Chuyện Tấm Cám Trong Con Mắt Thiền
Thích Thái Hòa
Cập nhật: 13:25:07 12/08/2010

 

Mục Lục

 

-         Chuyện

-         Những biểu tượng

-         Ngữ âmm bụt và thời điểm xuất hiện của truyện

-         Tác giả và văn bản

-         Tác dụng…

-         Phần gợi ý

-         Phụ mục

-         Tư liệu tham khảo

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chuyện Tấm Cám Trong Con Mắt Thiền

 

-         Chuyện:

 

Đọc chuyện Tấm Cám, ta thấy ai cũng thương Tấm. Tấm mẹ chết sớm, cha lấy thêm vợ, sinh ra Cám, em cùng cha khác mẹ với Tấm. Không bao lâu cha Tấm cũng chết. Tấm ở với dì ghẻ và sống với người em gái cùng cha khác mẹ.

 

Mẹ con của Cám rất độc ác với Tấm, bắt Tấm và Cám đi ra đồng mò tép, ai có nhiều tép, thì ban cho yếm đỏ. Tấm lam lũ mò tép để bắt, Cám thì biếng nhác mánh mông, nằm ngủ, đợi đến khi Tấm mò bắt được tép đầy dỏ, Cám liền khuyên Tấm, chị nên ra nơi chỗ nước sâu để tắm rửa cho sạch trước khi về nhà. Tấm nghe lời Cám. Cám liền lấy dỏ tép của Tấm đổ qua dỏ của mình, rồi bỏ về nhà trước, được mẹ ban cho yếm đỏ.

 

Tấm tắm xong, lên để về nhà, thấy dỏ tép của mình, không còn con nào cả, biết Cám lừa mình để chiếm đoạt dỏ tép, Tấm tủi phận và khóc nức nở.

 

Bấy giờ Bụt xuất hiện, hỏi Tấm sao con khóc, Tấm kể lại tự sự đầu đuôi cuộc đời của mình cho Bụt nghe. Nghe xong, Bụt rất thương Tấm. Bụt bảo Tấm rằng, con xem lại nơi dỏ của con có còn lại cái gì không. Tấm xem và thưa với Bụt có con cá bống.

 

Bụt dạy Tấm rằng, ta cho con, con cá bống, con đem nó về nhà thả vào giếng nước để nuôi, và mỗi khi ăn cơm, con nên chia một phần ba cơm của con cho bống. Con hãy gọi bống lên ăn cơm và nói: “Bống bống bang bang, mày ăn cơm vàng, cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm, cháo hoa nhà người”. Con gọi đúng như vậy, thì bống sẽ lên ăn cơm của con cho.

 

Tấm hàng ngày thực tập đúng theo lời Bụt dạy, Cám và dì ghẻ ngạc nhiên, không biết Tấm làm gì mà ngày nào cũng đem cơm ra giếng nước vứt cơm xuống và nói: “Bống bống bang bang, mày ăn cơm vàng, cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm, cháo hoa nhà người”.

 

Dì ghẻ sai Cám theo dõi, liền biết sự tình của Tấm là đang nuôi và chăm sóc cá bống dưới giếng nước, và đã học thuộc câu gọi bống lên ăn cơm của Tấm.

 

Hôm ấy, dì ghẻ của Tấm bảo Tấm dẫn trâu ra ngoài đồng xa để ăn. Ở nhà mẹ con của Cám đem cơm cho bống ăn và nói câu như Tấm thường nói với bống. Bống nghe, liền lên ăn cơm và bống đã bị mẹ con của Cám bắt làm thịt để ăn.

 

Khi lùa trâu về nhà, Tấm đem cơm ra giếng nước cho bống, Tấm gọi bống lên ăn cơm, nhưng gọi hoài mà không thấy bống đâu cả, bất chợt Tấm thấy một cục máu nổi lên trong giếng nước, khiến Tấm thương và nhớ bống mà khóc nức nở.

 

Bụt xuất hiện, bảo cho Tấm biết, bống của con, mẹ con Cám đã bắt làm thịt ăn rồi. Bây giờ con hãy tìm xương của nó, nhặt lại cất vào ở nơi bốn cái lọ, rồi chôn ở dưới bốn chân giường.

 

Tấm nghe theo lời Bụt dạy, tìm xương bống, nhưng tìm hoài không thấy. Tấm lại tủi và khóc. Có một chú gà xuất hiện kêu tộc tộc, Tấm lấy một nạm thóc vứt cho gà ăn. Gà ăn xong, đi vào bếp bươi tro một hồi, thì lồi xương của bống lên. Tấm nhặt xương của bống bỏ vào trong bốn cái lọ và chôn ở dưới bốn chân giường đúng như lời Bụt dạy.

 

Nghe tin vua mở hội, mẹ con Cám sắm đủ thứ áo quần xinh đẹp để đi dự hội, còn Tấm chẳng có áo quần gì, ngoài bộ áo quần rách như xơ mướp.

 

Đến ngày đi hội, mẹ con Cám trộn thóc trong thúng gạo, bảo Tấm lượm hết thóc trong gạo rồi đi, còn mẹ con của Cám áo quần xinh xắn, hí hửng đi dự hội trước.

 

Mẹ con Cám đi rồi, Tấm nhìn thúng gạo trộn lẫn với thóc mà khóc tức tưởi. Bụt xuất hiện hỏi Tấm, sao con khóc? Tấm trình bày tự sự với Bụt. Bụt nói với Tấm, con yên tâm đừng lo, để đó ta giúp. Bụt liền bảo cả đàn chim sẻ bay đến lượm thóc cho Tấm, và chỉ trong chốc lác đàn chim sẻ đã bay đến giúp Tấm lượm xong thóc trong thúng gạo.

 

Lượm xong thóc, Tấm nhìn lại áo quần của mình, rách như xơ mướp làm sao mà đi dự hội, liền tủi thân lại òa lên khóc.

 

Bụt lại xuất hiện, bảo Tấm con hãy đào bốn cái lọ dưới chân giường lên, con sẽ có đầy đủ áo quần để đi dự hội. Tấm nghe theo lời Bụt dạy, liền đào bốn cái lọ ở dưới bốn chân giường lên, đúng như lời Bụt dạy, Tấm thấy đầy đủ cả áo quần, khăn nhiễu, dây thắt lưng, trâm cài, nón, đôi giày vân hài đều đẹp đẽ. Tấm liền đi tắm rửa rồi mặc vào, thấy áo quần khăn giày, cái nào cái nấy đối với mình đều vừa vặn, đẹp đẽ, xinh xắn. Tấm lại lượm trong cái lọ ra được một con ngựa bé tí teo, vừa đặt nó xuống đất, con ngựa bé tí teo ấy liền hí lên và hóa thành con ngựa thực. Tấm liền cỡi ngựa đi dự hội vua.

 

Ngựa phi qua vũng nước, Tấm bị rớt một chiếc giày, dừng ngựa để tìm, nhưng không thấy. Tấm liền phi ngựa đi đến dự hội.

 

Voi vua cũng trên đường đi đến điểm lễ hội, nhưng khi băng qua vũng nước, thì nó đứng lại gầm lên không chịu đi. Vua sai lính hầu xuống nước tìm thử có chuyện gì, thì mò được chiếc giày, lính trình vua, vua ngắm nhìn chiếc giày, tự nhiên trong lòng thấy hết sức ăn ý.

 

Đến lễ hội, vua tuyên bố rằng, trong đám đàn bà, con gái dự hội, chân người nào ướm đúng chiếc giày này, tôi sẽ chọn làm hoàng hậu, mọi người chen nhau ướm chân vào chiếc giày, nhưng không có chân ai vừa cả. Sau cùng là Tấm. Tấm ướm chân vào chiếc giày thì vừa vặn xinh xắn. Chiếc giày mà chân Tấm vừa ướm, với chiếc giày nơi tay Tấm đang cầm là một đôi. Tấm liền được triều đình cho kiệu vào cung làm hoàng hậu. Mẹ con Cám thấy thế liền ngạc nhiên, bấm bụng tức ngược.

 

Vào cung một thời gian, đến ngày giỗ cha, Tấm xin về thăm và lo giỗ. Mẹ con Cám lập mưu giết Tấm, bảo Tấm trèo lên cây cau để hái một buồng cúng cha. Tấm liền leo lên cau để hái, mẹ Cám cầm dao chặt đứt cây cau, cau gãy, Tấm bị rớt xuống ao chết.

 

Mẹ Cám liền lấy áo quần của Tấm cho Cám mặc, rồi đưa Cám thay Tấm làm vợ vua và báo cho vua biết Tấm chị của Cám đã bị ngộ độc chết, chị chết nên xin được thế em.

 

Tấm chết hóa làm chim Vàng anh, bay về cung vua đậu trên cây cao, thấy Cám giặt áo quần vua, liền hót: “Giặt áo chồng tao, thì giặt cho sạch; phơi thì phơi bằng sào, chớ phơi hàng rào, rách áo chồng tao”.

 

Nơi hoàng thành, Vàng anh hót mỗi ngày, vua nghe rất thích và vua đi đâu, thì vàng anh bay theo đó để hót, và rất quyến luyến vua. Thấy vậy, vua nói: “Vàng ảnh vàng anh, có phải vợ anh, chun vào tay áo”. Vàng anh liền bay đến đậu trên tay, rồi chun vào trong tay áo của vua. Từ đó, vua quyến luyến với Vàng anh, cho chim ở giường sang, đi đâu cũng đem Vàng anh đi theo mà bỏ quên Cám.

 

Cám tức giận Vàng anh, liền về kể chuyện với mẹ, mẹ bảo giết Vàng anh đi. Cám nghe lời mẹ đã tìm đủ mọi cách giết được Vàng anh.

 

Vàng anh chết, hóa thành cây Xoan đào bên cạnh hoàng cung xanh và đẹp. Vua thấy cây Xoan đào xinh đẹp hàng ngày ra đó treo võng nghỉ ngơi, hai nhánh cây Xoan đào phủ xuống như hai táng lọng che vua. Thấy vậy, vua rất thương quý cây Xoan đào.

 

Cám có linh cảm Xoan đào liên hệ đến Tấm, liền chặt làm khung cửi để dệt. Cám lại nghe tiếng xấu ác trong khung cửi, một khi Cám ngồi dệt vải vọng ra: “Cót ca cót két, lấy giành chồng chị, chị khoét mắt ra”. Nghe con ác kêu, Cám rỡn tóc gáy, vội nén thoi dừng lại không dệt nữa, liền về kể cho mẹ nghe, mẹ Cám bảo hãy tháo khung cửi ấy mà đốt đi, rồi hốt tro đổ ra ngoài đồng thật xa hoàng cung. Cám làm theo lời mẹ.

 

Không bao lâu, từ đống tro ấy lại mọc lên cây Thị. Và trên cây Thị ấy, chỉ có một trái rất đẹp. Có bà già hàng ngày bán nước đi qua cây Thị, nhìn lên bà thấy trái Thị đẹp và thơm cả một vùng, bà giăng bị vải ra và nói: “Thị ơi, thị rụng vào bị bà, bà đem bà ngửi, chứ bà không ăn”.

 

Nói xong, trái Thị liền rớt xuống bị vải của bà. Bà đem Thị về nhà cất ở trong buồng và đi bán nước. Tấm từ nơi quả Thị chui ra, dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm nước, dọn sẵn cho bà già, nhiều lần như vậy, bà già đi bán nước về thấy rất ngạc nhiên. Hôm ấy bà rình để xem, thì thấy một người con gái xinh đẹp, từ trong quả Thị bước ra làm công việc ấy. Bà liền bước vào ôm người con gái ấy lại và xé vứt vỏ Thị, cô ấy liền ở lại với bà già bán nước.

 

Tấm cùng với bà già làm lụng rất giỏi, chẳng bao lâu, dựng nên một quán nước bên đường bán cho khách, Tấm giỏi têm trầu, nên quán rất ăn khách.

 

Rồi một hôm, vua đi kinh lý, qua quán nước bên đường, thấy quán gọn gàng, sach sẽ, liền dừng xe kiệu uống nước, ăn trầu. Thấy trầu têm cánh phượng, sao giống vợ mình têm ngày trước, vua liền hỏi bà già, trầu ai têm vậy? Bà già thưa, con gái của già. Vua nói, con gái của bà đâu gọi ra xem. Tấm bước ra. Vua liền nhận ra, đó là vợ mình ngày trước, nên rất mừng rỡ. Vua hỏi bà già về sự tình, bà già liền kể hết cho vua nghe. Vua liền truyền lệnh kiệu Tấm về cung và phong làm hoàng hậu. Tấm sống cuộc đời vui sướng từ đây.

 

Cám thấy Tấm đẹp hơn xưa, liền hỏi chị và xin chỉ bày cách làm đẹp. Tấm bảo Cám đào một cái lỗ thật sâu và xuống ngồi dưới, thì sẽ đẹp. Cám tin Tấm và thực hiện. Cám xuống ngồi dưới cái lỗ sâu, Tấm múc nước sôi tạt xuống. Cám chết queo. Tấm lấy xác của Cám làm mắm và gởi về cho mẹ Cám. Mẹ Cám không biết sự tình, liền gắp mắm mà ăn, nhưng khi phát hiện đầu lâu, liền biết là con gái của mình, mẹ Cám liền lăn ra chết.

 

- Những Biểu Tượng:

 

Chuyện Tấm Cám trong văn học nhân gian có nội dung đại loại như vậy. Một phần nội dung đã phản ảnh đúng được tính nhân quả luân hồi trong đạo Phật đề cập, nhưng nó đã không nói lên được kinh nghiệm giác ngộ đối với đạo lý ấy của đạo Phật qua hành động sau khi vinh hoa của Tấm.

 

Bụt xuất hiện trong chuyện Tấm Cám là biểu tượng cho thiện tâm ở nơi mỗi chúng ta. Mẹ ghẻ của Tấm xuất hiện trong chuyện là tiêu biểu cho ác tâm nơi mỗi chúng ta. Trong chuyện, Tấm làm đúng theo lời Bụt dạy là biểu tượng cho những tâm hành tương ứng với thiện tâm và Cám làm đúng theo lời mẹ sai khiến là biểu tượng cho những tâm hành tương ứng với ác tâm.

 

Trong chuyện, cá bống mà Bụt cho Tấm là biểu tượng cho tín căn ở trong đạo Phật. Tấm nuôi cá bống và cho cá bống thức ăn mỗi ngày là biểu tượng Tấm làm đúng lời Bụt dạy để nuôi lớn thiện căn nhân duyên phước đức của mình. Cá bống bị mẹ con Tấm bắt làm thịt ăn, vùi xương cá bống ở trong bếp tro là biểu tượng, mẹ con Cám chỉ phá hỏng được những nhân duyên tạo phước đức cái bên ngoài của Tấm, nhưng không thể phá được cái thiện căn phước đức vốn có bên trong của Tấm.

 

Chú gà xuất hiện, Tấm lại bốc ít thóc cho chú gà ăn, rồi chú gà đến bếp tro để bươi và xương của cá bống lồi lên là biểu tượng rằng, thiện căn của Tấm dù đã bị những ác tâm và nghịch duyên chôn vùi, nhưng không mất, nên hễ đủ duyên thì nó lại khởi. Chú gà xuất hiện, là tạo điều kiện cho thiện căn nơi Tấm phát khởi. Nên, Tấm lấy thóc cho chú gà ăn một cách tự nhiên, và chú gà đến bếp bươi tro cũng một cách tự nhiên; và cái tự nhiên ấy, lại đủ duyên cho xương cá bống, mà mẹ con Cám chôn trong bếp tro, do chú gà bươi lại khởi.

 

Bụt dạy Tấm lấy xương của bống, đặt vào trong bốn cái lọ và chôn ở dưới bốn chân giường là biểu tượng rằng: Tín căn lại cần phải được giữ gìn để tồn tại bởi bốn chất liệu của Tấn căn, Niệm căn, Định căn và Tuệ căn. Tấn căn là căn bản của sự nỗ lực, biến niềm tin Phật trở thành hiện thực. Niệm căn là căn bản của niệm. Nghĩa là duy trì niềm tin Phật một cách miên mật có mặt ngay ở nơi ý thức. Định căn là căn bản của thiền định. Nghĩa là làm cho niềm tin Phật càng lúc càng thấm sâu trong tâm và trở thành những gốc rễ vững chắc, bất động. Tuệ căn là căn bản của trí tuệ. Trí tuệ ấy sáng ra, từ niềm tin kiên cố, bất động đối với Phật.

 

Bốn cái lọ đựng xương của bống được sử dụng để làm biểu tượng cho bốn căn nầy. Bốn lọ chôn ở bốn chân giường là biểu tượng cho bốn căn nầy, cần được phát triển miên mật bởi Tứ chánh cần. Tứ chánh cần là bốn sự nỗ lực hay bốn sự tinh cần hợp lý.

 

Một, tinh cần ngăn ngừa những điều ác chưa phát sinh nơi tâm. Hai, tinh cần ngăn ngừa những điều ác đã phát sinh nơi tâm, khiến cho nó không thể phát sinh. Ba, Tinh cần làm sinh khởi những điều thiện chưa có điều kiện để sinh khởi nơi tâm và bốn, tinh cần phát huy những điều thiện đã sinh khởi và khiến chúng tăng trưởng đến chỗ viên mãn. Như vậy, xương của cá bống, Bụt dạy Tấm chôn ở bốn chân giường là biểu tượng cho sự thực hành miên mật Tứ chánh cần nầy, để đủ duyên, chúng sẽ sinh khởi hoa trái của phước đức.

 

Đồng thời, xương cá bống, bốn cái lọ, bốn chân giường còn là biểu tượng cho các pháp thường tại ở trong thế gian và Phật pháp là từ nơi các pháp thường tại ở trong thế gian ấy mà thành tựu. Nên, các pháp thế gian trong con mắt thiền quán đều là hữu dụng, không có pháp nào là vô dụng cả. Vì vậy ở kinh Kim cang Phật dạy: “Nhất thiết pháp giai thị phật pháp = Hết thảy pháp đều là Phật pháp”. Và ở Pháp Bảo Đàn Kinh, thì Tổ Huệ năng dạy: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mích bồ đề, do như cầu thố giác = Phật pháp ở trong đời, giác ngộ không lìa đời, lìa đời cầu giác ngộ, như cầu tìm sừng thỏ”.

 

Ngày hội của vua là biểu tượng cho khát vọng hạnh phúc của con người. Mẹ con Cám đi dự hội và trộn thóc trong gạo bắt Tấm lượm xong rồi đi, là biểu tượng cho ác tâm cản trở thiện tâm, cản trở khát vọng hạnh phúc của người khác. Bụt bảo đàn chim sẻ xuống lượm giúp Tấm, để Tấm có cơ hội đi dự hội là biểu tượng cho thiện tâm đã chiến thắng được ác tâm.

 

Xương cá bống ở trong bốn cái lọ, chôn ở dưới bốn chân giường đã hóa thành áo quần và những dụng cụ giúp Tấm có điều kiện đi dự hội vua là biểu tượng cho tín căn đối với Phật pháp đã được nuôi dưỡng bởi Tấn căn, Niệm căn, Định căn, Tuệ căn và Tứ chánh cần, khiến sinh khởi Thất thánh tài.

 

Thất thánh tài là bảy thứ tài sản của bậc thánh, gồm: Tín tài là tài sản của bậc Thánh sinh khởi từ đức tin đối với Phật pháp; Giới tài là tài sản của bậc Thánh sinh khởi do thực hành từ giới pháp của Phật; Tàm tài là tài sản của bậc Thánh sinh khởi do tự mình biết hổ thẹn, khi tự thân làm những điều xấu ác; Quí tài là tài sản của bậc Thánh sinh khởi, do biết xấu hổ với người, khi làm những điều bất chánh; Văn tài là tài sản của bậc Thánh sinh khởi do nghe được chánh pháp của Phật; Thí tài là tài sản của bậc thánh sinh khởi do khởi tâm thí xả; Định tuệ tài là tài sản của bậc Thánh sinh khởi do thực hành định tuệ. Bảy thứ tài sản nầy gọi là bảy thứ tài sản của bậc Thánh, chúng dẫn sinh từ Ngũ căn và Tứ chánh cần.

 

Vì vậy, các loại tài sản mà Tấm lấy ra từ nơi bốn cái lọ chứa xương cá bống, chôn dưới bốn chân giường gồm: Áo quần, dây thắt lưng, khăn nhiễu, trâm cài, nón, đôi vân hài và con ngựa là biểu tượng cho Thất Thánh Tài vậy.

 

Bảy thứ tài sản nầy, Tấm sử dụng rất vừa vặn, xinh xắn và đẹp đẽ là biểu tượng cho nhân nào quả nấy, không thể lầm lẫn.

 

Tấm mặc áo quần, những thứ trang sức xong và phi ngựa đi dự hội vua, đi qua vũng nước, bị rớt một chiếc vân hài, dừng ngựa tìm mấy cũng không ra, liền phi ngựa đến lễ hội. Vũng nước mà Tấm bị rớt xuống đó một chiếc hài là biểu tượng cho vùng trói buộc của ái nghiệp. Voi vua đi ngang vũng nước ấy, dừng lại hý lên mà không chịu đi, cho đến khi lính hầu vớt được chiếc vân hài của Tấm bị rớt trước đó và trình vua chiếc vân hài, vua nhìn thấy chiếc vân hài trong lòng thích ý thì voi mới đi. Ở đây, voi và vua là biểu tượng cho mọi sức mạnh và quyền uy của thế gian, nhưng những sức mạnh và quyền uy ấy không thể nào địch nổi với ái nghiệp.

 

Đến lễ hội, vua tuyên bố những người đàn bà và con gái nào có mặt trong lễ hội nầy, ướm chân vào chiếc giày vân hài nầy mà vừa vặn, thì sẽ được vua chọn làm hoàng hậu. Những người đàn bà và con gái có mặt trong lễ hội đều ướm chân vào chiếc hài, nhưng không ai vừa cả, người sau cùng là Tấm, khi Tấm ướm chân vào chiếc vân hài thì vừa vặn, và chiếc vân hài mà Tấm đang ướm đó, giống hệt với chiếc vân hài, mà Tấm đang cầm ở nơi tay. Hai chiếc ấy là một đôi. Tấm liền được kiệu vào cung làm hoàng hậu, hưởng cuộc đời phú quý, vinh hoa của thế gian.

 

Lễ hội là điều kiện cho mọi thành phần xã hội tiếp xúc với nhau, để hưởng thụ niềm vui. Và do hưởng thụ niềm vui mà ái nghiệp sinh khởi; do ái nghiệp sinh khởi, nên bị mắc kẹt với nhau, mà cùng nhau tạo tác để tồn tại với nhau trong cái nghiệp duyên ái thủ ấy. Nên, phần nầy là biểu tượng cho tám chi phần gồm: Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ và hữu của pháp mười hai duyên khởi. Tám chi phần ấy, biểu hiện một cách đầy đủ của nhân và quả trong hiện tại. Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ là quả thuộc hiện tại; ái, thủ và hữu là thuộc nhân hiện tại. Mọi xấu tốt ở trong thế gian không ra ngoài quy luật nhân quả. Ai gieo nhân lành người ấy gặt quả vui; ai gieo nhân ác, người ấy gặt quả khổ.

 

Sau khi được tiến cử vào cung vua làm hoàng hậu, Tấm xin về giỗ cha và bị mẹ con Cám gài bẫy giết chết, để cho Cám thế chân của Tấm vào cung vua làm hoàng hậu, nhưng Cám đã không được vua đối xử nồng hậu như Tấm, không những vậy mà vua luôn luôn nhớ về Tấm.

 

Phần nầy biểu tượng cho tâm ý của kẻ gian tà. Nhưng, tâm ý gian tà không thể thắng lướt được tâm ý chánh chơn. Quả vui của người nào, thì người ấy hưởng; quả khổ của người nào, thì người ấy chịu, không ai có thể hưởng hay chịu thế cho ai trước đạo lý nhân quả. Nên, mọi người đều công bằng trước quy luật luân hồi trong nhân quả.

 

Tấm chết tái sinh làm chim Vàng anh, cây Xoan đào, Khung cửi và quả Thị là biểu tượng cho nhân quả nghiệp báo của Tứ sanh ở trong cõi sinh tử luân hồi. Tấm bị mẹ con Cám giết chết bị ái nghiệp dẫn dắt làm chim Vàng anh là biểu tượng cho ái nghiệp sinh ra từ trứng gọi là noãn sanh; Vàng anh bị Cám giết cho mèo ăn, vứt lông xuống đất nơi ẩm thấp, mọc thành cây Xoan đào là biểu tượng cho ái nghiệp sinh ra từ Thấp sanh. Cây Xoan đào bị Cám chặt làm khung cửi, thì trong khung cửi liền vọng ra những lời nói xấu ác là biểu tượng cho những oan nghiệp của Tấm sinh ra từ hóa sinh. Nghĩa là do ái nghiệp mà bị quả báo sinh ra từ sự biến hóa, nên từ khung cửi mà hóa ra yêu quỷ. Khung cửi bị Cám chặt và đốt thành tro, hốt tro đem đổ ở đồng vắng, cách hoàng thành rất xa. Tro của khung cửi mọc thành cây Thị, rồi có một trái Thị duy nhất, và rụng vào trong cái bị vải của bà già nghèo bán nước, bà ấy đem về nhà cất, Tấm liền từ trong trái Thị sinh ra làm người, đó là biểu tượng cho ái nghiệp dẫn sinh từ thai sinh, nghĩa là làm người sinh từ bào thai.

 

Tấm ở với bà già nghèo bán nước, cần mẫn với công việc giúp bà già mọi công việc, mở ra quán nước bán cho khách, têm trầu cánh phượng để cho khách dừng chân nơi quán uống nước, ăn trầu với tấm lòng chân thật của Tấm và bà già. Vua xuất hiện nơi quán nước, uống nước và ăn trầu, nhân ở nơi miếng trầu cánh phượng mà nhận ra Tấm là hoàng hậu của mình, nên cho quân lính kiệu về hoàng cung. Tấm trở thành hoàng hậu và sống cuộc đời sung túc hạnh phúc tột bậc của cõi người.

 

Miếng cau trầu vua ăn là biểu tượng cho duyên nghiệp vợ chồng. Bà già bán nước là biểu tượng cho giai cấp nghèo khổ của xã hội. Vua là biểu tượng cho giai cấp quyền quý của xã hội. Tấm từ nơi giai cấp nghèo khổ mà tới sống ở trong giai cấp quyền quý là biểu tượng cho bản chất sống động và linh hoạt của nhân quả.

 

Khi làm hoàng hậu sung sướng, Tấm lại trả thù mẹ con Cám. Cám bị chết bởi nước sôi của Tấm tạt, Cám trở thành hủ mắm, Tấm gởi về cho mẹ ghẻ hủ mắm, bà ăn, đến khi phát hiện đầu lâu của con gái mình, bà lăn ngã ra chết.

 

Đây là phần kết thúc của chuyện. Phần nầy biểu tượng rằng, nhân nào quả nấy của mẹ con Cám, nhưng phần nầy cũng biểu tượng rằng, sống trong vinh quý, Tấm đã bị đánh mất mình, bởi vinh hiển, nên không vượt qua được oán nghiệp của mình đối với mẹ con Cám, khiến Tấm đã trả thù với mẹ con Cám một cách tàn bạo. Và mẹ con Cám phải nhận lấy khổ báo mà chính họ đã từng gieo rắc cho Tấm.

 

Kết thúc chuyện như vậy, nhằm biểu tượng rằng, nhân quả của oán nghiệp trả vay trong cõi luân hồi không bao giờ chấm dứt.  Tấm và Cám là hai thành phần gắn liền với lúa gạo. Từ nơi lúa gạo mà sinh ra tấm và cám. Cũng vậy, từ nơi tâm mà sinh ra thiện ác. Thiện hay ác gì cũng đều có quả báo cả. Thiện thì quả báo vui, ác thì quả báo khổ.

 

-          Ngữ Âm Bụt Và Thời Điểm Xuất Hiện Của Truyện:

 

Đọc Lý hoặc luận của Mâu tử viết ở Giao chỉ, để nêu lên chánh lý và đoạn trừ những hiểu biết sai lầm về Phật giáo ở thế kỷ thứ hai, Lục độ tập kinh và Cựu tạp thí dụ kinh do Khương tăng hội dịch, ở thế kỷ thứ ba trên đất Giao chỉ, ta thấy người Việt ở những thời điểm bấy giờ, thì Buddha được đọc với ngữ âm là Phật mà không phải là Bụt.

 

Cũng vậy, ta đọc sáu lá thứ trao đổi giữa Lý Miễu với hai vị pháp sư là Đạo cao và Pháp minh về Phật hiện chân thân và Phật sự, giữa những vị ấy vào thế kỷ thứ năm, thì Buddha đọc với ngữ âm là Bụt cũng không thấy sử dụng ở trong thế kỷ nầy.

 

Vào thế kỷ thứ mười, Đinh Khuông Liễn đã cho dựng 200 tàng kinh, trong các tàng kinh ấy, cũng chỉ khắc ngữ âm Phật mà không phải Bụt. Đọc lịch sử Phật giáo đời tiền Lê và Lý, ta cũng không phát hiện Buddha, đọc với ngữ âm Bụt ở trong những thời kỳ nầy.

 

Đến đời Trần, ta đọc Khóa hư lục của Trần Thái Tông, Thánh đăng ngữ lục và Thiền uyển tập anh được viết vào đời Trần cũng không thấy ngữ âm Bụt được đề cập ở trong những tác phẩm nổi tiếng ấy.

 

Tuy nhiên, ta đọc Cư trần lạc đạo phú của vua Trần Nhân Tông, với ngữ âm Bụt, vua đã sử dụng nhiều lần ở trong bài phú nầy để thay thế cho ngữ âm Phật, chẳng hạn:

 

        “Thửa mình học cho phải chính tông,

          Chỉn Bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã tổ…”.

                                                    (Hội thứ ba)

 

        “Vậy mới hay!

          Bụt ở trong nhà; chẳng phải tìm xa.

          Nhân khuấy bổn, nên ta tìm Bụt;

          Đến cốc hay chỉn Bụt là ta…”.

                                             (Hội thứ năm)

 

 

        “Vậy mới hay:

          Phép Bụt trọng thay;

          Rèn mới cốc hay.

          Vô minh hết bồ đề thêm sáng;

          Phiền não rồi đạo đức càng say…”.

                                          (Hội thứ bảy)

 

          “…Rèn lòng làm Bụt, chỉn xá tua một sức dồi mài;

           Đãi cát kén vàng, còn lại phải nhiều phen lựa lọc.

          

           Trọng Bụt tu thân, dùng mựa lỗi một tơ một tóc…”.

                                           (Hội thứ tám)

 

Và ta lại đọc Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, ta cũng lại thấy ngữ âm Bụt, vua cũng đã sử dụng ở trong bài nầy, chẳng hạn:

             “…Thờ phụng Bụt trời,

              Đêm ngày hương hỏa.

              Tụng kinh niệm Bụt,

              Chúc thánh khẩn cầu;…”.

 

Tuy, ở trong hai bài nầy, vua dùng nhiều về ngữ âm bụt, nhưng ngữ âm phật, không phải là không có ở trong hai bài ấy.

 

Ngoài vua Trần Nhân Tông ra, ta còn thấy Huyền Quang cũng đã sử dụng ngữ  âm Bụt trong bài thơ tả về chùa Vân Yên và cuộc sống của vua Trần Nhân Tông rằng:

 

           “Cảnh tốt hòa lành

             Đồ tựa vẽ tranh

             Chỉn ấy trời thiêng mẽ khéo

             Hèn chi vua Bụt tu hành…

             Chim óc bạn cắn hoa nâng cúng

             Vượn bồng con kề cửa nghe kinh.

             Nương am vắng Bụt hiện từ bi,

             Gió hiu hiu mây nhè nhẹ

             Kề song thưa thầy ngồi thiền định,

             Trăng vằng vặc núi xanh xanh…

             Mặc cà sa, nằm trướng giấy,

             Màng chi châu đầy lẫm, ngọc đầy rương.

             Quên ngọc thực, bỏ hương giao

             Cắp nạnh cà một vò, tương một hũ…

             Thầy tu trước đã nên Phật quả

             Tiểu tu sau còn vị tỷ kheo”.

                         (Lê Mạnh Thát- Toàn Tập Trần Nhân Tông, tr 247, Nxb Tổng hợp, Tp Hồ Chí Minh, 2006).

 

Trong ngôn ngữ và văn học Việt nam, ta thấy từ ngữ Bụt không thể xuất hiện trước thời Trần Nhân Tông viết Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, mà chỉ xuất hiện chính thức trong thời gian hai tác phẩm nầy của vua ra đời.

 

Như vậy, ngữ âm bụt đã xuất hiện chính thức có văn bản, từ Trần Nhân Tông, trong thời gian khi ông đang làm vua mà ta đã thấy ở trong Cư trần lạc đạo phú, và thời gian sau khi ông đã xuất gia và ngộ  đạo, như ta đã thấy ở trong Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca. Nghĩa là ngữ âm bụt đã xuất hiện chính thức đầu tiên trong văn học Việt Nam vào khoảng vua Trần Nhân Tông lên ngôi và mất, tức là từ năm 1278 – 1308.

 

Và kể từ đó, ngữ âm ấy đã có một số ảnh hưởng nhất định, ở trong nền văn học Phật giáo Việt Nam vào triều Lê.

 

Đọc Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, được chép ở trong bộ “Thiên Nam Dư Hạ Tập” và ghi là do Lê Thánh Tông (1442 – 1497) soạn, ta thấy ngay ngữ âm bụt xuất hiện trong một đoạn ở phần mở đầu của bài văn nầy như: “…Ấy là vậy; hồn là thần, phách là quỷ, no nên bụt, đói nên ma…”.

 

Lại nữa, bài văn nầy, ở đoạn nói về thiền tăng, ta thấy ngữ âm bụt lại xuất hiện như: “… Hái củi quế tiển trà, khủng khỉnh một bình một bát; nằm am mây tắm suối, nửa bụt nửa tiên,…”.

 

Qua sự xuất hiện của ngữ âm bụt như vậy, đã giúp cho ta thấy rõ, thời đại của chuyện Tấm Cám không thể xuất hiện trước thời đại nhà Trần mà phải sau thời đại nầy, tức là chuyện Tấm Cám có thể xuất hiện trong thời nhà Trần bị suy thoái, và đất nước bị rơi vào lệ thuộc Minh.

 

Ta đọc Lĩnh nam trích quái do Trần Thế Pháp sưu tập và biên lại vào đời Trần, trong đó chỉ có 25 truyện, không có chuyện Tấm Cám. Nếu chuyện Tấm Cám xuất hiện ở đời Trần, thì chắc chắn Trần Thế Pháp đã biết và đã sưu tập lại để đưa vào Lĩnh nam trích quái do ông thực hiện.

 

Điều ấy, lại giúp cho ta tin tưởng rằng, chuyện Tấm Cám không thể xuất hiện trong thời đại nhà Trần hưng thịnh mà vào thời cực suy và ở giai đoạn đất nước lệ thuộc Minh.

 

-          Tác Giả Và Văn Bản:

 

Ta không biết tác giả của chuyện Tấm Cám là ai? Nhưng biết chắc chắn rằng, nó không thuộc về những thành phần lao động bình dân, mặc dù nó rất được giới bình dân ưa thích và truyền kể từ thế hệ nầy, đến thế hệ khác, cho đến ngày nay câu chuyện Tấm Cám vẫn là câu chuyện hấp dẫn của dân gian và đã được một số nhà văn học xếp nó vào loại những câu chuyện thần kỳ.

 

Tại sao chuyện Tấm Cám rất được giới bình dân ưa thích, nhưng họ không phải là tác giả? Vì ta đọc kỹ chuyện Tấm Cám, thì những đạo lý và những biểu tượng hay ẩn dụ ở trong câu chuyện nầy rất thực tế và thâm trầm.

 

Thực tế, vì đó là chuyện Tấm Cám. Tấm và Cám sinh ra từ lúa gạo. Lúa gạo gắn liền với đời sống nông dân và đời sống con người. Nên, Tấm và Cám không những gắn liền với đời sống nhân dân, mà chính nó là đời sống của nhân dân bị nô lệ và bóc lột nữa.

 

Nó thâm trầm, vì giới bình dân lao động trực tiếp làm ra của cải, lúa gạo, nhưng sự hưởng thụ của họ với những thành quả do họ làm ra quả thực cực kỳ khiêm tốn, họ trực tiếp làm ra lúa gạo, nhưng họ không phải là lúa gạo, họ chỉ là Tấm Cám. Lúa gạo, họ không được thừa hưởng, mà lại bị tước đoạt bởi giai cấp thống trị và bị bóc lột bởi giai cấp tư hữu, giàu có.

 

Lại nữa, nó thâm trầm, vì cấu trúc những tình tiết trong chuyện và định hướng cho câu chuyện nhắm tới không phải là nhất thời mà lâu dài; không phải là chuyện trước mắt, mà chuyện liên hệ đến nhân quả nghiệp báo luân hồi nhiều đời. Tấm nuôi cá bống, xương cá bống đã hóa thành những vật dụng để tạo ra đủ nhân duyên hiện tiền cho Tấm đi dự hội vua. Trên đường đi, chiếc vân hài của Tấm, bị rớt xuống vũng nước, tìm không ra, đến khi voi của vua đi, đến vũng nước, mà Tấm bị rớt chiếc vân hài, thì dừng lại và hý lên,… chính đó là nhân duyên cho Tấm làm hoàng hậu. Vì vậy, mất chiếc vân hài chưa phải là rủi, mang được cả đôi vân hài xinh đẹp đi đến dự hội chưa hẳn là may! Ấy là một trong những chi tiết cấu trúc đặc sắc và độc đáo của truyện.

 

Với những tình tiết để cấu trúc nên một câu chuyện linh hoạt và sống động như thế, ngay cả những người có học, nhưng không phải chuyên môn, cũng không dễ gì cấu trúc được cốt truyện như thế, để tạo ra được sự hấp dẫn của nó đối với người nghe hay người đọc, từ nội dung đến hình thức, huống là người bình dân. Do đó, tác giả của chuyện Tấm Cám, nó không phải thuộc về người bình dân mà là người có học.

 

Người có học ở vào thời kỳ cuối Trần, Hồ và giai đoạn đất nước bị lệ thuộc Minh, ngay cả thời Lê là ai? Chính là những Nho sĩ. Nho sĩ thì ngày đêm ghiền gẫm, học tập từ chương Ngũ kinh, Tứ thư, để thi cử đỗ đạt ra làm quan và hưởng thụ bỗng lộc của triều đình. Cái học của họ là để phục vụ triều đình và được thăng quan tiến chức, để vinh thân phì gia, chứ không phải để phục vụ nhân dân, hay là cái học của họ không phải để làm cho cái đức vốn sáng nơi mình lại được sáng ra để đổi mới cho dân, và biết dừng lại ở nơi chỗ chí thiện, như sách Đại học nói: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện”. Vì vậy mà Sử thần Ngô Sĩ Liên đời Lê đã phải than: “Bọn nho giả nước Việt ta, đắc dụng ở đời, không phải là không nhiều, song kẻ thì chỉ vì công danh, kẻ thì chỉ vì phú quý, kẻ thì hòa quang đồng trần, kẻ thì chỉ cốt ăn lộc giữ mình, chưa thấy có người nào chí về đạo đức, để tâm đến việc giúp vua nên đức tốt, cho dân được nhờ ơn. Như Tô Hiến Thành đời Lý, Chu Văn Trinh đời Trần, có thể gần được như thế”. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 1, tr 598, Nxb Văn học 2006)

 

Như vậy, đối với những Nho sĩ là từng lớp có học của xã hội bấy giờ, thì Nho học là sở trường của họ và Phật học là sở đoản của họ, nên họ không thể hiểu sâu vào giáo lý nhân quả nghiệp báo luân hồi trong đạo Phật, để cấu trúc nên câu chuyện Tấm Cám mang một nghĩa thực tiễn và thâm sâu như vậy.

 

Lại nữa, hàng Nho sĩ lúc bấy giờ họ rất cơ hiềm và kỳ thị Phật giáo, nên cấu trúc câu chuyện liên hệ đến Bụt, liên hệ đến nhân quả - nghiệp báo - luân hồi, rồi đẩy nó đi vào dân gian và biến câu chuyện ấy trở thành niềm tin, hy vọng và sức sống của dân gian, là điều không thể.

 

Sự kỳ thị ấy, ta thấy Nho thần Lê Quát không hề che giấu, khi ông đã bộc lộ một cách công khai, trong bài văn bia ở chùa Chiêu Phúc, thuộc thôn Bái, lộ Bắc giang rằng: “Nhà Phật lấy họa phúc để cảm động lòng người, sao mà được người tin theo lâu bền như thế! Trên từ vương công dưới đến dân thường, hễ bố thí vào việc nhà Phật, dù hết đến tiền của cũng không sẻn tiếc. Ví như ngày nay gởi gắm vào tháp chùa, thì trong lòng sung sướng, như nắm được khoán ước để nhận lấy sự báo ứng ngày sau. Cho nên, trong từ kinh thành, ngoài đến châu phủ, cho tận thôn cùng ngõ hẻm, không phải ra lệnh mà tuân theo, không bắt phải thề mà giữ đúng. Chỗ nào có người ở, tức có chùa Phật, bỏ đi rồi lại dựng lên, nát đi rồi lại sửa lại, lâu đài chuông trống chiếm hết nửa phần so với dân cư. Đạo Phật thịnh rất dễ mà được rất mực tôn sùng. Ta thuở trẻ đọc sách, khảo xét xưa nay, cũng biết rõ ít nhiều về đạo của Thánh nhân (đạo Nho), dùng để giáo hóa người ta, mà rốt cuộc chưa có thể được tin theo một hướng. Từng dạo xem núi sông, dấu chân đi hàng nửa thiên hạ, mà tìm nhà học và văn miếu, thì chưa từng thấy có đâu. Do đấy, ta rất lấy làm xấu hổ với tín đồ nhà Phật. Bèn viết ra đây để tỏ lòng ta”. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 1, tr 599, Nxb văn học, 2006).

 

Bấy giờ hàng Nho sĩ, thì cơ hiềm kỳ thị hay mặc cảm đối với Phật giáo như vậy, vậy thì tác giả của câu chuyện Tấm Cám là ai? Ta không biết chắc, nhưng họ nhất định không phải là của giới bình dân và của giới Nho sĩ. Họ là của những nhà trí thức nhân dân, họ thật sự có mặt trong lòng dân, và họ đã được nhân dân hết lòng tin tưởng và tôn kính. Họ là ai? Chính họ là những người phật tử yêu đạo, mến đời.

 

Văn bản của chuyện Tấm Cám hiện nay, ta thấy có ở trong Tập 2, Truyện Cổ Tích Việt Nam  tr 36, http://www.ebooks.svdcmedia.com; Bách Khoa Toàn Thư wikipedia; Vietmedia,…

 

Nội dung văn bản của các câu chuyện chép lại tương đối giống nhau, chỉ có khác một vài cách diễn đạt, nhưng phần kết thúc của chuyện Tấm Cám ở trên trang web Vietmedia khác hẳn với nội dung của các truyện kể của Tấm Cám thường được nhiều người biết đến.

 

Phần kết thúc của chuyện theo Vietmedia, như sau: “Sau khi Tấm được kiệu về cung vua, vua truyền ngôi cho hoàng tử, phong Tấm làm hoàng hậu. Mẹ con Cám gian ác, vua truyền lệnh đem ra xử chém để răn dạy người đời. Nhưng Tấm thương mẹ ghẻ và thương em, nên xin vua tha tội. Vua chuẩn tấu, nhưng đuổi hai mẹ con Cám ra khỏi hoàng cung về làm dân giả. Khi hai mẹ con ra khỏi hoàng thành, trời bỗng nổi cơn giông tố, sấm chớp nổi lên đùng đùng, đánh hai mẹ con Cám chết giữa đường”.

 

Kết thúc nầy, ta thấy Tấm thực sự có nhân hậu, nhưng mà mẹ con Cám vẫn không thoát khỏi nghiệp quả xấu ác của mình đã gieo. Kết thúc chuyện như vậy, lại có tính giáo dục rất cao.

 

Và qua kết thúc câu chuyện Tấm Cám của Vietmedia, ta cũng có thể nhận ra rằng, câu chuyện Tấm Cám khởi thủy, có thể đã không kết thúc bằng cách kết thúc như các văn bản Tấm Cám đã kết thúc và cũng không kết thúc như Vietmedia, mà câu chuyện có thể đã kết thúc, khi Tấm được kiệu từ nơi nhà của bà già nghèo bán nước về cung và tấn phong làm hoàng hậu.

 

Nếu kết thúc câu chuyện với hình ảnh Tấm làm hoàng hậu, sống đời sung sướng và hạnh phúc, mà lại khởi tâm trả thù mẹ con Cám một cách tàn nhẫn như các văn bản hiện có, chỉ tạo ra được cái cảm giác đả gan của từng lớp hiểu biết thiển cận, nhất thời mà không chinh phục được những thành phần trí thức có tầm nhìn xuyên suốt và lâu dài. Sau việc trả thù được mẹ con Cám, thì Tấm được gì, hay Tấm tiếp tục vay lại nợ máu, để rồi sau khi phước báo làm hoàng hậu kết thúc, lại tiếp tục gặp mẹ con Cám qua nhiều hình thức khác nhau để báo oán trả thù cho nhau. Vì vậy, câu chuyện kết thúc, bằng Tấm trả thù mẹ con Cám, khi Tấm ở trong cương vị hoàng hậu là câu chuyện thiếu nhân hậu và mất hay. Và kết thúc câu chuyện Tấm Cám như Vietmedia, thì việc xấu tốt của con người đều do trời đất chủ động và thưởng phạt, thì câu chuyện chưa nói lên được lý nhân quả một cách chính xác, sinh động và triệt để.

 

Vì vậy, theo tôi câu chuyện Tấm Cám chỉ kết thúc, khi Tấm được kiệu về cung làm hoàng hậu và hưởng cuộc đời vinh hoa. Kết thúc như vậy, không những có khả năng đánh thức mẹ con Cám, biết tư duy và tỉnh ngộ về những hành vi xấu ác của mình để ăn năn, tự hối, khiến cho thiện tâm nơi mẹ con Cám có cơ hội sinh khởi và hướng thượng. Và kết thúc như vậy, khiến cho những người nghe kể chuyện hay đọc chuyện có những suy nghĩ về nhân quả thiện ác, để tự mình khắc phục điều ác và thực hành điều thiện, nhằm hy vọng có một tương lai tươi sáng hơn như cuộc đời của Tấm là một bằng chứng. Và như vậy, ác nghiệp có thể chuyển đổi để trở thành thiện nghiệp, và nhân quả có tính biện chứng đi lên rất sinh động và luân hồi có thể chấm dứt để đời sống con người có thể thăng hoa đến đời sống chí thiện và chí chơn.

 

-          Tác Dụng Của Chuyện:

 

Câu chuyện Tấm Cám có tác dụng như thế nào đối với con người tự thân, gia đình và xã hội?

 

Đối với con người tự thân, ta luôn có những mâu thuẫn nội tại. Mâu thuẫn ấy là gì? Chính là hai hạt giống thiện ác luôn luôn xung đột ở nơi tâm thức ta, khiến cho đời sống của ta khi thì thiện, khi thì ác, khi thì vui, khi thì buồn, khi thì hạnh phúc, khi thì đau khổ. Trong chuyện Tấm Cám, Bụt là thiện tâm của ta. Dì ghẻ là ác tâm của ta. Tấm là tâm hành liên hệ đến thiện. Cám là tâm hành liên hệ đến ác.

 

Nếu tự thân con người nhận ra được nhân quả thiện ác đều ở nơi tâm ta và khi hạt nhân thiện hay ác ở nơi tâm đã khởi, thì quả báo vui hay khổ ắt sẽ đến với ta, không bằng hình thức nầy, thì cũng bằng hình thức khác; và không ngay nơi đời nầy, thì cũng sẽ đời sau. Nhân quả không mất, thiện ác báo ứng rõ ràng.

 

Nếu con người tự thân nhận ra được đạo lý nầy, thì xấu hay tốt, hạnh phúc hay đau khổ đều vốn có sẵn ở nơi tự tâm của họ, vốn có nơi hành động của họ, nên họ tự động điều chỉnh tâm họ và hành động của họ đi theo cái tốt, thì tự thân của đời họ sẽ được cải thiện và sẽ được thăng hoa.

 

Mỗi khi con người tự thân đã hiểu được lý nhân quả, nghiệp báo luân hồi, tự nỗ lực điều chỉnh và hoàn thiện đời sống bản thân, thì chính con người ấy sẽ sống có lợi ích cho gia đình và xã hội. Và họ có thể đóng góp một cách tích cực vào đời sống hạnh phúc gia đình và hoàn thiện xã hội mà họ đang hiện hữu.

 

Đối với gia đình cũng vậy. Nếu đời sống của con người tự thân không tự hoàn thiện và thăng hoa theo lý nhân quả, thì đời sống của gia đình không do đâu mà có hạnh phúc. Mọi hạnh phúc của các gia đình đều tự tan vỡ. Qua chuyện Tấm Cám, đã cho ta thấy rõ, sự mâu thuẫn cùng cực trong đời sống gia đình, mẹ ghẻ con chồng, giữa chị em cùng cha khác mẹ.

 

Và đời sống gia đình đâu có phải chỉ mâu thuẫn chừng đó. Vợ chồng có khi mâu thuẫn với nhau trở nên gay gắt, không thể sống chung và phải chia tay, để lại những vết đau cho tự thân và những bất hạnh cho những thế hệ con cháu trong hiện tại và tương lai.

 

Vậy, qua câu chuyên Tấm Cám, đã hiện lên cho ta bài học và kinh nghiệm về đời sống mâu thuẫn của gia đình và cách giải quyết những mâu thuẫn ấy, để tự hoàn thiện đời sống gia đình qua đạo lý nhân quả “ở hiền gặp lành; gieo gió gặt bão”, để mỗi thành viên trong gia đình tự hoàn thiện lấy bản thân mình và tự điều chỉnh đời mình theo định hướng tốt của nhân quả, mà chuyện Tấm Cám là một bài học rất thật trong đời sống của gia đình.

 

Đối với đời sống xã hội cũng vậy. Đời sống xã hội chỉ là hình ảnh phóng đại của đời sống gia đình và đời sống gia đình là hình ảnh phóng đại của đời sống tự thân. Và đời sống tự thân là phản ảnh trung thực những hạt giống thiện ác ở nơi tự tâm. Những mâu thuẫn tự nội không được chuyển hóa, nó sẽ dẫn đến mâu thuẫn đời sống tự thân, đời sống gia đình và xã hội.

 

Lại nữa, con người tự thân có nhân quả của con người tự thân, con người gia đình có nhân quả của con người gia đình và con người xã hội có nhân quả của con người xã hội. Dù nhân quả của mỗi thành phần rộng hẹp có khác nhau, nhưng sự liên hệ của các hệ thống nhân quả ấy là nghiệp và được tác động bởi duyên, để từ nhân sinh khởi quả báo một cách chính xác không hề sai lệch.

 

Như vậy, câu chuyện Tấm Cám đã nói gì với con người xã hội? Xã hội Ấn độ thời Phật được phân chia thành bốn giai cấp rõ rệt gồm: Bà la môn (Brahmana), ấy là giai cấp giáo sĩ; Sát đế lợi (Ksatriya), ấy là giai cấp vua chúa, nắm quyền uy chính trị; Tỳ xá (Vaisya), ấy là giai cấp thương gia, nắm kinh tế và Thủ đà la (Sudra), ấy là giai cấp làm thuê mướn hay nô lệ; Giai cấp người trong xã hội Trung hoa và Việt nam cũng đã ảnh hưởng Nho giáo và phân chia thành bốn giai cấp khác nhau, gồm sĩ, nông, công, thương. Những giai cấp như vậy, luôn luôn đấu tranh gay gắt với nhau tạo ra những mâu thuẫn và xung đột xã hội.

 

Cách phân loại các giai cấp người ở trong xã hội, tùy theo vùng, tùy theo từng thời kỳ khác nhau, và tùy theo từng  tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa đã ảnh hưởng lên đời sống của con người trong từng thời kỳ phát triển của xã hội.

 

Tuy nhiên, xã hội con người dù có phân cấp theo cách nhìn của tôn giáo, hay học thuyết chính trị nào đi nữa, thì chung quy, chúng không ra ngoài hai thành phần, gồm giai cấp thống trị và giai cấp bị trị.

 

Những mâu thuẫn chính yếu của xã hội con người, ngàn đời vẫn là mâu thuẫn giữa giai cấp giàu và nghèo, giữa giai cấp thống trị và bị trị.

 

Trong chuyện Tấm Cám, ở mặt xã hội, mẹ con Cám là tiêu biểu cho giai cấp thống trị và Tấm là tiêu biểu cho giai cấp bị trị. Bụt không thuộc về giai cấp thống trị hay bị trị nào của xã hội, nhưng lại có khả năng giúp đỡ những con người bị áp bức trong xã hội thoát khỏi những tình trạng khổ đau của họ, bằng tình thương và trí chân thật của Ngài.

 

Đứng về mặt dân tộc, Bụt không thuộc về những dân tộc xâm lược và luôn luôn đứng về phía những dân tộc bị xâm lược, để bảo vệ công bằng lẽ phải cho xã hội con người của dân tộc ấy.

 

Ở xã hội Việt nam, khi nhà Trần bị suy thoái, phép nước mất cương kỹ, bề tôi lấn lướt vua, theo quốc sử ghi rằng, năm 1397, Lê Quý Ly sau đổi là Hồ Quý Ly, đã tự mình chuyên quyền quyết định việc triều chính, ngay cả việc dời kinh đô từ Thăng Long vào động An Tôn, phủ Thanh Hóa, đã được Khu mật chủ sự thị sử Nguyễn Nhữ Thuyết can ngăn với lời lẽ như sau: “Ngày xưa nhà Chu, nhà Ngụy dời đô đều thấy không tốt. Nay đất Long Đỗ, có núi Tản viên, có sông Lô, sông Nhị, núi cao, sông sâu, đất bằng phẳng rộng rãi, các đế vương ngày xưa mở nghiệp dựng nước, không đời nào là không lấy đất ấy, làm nơi gốc rễ lâu bền. Nên cứ theo như trước. Bấy giờ quân Nguyên bị khuất, giặc Chiêm nạp đầu. Xin nghĩ lại một chút, để làm thế vững bền nhà nước. An Tôn là đất chật hẹp hẻo lánh, cuối nước đầu non, nên với loạn mà không nên với trị, chỉ cậy hiểm độc thôi. Người xưa có câu: Cốt ở đức, không cốt ở hiểm”. Dù được Nhữ Thuyết can ngăn như vậy, nhưng Hồ Quý Ly không nghe. Không những Nhữ Thuyết can, mà Phạm Cự Luận cũng can, nhưng Hồ Quý Ly nói: “Ý đã định trước rồi, người còn nói gì nữa”. Đến đây là thi hành. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 1, tr 645, Nxb văn học 2006).

 

Cũng theo quốc sử, năm 1399, Hồ Quý Ly ra lệnh tướng quân Phạm Khả Vĩnh thắt cổ vua Thuận Tông chết. Sau đó Hồ Quý Ly giết luôn Thái bảo Trần Hãng, Trụ quốc Nhật Đôn, Tướng quân Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh, và những người liên hệ với những vị nầy đều bị Hồ Quý Ly giết hơn 370 người. Tịch thu tài sản. Con gái bắt làm nô tỳ, các con trai từ hai tuổi trở lên đều bắt chôn sống hoặc nhận chìm xuống nước cho chết… Năm 1400, Hồ Quý Ly buộc Thiếu Đế nhường ngôi, cho làm Bảo Ninh đại vương không giết, vì vua là cháu ngoại, bắt dòng tôn thất và các quan dâng biểu, để lên ngôi, khi ấy ông còn giả bộ trung nghĩa, đạo đức lên giọng nói: “Ta sắp chết đến nơi, còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế dưới đất nữa”. Rồi, ông tự lập làm vua, đặt niên hiệu Thánh nguyên, quốc hiệu Đại Ngu, đổi họ Lê thành họ Hồ. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 1, tr 655, Nxb văn học 2006).

 

Một năm sau, tức năm 1401, Hồ Quý Ly nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương lên làm Thái Thượng Hoàng. Hoàn cảnh xã hội Việt nam lúc này giặc giã nổi lên chống đối họ Hồ nhiều nơi, nước Minh nhòm ngó sự bất ổn của nội thân Việt nam, nên xua 10 vạn quân xâm lược vào năm 1406, do Tham tướng Đô đốc Hoàng Trung lãnh đạo, lấy cớ là đưa Trần vương là Thiêm Bình về nước, đánh vào Lãnh kinh, quân của Hồ thua chạy. Theo quốc sử, cũng vào mùa thu năm này, nhà Minh lại sai các tướng của họ như Trương Phụ, Huỳnh Dương Bá, Trần Húc đem 40 vạn quân xâm lược nước ta. Các tướng tài giỏi của Hồ, cũng như quan quân thấy Hồ tàn bạo, nên không ai có lòng đánh giặc, một số đầu hàng với quân Minh, Minh phong cho họ làm quan. Tháng 11, năm Đinh Hợi, tức năm 1407, quân Minh đánh bắt được cha con Hồ Quý Ly, và con cái cháu chắt dẫn đến Kim Lăng và buộc dâng ấn tín, sau đó họ đều bị Minh tàn hại, đất nước lại lệ thuộc Minh.

 

Ở vào giai đoạn đất nước bị lệ thuộc nầy, người Minh chở hết văn hóa phẩm của Việt nam về Kim Lăng, cái nào không chở được thì đốt kể cả một tờ giấy loại. Minh kêu gọi những người ẩn dật tài giỏi ra làm quan, có một số ra, có một số không. Số ra được Minh đưa về Kim Lăng huấn luyện, rồi đưa về lại Việt nam làm quan cho Minh. Một số không ra, thì tiếp tục ẩn dật, hoặc tiếp tục chiêu quân chống Minh. Minh đô hộ và cai trị nước ta một cách gian ác và tàn bạo.

 

Một số tướng chống Minh đã đưa Giản Định Đế lên ngôi ở Mô Độ, châu Trường yên, nay là Ninh Bình,  lấy niên hiệu là Hưng Khánh. Còn một số khác chống Minh, như Phạm Chấn, Trần Ngạn Chiêu ở Đông triều lại lập Trần Nguyệt Hồ làm vua tại Bình Than, để cờ chiêu an gọi là Trung nghĩa quân. Các tướng như Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân đều phò vua giúp nước chống Minh ở giai đoạn nầy và đã có những thành quả nhất định, nhưng sau đó bị gièm pha, và hai vị nầy cũng đã bị vua giết. Vấn đề nầy, Ngô Sĩ Liên đã có lời bình như sau: “Vua may thoát hiểm cầu người hiền giúp nạn nước, được cha con Đặng Tất có tài làm tướng, cha con Cảnh Chân có mưu lược, đủ lập được công khôi phục, dựng nghiệp trung hưng, trận thắng Bô Cô, thế nước lại đấy, thế mà nghe lời gièm của kẻ hoạn quan, một lúc giết hai người bề tôi phò tá, tự mình chặt bỏ chân tay vây cánh, thì làm sao, nên việc được”. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 1, tr 696, Nxb Văn học 2006).

 

Do sự bất minh của vua như vậy, nên Đặng Dung con của Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Dị con của Nguyễn Cảnh Chân, đã đưa Trần Quý Khoáng đến Nghệ An lập nên làm vua. Vua lên ngôi ở Chi La (nay là huyện Đức Thọ), đổi niên hiệu là Trùng Quang, để chống Minh.

 

Cuộc chống Minh của nhân dân ta cho đến khi thành công, giành lại chủ quyền dân tộc, phải đến Lê Lợi,…

 

Nên, việc xuất hiện câu chuyện Tấm Cám ở trong giai đoạn lịch sử của dân tộc ta vào giai đoạn cuối Trần và lệ thuộc Minh, nó có một ý nghĩa hết sức quan yếu.

 

Quan yếu, vì đây là giai đoạn mà mù tối nhất của đất nước, chánh tà khó phân định, trung nghĩa không rõ ràng, thiện ác khó nhận ra, vì vậy chuyện Tấm Cám xuất hiện ở giai đoạn nầy như là một bản hiến pháp và bộ luật dân sự của đất nước, dù nó chỉ xuất hiện dưới hình thức là một chuyện kể dân gian. Qua bản hiến pháp và bộ luật dân sự ấy, người dân biết được đâu là chánh, đâu là tà; đâu là trung nghĩa, đâu là phi trung nghĩa; đâu là cái thiện chân thật, đâu là cái thiện giả dối, để từ đó định hướng cho mọi hành động phò nước cứu nguy, thoát khỏi ách ngoại xâm, không phạm vào tội ác.

 

Như vậy, chuyện Tấm Cám xuất hiện ở giai đoạn lịch sử đen tối của đất nước ở giai đoạn nầy, vừa có tác dụng như là một bản hiến pháp bất thành văn, để nhắc nhở cho mọi thành phần xã hội rằng: “Ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão”. Mà chính cha con Hồ Quý Ly là một bằng chứng cụ thể, đã gieo gió, nên gặt bão. Nên, chính họ đã bị luật nhân quả xử lý.

 

Với chuyện Tấm Cám, Tấm bị mẹ Cám bày mưu để giết, nhằm đưa Cám soán ngôi hoàng hậu của Tấm là biểu tượng cho vua quan cuối Trần bị ám hại bởi Hồ Quý Ly để soán ngôi, mà cụ thể là vua Trần Thuận Tông, Tướng quân Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh,… và sau đó, lại đưa con mình là Hồ Hán Thương lên ngôi nắm giữ quyền chính.

 

Rồi nữa, Tấm là tiêu biểu cho những gì tốt đẹp của dân tộc Việt nam đang bị nhà Minh ám hại và cướp mất. Mẹ con Cám là biểu tượng cho sự tà tâm, gian ác của nhà Minh và những quan lại làm tay sai cho Minh để hại dân, hại nước. Đọc lời chiếu dụ tháng 2 năm Tân mão (1411) của Minh đối với nhân dân ta, đã giúp cho ta thấy những thủ đoạn đạo đức của họ. Lời dụ, Minh nói: “Giao chỉ đã thuộc bản đồ, mà mấy năm chưa được yên nghỉ, xót nỗi sau khốn khổ, ban ơn rộng yêu thương, cho cả nhân dân đều nhuần đức trạch”. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 1, tr 701, Nxb Văn hóa 2006).

 

Trong lời chiếu dụ quan viên và quân dân, Minh nói: “Người cõi Giao châu đều là dân trời, đã có lòng yêu nuôi, đều là con đẻ của trẫm, chúng nhất thời theo giặc, trẫm nghe bị giết, thực lấy làm xót thương, há nỡ để như thế mãi! Nhưng vì kẻ làm bậy chủ có mấy người, mà nhân dân ở nơi bãi biển hang núi bị chúng bách hiếp, hoặc phải giúp lương, hoặc phải theo chúng, đến đâu làm giặc đấy, đều là bất đắc dĩ cả, bị chúng đánh lừa, không phải bản tâm. Nếu biết tỉnh hối đều cho đổi mới. Làm ác chỉ có mấy người, trăm họ không có tội gì. Trong ấy nếu có người dũng cảm, người kiến thức, có thể bắt được mấy người đem nộp, cũng cho quan to tước cao; những kẻ làm ác, nếu biết gột rửa tâm trí, đổi lỗi sửa mình, không những là được khoan tha tội lỗi, lại cho làm quan nữa”. (Sđd, tr 702).

 

Trong lời dụ nầy, Minh đã bộc lộ, đạo đức giả của nó để dụ quan viên và quân dân nhẹ dạ của ta tiếp tay với nó, để làm điều phi nhân, phi nghĩa hại dân, hại nước.

 

Và không những Minh có chiếu dụ đối với quan viên và quân dân Đại Việt như đã dẫn ở trên, mà còn có sắc chỉ kích động cho thổ quan như sau: “Các người là tài hào kiệt, có tính thuần hậu, sáng suốt biết trước, trước đã đem lòng ra sức, hết trung với triều đình, nghĩ đến công lao của các ngươi, đặc ân cho chức cao quý. Nay nghe các ngươi biết trọn chức vụ, hết sức lập công, bắt giết kẻ nghịch, giữ yên cõi đất, nghĩ đến lòng trung thành ấy, xiết nỗi khen vui. Hiện nay bọn giặc còn sót chưa dẹp yên hết, các ngươi nên cố lập công cho thêm tốt, gắng sức tiêu diệt cho hết, để nối công trước. Ta đặc cách sai người sang ủy lạo và khen thưởng. Các người phải kính theo, nhớ lấy mệnh lệnh yêu mến nầy”. (Sđd, tr 702).

 

Đọc các dụ và sắc của Minh, ta thấy những giả tâm của nó đối với quan viên và quân dân nước ta, chẳng khác nào mẹ con Cám đã gian tâm và đạo đức giả với Tấm, khi Tấm đã làm hoàng hậu về giỗ cha, mẹ con Cám đã dụ Tấm leo lên hái cau và rồi chặt cây cau, khiến Tấm rớt xuống ao mà chết.

 

Cũng vậy, những lời dụ của Minh là những bẫy sập, khiến cho những quan dân nước ta nhẹ dạ, ham danh lợi nhất thời dễ rơi vào bẫy sập. Nên, bản hiến pháp và luật dân sự xét xử bất thành văn của đất nước ở giai đoạn nầy, cần phải xuất hiện, để nêu rõ thiện ác, chánh tà, chính nghĩa, phi nghĩa dưới hình thức câu chuyện Tấm Cám, để cảnh tỉnh và soi đường hành động cho bối cảnh của xã hội Việt nam đương thời.

 

Và, nhờ bản hiến pháp và luật dân sự xét xử qua chuyện Tấm Cám bất thành văn ấy đã xuất hiện, và nó đã được dân chúng chuyển tải khắp mọi thành phần xã hội. Khiến người dân bấy giờ đã ý thức được thiện ác rõ ràng, chánh tà cụ thể, chân ngụy có nhân quả khác nhau. Làm ác thì bị ác báo; làm thiện thì được thiện báo, nên họ sẵn sàng sống và chết cho cái thiện mà không để rơi vào cạm bẫy của cái ác.

 

Đối với dân tộc làm ác là gì? Là giết vua chiếm ngôi, bạc đãi người trung chính, áp bức người hiền lương, tàn hại muôn dân, sưu cao thuế nặng, làm tay sai cho ngoại lai, bán rẽ cái hay, cái đẹp của con người và đất nước.

 

Đối với ngoại bang xâm lược, nhà Minh là mẹ con Cám. Nhân dân Việt nam là Tấm. Cái gian ác của nhà Minh đối dân ta là đốt hết kinh sách văn hóa của người Việt, ngay cả một tờ giấy loại, để đưa dân tộc Việt nam lệ thuộc Minh hoàn toàn, thế mà có nhiều nho sĩ chạy theo, muốn biến đất nước nầy trở thành Tống Nho như Trương Hán Siêu, Lê Quát,… chẳng hạn. Vì vậy, ở chuyện Tấm Cám, họ là thuộc thành phần của mẹ con Cám. Nó là tiêu biểu cho cái ác, cái gian tà. Và những thành phần dân tộc chống lại Minh giành lại độc lập, tự chủ cho dân tộc là Tấm. Nó là tiêu biểu cho cái thiện, cái chính nghĩa.

 

Trong chuyện Tấm Cám, Bụt xuất hiện để giúp Tấm thoát khỏi sự gian ác của mẹ con Cám, ở mặt xã hội nó được tiêu biểu rằng, đạo Phật lúc nào và ở đâu, đối với ai, đối với xã hội nào cũng không xu phụ quyền thế, mà luôn đứng về phía lẽ phải, phía của cái thiện, cái chánh, cái bị áp bức và có khả năng yểm trợ cho những thành phần xã hội thực hiện những điều tốt đẹp nầy, mà qua chuyện Tấm cám ta thấy đã minh họa cụ thể.

 

Trong chuyện Tấm Cám, Bụt đã xuất hiện nhiều lần trước những đau khổ của Tấm do mẹ con Cám  gây ra và đã giúp đỡ Tấm thành công. Như vậy, Bụt và lời dạy của Ngài hết sức thiết thực, nên hễ bất cứ ai tin tưởng và thực hành, đều có kết quả tốt đẹp, dù là con người tự thân hay gia đình và xã hội.

 

Bụt đã dạy Tấm cách giữ gìn xương của cá bống, để có những thành quả phi thường. Cũng vậy, ở  nơi con người nào, ở gia đình nào và ở bất cứ xã hội nào biết tuân giữ lời Phật dạy, thì tất cả họ đều đạt đến những thành quả phi thường, mà họ không thể nào nghĩ tới nổi.

 

Và qua chuyện Tấm Cám, Bụt dạy Tấm phải cất giữ xương của bống và nhờ vậy, mà Tấm đạt được những gì Tấm mong muốn một cách bất ngờ là biểu tượng rằng, những lời dạy của đức Phật là cốt lõi hay là xương sống tạo nên mọi hạnh phúc cho tự thân, gia đình và xã hội.

 

Và chính nhờ chuyện Tấm Cám xuất hiện vào thời điểm tối tăm ấy của lịch sử đất nước, nó lại trở thành một điểm sáng dẫn đạo cho cả dân tộc đi ra khỏi bóng đêm nô lệ, mà Lê Lợi đã nương vào điểm sáng ấy, để chiêu binh khởi nghĩa. Nguyễn Trãi đã từ nơi điểm sáng ấy, mà viết Bình Ngô Đại Cáo rằng: “Dùng nhân nghĩa cốt để yên dân”.

 

Từ đó, việc khởi quân chống Minh của Lê Lợi dẫn đến thành công, giang sơn quy về một mối. Lê Lợi lên ngôi trị vì thiên hạ. Và việc lên ngôi trị vì thiên hạ của Lê Lợi, chẳng khác nào Tấm từ ngôi nhà của bà già nghèo bán nước được lên kiệu về cung vua làm hoàng hậu hưởng cuộc đời phú quý, vinh hoa.

 

Các nhà Văn học, thường xếp chuyện Tấm Cám vào loại Thần kỳ. Vì đọc chuyện, ta thấy Bụt đã giúp cho Tấm thành công một cách phi thường, mà chính bản thân Tấm cũng không ngờ được. Vì vậy, họ xếp chuyện nầy vào chuyện Thần kỳ thì cũng đúng thôi.

 

Nhưng, tôi thì không xếp chuyện nầy vào loại như vậy, tôi xem nó là bản hiến pháp và luật dân sự bất thành văn vào thời đại cuối Trần và chống Minh của dân tộc ta. Và xếp nó vào một trong những bản hiến pháp và luật dân sự bất thành văn đầu tiên của dân tộc. Và nó không những chỉ là bản Hiến Pháp bất thành văn đơn thuần, mà còn là một bộ luật dân sự xử phạt sống động và tự nhiên. Sự xử phạt bị can không cần có quan tòa, không cần có luật sư đoàn biện hộ, nhưng cực kỳ chính xác và nghiêm minh đối với những kẻ gian tà, bất thiện và đã ban thưởng một cách đúng đắn, không thiên lệch đối với những ai sống theo điều thiện và trung chính, mà không cần có kẻ từ trời cao đứng ra ban thưởng.

 

- Phần Gợi Ý:

 

Trong câu chuyện Tấm Cám, Tấm là tiêu biểu cho thành phần bị áp bức bởi gia đình và xã hội. Bụt là tiêu biểu cho Từ bi và Trí tuệ xuất hiện trong gia đình và xã hội để che chở cho những thành phần bị áp bức ấy.

 

Và trong câu chuyện, nếu Tấm là một người phật tử có tu học, hiểu được lý nhân quả, Tấm sẽ mỉm cười đối với những gì bất hạnh của mình. Vì Tấm nhận ra được tính luân hồi trong nhân quả liên hệ đến nhiều đời của mình. Và khi đã trả hết nghiệp báo với mẹ con Cám để làm hoàng hậu, Tấm đã không tiếp tục vay lại nghiệp báo ấy. Vì định luật nhân quả nghiệp báo xảy ra rất chính xác và rõ ràng cho bất cứ ai rằng: “Đã vay thì phải trả. Tiếp tục vay, thì tiếp tục trả. Không trả dưới hình thức nầy, thì cũng phải trả dưới những hình thức khác. Chỉ có không vay, thì không trả”.

 

Tại sao Tấm mồ côi cha mẹ sớm? Vì nhiều đời trong quá khứ, Tấm đã từng là những người con coi thường cha mẹ, hất hủi cha mẹ và có những hành xử bất hiếu với cha mẹ, làm cho cha mẹ đau khổ rất nhiều, với nhân quá khứ của Tấm như vậy, nên đời nay sinh ra, Tấm phải chịu thiếu thốn tình thương của cha mẹ, và nhận lấy thân phận đời sống của một em bé mồ côi mẹ cha, ở với dì ghẻ để chịu đựng những nỗi đắng cay, ngang trái, phũ phàng, đúng như nhân mình đã từng gieo.

 

Dì ghẻ của Tấm hiện tại đối xử với Tấm như vậy, kết quả xảy ra phản ảnh rất đúng với nghiệp nhân trong quá khứ mà Tấm đã gây ra. Tấm đã trả kết quả cho nhân ấy không phải một đời mà phải trải qua bốn đời luân hồi trong nhân quả. Một đời Tấm làm chim Vàng anh, một đời làm cây Xoan đào, một đời làm Khung cửi và một đời làm quả Thị. Và khi trở thành quả Thị, thì Tấm mới thoát được khổ báo bất hiếu mà hưởng được phước báo.

 

Nhưng, không may ở trong phước báo làm hoàng hậu ấy, Tấm lại tiếp tục tạo ra oan nghiệp xấu ác đối với mẹ con Cám. Và như vậy, theo định luật luân hồi trong nhân quả của sinh tử, sau khi chết, Tấm lại gặp mẹ con Cám dưới nhiều hình thức khác nhau, để trả quả báo cũ và rồi lại tạo nghiệp báo mới, cứ như vậy mà Tấm ở đâu thì Cám ở đó và Cám ở đâu thì Tấm ở đó. Tấm và Cám gắn liền với nhau không phải chỉ có ý nghĩa trên mặt thực tế, mà còn gắn liền với nhau trong ý nghĩa của luân hồi trong nhân quả. Nghĩa là nhân quả ở đâu, thì luân hồi ở đó; luân hồi ở đâu thì nhân quả ở đó. Tác giả nhân gian đã sử dụng từ ngữ Tấm Cám, để ẩn dụ cho đạo lý nhân quả luân hồi luôn luôn gắn liền với nhau và có mặt trong nhau. Với dụng ngữ mang tính ẩn ngữ như vậy quá ư là độc đáo.

 

Nếu Tấm là một phật tử dễ thương, có tu học hẳn hoi, khi đã được thoát nghiệp xấu để làm hoàng hậu, cô ấy sẽ thầm cảm ơn mẹ con của Cám và tìm cách giúp đỡ cho mẹ con của Cám thấy được nhân quả luân hồi để tu tập và chuyển hóa những nhân xấu ác, làm dẫn sinh những kết quả an lành, thì câu chuyện Tấm Cám là rất hay và nó lại được nâng lên tầm giáo dục có trí tuệ và từ bi trong đạo Phật.

 

Tuy nhiên, câu chuyện Tấm Cám đã giúp cho người ta thấy rằng: chết, nghiệp báo vẫn còn đó cho ta, và nghiệp có khả năng tái tạo cho ta đời sống luân hồi trong nhân quả. Nên, ta gieo nhân gì, thì ta gặt quả ấy.

 

Và, nếu kết thúc câu chuyện, Tấm sau khi đã có đủ phước báo để làm hoàng hậu, có nhiều quyền lực, không có tâm trả thù mẹ con của Cám, mà còn biết cảm ơn mẹ con của Cám và nâng đỡ mẹ con của Cám với tấm lòng độ lượng, hiểu biết và đầy cảm thông, thì câu chuyện Tấm Cám là một câu chuyện mang tính giáo dục tuyệt vời, đóng góp vào sự an bình của gia đình và bình trị của xã hội rất lớn!

 

Vì vậy, đọc chuyện Tấm Cám, trong văn học cổ tích Việt nam, ta phải đọc bằng tất cả trái tim và khả năng của mình, để ở đó, ta có thể phát hiện ra diện mạo của mình, diện mạo của gia đình mình, của dân tộc mình và diện mạo triết lý, đạo đức, tín ngưỡng, văn hóa, chính trị của xã hội. Và từ đó, ta có một hướng đi sáng và hoàn chỉnh cho con người tự thân, có một định hướng tốt để giáo dục cho gia đình và nếu ta là những thành phần lãnh đạo đất nước, ta sẽ có một cái nhìn hợp lý, để thấy rõ những mâu thuẫn xã hội do đâu và do đâu mà người dân coi thường luật pháp? Nếu không hiểu rõ định lý nhân quả nghiệp báo, ta không đưa ra được những phương pháp để giải quyết những mâu thuẫn của gia đình và xã hội. Nếu không hiểu được định luật nhân quả nghiệp báo mà thiết lập luật pháp, thì ta càng thiết lập luật pháp bao nhiêu, nó lại càng bị phản tác dụng bấy nhiêu.

 

Triết lý “ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão” là triết lý quá cụ thể, mà chuyện Tấm Cám trong văn học cổ tích Việt nam, đã chuyển tải để cống hiến cho ta một hướng đi, một hành động hợp lý, để từ đó cuộc sống tự thân nở hoa, cuộc sống của gia đình ổn định và xã hội thăng hoa.

 

Do đó, nếu đọc chuyện Tấm Cám với tất cả tấm lòng, thì ở đó không những ta phát hiện và khai quật được những của báu vô giá mà người xưa đã để lại cho ta, không phải chỉ có giá trị về mặt khoa học nhân văn, mà còn có giá trị rất lớn về khoa học tâm linh, khoa học chính trị và xã hội nữa.

 

Ngày xưa, đối với ngũ kinh Trung hoa, đức Khổng Tử chỉ viết kinh Xuân Thu, còn Dịch, Lễ, Thi và Thơ, ông chỉ san định mà không phải trước tác. Ngay cả vào thời đức Khổng Tử, ông đã không biết tác giả Dịch, Lễ, Thi, Thơ là ai và chính những cái không phải là ai đó, mới là cái của tất cả mọi người, của cuộc sống, của xã hội và của lịch sử loài người.

 

Cũng vậy, trong văn học Việt nam, kho tàng chuyện cổ tích Việt nam, hàng ngàn mẫu chuyện, ta không biết nó là của ai, nó đến từ những tư duy nào, từ những nguồn văn hóa nào, từ những truyền thống tâm linh nào, nhưng nó đã được người Việt nam, tiếp thu, gạn lọc, đúc kết thành những câu chuyện, có khi mang tính thần kỳ, có khi mang tính ngụ ngôn, ẩn dụ hay thời sự, rồi ứng dụng nó vào trong những sinh hoạt thực tế, tạo ra những thuần phong mỹ tục và văn hóa đặc thù của người Việt. Và chính những thuần phong ấy, đã giữ gìn được gia phong của một dòng họ, quốc phong của một đất nước và cương kỷ của xã hội con người.

 

Nên, những gì tôi đã khai quật được ở trong chuyện Tấm Cám, cũng chỉ là những khai quật khiêm tốn, hy vọng có nhiều vị sẽ tiếp tục khai quật những giá trị còn tiềm ẩn thẳm sâu trong câu chuyện ấy để cống hiến cho đời và báo đáp ân xưa!

 

 

 

 

Tư liệu Tham Khảo

 

-          Mâu Tử Lý Hoặc Luận, Hoàng Minh Tập, Đại Chính 52.

-          Lục Độ Tập Kinh, Khương Tăng Hội dịch, Đại Chính 3

-          Thiền Uyển Tập Anh, Lê Triều Vĩnh Thạnh, Thập Nhất Niên, Tứ Nguyệt, Cốc Nhật Trùng Khắc.

-          Thánh Đăng Lục, Khắc bản, 1750.

-          Lĩnh Nam Trích Quái, Trần Thế Pháp, Thế kỷ 15.

-          Nghiên Cứu Về Mâu Tử, Lê Mạnh Thát, Tu Thư Vạn Hạnh, 1982.

-  Lục Độ Tập Kinh Và Lịch Sử Khởi Nguyên Đân Tộc Ta,      Lê Mạnh Thát, Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh, 1972.

-          Lê Mạnh Thát, Nghiên Cứu Về Thiền Uyển Tập Anh, Nxbản TP. Hồ Chí Minh, 1999.

-          Khóa Hư Lục, Thích Thanh Kiểm dịch, Nxb Tôn Giáo

 2003.

-          Thánh Đăng Lục Giảng Giải, Thích Thanh Từ, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1999.

-          Lịch Sử PG Việt Nam I, Lê Mạnh Thát, Nxb Thuận Hóa 1999.

-          Lịch Sử PGVN II, Lê Mạnh Thát, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 2001.

-          Lịch Sử PGVN III, Lê Mạnh Thát, Nxb TP. Hồ Chí Minh 2002.

-          Toàn Tập Trần Thái Tông, Nxb Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh 2004.

-          Toàn Tập Trần Nhân Tông, Nxb Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh 2006.

-          Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nguyễn Lang, Nxb Văn Học Hà Nội 1992.

-          Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngô Sĩ Liên, Nxb Văn Học, 2006.

-          Chuyện Tấm Cám Thời Đại Mới, Athena, 2008.

Truyện Cổ Tích Việt Nam   http://www.ebooks.svdcmedia.com; Bách Khoa Toàn Thư wikipedia; Vietmedia,…

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay