HOA NGHIÊM SUỐI NGUỒN VĂN HÓA PHẬT GIÁO THỜI TRẦN
MAI THỊ THƠM
Cập nhật: 13:19:17 08/04/2010

HOA NGHIÊM

SUỐI NGUỒN VĂN HÓA PHẬT GIÁO THỜI TRẦN


MAI THỊ THƠM

 

(tiếp theo số trước)

II. Tinh thần Bồ tát trong văn hóa Phật giáo thời Trần

1. Trí - Bi - Phương tiện

Toàn bộ nội dung Kinh Hoa Nghiêm chính là nói lên sự viên dung vô ngại giữa sự và lý, dù được phân chia thành bốn yếu tố viên dung như ở phần trên chúng tôi đã đề cập đến. Do vậy ở phần này chúng tôi tập trung làm rõ sự thể hiện của tinh thần sự, lý viên dung này của Hoa Nghiêm trong văn hóa Phật giáo thời Trần. Và “sự, lý” ở đây chính là tinh thần “Thượng cầu hạ hóa” của Bồ tát thời Trần với những việc làm cụ thể trong hành trình tự giác ngộ Bản lai diện mục của mình và rồi bằng trí tuệ, lòng từ bi cũng như phương tiện thiện xảo của một Bồ tát, người con Phật đương thời đã dấn thân vào trong cuộc sống đời, đạo, làm tròn hạnh nguyện “Giác ngộ chúng sanh”, để viên mãn hạnh tự giác giác tha của một đức Phật.

Có điều là, trong tinh thần viên dung vô ngại ấy, không có hạnh tự giác nào nằm ngoài hạnh giác tha, cũng không có hạnh giác tha nào nằm ngoài hạnh tự giác, tự giác tức là giác tha, giác tha chính là tự giác. Đấy mới là ý nghĩa chân chính của giáo điển Hoa Nghiêm mà người con Phật thời Trần đã học và hành theo. Và đã tạo nên một tinh thần Bồ tát đặc biệt trong nền Phật giáo đương thời cũng như khuôn đúc nên một hình mẫu Bồ tát lý tưởng cho nền Phật giáo Việt Nam sau này.

Cả bộ Kinh Hoa Nghiêm là toàn bộ hành trình tu học từ thấp đến cao, từ lúc sơ phát tâm cho đến trọn vẹn quả vị Đẳng giác, Diệu giác của Bồ tát. Bồ tát là nhân vật chính của toàn bộ giáo điển Hoa Nghiêm. Nhờ sức gia trì của chư Phật, vô số vô biên bất khả thuyết hạnh nguyện của hàng Bồ tát đã được lần lượt trình bày một cách tường tận, sống động, siêu tuyệt nhưng lại rất gần gũi, xuất tục nhưng lại rất đời thường, khiến cho chúng sanh, nếu được nghe thấy đều có thể tìm được ít nhất một hạnh nguyện phù hợp với năng lực bản tính của mình trên con đường tìm về ngôi nhà đích thực.

Kinh Hoa Nghiêm khẳng định:

Này thiện nam tử! Chỗ làm của Bồ tát rất khó, khó ra, khó gặp. Người được thấy Bồ tát lại còn khó có hơn.

Vì Bồ tát là chỗ tất cả chúng sanh nương tựa mà được sanh trưởng thành tựu; là chỗ cứu tế của tất cả chúng sanh, vì cứu họ thoát khỏi khổ nạn; là chỗ y tựa của tất cả chúng sanh, vì thủ hộ thế gian; là người cứu hộ tất cả thế gian, vì làm cho họ khỏi kinh sợ.

Bồ tát là phong luân vì giữ gìn thế gian chẳng cho đọa lạc đường ác.

Bồ tát là đại địa vì Tăng trưởng thiện căn cho chúng sanh.

Bồ tát là biển cả vì phước đức sung mãn vô tận.

Bồ tát là mặt trời vì trí tuệ quang minh chiếu khắp nơi.

Bồ tát là núi Tu Di vì thiện căn cao xuất.

Bồ tát là trăng sáng vì trí tuệ sáng soi xuất hiện.

Bồ tát là mãnh tướng vì xô dẹp ma quân.

Bồ tát là quân chủ vì được tự tại trong thành trì Phật pháp.

Bồ tát là lửa mạnh vì đốt sạch tâm ngã ái của chúng sanh.

Bồ tát là mây lớn vì mưa vô lượng diệu pháp.

Bồ tát là mưa đúng thời vì làm sinh trưởng mầm tín căn.

Bồ tát là thuyền sư vì chỉ dẫn bờ mé pháp hải.

Bồ tát là cầu đò vì đưa chúng sanh qua khỏi biển sanh tử” (Phẩm Nhập pháp giới, tr. 131- 132).

Vì cứu hộ chúng sanh với mọi căn cơ như thế, Bồ tát phải thị hiện vô số thân hình phù hợp với mỗi chúng sanh, Kinh Hoa Nghiêm dạy:

Chư Phật tử! Những Bồ tát này, hoặc có lúc thị hiện vô lượng hóa thân: hoặc hiện thân một mình, không có bạn bè, như là hiện thân sa môn, hoặc hiện thân Bà la môn, hoặc hiện thân người tu khổ hạnh, hoặc hiện thân khỏe mạnh, hoặc hiện thân y vương, hoặc hiện thân thương chủ, hoặc hiện thân tịnh mạng, hoặc hiện thân nhạc sư, hoặc hiện thân phụng sự chư thiên, hoặc hiện thân người giỏi về kỹ thuật công xảo.

Qua đến các xóm làng, thành ấp, đô thị của chúng sanh, Bồ tát này tùy sở nghi dùng mọi thứ thân hình, mọi oai nghi, mọi âm thanh, mọi ngôn luận, những chỗ ở mà thực hành hạnh Bồ tát trong tất cả thế gian như lưới của Đế Thích” (Phẩm Nhập pháp giới, tr. 82).

Để làm được những việc khó làm như thế, Bồ tát phải tự trang bị cho mình rất nhiều hành trang quý giá mà kinh Phật thường gọi đó là “Tư lương”. Nếu không có những hành trang ấy, Bồ tát không thể đi hết hành trình quá gian nan đầy nguy hiểm, cô đơn và dễ mất tính mạng vô cùng, như người đi trên sa mạc mà không có nước, không có thức ăn, không có một người chỉ đường thì chỉ có cái chết đến với người đó mà thôi.

Bồ tát Phổ Hiền đã chỉ cho chúng ta thấy rõ những hành trang cần thiết của một Bồ tát trong hành trình đến với pháp giới Hoa tạng như mười trí, mười pháp thanh tịnh, mười trí thiện xảo…. Ngần ấy hành trang chính là ngần ấy trí tuệ, lòng từ bi và phương tiện thiện xảo mà Bồ tát cần có. Có trí tuệ Bồ tát quán biết được tánh vô thường, khổ, không, vô ngã của vạn pháp cũng như chúng sanh, để không chấp chặt vào đó, không bám víu vào đó, không khổ đau bởi sự phân biệt của thức, không phải lo sợ trước quy luật sanh lão bệnh tử của con người hay thành trụ hoại không của muôn sự. Song nếu không có lòng từ bi, Bồ tát sẽ ngoảnh mặt lại với nỗi khổ của chúng sanh, không dám dấn thân vào các chốn địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh để cứu vớt mọi loài, không dễ dàng hy sinh tính mạng cho sự giác ngộ giải thoát của đám quần mê. Và có trí tuệ, có tấm lòng từ bi nhưng nếu thiếu phương tiện, tức là thiếu công cụ hữu hiệu để hiện thực hóa trí tuệ và từ bi đó thì Bồ tát không còn là Bồ tát nữa. Vì thế, trí, bi, phương tiện là ba yếu tố luôn đồng hành cùng Bồ tát, không lúc nào rời xa.

Kinh Hoa Nghiêm luôn nhấn mạnh ba yếu tố trí, bi, phương tiện này:

Chư Phật Thế Tôn đại từ cứu hộ tất cả chúng sanh, đại bi độ thoát tất cả chúng sanh, đại từ bi lợi ích khắp cả. Nhưng đại từ bi kia nương tựa vào đại phương tiện thiện xảo, đại phương tiện thiện xảo nương tựa vào sự xuất hiện của Như Lai, sự xuất hiện của Như Lai nương tựa vào trí tuệ sáng suốt vô ngại, trí tuệ sáng suốt vô ngại đó không có chỗ nương tựa” (Phẩm Như Lai xuất hiện, tập 3, tr. 355).

Câu chuyện giữa Bụt và Vua Pasenadi trong Đường xưa mây trắng với mục Không hiểu biết thì không thể thương yêu sẽ là một minh chứng hùng hồn về sự kết hợp giữa trí và bi, một tình thương đi đôi với sự hiểu biết:

“Sa môn Gotama, có người nói rằng ngài chủ trương không nên thương yêu, bởi vì càng thương yêu nhiều thì càng lo lắng nhiều, càng thương nhiều thì càng sầu khổ nhiều, càng thương nhiều thì càng thất vọng nhiều. Trẫm nghĩ rằng điều đó có thể đúng, nhưng lòng Trẫm vẫn không yên. Trẫm nghĩ nếu không có thương yêu thì cuộc đời sẽ khô khan và vô vị lắm. Xin ngài giải dùm những nghi nan ấy cho trẫm.

Bụt nhìn Vua: Đại Vương, câu hỏi của ngài rất hay, và nhiều người sẽ được khai sáng nhờ câu hỏi này. Tiếng thương yêu có nhiều nghĩa, ta phải xét cho kỹ về bản chất của từng loại thương yêu. Cuộc đời rất cần đến sự thương yêu, nhưng không phải là thứ thương yêu dựa trên căn bản của dục vọng, của đam mê và vướng mắc, của phân biệt và kỳ thị. Đại Vương, có một thứ tình thương mà cuộc đời rất cần đến, đó là lòng từ bi. Từ là maitri, còn bi là karuna.

Đại Vương, tình thương mà người đời thường nói tới là tình thương giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, giữa những người trong cùng họ hàng, cùng thân tộc, cùng giai cấp hoặc cùng quốc gia. Vì tình thương ấy còn dựa vào ý niệm tôi và của tôi cho nên bản chất của nó còn là sự vướng mắc và phân biệt. Người ta chỉ muốn thương cha của mình, thương mẹ của mình, thương chồng của mình, thương vợ của mình, thương con của mình, thương cháu của mình, thương họ hàng của mình, thương đất nước của mình, cho nên người ta còn vướng mắc và phân biệt. Vướng mắc cho nên lo lắng về những bất trắc có thể xảy đến dù chúng chưa xảy đến, vướng mắc cho nên phải gánh chịu sầu đau và thất vọng mỗi khi những bất trắc xảy đến. Phân biệt cho nên có thái độ kỳ thị, hờ hững và ghét bỏ đối với những người mình không thương. Vướng mắc và phân biệt đều là những nguyên nhân của khổ đau, khổ đau cho mình và cho người.

Đại Vương, thứ tình thương mà muôn loài đang khao khát là lòng từ bi. Từ là thứ tình thương có thể đem đến an vui cho kẻ khác, bi là thứ tình thương có thể làm vơi đi những nỗi đau của kẻ khác. Từ và bi là thứ tình thương không có điều kiện, không bắt buộc và không đòi hỏi một sự đền đáp nào. Trong từ bi, người được thương không chỉ là cha ta, mẹ ta, vợ ta, chồng ta, con ta, huyết thống ta, giai cấp ta, quốc gia ta… kẻ được thương là tất cả mọi người mọi loài. Trong từ bi không có sự phân biệt ta và không ta, của ta và của không của ta. Vì không phân biệt nên cũng không có vướng mắc. Từ và bi chỉ đem lại niềm vui và làm giảm đi nỗi khổ; từ và bi không gây lo lắng sầu khổ và thất vọng. Thiếu từ bi, cuộc đời sẽ khô khan, khổ đau và buồn chán như đại vương nói. Có từ bi cuộc đời sẽ có an lạc, hạnh phúc và tươi vui. Đại Vương, ngài là bậc nhân chủ cầm đầu cả một nước, dân chúng Vương quốc ngài sẽ được thấm nhuần ân đức ngài nếu ngài tu tập được tâm từ và tâm bi.

Vua cuối đầu suy nghĩ một lúc lâu, sau đó Vua ngửng lên hỏi Bụt: Trẫm có một gia đình để coi sóc, có một Vương quốc để chăm lo. Nếu Trẫm không thương yêu gia đình của Trẫm và dân chúng trong Vương quốc của Trẫm thì làm sao Trẫm có thể coi sóc và chăm lo cho họ được? Xin Bụt soi sáng điểm này cho Trẫm.

Cố nhiên là Đại Vương phải thương yêu gia đình hoàng gia và thương yêu dân chúng của Vương quốc. Nhưng tình thương yêu của Đại Vương có thể vượt khỏi phạm vi gia đình và Vương quốc. Đại Vương thương yêu và chăm sóc cho các Hoàng tử và Công chúa. Điều đó không ngăn cản việc Đại Vương có thể thương yêu và chăm sóc cho tất cả những người trẻ khác trong Vương quốc như là thương yêu và chăm sóc cho chính con trai con gái của Đại Vương. Nếu Đại Vương làm được như vậy thì tình thương hạn hẹp trở thành tình thương rộng lớn, và đột nhiên tất cả những người trẻ tuổi trong Vương quốc đều trở nên con trai con gái của Đại Vương. Đó đích thực là tâm từ bi. Đây không phải là một điều quá lý tưởng, đây là một điều con người có thể thực hiện được, nhất là khi con người ấy có trong tay những phương tiện như Đại Vương. Nếu Đại Vương phát được nguyện lớn thì đại vương chắc chắn có thể làm được điều này.

Nhưng còn những người trẻ tuổi trong các Vương quốc khác?

Không có gì ngăn cản Đại Vương thương yêu những người trẻ tuổi trong các Vương quốc khác như con trai và con gái của ngài, dù những người này không nằm trong vùng cai trị của Đại Vương. Không phải vì thương yêu dân chúng của quốc gia mình mà mình không thể thương yêu dân chúng của các quốc gia khác.

Thương yêu như thế nào? Họ có nằm dưới quyền cai trị của mình đâu?

Bụt nhìn Vua: Sự giàu thịnh và an ổn của một quốc gia, không phải được tạo nên bởi sự nghèo hèn và loạn lạc của những quốc gia khác. Đại Vương, nền hòa bình và thịnh vượng của một quốc gia chỉ có thể được xây dựng trên sự hòa hiếu giữa các quốc gia và ý hướng về một nền thịnh vượng chung. Nếu Đại Vương thực sự muốn cho Vương quốc Kosala có hòa bình và những người trai trẻ trong Vương quốc không phải xông pha nơi lửa đạn thì Đại Vương cũng phải gìn giữ làm sao cho các Vương quốc kế cận cũng có hòa bình và để những người trai trẻ các xứ đó cũng khỏi phải xông pha trong lửa đạn. Chính sách ngoại giao và kinh tế của Đại Vương phải thực sự đi theo con đường của tâm từ bi thì đại vương mới có thể làm được việc này. Như vậy, trong khi Đại Vương thương yêu và chăm sóc cho Vương quốc Kosala, Đại Vương cũng chăm sóc cho các Vương quốc khác như Magadha, Sasi, Videha, Sakya và Koliya…

Vua thốt lên: Thật là kỳ diệu! Thật là kỳ diệu! chưa bao giờ Trẫm được nghe những lời giáo huấn mới lạ và sâu sắc như thế. Ngài thật là bậc tôn quý trên đời!

Những điều Bụt dạy, Trẫm xin lĩnh giáo để về chiêm nghiệm, bởi vì Trẫm biết những lời dạy ấy có những chiều sâu cần phải khám phá. Bây giờ Trẫm xin hỏi ngài một câu đơn giản. Thói thường thì tình thương của người đời bao giờ cũng ẩn chứa những ý niệm phân biệt và ít nhiều cũng mang tính chất đam mê và vướng mắc. Theo Bụt thì thứ tình thương này có thể gây nên lo lắng, sầu khổ và thất vọng. Vậy nếu không thương như thế, ta phải thương làm sao? Ví dụ Trẫm đây, Trẫm phải thương con cái của Trẫm như thế nào để tránh những lo lắng, sầu khổ và thất vọng?

Không ai cấm cản chúng ta thương yêu, nhưng ta phải biết quán sát để thấy được bản chất của tình thương chúng ta. Tình thương, theo lẽ thì phải làm cho người được thương yêu có an lạc và hạnh phúc. Nhưng nếu chỉ là đam mê, là ích kỷ, là ý chí chiếm hữu, thì tình thương này không thực sự là tình thương, tình thương này không làm cho người được thương có an lạc và hạnh phúc. Trái lại, nó làm cho kẻ kia cảm thấy tù túng, lệ thuộc, mất hết tự do, mất hết phẩm cách của một con người có tự do. Tình thương trong trường hợp này chỉ là một tù ngục. Nếu người được thương không có hạnh phúc, nếu người ấy tìm cách để phục hồi lại tự do cho mình, nói cách khác, nếu người ấy không chấp nhận cái nhà tù của sự chiếm hữu thì tình thương kia sẽ dần dần biến thành sự ghét bỏ và hận thù.

Đại Vương biết không, tại Kinh đô Savathi này cách đây chỉ có mười hôm, một chuyện thương tâm đã xảy ra chỉ vì tình thương không được thỏa mãn đã biến thành hận thù. Có một bà mẹ cảm thấy mất mát khi đứa con trai duy nhất của bà đem lòng thương yêu một cô thiếu nữ và sau đó cưới cô ấy về làm vợ. Bà mẹ kia thay vì thấy rằng mình có thêm một đứa con, lại thấy rằng mình đã mất một đứa con, và cho rằng con trai của mình đã phản bội tình thương của mình. Nghĩ như thế, hận thù nảy sinh trong tâm. Một hôm bà đã bỏ thuốc độc vào thức ăn, và cả con trai và con dâu đều chết vì ngộ độc.

Đại Vương, trong đạo lý giác ngộ, thương yêu phải đi đôi với hiểu biết, nếu không hiểu biết thì không thể thương yêu. Vợ chồng không hiểu nhau thì không thể thương nhau, cha con không hiểu nhau thì không thể thương nhau. Muốn cho một người nào có hạnh phúc, mình phải tìm hiểu cho được những ước vọng và những khổ đau của chính người ấy. Hiểu được rồi mình mới có thể làm đủ mọi cách để người ấy bớt khổ đau và có hạnh phúc. Như vậy, mới gọi là tình thương chân thật. Còn nếu mình chỉ muốn kẻ kia làm theo ý mình, mà không biết gì đến những khổ đau và những nhu cầu chân thực của người ấy thì đó không phải là thương. Đó chỉ là ước muốn chiếm hữu hoặc ước muốn thõa mãn ý nguyện của mình, cho dù đó là ý nguyện muốn cho người kia sung sướng.

Đại Vương, dân chúng trong Vương quốc Kosala có những khổ đau và ước vọng của họ, nếu Đại Vương thực sự thấu hiểu những nỗi đau và ước vọng ấy thì Đại Vương sẽ thực sự thương yêu được họ. Các quan chức trong triều cũng có những khổ đau và ước vọng của họ, nếu Đại Vương thực sự thấu hiểu những nỗi đau và ước vọng ấy thì Đại Vương có thể làm cho họ sung sướng và họ sẽ suốt đời trung thành với Đại Vương. Hoàng hậu, các Thái tử và Công chúa, mỗi người đều có những đau khổ và ước vọng của mình, nếu Đại Vương thực sự thấu hiểu những nỗi đau và ước vọng ấy, Đại Vương cũng sẽ làm cho họ sung sướng. Và khi mọi người được sung sướng và an lạc thì chính Đại Vương cũng sẽ được sung sướng và an lạc. Đó là nghĩa thương yêu trong đạo lý tỉnh thức…

Trẫm cảm ơn ngài đã soi sáng cho Trẫm, nhưng còn một điều nữa, Trẫm còn thắc mắc. Ngài đã nói rằng tình thương có đam mê và vướng mắc thường có tác dụng gây khổ đau và thất vọng, trong khi thương theo đạo lý từ bi thì chỉ đem lại an vui và hạnh phúc mà thôi. Trẫm thấy rằng thương theo đạo lý từ bi tuy không ích kỷ và không vụ lợi nhưng cũng vẫn đem lại khổ đau và thất vọng như thường. Trẫm thương dân, nhưng mỗi khi thấy dân chịu khổ đau vì những thiên tai như bão tố lụt lội, dịch lệ…thì Trẫm vẫn cảm thấy khổ đau và thất vọng. Mà Trẫm nghĩ, ngài cũng thế, mỗi khi thấy người khác khổ đau vì bệnh hoạn, chết chóc ngài cũng không thể không khổ đau.

Câu hỏi của Đại Vương rất hay, nhờ câu hỏi này mà ngài có thể hiểu sâu thêm bản chất của từ bi. Trước hết, Đại Vương nên biết rằng những khổ đau do thứ tình thương có bản chất đam mê và vướng mắc đem lại thì nặng nề và to lớn gấp muôn vạn lần những khổ đau mà lòng từ bi làm phát khởi trong lòng ta. Kế đó, Đại Vương phải phân biệt hai loại khổ đau: Một loại khổ đau hoàn toàn vô ích và chỉ có công dụng tàn phá cơ thể và tâm hồn con người, một loại khổ đau nuôi dưỡng được lòng từ bi, ý thức trách nhiệm và đưa tới ý chí hành động diệt khổ. Thứ tình thương có bản chất đam mê và vướng mắc vì được nuôi dưỡng trong tham đắm và si mê nên chỉ có thể đem lại những phiền não khổ đau làm tàn phá con người, trong khi từ bi chỉ nuôi dưỡng xót thương làm chất liệu cho hành động cứu khổ. Đó là một niềm đau có ích. Không biết xót thương thì con người không thể là con người, vì vậy, những khổ đau do lòng xót thương đem lại là những khổ đau cần thiết và có ích lợi lớn.

Sau nữa, Đại Vương nên biết từ bi là hoa trái của sự hiểu biết. Tu tập theo đạo tỉnh thức là để chứng ngộ được thực tướng của cuộc sống. Thực tướng ấy là vô thường. Mọi vật đều vô thường, vô ngã, vì vậy không vật nào là không có ngày phải tan rã. Ngay cả thân thể của Đại Vương rồi cũng có ngày phải tàn hoại. Thấy được tự tính vô thường của vạn vật, người tu có một cái nhìn điềm đạm và trầm tĩnh, vì vậy những vô thường xảy đến không làm xáo động được tâm mình. Cũng vì vậy, niềm xót thương do lòng từ bi nuôi dưỡng không bao giờ có tính cách nặng nề và chua cay của những đau khổ thế tục. Trái lại, niềm xót thương này còn đem đến sức mạnh cho người tu đạo (tr. 375 – 384).

Do vậy, Bồ tát Phổ Hiền đã ân cần khuyên bảo người học đạo và hành đạo Bồ tát phải khởi lòng từ bi bằng trí tuệ hiểu biết chân thật:

Chư Phật tử! Đại Bồ tát dùng mười pháp quán sát chúng sanh mà khởi đại bi.

Quán sát chúng sanh không nơi nương tựa mà khởi đại bi.

Quán sát chúng sanh tánh không điều thuận mà khởi đại bi.

Quán sát chúng sanh nghèo không căn lành mà khởi đại bi.

Quán sát chúng sanh mãi mãi ngủ mê mà khởi đại bi.

Quán sát chúng sanh làm pháp bất thiện mà khởi đại bi.

Quán sát chúng sanh bị trói buộc bởi dục vọng mà khởi đại bi.

Quán sát chúng sanh chìm đắm trong biển sanh tử mà khởi đại bi.

Quán sát chúng sanh mãi mang bệnh khổ mà khởi đại bi.

Quán sát chúng sanh không muốn pháp lành mà khởi đại bi.

Quán sát chúng sanh mất pháp của Phật mà khởi đại bi”. (Phẩm Lìa thế gian, tập 3, tr. 470).

Với trí tuệ quán sát chúng sanh là những kẻ mải mê ngủ, thích làm điều ác, không thích làm điều lành, không nơi nương tựa, không ai cứu vớt, Bồ tát phải dùng phương tiện khéo léo, đi vào cuộc đời. Song đã là phương tiện thiện xảo thì chỉ có công dụng khai ngộ mà thôi, bản thân phương tiện ấy không phải là pháp cứu cánh, nên sau bốn chín năm hoằng hóa, thuyết giảng biết bao nhiêu pháp môn, cuối cùng đức Thích Ca khẳng định trong Kinh Pháp Hoa rằng tất cả những gì ngài chỉ dạy từ trước chỉ là phương tiện mà thôi, chỉ là ba loại xe ở ngoài nhà lửa, nhằm mục đích cứu các con thoát khỏi cái chết cháy vì mãi ham mê chơi đùa trong ngôi nhà lửa tam giới, chỉ là hóa thành, xây tạm lên để chúng nghỉ ngơi vì hành trình trở về bảo sở vẫn còn xa, mà tâm chúng sanh thì đang mệt nhọc, chỉ là phương tiện khéo léo của người cha để khiến gã cùng tử thôi không còn sống kiếp lang bạc, rày đây mai đó, không biết quay về ngôi nhà thân yêu đích thực của mình, kế thừa một gia sản kết sù của cha mẹ, vậy là pháp còn phải bỏ huống gì là phi pháp.

Hãy nghe Thiền sư Ngưỡng Sơn Huệ Tịch nói về phương tiện thiện xảo của Bồ tát:

Các ngươi hết thảy hãy hồi quang phản chiếu đừng nhớ đến những lời ta. Kể từ vô thủy đến nay, các ngươi đã quay lưng chỗ sáng mà đâm đầu vào chỗ tối. Gốc rễ vọng tưởng đã kết sâu, rốt lại khó mà nhổ trốc. Vì vậy tạm bày các phương tiện để tước đoạt những vọng thức thô thiển của các ngươi. Chẳng khác nào đem những chiếc lá vàng để dỗ trẻ đừng khóc, chẳng có giá trị gì hết. Lại cũng như đem cả trăm thứ hóa vật và vàng bạc châu báu bán chung ở một gian hàng. Hóa vật cân nặng hay nhẹ chỉ tùy theo đòi hỏi của khách hàng. Vì vậy ta nói, Thạch Đầu quả là một cửa tiệm vàng thật, còn ta là cửa tiệm tạp hóa. Có người đến kiếm phân chuột ta cũng đưa ra cho, kẻ khác đến kiếm vàng thật ta cũng đưa cho” (Thiền luận, quyển hạ, tr. 45).

Tuy phân chia trí, bi, phương tiện, nhưng thực ra trong mỗi một pháp, mỗi một hành động của Bồ tát ba yếu tố đó luôn dung thông hòa nhập, không có hạnh tự độ độ tha nào của Bồ tát lại thiếu một trong ba yếu tố đó, ba yếu tố đó với Bồ tát tuy hai mà một, tuy một mà hai, nơi nào có Bồ tát là nơi đó có trí bi phương tiện, ngược lại ở đâu có trí bi phương tiện là ở đó có sự hiện hữu của Bồ tát. Hãy xem sự dung thông hòa hợp của ba yếu tố này trong hạnh Phổ Hiền mà đích thân Bồ tát giảng dạy ở Kinh Hoa Nghiêm:

“Đại Bồ tát biết thiện xảo thuyết pháp, thị hiện Niết bàn. Vì độ chúng sanh nên bao nhiêu phương tiện đã có, tất cả đều là tâm tưởng kiến lập, chẳng phải là điên đảo, cũng chẳng phải hư dối. Vì Bồ tát biết rõ các pháp ba đời bình đẳng, như như bất động, thực tế vô trụ. Chẳng thấy có một chúng sanh nào đã được hóa độ, đang được hóa độ, sẽ được hóa độ, cũng tự biết rõ không chỗ tu hành, không có chút pháp nào hoặc sanh hoặc diệt mà có thể được, nhưng vẫn nương nơi tất cả pháp mà khiến sở nguyện chẳng luống không” (Phẩm Ly thế gian, tập 3, tr. 528). (còn tiếp:  phần 2. Phương pháp đốn, tiệm).

M.T.T.

(Phatviet.com)

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay