Thế giới Tịnh độ và đại nguyện của Phật A Di Đà
Thích Thái Hòa
Cập nhật: 15:46:36 05/10/2010

Thế giới Tịnh độ và đại nguyện của Phật A Di Đà

 

                                                Thích Thái Hòa   

                                                                        

Trước khi đảnh lễ các đại nguyện của đức Phật A Di Đà, ta phải kính lễ đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vị bổn sư ở nơi thế giới mà chúng ta đang cư trú. Tại sao? Vì do Ngài dạy dỗ, hướng dẫn mà ta biết được thế nào là thiện phải làm, thế nào là ác phải tránh, thế nào là an tịnh thân tâm và nhất là biết được thế giới Tịnh độ và đại nguyện của Phật A Di Đà, để tin tưởng, hướng vọng và tu tập. Những công đức ấy, những hiểu biết ấy, nhờ có đức Phật Thích Ca dạy dỗ mà ta có được, nên ta phải hết lòng nghĩ về Ngài và kính lễ Ngài, trước khi ta làm bất cứ thiện sự nào.

 

Thi kệ đảnh lễ đức Phật Thích Ca:

 

Con đem tâm kính lễ

Đến đức Phật Thích Ca

Vị Bổn sư vĩ đại

Dạy con Phật Di Đà!

 

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là vị Thầy giác ngộ, có hạnh nguyện giáo hóa chúng sanh nơi cõi Ta bà nầy. Ngài không phải chỉ có mặt với thế giới Ta bà nầy hơn hai mươi sáu thế kỷ, mà đã có nhân duyên giáo hóa chúng sanh ở nơi thế giới nầy từ lâu đời, dưới nhiều hình thức khác nhau. Khi thì Ngài hiện thân như một vị Quốc vương, một vị Hoàng tử, một vị Trưởng giả, một vị Tể tướng, một vị giáo sĩ Bà la môn, hay một vị Chuyển luân thánh vương; hoặc có khi Ngài hiện thân như một vị Tỷ kheo giới hạnh thanh tịnh hay một vị Bồ tát có đầy đủ tâm đại từ và đại bi để giáo hóa chúng sanh. Nghĩa là Ngài đã từng có mặt ở nơi thế giới Ta bà nầy dưới nhiều hình thức khác nhau. Và cách đây hai mươi sáu thế kỷ, Ngài xuất hiện giữa thế giới nầy, với tư cách của một vị Bồ tát “Nhất sanh bổ xứ”. Nghĩa là vị Bồ tát còn một đời nữa được bổ xứ làm Phật.

 

Đức Phật Thích Ca xuất hiện nơi cõi đời nầy với hạnh nguyện của một vị Bồ tát “Nhất sanh bổ xứ” và đã thành Phật ngay giữa cuộc đời nầy. Chúng sanh nơi thế giới nầy, gọi Ngài là đức Phật lịch sử và những ai được trực tiếp hay gián tiếp được Ngài giáo hóa, đều gọi Ngài là vị Bổn sư, tức là vị Thầy căn bản hướng dẫn đời sống giải thoát, giác ngộ cho chúng sanh ở nơi thế giới Ta bà nầy.

Không có đức Phật Thích Ca ra đời, giáo hóa chúng sanh nơi cõi nầy, thì không ai dạy dỗ hướng dẫn cho ta thấy được tám yếu tố của Thánh đạo, thấy được sự thật của Khổ, Tập, Diệt, Đạo, thấy được các pháp duyên khởi là vô thường, vô ngã, không có tự tánh; không ai chỉ cho ta con đường ra khỏi sinh tử nghiệp báo luân hồi, đi tới Niết bàn tịch tịnh. Không ai chỉ cho ta biết, hiếu kính là đạo đức căn bản của con người; Không có đức Phật Thích Ca, thì không có ai chỉ cho ta thấy rằng, chính ta có Phật tính và hết thảy chúng sanh cũng đều như vậy và cũng đều có khả năng thành Phật như Ngài; Không có đức Phật Thích Ca, thì không ai chỉ cho ta biết rằng, tâm bồ đề là tâm của Phật, phát khởi tâm bồ đề là phát khởi tâm Phật để thành tựu chúng sanh trang nghiêm cõi nước Tịnh độ của chư Phật; Không có đức Phật Thích Ca, không ai chỉ cho ta biết đến chư Phật mười phương và Tịnh độ của các Ngài; Không có đức Phật Thích Ca, thì không có ai chỉ cho ta, con đường của hàng Thanh văn và Bồ tát nhiếp phục vọng tâm để đi tới Phật quả.

 

Vì vậy, đức Phật Thích Ca là vị Bổn sư vĩ đại của tất cả chúng ta, dù là ta đang tu tập bất cứ pháp môn nào mang danh Phật giáo.

 

Do đó, trước khi thực hành các pháp Thiền, Tịnh, Mật, Giáo quán hay Luật học,... ta đều phải đem hết thân tâm mà kính lễ bậc Thầy căn bản và vĩ đại của chúng ta, tại sao? Vì Ngài là vị Thầy của hết thảy các pháp môn. Hết thảy các pháp môn đều nương tựa từ nơi Ngài và cũng từ nơi Ngài mà thành tựu.

 

Cũng vậy, pháp môn Tịnh độ do Ngài hướng dẫn, hạnh nguyện và cảnh giới Tịnh độ phương Tây của Phật A Di Đà cũng do Ngài chỉ dạy.

 

Đại nguyện thứ nhất:   Cõi nước không có các đường xấu ác

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Các khổ trong lục đạo

Con nguyền được lìa xa.

 

Khổ căn bản ở trong lục đạo là khổ sanh tử. Lục đạo là sáu con đường luân hồi của chúng sanh. Sáu con đường ấy gồm: Thiên đạo là con đường dẫn đến cõi trời, được dẫn sinh từ  nơi những thiện nghiệp bố thí, cúng dường, phóng sanh,... mang đầy ngã tính. Nhân đạo là con đường dẫn đến cõi người, được dẫn sinh từ nghiệp không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo và không uống rượu hay sử dụng những chất làm tê liệt ý thức. A tu la đạo là con đường dẫn đến cõi của các loài quỷ thần, được dẫn sinh từ nghiệp tranh chấp đúng sai, hơn thua, kiêu mạn,... Súc sanh đạo là con đường dẫn đến cõi súc sanh, được dẫn sinh từ  nghiệp si mê, cố chấp, mù quáng và tà kiến,... Ngạ quỷ đạo là con đường dẫn đến cõi của loài ngạ quỷ, được dẫn sinh từ nghiệp tham lam, bỏn sẻn, keo kiết, ty tiện,... Địa ngục đạo là con đường dẫn đến địa ngục, được dẫn sinh từ  nghiệp giết cha, giết mẹ, tàn hại người hiền lương, cản trở những việc tốt đẹp của người, không tin nhân quả, chuyên tâm làm ác hại người tổn vật,...

 

Đệ tử Phật dù tu học bất cứ pháp môn nào, cũng nhắm tới đời sống xa lìa sinh tử, thoát ly luân hồi. Được phước báo sinh lên các cõi trời, nhưng vẫn còn nằm trong nhân quả của sinh tử, nên hết phước báo, thì rơi xuống lại làm đời sống của những loài thấp kém. Vì vậy, đệ tử của Phật tu tập là để xa lìa được luân hồi ở trong lục đạo chúng sanh mà nhất là không còn để đọa vào ba nẻo đường xấu ác là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.

 

Đại nguyện thứ nhất của Phật A Di Đà, khi còn tu nhân, Ngài nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, trong cõi nước tôi không có ba nẻo đường xấu ác là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh”.

 

 Vì vậy, đệ tử Phật tu học là để diệt khổ bằng cách diệt trừ nguyên nhân của khổ vậy. Ba nẻo đường xấu ác là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh chỉ là những thành quả do ba nghiệp nhân gồm thân, ngữ, ý liên hệ và bị tác động bởi ba loại căn bản phiền não gồm Tham, sân và si, mà tạo ra ba nẻo đường xấu ác ấy.

 

Nên, khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà đã quán chiếu thấy rõ, tính liên hệ nhân quả của ba nẻo đường xấu ác, khiến Ngài phát khởi lên đại nguyện nầy.

 

Đại nguyện nầy còn gọi là Quốc vô ác đạo nguyện, Tự quốc vô khổ nguyện, Vĩnh tuyệt tam đồ nguyện, Linh quốc vô ác thú nguyện, Vô khổ khổ nguyện, Quốc độ nghiêm tịnh vô chư ác thú nguyện,...

 

Do đó, ta lạy đức Phật A Di Đà mỗi ngày là mỗi ngày, ta có cơ hội tiếp xúc với những hạt giống tạo thành những nẻo đường xấu ác nơi tâm ta, giúp ta đình chỉ và chuyển hóa những hạt giống ấy, khiến chúng cùng với ta đi về những nẻo đường Tịnh độ cao quý.

 

Đại nguyện thứ hai: Không bị rơi lại trong các đường xấu ác

 

                        Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Nghiệp trói trong ác đạo

Con nguyền tự mở ra.

 

Ta tu học là để biết được con đường thoát ra từ nghiệp. Ái là phiền não liên hệ nghiệp. Chấp thủ là phiền não liên hệ nghiệp. Tạo tác theo khát ái và chấp thủ, khiến ta hiện hữu và trở thành sanh tử luân hồi. Nghiệp ấy dẫn ta vào ra trong sáu nẻo luân hồi, tới lui trong những con đường xấu ác khổ đau, xuống lên trong ba cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Dục giới là thế giới được tạo thành từ những tham dục của chúng sanh. Sắc giới là thế giới được tạo thành từ những ái kiến và chấp thủ kiến của chúng sanh. Vô sắc giới là thế giới hoạt khởi không có hình sắc, nhưng chúng lại được tạo thành từ tưởng ái và phi tưởng ái của chúng sanh.

 

Vì vậy, ta ngồi thiền là để cho những ái nghiệp ấy ở trong tâm ta lắng xuống, khiến cho tâm ta luôn ở trong trạng thái yên bình. Ta tụng kinh, niệm Phật, lạy Phật, trì tụng minh chú hay sám hối cũng vậy, cũng là một cách khác của thiền tập, khiến cho những phiền não và nghiệp chủng ấy lắng xuống trong tâm ta.

 

Mỗi khi tâm ta yên lắng, các phiền não không còn hoạt khởi, thì nghiệp xấu không còn biết dựa vào đâu để tư niệm, thẩm lự, quyết định và phát khởi. Hành động không bị nghiệp ràng buộc là hành động của con người có đời sống tự do và giải thoát.

 

Nên, đại nguyện thứ hai, đức Phật A Di Đà, khi còn tu nhân, Ngài nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chư thiên và nhân loại ở trong nước tôi, khi thân mạng kết thúc, không bị rơi vào ba nẻo đường xấu ác”.

 

Vì vậy, đại nguyện nầy còn gọi là Bất cánh ác thú nguyện, Bất cánh ác đạo nguyện, Mệnh chung bất hướng tha quốc thọ khổ nguyện,...

 

Do đó, mỗi ngày ta kính lễ đức Phật A Di Đà hay bất cứ đức Phật nào hoặc bất cứ vị Bồ tát nào mà ta có nhân duyên, là để học hỏi hạnh tự giải trừ ái nghiệp và xin các Ngài yểm trợ cho ta thực tập hạnh ấy, để vĩnh viễn không còn bị rơi vào các nẻo đường xấu ác.

 

Đại nguyện thứ ba: Được thân sắc màu vàng như màu vàng kim loại

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Khiến nghiệp con tự tịnh

Chân thân sắc như vàng.

 

Vàng là một thứ kim loại quý báu, không bị lửa đốt hại, không bị thời gian phai màu và có nhiều tác dụng cũng như những hữu ích lớn trong đời sống con người, vì sao? Vì các tạp chất và quặng đã được lọc ra khỏi vàng. Nên màu vàng nơi vàng chỉ còn lại tinh chất của nó và không bao giờ bị biến chất để trở thành màu của quặng hay tạp chất. Vàng được thế giới con người sử dụng để bảo chứng cho tiền tệ và màu sắc của nó là chân thật, sáng đẹp, không bị biến hoại.

 

Cũng vậy, sắc thân con người chỉ có giá trị và hữu ích, khi nào các nghiệp bất thiện đã được tinh lọc, và chỉ còn lại thuần là tịnh nghiệp. Tịnh nghiệp bảo chứng cho hạnh phúc và an lạc trong đời sống con người, chẳng khác nào màu vàng ròng của kim loại chiếu sáng và bảo chứng cho nội dung kim loại đã được tinh lọc không còn quặng và các tạp chất.

 

Tịnh nghiệp không những là nền tảng tạo thành chân thân bất hoại, ánh sáng rọi chiếu vô cùng, mà còn là nền tảng để tạo thành vương quốc tịnh độ của chư Phật nữa.

 

Do đó, đại nguyện thứ ba, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chư thiên và nhân loại ở trong nước tôi, đều được sắc thân chân thật giống như màu vàng tinh thuần nơi kim loại”. Nên, nguyện nầy còn gọi là Chân kim sắc thân nguyện, Sắc tề đẳng nguyện, Đắc thân lạc nguyện, Thân giai kim sắc nguyện, Thân chơn kim sắc nguyện,...

 

Vì vậy, ta kính lễ Phật A Di Đà mỗi ngày là để tinh lọc ác nghiệp mà thành tựu thân thể của tịnh nghiệp, nhằm tương ứng với thân thể  tịnh độ của chư Phật vậy.

 

Đại nguyện thứ tư: Hình và sắc tương đồng

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Xin nguyện cho muôn loại

Có thân đẹp tương đồng.

 

Thân thể của chúng sanh thấp cao, đen trắng, xấu đẹp không đồng nhau là do từ nơi nghiệp chủng thiện ác biểu hiện khác biệt của mỗi người và của mỗi loài.

 

Thân thể chúng sanh ở thế giới Ta bà do nghiệp thiện ác tạo thành, nên xấu đẹp không đồng nhau. Thân thể của hàng chư thiên và nhân loại ở thế giới Tịnh độ phương tây, do đại nguyện của Phật A Di Đà và do tín hạnh nguyện của hàng chư thiên, nhân loại ở thế giới ấy tạo thành, nên khiến thân thể nào của chư thiên và nhân loại ở thế giới ấy, cũng có hình sắc tương đồng phản ảnh nội dung của tín hạnh nguyện.

 

Do đó, đại nguyện thứ tư nầy, Phật A Di Đà, khi còn tu nhân nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chư thiên và nhân loại ở trong thế giới của tôi có hình và sắc tương đồng với nhau”. Nên, nguyện nầy còn gọi là Hình vô mỹ xú nguyện, Sắc tề đẳng nguyện, Đắc thân lạc nguyện, Hữu tình dung nhan đẳng vô sai biệt nguyện,...

 

Vậy, ta kính lễ Phật A Di Đà, để cầu nguyện cho muôn loài, loài nào cũng biết đem tâm chân thật tu hành, khiến cho tịnh nghiệp của họ mỗi ngày, mỗi trở nên sâu lắng, rộng lớn và vững chãi, để có khả năng chế tác ra cho họ, những thân thể xinh đẹp như muôn vạn loài hoa. Mỗi thân thể của chúng sanh đều là mỗi loài hoa và mỗi bông hoa là mỗi đất trời mênh mông xinh đẹp của tín, hạnh và nguyện.

 

Đại nguyện thứ năm:  Biết rõ sinh mệnh đời trước

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Xin nguyện cho muôn loại

Biết thân mạng đã qua.

 

Một trong những bất hạnh lớn nhất của ta là ta không biết được ta là ai trong hiện tại, trong quá khứ và ngay cả trong tương lai. Ta muốn biết thân thể quá khứ và tương lai của ta  như thế nào, thì ta hãy nhìn sâu vào hành động của ta trong hiện tại. Vì sao? Vì thân thể hiện tại của ta là kết quả từ hành động quá khứ của ta dẫn lại và thân thể của ta trong tương lai, nó có mặt ngay trong những hành động của ta hôm nay.

 

Vì vậy, ta muốn biết thân thể quá khứ của ta từ một đời, cho đến nhiều đời đã từng như thế nào, thì ta hãy nhìn sâu vào những chủng tử đang vận hành ở nơi tâm thức ta. Mỗi chủng tử nơi tâm thức ta đang vận hành và đang biểu hiện, đều mang theo trong nó những tính chất và ảnh tượng của thân thể và thế giới, mà ta đã từng sinh hoạt, nhiều đời và nhiều kiếp, trong quá khứ.

 

Biết được ta đã từng là gì trong quá khứ, thì mới có khả năng biết được rằng, ta sẽ là gì trong tương lai và  ta là ai trong từng khoảnh khắc của hiện tại.

 

Do đó, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày, để mỗi ngày ta có cơ hội tiếp xúc với những chủng tử đang vận hành nơi tâm thức ta, và qua nó, ta biết ta đã từng là gì trong quá khứ, để ta tiếp tục nuôi dưỡng những hạt giống tốt đẹp ấy, bằng những hành hoạt hiện tại và cũng ngay trong hiện tại nầy, ta lại có cơ hội cắt giảm, chế ngự và chuyển hóa những hạt giống không lành mạnh trong quá khứ, khiến chúng không còn có cơ hội tái hiện trong đời sống hiện tại và tương lai.

 

Biết được những nhược điểm của thân mạng quá khứ không phải để đau buồn, mặc cảm mà để chấp nhận và chuyển hóa. Biết được những ưu điểm của thân mạng trong quá khứ không phải để tự mãn hay kiêu hãnh mà để trân trọng, nuôi dưỡng và phát triển cho đến chỗ toàn hảo.

 

Vì vậy, khi tu nhân, Phật A Di Đà, đã nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chư thiên, nhân loại trong cõi nước của tôi, đều biết sinh mệnh đời trước của mình, ít nhất là phải trăm ngàn ức triệu kiếp”. Nên, đại nguyện nầy còn gọi là Túc mạng trí thông nguyện, Linh viễn thức túc nguyện, Túc mạng thông nguyện,...

 

Do đó, mỗi ngày kính lễ đức Phật A Di Đà, là có cơ hội để ta tiếp xúc với những gì ta đã có và đang có, nhằm nuôi dưỡng những gì tốt đẹp mà ta đã có và đang có, cũng như chuyển hóa những gì không lành mạnh mà ta đã có và đang có, đồng thời ta cầu nguyện cho muôn loài đều biết được thân mạng của chúng đã qua, để từ đó cuộc sống của chúng, có cơ sở để chế ngự, chuyển hóa và thăng hoa trong đời sống hiện tại và tương lai.

 

Đại nguyện thứ sáu: Có được thiên nhãn

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Xin nguyện cho muôn loại

Mắt nhìn suốt hằng sa.

 

Cái thấy của ta bị chướng ngại, khiến cho cái hiểu của ta đối với mọi người và muôn vật cũng bị chướng ngại theo. Cái thấy và cái hiểu chướng ngại, thì cái biết không thể thông triệt. Cái thấy và cái hiểu của ta không thông triệt, khiến cho những hành xử của ta đối với mọi người và muôn vật thường rơi vào những vụng dại, cực đoan, khuyết tật. Người tà ta lầm là chính, vật huyễn ta tưởng là chơn, lăng xăng bỏ hình bắt bóng, phí uổng phước báo làm người.

 

Do đó, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà, đã phát nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chư thiên, nhân loại ở trong nước tôi, đều được thiên nhãn, ít nhất là nhìn thấy trăm ngàn ức triệu cõi nước của chư Phật”. Nên, đại nguyện nầy còn gọi là Thiên nhãn trí thông nguyện, Linh thiên nhãn triệt thị nguyện, Đắc thiên nhãn lạc nguyện, Thiên nhãn chứng minh biến kiến chư phương nguyện,...

 

Vì vậy, ta lạy Phật A Di Đà, khiến tâm ta thanh tịnh, thần khí sáng trong, nhãn căn thanh tịnh, để nhìn thấy suốt thông tánh tướng, thể dụng, nhân duyên, nghiệp quả của muôn vật, không phải chỉ ở đây mà xuyên suốt mười phương; không phải chỉ có trước mắt, mà xuyên suốt ba đời và không phải chỉ một đối tượng mà xuyên suốt hằng sa muôn vật của muôn ngàn ức triệu cõi nước.

 

Do đó, mỗi ngày lạy Phật, ta không phải chỉ lạy cho ta, mà còn lạy Phật thay cho mọi người và muôn vật, mong cho ai cũng có cái tâm an tịnh, cái nhìn xuyên suốt, cái hiểu chánh chơn đối với hằng sa muôn vật, thấy rõ được tịnh độ tự tâm và tịnh độ chư Phật, tùy nguyện mà vãng sanh.

 

Đại nguyện thứ bảy: Có được thiên nhĩ

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Xin nguyện cho muôn loại

Tai nghe thấu thiên hà.

 

Cái nghe của ta bị chướng ngại, khiến cho cái hiểu của ta đối với muôn vật cũng bị chướng ngại theo. Cái hiểu chướng ngại, thì cái biết không thể nào minh triệt. Cái hiểu không minh triệt, thì sự  nói năng và hành xử của ta đối với mọi loài và muôn vật có nhiều lầm lỗi, thiếu sót.

 

Cái nghe của ta bị chướng ngại, nên ta không nghe được tự tánh nơi ta đã nói gì với ta mỗi ngày, và ta không nghe được tự tánh nơi muôn vật đã nói gì cho ta mỗi ngày; Cái nghe của ta bị chướng ngại, nên ta không nghe được tự tướng nơi ta và tự tướng nơi muôn vật đang nói gì với ta mỗi ngày. Tánh và tướng nơi ta và muôn vật mỗi ngày đều có nói cho ta, nhưng ta không nghe, vì tánh nghe nơi ta bị vô minh trùm phủ, bị ngã chấp bao vây và bị ngã tưởng đánh lừa, khiến cho ta bị đánh lừa bởi tà thanh, huyễn tướng, nên không nghe được chân ngữ, không thấu triệt tánh tướng, thể dụng, nhân duyên của mọi ngôn từ.

 

Do đó, khi tu nhân, Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chư thiên, nhân loại ở trong nước tôi, đều được thiên nhĩ, ít nhất là nghe và thọ trì được hết lời thuyết pháp của chư Phật trong trăm ngàn ức triệu cõi”. Nên, nguyện nầy còn gọi là Thiên nhĩ trí thông, Linh thiên nhĩ đồng thính nguyện, Đắc thiên nhĩ lạc nguyện, Thiên nhĩ viễn văn chư Phật pháp âm nguyện,...

 

Vì vậy, mỗi ngày ta lạy Phật không phải chỉ lạy cho ta mà lạy thế cho cả mọi loài và muôn vật, mong cho ai, cho loài nào cũng có khả năng nghe được tự tánh chân thật của chính nó, để không còn bị cái nghe lừa dối, mà chính ngay nơi cái nghe, lại có thể giác ngộ được giáo thể chân thật của tịnh độ chư Phật.

 

Đại nguyện thứ tám: Thấy được tâm người

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Xin nguyện cho muôn loại

Tâm thông hiểu tự tha.

 

Trong đời sống hàng ngày, ta chỉ biết cái bên ngoài của mình không chưa đủ, mà còn phải biết cái bên trong của mình nữa. Biết được cái bên trong của mình, chính là biết được cái tâm mình. Tâm là chủ nhân ông của thân. Tâm bận rộn, thì thân thể không thể nào thảnh thơi được; Tâm phiền não, thì thân thể không thể nào có an lành được; Tâm đau khổ, thì thân thể hao gầy và bệnh hoạn; Tâm an lạc, thì thân thể kiện khương, thần trí sáng suốt, thì ta mới hiểu được tâm người và đời sống của ta mới đi lên và lâu dài.

 

Ta không muốn ai làm ta đau khổ, thì người khác cũng vậy, họ không muốn ai làm cho họ khổ đau. Ta không muốn ta bị kẻ khác tàn hại, thì những kẻ khác họ cũng không muốn ai tàn hại họ; Ta không muốn ta bị mất tài sản, thì người khác, họ cũng không muốn tài sản của họ bị mất; Ta không muốn ai tước đoạt hạnh phúc riêng tư của ta, thì người khác cũng vậy, họ không muốn những hạnh phúc riêng tư của họ bị những kẻ khác tước đoạt; Ta không muốn ai nói dối với ta, thì người khác cũng vậy, chẳng có ai muốn những kẻ khác nói dối với mình; Và không một ai muốn người khác làm cho mình nghiện ngập, mất hết nhân cách và tài sản, thì những người khác cũng vậy, họ không muốn ai làm cho họ nghiện ngập, mất hết tài sản và nhân cách.

 

Ta có cái biết ấy, là ta có cái biết về tâm ta và tâm người. Ta có cái hiểu ấy, là ta có cái hiểu về tâm ta và tâm người. Lại nữa, tâm ta có những điều xấu, thì tâm người cũng vậy và tâm ta có những điều tốt, thì tâm người cũng vậy. Xấu và tốt đều có sẵn nơi tâm của mỗi chúng ta. Chỉ có khác nhau là vì người nầy có điều kiện để biểu hiện mà người kia chưa có đủ điều kiện để biểu hiện đó thôi. Khi ta biết được tâm mình và tâm người, thì ta rất dễ có tâm độ lượng và từ bi để tu tập.

 

Do đó, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà đã nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chư thiên, nhân loại ở trong nước tôi đều được tha tâm trí, ít nhất là biết được tâm niệm của chúng sanh trong trăm ngàn ức triệu cõi nước”.

 

Nên, đại nguyện nầy cũng còn gọi là Tha tâm trí thông nguyện, Minh giám tha tâm nguyện, Đắc tha tâm lạc nguyện, Tha tâm tất tri nguyện, Kiến tha tâm trí nguyện,...

 

Vì vậy, ta lạy Phật A Di Đà hay bất cứ đức Phật và Bồ tát nào mỗi ngày, là để cho ta có cơ hội nhìn lại tâm mình, nhằm hiểu được mình, và qua tâm của mình, mà hiểu được tâm của người.

 

Và mỗi khi tâm mình và tâm người đều thông, giúp cho ta biết rằng, cái xấu của tâm mình có thể tạo ra những ảnh hưởng xấu đến tâm của những người khác và tâm xấu của những người khác cũng có thể tạo ra những ảnh hưởng xấu đến tâm mình. Và cũng vậy, những cái tốt nơi tâm mình, có thể ảnh hưởng đến tâm của người khác, và những cái tốt nơi tâm của những người khác, cũng có thể ảnh hưởng đến tâm của mình, khiến cho những hạt giống tốt nơi tâm mình sinh khởi.

 

Vì vậy, ta lạy Phật A Di Đà, mỗi ngày để cho mọi cái xấu nơi tâm ta lắng xuống, chân tâm nơi tâm ta hiện bày, để cho nó có thể cộng thông và hội nhập chân tâm thanh tịnh của hết thảy muôn loài.

 

Đại nguyện thứ chín: Có được thần túc

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Xin nguyện cho muôn loại

Thân chơi muôn dặm xa.

 

Tâm ta bị chướng ngại, thì thần khí bị vẩn đục, lòng tham khởi lên, thân thể sà xuống, các nghiệp như sát hại, tà dâm, trộm cắp sinh khởi tự trói vào thân, nên ta mất thần lực.

 

Vì vậy, ta lạy Phật mỗi ngày, khiến cho thân nghiệp của ta nhờ đó mà lắng yên, ý nghiệp duyên theo mà thuần tịnh, các sóng thức tan biến, biển tâm vắng lặng, tánh giác hiển lộ hiện tiền. Nương vào tính ấy mà khởi hạnh nguyện từ bi, chỉ ngay trong một niệm hiện tiền, mà ứng thân có mặt cùng khắp cả mười phương vô biên thế giới, làm hết thảy thiện sự, trên thì cúng dường, phụng sự chư Phật, dưới thì làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh, mà không có bất cứ một sự chướng ngại nào.

 

Nên, ta đem tâm vô ngã và thanh tịnh mà lạy một Phật là có cả muôn vạn đức Phật cho ta lạy, ta đem tâm vô ngã và thanh tịnh, mà lạy một vị Bồ tát là có cả ức triệu Bồ tát hiện tiền cho ta lạy. Với tâm ấy, ta chỉ cần xướng danh hiệu của một vị Phật hay một vị Bồ tát để lạy là liền có muôn ngàn danh hiệu Phật và Bồ tát đang hiện tiền trong cái lạy của ta.

 

Do đó, lạy Phật với tâm thanh tịnh không còn nhân ngã, bỉ thử, thì ta lạy một Ngài là tất cả các Ngài đều có mặt cho ta lạy và ta lạy một thân, thì cả pháp giới thân cũng một lúc cùng với ta kính lễ. Cùng một lúc ta có mặt trong các Ngài và các Ngài cũng cùng có mặt trong ta. Cùng một lúc ta có mặt khắp vô lượng, vô số, vô biên quốc độ của chư Phật mười phương. Nên, cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà cách thế giới của ta mười vạn ức cõi Phật về hướng Tây, chẳng có gì là xa mà ta không đi tới được!

 

Vì vậy, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà, đã nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chư thiên, nhân loại ở trong nước tôi đều được thần túc, ít nhất trong khoảng một niệm, dạo khắp đến trăm ngàn ức triệu cõi Phật”.

 

Nên, đại nguyện nầy còn gọi Thần túc vô ngại, Thần cảnh trí thông, Linh thần tấn tốc nguyện, Thần túc thông nguyện,...

 

Do đó, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày, để tâm ta không bị phiền não làm chướng ngại, không bị ái nghiệp làm tán mất thần khí, khiến ta đạt được thần túc vô ngại, chỉ trong khoảnh khắc mà thân thể biến khắp mười phương.

 

Đại nguyện thứ mười: Không chấp thân thể

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Xin nguyện cho muôn loại

Bỏ buông tâm chấp ta.

Chấp ta là chấp các hình sắc nơi thân nầy là ta và là của ta; các cảm giác nơi thân tâm nầy là ta, và là của ta; các tri giác nơi thân tâm nầy là ta và là của ta; các tâm hành nơi thân tâm nầy là ta và là của ta; các nhận thức nơi thân tâm nầy là ta và là của ta. Chính những cái chấp thủ ấy, làm cho ta không có tự  do, làm cho ta thất vọng và khổ đau.

 

Nên, ta muốn có đời sống tự do, thì ta phải biết buông bỏ những chấp thủ đó. Ta muốn không bị thất vọng bởi đời sống, thì ta phải biết buông bỏ những chấp thủ đó và ta muốn vượt ra khỏi những khổ đau, thì ta phải biết buông bỏ những chấp thủ đó.

 

Đức Phật A Di Đà, khi còn tu nhân, Ngài nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chư thiên, nhân loại ở trong nước tôi, không khởi lên ý tưởng tham chấp thân thể”.

 

Vì vậy, đại nguyện nầy còn gọi là Vô hữu ngã tưởng nguyện, Lậu tận thông nguyện, Linh bất khởi lậu nhiễm nguyện, Vô tham trước nguyện, Bất tham kế thân nguyện, Bất khởi tưởng niệm tham ái thân nguyện, Đắc lậu tận lạc nguyện,...

 

Nên, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày là để ta có cơ hội thực tập hạnh buông bỏ mọi ý tưởng chấp thủ về ngã. Thực tập buông bỏ sự chấp thủ ngã là sự thực tập khó nhất. Tham, sân, si, kiêu mạn và nghi ngờ, có từ nơi tâm chấp ngã của ta. Ta buông bỏ tâm chấp ngã, thì tham, sân, si, kiêu mạn, nghi ngờ và các tùy phiền não nơi tâm ta đều bị rơi rụng tất cả.

 

Chấp ngã thì ta bị các âm thanh, huyễn tướng lừa phỉnh, dối gạt; buông bỏ tâm chấp ngã, thì những thứ đó hết cách lừa gạt được ta.

 

Vì vậy, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày, là ta cầu nguyện cho ta và cho muôn loài tu tập thấy rõ pháp tánh vốn không, để tất cả đều có khả năng bỏ buông tâm chấp nhân ngã.

 

Đại nguyện mười một: An trú thiền định đến chứng Niết bàn

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Xin nguyện cho muôn loại

An tâm chứng Niết bàn.

 

An tâm là tâm an trú vững chãi ở trong thiền định cho đến khi chứng nhập Niết bàn. Đây là nội dung lời nguyện thứ mười một của đức Phật A Di Đà, khi đang còn tu nhân Ngài nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chư thiên, nhân loại ở trong nước tôi, đều an trú ở trong thiền định cho đến khi chứng nhập Niết bàn”.

 

Niết bàn là trạng thái của tâm an tịnh. Tâm ấy không còn là nơi tập hợp và sinh khởi mọi thứ phiền não. Nên, đại nguyện nầy còn gọi là Trụ chính định tụ tất chí bồ đề nguyện, Chứng đại Niết bàn nguyện, Vô thượng Niết bàn nguyện,...

 

Vì vậy, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày, là ta làm cho lời nguyện ấy của Ngài, có mặt một cách thực tế và sống động, ngay ở trong đời sống hàng ngày của ta. Nghĩa là đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, làm việc, nói cười, thở vào, thở ra, co duổi thân thể..., tất cả mọi động thái ấy, ta đều phải thực tập chánh niệm để có định tâm và khiến giác tâm trong ta sáng ra. Ta phải có định tâm ngay ở nơi những động thái ấy, và duy trì sự định tâm đó liên tục và phát triển lớn mạnh cho đến chỗ toàn giác.

 

Toàn giác trong mọi không gian, toàn giác trong mọi thời gian, toàn giác trong mọi tâm niệm, toàn giác đối với các cảm giác, toàn giác đối với mọi hành động và toàn giác khi tiếp xúc với mọi đối tượng. Toàn giác như vậy là Phật. Niết bàn là cảnh giới thường trú của Phật. Phật và cảnh giới của Ngài tương ứng với nhau và có mặt trong nhau. Nên, Phật cũng gọi là Niết bàn và Niết bàn cũng gọi là Phật. Phật và Niết bàn bất nhị.

 

Nên, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày là mỗi ngày, ta đều có cơ hội, biến đại nguyện của Ngài có mặt ngay trong đời sống của ta, tâm ta an trú vững chãi vào định, qua thiền định mà các phiền não được nhiếp phục và chuyển hóa, Niết bàn hay tịnh độ đích thực của chư Phật từ đó mà hiện ra cho ta.

 

Đại nguyện mười hai: Có được ánh sáng vô lượng

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Xin nguyện cho muôn loại

Có nguồn sáng tỏa xa.

 

Ánh sáng rất cần thiết trong đời sống của con người và muôn vật. Không những vậy, ánh sáng còn là một trong những điều kiện giúp cho con người và muôn vật thành tựu về cái thấy một cách hoàn hảo. Ta có đôi mắt, nhưng không có ánh sáng, thì ta vẫn không thấy được gì.

 

Ánh sáng vật lý còn có những tác dụng nhất định trong đời sống con người, huống chi là những ánh sáng xuất phát và thành tựu từ đại nguyện.

 

Ánh sáng của Phật A Di Đà là ánh sáng sinh khởi và thành tựu từ đại nguyện bồ đề, nên ánh sáng ấy vượt tầm ánh sáng của mặt trăng, mặt trời và ngọn đèn.

 

Ánh sáng mặt trời có tác dụng soi chiếu ban ngày, ánh sáng mặt trăng có tác dụng soi chiếu ban đêm và ánh sáng của ngọn đèn có tác dụng soi chiếu trong nhà, nhưng những loại ánh sáng ấy không thể soi chiếu xuyên suốt tâm thức của con người và vạn loại chúng sanh, còn ánh sáng của đại nguyện bồ đề, do Phật A Di Đà trải qua vô số kiếp tu tập mà thành tựu, chúng không những xuyên suốt mọi vật thể mà còn xuyên suốt mọi tâm thể, không những xuyên suốt mọi hiện tượng mà còn xuyên suốt tính thể của mọi sự hiện hữu, không những xuyên suốt mọi kết quả mà còn xuyên suốt mọi nguyên nhân và mọi tác duyên của mọi hiện hữu nữa.

 

Nên, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà đã nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, ánh sáng của tôi chiếu khắp cả mười phương không có hạn lượng”.

 

Ánh sáng không có hạn lượng, đại nguyện nầy còn gọi là Quang minh vô lượng nguyện, Quang minh biến chiếu vô số Phật quốc nguyện, Tự thân quang vô hạn nguyện, Phật quang vô biên nguyện,...

 

Thực tập theo đại nguyện nầy, ta nguyện cẩn thận không làm khuất lấp ánh sáng của những người khác và luôn luôn biết sử dụng những ánh sáng vật lý, tâm lý, hiểu biết và giác ngộ để hiến tặng cho mọi người và muôn vật dưới những hình thức khác nhau.

 

Vì vậy, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày là để ta có cơ hội tiếp xúc, học hỏi và thành tựu loại ánh sáng nầy của Ngài, khiến ta có khả năng soi chiếu để thấy được “bản lai diện mục” của tự thân cũng như hết thảy muôn vật, tránh được mọi vấp ngã trong khi nghĩ, nói và làm.

 

Đại nguyện mười ba: Sống lâu vô lượng

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Nguyện con và muôn loại

Thân mạng sống dài lâu.

 

Sống lâu là ước muốn muôn thuở của mọi người và muôn loài. Nhưng làm thế nào để ta có thể sống được dài lâu? Sống bạo động và hận thù, sống lo lắng và bận rộn, sống với tâm ý đa dục, nghi ngờ và sợ hãi, thì làm cho thọ mạng bị thương tổn, bệnh hoạn phát sinh, đời sống ngắn lại.

 

Ta sống với tâm từ bi, với lòng hỷ xả, với hạnh ít tham muốn và biết đủ, khởi phát lòng thương yêu và tôn trọng sự sống, không tàn hại muôn loài là ta tạo ra nhân duyên của sự sống lâu. Sống lâu để làm lợi ích cho chúng sanh, đem lại ánh sáng, niềm tin và sự hy vọng cho hết thảy muôn loài.

 

Nên, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà, đã nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, thọ mạng của tôi là vô lượng”.

 

Đại nguyện nầy còn gọi là Thọ mạng vô lượng nguyện, Đắc thọ cửu trú nguyện, Thọ mạng vô cùng nan khả trắc lượng nguyện, Trường thọ nguyện,...

 

Vì vậy, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày là ta nuôi dưỡng và phát triển nhân duyên sống lâu theo đại nguyện nầy. Và qua nhân duyên của đại nguyện nầy, mà ta quán chiếu để thấy rõ tự tánh A Di Đà hay Phật tính nơi mỗi chúng ta, chưa bao giờ từng sinh và cũng chưa bao giờ từng diệt. Chính tính ấy là thọ mạng của ta và cũng chính từ  nơi tính ấy, mà khi nhân duyên hội đủ, thì vô số hình hài của ta biểu hiện, và khi nhân duyên phân tán, thì hình hài ta lại ẩn tàng nơi tính ấy.

 

Do đó, ta lạy Phật A Di Đà là ta có cơ hội tiếp xúc và trở về với thọ mạng không hề sinh diệt nơi ta. Thọ mạng ấy chính là tự tính A Di Đà nơi mỗi chúng ta vậy.

 

Đại nguyện mười bốn: Chúng Thanh văn vô số

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Nguyện sống đời tịnh hạnh

Như vô số Thanh văn.

Tịnh hạnh là hạnh ly dục của hàng Thánh giả Thanh văn. Đối với hàng Thánh giả nầy, họ được đức Phật trực tiếp giáo hóa bằng thanh âm và qua thanh âm của Phật diễn bày về Khổ, Tập, Diệt, Đạo, mà họ giác ngộ được tự thân thực tại, nguyện không nghĩ và không làm bất cứ điều ác nào, khiến cho các phiền não nơi tâm họ được vĩnh diệt, nên họ có đời sống giải thoát an vui và thanh tịnh. Đối với các vị Thánh giả Thanh văn như thế ở cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà là vô số. Số lượng Thanh văn nhiều như vậy là do đại nguyện của Ngài mà cảm nên.

 

Khi còn tu nhân, Ngài đã nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, trong cõi nước tôi, số lượng hàng Thanh văn không thể nào tính hết”.

 

Nên, đại nguyện nầy còn gọi là Thanh văn vô số nguyện, Nhiếp đa quyến thuộc nguyện, Quyến thuộc Thánh giả vô số chúng đa nguyện,...

 

Vì vậy, ta kính lễ Phật A Di Đà mỗi ngày, để mỗi ngày ta có thể tiếp xúc được với hạnh Thanh văn nơi Ngài đã từng thực tập và chứng đắc, đồng thời ta cũng có thể tiếp xúc với hạnh Thanh văn của vô số các vị Thánh giả đang tu tập và hành đạo nơi thế giới Tịnh độ của Ngài, để nuôi dưỡng và thắp sáng tịnh hạnh mỗi ngày của ta trong đời sống. Và chúng ta lấy tịnh hạnh, làm bà con thân bằng quyến thuộc trong đời sống của chúng ta.

 

Đại nguyện mười lăm: Chư thiên-nhân loại thọ mạng lâu dài

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Nguyện chư thiên, nhân loại

Thọ mạng được dài ra.

 

Thọ mạng của nhân loại vỏn vẹn chỉ có trăm năm, nhưng trong trăm năm ấy, chẳng có mấy ai sống đủ. Thọ mạng của chư thiên, tùy theo phước báo của từng cõi trời, mà dài lâu hơn cõi người, nhưng quá ngắn ngủi so với thọ mạng của chư thiên, nhân loại ở nơi thế giới Tịnh độ của Phật A Di Đà. Kinh Hoa nghiêm nói: “Một đại kiếp của cõi Ta bà, chỉ bằng một ngày một đêm của cõi Tịnh độ Phật A Di Đà mà thôi”.

 

Sở dĩ, chư thiên và nhân loại của cõi Tịnh độ, Phật A Di Đà sống lâu như vậy, là do đại nguyện của Ngài cảm nên. Khi còn tu nhân, Ngài nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chư thiên, nhân loại ở trong nước tôi, đều sống lâu vô hạn, ngoại trừ những vị có nguyện lực riêng”.

 

Nên, đại nguyện nầy, còn gọi là Nhân thiên trường thọ nguyện, Quyến thuộc trường thọ tùy nguyện tự tại nguyện, Đắc trường thọ nguyện,...

 

Vì vậy, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày, để ta có cơ hội tiếp xúc với phước báo về thọ mạng dài lâu của chư thiên, nhân loại ở thế giới Tịnh độ, và ta mong rằng, qua sự tu tập của ta, ta cũng có thể thành tựu được phước báo ấy, để có điều kiện thực tập công hạnh theo các đại nguyện và đại hạnh của chư vị Bồ tát và Phật. Chư thiên, nhân loại cõi Tịnh độ Phật A Di Đà, sống lâu là để có điều kiện thực hành đại nguyện, đại hạnh vậy.

 

Đại nguyện mười sáu: Không nghe tên xấu

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Những ngôn từ bất thiện

Vĩnh viễn nguyện tránh xa.

 

Những ngôn từ bất thiện đều có gốc rễ từ nơi tâm ý tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn, nghi ngờ và tà kiến mà biểu hiện, khiến chúng cướp mất sự an lành của tự thân và người khác.

 

Nên, ta thực tập đời sống với tâm vô tham, vô sân, vô si, khiêm tốn, chánh tín và chánh kiến, thì tự thân ta không thể phát ra những ngôn từ bất thiện đối với người và đồng thời tạo ra những nhân duyên tốt, khiến cho những ngôn từ bất thiện nơi người khác không thể phát ra.

 

Khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà đã nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chư thiên, nhân loại ở trong nước tôi, không nghe những ngôn từ bất thiện”.

 

Đại nguyện nầy còn gọi là Vô chư bất thiện nguyện, Quyến thuộc thiện nguyện, Chúng vô ác danh nguyện, Ly cơ hiềm nguyện,...

 

Vì vậy, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày là mỗi ngày, ta tạo ra nhân duyên tốt đẹp cho thân ngữ ý của ta và của người, khiến cho môi trường sinh hoạt của ta và người, mỗi khi mở miệng nói ra điều gì, đều tự toát ra ngữ ngôn chân thật, từ ái.

 

Đại nguyện mười bảy: Chư Phật khen ngợi

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Thấy mười phương chư Phật

Đồng tính ấy hiện ra.

 

A Di Đà là thọ mạng vô lượng; là ánh sáng vô lượng; là công đức vô lượng. Thọ mạng ấy, ánh sáng ấy, công đức ấy đều từ nơi tự tánh thanh tịnh mà hiện ra, nên xưng tán danh hiệu Phật A Di Đà cũng chính là đang ca ngợi tự tánh thanh tịnh ở nơi bản tâm mình. Tự tánh thanh tịnh của chư Phật mười phương với tự tánh thanh tịnh nơi bản tâm mình xưa nay không sai, không khác.

 

Chư Phật mười phương cũng từ nơi tính ấy, mà phát khởi đại nguyện giáo hóa chúng sanh, có nhiều danh xưng khác biệt, có nhiều cõi nước bất đồng, nhưng tất cả cũng đều từ nơi thể tính thanh tịnh mà hiện ra. Nên, tuy bất đồng, nhưng cùng nhất thể.

 

Nên, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà, đã phát nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, mười phương vô lượng chư Phật đều tán dương danh hiệu của tôi”.

 

Đại nguyện nầy còn gọi là Chư Phật xưng dương nguyện, Chư Phật đồng tán danh tự nguyện, Chư Phật xưng tán nguyện, Nhiếp pháp thân nguyện, Tuyển trạch xưng danh nguyện,...

 

Vì vậy, mỗi ngày ta lạy danh hiệu Phật A Di Đà là chính ta đang lạy danh hiệu, mà chư Phật mười phương xưng tán ca ngợi, vì trong danh hiệu ấy là nhiếp hội hết thảy danh hiệu mười phương vô lượng chư Phật, và cũng chính là ta đang lạy tự tánh thanh tịnh pháp thân nơi ta và làm cho tự tính nơi thân ấy sáng ra mỗi ngày.

 

Đại nguyện mười tám: Mười niệm vãng sanh

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Với một lòng mười niệm

Tịnh độ tự hiện ra.

 

Ta muốn khi lâm chung, có được đầy đủ năng lực của định và tuệ, để có thể duy trì được mười niệm đối với danh hiệu Phật A Di Đà ở trạng thái của tâm thuần nhất, thanh tịnh, không tạp loạn, thì ta phải biết thực tập và duy trì năng lượng chánh niệm ấy, trong mỗi ngày qua, đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống và ngay cả trong mọi hoạt động ở nơi những công việc, để tạo thành chủng tử nhất tâm, nhất niệm thuần thục ngay ở tâm ta.

 

Nếu không như vậy, thì giờ phút sắp lâm chung, tâm sẽ buông lơi, các phiền não khởi lên, làm cho tâm ta bị nhiễu loạn, ma cảnh hiện tiền, mà Phật cảnh bị biến mất, khiến bấy giờ tâm thức ta mù mịt, một niệm còn bất giác, làm sao mà có thể giác tỉnh được một tâm mười niệm, để Phật cảnh hiện tiền ngay đó, mà vãng sanh hay ngay đó, mà tự tánh A Di Đà hiện ra cho ta thể nhập!

 

Nên, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà, đã nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chúng sanh ở trong mười phương khi lâm chung, tin tưởng muốn sanh về cõi nước tôi, chí tâm niệm mười danh hiệu của tôi, thì liền được vãng sanh”.

 

Đại nguyện nầy còn gọi là Niệm Phật vãng sanh nguyện, Nhiếp thủ chí tâm dục sanh nguyện, Nhiếp thượng phẩm nguyện, Thập niệm vãng sanh nguyện, Chí tâm tín nhạo nguyện,...

 

Vì vậy, trong đời sống hàng ngày, ta phải kính lễ Phật A Di Đà để cho đương niệm của ta, gắn liền với danh hiệu và bản nguyện của Ngài; và danh hiệu cũng như bản nguyện của Ngài đi vào trong ta, thuần hóa những chủng tử trong tâm ta, khiến mỗi sát na tâm ta, đều là mỗi sát na của tâm Tịnh độ và mỗi sát na tâm ta, đều là tương ứng với tâm và nguyện của Phật A Di Đà.

 

Đại nguyện mười chín: Thánh chúng tiếp dẫn

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Khi con đổi thân khác

Phật, Bồ tát hiện ra.

 

Phật là tự tánh giác ngộ nơi ta. Từ nơi tự tánh ấy mà Phật hiện ra và Bồ tát là do thấy được tự tánh ấy, mà phát khởi đại nguyện, tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh, nên Bồ tát cũng từ nơi tự tánh giác ngộ ấy mà hiện ra vậy.

 

Vì vậy, ta muốn sanh về Tịnh độ, được Phật A Di Đà, Thánh chúng Thanh văn và Bồ tát hiện ra đón ta trong khi lâm chung, thì trước hết ta phải tin rằng, ta có Phật tính và chư Phật cũng từ nơi tính ấy mà hiện ra, các vị Bồ tát trong mười phương thế giới, cũng từ nơi tính ấy mà phát khởi đại nguyện; ta phải tin rằng, tâm là chủ tể của muôn vật, tâm ta tịnh thì mười phương thế giới đều tịnh, tâm ta uế, thì ta ở đâu là uế độ có mặt ở đó cho ta.

 

Ta phải tin như vậy, và ta phải phát khởi hạnh nguyện đúng như niềm tin của ta, thì ta có mặt ở đâu là Phật và Bồ tát cũng như cảnh giới Tịnh độ của các Ngài đều hiện ra và có mặt ở đó cho ta, giúp ta đổi mới, những nghiệp chướng cũ. Đại nguyện của chư Phật và Bồ tát lúc nào cũng sẵn sàng đón tiếp ta về Tịnh độ của các Ngài, nếu ta phát khởi tâm bồ đề và hết lòng tin vui ưa thích.

 

Nên, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà, đã nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chúng sanh ở trong mười phương phát tâm bồ đề, thực hành các công đức, muốn sanh về nước tôi, thì khi họ lâm chung, tôi và đại chúng đều hiện ra vây quanh trước mặt họ để tiếp dẫn”.

 

Vì vậy, đại nguyện nầy còn gọi là Lai nghênh dẫn tiếp nguyện, Nhiếp thủ tu đức dục sanh nguyện, Nhiếp trung phẩm nguyện, Lâm chung hiện tiền nguyện, Thánh chúng lai nghênh nguyện, Lâm chung nghênh tiếp nguyện, Hiện tiền đạo sinh nguyện,...

Do đó, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày với tâm bồ đề và bằng Tín Hạnh Nguyện, là ngay trong mỗi ngày, ta đều có thân tâm mới, ngay trong mỗi giờ ta đều có thân tâm mới và ngay trong mỗi khoảnh khắc thân tâm ta đều mới. Thân tâm ta mới, vì Phật, Bồ tát luôn luôn có mặt trong ta và quanh ta, để yểm trợ cho ta đổi mới và giúp ta thoát ra từ vỏ trứng của vô minh phiền não, đưa ta đi về với quê hương Tịnh độ đích thực được tạo nên từ đại nguyện của các Ngài.

 

Đại nguyện hai mươi: Muốn sanh toại ý

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Thành tựu thân như ý

Từ đại nguyện sinh ra.

 

Thân thể của ta  từ nghiệp lực sinh ra, thì không thể nào thoát khỏi các khổ của sinh, già, bệnh, chết. Từ nghiệp lực sinh ra là từ nơi ái, thủ, hữu mà có mặt. Thân thể ta đã sinh ra từ gốc rễ như thế, thì không sao tránh khỏi được đại họa sinh tử luân hồi. Sinh tử luân hồi là tai họa lớn nhất của hết thảy chúng sanh. Vì sao? Vì ở trong ấy, thì chúng sanh không thể nào thấy được mặt mũi của mình là gì; chẳng bao giờ biết mình là ai; không biết được biên cương sinh tử của mình là ở nơi nào; và hoàn toàn mất hết năng lực tự chủ.

 

Vì vậy, tu tập là để cho đời sống của ta không sinh ra từ nghiệp lực, mà sinh ra từ bản nguyện và đại nguyện. Bản nguyện là nguyện được thiết lập trên căn bản của tâm bồ đề với đầy đủ hai chất liệu của trí tuệ và từ bi. Đại nguyện là từ nơi bản nguyện, mà phát triển thành những hạnh nguyện rộng lớn, tùy theo điều kiện tu học của mỗi chúng ta.

 

Phật A Di Đà, khi còn tu nhân, Ngài đã nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chúng sanh ở trong mười phương, nghe danh hiệu của tôi, chuyên tâm nhớ đến nước tôi, bằng cách gieo trồng những cội công đức, chí tâm hồi hướng sanh về nước tôi, thì liền được toại nguyện”.

 

Nên, đại nguyện nầy cũng còn gọi là Nhiếp thủ văn danh dục sanh nguyện, Nhiếp hạ phẩm nguyện, Văn danh hệ niệm tu phúc tức sanh nguyện, Chí tâm hồi hướng nguyện, Dục sanh quả toại nguyện,...

 

Thân được sanh ra từ ý nguyện, thân ấy gọi là thân như ý sanh và nó được nuôi lớn bằng đại nguyện, vì vậy nó sinh ra và lớn lên trong tự do. Không có tự do, thì không thể có hạnh phúc và an lạc. Tự do ở đây không phải là những thứ tự do được quy ước bởi những điều kiện của chính trị, mà là sự tự do thoát ra từ phiền não hay thoát ra từ những hạt giống ái, thủ và hữu ở nơi tâm ta.

 

Thân thể được tạo nên từ tâm bồ đề và từ đại nguyện bồ đề, được gọi là thân thể như ý. Thân thể ấy sinh ra ở đâu, thì Tịnh độ có mặt ở đó. Tịnh độ có mặt ở đâu, thì tự do, hạnh phúc và an lạc có mặt ở đó. Và Tịnh độ có mặt là để cho thân ấy sinh ra.

 

Nên, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày, qua những đại nguyện của Ngài, là để thai nghén thân ấy và khi nhân duyên Tịnh độ hội đủ thì như ý thân sinh ra cho ta.

 

Đại nguyện hai mươi mốt: Đủ ba mươi hai tướng tốt

                            

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Nguyện chư thiên, nhân loại

Đều có tướng đại nhân.

 

Tướng đại nhân, còn gọi là đại sĩ tướng hay đại trượng phu tướng là tướng tốt của những bậc có phước đức và trí tuệ. Tướng ấy là tướng của một vị Chuyển luân thánh vương hay là tướng ứng thân của một bậc Đại giác ngộ. Thân tướng ấy, biểu hiện ít nhất là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Các tướng ấy là do thực tập đại nguyện bồ đề mà thành tựu. Và vì vậy, tướng ấy là thường tướng hay căn bản tướng của chư Phật ứng hóa thân. Các Ngài thường sử dụng thân tướng ấy làm ứng thân để hóa độ chúng sanh. Và thân tướng ấy có thể tăng lên đến ba ngàn hai trăm tướng hoặc có thể nhiều hơn nữa, tùy theo phước báo của chúng sanh từng quốc độ, mà các Ngài ứng thân theo đại nguyện để hóa độ và nhiếp phục.

 

Thân tướng ấy của Chuyển luân Thánh vương là kết quả do thực hành các thiện pháp đem lại. Cứ thực tập thành tựu một trăm điều thiện, thì thành tựu được một tướng đẹp trong ba mươi hai tướng đẹp ấy. Thân tướng của Phật ứng hóa thân thành tựu ba mươi hai tướng tốt ấy, là do các Ngài tu tập thành tựu hết thảy thiện pháp do Nhiếp luật nghi giới; Nhiếp thiện pháp giới và Nhiêu ích hữu tình giới đem lại.

 

Thành tựu Nhiếp luật nghi giới, thì thân, ngữ và ý, vĩnh viễn không còn hoạt động liên hệ đến các phiền não, để tạo ra các ác nghiệp. Do đó, không cảm nên những thân tướng xấu ác, khuyết tật, thô lậu.

 

Thành tựu Nhiếp thiện pháp giới, thì thân, ngữ và ý, vĩnh viễn hoạt động theo các căn bản của thiện pháp, như vô tham, vô sân, vô si, tín, tàm, quý,... để thành tựu các thiện nghiệp vô lậu và giải thoát. Do đó, cảm nên được thân tướng tốt đẹp trang nghiêm, trong đó có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp.

 

Thành tựu Nhiêu ích hữu tình giới, thì thân, ngữ và ý, vĩnh viễn hoạt động theo bản nguyện và đại nguyện, nên một thân cùng một lúc có thể biến thể ra nhiều thân, có thể thể hiện ra trăm ngàn ức thân, và trong mỗi thân được ứng hóa ấy, đều có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, hoặc có khi còn nhiều hơn nữa, để thành thục thiện pháp cho chúng sanh và chuyển hóa uế độ thành Tịnh độ và dùng các tướng tốt ấy để trang nghiêm Tịnh độ.

 

Nên, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà đã nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chư thiên, nhân loại ở trong nước tôi, ai cũng có đủ ba mươi hai tướng tốt của bậc đại nhân”.

 

Vì vậy, Tịnh độ của chư Phật là cõi nước được trang nghiêm bằng phước báo, do thực hành các thiện pháp đem lại. Nên, đại nguyện nầy còn gọi là Tam thập nhị tướng nguyện, Linh cụ chư tướng nguyện, Cụ túc chư tướng nguyện, Chúng sanh mãn đức nguyện, Sở sanh báo nguyện,...

 

Do đó, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày là để nhiếp phục các ác thuộc về thân, ngữ và ý; thực hành các thiện thuộc về thân, ngữ và ý, để nắm giữ hết thảy thiện pháp, không để cho chúng bị rơi mất; và phát khởi đại nguyện bồ đề để làm lợi ích cho hết thảy muôn loài bằng những ứng hóa thân với đầy đủ các phước tướng trang nghiêm ấy, để trang nghiêm cho cả thế giới của chư thiên và nhân loại.

 

Đại nguyện hai mươi hai: Một đời làm Phật

 

Con đem tâm kính lễ

 Đức Phật A Di Đà

Nguyện học hạnh Bồ tát

Còn một đời sinh ra.

 

Nguyện được hạnh Bồ tát, còn một đời sinh ra, đó là hạnh của vị Bồ tát Nhất sanh bổ xứ. Tên tiếng Phạn là Eka - jāti - pratibadha. Nhất sanh bổ xứ là chỉ cho địa vị cao nhất của bồ tát, thường cũng gọi là Bồ tát Đẳng giác. Ấy là vị Bồ tát còn sinh ra giữa đời một lần nữa, và ngay trong đời cuối cùng nầy, tu tập đoạn sạch các lậu hoặc tinh tế và thành Phật.

 

Khi còn tu nhân, Phật A Di Đà đã nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, Chúng bồ tát từ các cõi nước khác sanh vào nước tôi đều là những vị Bồ tát Nhất sanh bổ xứ”. Với đại nguyện nầy, Tịnh độ không chỉ thâu nhiếp hàng  tu học ngang mức phước báo thuộc về Nhân loại, Chư thiên hay Thanh văn, Duyên giác mà còn có khả năng dung nhiếp những vị Bồ tát có phước báo của hàng Nhất sanh bổ xứ, tức là hàng Bồ tát có căn cơ Tối thượng thừa nữa.

 

Nên, đại nguyện nầy còn gọi là Tất chí bổ xứ nguyện, Bồ tát cứu cánh nhất sanh bổ xứ nguyện, Hoàn tướng hồi hướng nguyện,...

 

Vì vậy, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày, để phát triển sự tu học của ta đến chỗ tột cùng của tâm và hạnh bồ tát, chỉ còn sinh ra một đời nữa, và sau đời ấy, thì viên mãn các hạnh và các nguyện.

 

Đại nguyện hai mươi ba: Cúng dường chư Phật

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Nguyện học hạnh Bồ tát

Cúng dường Phật hằng sa.

 

 

Cúng dường chư Phật là một trong những hạnh căn bản của các vị Bồ tát. Bồ tát thực hành hạnh nầy là để tiêu đi những hạt giống khinh mạn và bỏn sẻn trong tâm, làm cho tâm bồ đề được lớn lên như tâm của Phật; làm cho hạnh bồ đề được lớn lên như hạnh của Phật và làm cho nguyện bồ đề rộng lớn vô biên như nguyện của Phật.

 

Vì vậy, Bồ tát cúng dường chư Phật có nhiều cách: Có những vị cúng dường bằng cách đốt một phần hay toàn bộ thân thể để cúng dường; có những vị đem thân phụng sự chúng sanh để cúng dường; có những vị đem tài sản phụng sự chúng sanh để cúng dường; có những vị đem khả năng thương yêu và che chở chúng sanh để cúng dường; có những vị tuyên dương chánh pháp để cúng dường; có những vị nhiếp tâm ở trong thiền định để cúng dường và có những vị chuyên tâm trì niệm danh hiệu của Phật hay lễ bái để cúng duờng,... Nghĩa là Bồ tát có vô số cách để thực hành cúng dường chư Phật. Bồ tát có vô số cách để cúng dường chư Phật, nhưng không ra ngoài nhất tâm, bình đẳng tâm. Nhất tâm hay bình đẳng tâm chính là tâm bồ đề. Từ nơi tâm ấy, mà Bồ tát thực hành hạnh cúng dường và cũng từ tâm ấy, mà Bồ tát tựu thành hết thảy hoa trái giác ngộ.

 

Nên, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà đã nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, thì hàng Bồ tát trong cõi nước của tôi thực hành hạnh cúng dường chư Phật, khắp vô lượng ức triệu cõi nước, mà trải qua một thời gian rất ngắn là chỉ trong chừng một bữa ăn”.

 

Vì vậy, đại nguyện nầy còn gọi là Cúng dường chư Phật nguyện, Thừa lực cúng dường nguyện, Thực khoảnh biến thị hằng sa chư Phật nguyện,...

 

Do đó, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày, là để thể nhập vào hạnh cúng dường của Ngài, khi Ngài còn hành Bồ tát đạo và học theo hạnh của các vị Bồ tát đang tu học ở nơi thế giới Tịnh độ của Ngài, hiện đang do Ngài trực tiếp giáo hóa. Và khi ta có cơ hội vãng sanh về Tịnh độ của Ngài, thì hạnh cúng dường của ta và hạnh cúng dường của những vị Bồ tát nơi Tịnh độ của Ngài tương dung, tương nhiếp với nhau và hỗ trợ nhau thăng tiến.

 

Đại nguyện hai mươi bốn:  Vật cúng tùy ý

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Nguyện phẩm vật dâng cúng

Như  ý đều hiện ra.

 

Các vị Bồ tát ở nơi thế giới Tịnh độ Phật A Di Đà thực hành hạnh cúng dường chư Phật mười phương, bằng ý muốn nào, bằng tâm nguyện nào, thì những phẩm vật ấy, đều hiện ra đầy đủ trước mặt, để cho họ thực hiện hạnh cúng dường.

 

Nên, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà, thấy rõ Bồ tát thực hiện hạnh cúng dường, không dễ gì thành tựu viên mãn, khiến Ngài đã phát khởi đại nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, Bồ tát ở trong cõi nước tôi, nếu  muốn cúng dường chư Phật phẩm vật gì, thì phẩm vật ấy hiện ra trước chư Phật một cách đầy đủ”.

 

Vì vậy, đại nguyện nầy còn gọi là Cúng cụ như ý nguyện, Sở cầu cúng cụ giai thuận ý nhạo nguyện, Cúng dường như ý nguyện,...

 

Như vậy, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày là để cho ta huân tập công đức vô lượng, mà do Ngài đã trải qua vô lượng kiếp thực tập vào nơi thân tâm và đời sống của ta, để cho viên minh châu như ý ở trong tâm ta hiện ra. Mỗi khi viên minh châu như ý hiện ra trong tâm ta, thì ta khởi tâm cúng dường bất cứ cái gì đến chư Phật hay Bồ tát cũng như các bậc Thánh giả Thanh văn, thì những vật phẩm cúng dường ấy, liền hiện ra cho ta một cách đầy đủ để cho ta cúng dường theo ý muốn.

 

Đại nguyện hai mươi lăm: Thuyết bằng tuệ giác

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Nguyện mỗi khi thuyết pháp

Nương trí Phật nói ra.

 

Ở Tịnh độ Bồ tát thuyết pháp không thuyết pháp theo tri kiến của mình, mà nương theo tri kiến của Phật. Tại sao? Vì tri kiến của Bồ tát đối với hết thảy pháp có những điều biết, nhưng chưa cùng tột, chỉ có trí tuệ Phật mới biết cùng khắp và chính xác đối với mọi sự hiện hữu và không hiện hữu, vì vậy Bồ tát thuyết pháp cần phải nương vào trí tuệ Phật để khỏi lầm lẫn và đem lại nhiều lợi ích và lợi ích một cách thực tiễn và chính xác cho cả muôn loài.

 

Nên, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà đã nguyện rằng: “ Nguyện khi tôi thành Phật, Bồ tát trong nước tôi, mỗi khi thuyết pháp đều thuận theo trí tuệ của Phật”.

 

Đại nguyện nầy còn gọi là Thuyết nhất thiết trí nguyện, Thuyết pháp như Phật nguyện, Bồ tát thuyết pháp thuận nhất thiết trí nguyện,...

 

Do đó, ta lạy Phật A Di Đà để thâm nhập trí Phật và để thuyết pháp theo trí ấy của Phật.

 

Đại nguyện hai mươi sáu: Được thân kim cang

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Xin nguyện các Bồ tát

Đều được Kim cang thân.

 

Kim cang thân, còn gọi là Na la diên thân, kiên cố thân, cụ đức kim cương na la diên thân. Na la diên, tiếng Phạn là Nārāyaa, Hán dịch là kiên cố lực sĩ hay kim cang lực sĩ.

 

Kim cang thân là thân không bị hủy hoại. Thân không bị hủy hoại cũng thường gọi là pháp thân của Phật. Thân đã dứt hẳn các pháp bất thiện và tập hợp, tinh kết một cách rắn chắc các pháp thuần thiện, sáng chói mà không có bất cứ sự sáng chói nào có thể so sánh, rắn chắc mà không có bất cứ sự rắn chắc nào có thể so sánh hay hủy hoại được.

 

Và, Kim cang lực sĩ là thân thể có sức mạnh phi thường. Thân thể ấy do Vương tử Pháp Ý con của vua Dõng Quận ở thời quá khứ đã phát nguyện rằng: “Khi nào 1000 vị Thái tử thành Phật, thì mình sẽ là Kim cang lực sĩ, ở gần bên Phật, nghe những pháp bí yếu của Phật”.

 

Vua Dõng Quận xuất gia tu tập và thành Phật, hiệu là Định Quang Như Lai. 1000 thái tử của vua cũng xuất gia tu học và đều thành Phật ở trong thời đại hiền kiếp, thì bấy giờ Pháp Ý trở thành Kim cang lực sĩ, tên là Mật Tích. Cho nên, gọi là lực sĩ Kim cang Mật Tích, hoặc là Na la diên, vì Ngài có sức mạnh phi thường. (Kinh Bảo Tích 9 – Hội Kim cang lực sĩ).

 

Nên, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà đã nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, Bồ tát trong nước tôi đều được thân Kim cang lực sĩ”.

 

Đại nguyện nầy cũng còn gọi là Na la diên thân nguyện, Linh đắc kiên cố thân nguyện, đắc kim cương thân nguyện,...

 

Như vậy, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày, là để thân ta càng ngày càng tinh kết các thiện pháp rắn chắc bất khả hoại và có sức mạnh như thân Na la diên, để khi đủ điều kiện vãng sanh Tịnh độ, thì thân ta và thân của các vị Bồ tát ở Tịnh độ của Phật A Di Đà đều có hình sắc tương đồng vậy và có sức mạnh để hộ trì chánh pháp.

 

Đại nguyện hai mươi bảy: Muôn vật nghiêm tịnh

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Trời người cùng muôn vật

Từ nghiêm tịnh sinh ra.

 

Tịnh độ của Phật A Di Đà trang nghiêm thanh tịnh, từ nội tâm đến ngoại cảnh. Đối với nội tâm, thì chư thiên và nhân loại ở Tịnh độ Phật A Di Đà không có ái dục, không sinh ra từ nghiệp lực và từ bào thai, mà từ nguyện lực và từ hoa sen hóa sanh. Nên, tự thân của sự sinh ra ấy đã là thanh tịnh. Và không những vậy, mà sự thanh tịnh ấy, còn được trang nghiêm bằng các công đức của tâm bồ đề và các đại nguyện nữa. Vì vậy, ánh sáng và hình sắc của chư thiên và nhân loại ở thế giới ấy là không thể nghĩ bàn, đúng như đại nguyện.

 

Đối với cảnh của Tịnh độ là cảnh của tự tâm thanh tịnh, cảnh của tâm chứa đầy công đức và là cảnh từ nơi đại nguyện mà biểu hiện, nên chim cũng hót theo lời pháp, suối cũng reo theo lời pháp, mưa cũng rơi theo tiếng pháp, hoa nở cũng nở theo lời pháp và tất cả đều là thuyết pháp, để nhắc nhở và yểm trợ cho chư thiên, nhân loại ở Tịnh độ niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng để được thường trú ở trong nhất tâm, cho đến khi hội chứng Niết bàn.

 

Tình và cảnh ở Tịnh độ phương Tây đều được hình thành từ đại nguyện và công đức của Phật A Di Đà, nên tất cả đều là vi diệu thanh khiết.

 

Nên, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà đã nguyện rằng: “Khi tôi thành Phật, hàng trời, người và muôn vật ở trong nước tôi, trang nghiêm thanh tịnh, hình sắc kỳ diệu tột cùng, không một ai có thể suy lường được, cho dù những người đó có cả thiên nhãn”.

 

Đại nguyện nầy còn gọi là Sở tu nghiêm tịnh nguyện, Linh vật nghiêm tịnh nguyện, Vạn vật thù diệu nguyện, Quang sắc đặc diệu nguyện, Vạn vật nghiêm tịnh nguyện, Quốc độ nan lượng nguyện,...

 

Do đó, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày là để tiếp xúc với tình và cảnh đều thanh tịnh và trang nghiêm của Tịnh độ, nhằm tạo thành những hạt nhân tình và cảnh trang nghiêm, thanh tịnh ở nơi tự thân. Và khi nhân duyên hội đủ, thì tình và cảnh nơi tự tâm của ta cũng là tình và cảnh của Tịnh độ Phật A Di Đà.

 

Đại nguyện hai mươi tám: Thấy đạo thọ cao sáng

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Cho con thấy Đạo thọ

Căn lành rộng lớn ra.

 

Đạo thọ, cũng còn gọi là Giác thọ, Tư duy Thọ, Bồ đề thọ. Tiếng Phạn là bodhidruma, bodhitaru. Đức Phật Thích Ca do ngồi nơi cây nầy, tu tập thiền định mà thành đạo.

 

Tịnh độ của Phật A Di Đà có Đạo tràng thọ, tức là cây bồ đề ở thế giới cực lạc. Theo Kinh Vô lượng thọ, thì Đạo tràng thọ cao 400 muôn dặm, cành lá tỏa ra bốn phía với chu vi 20 vạn dặm. Cây ấy là do các loại châu báu tự nhiên hợp thành. Chung quanh cây có các chuổi ngọc anh lạc rủ xuống và những tấm lưới châu báu che phủ phía trên, cứ mỗi khi có những làn gió nhẹ thổi qua, thì từ những cành lá phát ra vô lượng tiếng pháp nhiệm mầu. Đạo tràng thọ của Tịnh độ phương Tây là do đại nguyện của Phật A Di Đà tạo thành.

 

Khi còn tu nhân, Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, Bồ tát trong nước tôi, cho đến cả những người ít công đức, đều nhìn thấy được cây đạo thọ, màu sáng vô lượng, cao bốn trăm muôn dặm”.

 

Như vậy, ta nguyện tiếp xúc hay thấy cây Đạo thọ của Tịnh độ là để thấy được đạo tràng giác ngộ của Phật A Di Đà ở phương Tây. Và qua Đạo tràng thọ Tịnh độ, mà ta có thể tiếp xúc và thấy được vô lượng Đạo tràng thọ và vô lượng cõi nước thanh tịnh của chư Phật trong mười phương, khiến cho Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Định căn và Tuệ căn nơi tâm ta càng ngày càng phát triển rộng lớn, hạnh nguyện Tịnh độ nơi đời sống của ta càng ngày càng trở nên vững chãi, kiên cố và bất hoại.

 

Nên, đại nguyện nầy còn gọi là Kiến đạo tràng thọ nguyện, Đạo tràng cao thắng nguyện, Tri kiến đạo thọ nguyện, Bồ tát giai cộng kiến đạo thọ nguyện, Thiểu công đức giả tăng thượng nguyện,...

 

Do đó, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày, để mỗi ngày ta có thể tiếp xúc với đạo tràng giác ngộ không phải chỉ ở Tịnh độ của Phật A Di Đà, mà còn hết thảy chư Phật khắp cả mười phương nữa.

 

Đại nguyện hai mươi chín: Được trí tuệ biện tài

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Bồ tát trì pháp Phật

Từ đó tuệ mở ra.

 

Bồ tát ở Tịnh độ của Phật A Di Đà thường trì tụng, tuyên lưu, diễn xướng kinh pháp của Phật, nên thông hiểu, từ đó mà trí tuệ mở ra, đạt được biện tài vô ngại. 

 

Biện tài vô ngại lấy trí tuệ làm bản chất để thông giải và biện luận, nhằm nhiếp phục và giáo hóa chúng sanh. Nên, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, hàng Bồ tát nơi cõi nước của tôi, đều là những bậc tụng kinh đắc trí tuệ biện tài”.

 

Theo Câu Xá Luận 27, có bốn thứ vô ngại biện như sau:

-          Pháp vô ngại biện hay pháp vô ngại giải: Nghĩa là có khả năng thông giải và biện luận giáo pháp một cách vô ngại.

-          Nghĩa vô ngại biện hay nghĩa vô ngại giải: Nghĩa là có khả năng thông giải và biện luận lý nghĩa của pháp một cách dứt khoát và vô ngại.

-          Từ vô ngại biện hay từ vô ngại giải: Nghĩa là có khả năng thông giải và biện luận mọi lý nghĩa ẩn chứa nơi mọi ngôn từ, phương ngữ một cách vô ngại.

-          Biện vô ngại biện, nhạo thuyết vô ngại biện hay biện vô ngại giải: Nghĩa là có khả năng thông hiểu và biện luận thuận theo lý nghĩa một cách vô ngại và thuận theo sự ưa thích nghe pháp của người khác, mà biện luận một cách vô ngại.

 

Theo Thành Duy Thức Luận 9, đối với bốn vô ngại biện nầy, Bồ tát từ sơ địa trở lên cho đến bát địa đạt được từ một đến ba tuệ biện, hàng bồ tát địa vị thứ chín mới đạt được cả bốn vô ngại biện, nhưng đạt được Phật vị, thì bốn vô ngại biện mới thật sự hoàn toàn viên mãn.

 

Đại nguyện nầy còn gọi là Đắc biện tài trí nguyện, Tứ biện vô ngại nguyện,  Trì kinh tất đắc biện tài trí nguyện, Biện tài trí tuệ nguyện, Tụng Phật kinh pháp nguyện,...

 

Do đó, ta lạy Phật A Di Đà và xưng tụng danh hiệu của Ngài mỗi ngày, là để ta có cơ hội tiếp xúc chất liệu tuệ biện nơi Ngài, cũng như các bậc Bồ tát ở Tịnh độ, và từ đó khơi thông chất liệu tuệ biện vốn có nơi ta, để ta có khả năng thông giải và biện luận giáo pháp, nhằm thực hành đại nguyện bồ đề nhiếp phục và hóa độ chúng sanh, đưa họ an trú vào trong Tịnh độ.

 

Đại nguyện ba mươi: Biện tài vô hạn

 

 Con đem tâm kính lễ

 Đức Phật A Di Đà

 Bồ tát tuệ vô lượng

 Biện tài như hằng sa.

 

Bồ tát có khả năng biện tài vô hạn lượng, nghĩa là ở nơi một pháp, bồ tát có khả năng biện tài, diễn đạt thành vô lượng pháp và ở nơi vô lượng pháp, Bồ tát biện giải để đưa về nhất pháp, nhất vị, nhất đạo, đó là Phật đạo nhất thừa.

 

Bồ tát có khả năng biện tài vô hạn lượng, nghĩa là từ nơi một nghĩa, bồ tát có khả năng biện tài diễn thuyết thành vô lượng nghĩa, và từ nơi vô lượng nghĩa bồ tát biện luận để đưa tới đệ nhất nghĩa là Niết bàn tịch tịnh, một cách vô ngại tự tại.

 

Bồ tát có khả năng biện tài vô hạn lượng, nghĩa là từ nơi một từ ngữ, một ngôn ngữ, bồ tát có khả năng biện tài, diễn thuyết thành vô lượng từ ngữ, vô lượng ngôn ngữ, và từ nơi vô lượng từ ngữ, vô lượng ngôn ngữ, bồ tát biện luận để đưa về với như ngữ, chân thật ngữ, nhất ngữ đến chỗ “tâm hành xí diệt, ngôn ngữ đạo đoạn”, một cách vô ngại tự tại.

 

Bồ tát có khả năng biện tài vô hạn lượng, nghĩa là đối với nghịch, bồ tát có khả năng biện luận, khiến chúng trở thành thuận hợp với chánh pháp và ở trong thuận hợp, bồ tát có khả năng biện luận, khiến từ nơi thuận hợp hữu lượng lại tăng lên vô lượng, một cách tự tại vô ngại, làm cho cả người nghe và người nói đều thuận với chánh pháp, mà không hề thấy mỏi mệt trong lúc nói cũng như trong lúc nghe.

 

Với khả năng tuệ biện vô lượng như vậy, nên bồ tát không phải nhiếp phục chúng sanh trong một phương mà mười phương, không phải chỉ nhiếp phục chúng sanh trong một loài mà hết thảy muôn loài và không phải chỉ nhiếp phục chúng sanh trong một cõi mà vô lượng cõi.

 

Bồ tát ở cõi Tịnh độ thành tựu được năng lực của tuệ biện như vậy là do Phật A Di Đà, khi còn tu nhân nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, Bồ tát trong nước tôi, có trí tuệ biện tài không hạn lượng”.

 

Đại nguyện nầy còn gọi là Trí biện vô cùng nguyện, Tuệ biện vô lượng nguyện, Biện tài vô cùng nguyện,...

 

 

Vì vậy, ta lạy Phật A Di Đà và các vị Bồ tát ở Tịnh độ mỗi ngày là để khơi dậy khả năng tuệ biện vô hạn vốn có nơi ta, và để phát triển khả năng ấy, đến chỗ vô lượng như chư Phật và Bồ tát vậy.

 

Đại nguyện ba mươi mốt: Cõi nước thanh tịnh

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Tự tánh vốn nghiêm tịnh

 Chiếu suốt như pha lê.

 

Thế giới Tịnh độ là thế giới của đại nguyện và của tự tánh thanh tịnh. Nghĩa là nhìn mọi thế giới hiện tượng qua tự tánh thanh tịnh thì xuyên suốt tất cả. Với cách nhìn ấy, giáo lý Hoa nghiêm gọi là Lý sự vô ngại pháp giới và Sự sự vô ngại pháp giới. Nghĩa là không những lý tánh và sự tướng của mọi sự hiện hữu không chướng ngại nhau, mà ngay cả sự tướng nầy với sự tướng kia hiện hữu cũng không trở ngại nhau, chúng hiện hữu là để hỗ dụng cho nhau và cùng nhau làm nên tất cả.

 

Đây là đại nguyện, khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi thành Phật, thì Tịnh độ của tôi thanh tịnh trong sáng như gương, soi suốt thấy vô số thế giới của chư Phật khắp mười phương”.

 

Với đại nguyện nầy, tạo nên Tịnh độ của Phật A Di Đà, và với sự có mặt của thế giới Tịnh độ ấy, không làm chướng ngại bất cứ Tịnh độ nào của vô số chư Phật mười phương mà còn tương nhiếp và hỗ dụng với vô số Tịnh độ đó nữa. Chư thiên, nhân loại, Thanh văn và Bồ tát ở ngay nơi bản độ mà nhìn thấy xuyên suốt thế giới của chư Phật mười phương, để học hỏi, nghe pháp và phụng sự cúng dường.

 

Đại nguyện nầy còn gọi là Quốc độ thanh tịnh nguyện, Hình sắc công đức nguyện, Quốc độ quang sắc triệt chiếu nguyện, Quốc giới nghiêm tịnh nguyện, Tịnh như minh cảnh chiếu kiến thập phương nguyện, Đắc kiến thập phương nguyện,...

 

Nên, ta lạy Phật A Di Đà và quốc độ nghiêm tịnh thành tựu từ đại nguyện của Ngài, là ta có cơ hội tiếp xúc với tự tánh thanh tịnh vốn có nơi ta và qua tự tánh ấy, mà ta có thể tiếp xúc với quốc độ nghiêm tịnh của Phật A Di Đà và chư Phật mười phương để học hỏi, nghe pháp và phụng sự cúng dường các Ngài, ngay nơi đương xứ.

 

Đại nguyện ba mươi hai: Trang nghiêm cõi nước

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Cõi nước được trang điểm

Bằng châu báu và hương.

 

Những châu báu và hương thơm được dùng để trang điểm ở Tịnh độ Phật A Di Đà, không phải chỉ đơn thuần là vật chất mà những vật chất ấy, từ phước đức mà sinh ra và từ đại nguyện mà tạo thành.

 

Những châu báu và hương thơm kỳ diệu ấy, từ Giới định tuệ hay từ Bát chánh đạo, Ngũ căn, Ngũ lực, Tứ niệm xứ, Tứ như ý túc, Tứ chánh cần, Thất bồ đề phần, Bồ đề tâm, Bồ đề nguyện, Bồ đề hạnh, Tứ vô lượng tâm, Tứ vô ngại biện, Tứ vô sở úy, Mười năng lực trí tuệ,... tạo thành.

 

Thế giới Tịnh độ của Phật A Di Đà do được trang nghiêm bằng những châu báu của Pháp bảo ấy, nên từ đó mà có sự tương cảm, khiến những châu báu và hương thơm kỳ diệu của vật lý sinh ra để trang điểm thế giới ấy về mặt y báo.

 

Đại nguyện nầy khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, thì cõi nước của tôi được trang điểm bằng những châu báu đan xen và những hương thơm kỳ diệu, những người nghe hương đều tu theo hạnh Phật”.

 

Vì vậy, Nhân, Thiên, Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát ở Tịnh độ Phật A Di Đà khi tiếp xúc với hương, là đều hướng về Phật hạnh và nỗ lực thực tập hạnh ấy cho đến chỗ viên mãn.

 

Nên, đại nguyện nầy còn gọi là Quốc độ nghiêm sức nguyện, Cung điện bảo sức nguyện, Trang nghiêm công đức nguyện, Chúng bảo diệu hương hợp thành cung điện nguyện, Nghiêm tịnh kỳ diệu nguyện, Hương huân thập phương nguyện, Diệu hương hợp thành nguyện, Tạp vật hương huân nguyện,...

 

Do đó, ta lạy Phật A Di Đà, và Tịnh độ trang nghiêm cả hai mặt chánh báo và y báo của Ngài, là để thắp sáng các pháp môn và công hạnh tu tập trong đời sống hàng ngày của ta, nhằm nhắm tới Phật hạnh, và khi nhân duyên hội đủ, ta vãng sanh về Tịnh độ Phật A Di Đà cũng là để tiếp tục Phật hạnh ấy cho đến chỗ viên mãn.

 

Đại nguyện ba mươi ba: Xúc chạm ánh sáng

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Nguyện thân con tiếp xúc

Ánh sáng Phật phóng ra.

 

Ánh sáng vô lượng của Phật A Di Đà là ánh sáng thành tựu từ đại nguyện. Nên trong ánh sáng ấy, có chất liệu của Bồ đề tâm, Bồ đề nguyện và Bồ đề hạnh. Bồ đề tâm là Phật tính. Bồ đề nguyện là từ nơi bồ đề tâm mà tu học, và thấy tự tánh bất sinh, bất diệt hay tự tánh Như nơi vạn hữu, mà khởi đại nguyện từ bi hóa độ chúng sanh, nên gọi là bồ đề nguyện. Và bồ đề hạnh là biến bồ đề tâm, bồ đề nguyện trở thành hiện thực để cứu độ chúng sanh, liên tục dưới nhiều hình thức, không biết mỏi mệt cho đến ngày viên mãn bồ đề đại nguyện.

 

Với ánh sáng có công đức vô lượng thường chiếu như vậy, nên nó có khả năng nuôi dưỡng thân mệnh chúng sanh bằng xúc giác. Nghĩa là chúng sanh nào có tín hạnh nguyện đối với Tịnh độ là chúng sanh ấy, có tần số để tương ứng và ăn nhập với ánh sáng ấy, và ánh sáng ấy có tác dụng làm cho thân tâm của những chúng sanh đó, sinh ra những cảm giác thanh thoát, nhẹ nhàng.

 

Với đại nguyện nầy, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, ánh sáng của tôi chiếu soi đến tận vô lượng thế giới chúng sanh không thể nghĩ lường khắp cả muời phương, khiến thân tâm họ tiếp xúc, liền được nhẹ nhàng, thanh thoát hơn hẳn trời người”.

 

Đại nguyện nầy có nội dung như vậy, nên còn gọi là Xúc quang nhu nhuyến nguyện, Quang minh nhiếp ích nguyện, Quang minh nhu nhuyến nguyện, Quang xúc diệt tội nguyện,...

 

Vì vậy, ta lạy đức Phật A Di Đà mỗi ngày, để mỗi ngày ta có khả năng tiếp xúc với ánh sáng đại nguyện ấy, qua tín hạnh nguyện của ta, nhằm làm cho thân tâm ta nhẹ nhàng, thanh thoát và thăng hoa.

 

Đại nguyện ba mươi bốn: Chứng vô sanh nhẫn

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Được pháp vô sanh nhẫn

Nắm giữ hết pháp lành.

 

Vô sanh pháp nhẫn, tiếng Phạn là Anutpattikadharmakānti. Nhẫn nầy là do quán chiếu và chứng nhập lý tánh vô sanh diệt nơi vạn hữu, và an trú vững chãi ở nơi lý tánh ấy, khiến tâm bất động, nên gọi là đắc Vô sanh pháp nhẫn.

 

Tổng trì, tiếng Phạn là Dhārai. Nghĩa là nắm giữ hết thảy thiện pháp. Người thực tập pháp Tổng trì do sức mạnh của định và tuệ, nên nắm giữ hết thảy thiện pháp không để quên mất.

 

Đại nguyện nầy, khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chúng sanh ở vô lượng thế giới trong mười phương không thể nghĩ bàn, nếu được nghe danh hiệu của tôi, thì liền chứng Vô sanh pháp nhẫn và Tổng trì”.

 

Đại nguyện nầy có nội dung như thế, nên nó còn gọi Văn danh đắc nhẫn nguyện, Âm thanh nhiếp ích nguyện, Văn danh tất đắc vô sanh pháp nhẫn nguyện, Đắc thân pháp nhẫn nguyện, Pháp nhẫn tổng trì nguyện,...

 

Do nguyện lực của Phật A Di Đà có tác dụng với chúng sanh như vậy, nên qua đại nguyện nầy, giúp cho ta thấy rằng, thực hành pháp môn Tịnh độ bao gồm cả Thiền và Mật nữa. Nghĩa là Thiền Tông và Mật giáo đều có mặt ở trong Tịnh độ.

 

Thiền tông, Tịnh độ và Mật giáo đều là những thuộc tính của đạo Phật, chúng có tác dụng hỗ tương cho nhau để tựu thành Phật quả. Nếu ta tu tập chủ yếu là Thiền, thì Tịnh độ và Mật sẽ đóng vai trợ đạo cho ta. Nếu ta tu tập chủ yếu là Tịnh độ, thì Thiền và Mật sẽ đóng vai trợ đạo cho ta. Nếu ta tu tập chủ yếu là Mật, thì Thiền và Tịnh đóng vai trợ đạo cho ta. Người tu trong đạo Phật cần phải hiểu rõ nguyên tắc cơ bản nầy, để tránh rơi vào những cạm bẫy của những cực đoan. Mọi hành hoạt rơi vào cạm bẫy của cực đoan đều không phải là Phật giáo. Tại sao? Vì nó không phải là “Trung đạo”. Niết bàn được dẫn sinh từ trung đạo và vượt ra ngoài mọi hành hoạt của cực đoan.

 

Do đó, ta lạy đức Phật A Di Đà mỗi ngày là để mỗi ngày, ta đều có khả năng an trú vào tự tánh vô sinh diệt nơi ta và chính tánh ấy, nắm giữ hết thiện pháp.

 

Đại nguyện ba mươi lăm: Thoát ly nữ thân

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Nguyện cho những người nữ

Đều chuyển thành nam thân.

 

Tự thân của thân nữ có nhiều chướng ngại cho sự tu tập, là do ái nghiệp buộc ràng, khiến họ phải thụ thai và sinh nở, vì vậy cấu trúc thân thể sinh học của họ khá phức tạp và tế nhị hơn thân nam và cũng vì vậy, mà những cấu trúc tâm lý của họ cũng phức tạp và tế nhị để tương ứng với cơ thể sinh học của họ. Và cũng vì vậy, trách nhiệm chăm sóc con cái, những buộc ràng trong đời sống gia đình của họ khá nặng nề và lao nhọc hơn người nam. Đối với mặt xã hội cũng vậy, người nữ dù có được pháp quyền bảo vệ và ưu tiên đến mức nào đi nữa, thì họ vẫn không thể sống hay đi một mình ở nơi thanh vắng, vì vậy đối với sự tu học thân nữ có nhiều chướng ngại. Tuy rằng, có nhiều chướng ngại, nhưng không phải không vượt qua được. Có những người mang thân nữ, nhưng họ tu tập rất giỏi, vì sao? Vì tuy họ mang thân nữ, nhưng tâm của họ lại là tâm bồ đề!

 

Đại nguyện nầy, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, người nữ ở trong mười phương thế giới không thể nghĩ bàn, khi họ nghe danh hiệu tôi, tin vui, nhàm chán thân nữ, phát tâm bồ đề, thì sau khi sinh mệnh của họ kết thúc, không còn sinh trở lại với thân tướng nữ”.

 

Đại nguyện nầy có nội dung như vậy, nên nó còn gọi là Thoát ly nữ thân nguyện, Nữ nhân vãng sanh nguyện, Linh ly uế hình nguyện, Biến thành nam tử nguyện, Nữ nhân thành Phật nguyện,...

 

Vì vậy, ở đại nguyện nầy, Phật A Di Đà nói, những người nữ khi nghe danh hiệu của Ngài, họ tin vui, nhàm chán thân nữ, phát tâm bồ đề tu học, thì khi sinh mệnh kết thúc, họ không còn bị ái nghiệp ràng buộc để mang thân nữ nữa, họ thoát hẳn thân ấy, có thân thể đầy đủ các tướng của bậc trượng phu, như ở đại nguyện hai mươi mốt Ngài đã nguyện.

 

Do đó, ta lạy Phật mỗi ngày để nuôi dưỡng tâm từ bi và tự tánh bình đẳng nơi ta, khiến ta luôn có thân thể và tâm lý nhẹ nhàng, thanh thoát để tiến tu đạo nghiệp. Nếu người nữ thì chuyển hóa thành nam thân, thân có đầy đủ các phước tướng của bậc đại trượng phu và nếu đã là nam thân, thì đừng đánh mất phước đức của mình để trở thành thân và tâm của người nữ.

 

Đại nguyện ba mươi sáu: Tu hạnh thanh tịnh

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Chúng bồ tát phạm hạnh

Đến Phật quả sinh ra.

 

Đại nguyện nầy, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chúng Bồ tát trong thế giới mười phương vô lượng không thể nghĩ bàn, được nghe danh hiệu tôi, đến khi mạng chung, thường tu phạm hạnh cho đến khi thành Phật đạo”.

Phạm hạnh, tiếng Phạn Brahmacaryā. Hán dịch là Tịnh hạnh. Hạnh thanh tịnh mà người xuất gia và tại gia đệ tử Phật tu tập, giữ gìn các giới đã thọ một cách tinh tế và miên mật.

 

Nên, đại nguyện nầy còn gọi là Thường tu phạm hạnh nguyện, Văn danh giả tu hành bất thoái ích nguyện, Văn danh phạm hạnh giai chứng chánh giác nguyện, Linh lập phạm hạnh nguyện, Văn danh phạm hạnh nguyện,...

 

Với đại nguyện nầy, Bồ tát không những chỉ giữ gìn các tịnh giới của Thanh văn một cách tinh tế miên mật, mà từ Thanh văn giới, Bồ tát giữ gìn, phát triển thành Bồ tát giới, bằng đại nguyện và đại thệ qua tâm bồ đề, và duy trì thệ nguyện ấy liên tục, không gián đoạn cho đến khi tâm bồ đề sinh ra quả Phật. Đó là Bồ tát thường tu phạm hạnh.

 

Do đó, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày là để khi ta bỏ thân hay thọ thân đều ở trong tâm bồ đề, đều ở trong đại nguyện và đại thệ, nghĩa thường ở trong đời sống phạm hạnh vậy.

 

Đại nguyện ba mươi bảy: Trời người cung kính

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Bồ tát nghe danh hiệu

Tin vui thực tập theo.

 

Đại nguyện nầy, khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, vô lượng Bồ tát không thể nghĩ bàn ở trong thế giới mười phương, nghe danh hiệu tôi, lòng tin vui mừng, gieo năm vóc kính lễ sát đất, hành bồ tát đạo, trời người cung kính”.

 

Muốn được mọi người kính trọng, thì trước hết ta phải thực tập hạnh kính trọng đối với mọi người. Khi nghe những điều tốt đẹp từ người khác, từ những bậc cao đức, từ bồ tát và Phật nói ra, ta đem tâm cung kính tiếp nhận và thực hành, đó cũng là một trong những cách thực tập hạnh cung kính người khác. Hạnh cung kính đối với người khác cũng là hạnh của bồ tát.

 

Bồ tát biết rõ, chúng sanh bị ái nghiệp buộc ràng, bị lửa ngã chấp đốt cháy, bị sóng triều kiêu mạn nhận chìm, bị gió ác kiến thổi làm cho khô héo, nhưng bồ tát vẫn không khinh chúng sanh, vẫn thương và kính trọng những phẩm tính giác ngộ, quý hiếm vốn có nơi họ, nên nguyện làm thuận duyên hay nghịch duyên để giúp chúng sanh khai mở Phật tính.

 

Vì vậy, nguyện nầy của Phật A Di Đà là nguyện cho những vị Bồ tát trong mười phương khi nghe danh hiệu của Ngài, thì tin tưởng vui mừng, cung kính thực hành bồ tát hạnh, khiến cho trời người đều sinh tâm cung kính đối với bồ tát.

 

Nên, nguyện nầy còn gọi Văn danh tu hành đắc tha kính ích nguyện, Linh thành tôn đức nguyện, Tác lễ trí kính nguyện, Văn danh ái kính nguyện,...

 

Do đó, ta lạy đức Phật A Di Đà và đại nguyện nầy mỗi ngày, để niềm tin, sự kính trọng không những đối với Phật, Bồ tát, Thánh hiền mà còn đối với chúng sanh ở nơi ta được lớn mạnh và phát triển đến chỗ viên thành đại nguyện, như chính đức Phật A Di Đà đã viên thành.

 

Đại nguyện ba mươi tám: Y phục tùy niệm

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Nguyện chư thiên, nhân loại

Y phục có tự nhiên.

 

Khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chư thiên, nhân loại ở trong nước tôi, hễ muốn mặc y phục, thì y phục đẹp đúng như ý  tự nhiên đến”.

 

Nội dung của đại nguyện nầy như vậy, nên đại nguyện nầy, còn gọi là Y phục tùy niệm nguyện, Y phục tự nhiên nguyện, Ưng pháp diệu phục nguyện, Nhân thiên thụ lạc nguyện,...

 

Trong đời sống, con người lận đận với áo cơm, với ăn uống hầu như hết cả đời người, và cũng có khi vì áo cơm, ăn uống mà con người tàn hại, bóc lột, cướp giựt, dối láo lẫn nhau và ngay cả muôn vật. Sống với tâm như vậy, thì ác nghiệp tăng lên, thiện căn giảm xuống và phước báo tan dần.

 

Ở thế giới Tịnh độ, Phật A Di Đà, do đại nguyện của Ngài và do thiện căn phước đức nhân duyên của chư thiên và nhân loại ở đó, nên mọi hoạt động ở thế giới nầy không còn bị bận rộn bởi đời sống kinh tế, ăn hay mặc đều tùy niệm, nghĩa là tùy theo tác ý về ăn và mặc của chư thiên, nhân loại ở nơi thế giới ấy như thế nào, thì y phục và thực phẩm đều hiện ra cho họ đúng như thế ấy, để đáp ứng những nhu cầu của họ.

 

Sống ở trong đời, những người nào không bận rộn với áo cơm, những người ấy đã có phần nào phước báo của cõi Tịnh độ. Ở thế giới Tịnh độ, chư thiên và nhân loại không bận rộn áo cơm, là để có nhiều thì giờ thực tập sâu vào thiền định và thường trú ở trong thiền định, cho đến khi chứng ngộ Niết bàn. Như vậy, đại nguyện ba mươi tám nầy, nhằm hỗ trợ cho đại nguyện thứ mười một của Phật A Di Đà thành tựu.

 

Vì vậy, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày, là ta thực tập hạnh không gian tham trộm cắp, không bần tiện bỏn sẻn đối với các tài sản, lại thêm thực tập hạnh từ bi bằng sự cúng dường, bố thí, khiến cho phước báo Tịnh độ về “y phục tùy niệm”, nơi ta được tăng lên, và khi nhân duyên hội đủ, thì ta vãng sanh về thế giới Tịnh độ của Phật A Di Đà, cùng hiện hữu ở trong phước báo của cõi Tịnh độ ấy.

 

Đại nguyện ba mươi chín: Niềm vui vô tận

 

Con đem tâm kính lễ,

Đức Phật A Di Đà

Các phiền não dứt sạch

Niềm vui con không cùng.

 

Khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chư thiên, nhân loại ở trong nước tôi đều có niềm vui, như vị tỷ khưu hết sạch phiền não”.

 

Chưa dứt sạch phiền não mà vui, cái vui ấy là cái vui không chân thật. Cái vui sinh ra do đã dứt sạch phiền não, cái vui ấy là cái vui không cùng, vì nó không còn bị giới hạn và bị hủy diệt.

 

Một vị tỷ khưu do tu tập viên mãn, thanh tịnh về giới, định và tuệ, khiến những chủng tử căn bản của phiền não như tham, sân, si ở nơi tâm hoàn toàn dứt hẳn, từ đó niềm vui đối với chánh pháp sanh khởi và tăng trưởng mãi đến vô cùng.

 

Vì vậy, đại nguyện nầy, đức Phật A Di Đà, nguyện chư thiên và nhân loại ở nơi cõi nước của Ngài có được niềm vui, như đời sống của một vị tỷ khưu không còn phiền não. Nên, đại nguyện nầy còn có tên là Thọ lạc vô nhiễm nguyện,  Lạc như lậu tận nguyện, Tự nhiên lậu tận nguyện,...

 

Do đó, ta lạy đức Phật A Di Đà mỗi ngày, là mỗi ngày ta thực tập để giảm và đoạn trừ các phiền não nơi tâm ta, khiến ta có niềm vui chân thật và vô tận ở trong chánh pháp.

 

Đại nguyện bốn mươi: Ngay trong cây báu thấy rõ cùng khắp

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Bồ tát nhìn Đạo thọ

Thấy rõ Phật mười phương.

 

Khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, Bồ tát trong nước tôi, nhìn vào “đạo tràng thọ”, thấy rõ vô lượng cõi nước của chư Phật mười phương”.

 

Cây “Đạo tràng thọ” ở thế giới Tịnh độ, được tạo nên từ đại nguyện của Phật A Di Đà và từ phước đức nhân duyên thanh tịnh của chư thiên, nhân loại, chúng Thanh văn và Bồ tát của cõi nước ấy, nên bản chất và hiện tượng của nó hết sức trong suốt hơn cả lưu ly hay ngọc minh châu, nên vô lượng thế giới của chư Phật trong mười phương đều hiện ra ở trong “đạo tràng thọ” ấy. Đạo tràng thọ, cũng chính là tâm bồ đề thanh tịnh và xuyên suốt ở nơi mỗi chúng ta.

 

Vì vậy, Bồ tát ở Tịnh độ nhìn vô lượng thế giới của chư Phật mười phương qua “Đạo tràng thọ” hay tâm bồ đề xuyên suốt và thanh tịnh ở nơi chính mình.Và nhìn ngay nơi “Đạo tràng thọ” hay tâm ấy, mà Bồ tát ở cõi Tịnh độ Phật A Di Đà, thấy được bản chất và hiện tượng của mọi nhân duyên, nhân quả, chánh báo và y báo của vô lượng thế giới chư Phật mười phương. Nên, đại nguyện nầy, còn gọi là Thọ trung kiến độ nguyện, Tùy ý đắc kiến thập phương quốc độ nguyện, Chiếu kiến thập phương ích nguyện, Tùy ý chiếu kiến nguyện, Phổ kiến Phật độ nguyện,...

 

Do đó, ta lạy đức Phật A Di Đà mỗi ngày, để cho ta có điều kiện nhìn vào   “Đạo tràng thọ”, hay cây bồ đề nơi tâm ta và qua đó, mà ta có thể tiếp xúc và học hỏi được các phương pháp tu tập, nhiếp phục phiền não, nhân duyên và hạnh nguyện giáo hóa chúng sanh, kiến thiết quốc độ của vô lượng chư Phật ở trong thế giới mười phương.

 

Đại nguyện bốn mươi mốt: Các căn vẹn toàn

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Nguyện các căn Bồ tát

Đều thanh tịnh, trang nghiêm.

 

Khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chúng Bồ tát ở những cõi nước khác, nghe được danh hiệu của tôi, nếu căn thân của họ có khuyết thiếu, thì liền đầy đủ”.

 

Tu tập theo Thanh văn giới, thì căn cứ vào các tướng của căn thân mà thiết lập giới thể. Do đó, đối với những vị thọ Thanh văn giới, nhất là Tỷ khưu giới, thì các căn thân phải đầy đủ, nếu các căn thân không đầy đủ, thì dù có thọ Thanh văn giới thuộc tỷ khưu, thì giới thể của họ không thành tựu. Nhưng đối với Bồ tát giới là giới được thiết lập trên nền tảng của tâm bồ đề, và từ tâm ấy mà phát nguyện và hạnh của giới, nên dù căn thân không hoàn hảo mà giới thể bồ tát vẫn thành tựu.

 

Vì vậy, đức Phật A Di Đà, khi hành bồ tát, Ngài phát khởi đại nguyện bốn mươi mốt nầy, để trang nghiêm chúng bồ tát nơi cõi nước của Ngài, sau khi Ngài thành Phật và đồng thời yểm trợ cho các vị bồ tát đã, đang và sẽ phát tâm bồ đề, thọ trì bồ tát giới và hành bồ tát đạo trong vô số thế giới mười phương, khi nghe được danh hiệu của Ngài, thì khiến cho các căn thân của họ đầy đủ, nhằm thuận lợi cho sự tu tập và thực hành các hạnh lợi ích chúng sanh, trang nghiêm các cõi Phật.

 

Nên, nguyện nầy cũng còn gọi là Chư căn cụ túc nguyện, Chư tướng mạo diệu nguyện, Văn danh linh đắc đoan nghiêm báo nguyện, Văn danh chi Phật cụ túc chư căn nguyện, Cụ túc chư tướng nguyện, Văn danh cụ căn nguyện,...

 

Do đó, ta lạy đức Phật A Di Đà mỗi ngày, khiến cho giới thể Bồ tát trong ta được thăng tiến và viên mãn cả ba mặt. Đối với mặt pháp thân, thì ta nỗ lực đoạn trừ hết thảy lậu hoặc phiền não, để chứng nhập thể tính bất sinh, bất diệt. Đối với mặt báo thân, thì ta nỗ lực thực hành các thiện pháp, để thành tựu được báo thân với đầy đủ các phước tướng trang nghiêm. Đối với ứng hóa thân, thì ta nỗ lực làm lợi ích cho hết thảy muôn loài, để thành tựu được ứng hóa thân, tùy căn cơ mà ứng dụng để độ sanh.

 

Đại nguyện bốn mươi hai: Trong định cúng dường

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Nguyện Bồ tát tại định

Thường cúng Phật khắp nơi.

 

Khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chúng Bồ tát ở cõi nước khác, khi nghe danh hiệu tôi, họ đều chứng được Thiền định thanh tịnh giải thoát, khoảng một niệm khởi ý, mà cúng dường khắp cả chư Phật mười phương, nhưng tâm vẫn không rời thiền định”.

 

Đại nguyện thứ mười một, đức Phật A Di Đà, nguyện cho chư thiên và nhân loại ở trong quốc độ của Ngài, an trú ở trong thiền định để đoạn trừ hết thảy lậu hoặc cho đến khi thành tựu Niết bàn, còn đối với đại nguyện bốn mươi hai nầy, thì Ngài nguyện cho chúng Bồ tát ở trong các cõi nước khác, khi nghe danh hiệu của Ngài, thì chứng đắc được thiền định thanh tịnh giải thoát và ở trong thiền định nầy mà cúng dường chư Phật mười phương.

 

Nghĩa là Phật A Di Đà, trải qua vô số, vô biên kiếp, khi hành bồ tát đạo, thì trong mỗi hạnh, mỗi nguyện của Ngài đều kết thành danh hiệu của Ngài. Nên, trong danh hiệu của Ngài có vô lượng công đức thù thắng, có vô lượng năng lực gia trì không thể nghĩ bàn, không những đối với hết thảy chúng sanh, mà còn cả các vị Thanh văn và Bồ tát tu tập nữa. Nên, không những chúng sanh trong mười phương, nghe và chấp trì danh hiệu của Ngài, có lợi ích và công đức không thể nghĩ bàn, mà các vị Bồ tát trong mười phương từ hàng sơ phát tâm cho đến hàng Bồ tát nhất sanh bổ xứ, nếu nghe và chấp trì danh hiệu của Ngài, thì công đức của họ, thành tựu đối với sự tu học cũng không thể nghĩ bàn.

 

Với đại nguyện nầy, Ngài nguyện những vị Bồ tát ở những cõi nước khác, khi nghe danh hiệu của Ngài, liền chứng đắc Thiền định thanh tịnh giải thoát, và ở trong thiền định nầy, mà thực hiện và thành tựu hạnh cúng dường chư Phật mười phương. Nghĩa là một vị Bồ tát tu tập thành tựu được Thiền định Ba la mật, thì các hạnh Ba la mật khác như Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh Tấn, Thiền định, Trí, Nguyện, Lực, Phương tiện và Tuệ, đều cũng có thể thành được cùng một lúc. Và nếu Bồ tát tu tập thành tựu được Trì giới, Nhẫn nhục, hay Trí tuệ,... thì các hạnh Ba la mật còn lại, cũng có thể cùng một lúc thành tựu đúng như vậy.

 

Nên, đại nguyện nầy, còn gọi là Đắc tam muội ích nguyện, Chỉ quán câu hành nguyện, Văn danh linh đắc thanh tịnh giải thoát tam muội nguyện, Văn danh đắc định nguyên,...

 

Do đó, ta lạy đức Phật A Di Đà mỗi ngày, là để mỗi ngày giúp tâm ta, thường ở trong thiền định và ngay ở trong thiền định, mà thực hành các hạnh Bố thí, cúng dường, trì giới,... Nghĩa là các hạnh của ta làm mỗi ngày, hoàn toàn không bị điều khiển bởi các loại phiền não, mà trái lại các phiền não ở trong tâm ta đã bị nhiếp phục và chuyển hóa bởi các hạnh ấy.

 

Đại nguyện bốn mươi ba: Sanh nhà tôn quý

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Nguyện Bồ tát các cõi

Nhà Tôn quý sinh ra.

 

Khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, Bồ tát ở trong các cõi nước khác, khi nghe danh hiệu tôi, lúc sinh mệnh kết thúc liền sanh vào nhà tôn quý”.

 

Đây là đại nguyện của Phật A Di Đà, nhằm yểm trợ cho các vị Bồ tát tu tập, nhưng đang còn ở trong hai loại sinh tử là Phần đoạn và Biến dịch .

 

Phần đoạn sinh tử cũng còn gọi là hữu vi sinh tử. Chúng sanh trong ba cõi do tạo nghiệp thiện ác khác nhau, nên chiêu cảm quả báo về thân tướng xấu đẹp khác nhau và thọ mạng dài ngắn bất đồng, vì vậy gọi là Phần đoạn sinh tử.

 

Các nhà Duy thức học giải thích rằng: Phần đoạn sinh tử, trực tiếp lấy nghiệp thiện ác hữu lậu làm nhân, lấy phiền não chướng làm nhân gián tiếp, từ đó mà chiêu cảm quả báo thô trọng trong ba cõi, khiến thân mạng có dài ngắn, tùy thuộc vào năng lực của nhân duyên, mà có hạn lượng nhất định, vì vậy gọi là Phần đoạn sanh tử. (Thành Duy Thức Luận 8).

 

Biến dịch sanh tử cũng còn gọi là vô vi sinh tử hay bất tư nghị biến dịch sinh tử. Nghĩa là thân nầy, do sức mạnh của bản nguyện từ bi vô lậu, làm thay đổi thân phần đoạn sinh tử thô trọng, thành thân thể tinh tế, không có hình sắc, không bị hạn định tuổi thọ,... nên gọi là thân biến dịch. Thân nầy do năng lực thiền định và bản nguyện từ bi tạo thành, diệu dụng của thân nầy khó có thể lường biết được, nên gọi là thân bất tư nghị. Lại nữa, thân nầy do ý nguyện đại bi mà thành tựu, nên cũng gọi là ý sanh thân hay vô lậu thân.

 

Các vị A la hán, Bích chi phật và Bồ tát đại sĩ đã đoạn sạch hết các phiền não làm chướng ngại đối với Niết bàn, nên quý vị không còn thọ thân thuộc về phần đoạn sinh tử ở trong ba cõi, tức là thân thuộc về dục giới, sắc giới và vô sắc giới, nhưng còn phải tiếp nhận thân thể biến dịch ở ngoài ba cõi.

 

Tuy, đã được tự do, ở ngoài ba cõi sinh tử, nhưng do đại nguyện tu hành, quý vị lại sử dụng thân thể biến dịch nầy để trở lại trong ba cõi sinh tử,  thực hành các hạnh nguyện bồ tát, trải qua thời gian dài lâu, cho đến khi thành tựu đạo quả Vô thượng bồ đề.

 

Đức Phật A Di Đà, khi còn tu nhân, Ngài đã thấy rõ các loại sinh tử như vậy. Và thấy rõ các vị phát tâm tu bồ tát đạo ở trong các cõi nước, có vị tuy phát bồ đề tâm tu bồ tát đạo, nhưng nghiệp chủng vẫn đang còn liên hệ đến phần đoạn sinh tử hoặc có vị đang liên hệ đến biến dịch sinh tử. Vì vậy, Ngài đã phát khởi đại nguyện nầy, để yểm trợ cho những vị bồ tát trong mười phương, dù họ đang ở trong phần đoạn sinh tử hay biến dịch sinh tử, đều được sinh vào những gia đình phước đức tôn quý, để thuận lợi cho sự tu tập và thực hành tâm bồ đề đến chỗ viên mãn. Nên, nguyện nầy còn gọi là Sinh tôn quý gia nguyện, Văn danh tử hậu sinh tôn quý gia nguyện, Sinh tôn quý gia ích nguyện,...

 

Do đó, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày, để mỗi ngày tâm ta đều sinh ra những chất liệu tốt đẹp của các bậc Thánh hay các bậc Bồ tát đại sĩ, để đời nào ta sinh ra, cũng nhớ đến tâm bồ đề mà tu tập và luôn luôn được sinh ra ở trong những dòng họ tôn quý, có niềm tin thâm sâu với chánh pháp.

 

Đại nguyện bốn mươi bốn: Đủ cội công đức

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Nguyện Bồ tát các cõi

Đầy đủ cội công đức.

 

Đại nguyện bốn mươi bốn, khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chúng Bồ tát ở nước khác, nghe danh hiệu tôi, vui mừng tu hạnh Bồ tát, đầy đủ cội công đức”.

 

Đức Phật A Di Đà, khi còn hành Bồ tát đạo, Ngài đã chứng kiến Bồ tát trong các cõi nước, khi tu tập có những vị muốn thực hành bố thí, nhưng thiếu tài sản; có những vị muốn thực hành trì giới, nhưng không có giới sư truyền thụ và hướng dẫn đúng pháp; có những vị muốn thực hành nhẫn nhục, nhưng lại thiếu tâm từ bi; có những vị muốn thực hành hạnh tinh tấn, nhưng bị mất định hướng; có những vị muốn thực hành thiền định, nhưng tâm thường tán loạn; có những vị muốn thực hành trí tuệ, nhưng tâm trí thường bị muội liệt; có những vị muốn hóa độ chúng sanh, nhưng không có đủ phương tiện trí,... do đó mà con đường tu tập bồ tát hạnh bị trở ngại.

 

Vì vậy, Phật A Di Đà khi hành bồ tát đạo, Ngài đã chứng kiến những điều trở ngại ấy của các vị Bồ tát ở các cõi nước, nên Ngài đã phát khởi đại nguyện, khi Ngài thành Phật, thì chúng Bồ tát ở nơi cõi nước của Ngài có đầy đủ căn bản công đức để thực hành hạnh bồ tát.

 

Và muốn đầy đủ căn bản công đức, thì phải phát khởi tâm bồ đề hành bồ tát đạo. Tâm bồ đề là gốc lành căn bản cho mọi công đức thành tựu. Nếu Bồ tát không từ nơi tâm bồ đề mà khởi lên nguyện và hạnh, thì gọi là Bồ tát không có căn bản công đức. Và nếu Bồ tát từ nơi tâm bồ đề mà khởi lên nguyện và hạnh, thì bồ tát không những có căn bản công đức, mà vô lượng công đức của Bồ tát từ đó mà thành tựu.

 

Ở trong muôn hạnh, Bồ tát chỉ có một hạnh duy nhất là hạnh bồ đề và trong một hạnh bồ đề ấy có đầy đủ cả muôn hạnh. Vì vậy, Bồ tát để mất tâm bồ đề là mất vô lượng công đức. Và Bồ tát thối tâm bồ đề, thì hết thảy công đức đều bị hư mục. Vì vậy, đại nguyện nầy còn gọi Văn danh quy gia nguyện, Tu hành cụ túc ích nguyện, Văn danh cụ đức nguyện,...

 

Do đó, ta lạy đức Phật A Di Đà mỗi ngày là để mỗi ngày, ta có cơ hội tiếp xúc với tâm bồ đề và vun bón công đức căn bản của chúng ta từ tâm ấy.

 

Đại nguyện bốn mươi lăm: Trong định thấy Phật

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Tâm Bồ tát thiền định

Thường thấy Phật mười phương.

 

Đây là đại nguyện bốn mươi lăm, khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà  nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chúng Bồ tát ở những cõi nước khác, nghe danh hiệu tôi, đều chứng được thiền định cùng khắp, an trú ở trong thiền định nầy và thường thấy chư Phật với số lượng không thể nghĩ bàn, cho đến khi thành Phật”.

 

Thiền định cùng khắp, Hán gọi là Phổ đẳng tam muội. Đối với thời gian, thì Bồ tát ở trong thiền định nầy, nhiếp phục hết thảy các loại phiền não từ thô trọng đến vi tế, cho đến khi nhất tâm và thành Phật. Đối với không gian, thế giới tuy vô lượng, vô số, vô biên, không thể tính hết, không thể nghĩ lường, nhưng không ra ngoài nhất tâm. Bồ tát do nhiếp phục hết thảy vọng tâm, khiến tâm thường lưu trú ở nơi nhất chân pháp giới, tức là ở nơi pháp thân bình đẳng của chư Phật. Do tâm của Bồ tát thường trú ở nơi thiền định nầy, nên thường thấy được vô số, vô lượng, vô biên bản thân chư Phật khắp cả mười phương qua bản tâm thanh tịnh, hoàn toàn không còn nhiễm ô của mình. Ngay nơi bản tâm thanh tịnh của Bồ tát, vô số chư Phật trong mười phương thường có mặt ở nơi tâm ấy, để cho Bồ tát thường diện kiến pháp thân của các Ngài.

 

Vì vậy, đại nguyện nầy còn gọi là Thường kiến chư Phật ích nguyện, Trú định kiến Phật nguyện, Phổ đẳng tam muội nguyện, Bất ly chư Phật nguyện,...

 

Do đó, ta lạy đức Phật A Di Đà mỗi ngày là mỗi ngày, ta có cơ hội nhiếp phục phiền não ở  nơi tâm, đưa tâm đến chỗ thuần nhất thanh tịnh và chính nơi tâm ấy, ta thường diện kiến được vô số chư Phật khắp cả mười phương, không chỉ là ứng hóa thân, báo thân mà còn diện kiến được pháp thân thường trú bất sanh diệt của hết thảy các Ngài.

 

Đại nguyện bốn mươi sáu: Nghe pháp tùy nguyện

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Nguyện Bồ tát cõi nước

Thường nghe diệu pháp âm.

 

Đây là đại nguyện bốn mươi sáu, khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà  nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chúng Bồ tát ở trong nước tôi, tùy chí nguyện muốn nghe pháp của mỗi người, liền tự nhiên được nghe”.

 

Trong kinh Phật Thuyết A Di Đà ghi lại rằng, bấy giờ đức Phật Thích Ca gọi Tôn giả Xá Lợi Phất mà bảo rằng: “Từ quốc độ nầy, hướng về phía Tây, trải qua mười vạn ức cõi nước chư Phật, có một cõi nước tên là cực lạc. Cõi nước ấy, có đức Phật giáo chủ danh hiệu là A Di Đà, hiện nay vẫn còn đang thuyết pháp”. (Phật Thuyết A Di Đà Kinh, La Thập dịch, tr 346c, Đại Chính 12).

 

Như vậy, ta biết cõi cực lạc và danh hiệu Phật A Di Đà là qua lời chỉ dạy của đức Phật Thích Ca. Đức Phật Thích Ca là vị giáo chủ thời hiện tại của thế giới Ta bà là thế giới mà chúng ta đang cư trú, còn đức Phật A Di Đà là vị giáo chủ thời hiện tại của thế giới cực lạc ở phương Tây, và như lời đức Phật Thích Ca dạy là hiện nay, đức Phật A Di Đà hiện đang thuyết pháp ở nơi thế giới của Ngài.

 

Không những vậy, mà đức Phật Thích Ca còn dạy, ở nơi thế giới cực lạc của Phật A Di Đà, còn có các loại chim lạ đẹp, màu sắc xen nhau, đại loại như Bạch hạc, Khổng tước, Anh vũ, Xá lợi, Tần già, Cộng mạng. Các loài chim nầy ngày đêm sáu thời, thường hót ra những âm thanh hòa nhã. Trong âm thanh ấy đều diễn xướng các pháp thoại như:  Năm căn bản, Năm năng lực, Bảy thành phần tuệ giác, Tám thành phần Thánh đạo,... Chúng sanh trong cõi nước của Ngài, khi nghe âm thanh ấy, họ đều nhớ đến Phật, nhớ đến Pháp, nhớ đến Tăng.

 

Đức Phật Thích Ca còn dạy, cõi nước Phật A Di Đà, cái tên ba nẻo đường xấu ác còn không có, huống gì là có sự thật về các con đường ấy. Các loài chim ấy đều do đức Phật A Di Đà, vì muốn pháp âm được lưu truyền mà biến hóa ra những loài chim ấy.

 

Đức Phật Thích Ca còn nói với Tôn giả Xá Lợi Phất rằng: “Ở cõi nước cực lạc của đức Phật A Di Đà, gió nhẹ thổi động những hàng cây báu và lưới báu, phát ra những âm thanh tuyệt diệu, ví như trăm ngàn nhạc khí cùng hòa tấu một lúc. Ai nghe âm thanh ấy, tâm tự nhiên liền sinh ra nhớ đến Phật, nhớ đến Pháp, nhớ đến Tăng”. (Phật Thuyết A Di Đà Kinh, La Thập, tr 347a, Đại Chính 12).

 

Như những lời đức Phật Thích Ca chỉ dạy ở trong Kinh Phật Thuyết A Di Đà, cho ta thấy rằng, chúng sanh ở thế giới phương Tây của Phật A Di Đà, ở đâu và lúc nào cũng có thể được nghe pháp thoại, qua nhiều hình thức, qua nhiều phương tiện khác nhau, tùy theo đức tin Tịnh độ và khả năng nhiếp phục tâm, cũng như khả năng loại trừ những phiền não nơi tâm của họ, mà được nghe pháp và chứng ngộ pháp.

 

Chúng sanh hay hàng Bồ tát ở thế giới Tịnh độ Phật A Di Đà được nghe pháp và có thể chứng ngộ được pháp, tùy theo ý nguyện là do đại nguyện thứ bốn mươi sáu nầy của Phật A Di Đà vậy.

 

Nên, đại nguyện nầy còn gọi là Tùy ý văn pháp nguyện, Văn pháp tự tại nguyện, Tùy dục đắc văn ích nguyện,...

 

Vì vậy, ta lạy đức Phật A Di Đà mỗi ngày là mỗi ngày, ta tiếp xúc được với pháp âm vi diệu của Ngài thường thuyết pháp, qua nhiều hình thức và nhiều âm thanh khác nhau, theo hạnh và nguyện của mỗi chúng ta. Và qua nhiều hình thức và nhiều loại âm thanh thuyết pháp mà ta nghe ấy, khiến tâm ta khai ngộ chứng nhập nhất âm, ấy là Phật âm. Phật âm là âm thanh viên giáo. Âm thanh ấy từ nơi chứng ngộ thực tướng các pháp mà nói ra, từ nơi tâm bình đẳng mà diễn xướng và từ nơi tâm đại bi mà diễn thuyết không cùng.

 

Đại nguyện bốn mươi bảy: Không còn thoái chuyển

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Và Bồ tát các cõi

Bất thối chuyển bước lên.

 

Đây là đại nguyện bốn mươi bảy, khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà  nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, Bồ tát trong các cõi nước khác, nghe danh hiệu tôi, liền đạt được bậc Bất thối chuyển”.

 

Bất thối chuyển, tiếng Phạn là avinivartanīya, Hán phiên âm là a duy việt trí, a bệ bạt trí và dịch là bất thối chuyển, vô thối, tất định,... Bất thối chuyển, nghĩa là không còn quay trở lui. Bồ tát tu tập đạt đến địa vị nầy rồi thì không còn bị rơi mất những gì mà mình đã tu chứng và giác ngộ.

 

Bồ tát ở vào địa vị Bất thối chuyển nầy, có nhiều thuyết giải thích khác nhau. Kinh Đại bát nhã quyển 449, giải thích: “Bồ tát tu tập vào vị trí Kiến đạo, được Vô sanh pháp nhẫn, thì không còn rơi lui lại Nhị thừa địa, nên gọi là bất thối”.

 

Theo Khuy Cơ có bốn loại bất thối:

1-       Tín bất thối: Trong mười tín vị, nếu tâm Bồ tát tu tập đạt đến vị trí tín thứ sáu, thì không còn khởi lên tà kiến.

2-       Vị bất thối: Trong mười trú vị, nếu tâm bồ tát tu tập đạt đến vị trí trú thứ bảy trở lên, thì không còn rơi lui địa vị của Thanh văn và Duyên giác.

3-       Chứng bất thối: Trong mười địa vị, nếu tâm bồ tát tu tập đạt đến địa vị đầu tiên trở lên, thì pháp học, pháp hành của bồ tát không còn bị rơi mất.

4-       Hạnh bất thối: Trong mười địa vị, nếu tâm bồ tát tu tập đạt đến địa vị thứ tám trong mười địa vị ấy, có thể tu hạnh hữu vi và vô vi mà không bị lui mất. (Khuy Cơ, Pháp Hoa Huyền Tán 2).

 

Theo Ca Tài có bốn bất thối như sau:

1-       Niệm bất thối: Chỉ cho Bồ tát Bát địa trở lên.

2-       Hành bất thối: Chỉ cho Bồ tát từ Sơ địa trở lên.

3-       Vị bất thối: Chỉ cho Bồ tát từ Thập giải, hay Thập trú trở lên.

4-       Xứ bất thối: Chỉ cho hành giả đạt đến thế giới Tịnh độ phương tây của Phật A Di Đà, đã đạt được “chánh định tụ”, vĩnh viễn không còn thối chuyển. (Ca Tài, Tịnh độ luận, quyển thượng).

 

Theo Châu Hoằng có bốn bất thối như sau:

1-       Nguyện bất thối: Chỉ cho hành giả phiền não chưa đoạn hết mà sanh về cõi Tịnh độ Phàm thánh đồng cư.

2-       Hành bất thối: Chỉ cho những hành giả đã đoạn trừ những sai lầm thuộc về nhận thức và những sai lầm thuộc về các tư niệm mà được sanh về cõi Tịnh độ Phương tiện hữu dư.

3-       Trí bất thối: Chỉ cho hành giả đã đoạn trừ được một phần phiền não vô minh mà sanh về cõi Thật báo vô chướng ngại.

4-       Vị bất thối: Chỉ cho hành giả đã diệt trừ hết thảy những sai lầm của nhận thức, của tâm và của trí mà sanh về cõi Thường tịch quang. (Châu Hoằng, A Di Đà Kinh Sớ Sao, quyển 3).

 

Theo Trí Húc có bốn bất thối như sau:

1-       Niệm bất thối: Chỉ cho hành giả phá trừ vô minh, hiển bày Phật tính, mà trực tiếp sinh về cõi Thường tịch quang thực báo phần chứng,

2-       Hành bất thối: Chỉ cho hành giả đoạn trừ những sai lầm thuộc về nhận thức, các tư niệm và những sai lầm nhỏ nhặt như cát bụi, mà sinh về cõi Phương tiện và hướng tới Tịnh độ cực lạc.

3-       Vị bất thối: Chỉ cho hành giả đới nghiệp vãng sanh, mà sanh về Tịnh độ Phàm thánh đồng cư.

4-       Tất kính bất thối: Bất luận là người niệm Phật chí tâm hay tán tâm, hữu tâm hay vô tâm, hiểu hay không hiểu, nhưng một khi danh hiệu Phật A Di Đà, hay danh hiệu của chư Phật ở trong sáu phương đã đi qua thính giác, thì dù họ phải trải qua trăm ngàn vạn kiếp trong sinh tử, cuối cùng nhờ nhân duyên ấy, nên rồi cũng được độ thoát. (Trí Húc, A Di Đà Kinh Yếu Giải).

 

Đức Phật A Di Đà, khi tu nhân Ngài phát đại nguyện nầy là để yểm trợ cho các hàng Bồ tát đang tu học trong mười phương vượt qua những chướng ngại do ngoại cảnh mà suy thoái tâm bồ đề, do bị chướng ngại quả báo mà suy thoái tâm bồ đề, do bị chướng ngại bởi phiền não mà suy thoái tâm bồ đề hoặc do bị chướng ngại bởi vô minh mà suy thoái tâm bồ đề. Và tâm bồ đề đối với Tịnh độ không suy thoái là không suy thoái đối với Tín hạnh và nguyện. Tín hạnh nguyện không suy thoái, nghĩa là không suy thoái đối với đạo quả Vô thượng bồ đề.

 

Nên, nguyện nầy còn gọi là Văn danh bất thối nguyện, Thính danh tức chí đắc bất thối chuyển nguyện, Gia lực bất thối chuyển, Đắc bất thối chuyển nguyện,...

 

Do đó, ta lạy đức Phật A Di Đà mỗi ngày là mỗi ngày, ta thăng tiến tâm bồ đề của ta đến chỗ viên mãn.

 

Đại nguyện bốn mươi tám: Chứng ba pháp nhẫn

 

Con đem tâm kính lễ

Đức Phật A Di Đà

Bồ tát ba pháp nhẫn

Bậc Bất thoái bước lên.

 

Đại nguyện bốn mươi tám, khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chúng Bồ tát ở những cõi nước khác, nghe danh hiệu tôi, liền được đệ nhất, đệ nhị, đệ tam pháp nhẫn ở nơi Phật pháp và liền được bậc Bất thoái chuyền”.

 

Ba pháp nhẫn, Hán gọi là Tam pháp nhẫn. Phạn là Tisra kāntaya. Nhẫn là giác ngộ được bản thể của mọi sự hiện hữu và nhận ra đươc tính chân như đối với sự nơi mọi hiện hữu ấy, mà tâm được an lạc, nên gọi là nhẫn. Nhẫn có ba loại:

 

1-       Âm hưởng nhẫn: Tiếng Phạn là Ghoānugamadharmakānti. Hán dịch là Tùy thuận âm thanh nhẫn. Nghĩa là do lắng nghe giáo pháp mà tâm được an ổn. Bồ tát ở địa vị Thập tín, nhờ nghe pháp âm mà liễu ngộ pháp tính, nên gọi là âm hưởng nhẫn.

2-       Nhu thuận nhẫn: Tiếng Phạn là Anulomikīdharmakānti. Hán dịch là Tư duy nhu thuận nhẫn, Nhu thuận pháp nhẫn. Nghĩa là do tự mình tư duy mà giác ngộ và thuận hợp với chân lý. Các Bồ tát ở vào địa vị tam hiền (Thập trú, Thập hạnh và Thập hướng), do đã nhiếp phục được các mê lầm của phiền não và nghiệp, nên an trú được tự tính vô sinh nơi sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp), gọi là Nhu thuận nhẫn.

3-       Vô sanh pháp nhẫn: Tiếng Phạn Anutpattikadharmakānti. Nghĩa là khế hợp với chân lý. Bồ tát từ địa vị thứ bảy trở lên, do tu tập ly hết thảy tướng mà chứng ngộ thực tướng. Nghĩa là do giác ngộ được lý vô tướng nơi các tướng, lý vô sinh diệt nơi các tướng sanh diệt và thường an trú nơi lý vô sanh diệt ấy, nên gọi là Vô sanh pháp nhẫn. Và vô sanh pháp nhẫn cũng đã được một số nhà Phật học giải thích Pháp nhẫn là an trú ở nơi Pháp vô sanh. Vô sanh là Niết bàn, an trú nơi Pháp vô sanh là an trú ở nơi thực tướng của các pháp. Thực tướng của các pháp là tịch diệt tướng. Tịch diệt tướng là tướng hoàn toàn vắng lặng. Vắng lặng các tướng chính là Niết bàn.

 

Theo Quán Kinh Tự Phần Nghĩa, do thấy cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà mà sinh tâm vui mừng, nên được ba pháp vô sinh nhẫn:

1-       Hỷ nhẫn: An nhẫn do tâm vui mừng khi thực hành Tịnh độ.

2-       Ngộ nhẫn: An nhẫn do tâm giác ngộ được sự lý Tịnh độ.

3-       Tín nhẫn: An nhẫn do tâm tin tưởng vào thế giới Tịnh độ.

 

Nghĩa của tam pháp nhẫn, có nhiều kinh luận giải thích sâu cạn, rộng hẹp khác nhau, tùy theo sở ngộ và chỗ lập tông của người giải, ở đây không phiền trích dẫn.

 

Với đại nguyện nầy, đức Phật A Di Đà, yểm trợ năng lực cho các vị Bồ tát đang tu tập và hành đạo ở mười phương, khiến cho tất cả khi nghe danh hiệu của Ngài, tùy theo sức nghe và sự quán chiếu, mà được đi vào địa vị các nhẫn và bước lên địa vị của bậc Bồ tát không còn suy thoái đối với hạnh nguyện và đạo quả Vô thượng bồ đề nữa.

 

Nên, ta lạy đức Phật A Di Đà mỗi ngày là mỗi ngày, làm cho tâm ta an trú vào sự vững chãi của niềm tin, của nguyện và hạnh, cũng như an trú vững chãi đối với Phật pháp và đối với Giáo hạnh lý quả của Tịnh độ, để giác ngộ tự tính bất sinh, bất diệt ở nơi tự tâm và vạn hữu, khiến thế giới Tịnh độ Phật A Di Đà đối với ta không phải là ước mơ mà là hiện tiền. Và đạo quả Vô thượng bồ đề của chư Phật, đang tinh kết và nở ra cho ta, trong từng phút giây của sự sống.

 

Thư Mục Tham Khảo

 

- Phật Thuyết A Di Đà Kinh, Hán, La Thập, Tr 346, Đại Chính 12.

Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, Hán, - Cương Lương – Da Xá, Tr 340, Đại Chính 12.

-Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh, Hán, Huyền Trang, Tr 348, Đại Chính 12.

-Phật Thuyết Đại A Di Đà Kinh, Vương Nhật Hưu,

Hiệu Đề?, Tr 326, Đại Chính 12.

-Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh, Hán, Pháp Hiền, Tr 318, Đại Chính 12.

- Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Kinh, Hán, Khương Tăng Khải, Tr 265, Đại Chính 12.

- Phật Thuyết Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác kinh, Hán, Chi Lâu Ca Sấm, Tr 279, Đại Chính 12.

- Vô Lượng Thọ Như Lai Hội, Hán, Bồ Đề Lưu Chí, Tr 91, Đại Chính 11.

- Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Sớ, Hán, Tuệ Viễn Soạn, Tr 91, Đại Chính 37.

- Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Sớ, Hán, Cát Tạng Soạn,  Tr 116, Đại chính 37.

- Lưỡng Quyển Vô Lượng Thọ Kinh Tông Yếu, Hán, Nguyên Hiểu Soạn, Tr 125, Đại chính 37.

-Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Sớ, Hán, Tuệ Viễn Soạn, Tr 173, Đại Chính 37.

- Quán Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Sớ, Tuệ Viễn Soạn, Tr 173, Đại Chính 37.

- Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ kinh Nghĩa Sớ, Hán, Trí Khải Thuyết, Tr 186, Đại Chính 37.

- A Di Đà Kinh Nghĩa Kinh, Hán, Trí Khải Thuyết, Tr 306, Đại Chính 37.

-A Di Đà Kinh Sớ, Hán, Khuy Cơ Soạn, Tr 310, Đại Chín 37.

-A Di Đà Kinh Thông Tán Sớ, Hán, Khuy Cơ Soạn, Tr 329, Đại Chính 37.

- Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải, Hán, Trí Húc Giải, Tr 363, Đại Chính 37.

- Đại Thừa Khởi Tín Luận, Bồ Tát Mã Minh Tạo, Chân Đế, Đời Lương Dịch; Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường Dịch, Tr 575 – 583, Đại Chính 32.

- Sukhāvatīvyūha |

- Source: Vaidya, Dr. P.L ed.  Buddhist Sanskrit Texts No. 17 Mahāyāna-sūtra-sagraha (part 1).  Darbhanga :The Mithila Institute, 1961, p 221-253

- Amitabha`s forty – eight vows From Wiki Source.

- The Larger Sukhavativiyuha – The Smaller Sukhavatiyuha, Translated By F, Max Muller.

- The Amitayur – Dhyana – Sutra, Translated By J. Takakusu, Tịnh Độ Tông Toàn Thư. 

 

 

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay