Đạo Phật và dòng sử Việt
HT Thích Đức Nhuận
Trường A Hàm
Tuệ Sỹ dịch và chú
Triết học Thế Thân
Lê Mạnh Thát
  
 
   
 
 
Từ nghịch lý EPR (Einstein – Podolsky và Rosen) đến vũ trụ quan Phật học trong kinh Thủ Lăng nghiêm
Đặng Công Hanh
Cập nhật: 08:50:05 26/01/2010

Từ nghịch lý EPR (Einstein – Podolsky và Rosen)

đến vũ trụ quan Phật học trong kinh Thủ Lăng nghiêm

- Đặng Công Hanh[1] -

 

“Do cái này có nên cái kia có

Do cái này không nên cái kia không

Do cái này sinh nên cái kia sinh

Do cái này diệt nên cái kia diệt”.

(Paticcasammuppada Sutta)

 

Dưới ánh sáng lý tính duyên khởi trùng trùng vô tận, Phật giáo nhìn thế giới hiện tượng như một dòng chảy mênh mông liên tục gồm những sự kiện nối kết với nhau, nương tựa lên nhau và cùng tác động lẫn nhau, cùng sinh thành, cùng tồn tại và cùng hoại diệt.

Trong khi đó vì cái giới hạn của nhận thức và khát vọng sinh tồn của kiếp nhân sinh hữu hạn nên cách thế mà chúng ta nhận thức về dòng chảy này bị cô đọng lại trong một vài khía cạnh của vũ trụ bất khả phân. Cũng từ đó đã tạo cho ta cái ảo tưởng rằng có những thực thể độc lập, tách biệt nhau và tách rời khỏi con người. Với tiểu luận này người viết nỗ lực bằng sự hiểu biết hạn chế của mình để khơi dậy một thông lộ giữa hai lĩnh vực sự khám phá khoa học và tuệ giác Phật giáo.

1. HỪNG ĐÔNG CỦA MỘT THỜI ĐẠI MỚI

Có thể nói cho đến cuối thế kỷ 19, vật lý cổ điển qua cơ học Newton và thuyết sóng điện từ của Maxwell hoàn toàn chiếm lĩnh trong tư duy hầu hết các nhà khoa học trong việc phân giải các sự kiện và các quá trình của tự nhiên.

Người thầy của Max Planck, nhà Vật lý Kirchoff đang nghiên cứu về quang phổ phát xạ từ vật thể nóng. Kết quả thí nghiệm cho thấy năng lượng phát xạ từ vật thể nóng phụ thuộc vào hai yếu tố là tần số phát xạ và nhiệt độ. Năm 1859 Kirchoff đã không thể dùng lý thuyết vật lý để giải thích được kết quả thí nghiệm. Trong vòng 40 năm sau đó có nhiều nhà vật lý từ Stefan, Boltzman, Wien đã đưa ra các công thức nhằm giải thích phù hợp với kết quả thực nghiệm (Định luật Stefan Boltzman, định luật Wien). Năm 1900 vào mùa thu, Planck sau một thời gian nghiên cứu vấn đề này không thành công và nhất là nghe tin, định luật Wien đã không thích hợp qua một thí nghiệm ở tần số thấp hơn, nên đã quan tâm lại vấn đề này. Trong một suy tư xuất thần Planck đã đưa ra công thức thật đơn giản giải thích thỏa đáng các kết quả của thí nghiệm về sự phát xạ từ vật thể nóng. Công thức mà Planck xây dựng cho năng lượng phát xạ từ vật thể nóng đặt trên một ý niệm cơ bản cho rằng năng lượng phát xạ không phải liên tục mà là ngắt đoạn, riêng lẻ, từng các gói đơn vị năng lượng gọi là lượng tử, mỗi lượng tử có năng lượng tỉ lệ với tần số của bức xạ: E = h.u (trong đó h là hằng số Planck). Ý nghĩa của công thức này thì không ai biết, vì không ai tin rằng trong thiên nhiên lại có tính rời rạc và chính Planck thú nhận đó là “một hành động của sự tuyệt vọng” vì ông ta không thể dự đoán hết được những gì xảy ra sau đó. Tuy nhiên có một người thấy được đằng sau đó một quy luật phổ biến của vật lý và tìm cách hiển lộ rõ trong suốt gần hai mươi năm sau. Đó là Albert Einstein, vào năm 1905 đã áp dụng thuyết lượng tử của Planck để giải thích hiện tượng quang điện của các tia tử ngoại qua các hạt năng lượng gọi là photon, tạo niềm tin về cơ sở cho thuyết lượng tử. Quan niệm của Einstein như sau: Ánh sáng ngoài tính sóng cũng còn có tính hạt, mỗi hạt, một photon mang năng lượng E = h.u tương ứng với tần số u tùy theo màu sắc của nó. Khi va chạm vào tấm kim loại photon bị các electron của kim loại hấp thụ nguyên gói và có thêm năng lượng để tách rời khỏi tấm kim loại. Ông đã tính được năng lượng của các electron bị tách ra bằng công thức:

E = h. u - P

E: Là năng lượng mang theo khi electron tách ra.

P: Là năng lượng cần thiết để electron thoát khỏi tấm kim loại

Giả thuyết ánh sáng được cấu thành từ các lượng tử năng lượng đã bị cộng đồng các nhà vật lý lạnh nhạt và đón nhận một cách hoài nghi vì nó đi ngược lại các quan điểm vật lý của 3 thế kỷ trước đó, qua các công trình mà Young, Huygens, Maxwell, v.v… trên thực tế để ủng hộ mạnh mẽ quan điểm ánh sáng có tính sóng.

Chính Planck cũng không mấy vui vẻ với ý tưởng về lượng tử năng lượng, mặc dù ông ta đã đưa nó vào vật lý. Đối với ông thì ánh sáng phát xạ từ vật thể nóng là sóng chứ không phải hạt – Trong thâm tâm của ông lượng tử hóa năng lượng của ánh sáng chỉ là thủ thuật toán học?

Năm 1907, Einstein đã xác quyết mạnh mẽ trong bài báo “thuyết bức xạ của Planck và thuyết nhiệt đặc trưng” rằng: tính gián đoạn của lượng tử không phải chỉ đúng cho bức xạ mà đúng cho cả cho vật chất thông thường [1]. Với bài viết này, giả thuyết lượng tử của Planck được nâng lên thành lý thuyết.

Năm 1913, Bohr nhà vật lý làm việc tại phòng thí nghiệm của Rutherford tại Anh đã kết hợp mô hình nguyên tử của Rutherford với mô hình các lượng tử của Planck để xây dựng lại mô hình nguyên tử và cho rằng electron không phải ở bất cứ quỹ đạo nào mà chỉ có trên một vài quỹ đạo với trạng thái năng lượng nhất định. Sự thay đổi các tầng năng lượng tương ứng với năng lượng chúng hấp thụ hay mất đi qua phát xạ. Mô hình này giải đáp được các vấn nạn mà vật lý cổ điển (Newton, Maxwell) không giải quyết được. Khi 1 electron chuyển động quanh hạt nhân thì theo vật lý cổ điển, sóng sẽ được phát ra và vì thế mất dần năng lượng sẽ rơi vào nhân trong một thời gian rất ngắn, tại sao nó không xảy ra. Như vậy, tính gián đoạn xảy ra ngay trong lòng của chính vật chất [2].

2. THÍ NGHIỆM YOUNG Ở GÓC ĐỘ MỚI

CÁI HUYỀN BÍ CỦA THẾ GIỚI VI MÔ

Thí nghiệm sau đây do Young đã nghĩ ra từ năm 1802 với ánh sáng chỉ có bản chất sóng, nhưng mãi đến thế kỷ 19, ánh sáng được quan niệm vừa hạt vừa sóng. Với kỹ thuật mới, người ta có thể thực hiện theo cách phóng hạt photon đi từng hạt một. Chúng ta biết rằng nếu chỉ có một khe mở ra thì trên màn hình hiển thị một vết sáng, nhưng nếu mở cả hai khe, và từng hạt photon được phóng đi, sau một thời gian tích lũy thì trên màn hình xuất hiện vân giao thoa. Điều khó hiểu là tại sao 1 photon đơn đơn độc cùng lúc đi qua 2 khe hở để tạo sự giao thoa trên màn hình. Và tại sao 1 photon biết được một khe mở, hai khe mở để cuối cùng chọn lựa kiểu hình vẽ trên màn hình. Lại nữa, khi đặt máy phát hiện photon đi qua khe nào thì hiện tượng giao thoa biến mất. Đây cũng là một sự huyền bí tựa hồ lẽ huyền vi của sự sống ngay giữa lòng thiên nhiên, im lặng, tịch mặc, vô ngôn.

Cơ học lượng tử giải thích hiện tượng nói trên như sau: mỗi một photon đi qua mỗi khe với một xác suất nhất định và vì thế sự giao thoa chính là sự giao thoa của các xác suất ở mỗi khe bởi vì chúng ta vẫn có sóng với một số xác suất. Khi nó bị quan sát bằng máy đo thì tính chất sóng gây ra giao thoa sẽ mất đi và do đó không còn giao thoa nữa. Sự diễn giải nói trên còn gọi là sự diễn giải Copenhagen do Bohr làm đại diện. Diễn giải này đặt con người vào vai trò là vừa là diễn viên vừa là khán giả. Khi không có máy đo thì đặc tính hạt và sóng hiện diện cùng một lúc với nhau, chồng chất lên nhau trong thế giới lượng tử mặc dù chúng hoàn toàn trái ngược nhau [2].

Theo quan điểm nhóm Copenhagen khi chúng ta dùng dụng cụ để quan sát hạt trong thế giới lượng tử thì thế giới lượng tử bị va chạm và sụp đổ thành thế giới cổ điển: hạt thì có thật, sóng chỉ là một công cụ toán học đại diện cho sự hiểu biết xác suất của ta về hệ thống. Hàm sóng lượng tử không biểu tượng sóng thông thường như sóng nước hay sóng âm. Sóng lượng tử không vận tải năng lượng, nó là sóng vận tải khả năng hay xác suất cho biết khả năng quan sát đo lường một hạt vừa đặt máy ở vị trí nào đó. Bohr nói “không có thế giới lượng tử, chỉ có sự mô tả một khái niệm về lượng tử”. Theo Bohr thì chính ý thức quan sát đo lường làm cho mọi sóng khả năng sụp đổ thành mỗi hạt, một thực tại lượng tử và một thực tại lượng tử là thật có cho đến khi nó là một hiện tượng được quan sát, đó là ý kiến của John Wheler. Schrodinger là nhà vật lý sáng chế ra phương trình sóng đã mô tả cách giải thích của nhóm Copenhagen qua thí nghiệm tưởng tượng “con mèo Schrodinger” được thiết kế như sau:

Con mèo được nhốt trong một hộp kín trong đó có một lọ chứa chất độc khí, một nguyên tố có tính phóng xạ. Sau một thời gian nếu chưa có sự phân hủy của nguyên tố phóng xạ thì con mèo vẫn sống bình thường. Nếu nguyên tố bị phân hủy để phóng xạ thì lọ chứa chất khí độc bị vỡ con mèo chết ngay. Người ta thiết kế thế nào để sau một thời gian nhất định khả năng phóng xạ được phóng thích 50%. Tình trạng của con mèo được biểu diễn bằng một hàm số sóng biểu tượng khả năng con mèo chết và sống chồng chất lên nhau. Khi mở hộp ra quan sát thì hàm số sóng bị sụp xuống giá trị riêng. Con mèo sống nhảy ra hoặc chết ngay lúc mở hộp.

Từ một giả thuyết được Planck nêu lên năm 1900 và 20 năm sau đó đã có nhiều công sức đóng góp của nhà vật lý trẻ ngành cơ học lượng tử, họ đã thoát hẳn ra khỏi cơ học Newton và lý thuyết điện tử của Maxwell bởi lẽ các yếu tố xuất hiện trong các định luật của chúng không đặt vấn đề diễn tả cái thực tại vật lý đó mà chỉ mô tả cái xác suất xuất hiện của thực tại đó.

Có thể nói rằng, Einstein là một trong những người khai phá và đóng góp rất lớn cho ngành lượng tử nhưng cũng chính ông là người không ngừng nêu lên tính không hoàn thiện của nó.

Ông cho rằng cách diễn tả bằng xác suất là nguồn gốc của sự không đầy đủ của cơ học lượng tử trong việc mô tả thiên nhiên. Ông đã nỗ lực cho đến cuối đời trong việc luôn luôn đi tìm một giải pháp cội nguồn của nó trong lý thuyết trường thống nhất. Năm 1926 ông viết thư tâm sự với Max Born tán thán lý thuyết lượng tử vì nó đem lại nhiều thành công, tuy nhiên ông than thở rằng nó không đưa đến gần hơn các bí mật của Thượng đế và ông ta tin rằng “Thượng đế không chơi đổ xí ngầu” [3].

3. NGHỊCH LÝ EPR VÀ CÁC NHÀ KHOA HỌC ĐÃ NÓI GÌ?

Vào những năm 1920, sự phê phán của Einstein đối với cơ học lượng tử gần như đã đến cực điểm. Ông ta cùng với các đồng nghiệp là các nhà vật lý De Broglie, Schrodinger, David Bohm, John Bell, họ đã không chấp nhận sự diễn giải của nhóm Copenhagen mà đại biểu là Bohr về thực tại lượng tử như một sự thật đầy đủ và nêu lên những vướng mắc của chúng. Đầu năm 1935, ba nhà vật lý Einstein, Podolsky và Rosen đã có sáng kiến đặt ra một thí nghiệm tưởng tượng gọi là thí nghiệm EPR để chứng minh diễn giải của nhóm Copenhagen không đúng. Thí nghiệm được mô tả như sau:

Xét 1 hệ thống hạt đôi có spin O (hai hạt có spin trái dấu nhau) có thể hiểu rằng 2 hạt có chiều quay ngược nhau). Bằng cách nào đó mà không ảnh hưởng đến Spin của chúng, ta đẩy 2 hạt tách ra chạy theo 2 chiều ngược hướng A và B. Sau đó có thể dùng một thiết bị thay đổi spin của chúng ở bên A hay bên kia B. Một điều kỳ lạ là nếu máy phát hiện hạt chạy phía này A có spin quay phía phải thì hạt chạy phía kia B sẽ quay trái. Điều khó hiểu ở đây, theo cơ học lượng tử là khi đặt máy thăm dò tại A hay B thì sóng bị sụp đổ do đó chỉ có thể xảy ra một trường hợp là A đã thông báo cho B biết. Điều này hàm ý rằng có một tín hiệu ánh sáng được phóng xạ với tốc độ vô hạn và như vậy trái với lý thuyết tương đối hẹp, cũng không hề có chuyện “Thượng đế” phóng ra tín hiệu thông báo và cũng không có hành động “ma quỷ” nào ở gần đó can thiệp. Einstein cho rằng thuyết lượng tử đã không cung cấp sự mô tả đầy đủ về thực tại và ông cho rằng mỗi hạt đều hàm chứa những những “ẩn số” mà thuyết lượng tử không biết rõ và do đó thuyết lượng tử không hoàn chỉnh [1].

Vài năm trước khi mất, Einstein viết thư cho người bạn ông là nhà vật lý Lanczos và tâm sự rằng: nếu ai đó nói với ông rằng anh ta hiểu được ý nghĩa của hệ thức E = h.n thì hãy nói với anh ta rằng anh ta là người nói dối. Bản chất nhị nguyên của ánh sáng, ngày nay cả thế giới đều thừa nhận, nhưng chưa có sự giải thích được cái nghịch lý này bởi hai lý do của các đặc trưng:

+ Hạt vật chất chỉ khu biệt trong không gian rất nhỏ.

+ Sóng thì lan truyền mọi hướng trong không gian.

Hơn 30 năm sau, các nhà vật lý cố gắng thiết kế một thí nghiệm kiểu mẫu EPR để kiểm chứng nhưng đã gặp không ít khó khăn. Mãi đến năm 1964 nhà vật lý Ái Nhĩ Lan John Bell mới tìm ra cách thể hiện ý tưởng EPR trong một dự trình có thể kiểm chứng được trong phòng thí nghiệm bằng cách xây dựng một định lý toán học gọi là “bất đẳng thức Bell”. Bất đẳng thức này có thể kiểm chứng bằng thí nghiệm nếu như hạt thật sự có chứa những “ẩn số” như ý tưởng của Einstein.

Vào thập niên 80, nhà vật lý Alain Aspect tại Paris đã thực hiện những thí nghiệm trên một cặp photon được tạo điều kiện để chúng tác dụng qua lại nhau. Họ đã khám phá bất đẳng thức Bell bị vi phạm, có nghĩa là chúng không hàm chứa những “ẩn số”, điều này chứng minh rằng cơ học lượng tử đúng và ý tưởng của Einstein không hợp lý.

Đầu năm 1998, nhà vật lý Nicolas tại Genève đã thực hiện đưa 2 photon cách xa 10 km nhưng chúng vẫn ứng xử tương quan nhau, điều này cho thấy một khi đã tương tác với nhau trở thành một thực tại bất khả phân thì chúng vẫn biết nối kết nhau. Cơ học lượng tử như vậy đã loại trừ mọi ý tưởng về cục bộ và cho ta một cái nhìn tổng thể về không gian mà các nhà vật lý gọi là tính “bất khả phân” hay tính “phi cục bộ”.

Về Định lý Bell, nhà vật lý Henri Stapp cho rằng nó đã mở ra một cánh cửa nhìn vào thiên nhiên huyền bí. Tuy nó không giải thích được cái huyền bí mà chỉ xác nhận cái huyền bí và làm cho các huyền bí càng thêm sâu thẳm. Đối với các nhà vật lý, họ quan niệm rằng có một loại vật lý hiện tồn tại “loại vật lý phi cục bộ, phi không gian, phi thời gian ở ngoài trực giác của chúng ta, tồn tại như dạng một cách tiên nghiệm” [4].

David Bohm, giáo sư Đại học London là nhà vật lý Lượng tử chính thống đã từng làm việc chung với Einstein, đề xuất một lý thuyết mới nhằm giải thích được các hiện tượng vật lý trong lý thuyết tương đối và lý thuyết lượng tử gọi là thuyết “vận động toàn thể” (holomouvement). Trong lý thuyết này ông phân biệt hai dạng trật tự của thực tại:

+ Trật tự dàn trải (explicate order) có một nội dung: mỗi sự vật được xem là riêng rẽ, chiếm cứ một không gian riêng, các sự vật nằm ngoài nhau và tác động lên nhau.

+ Trật tự tiềm ẩn (implicate order) cho rằng cái vận động toàn thể nằm trong cái riêng lẻ hay nhìn thực tại như một toàn thể vị phân hóa có nghĩa là thực tại là hình ảnh của vũ trụ ẩn tàng trong đơn vị nhỏ nhất và cái riêng lẻ thì lưu xuất từ cái toàn thể nói trên.

Năm 1971, nhà Vật lý Gabor được giải Nobel về công trình phép ghi ảnh toàn ký (hologram) có thể cho phép ta hình dung về khái niệm của trật tự tiềm ẩn này.

Ảnh toàn ký là hình ảnh 3 chiều được chụp bởi tia laser: Một vật thể 3 chiều được chiếu bằng tia laser, sau đó cho phản chiếu lên film. Tâm phim lại được chiếu bằng một nguồn laser thứ 2. Hai nguồn laser giao nhau trong phim và ảnh giao thoa sẽ được ghi lại trên phim. Bây giờ ta rọi phim bằng tia laser khác thì ảnh 3 chiều sẽ hiện ra. Điều kỳ lạ là khi ta cắt phim thành nhiều mảnh nhỏ, thì trên mỗi mảnh nhỏ hình ảnh vật thể 3 chiều vẫn hiện ra đầy đủ [4].

Vậy cái toàn thể và các phần tử của nó dù nhỏ nhất bao nhiêu đi nữa đều là cái duy nhất và như nhau. Với David Bohm cái toàn thể tương thích với trật tự tiềm ẩn bất khả phân của vũ trụ.

Thực tại tiềm ẩn đó chính là cái toàn thể bất khả phân, không định nghĩa và không đo lường được, mọi hiện hữu trong thực tại tiềm ẩn đó nối kết chặt chẽ và luôn luôn vận động và thực tại đó chính là nguồn gốc, là cơ sở của mọi dạng xuất hiện vật chất và tâm thức. Ý tưởng này thật đơn giản và nó nói lên một điều đơn giản rằng nếu chúng ta đào đủ sâu, sẽ thấy có sự khác biệt giữa cách mà chúng ta nhìn thế giới hiện tượng và cái chúng thực sự đang là [5].

Theo David Bohm, chúng ta phải từ bỏ cách nhìn về vũ trụ như hiện nay đang nhìn, xem nó gồm nhiều phần tử riêng lẻ đang dàn trải ra trong khoảng không, thời gian. Điều mà Bohm gọi là “trật tự dàn trải” nói trên.

David Bohm đã đề nghị phải xoay chiều hướng nghiên cứu vật lý: thay vì xét các sự vật riêng lẽ rồi tìm hiểu trên sự tương quan liên hệ giữa chúng, vật lý học phải bắt đầu từ cái toàn thể vị phân hóa tức là các trật tự tiềm ẩn (implicate order) mà ông cho đó là nguyên lý sáng tạo của mọi tồn tại. Nó không thể là đối tượng của nhận thức thường nghiệm vì nó phổ biến khắp vật chất và là bản thể của vật chất. Trên nền tảng đó David Bohm đã nêu lên các luận điểm.

+ Vì trật tự tiềm ẩn đó luôn luôn vận động nên có ẩn, có hiện có những dạng xuất hiện mà giác quan ta thấy là hạt và khi những điều kiện thay đổi thì dạng xuất hiện cũng thay đổi nên lúc đó ta có dạng sóng. Theo David Bohm thì vật chất chỉ là một trong số khía cạnh thứ cấp của cái toàn thể vận động (sultotaliry mouvement).

+ Trật tự tiềm ẩn có nhiều chiều còn trật tự dàn trải mà chúng ta cảm nhận được chính là sự phóng chiếu của cái trật tự nhiều chiều đó lên không gian ba chiều. Để hình dung cái trật tự tiềm ẩn đó, theo Nguyễn Tường Bách, David Bohm đã ẩn dụ “hồ cá” sau đây để minh họa: Trong hồ cá chỉ có một con cá. Đặt hai máy quay phim thu hình theo hướng khác nhau của con cá rồi được chiếu lên hai màn hình A, B khác nhau. Khi nhìn lên hai màn hình ta không thấy mối liên hệ hay sự tương tác nào với nhau cả, nhưng thực tế chỉ là hình ảnh 1 con cá duy nhất.

+ Đối với David Bohm, vũ trụ là một biển năng lượng khổng lồ, đa chiều, hoạt động như dạng trật tự tiềm ẩn, còn vũ trụ vật chất như ta đang thấy là một biến dạng của trật tự đó khi vận động bị nhiễu loạn mà sinh ra và phóng chiếu trên không gian ba chiều ta đang sống.

+ Lịch sử của vũ trụ theo giới khoa học được hình thành sau vụ nổ lớn (big bang) khởi thủy từ một điểm cực nhỏ trong không gian và thời gian cách đây chừng 10 tỷ năm. Theo David Bohm thì vụ nổ đó chỉ là gợn sóng rất nhỏ của biển năng lượng khổng lồ đang vận động. Vì vậy, trong vũ trụ đó, ngay cả sự sống của thế giới hữu tình và của thế giới vô sinh cũng lưu xuất từ cái trật tự tiềm ẩn đó. Đối với thế giới hữu tình, đặc biệt là con người, thân vật chất và ý thức có tác dụng hỗ tương nhau, ý thức sinh ra những dấu vết trên thân vật chất và ngược lại. Tuy nhiên cái ý thức và thân vật chất đều là phản ảnh cái thực tại đó nhưng không có mối liên hệ nhân quả và chúng xảy ra đồng thời [8].

Lâu nay, người ta vẫn nhìn thế giới hiện tượng như là một thực thể khách quan, nằm bên ngoài người quan sát và nó là đối tượng đích thực của ngành vật lý. Đối với David Bohm thì thế giới hiện tượng chỉ là một “trật tự dàn trãi” phô diễn cái gốc sâu kín hơn, đó là trật tự tiềm ẩn bao gồm cả thực thể vật chất lẫn ý thức, bao gồm cả sự sống của sinh vật và con người. Lý thuyết về “sự vận động toàn thể” của David Bohm làm ta liên tưởng đến quan niệm trong triết học Duy thức về thức A-lại-da hay Tàng thức, Như lai tạng thức. Thức này rộng lớn, tiềm ẩn sâu xa và chứa tất cả các chủng tử nghiệp trong dòng tâm thức, trong đó vật chất chỉ được nhìn nhận như là vọng tâm được “lóng lại thành cõi xứ”. Theo kinh Thủ Lăng nghiêm: “Sự sống, ý thức lẫn vật chất đều lưu xuất từ một thể.” Đó là Chân như trong thuyết Chân như duyên khởi của Phật giáo Đại thừa, nó vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của tất cả, và đạt đến mức độ siêu việt thì nhân quả sẽ đồng thời. Không gian, thời gian và con người là sự thể hiện tức thời và vĩnh cửu của Chân như.

Xa hơn nữa, cái “vận động toàn thể” đối với vũ trụ quan của Đông phương gọi là Đạo. Đó là thực tại tối hậu và cũng là thực tại khởi thủy – không có nhân hình, nhân tướng dàn trải khắp nơi và không riêng một nơi nào cả, nó siêu việt cả thời gian và không gian nhưng đồng thời nó hiện hữu trong thời gian và không gian. Đạo biểu lộ ra vũ trụ (trật tự dàn trải) hay vũ trụ là hiện thân của Đạo, do đó vũ trụ có thể tự tổ chức, tự tiến hóa. Nhờ có ý thức tự tổ chức tự tiến hóa này mà vật chất vô sinh có thể đột biến thành hữu sinh và sinh vật có thể đột biến thành loài người [6].

4. VŨ TRỤ QUAN PHẬT HỌC TRONG KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

Kinh Thủ Lăng nghiêm là Kinh Đại thừa, đức Phật chỉ dạy về tâm (hay chân tâm). Chúng sinh do không ngộ được chân tâm nên muôn kiếp cũng là chúng sinh, trầm luân trong bể khổ sinh tử.

Chân tâm là khái niệm chính yếu của Kinh thủ Lăng nghiêm, nó còn được gọi là Như Lai tạng, muốn hiểu bản thể của tâm, cần phải chấm dứt vọng tâm để vượt qua nhị nguyên chủ thể, khách thể.

Để hình dung vọng tâm vận động như thế nào trong đời sống mỗi người, ta thử phác thảo một ví dụ.

- Một hôm đang ngồi yên lặng, bỗng nhiên trong tôi nghĩ nhớ tới người bạn thân: đây là lớp vọng tâm thứ nhất.

- Rồi lại tưởng nhớ lại những gì người bạn đã tâm sự với tôi – đây là lớp vọng tâm thứ 2.

- Rồi tôi trở nên xót xa và dày thêm thương nhớ - đây là lớp vọng tâm thứ 3.

- Rồi tôi toan tính phải tìm gặp người bạn những ngày hôm sau đó. Đây là vọng tâm thứ 4… Nếu không nhận ra rằng tâm đang cuốn theo vọng thì phiền muộn sẽ bất tận. Con người, hằng ngày ai cũng sống theo vọng tâm. Ta hãy nghe nhạc sĩ TCS trong một chốc lát tâm tư đồng vọng ngồi hát:

“Lòng thật bình yên, mà sao buồn thế

 Giật mình nhìn tôi, ngồi hát bao giờ”

Lần khác và nhiều lần như vậy, vọng tâm đưa đẩy nhạc sĩ lui về quá khứ xa xăm hay trôi dạt về phía tương lai trong một tâm trạng hư hư, thực thực.

- Em phụ tôi một thời bé dại

Thơ dại ra đi không nhớ gì tôi.

- Hai mươi năm sau vẫn là thuở nào

Nợ lần này trong cõi đời sau.

Kinh Lăng nghiêm nói về một thể uyên nguyên, không hình, không tướng, không nhân cách và không thể nghĩ bàn gọi là Chân tâm. Bản tính của Chân tâm là thanh tịnh. Chân tâm có hai công năng gọi là diệu và minh.

+ Tính minh là tính biết và tính biết thì vô thủy vô chung. Nhưng lúc khởi mà chợt bất giác không biết mình là khởi, tưởng những cái hiện hữu (pháp trần) là từ bên ngoài mà có gọi là vô minh. Vô minh có nghĩa là Tâm chỉ minh mà quên diệu.

+ Tính diệu là năng khởi, năng sinh muôn pháp nên sau khi bất giác vô minh khởi lên, tâm không ngừng ở đó mà tạo tiếp niệm thứ hai, thứ ba và liên tục bất tận. Theo kinh Lăng nghiêm, khi tâm khởi một bất giác vô minh (tự quên nó là ai, là cái gì) nên nó tạo ra cái Ta đại diện cho nó. Cái ta ban đầu chỉ hiện mờ nhạt nhưng do tính năng khởi, năng sinh nên cái ta kiên cố dần dần và thế giới hiện tượng bắt đầu trình hiện cho một quan sát viên. Mỗi quan sát viên (cái ta) thấy một thế giới riêng mà thuật ngữ Phật giáo gọi là kiến phần và tướng phần. Vậy cả hai kiến phần và tướng phần đều lưu xuất từ Chân tâm sau khi đã bị vọng hóa. Chính sự vọng hóa tiếp tục xoay vần sinh khởi tiếp nối nhau làm cho người quan sát (cái ta) thấy có vật chất, có không gian và thời gian.

Theo kinh Lăng nghiêm, mỗi cá thể tùy theo nghiệp cảm của mình mà tạo các thế giới riêng, đan xen, hòa hợp, làm nhân, làm duyên tạo thành một thế giới chung có thành, có hoại, tiếp tục không dứt.

Đối với loài người, do tính cộng nghiệp nên các cá nhân thấy chung một thế giới và sự vật chỉ là một trình hiện nên không thể nói có, nói không một cách tuyệt đối, chúng có với người này và không với người khác.

Bản tính của Tâm là thanh tịnh. Khi tâm bất giác khởi niệm về ngã (Ta) rồi theo đó tạo ra một cái thân cho ta hiện hữu. Khi sống thì thân làm bằng vật chất. Trong giấc ngủ, thân nằm yên bất động thì Tâm tạo ra một thân khác gọi là thân trong mộng. Khi ngủ mê thì hiện ra giấc mộng, có ta, có người, có cảnh vật, có không gian, thời gian. Lúc tỉnh thì mọi thứ đều hết. Câu chuyện về giấc mộng Nam Kha trong nhân gian ai cũng biết hay câu chuyện nhà hiền triết Trang Tử hằng đêm đi ngủ thấy mình là bướm. Sáng thức dậy thấy mình là người. Đêm đi ngủ thấy mình là bướm. Cứ thế, sáng là người đêm là bướm. Do đó ông ta tự hỏi mình là bướm hay là người. Là bướm trở thành người hay người trở thành bướm?

Thế giới hiện tượng mà ta cảm nhận theo Phật giáo là một sự trình hiện, là một huyễn cảnh, là hoa nắng giữa hư không. Cả ta (quan sát viên), cả cảnh vật đều lưu xuất từ Tâm bị vọng hóa. Tất cả những khởi niệm sau này của Tâm gọi là hành, hành là sự hoạt động của Tâm nhưng đã mang tính chất vô minh. Cái tính minh ban đầu bị ô nhiễm bởi cái ngã (cái Ta) và tưởng rằng sự vật tồn tại độc lập bên ngoài. Quá trình vọng tưởng chồng chất nhau sinh khởi và diễn biến liên tục lạc vào thế giới vật chất và tưởng nó là thân. Thân sinh ra cảm thọ, từ cảm thọ dễ chịu sang khó chịu mà sinh ra ái và dẫn đến sự chiếm hữu.

Thuật ngữ Phật học ở trong các Kinh gọi ngũ uẩn gồm thân vật chất (sắc) và bốn uẩn khác là thọ tưởng, hành, thức. Khi chân tâm bất giác khởi lên một niệm thì toàn bộ tiến trình thọ, tưởng, hành, thức sinh khởi phát triển và sa vào chấp ngã và chấp pháp. Ngũ uẩn bao phủ trên một cá thể với hai dạng tâm lý và vật lý. Lúc đó thế giới mà ta đang thấy bao quanh ta gồm vật chất và các hoạt động tâm lý.

Trong các kinh Đại thừa như Hoa Nghiêm, Duy ma, Thắng Man… cho chúng ta hình dung Chân tâm như là một biển tinh lực vô hạn và xuất hiện trong thế giới hiện tượng ở dạng quang minh, và cho rằng quang minh thường xoay vần theo hình trôn ốc và khi quay chậm lại tạo thành sơn hà, đại địa và chúng sanh. Bồ-tát Văn Thù như đã nói trong Kinh Lăng nghiêm:

“Tưởng chừng thành quốc độ”

“Hay biết” là chúng sinh.

“ Trong một đoạn kinh Lăng nghiêm, để trả lời cho ông Phú-lâu-na hỏi Phật tại sao bỗng nhiên lại sinh ra sông, núi, đất liền và vạn vật ? Phật dạy rằng do nghiệp lực của Vô minh: khi động thì tạo thành sơn hà đại địa, khi tĩnh thì tạo Hư không. Vạn vật tuy nhiều nhưng xét lại đều do vọng niệm mà sinh ra cả. Trong một vọng khởi thì thành ra thế giới vì vậy một vọng niệm là Tổ của loài hữu tình và vô tình”.

5. SỰ TƯƠNG ĐỒNG

* Với các biện giải đã trình bày ở đoạn trên, khi chân tâm khởi một niệm bất giác thì có Ta và thế giới hiện tượng. Cái Ta với vai trò chủ thể, thế giới hiện tượng là khách thể. Cả chủ và khách đều lưu xuất từ một thể (chân tâm), chúng dung thông, chứa đựng lẫn nhau, dựa lên nhau mà có. Có người quan sát và có vật được quan sát. Nhà vật lý lượng tử chính thống David Bohm đã đề xuất lý thuyết vận động toàn thể (holomouvement) gồm hai trật tự tiềm ẩn và dàn trải.

* Trong cơ học lượng tử và thuyết tương đối đều xác định phải đưa quan sát viên vào quá trình chung với vật được quan sát. Theo Phật giáo nếu không có quan sát viên thì sẽ không có vật được quan sát. Nếu không có ai quan sát thì vật sẽ không có. Đã có lần nhà bác học Einstein bày tỏ đồng tình với cái nhìn của Phật giáo khi phát biểu:

“Có phải mặt trăng chỉ tồn tại khi tôi nhìn lên nó chăng”

* Quan niệm của ngành vật lý lượng tử là: Mỗi đơn vị cực nhỏ (cực vi) trong chân không lượng tử chứa một năng lượng vô hạn. Đối với Phật giáo thì thế giới vật chất như đã trình bày ở trên lưu xuất từ Chân tâm: Sắc tức thị không. Sắc bất dị không”. Vả lại Chân tâm là một biển tinh lực vô hạn.

* Trong các thí nghiệm do nhà vật lý Alain Aspect tại Paris trong thập niên 1980 đã kiểm tra nghịch lý EPR đã kết luận về tính nối kết của hai photon ở hai hướng khác nhau, theo Phật giáo thì vật chất lưu xuất từ Chân tâm nên chúng biết nhau, kết nối nhau là hiển nhiên.

* Khi Chân tâm khởi lên một niệm bất giác vô minh thì vật chất xuất hiện nên vật chất không có tự tính, tùy theo duyên (điều kiện đo đạc, quan sát) nên lưỡng tính hạt và sóng tùy theo đó mà xuất hiện, Phật giáo không thấy có mâu thuẫn nào cả.

* Theo Von Neumann, nhà bác học nguyên tử Mỹ, nhân vật trung tâm sáng chế bom hạt nhân thả trên đất Nhật năm 1945, đã quan niệm rằng toàn bộ thế giới vật lý là thế giới Lượng tử. Muốn mô tả thế giới đó theo lý luận toán học ông ta bắt buộc phải sử dụng những hàm số sóng khả năng (sóng xác suất) chứ không thể mô tả như một tập hợp hữu hạn các phẩm tính với một số giá trị. Thế giới lượng tử không còn là thế giới của hai cực biên “có, không" mà là thế giới của “có thể”. Có thể có, có thể không, có thể vừa có vừa không, có thể chẳng có chẳng không. Theo Phật giáo quan niệm thì vạn hữu sinh khởi do Tâm và cái mà ta gọi hiện hữu cũng do Tâm nốt.

* Trong hình ảnh hiển thị bởi phép toàn ký đã trình bày, hình tướng và cấu trúc của toàn thể sự vật đã được thu nhiếp trong mỗi vùng của ảnh toàn ký. Khi chiếu ánh sáng vào bất cứ vùng nào thì vùng ấy mở bày khai phóng trở lại tái tạo hình ảnh của toàn thể sự vật như trước đó (hologram) David Bohm đã có quan niệm giống như Phật giáo quan niệm: Một trong tất cả, tất cả trong một, như một thế giới của sự - sự, vô ngại pháp giới của Hoa Nghiêm

Theo chiều dọc của lịch sử, ta thấy ngành vật lý phát triển rất nhanh và nhất là càng đi sâu vào bản thể của vật chất. Bao lâu con người còn hiện diện trên hành tinh này thì ngày đó ngành vật lý còn kéo dài vô hạn. Trách nhiệm của các nhà vật lý là xác định những khái niệm định lượng, các đẳng thức, các bất đẳng thức trong thế giới vật chất. Tuy nhiên ta chưa có thể nói được vật lý sẽ đi về đâu, phải chăng nó sẽ đồng quy với các ngành khác như Tâm lý, Thiên văn, Sinh vật,… có lẽ trong một tương lai không xa?

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Phạm Xuân Yêm (2009): Max – Planck, Nxb Tri thức.

[2] Stephen Hawking (2000): Lược sử thời gian, Nxb Trẻ.

[3] Nguyễn Tường Bách (2005): Lưới trời ai dệt, Nxb trẻ.

[4] Nguyễn Văn Hai (2001): Nhận thức và không tánh, Nxb Tôn giáo.

[5] Nguyễn Xuân Xanh (2008): Einstein, Nxb tổng hợp Tp. HCM.

[6] Thích Thiện Siêu (2008): Kinh Thủ Lăng nghiêm, Nxb Tôn giáo.

[7] Nguyễn Tường Bách (2004): Đạo của vật lý, Nxb trẻ.

[8] Minh Tâm (2009): Kinh Thủ Lăng nghiêm, Nxb Tôn giáo.

[9] Tuệ Sỹ (2008): Thắng man giảng luận, Nxb Phương Đông.




[1] Đặng Công Hanh: Khoa trưởng Khoa học cơ bản Đại Học Kiến trúc

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay