Hòa thượng Trừng Thông Viên Thành
Tâm Quang
Cập nhật: 13:29:20 08/01/2010

Hòa thượng Trừng Thông Viên Thành (1879-1928)

1. Thân thế:

Hòa thượng thế danh là CÔNG TÔN HOÀI TRẤP (1)

Ngài sinh giờ Sửu (từ 01 đến 3 giờ) ngày Bính Tuất, 17 tháng 11 năm Kỷ Mão, nhằm ngày vía Đức Phật A Di Đà (tức ngày 29 tháng 12 năm 1879, niên hiệu Tự Đức 32), tại phủ Định Viễn Quận Vương, thuộc thôn Tây Thượng, tổng Dương Nỗ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. (Nay là xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.)

Thân phụ Hòa thượng là Công Tử Tỉnh Quỵ, con của hoàng tử Nguyễn Phúc Bính. (Hoàng tử Nguyễn Phúc Bính là con thứ 6 của vua Gia Long Nguyễn Phúc Ánh). Thân mẫu là bà Vũ Thị Dần, con ông Vũ Văn Lợi, người thôn Xuân My, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Bà và người em ruột là bà Vũ Thị Thân, cùng kết duyên với công tử Tỉnh Quỵ. Hai bà sinh được tất cả 7 người con (Bà Vũ Thị Dần có 3 người (2 trai, 1 gái) nhưng 2 người con đầu đã mất sớm, chỉ còn lại một mình Hòa thượng. Một điều không may là bà đã qua đời năm Hòa thượng mới lên 4 tuổi (Quí Mùi, 1883). Bà Vũ Thị Thân có 4 người (2 trai, 2 gái) nhưng 2 người con gái cũng mất sớm, chỉ còn lại 2 người con trai. Năm Hòa thượng lên 10 tuổi (Kỷ Sửu, 1889) thì thân phụ cũng qua đời. Như thế, có thể xem Hòa thượng là con đầu trong gia đình và sống với hai người em cùng cha và với người mẹ ghẻ - vừa là dì ruột.

Sinh ra và mang huyết thống của dòng dõi quý tộc, nhưng phải sống trong hoàn cảnh gia đình sa sút, thiếu thốn, nên suốt những tháng năm thơ ấu và cả quãng đời niên thiếu, Hòa thượng phải gánh chịu nhiều cay đắng, thiệt thòi.

2. Thuở ấu thơ và thời niên thiếu:

Năm Hòa thượng mới lên 4 tuổi thì mồ côi mẹ, ở với người mẹ ghẻ lại chẳng có chút tình thương, nên đã chồng chất lên tuổi ấu thơ biết bao nhiêu là tủi nhục. Đến thời niên thiếu cũng không thoát ra khỏi vòng đau khổ. Năm 10 tuổi thì người cha thân yêu cũng qua đời. Sống bơ vơ, hiu quạnh, thiếu ăn, thiếu mặc.

Năm 11 tuổi (Canh Dần, 1890) được đi học chữ Hán với một thầy đồ ở làng bên, nhưng gặp phải ông thầy quá nghiêm khắc và nóng tính. Hòa thượng thường bị những trận đòn khủng khiếp, đành phải bỏ dở việc học. Trở về gia đình lại bị mẹ ghẻ và hai em khinh miệt, hất hủi.

Cuộc sống trước mắt là nỗi chán chường, tuyệt vọng. Cũng từ đó, trong tâm trí Hòa thượng đã manh nha ý hướng rời bỏ gia đình, tìm một lối giải thoát thân phận bất hạnh của đời mình trong nếp sống tu hành của người xuất gia.

3. Xuất gia:

Năm 16 tuổi (Ất Mùi, 1895), Hòa thượng đến chùa Ba La Mật đảnh lễ đại sư Thanh Chân Viên Giác cầu xin thọ giáo. Trước lời tác bạch cung kính nhưng Đại sư vẫn nửa tin, nửa ngờ ý chí của Hòa thượng. Đại sư bảo rằng: “Các mệ (2) xưa nay quen thói sung sướng, không kham nổi việc tu hành cực khổ đâu!” Nhưng qua những lời cầu xin tha thiết chân thành, Đại sư cảm thấy sự chí tâm cầu đạo giải thoát của Hòa thượng, nên Ngài lại bảo rằng: “Thôi được, mệ lên chùa lễ Phật và thử nghĩ vài câu, nếu có cơ duyên, tôi sẽ giúp mệ xuất gia!” Nghe đại sư nói thế thì Hòa thượng quá đỗi vui mừng, liền lên đại điện lễ Phật rồi viết ngay hai câu thơ:

 Nép bóng rèm thưa trông bóng thỏ,

 Thấy trăng tròn, tay vỗ ca xang (3)

Sau đó đem xuống trình đại sư. Xem xong, đại sư hết lời khen ngợi và vui vẻ nhận cho Hòa thượng xuất gia.

Bắt đầu từ hôm ấy, Hòa thượng được Bổn sư đặt pháp danh là TRỪNG THÔNG, pháp hiệu là VIÊN THÀNH. Thể nhập đời thứ 42 dòng Thiền Lâm Tế Chánh tông Trung Hoa, đời thứ 8 dòng Thiền Thiệt Diệu Liễu Quán Việt Nam, cũng từ đó Hòa thượng được ở luôn bên cạnh đại sư trong chùa Ba La mật.

Nhưng nỗi vui mừng chưa được bao lâu thì nỗi buồn lại ập đến. Vì sau khi nghe tin Hòa thượng được đại sư thâu nhận làm đệ tử và ở luôn trong chùa, thì hai phu nhân của đại sư hết sức phản đối, không bằng lòng cho Hòa thượng ở, vì cho rằng Hòa thượng không chịu tự lực cánh sinh, đến lợi dụng từ tâm của đại sư, bắt phải đem cơm nước đến chùa hầu hạ.

Để làm vui lòng hai bà chị thúc bá hẹp lượng, Hòa thượng ra sức làm việc không quản mệt nhọc ngày đêm, nhưng vẫn không khỏi bị rầy la, dọa nạt, xua đuổi. Quá tuyệt vọng, Hòa thượng bắt đầu nhịn ăn để tìm cái chết. May có đại sư an ủi, khuyên can, lại nhờ các bậc tôn túc trong sơn môn thương tình nói giúp với hai phu nhân, Hòa thượng mới bắt đầu ăn uống trở lại. Từ đó, Hòa thượng rất chăm chỉ trong việc tu học và nghiêm trì tịnh giới. Nên rất được đại sư hết lòng thương mến và tận tình giáo dưỡng.

4. Học đạo:

Dưới sự chăm nom giáo dưỡng tận tụy của vị Bổn sư đầy tài năng và đức độ, Hòa thượng có cơ hội học hành thấu đáo nền văn chương cổ điển, nhất là chuyên tâm tham cứu thiền lý một cách tinh tường. Chỉ hơn ba năm, Hòa thượng đã tỏ rõ là một vị sa di tài năng xuất chúng, học hạnh đều ưu tú. Bổn sư của Ngài không chỉ hết lời khen ngợi, mà còn đặt hết niềm hy vọng vào người đệ tử tánh tình vừa khiêm cung, hòa ái, lại vừa thông minh, hiếu học. Một người đệ tử có năng lực và đạo hạnh, chắc chắn sẽ làm rạng rỡ cho Pháp phái sau này.

Có lẽ do đó mà Ngài đã ân cần phú pháp bài kệ trước khi thị tịch và trước cả lúc Hòa thượng lên đường vào Phú Yên thọ Đại giới:

 Tào khê nhất phái thủy đông lưu

 Bình bát chân truyền bất ký thu

 Giáo ngoại bản lai vô biệt sự

 Viên Thành tâm pháp ấn tiền tu.

 Dịch:

 Tào Khê nước chảy về đông,

 Bát bình nối dõi lâu không nhớ ngày.

 Trăng Thiền nào khác xưa nay,

 Viên Thành ấn chứng đã dày lòng tu.

 (Hòa thượng Đạo Giám Trí Thủ, dịch)

Ngày 27 tháng 6 năm Canh Tý (ngày 23.7.1900), Bổn sư viên tịch. Hòa thượng thể theo di chúc lên kế tục trú trì chùa Ba La Mật.

Theo tinh thần di chúc, đại sư căn dặn các con là phải nhường cho Hòa thượng đứng làm Trưởng nam trong tang lễ. Chính điều này đã âm ỉ gây cho các con của đại sư nhiều bất mãn, nhưng vì chữ hiếu nên không ai dám nói ra. Cũng từ đó về sau Hòa thượng thường phải đối mặt với lối cư xử không mấy tốt đẹp bởi các con của đại sư. Nhưng cũng nhờ chướng duyên ấy mà Hòa thượng đã có quyết định giao trả chùa Ba La Mật lại cho gia đình họ Nguyễn Khoa để lên kiến tạo chùa Tra Am.

Qua năm Tân Sửu, 1901, Hòa thượng đăng đàn thọ Tỳ kheo Bồ-tát giới tại giới đàn chùa Từ Quang ở huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

Việc Hòa thượng đăng đàn thọ giới, có giai thoại truyền rằng, sau hơn năm năm ở chùa và một năm làm trú trì, nhưng Hòa thượng chưa tham cứu đầy đủ giới luật. Chỉ đến lúc lên đường vào Phú Yên, Hòa thượng mới bắt đầu học các môn Luật chính yếu. Nhưng đến sau khi thọ Đại giới, chư tôn túc Giám khảo đều rất ngạc nhiên trước đạo phong thuần thục, luật giải uyên thâm và tinh tường của người học Tăng trẻ tuổi này. Nên Hội đồng biểu quyết chọn Hòa thượng đứng đầu giới đàn với số điểm vượt cao hơn các học Tăng kế tiếp. Sau khi được chọn làm Thủ Sa di, Hòa thượng đã làm một bài văn tạ ơn Hội đồng Giám khảo với lời lẽ khiêm cung, ý tứ sâu sắc rất phù hợp với giáo lý, nên đã gây được nhiều thiện cảm trong lòng chư tôn túc và đại chúng lúc bấy giờ.

Để tưởng thưởng cho tài năng xuất chúng của Hòa thượng, Hội đồng thập sư ban thưởng cho Hòa thượng một bộ Kinh Lăng già Tâm ấn, một số y tốt và một bình bát Tàu thượng hạng (Những pháp bảo này hiện thờ tại chùa Tra Am).

5. Giai đoạn mở đầu sự nghiệp Hoằng pháp:

Trở về Huế, Hòa thượng lại dành nhiều thì giờ để sửa sang, tu bổ chùa Ba La Mật và không ngừng nỗ lực học tập, hành trì kinh luật. Từ đó, pháp hiệu Viên Thành của Ngài bắt đầu quen thuộc trong chốn Thiền môn và lan tỏa khắp cả kinh thành Huế. Nhiều danh sĩ trí thức, nhiều tao nhân mặc khách ở cả hai miền Nam Bắc nghe tiếng, thường tới lui thăm viếng, đàm luận giáo lý, văn chương, trong đó có nhiều vị có tên tuổi trong xã hội như cử nhân Hải Bình Thị Ưng Tiến, Tham Tri Bộ Hình Quất Đình Ưng Ân, Hiệp Tá Đại học sĩ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, nhà văn Chương Dân Phan Khôi, Thượng thư Phạm Quỳnh, Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng v.v… Nên quang cảnh chùa Ba La Mật càng ngày càng trở nên khởi sắc.

Nhưng dòng đời vẫn không ngừng biến chuyển, sau giai đoạn chịu đựng nhiều đau thương, mất mát thuở thiếu thời, rồi tìm được nguồn an ủi trong nếp sống tu hành. Những tưởng tháng ngày an lạc ấy vẫn êm trôi, không ngờ sóng gió bất thường lại nổi lên, Hòa thượng càng được đại sư thương yêu, quý mến và thân hữu ngưỡng mộ tài năng, đức độ bao nhiêu thì lại càng không được lòng các con của đại sư bấy nhiêu. Mối bất hòa càng ngày càng thêm trầm trọng. Tâm trạng chán chường này, đã được Hòa thượng thổ lộ qua bài thơ sau:

 Ba mươi tuổi, biết sáu mươi nơi,

 Thẩn thẩn, thơ thơ ở với đời.

 Nỏ giận hờn ai cho mệt dạ,

 Chớ đua tranh miệng khỏi hao hơi.

 Dại khôn cũng hóa ra thành đất,

 Suy tính chi qua đặng với trời.

 Chán biết nhân tình là tệ bạc,

 Cũng trò, cũng chuyện, cũng cười chơi.

Nỗi bất hòa ấy càng thấy rõ hơn sau lần Hòa thượng lên chiêm bái các Tổ đình, tham vấn các bậc tôn túc sơn môn và ở lại đến 2, 3 hôm mới trở về chùa, thì các con của đại sư đã vào gặp Hòa thượng và lớn tiếng hằn học rằng: “Mệ có ở giữ chùa thì ở, còn không thì đóng cửa giao lại cho anh em tôi, chứ nay đi, mai ở, bỏ chùa không ai coi sóc, kẻ trộm nó vào rinh Phật, rinh chuông mất, liệu mệ có đền không?”

Nghe lời nói trái tai và có ý đuổi khéo này, Hòa thượng liền có ý nghĩ là sẽ tìm nơi khác yên tĩnh hơn để dễ bề tu tập và xa lánh cuộc đời với nhiều sóng gió bất thường.

Đầu năm Quý Hợi, 1923, Hòa thượng quyết định giao trả chùa Ba La Mật lại cho gia đình họ Nguyễn Khoa, rồi lên mua đất cạnh bảo tháp của đại sư Viên Giác, vị Bổn sư đã hết lòng thương yêu, giáo dưỡng Hòa thượng, để kiến tạo chùa Tra Am.

Như thế là sau năm năm hành điệu và 23 năm Trú trì chùa Ba La Mật (Tổng cộng là 28 năm), Hòa thượng đành từ giã ngôi chùa đã từng cưu mang, đùm bọc Hòa thượng trong những tháng năm bi đát nhất của cuộc đời Ngài.

Kể từ sau khi Hòa thượng lên kiến tạo chùa Tra Am, thì chùa Ba La Mật do con cháu của họ Nguyễn Khoa coi sóc. Nhưng sự đố kỵ thiếu suy nghĩ ấy đã dẫn đến hậu quả là gia đình họ Nguyễn Khoa không cáng đáng nổi việc chùa, nên rất hối hận. Đến gần cuối năm Quý Hợi, 1923 các con của đại sư phải lên cầu xin Hòa thượng cử người về coi sóc. Sau một hồi suy nghĩ, Hòa thượng đã cho vị đệ tử thứ hai là Thượng tọa Tâm Đăng Trí Hiển (? -1940) về làm trú trì.

Sự thể ấy, âu cũng là việc “Suy tính chi qua đặng với trời” đúng như lời suy gẫm của Ngài.

 Suốt năm năm, từ khi lên kiến tạo chùa Tra Am cho đến năm Ngài viên tịch (1923-1928) là thời kỳ Hòa thượng sáng tác thơ văn dồi dào nhất, đây cũng là giai đoạn Hòa thượng giao lưu thân thiết với nhiều bậc tôn túc trong sơn môn, như với Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh, Tổ khai sơn chùa Tây Thiên, Hòa thượng Thanh Tú Tuệ Pháp, trú trì chùa Thiên Hưng, Hòa thượng Trừng Thành Giác Tiên, tổ khai sơn chùa Trúc Lâm, Hòa thượng Trừng Hương Tịnh Hạnh, trú trì chùa Tường Vân ở Huế, Hòa thượng Phổ Tuệ, trú trì chùa Tịnh Lâm ở Bình Định v.v…quý Hòa thượng là những bậc cao tăng uyên thâm giáo pháp, giới hạnh tinh nghiêm, sự nghiệp hoằng pháp kỳ vĩ của quý ngài đã vang dội khắp cả dải đất miền Trung nước Việt trong hơn một phần ba thế kỷ.

Ngoài ra, tài năng và đạo hạnh của Hòa thượng còn thu hút không biết bao nhiêu là danh sĩ trí thức, văn nhân thi sĩ, đại thần quan lại, thiện nam tín nữ thường xuyên lui tới chùa Tra Am, có phần đông đảo, tấp nập hơn cả khoảng thời gian Hòa thượng trú trì chùa Ba La Mật.

Có thể nói, sự hoạt động mang đậm tính văn hóa Phật giáo và dân tộc ấy, đã tô bồi cho nếp sống và quang cảnh chùa Tra Am trở thành một trong những Tòng lâm rực sáng ở vùng đất kinh đô Huế. Đây cũng là thời kỳ Phật giáo Việt Nam chuyển mình qua giai đoạn chấn hưng, nên sự nghiệp thơ văn của Ngài không chỉ thể hiện nếp tu hành thanh tịnh của một vị Thiền sư, mà còn đóng góp một phần công sức vào kho tàng văn hóa dân tộc và sự phát triển của Phật giáo tại miền Trung lúc bấy giờ.

(còn tiếp)

 

 Ghi chú:

1. Có nhiều sử liệu ghi thế danh của Ngài là Nguyễn Phúc Hoài Trấp.

2. Dưới thời nhà Nguyễn, có lệ gọi các công tôn vương tử mới sinh hoặc đã khôn lớn là “Mệ” hoặc “Mụ”. Nguyên nhân là vì con khó nuôi, nên gọi như thế để khỏi sợ bị chết non. Ngày nay, ở Thừa Thiên Huế, không còn nghe hai tiếng này nữa.

3. Câu thơ ngụ ý nói về ngón tay chỉ mặt trăng như lời Đức Phật dạy: “Mặt trăng là chân lý, ngón tay là phương tiện”.


 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay