốc đến nay đã được nuôi dưỡng trong giáo lý từ bi và trí tuệ của Đức Phật.

Bởi thế nên Thiền Sư Chân Nguyên của chúng ta đã bắt buộc phải viết HMH chăng?

                                                                                                             T.P.A.

 


[1] Phạm Văn Thiều và Ngô Hữu dịch, nxb Trẻ 2006, tr. 27.

[2] Sđd. Tr.51.

[3] sđd. Tr. 25.

[4] Tất cả đều được trích từ CNTSTT, tập 2, Tu thư Vạn Hạnh 1979.

[5] Đại cương triết học Trung quốc, tập 1, NXB Thanh Niên, 2004.

[6] Sđd. Tr. 249.

[7] 106 nhà thông thái, Đỗ Minh Hợp dịch, NXB chính trị quốc gia 2000.

[8] Sđd.

[9] Lịch sử văn minh Ấn độ của Will Durant, Nguyễn Hiến Lê dịch.

[10] Minh Châu Hương Hải toàn tập, tác giả Lê Mạnh Thát, NXB TP HCM năm 2000.

[11] Tuyển tập Nguyễn Hiến Lê (Tập 2) NXB văn học TP HCM 2005.

[12] Sđd.

[13] Sđd.

 

(Trích TSNC Phật Học số 6)

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay