Con đường thiền tuệ
Thích Thái Hòa
Thiền định Phật giáo không phải để giúp bạn thư giãn, mà giúp bạn nhiếp phục và chuyển hóa những vọng tưởng nơi tâm bạn.
Và thiền tuệ trong Phật giáo giúp bạn thấy rõ những vọng tưởng nơi tâm bạn do đâu mà có, và giúp bạn quét sạch những vọng tưởng ấy đối với sắc, qua sự quán chiếu các bộ phận cá biệt và liên kết của thân thể; qua các động tác thở vào, thở ra, co duỗi, đi đứng nằm ngồi của thân, hay quán chiếu để thấy rõ sự hủy hoại, sình thối sắc thân của một người nơi nghĩa địa sau khi chết.
Với thiền tuệ như vậy, bạn sẽ thấy rõ, sắc thân này tồn tại trong liên kết của các duyên, nên nó trôi chảy biến diệt liên tục, hư ngụy, không thực, không có gì bền chắc, nó không phải là ta, không phải là của ta. Với sự quán chiếu ấy, khiến cho mọi vọng tưởng của bạn đối với một “cái ta” ở nơi sắc thân đều được ngưng chỉ và tan biến. Mọi hạt giống tham dục của bạn đối với sắc thân được nhiếp phục và chuyển hóa. Mọi vọng tưởng và tà kiến đối với thân thể hoàn toàn chấm dứt. Các minh và các trí sẽ sinh ra ở nơi tâm bạn và chúng sẽ chiếu sáng trong đời sống của bạn.
Với thiền tuệ, bạn sẽ thấy rõ các cảm thọ khổ vui, hay không khổ không vui, do các quan năng của bạn, khi tiếp xúc với các đối tượng tương ứng mà sinh khởi, đều là do duyên khởi, vô thường và hoàn toàn không có tự tánh.
Với sự quán chiếu ấy, bạn sẽ thấy rõ vui không phải là bạn, buồn không phải là bạn, không vui không buồn, cũng không phải là bạn.
Vui liên hệ đến tâm tham là cái vui nguy hiểm. Người thực tập thiền tuệ, cần phải thấy rõ nguy hiểm tham để vượt qua nó. Buồn liên hệ đến tâm tham là nỗi buồn nguy hiểm. Người thực tập thiền tuệ, cần phải thấy rõ nguy hiểm của tham để vượt qua nó.
Vui liên hệ đến tâm sân là cái vui nguy hiểm. Người thực tập thiền tuệ, cần phải thấy rõ nguy hiểm của sân để vượt qua nó. Buồn liên hệ đến tâm sân là cái buồn nguy hiểm. Người thực tập thiền tuệ, cần phải thấy rõ nguy hiểm của sân để vượt qua nó.
Vui liên hệ đến tâm si là cái vui nguy hiểm. Người thực tập thiền tuệ, cần phải thấy rõ nguy hiểm của sân để vượt qua nó.
Không vui không buồn liên hệ đến tâm si hay thất niệm, vô tri là nguy hiểm. Người thực tập thiền tuệ, cần phải thấy rõ nguy hiểm của si, của thất niệm hay của vô tri để vượt qua nó.
Những vị tu tập thiền tuệ, luôn luôn quán sát các cảm thọ sinh khởi do xúc, được tác động từ những căn bản phiền não mà sinh khởi, chúng đều dẫn đến những con đường nguy hiểm, đầy gai góc, đầy hầm hố và bùn lầy, nên vị tu tập có giới để phòng hộ các căn, khi các căn tiếp xúc với các đối tượng, cần có thiền định để nhiếp phục các căn bản phiền não và thực tập thiền tuệ để luôn luôn giác sát sự có mặt của các căn bản phiền não ấy nơi tâm, hay nơi các cảm thọ, nhằm vượt qua. Các cảm thọ khổ ưu có mặt là do các căn bản phiền não tác động qua tác ý, khiến các nghiệp bất thiện sinh khởi và dẫn đến thành tựu các kết quả khổ ưu.
Với thiền tuệ, bạn sẽ thấy rõ những chủng tử xấu và tốt đang vận hành ở nơi tâm bạn. Những chủng tử tốt, bạn phải biết nó là tốt và nỗ lực làm cho những chủng tử tốt đó luôn luôn có mặt không những chỉ ở nơi mặt ý thức của bạn, mà còn ở mặt tác ý, và khiến chúng biểu hiện cụ thể qua những hoạt động thân và ngữ của bạn. Những hành động tốt đẹp ấy là bạn và bạn luôn luôn có mặt ở trong những hành động tốt đẹp ấy. Cái đẹp là bạn. Bạn không cần đi tìm kiếm bất cứ một cái đẹp nào khác nữa. Giải thoát là tâm ly tham và tâm xa lìa các căn bản phiền não. Ngoài tâm ly tham và tâm xả ly các căn bản phiền não, không có bất cứ trú xứ giải thoát nào khác để cho bạn kiếm tìm. Giải thoát chính ở nơi tâm ly tham và tâm xả ly các căn bản phiền não của bạn.
Và với những chủng tử xấu, bạn sẽ thấy rõ và biết rõ nó là xấu, bạn không làm cho nó có mặt ở nơi ý thức và không tác ý theo nó. Không những vậy, bạn còn phải biết cách không đưa những thực phẩm từ bên ngoài vào thích ứng với những chủng tử xấu vận hành ở nơi tâm của bạn, khiến cho khả năng hoạt động của những chủng tử xấu ấy, càng lúc càng yếu dần và dẫn đến tê liệt. Chúng tê liệt, vì chúng hoàn toàn bị cô lập bởi những nguồn cung cấp thực phẩm và bị trở ngại bởi môi trường hoạt động, khiến cho tự thân nó hủy diệt, mà bạn không cần dụng tâm diệt nó.
Mỗi khi những chủng tử xấu nơi tâm bạn đã tự chúng hủy diệt, thì chính sự diệt tận ấy lại sinh khởi cho bạn niềm vui một cách chân thực. Niềm vui chân thực ấy là niềm vui do tu tập thiền tuệ đem lại.
Với thiền tuệ, bạn có thể thấy rõ các quan năng nhận thức của bạn, chúng hiện hữu trong sự liên đới và tương tác. Mỗi quan năng tự thân không thể hiện hữu. Chúng hiện hữu trong sự tương quan giữa cái này và cái kia, giữa tâm và vật hay danh và sắc. Vì vậy, tự thể của chúng là rỗng lặng, không có tự ngã, chúng luôn luôn biến diệt vô thường. Chúng vô thường, nhưng không phải đoạn diệt và chúng hiện hữu, nhưng không phải thường còn.
Với sự quán chiếu ấy, bạn có thể nhiếp phục và chuyển hóa được các căn bản phiền não và các loại tà kiến thuộc về thân cũng như thuộc về đức tin. Và đồng thời bạn có khả năng vượt qua hai loại cực đoan. Một là sống đời ép xác khổ hạnh và hai là sống buông tâm, phóng túng chạy theo các dục. Không những bạn vượt qua hai cực đoan ấy, mà còn đi đúng với trung đạo, làm sinh khởi tám yếu tố thánh đạo: như chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định, nhận thức và chứng đắc Niết-bàn, có khả năng siêu xuất sinh tử ngay nơi thân tâm này.
Với thiền tuệ, bạn có thể thấy rõ các đối tượng của các quan năng nhận thức như: hình sắc, âm thanh, hương thơm, mùi vị, xúc chạm và ảnh tượng, chúng không bao giờ hiện hữu đơn thuần, mà hiện hữu trong sự quan hệ tương tác giữa cái này và cái kia, giữa cái kia và cái này. Vì vậy, tự thể của chúng đều là rỗng lặng, không có tự ngã. Chúng hiện hữu trong sự tương quan vô thường, biến diệt. Chúng vô thường, biến diệt, nhưng không hề biến mất và những đối tượng đang hiện hữu trước mắt bạn, nhưng không phải thường còn.
Với sự quán chiếu ấy, bạn có thể nhiếp phục được các phiền não tham, sân, si hay các loại tà kiến, chấp ngã đối với ngoại cảnh. Bạn có khả năng vượt qua được cả hai nhận thức và hai hành xử đối lập có và không, tâm và vật. Đồng thời bạn có khả năng tự tại đối với có và không, tâm và vật, thành tựu trí tuệ minh triết ngay ở nơi thân tâm này.
Với thiền tuệ, bạn có thể thấy rõ tham dục, sân nhuế, hôn trầm, trạo cử và nghi ngờ là những che khuất và chướng ngại đối tâm giải thoát hay đối với lộ trình của tâm đi tới thánh đạo vô lậu.
Đối với các chướng ngại này, khi quán chiếu bạn chỉ đưa ý thức của bạn hướng tới một trong những đối tượng ấy, rồi bám sát và theo dõi sự có mặt của chúng, và rồi lại theo dõi quá trình sinh diệt của chúng, để biết rõ chúng đang sinh hay đang diệt, hay đã diệt mà đang sinh hoặc đã sinh mà đang diệt, nghĩa là chúng đang ở tình trạng nào, thì phải bám sát và biết rõ chúng đang ở trong tình trạng ấy, một cách chính xác không lầm lẫn.
Thực tập thiền tuệ, đối với năm sự chướng ngại với tâm như tham, sân, hôn trầm, trạo cử và nghi ngờ, bạn không cần nỗ lực tận diệt nó hay chạy đuổi theo nó. Nỗ lực tận diệt nó, tâm bạn sẽ rơi vào trạng thái của một cực đoan, và chạy đuổi theo nó, tâm của bạn cũng sẽ rơi vào trạng thái của một cực đoan khác.
Nói khác, đối lập với các phiền não hay chạy theo các phiền não đều không phải là pháp hành thiền tuệ. Tại sao? Vì nó đi chệnh hướng của trung đạo. Trung đạo của thiền tuệ là quán sát để thấy rõ quá trình sinh khởi và ẩn diệt của các phiền não, nhưng không đối lập, không đi theo mà chỉ vượt qua. Đi theo các căn bản phiền não sẽ bị chúng nhận chìm trong các cảm thọ khổ ưu và đối lập sẽ bị chúng gặm nhấm và bào mòn hết thảy các thiện căn và lạc thọ.
Với thiền tập như vậy, các đối tượng chướng ngại ấy từ từ sẽ bị nhiếp phục, chuyển hóa và tan biến, tâm minh triết và tâm giải thoát sẽ được sinh khởi, khiến cho trong đời sống của bạn, từ những động tác đi đứng nằm ngồi, làm việc, cho đến mọi ứng xử hằng ngày, đều được tỏa sáng bởi tâm minh triết ấy.
Với thiền tuệ, bạn có thể thấy rõ, trong quá trình thiền tập, các chướng ngại đối với thánh đạo nơi tâm của bạn đã vượt qua và các chi phần giác của trợ đạo, như là niệm giác, trạch pháp giác, khinh an giác, hỷ giác…, bắt đầu sinh khởi và có mặt nơi tâm bạn.
Bấy giờ, bạn cũng phải theo dõi và bám sát để thấy thật rõ ràng và chính xác là chúng đang có mặt nơi tâm, qua các trạng thái sinh và diệt hay đã sinh, đang tồn tại kéo dài và phát triển từ một điểm nơi tâm, đến toàn thể. Hoặc nó đang có mặt từ một điểm trên thân rồi ẩn diệt hay từ một điểm trên thân, rồi phát triển đến toàn thân. Tất cả những trạng thái sinh khởi, ẩn diệt, tồn tại, phát triển diễn biến của chúng như thế nào, thì bạn cũng phải biết rõ chúng đúng như thế ấy, một cách chính xác, không có lầm lẫn.
Thực tập thiền tuệ giúp cho bạn thấy rõ các pháp thuộc thân liên hệ và sinh khởi từ ái dục đều là bất tịnh, khiến cho tâm tham dục tự diệt. Khi tâm tham dục tự diệt, các bất tịnh nơi thân liên hệ đến tham dục cũng đều diệt theo. Thân thanh tịnh từ nơi tâm ly dục sinh khởi. Thân ấy gọi là tịnh thân.
Thực tập thiền tuệ giúp cho bạn thấy rõ các cảm thọ, liên hệ đến tham dục đều là khổ, khiến cho tâm tham dục tự diệt. Khi tâm tham dục tự diệt, các khổ do liên hệ đến tâm tham dục đều diệt theo. Niềm vui thanh tịnh từ nơi tâm ly dục sinh khởi. Niềm vui ấy gọi là tịnh lạc.
Thực tập thiền tuệ, giúp cho bạn thấy rõ các chủng tử đang vận hành nơi tâm đều là vô thường, khiến cho các tà kiến, tà trí và tà tuệ tự diệt. Khi tà kiến, tà trí và tà tuệ nơi tâm đã diệt, thì những chủng tử tâm hành kiến chấp liên hệ đối với chúng cũng đều bị diệt theo. Các chủng tử tâm hành hoàn toàn ngưng lắng, không còn hiện khởi, tâm sáng suốt, không còn sinh diệt hiện ra. Tâm ấy gọi là tâm chân thường.
Thực tập thiền tuệ, giúp cho bạn thấy rõ, nội pháp và ngoại pháp hay bất cứ pháp gì do tương tác duyên khởi đều là rỗng không, vô thường và vô ngã, khiến cho các tà kiến, tà trí, tà tuệ đối với các pháp thuộc về sắc, thuộc về tâm đều tự hủy diệt. Khi tâm tà kiến, tà trí, và tà tuệ nơi nội pháp và ngoại pháp đã tự diệt, thì những kiến chấp liên hệ đến ngã và pháp đối với chúng cũng đều diệt theo. Khi các tà kiến đối với ngã chấp và pháp chấp bị hủy diệt, thì chân như nơi các pháp hiện ra. Chân như là tự tánh không sinh diệt nơi các pháp thuộc về sắc và tâm. Chân như là pháp tánh của hết thảy pháp và là chân nghĩa của hết thảy nghĩa và là Niết-bàn tịch tịnh.
Như vậy, con đường của thiền tuệ là thực hành Đạo đế, để đoạn tận Tập đế, chuyển hóa Khổ đế và chứng nhập Diệt đế, hay đệ nhất nghĩa đế hoặc Niết-bàn một cách toàn vẹn.
Do đó, thiền định và thiền tuệ Phật giáo không phải là những loại thiền thư giãn, hay xả stress ở trong cõi người hay để sanh lên các cõi trời hữu sắc hay vô sắc, mà thiền định và thiền tuệ ấy, có khả năng nhiếp phục các phiền não và chặt đứt những sợi dây trói buộc khổ đau, liên hệ đến sinh tử luân hồi.
Vì vậy, bạn muốn thực tập thành công pháp hành thiền tuệ này, trước hết bạn phải có đức tin của một người Phật tử. Bạn phải quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng và phải thọ trì năm giới pháp căn bản.
Mục đích quy y Phật – Pháp – Tăng và thọ trì Năm giới quý báu của bạn, không phải là để tìm cầu phước báu cõi trời, cõi người mà để nương tựa, học hỏi và thực hành các pháp môn thoát ly sanh tử, và chứng ngộ Niết-bàn.
Với mục đích ấy, con đường thực hành thiền tuệ của bạn nhất định sẽ thành công. Con đường ấy muôn đời vẫn còn đó cho bạn, nhưng bạn có lên đường hay không là tùy thuộc vào niềm tin, sự nỗ lực và những nhân duyên phước đức của bạn trong hiện tại và kể cả nhiều đời trong quá khứ của bạn nữa!
|