Nhu cầu mở rộng sinh hoạt Gia đình Phật tử
Minh Thạnh
Cập nhật: 11:23:08 18/05/2010

Nhu cầu mở rộng sinh hoạt Gia đình Phật tử

Minh Thạnh

 

Trước hết, cần khẳng định đây là một nhu cầu khách quan.

Nói nhu cầu khách quan là nói đến tính tất yếu của nó. Nhu cầu được nói không phải là một ý tưởng chủ quan, “sáng tạo” của một cá nhân nào, mà nó xuất phát từ chính thực tế, từ hoàn cảnh, từ những yếu tố thời đại.

Như mọi người đều biết, Gia đình Phật tử được thành lập tại Huế, từ năm 1940, với tên gọi là Gia đình Phật hóa phổ. Đến năm 1951, trong cuộc Hội nghị Gia đình Phật hóa phổ toàn quốc tại chùa Từ Đàm, Huế lại đổi danh hiệu là Gia đình Phật tử.

Gia đình Phật tử là một tổ chức có tôn chỉ và mục đích rõ ràng là: “Đào tạo Thanh, thiếu, đồng niên thành những Phật tử chân chính, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo”.

Như thế, Gia đình Phật tử đã có dòng lịch sử hơn hai phần ba thế kỷ, dù trải qua nhiều khúc quanh quan trọng, nhưng Gia đình Phật tử đã có những cải cách tự thân đúng đắn. Tuy nhiên, trong suốt quá trình sinh hoạt, Gia đình Phật tử cũng gặp không ít chướng duyên, trong một thời gian dài, thì Gia đình Phật tử lại đi dần đến chỗ trì trệ, phân hóa. Hình thức sinh hoạt thiếu tính sáng tạo, không còn sức hấp dẫn tầng lớp thanh, thiếu, đồng niên như thời kỳ hưng thịnh ban đầu. Mặc dầu các người lãnh đạo tổ chức Gia đình Phật tử đã có nhiều cố gắng nhằm cải cách và nâng cao trình độ sinh hoạt.

Tuy nhiên, những cải cách ấy cũng chỉ là những cải cách nhỏ, cục bộ, rời rạc, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Gia đình Phật tử trong thời đại mới.

Nói chưa đáp ứng là do những cơ sở sau đây:

  • Gia đình Phật tử với số lượng đoàn sinh như hiện nay (có thể quan sát vào những dịp lễ Phật giáo ở các chùa lớn) không phát triển tương xứng với sự phát triển dân số Việt Nam.

Chùa mới được xây dựng nhiều, số lượng người đi chùa gia tăng, nhưng tỷ lệ số chùa có Gia đình Phật tử sinh hoạt trên tổng số chùa chưa tăng một cách tương ứng. Chúng tôi mong được bổ sung những con số cụ thể, nhưng cảm nhận trực quan dễ dàng đưa đến kết luận này. Thậm chí ở một số chùa trung tâm, gia đình Phật tử cũng ít thấy, mà thay vào đó có những “chúng” thanh niên Phật tử sinh hoạt. 

  • Gia đình Phật tử là một đoàn thể mang màu sắc hướng đạo. Tuy nhiên, hiện nay, tại Việt Nam, sinh hoạt theo hình thức hướng đạo không còn là một nhu cầu lớn đối với xã hội. Sinh hoạt thanh thiếu niên luôn là cần thiết, nhưng đã phát triển thành nhiều hình thức đa dạng.
  • Trong nội bộ thanh niên Phật giáo cũng phát triển nhiều hình thức sinh hoạt khác với Gia đình Phật tử, như Câu lạc bộ/đoàn thanh niên Phật tửiển hình tại Hà Nội). Điều này làm chúng ta phải suy nghĩ và điều cần thiết là lý giải hiện tượng này. Phải chăng hình thức Gia đình Phật tử không phù hợp với một bộ phận thanh niên Phật giáo? Phải chăng đã có nhu cầu về những hình thức sinh hoạt khác với hình thức sinh hoạt Gia đình Phật tử hiện tại?

Chúng ta có thể cùng nhau thảo luận về vấn đề này. Nhưng điều có thể dễ thống nhất với nhau là cần phải xây dựng hoạt động Gia đình Phật tử mạnh hơn nữa, thu hút được nhiều đoàn sinh hơn nữa, lấy đoàn thể thanh niên Phật giáo có hơn nửa thế kỷ lịch sử này làm hạt nhân phát triển phong trào thanh niên Phật giáo hiện đại. 

Xin lưu ý, chúng tôi dùng từ “mở rộng”, mà không dùng từ “cải tiến”, hay “cải cách”... Mở rộng là giữ nguyên những gì đã có, bổ sung những gì cần thiết, không thay đổi gì vào những hình thức cố hữu có sẵn, vốn đã thành truyền thống, phục vụ cho nhiều thế hệ, vẫn còn đáp ứng cho nhu cầu hiện tại. Mở rộng là phát hiện những yêu cầu mới nảy sinh, tìm cách bổ sung những hình thức sinh hoạt mới thích hợp để thu hút hơn nữa giới trẻ, tăng số lượng thanh thiếu niên tham gia sinh hoạt. 

Hình thức sinh hoạt mang tính chất hướng đạo hiện nay có thể vẫn duy trì như hình thức cốt lõi, cơ bản, chủ yếu. Trên nền tảng đã có đó, chúng ta xây dựng những hình thức sinh hoạt mới, phù hợp với những yêu cầu mới, với hoàn cảnh mới. Điều quan trọng là chính những người tổ chức, điều hành Gia đình Phật tử đứng ra nhận nhiệm vụ đó, chủ động hoạch định kế hoạch và tổ chức thực hiện công việc. Điều đó bảo đảm vai trò, vị trí của Gia đình Phật tử trong hoạt động thanh thiếu niên Phật giáo hiện đại. 

Chúng ta không đặt vấn đề duy nhất một đoàn thể thanh thiếu niên Phật tử, nhưng xây dựng những cái mới, vốn là nhu cầu thời đại, trên cái nền đã có thì vẫn hơn. Nhân sự Gia đình Phật tử trong hơn nửa thế kỷ qua là một vốn quý. Nếu vì lý do gì đó mà lực lượng nhân sự quý giá đó giới hạn hoạt động chỉ trong một khuôn khổ nhất định thì đó thực là một điều lãng phí. 

Cũng không khó để nhận thấy rằng Phật tử trong lứa tuổi thanh thiếu niên rất đông mà không phải bất cứ ai cũng thích hợp với hình thức hướng đạo. Có thể do nhiều nguyên nhân tâm lý, nhận thức, sở thích, hoàn cảnh… 

Như vậy, tìm kiếm cho thanh thiếu niên Phật tử những lựa chọn rộng rãi, mỗi thanh thiếu niên Phật tử đều có một lựa chọn thích hợp, là vấn đề đặt ra đối với lực lượng nhân sự đã gắn bó với hoạt động Gia đình Phật tử mấy mươi năm nay. 

Một đoàn thể chỉ thực hiện sự phát triển khi nó gia tăng số người tham gia và mức tăng đó phải vượt trên mức gia tăng dân số. Có nghĩa là dân số tăng thì đoàn viên, hội viên tăng cũng là điều bình thường, không có nghĩa là đoàn thể đó phát triển. 

Trường hợp dân số tăng, không gian hoạt động tăng, nhưng số người tham gia sinh hoạt không tăng (và có thể giảm) là điều phải sớm nhận thức và có những biện pháp đối phó và điều chỉnh thích hợp. 

Sự biến đổi của hoàn cảnh, sự phát triển của thời đại, luôn đưa tới sự phát sinh nhu cầu mới. 

Do vậy, ở đây đặt vấn đề mở rộng sinh hoạt Gia đình Phật tử sao cho đáp ứng tốt hơn những nhu cầu thời đại, khi có một số dấu hiệu cho thấy hoạt động Gia đình Phật tử đã có phần nào chưa theo kịp được sự phát triển thực tế, thiết tưởng, là điều cần thiết. 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay