Thư xuân
Phù Du
Cập nhật: 13:47:25 14/01/2010

Thư Xuân

 

Phù Du   

Má kính nhớ!
Thấm thoát, con xa quê đến nay tính đã 3 cái Tết rồi. Tết nay con lại không thể về thăm nhà được nữa, Má ơi…

Má đừng buồn nghen Má! Con không thể về thăm Má nhưng thẳm sâu trong tâm tưởng, tự hồi nào đến giờ, con vẫn đêm ngày kề cận bên Má.

 

Con của Má nay đã là người lớn rồi, ấy thế mà cứ mỗi độ Xuân về, lòng con cứ cảm thấy nôn nao, nôn nao như lòng bé thơ ở quê mình trong những ngày giáp Tết. Nỗi nhớ Má, nhớ nhà cứ cuộn lên trong con những bồi hồi khôn xiết tả…

Trong những ngày này, con lại nhớ làm sao những hôm giáp Tết, cả nhà mình lo dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ mọi thứ chuẩn bị đón Xuân. Con nhớ anh Hai đang lui cui chùi bộ lư đồng cho sáng loáng; nhớ chị Ba đang hong phơi nia củ kiệu, đu đủ và cà rốt chuẩn bị cho hũ dưa món thơm ngon của cả nhà mình; nhớ tiếng Má kêu thằng Út ra để Má tắm gội “Tất Niên” cho nó; nhớ nồi nước bồ kết thơm lừng sáng Ba Mươi; nhớ thùng bánh tét bánh chưng sôi ùng ục, nghi ngút hơi đêm Trừ Tịch… Tiếng Má, tiếng quê dân dã làm cho nỗi nhớ trong con cứ đong đầy…

Tết là Tết truyền thống ở nước mình, vì thế, trong những ngày này, ở bên đây không có Tết, Má ơi! Có chăng chỉ là Tết trong lòng con, trong lòng những người con Việt đang lưu học ở đây. Ở đây không có Tết, đa số người ta dơ vẫn dơ như nếp sống thường ngày quen thuộc của họ. Vẫn là những người giàu thật giàu của giai cấp thượng lưu trong những bộ quần áo cực kỳ sang trọng và đắt tiền, trên những chiếc xe hơi bóng loáng... Bên cạnh đó, vẫn là vô số những con người nghèo không thể nghèo hơn được nữa. Vẫn là những anh, những chú đạp xe kéo từ sáng đến chiều thót ruột thót gan, bòn mót dành dụm từng đồng Rupee một, khi nào mệt nhọc, buồn ngủ thì cứ thoải mái nằm vắt vẻo trên xe mà ngủ; hoặc cẩn thận “giữ của” hơn thì nằm ngay trên mặt đất, chắn ngang bánh “chiếc xe gia tài” của mình. Vẫn đó đây những gia đình nghèo không nhà cửa, vợ chồng con cái nằm la liệt trên những con đường tấp nập xe cộ lại qua. Tài sản của họ là những tấm chăn tồi tàn, những tấm chăn được lành lặn và dày ấm thêm là nhờ bụi đường bám bẩn lâu ngày không giặt giũ… Những cảnh đời tương tự như thế, có thể nhìn thấy ở bất cứ nơi đâu và lúc nào trên xứ sở này, Má ạ! Má biết không? Những điều mà con học được ở đây, không chỉ nằm trong khuôn khổ những con chữ!

Quê mình tuy nghèo, nhưng cũng chưa bằng phân nửa cảnh nghèo cùng của người nghèo ở đây. Mùa đông giá buốt thấu ruột thấu tim, nếu người dân nghèo ở quê mình thường đốt rơm để sưởi ấm, thì ở đây, người ta ngồi quay quần bên những đống lửa đốt bằng ruột xe cao su khét lẹt, họ không biết và cũng không cần biết khói cao su độc hại thế nào. Nơi đây là một ông già nằm ngủ tự nhiên trên lề đường phố, xe mặc xe, người mặc người, bụi bặm mặc cho bụi bặm, ông vẫn ngủ như chưa hề có chuyện gì xảy ra trên thế giới này ngoại trừ giấc ngủ của ông. Đằng kia là những em bé nhà nghèo vô tư tung tăng nô đùa, trai có gái có, đứa nào cũng đen đúa và dơ bẩn đến nao lòng. Có những bé trai đen trùi trũi, người ta không còn phân biệt được đâu là màu da của em và đâu là màu của bụi đất trên thân thể em. Có những bé gái với những bím tóc vàng cháy và thô cứng như rễ tre nhưng khuôn mặt xinh tươi tựa thiên thần, ôi, thiên thần của những kiếp người thấp hèn đời đời kiếp kiếp.

Trong những ngày Tết ở quê mình, cuộc sống của người dân nơi con đang ở là vậy đó thưa Má.

Nhớ năm đầu tiên qua đây, 5 ngày từ 28 tháng Chạp đến mồng 2 Tết là 5 ngày với 5 môn thi liên tiếp, căng đầu căng óc, con không dám nhớ đến chữ “Tết” là gì nữa! Để rồi, đến chiều mồng 2 Tết, môn thi cuối cùng vừa xong cũng là lúc nỗi nhớ nhà trong con chợt òa vỡ… Rồi cái Tết năm đó cũng qua đi…

Con biết Má sẽ hỏi con: “Tết ở bển có gói bánh Chưng bánh Tét gì không Sư cô?” Thưa có, Má ạ! Sáng 29, con cùng với 1 Sư Cô bạn đi xin lá chuối. Lá chuối ở đây cũng hiếm nữa! Má biết con xin lá chuối ở đâu không? Trong công viên của Đại học đó Má! Mấy người làm vườn hỏi con xin lá chuối làm chi, con cười và nói để làm thuốc! Người dân ở đây hay lắm, họ không thích ai hái hoa hay chặt cành bừa bãi đâu, nhưng khi mình nói “để làm thuốc” thì họ vui vẻ cho liền. Ngày 29 thật vui! Bạn bè xúm lại gói bánh chưng, những cái bánh chưng xinh xắn nhỏ xíu cỡ bằng 3 ngón tay (vì nếp rất khan hiếm)! Gói xong, bạn bè ngồi lại với nhau, quay quanh nồi bánh chưng nấu bằng bếp điện, kể chuyện Tết, san sẻ chuyện vui buồn tu học, chuyện bài vở, chuyện tiếu lâm ở trường ở lớp, v.v… Đến khi bánh chưng chín thì chia xẻ cho nhau, ôi không khí mới vui làm sao, mỗi người một cặp nho nhỏ, vừa đủ để dâng cúng trên bàn thờ nho nhỏ của mình trong ba ngày Tết.

Tết đến, bạn bè con chia cho nhau những nắm hạt dưa, những lát mứt gừng từ bên nhà gởi qua, lòng con như nghe thoang thoảng đâu đây cái thơm nồng dịu ngọt của Tết quê hương. Nhưng cũng trong những ngày Tết này, bạn bè con, vẫn có người phải chuyển nhà, vì chủ nhà đòi tăng tiền điện nước, tiền thuê nhà. Nào xô nào thau, nào sách vở áo quần và mọi vật dụng cần thiết, lỉnh ka lỉnh kỉnh…Thương lắm! Cực nhọc lắm Má à! Mình ở xứ người ta mà! Biết sao bây giờ! Tết mà! Có nhiều lúc, bạn bè con bên này phải im lặng, cố nén niềm đau!

Má kính yêu! Thư Xuân đôi dòng con kính gởi về Má, để Má biết thêm một vài điều về cuộc sống ở xứ sở con đang lưu học, để Má biết cái Tết của những người con Việt xa quê như thế nào. Con kính chúc Má luôn dồi dào sức khỏe, cùng với con cháu vui hưởng một mùa Xuân an lạc hạnh phúc. Má hãy nhớ chuyên tâm niệm Phật; nói, làm và suy nghĩ những điều hiền thiện theo lời Phật dạy. Đó là điều con hằng mong ước. Đó là trọn vẹn món quà Xuân Má đã cho con.

phapluanonline

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay