Thế kỷ XIX và những thập niên đầu của thế kỷ XX, Ấn Độ đã nổi bật lên và thu hút cái nhìn của thế giới như một mảnh đất huyền bí bấy lâu chưa được khám phá. Việc nghiên cứu thuộc nhiều lãnh vực về vùng đất này của các học giả phương Tây đã khiến thế giới ngẩn ngơ trước những điều kỳ diệu mà bấy lâu họ chưa hề biết.
Và trong cùng khoảng thời gian này, Ấn Độ cũng trở thành tâm điểm gây chú ý bởi sự phát khởi những phong trào cải cách tôn giáo, xã hội, cũng như sự xuất hiện những nhà lãnh đạo lỗi lạc trong công cuộc giành độc lập cho dân tộc mình. Hình ảnh Mahatma Gandhi, với sự đấu tranh bền bỉ theo đường lối bất bạo động đã trở thành một điểm son trong lịch sử Ấn, khiến cho nhiều người cúi đầu kính ngưỡng. Cùng thời điểm với Gandhi, người ta cũng không thể quên được tiến sĩ B.R. Ambedkar với công cuộc cải cách xã hội của ông, đã đưa hàng trăm ngàn người thuộc tầng lớp Dalit (tầng lớp tiện dân) từ bỏ tôn giáo gốc của họ để quy y theo Phật giáo, với mong muốn tìm lấy sự bình đẳng và cơ hội phát triển cá nhân. Và người ta cũng không thể không nhắc đến Jawaharlal Nehru, một nhà tư tưởng và cũng là một chính khách kiệt xuất đã cùng với Gandhi giành lấy độc lập cho dân tộc mình từ tay Anh quốc.
Jawaharlal Nehru (1889-1964) xuất thân từ một gia đình thuộc đẳng cấp Bà-la-môn giàu có ở Allahabad, một thành phố nằm dọc bên bờ sông Hằng thuộc tiểu bang Uttar Pradesh. Ông sang Anh du học vào năm mười lăm tuổi tại các trường Harrow và Cambridge, rồi quay trở về Ấn Độ vào năm 1912, sau bảy năm du học và bắt đầu hành nghề luật sư. Ông thực sự bắt đầu sự nghiệp hoạt động chính trị vào năm 1919, sau lần tiếp chuyện với Mahatma Gandhi. Và khi Ấn Độ giành được độc lập vào năm 1947, ông đã trở thành vị thủ tướng đầu tiên của đất nước này.
Jawaharlal Nehru mặc dù được sinh ra trong một gia đình theo Hindu giáo nhưng bản thân ông lại không theo tôn giáo truyền thống, và cũng không hề theo một tôn giáo nào. Tuy vậy, ông không phải là người vô thần hay người chống tôn giáo. Ông chỉ chống lại những niềm tin sai lầm, mê tín và chủ nghĩa giáo điều. Nehru coi trọng tinh thần khoa học và cho rằng những giải pháp khoa học có thể giải quyết nạn đói nghèo và lạc hậu ở đất nước ông cũng như trên toàn thế giới. Nhưng ông cũng nhận thức rất rõ những giá trị đạo đức tôn giáo đối với cuộc sống và những vấn đề của nó. Ông không phủ nhận niềm tin tôn giáo, nhưng những niềm tin đó theo ông phải được đặt dưới ánh sáng khoa học và được chọn lựa theo tinh thần khoa học. Trong Khám phá Ấn Đô (The Discovery of India), ông đã trích dẫn lại lời của Ecrasez-L’infame: “Một người chấp nhận tôn giáo của mình mà không kiểm nghiệm nó thì giống như con bò tự cho đống ách lên mình”. (A man who accepts his religion without examining it is like an ox which allows itself to be harnessed).
Nehru thể hiện quan điểm của mình về tôn giáo từ khi bắt đầu viết cuốn Khám phá Ấn Độ ở trong nhà giam Ahmednagar từ 1934-1935. Trong tác phẩm này, ông đã dành khoảng hai mươi trang để nói về Phật giáo. Và qua những gì ông viết, cho thấy ông đã chịu một sự ảnh hưởng lớn lao từ cuộc đời và lời dạy của Đức Phật. Cũng như Gandhi và Targo, ông là người rất yêu thích tác phẩm Ánh sáng Á châu (The Light of Asia) của Edwin Arnord, một thi phẩm trình bày về cuộc đời của Đức Phật và đã có sự tác động lớn lao vào tầng lớp tri thức nhân loại. Nehru viết: “… Tôi đã bị cuốn hút theo thanh niên Siddhartha, người sau nhiều cuộc đấu tranh nội tâm, khổ đau dằn vặt, đã trở thành Phật. Ánh sáng Á châu của Edwin Arnold trở thành một trong những cuốn sách tôi yêu thích nhất. Vào những năm sau, trong nhiều lần về thăm tỉnh nhà của mình, tôi thích viếng thăm nhiều nơi liên quan đến cuộc đời của Đức Phật. Hầu hết những nơi này đều nằm ở tỉnh nhà của tôi hoặc không xa đó lắm…” (Khám phá Ấn Độ).
Nehru tìm thấy nơi lời dạy của Đức Phật hơn hai ngàn năm trăm năm trước những giá trị phổ quát có thể áp dụng để đem lại hòa bình cho thế giới hiện tại. Theo ông, Phật giáo là ánh sáng của toàn thế giới chứ không phải chỉ riêng của Ấn Độ. Nehru được đào tạo nhiều năm ở phương Tây, nhưng trong đời sống thực tế của một thế giới đầy nước mắt và chướng ngại, ông đã gặp không ít bối rối và nhận thấy rằng những gì mình có được là thật sự đang thiếu để sống và lãnh đạo một đất nước có không ít biến động. Ông không quy y theo Phật giáo, nhưng ông nhận thấy từ nơi Phật giáo những giá trị có thể giúp ông cũng như nhân loại sống hòa hợp với nhau, giải quyết những xung đột đang gia tăng trong cộng đồng xã hội nói chung. Năm 1952, khi đến Sanchi để tham dự Hội thảo quốc tế về Văn hóa Phật giáo, ông đã nói: “… Tôi đến Sanchi, không phải để mang thông điệp đến cho quý vị mà để tìm kiếm một vài điều cho chính bản thân mình. Trong thế giới đầy nước mắt và bị bóp méo này, tôi là một người thật sự bối rối. Tôi đã không nhìn thấy ánh sáng và thường xuyên bị sẩy chân. Tôi cố gắng tìm kiếm những gì mà mình đang thiếu và tôi đã tìm ra những gì tôi cần từ nơi quốc gia và dân chúng của tôi… Thông điệp mà Đức Phật đã đưa ra hơn 2.500 trước không chỉ đem đến ánh sáng cho Ấn Độ hay Á châu mà cho toàn thể thế giới. Thông điệp đó có thể được áp dụng, và nó cũng có thể không; nhưng tôi tin rằng nếu chúng ta thực hành theo những nguyên tắc mà Đức Phật đã đưa ra, cuối cùng chúng ta sẽ đạt được hòa bình cho thế giới…” (Messege to the International Buddhist Cultural Conference, Sanchi, 29 November, 1952).
Như đã nói, Nehru nhận thức rất rõ những giá trị tôn giáo, nhưng những giá trị ấy phải dựa trên tinh thần khoa học và hàm chứa đạo đức phổ quát, và điều đó ông tìm thấy ở nơi Phật giáo: “Câu chuyện của Đức Phật Gautama đã tác động đến tôi từ thuở thiếu thời. Sự ảnh hưởng đó có hai phần: thứ nhất nó khiến tôi thích thú như một câu chuyện; và thứ hai, tôi thích thái độ được phản chiếu trong đó: thái độ khoa học và đạo đức…”. Đạo đức đó là lòng từ bi bao dung. Khoa học là chống lại mê tín, lễ nghi và giáo điều. Nehru rõ ràng đã đọc bài kinh mà Đức Phật đã dạy cho dân làng Kalama, một bài kinh nêu cao sự khai phóng tư tưởng, buộc con người phải vận động trí óc để suy nghiệm vấn đề chứ không mù mờ chấp nhận những gì được truyền thừa hay dạy bảo. “Tôi nghĩ về thông điệp của Ngài. Thông điệp đó tách ra khỏi ý nghĩa tôn giáo, là thông điệp về lòng bao dung; một thông điệp chống lại mê tín, lễ nghi và giáo điều. Đó là thông điệp về bản chất mang tinh thần khoa học. Đức Phật không yêu cầu người ta tin bất cứ điều gì khi điều ấy không thể chứng minh và thử nghiệm. Tất cả những gì Ngài muốn mọi người làm là tìm kiếm sự thật…”.
Ấn Độ là quê hương của Đức Phật và là mảnh đất Phật giáo đã cắm rễ đâm chồi. Phật giáo đã từng có một thời kỳ hưng thịnh và huy hoàng trên mảnh đất mà mình được khai sinh. Nhưng từ sau thế kỷ XII, khi đạo quân xâm lăng Hồi giáo hung hãn xâm chiếm Ấn Độ, đã đưa Phật giáo đi đến điểm cuối cùng của thời kỳ suy tàn, và từ đó những giá trị của Phật giáo đã bị quên lãng trên chính mảnh đất này. Con người vì định kiến và chấp ngã, vì những rào cản của tín điều và ý thức hệ, vì những tư lợi vật chất và quyền lực… đã mờ đi tâm trí nên không thể nhận ra những giá trị tinh thần lớn lao đang nằm bên cạnh họ, hoặc có thể nhận ra nhưng với bản chất chấp thủ vốn có đã không chịu tiếp nhận những giá trị từ những tôn giáo khác ngoài tôn giáo mà mình đang theo. Sự lãng quên Phật giáo của người dân Ấn có cả sự góp phần của những vị vua Hindu và những tu sĩ Bà-la-môn. Nehru nhận thấy rằng, việc lãng quên Phật giáo trên đất nước của mình là một lỗi lầm lớn. Sự chối bỏ Phật giáo không chỉ là chối bỏ một tôn giáo có ảnh hưởng thế giới, mà còn là sự chối bỏ những giá trị đạo đức có thể góp phần đem lại sự bình đẳng và dân chủ trên quê hương của mình. Và trong bài thuyết trình nhân lễ tưởng niệm 2.500 ngày Đức Phật diệt độ, ông đã nói: “Ấn Độ là quê hương của Đức Phật, mặc dầu ở trong một ý nghĩa thông điệp của Ngài đã ôm lấy cả thế giới. Chúng ta không muốn phủ nhận sự đóng góp của người khác nhưng tại sao chúng ta không thừa nhận chính mình, đặc biệt khi Ngài là một trong những người con vĩ đại nhất của Ấn Độ. Vì thế hôm nay, khi Ngài trở lại với chúng ta, thì chúng ta đúng lúc phải đến lại với Ngài và nghĩ về những ký ức đã bị bỏ quên đó. Người ta có thể đi khắp nơi trên Ấn Độ. Nhưng cuộc hành trình thật sự là cuộc hành trình của khối óc và con tim…”.
Tại sao Phật giáo bị lãng quên trên mảnh đất mình được khai sinh? Đã có nhiều nguyên nhân được đưa ra từ phía các nhà sử học, trong đó có cả nguyên nhân bởi Phật giáo đã đi ngược lại hệ thống đẳng cấp từng tồn tại lâu dài trong xã hội Hindu, và Nehru cũng đã có chung cách nhìn ấy.
Cũng như Gandhi và Ambedkar, Nehru có những trăn trở và bức xúc về vấn đề phân chia đẳng cấp trong xã hội Ấn. Với Gandhi, sự đàn áp và bóc lột lan tràn trong xã hội Ấn, hệ quả của sự phân chia giai cấp, là một tội lỗi của người Hindu, và điều đó đã dẫn đến một sự “khủng hoảng lương tâm” nơi ông. Nhưng Gandhi không từ bỏ tôn giáo gốc của mình và cũng không muốn xóa bỏ hẳn hệ thống đẳng cấp đó. Hệ thống đẳng cấp theo ông là một sự mở rộng quan hệ gia đình, là giềng mối thắt chặt xã hội và để phát triển kinh tế. Và rằng, hệ thống đẳng cấp như được hiểu và được áp dụng trong thực tiễn là không đúng với tinh thần ban đầu. Vì vậy, Gandhi chỉ muốn cải cách nó chứ không muốn từ bỏ nó. Trái với Gandhi, Ambedkar đã nhận thấy bị “khủng hoảng tính đồng nhất” khi sống trong cái xã hội phân loại con người theo đẳng cấp và nghề nghiệp ấy, bởi vì sự tự nhận thức về cá nhân của ông và hình ảnh của ông được phản chiếu trong tấm gương xã hội đã hoàn toàn mâu thuẫn nhau. Ambedkar từ bỏ Hindu giáo để quy y theo Phật giáo, vì nhận ra tính đồng nhất và bao hàm nơi triết học xã hội của Đức Phật có thể giải quyết vấn đề đẳng cấp, đem lại sự công bằng và hòa hợp xã hội. Còn Nehru, mặc dầu không đồng tình với sự phân chia đẳng cấp, nhưng ông vô cùng thận trọng với vấn đề này. Tuy ông ca ngợi lời dạy của Đức Phật về vấn đề đẳng cấp, nhưng ông cũng cho rằng bởi vì tính triệt để trong vấn đề đẳng cấp của Phật giáo đã khiến cho Phật giáo không tồn tại được ở Ấn Độ. Theo ông, Mahavira và Đức Phật, cả hai đều xuất thân từ đẳng cấp Sát-đế-lợi, và cả hai đều không chấp nhận hệ thống Vệ-đà, nhưng Kỳ-na-giáo (Jainism) sở dĩ tồn tại được ở Ấn Độ bởi vì tôn giáo này đã chịu chấp nhận hệ thống đẳng cấp; và ngay cả Hồi giáo và Thiên Chúa giáo, để tồn tại được ở xứ sở này, cũng phải biết hòa nhập vào hệ thống phân chia ấy. Nhưng kết thúc phần viết của mình về đẳng cấp, ông đã trích dẫn lại câu nói nổi tiếng của Đức Phật: Không phải tôn giáo cũng không phải sắc da của chúng ta tạo nên đức hạnh của chúng ta, mà đức hạnh để có được cần phải thực tập. Và rằng, cũng đã đến lúc hệ thống đẳng cấp không còn thích hợp để tồn tại, vì nó làm trở ngại và đi ngược lại tiến trình dân chủ và công bằng xã hội.
Nehru ước mong người dân Ấn Độ nên quay trở lại với Đức Phật, bởi Ngài là một con người vĩ đại không chỉ đối với Ấn Độ mà đối với cả nhân loại, bởi những gì Ngài đã đem lại cho nhân loại là sự thật có giá trị vĩnh cửu ; và những gì Ngài dạy có thể giải quyết vấn nạnchia rẽ và đem lại sự hòa hợp giữa người với người: “… Hai ngàn năm trăm năm trước, Đức Phật Gautama đã nhập niết bàn. Đức Phật được tôn kính không chỉ ở Ấn Độ mà ở khắp nơi trên thế giới bởi những gì Ngài dựng nên là sự thật trường cửu không biến mất theo thời gian.
Chúng ta cảm thấy tự hào rằng mảnh đất mà nơi đó chúng ta sinh ra đã tạo nên những tâm hồn vĩ đại như Đức Phật Gautama và Gandhi. Những người đã thắt chặt dân tộc lại với nhau bằng một mối liên kết vững chắc. Điều đó chính là tinh thần phản chiếu nền văn minh và văn hóa xa xưa của chúng ta. Một lần nữa chúng ta hãy làm tươi tỉnh trí nhớ của mình và đảnh lễ Đức Phật và Gandhi cùng những tâm hồn vĩ đại khác, những con người đã un đúc nên đất nước này. Chúng ta hãy đi theo con đường mà họ đã chỉ ra với sức mạnh, quyết tâm và hợp tác". (Diễn văn đọc tại Thành Đỏ (Red Fort), Delhi, 15-8-1956, nhân Ngày lễ độc lập).
Nehru xem những lời dạy của Đức Phật như Bát chánh đạo hay Ngũ giới là những tiêu chuẩn đạo đức căn bản không chỉ dành cho những người Phật tử mà cho mọi người trong xã hội. Những lời dạy đó là con đường chân thực đưa đến sự hiểu biết đúng đắn, hành động đúng đắn và lòng từ bi. Và mỗi khi dân chúng thực hành theo những lời dạy đó thì họ sẽ có sự ảnh hưởng tích cực đến những người khác. Nehru nói: “Đức Phật dạy chúng ta rằng con đường tiến bộ chân thực nằm ở nơi hiểu biết đúng đắn, hành động đúng đắn và lòng từ bi. Nếu chúng ta được hướng dẫn bởi những lời dạy của Ngài, chúng ta cũng có thể tác động đến những quốc gia khác…”. (Diễn văn bế mạc đọc tại Hội thảo Đóng góp của Phật giáo đối với Văn học, Nghệ thuật và Triết học, New Delhi, 29-10-1956).
Nehru không hề quy y theo Phật giáo, tuy vậy ông lại có niềm tin rất sâu sắc vào Đức Phật. Trong thư gửi cho con gái Indira từ nhà tù, Nehru có nhắc đến việc Indira đã gửi cho mình một bức tượng Phật lấy mẫu từ bức tượng Phật ở Anuradhapura, Sri Lanka, và ông đã tìm thấy sự thanh thản khi nhìn thấy sức mạnh và sự trầm tĩnh kỳ lạ toát ra từ bức tượng đó. Nehru đã đến Sri Lanka rất nhiều lần trong cuộc đời của mình, và mỗi lần đến đó ông đều đến viếng thăm và kính lễ bức tượng Phật tại Anuradhapura. Sri Lanka là một đất nước theo Phật giáo, đã có công trong việc bảo lưu kinh điển và lịch sử Phật giáo, đã góp phần rất lớn trong công cuộc phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ nói riêng và châu Á nói chung. Nehru rõ ràng đã biết ơn sâu sắc đất nước Sri Lanka, đã lưu giữ cho Ấn Độ những nguồn sử liệu giá trị, không chỉ đối với Phật giáo không thôi mà còn cho cả văn hóa Ấn Độ.
Trải qua gần trọn đời người và tận mắt chứng kiến những cuộc chiến tranh tàn khốc trên đất nước mình cũng như trên toàn thế giới, Nehru đã cảm nhận nỗi mất mát lớn lao do chiến tranh gây ra. Ông nói: “Trong quá khứ, người con vĩ đại của Ấn Độ, Đức Phật, đã nói rằng chiến thắng thực sự là chiến thắng mà trong đó tất cả đều cùng chiến thắng và sự thất bại không dành cho một ai cả. Trong thế giới ngày hôm nay, đó mới thực là chiến thắng duy nhất. Tất cả những cách thức khác chỉ dẫn đến thảm họa”. (Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, New York, 3-10-1960).
Đức Phật, trong Kinh Pháp cú, đã từng dạy rằng: “Dẫu tại bãi chiến trường. Thắng hàng ngàn quân địch. Tự thắng mình tốt hơn. Ấy chiến thắng tối thượng”; hay: “Chiến thắng sinh thù hận. Thất bại sinh khổ đau…”. Nehru đã trích dẫn những câu kinh nổi tiếng này trong Khám phá Ấn Độ và rõ ràng đã cảm nhận ý nghĩa sâu sắc của những lời dạy đó từ kinh nghiệm của chính bản thân mình. Chiến thắng thực sự theo ông là chiến thắng mà không đem đến thất bại cho một ai cả. Vì người ta làm sao đánh trống khải hoàn hò reo chiến thắng trong khi có không biết bao nhiêu người đang khổ đau vì thất bại. Người ta làm sao ăn mừng chiến thắng khi máu chảy thành sông, xương chất thành núi và hận thù căm hờn chất chứa tận trời xanh. Thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, Ashoka, một vị đại đế hùng mạnh, đã thống lĩnh toàn cõi Ấn Độ, nhưng khi đứng trước biên giới của đất nước Kalinga, dẫu là một kẻ chiến thắng từ cuộc chiến, đã xót xa hối hận khi tận mắt chứng kiến những gì do mình gây ra cho con người của cả hai bên: đó là cảnh đất nước tan tác hoang tàn, những thiếu nữ tuổi còn xuân xanh đã trở thành góa phụ, những hài nhi chưa kịp chào đời đã trở thành mồ côi, những người mẹ người cha vĩnh viễn không còn gặp lại con mình sau lần cuối cùng đưa tiễn. Ashoka cảm nhận sâu sắc nỗi mất mát lớn lao mà chính ông là chủ nhân gây ra. Chiến thắng đối với ông như vậy đã không còn ý nghĩa, và khát vọng chinh phục đã phút chốc sụp đổ tan tành. Và Ashoka sau cuộc chiến ấy đã quay về với Phật giáo, thực hiện đường lối cai trị của mình từ những lời dạy của Đức Phật, đã làm cho Ấn Độ trong thời đại của ông trở thành một quốc gia cường thịnh và hòa bình. Ashoka cuối cùng đã chiến thắng thực sự - một cuộc chiến thắng không đem lại thất bại cho một ai theo cách nói của Nehru. Bởi ông đã đem lại sự thịnh vượng cho đất nước, đem lại sự hòa hợp giữa người với người, giữa tôn giáo với tôn giáo, giữa quốc gia với quốc gia.
Nehru mong muốn đất nước mình an bình thịnh trị. Theo ông, Ấn Độ từ xưa đã là một đất nước mà ở đó mọi người đã cùng chung sống hòa hợp. Nhưng trong những thế kỷ về sau, khi người Hồi giáo đến thì những cuộc xung đột giữa Hồi giáo và Ấn giáo liên tục xảy ra, mà đỉnh điểm là vào giữa thế kỷ XX, đã chia đôi đất nước này. Và những xung đột giữa hai tôn giáo này vẫn còn liên miên xảy ra sau đó. Nehru rất bối rối và xót xa trước tình cảnh này. Ông muốn mọi người hãy học theo những gì Đức Phật đã dạy để cùng chung sống với nhau: “Từ quá khứ xa xưa, niềm tự hào của người Ấn Độ là chung sống hòa hợp với người khác. Điều đó là nền tảng của văn hóa Ấn Độ. Từ lâu, Đức Phật đã dạy chúng ta bài học này” (Lời kêu gọi Dân tộc, New Delhi, 26-3-1964). Và đó cũng là một trong những lời kêu gọi tha thiết sau cùng của Nehru đối với dân chúng của ông. Lời kêu gọi này hẳn nhiên không chỉ nhắc nhở cho người dân của ông mà còn cho những ai muốn tìm kiếm hòa bình và chung sống hòa hợp.
Nehru đã qua đời hơn 40 năm, nhưng hình ảnh của ông vẫn còn khắc ghi sâu đậm trong lòng người dân Ấn, những việc làm của ông cho dân tộc được lịch sử trân trọng khắc ghi, và những phát biểu của ông về Phật giáo vẫn là những nhận định chính xác và có giá trị./.
Thích Nguyên Hiệp
|