Sương gió xa miền
Lam Khê
Sân bay quốc tế… một buổi sáng đầu xuân tấp nập dòng người đưa đón.
Hòa trong những tiếng cười nói hồn nhiên vui nhộn, người ta thoáng thấy đâu đó vài ánh mắt đượm buồn. Những giọt lệ tủi mừng cho ngày sum họp, nghe cay cay chút sương khói bên đời mộng ảo.
Minh Hóa vận bộ đồ vét trông lịch lãm ra dáng một nhà tri thức miệt vườn. Ông ngồi bất động với ánh mắt toát lên vẻ đăm chiêu chờ đợi. Dòng người đến từ các nơi trên thế giới, đủ mọi thành phần, quốc tịch. Nhiều người từng trải qua mỗi chuyến đi. Lại có không ít kẻ ngơ ngác như chú nai tơ lần đầu tiên lạc bước đến xứ sở thần tiên kỳ diễm. Mọi người có vẻ mệt mỏi sau chuyến bay dài, nhưng luôn nở nụ cười tươi trước cảnh sắc ngày xuân ấm áp thân tình.
Người đàn ông ngước nhìn đồng hồ. Đã hơn tám giờ. Chuyến bay mà ông chờ đợi trôi qua gần một tiếng. Tuy ngồi yên mà lòng ông cứ nôn nao bởi cảm giác hồi hộp tăng lên từng giây phút. Vài lần ông tự hỏi, có nên gặp lại không với một người đã xa cách ngần ấy năm. Chắc sẽ có nhiều khoảng cách mà bản thân mỗi người không thể nào thích ứng được. Gặp lại để rồi cùng thất vọng về nhau thì thà không gặp. Và thật tình ông cũng không hề nghĩ có ngày mình được hội ngộ với người xưa…
Mắt Minh Hóa chợt sáng lên. Ông đã nhìn thấy tà áo nâu lẫn trong đám người đông đúc từ phía sân ga đi ra. Nhận dạng một vị tu sĩ thật quá dễ dàng. Có điều... ký ức ông chỉ lưu giữ hình dáng một chú tiểu có màu da cháy nám, có vầng trán cao cùng đôi mắt sáng ngời cương nghị. Còn bây giờ thì… vị thầy kia đang giơ cao tấm bảng nhỏ với hàng chữ: “Tu sĩ Thích Minh Lưu”. Đúng rồi. Người đàn ông kêu to lên, mắt nhòa lệ:
– Minh Lưu... Thầy Minh Lưu...
Nghe tiếng gọi vị thầy vội đứng lại, tách khỏi dòng người. Nhưng thầy chưa nhận ra ai đã gọi mình. Bỡ ngỡ xa lạ, thầy đứng lặng giây phút để cố hình dung ra vài cảnh vật như quen như lạ thoáng qua trong tầm mắt…
Người đàn ông bước nhanh đến bên thầy, giọng ngập ngừng:
– Thầy là Tiểu Lưu? Còn tôi là Trí… là Tiểu Hóa của bốn mươi năm về trước đây. Nếu không nhắn tin chắc chúng ta thật khó mà nhận ra nhau được. Thầy cao lớn và khác xưa nhiều quá… Dù cuộc sống cách xa đến nửa quả địa cầu, thầy vẫn mang theo mình màu áo nâu sồng muôn thuở…
Người đàn ông chợt im bặt. Ông có vẻ ngượng vì thấy mình nói hơi nhiều. Vị thầy qua vài giây ngỡ ngàng ngắm nhìn bạn cũ, cũng reo lên:
– Ôi! Tiểu Hóa. Ơ… anh Trí đây sao? Thật không ngờ chúng ta còn có ngày gặp lại... Anh cũng đã thay đổi nhiều.
Cuộc sống trong không gian muôn chiều luôn rộn ràng hối hả. Duy chỉ có thời gian lúc này đang được kéo lùi lại cho cuộc tương phùng thêm nhiều xúc động. Hai người đàn ông một tăng một tục ôm choàng lấy nhau trong ngấn lệ. Mái tóc nhuốm màu sương bạc như ngầm nói lên bao ẩn khuất một đời người xuôi ngược trong cảnh bể dâu.
***
Một buổi chiều sau ngày gặp lại… hai người bạn cùng đi dạo trên ngọn đồi cỏ non xanh mướt. Vị tu sĩ đơn giản trong tà áo nhật bình nâu bạc. Người đàn ông tên Trí thì vận đồ vạt ngắn màu lam với phong cách thật u thái thanh nhàn. Bên những lùm cây, thấp thoáng vài gian nhà gỗ thông nổi bật lên trong sắc nắng. Những ngôi tịnh thất nằm rải rác trên đồi có hàng chè tàu phân cách các lối ra vào làm cho khung cảnh đậm chất thiền vị… Trong chốn mây ngàn, có cả dòng suối từ niềm ký ức xuyên chảy qua từng ngõ ngách riêng tư… Cảnh trí hẳn đã tác động đến lòng người, nên câu chuyện của họ cứ miên man theo cảnh chiều tà êm ả.
– Phải bốn mươi năm dong ruổi đường trần, chúng ta mới gặp lại nhau khi tóc đã ngã màu sương khói. Thời gian tạo nên nỗi xa cách lòng người. Thời gian cũng giúp mình thấm hiểu sự đời mong manh như gió thoảng. Bây giờ… đạo đời khác biệt. Bao năm biệt xứ, huynh vẫn giữ trọn màu áo đạo thanh cao, còn tôi thì…
Vị tu sĩ ngắt lời:
– Anh đang nghĩ gì vậy? Chúng ta chẳng phải là đang chung hướng tìm cầu giải thoát đó sao. Bốn mươi năm trôi qua thoáng chốc, nhưng chúng ta đã vượt qua bao chặng đường tân toan khổ ải mới đi được đến ngày hôm nay. Điều đáng nói là chúng ta không đánh mất mình trong ngần ấy thời gian phiêu bạt. Đoạn đường dài với biết bao lối rẽ. Những gì anh đang sống và trải nghiệm cũng đầy ắp lý tưởng làm. Trong màu áo người cư sĩ tại gia, anh cũng đã làm được nhiều việc lợi ích cho đạo pháp nhân sinh… Thầy chúng ta thường nói, con đường tu niệm thì có muôn ngã mà…
Giọng người đàn ông vẫn tha thiết như để tỏ bày:
– Trái đất quả đã xoay vần. Sự đời ngỡ như chiêm bao mà lại hiện thực. Trải qua bao cơn biến động, cuối cùng chúng ta cũng gặp lại nhau, vẫn lưu giữ cho nhau một chữ tình. Và hơn thế nữa, một thứ tình đạo thiêng liêng cao quý vô ngần…
– Mỗi năm qua đi nơi đất khách, tôi lại nuôi dưỡng cho mình một tình yêu quê hương thắm thiết, một nơi gắn bó suốt quãng đời tuổi thơ... Còn anh dù hình thức có thay đổi, nhưng tâm tư cùng nguyện ước có khác gì xưa. Điển hình là anh còn giữ lấy cái tên Minh Hóa từ thuở mới vào chùa. Anh cũng đang sống một đời cư sĩ tiêu dao trong cảnh núi đồi tĩnh lặng.
– Quả thật thì… có khi dựa kề bên cái chết, mình mới thấy được giá trị của sự sống. Hơn nửa đời hư trong cảnh mộng, mới tha thiết tìm về sống với cội nguồn sâu thẳm tâm linh. Dứt bỏ hết để lòng nhẹ khuây thanh thản. Đó cũng là cách để tôi được trở về.
***
Nhà chỉ cách một bờ rào dâm bụt, hai đứa trẻ qua lại chơi chung từ ngày mới chập chững biết đi. Những người cha trong gia đình đều tử trận, khiến chúng lâm vào cảnh cùng quẩn của đời cô nhi, lại bấp bênh trong thời buổi chiến tranh loạn lạc. Chú bé Nhân đã sớm thấu nỗi cơ cực bần hàn khi tuổi còn rất nhỏ. Trí hơn Nhân một tuổi, chẳng được học hành gì, nên hai chú bé chỉ biết quanh quẩn chơi đùa trong xóm. Nhưng rồi định mệnh lại một lần nữa giáng xuống gia đình của những đứa trẻ bất hạnh. Một buổi chiều, Trí rủ Nhân ra đồng thả diều. Hai đứa vô tư chơi trong cảnh trời chiều lộng gió. Mặt đất thanh bình bỗng đâu nổi lên những tiếng chan chát xé trời của bom đạn, tiếng gầm rú dữ dội của máy bay, đạn cối. Tiếng la ơi ới từ nơi xóm làng ngùn ngụt lửa khói. Đạn pháo nghe rất gần. Chúng hoảng sợ chạy về nhà. Dọc đường nghe có tiếng ai đó gào to:
– Nhà chúng mày bị đạn pháo trúng rồi.
Những gì sau đó ắt hẳn là tang thương lắm. Bởi người ta không cho chúng đến gần. Nhà cửa đổ nát tang hoang. Hai người mẹ, anh chị của Trí và đứa em gái của Nhân cũng không còn. Cảnh chết chóc xảy ra khắp nơi, nên hàng xóm tẩn liệm rồi chôn cất vội vàng. Ngày đưa đám, chúng chỉ biết khóc gào thét gọi mẹ đến khản cả giọng. Rồi người ta đưa chúng vào viện mồ côi như bao đứa con không cha không mẹ. Cho đến bây giờ, cả hai cũng không nhớ cuộc sống và cả cái tên của làng cô nhi ấy. Bởi họ chỉ lưu trú một thời gian…
Một buổi sáng dì phước vào phòng bảo Nhân và Trí ra có người nhà đến thăm. Không thắc mắc dò hỏi, hai chú bé lẳng lặng đi ra, vì chúng biết mình chẳng còn ai thân thích. Chỉ đến khi nhìn thấy vị sư, cả hai đều ngỡ ngàng. Sư trụ trì ngôi chùa trong xóm. Ba của hai đứa đều được thờ trên chùa. Ngày giỗ ba, Nhân theo mẹ lên chùa cúng lễ tụng kinh. Chùa Sư có nuôi nhiều chú tiểu mồ côi. Nhân rất thích chơi với mấy chú, thích nhất là nhìn Sư vận áo hậu vàng khi lên tụng kinh thuyết pháp. Thấy thằng bé cứ nhìn mình chằm chằm, Sư ngoắt lại hỏi:
– Sau này lớn lên con sẽ làm gì để nuôi mẹ, nuôi em?
Nhân nhanh nhẩu trả lời:
– Con sẽ làm Hòa thượng.
Sư phá lên cười. Mấy người khách đứng gần đó cũng bật cười theo làm Nhân bẽn lẽn nép vào người mẹ. Song vị Sư đã gật đầu nghiêm nghị:
– À! Được lắm. Làm Hòa thượng thì tốt rồi. Chỉ sợ lớn lên rồi con quên mất thôi.
Nhân sẽ không quên. Chú bé tự nhủ như vậy. Có điều… muốn làm Hòa thượng thì phải như thế nào, thật tình chú cũng không biết được.
Bây giờ Sư đang ngồi nhìn hai đứa trẻ mồ côi với ánh mắt chứa chan tình thương cảm xót xa. Bao tang tóc dồn dập gần như xóa hết cả nét thơ ngây bé bỏng. Kéo chúng vào lòng, Sư cất tiếng nói, giọng thiết tha buồn lặng:
– Sư tới thăm và mang cho các con ít quà. Hỏi mãi mới tìm được nơi này. Mấy tháng trước Sư bận đi xa nên không hay biết gia đình các con lại gặp cảnh đau thương đến vậy. Thật tội nghiệp quá. Tuổi thơ đã làm nên tội tình gì mà chịu côi cút như vậy…
Sư nghẹn lời không nói thêm gì được. Thời buổi loạn lạc, những thảm cảnh như thế này Người từng chứng kiến. Nhưng với hai chú nhỏ này, lòng Sư cứ quặn thắt trĩu nặng...
Nghe Sư nói, thằng Trí òa khóc nức nở. Nhân chỉ đứng yên lặng, mắt ráo hoảnh. Chẳng phải nó nhỏ hơn nên chưa cảm nhận được nỗi đau mất mát này. Nó cũng đã khóc bao đêm rồi. Cả trong giấc ngủ nó chỉ mơ được gặp lại ba mẹ, gặp lại đứa em gái bé nhỏ của mình. Nhưng mơ vẫn chỉ là mơ. Nhân hiểu là mình sẽ không bao giờ còn gặp lại những người thân yêu trên cõi đời này nữa. Bây giờ được gặp Sư là người quen ở quê nhà, Nhân xúc động quá. Chú bé cứ mân mê, nắm lấy tà áo nâu dính đầy bùn đất của Người.
Thầy xoa đầu Nhân hỏi:
– Các con sống ở đây có tốt không?
Rồi Người lắc đầu khẽ thở dài.
– Chắc là buồn lắm. Những đứa trẻ vào đây, dần dần cũng phải thích ứng với hoàn cảnh mới, biết làm sao hơn được…
Sư im lặng suy nghĩ một lúc rồi chợt nói nhanh:
– Mà này… hay là các con theo Sư về chùa. Thầy trò mình nương tựa sống đạm bạc cơm rau với nhau. Sư sẽ lo các con ăn học đến ngày khôn lớn. Sau này tùy các con lựa chọn cuộc sống. Không nhất thiết ở chùa là phải xuất gia cạo tóc. (
Cuộc đời hai đứa bé lại trải qua một bước ngoặt mới. Cuộc sống ở chùa giúp chúng lấy lại sự hồn nhiên trong sáng cùng nhiều niềm tin yêu của tuổi thơ.
Sư thường nói: “Cũng từng là con mồ côi nên thầy hiểu và thương chúng điệu như con. Ước nguyện của thầy là mong các con khi khôn lớn trưởng thành, làm một con người tốt trong xã hội. Dù không phải tình thân ruột thịt, nhưng đạo tình huynh đệ các con hãy cố giữ, cùng thương yêu đùm bọc nhau trên bước đường đời. Nếu đủ duyên đi trọn con đường đạo, các con cũng nương theo hạnh nguyện bi trí dũng của chư Tổ Đức, làm một cội Bồ-đề che mát cho nhân sinh đang chìm đắm trong cảnh binh đao khổ hoạn...”
Sống trong tình thương bao dung đầy đạo vị của Sư, hai chú bé nhanh chóng hòa nhập, không còn mang mặc cảm côi cút. Mấy chú tiểu đều được đi học, Nhân và Trí cũng cắp sách đến trường, hằng ngày cùng chúng bạn đùa giỡn vui chơi... Chỉ trong vài năm hai chú thuộc làu hết các bài kinh nhật tụng. Và rồi Sư phụ cho hai chú bé xuất gia. Người đặt pháp danh cho chú bé Nhân là Minh Lưu, còn Trí là Minh Hóa. Cuộc đời hành điệu những tưởng đâu sẽ mãi yên vui trong nếp chùa quê yên vắng.
Mấy năm sau, chiến sự lan tràn khắp các vùng thôn dã. Miền quê yên bình thoáng chốc trở thành bãi chiến trường máu lửa, mặc tình cho bom đạn cày xới. Ruộng vườn nhà cửa tan hoang, lòng người cũng tan tác trước bao thảm cảnh mất mát đau thương, mạng sống như ngàn cân treo đầu sợi chỉ. Ngôi chùa cổ của thầy trò Minh Lưu cũng bị san bằng. Trước đó ít ngày, thầy trò đã dắt díu nhau tản cư lên phố. Trôi theo dòng người tỵ nạn, Minh Lưu bị thất lạc.
Dòng suy tưởng đang lùi về quá khứ, bỗng Minh Hóa lên tiếng:
– Huynh bị thất lạc, thầy lo lắng tìm kiếm đến phờ phạc cả người. Mấy chú tiểu ai cũng buồn héo hắt. Thầy rất thương huynh, lo cho huynh còn hơn cả sinh mạng mình. Còn tôi mấy hôm đó cứ khóc suốt, bởi ngoài huynh ra có còn ai thân tình cật ruột đâu…
Thầy Minh Lưu yên lặng trầm ngâm. Chuyện đời trôi qua từ lâu. Thước phim cũ đã xóa nhòa chợt đâu lại được chắp nối quay về. Một thời tuổi thơ loạn lạc. Một thời mà người ta đôi khi xem sự sống chết nhẹ tợ lông hồng. Đứng giữa lằn ranh đó, tâm trí con người cũng trở nên cao cả, mạnh mẽ. Chơi vơi trong cảnh thất lạc thầy bạn, Tiểu Lưu chẳng còn biết sợ gì đến tên bay đạn lạc. Chú chạy khắp nơi, xơ xác như cánh chim non gặp trời dông bão, lòng chỉ đau đáu lo Sư phụ cùng các huynh đệ bị nạn. Nước mắt những ngày ấy trôi lấp hết mọi ngã đường phía trước. Đôi chân như được mọc thêm đôi cánh thiên thần giúp chú băng qua hết những hố bom sâu hoắm. Chú đã chạy vật vờ hết ngày sang đêm trên những ngôi nhà cao đổ ập còn ngổn ngang khói lửa và nồng nặc mùi tử khí thê lương.
– Khi thất lạc, tôi quờ quạng chạy đi tìm kiếm hỏi thăm, nhưng chẳng gặp một ai quen biết. Lo lắng, sợ hãi, đói lả. Nghĩ đến Sư phụ cùng mấy huynh đệ không còn, tôi chỉ biết khóc ròng. May sao tôi gặp được một gia đình tử tế cho ăn uống rồi theo họ di tản. Lòng vẫn đinh ninh, khi bình yên sẽ trở về chùa. Ai ngờ lần ra đi ấy biền biệt đến hơn một phần ba thế kỷ. Khi người ta lên tàu vượt biển ra khơi, tôi cũng chỉ biết đi theo…
Thời gian bốn mươi năm được kéo dài đến vô tận. Sự thế vốn đã thăng trầm, khiến xui lòng người nơi cửa đạo cũng quay cuồng trong cảnh hỷ nộ ái ố một kiếp nhân sinh. Chuyện của ngày qua hay chuyện của tháng năm dài đi tới.
Hai người lại tiếp tục câu chuyện dang dở:
– Phải nhiều năm tôi mới biết tin tức ở quê nhà. Lúc hay tin thầy tịch, tôi đã khóc như ngày nào chạy loạn. Bây giờ trở về, lòng tôi vẫn còn ân hận vì mình mà thầy không thể an lòng cho đến giây phút cuối đời.
– Chuyện tang thương dâu bể trong thời loạn lạc cũng đâu thể trách ai được. Nay huynh trở về, vẫn nguyên vẹn trong màu áo đạo, cùng một tâm tư rộng mở thông thoáng của người luôn ghi nhớ cội nguồn. Nơi cõi tịnh lạc xa xôi, chắc thầy cũng mãn nguyện yên lòng. Cùng mang một kiếp tằm nhả tơ. Những sợi tơ của huynh nối liền bao ý đạo tình người, trải cùng nhân sinh bốn bể.
– Trải qua không ít lần đối diện với cái chết, nhiều khi cũng suýt sa ngã vì nỗi bức bách cám dỗ của cuộc sống. Nhưng tôi luôn vững vàng vượt qua. Chắc huynh còn nhớ, khi chúng ta xuất gia thầy nhắc câu nói của tôi trước kia và bảo: “Bây giờ con đã là một tiểu Hòa thượng rồi đấy. Phải đi hết con đường mà mình đã chọn. Ráng giữ mình tu niệm cho đến ngày thành tựu sở nguyện. Có như thế mới trả được ân đức bao người cưu mang dạy dỗ, mới cứu độ cho cha mẹ cửu huyền cùng chúng sanh khắp cõi.” Câu nói ấy trở thành điều tâm nguyện của tôi trong suốt quãng đời hành đạo xứ người.
– Sau ngày hòa bình, thầy cùng huynh đệ trở về lo tu sửa lại ngôi chùa.
Minh Hóa tiếp lời:
– Cuộc sống cứ thế bình lặng trôi qua. Nhưng từ đó, tôi nhận thấy thầy mình hay nghĩ ngợi ưu tư. Thầy thường nói: “Hằng đêm thầy vẫn cầu nguyện Quán Âm Bồ-tát gia hộ cho Tiểu Lưu”. Thầy luôn nghĩ tới huynh, người đệ tử mà người rất mực thương yêu kỳ vọng. Về sau có người Phật tử ở xa cho thầy hay là huynh còn tu và hiện ở nước ngoài. Nhưng vì lúc đó cảnh chùa quê chẳng thể nào liên lạc hỏi thăm gì thêm được. Mấy năm sau thầy lâm bệnh. Cho đến lúc gần mạng chung, Người vẫn bảo có ngày Tiểu Lưu sẽ quay về.
Một cơn gió lốc thổi qua cuốn tung bụi mù. Vị cư sĩ đưa tay dụi mắt. Hai người vẫn đi trong cát bụi, dưới tán những cây bằng lăng cao lớn. Trong tiếng lay động của gió ngàn, có cả tiếng chim nhạn tha phương gọi bầy nơi xa khuất.
– Ngày xưa vì tôi không mang ước vọng làm Hòa thượng nên dù có chuyên tu mộ đạo cũng khó giữ được lòng mình. Chẳng phải vì hoàn cảnh. Cũng chẳng do một ai khác tạo nên, mà chính bởi tâm mình còn vọng cảnh phan duyên nên mới tạo tác sanh tình. Bao năm tháng đi qua rồi, khi đã nếm đủ dư vị cuộc đời, tôi mới thấm hết cảnh hồng trần vướng lụy đa đoan. Ước nguyện xưa lại nhen nhúm hiện về, như tia sáng vút qua, tôi chợt nhận ra vẫn còn đó một con đường phía trước…
Vị tu sĩ cười. Ánh mắt thân tình làm dịu hẳn cái nắng chiều gay gắt:
– Chúng ta đã ly biệt nhau lâu như thế, làm sao tránh được những khoảng cách khi đối diện. Nhưng rồi chúng ta cũng tìm lại được sự cởi mở thân tình từng có xưa kia. Hai chúng ta đều mang tâm trạng của kẻ lạc bước trở về. Tôi rong ruổi nơi miền sương gió xa xôi, còn anh thì mãi xuôi ngược chốn này. Chúng ta đã bỏ xa ngôi chùa cùng nhiều ký ức đẹp của một thời. Khi tôi trở lại quê hương thì anh cũng buông bỏ tất cả những mối dây ràng buộc bấy lâu. Bao năm an vui tự tại sống đời cư sĩ, anh không chỉ nỗ lực tu cho mình, mà còn làm bao điều lợi ích cho đời cho đạo. Không là Hòa thượng, nhưng hạt giống Phật trong tâm anh vẫn ngời sáng.
– Minh Lưu… À… Thầy lại quá lời rồi. Tôi chỉ cố gắng sống trọn ý nghĩa làm người trong quãng đời còn lại. Ngày xưa tôi chẳng mấy chú tâm về chuyện học đạo. Đến quá nửa đời người lại đi tìm cầu sự học. Học để hiểu, để tu. Tôi từng tham học nhiều vị thầy. Bây giờ lại ước muốn được học với thầy Minh Lưu. Một giảng sư có tiếng từ các Phật học viện lớn nơi xứ người.
Thầy Minh Lưu quay nhìn người bạn vong niên, khẽ mỉm nụ cười ý nhị:
– Khi trở về đây tôi không còn mang danh nghĩa là giảng sư nữa. Tất cả công việc Phật học viện bên ấy tôi cũng bàn giao lại cho một vị thầy khác trông nom. Nay mai chúng ta sẽ cùng về quê đảnh lễ bảo tháp Sư phụ, rồi trở lại đây. Tôi sẽ lập một am thất bên sườn đồi tu niệm. Chúng ta yên tu mà không xa lánh cuộc đời. Như kinh Phật nói: “Khi củi hết thì lửa tắt.” Những gì cần làm cho cuộc đời, ta đã làm xong. Những gì chưa làm thì cứ đợi duyên đưa đến. Dù có làm muôn việc, thì cuối cùng chúng ta cũng trở về với tâm thức đốn ngộ uyên nguyên nơi tự tánh. Đích cuối cùng là hướng đến con đường giải thoát an vui cho tất cả muôn loài.
Khi hai người về tới ngôi tịnh thất thì nắng chiều đã tắt. Trong ánh sáng chập choạng, một mảnh trăng non vừa le lói phía chân trời. Thầy Minh Lưu ngồi xuống bên tảng đá ý như chờ trăng lên. Vầng trăng qua bao tháng ngày vẫn sáng đẹp lạ thường. Hơn nửa đời hư thật, sương gió xa miền vẫn không xóa nhòa được niềm ước vọng trở về. Đêm về cho vũ trụ ngủ yên. Rồi ngày mai vạn vật lại ươm mầm tỏa sáng.
|