Kính thưa quí vị và các bạn,
Nhiều người cho rằng dân Việt Nam “theo đạo Ông Bà”; ấy là bởi vì đạo Phật hòa nhập với Khổng giáo và Lão giáo ở những giáo lý thuộc Nhân thừa và Thiên thừa. Khác với đạo Khổng và đạo Lão, giáo lý Phật-đà không dừng lại ở việc dạy con người làm Người, làm Trời, làm Thánh nhân mà còn dạy người ta làm Phật.
Đó là điểm đặc sắc mà bao nhiêu sách vở đã nêu lên và sẽ còn nêu lên mãi, vì không có một vị Giáo chủ nào trong loài người dạy đệ tử của họ phương pháp tu để trở thành một nhân cách tối thượng không khác gì với vị Giáo chủ cả! Cao nhất chỉ có thể lên đến bậc kề cận Giáo chủ, đứng hầu một bên Giáo chủ chẳng hạn.
Những câu đức Phật dạy “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh” hay “ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành”, v.v… ngụ ý rằng tất cả chúng sanh đều bình đẳng, không phân biệt, bất kỳ ai cũng có thể tu thành Phật. Điều này khích lệ chúng ta rất nhiều, tạo niềm tin và hy vọng cho bất cứ ai muốn mình mỗi ngày một thăng tiến cho đến khi thành Phật.
Với anh chị em Huynh trưởng GĐPT chúng ta, việc “thành Phật” không phải là mục đích ngay trong đời này nhưng “an lạc và giải thoát” là cái đích cần phải đạt đến. Bởi vì chúng ta mang sứ mệnh giáo dục tuổi trẻ Phật giáo, nếu chúng ta không có an lạc thì sự nghiệp giáo dục nhất định bị trở ngại. Chữ “an lạc” đồng nghĩa với “giải thoát” là giải thoát khỏi phiền não, ràng buộc. Nếu chúng ta bị vướng mắc trong thành kiến, cố chấp thì chúng ta cũng không hoàn thành tốt việc giáo dục các em của mình được.
Như đã nói trên, không chỉ những vị xuất gia, những người Huynh trưởng GĐPT mới tu đạo giải thoát được mà bất cứ người Phật tử tại gia nào cũng có thể. Anh chị em chúng tôi đang thảo luận về sáu pháp Ba-la-mật có thể áp dụng vào đời sống bình thường của của người Phật tử không cần phải xuất gia hay không?
Thật vậy, sáu pháp Ba-la-mật (6 Perfections) được coi là giáo lý thâm diệu của nhà Phật, mà trong chương trình Phật pháp ngành Thiếu thì ở Bậc học cao nhất (Chánh Thiện) các em mới được học; nhưng càng ngày quý Thầy giảng sư càng giảng về mặt thực hành nhiều hơn và chỉ cho người Phật tử tại gia một con đưòng có thể thực hành hạnh Bồ-tát ngay trong đời sống hằng ngày.
Trước khi mời quý vị và các bạn tham gia buổi hội luận, xin được ghi lại định nghĩa hai chữ Bồ-tát mà ACE chúng tôi tâm đắc nhất:
“Bồ-tát là những vị mà hành động của họ tuyệt đối vị tha. Với đức từ bi vô lượng, Bồ-tát không ngừng nỗ lực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho chúng sanh, đem an lạc đến cho chúng sanh bằng muôn ngàn phương tiện thiện xảo.
Bây giờ xin mời quí vị và các bạn theo dõi cuộc hội luận bỏ túi của 3 bạn huynh trưởng quen thuộc A, B, C về sáu pháp Ba-la-mật: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ.
A: Hôm nay, chúng ta bàn về việc tu tập Bồ-tát đạo trong đời sống hằng ngày phải không?
B: Hay nói rõ hơn một chút là áp dụng sáu pháp Ba-la-mật vào đời sống.
C: Mình thấy ngày xưa “Bồ-tát” phiên âm là “Bồ-đề-tát-đỏa”, định nghĩa là “giác hữu tình”, là “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, v.v... mà bây giờ mình ghi lại cho các em như vậy cũng coi như đã “đổi mới” dễ hiểu hơn rồi!
A: Vậy mình xin đi vào đề nha! Chúng ta lần lượt trình bày phương thức áp dụng sáu pháp Ba-la-mật vào cuộc sống thường nhật như thế nào. Mình xin giả sử mình là một người nội trợ - thời xưa thì “bà nội trợ” thôi, nhưng ngày nay có cả “ông nội trợ” nữa đấy! Người nội trợ nếu suy nghĩ tiêu cực rằng “sao công việc ngày nào cũng như ngày nấy chán quá vậy nè?”, hay “Tại sao ai cũng ra ngoài kiếm tiền mà mình lại cứ ru rú trong nhà”… thì sẽ thấy một ngày trôi qua rất nặng nề; nhưng với tâm địa của một Bồ-tát, người ấy sẽ dọn dẹp nhà cửa, giường, nệm, áo quần, v.v… của con cái, cháu chắt, rửa chén bát, nấu ăn… với tâm hân hoan, và nhà cửa khi mọi người ra đi thì lộn xộn, chén bát dơ bỏ trong bồn rửa chén bát đầy ắp, áo quần liệng lung tung... nhưng khi mọi người trở về thì đâu vào đó, cơm nóng canh ngon, bát đũa sạch sẽ đã sẵn sàng… người nội trợ cảm thấy hạnh phúc vì đã đem lại không khí tươi mát, nhà cửa trật tự ngăn nắp cho gia đình. Đó không phải là người ấy đã thực hành bố thí ba-la-mật sao? (bố thí tâm huyết của mình, sự thông minh khéo léo của mình…).
B: Đúng vậy, mình xin tiếp: người ấy bố thí ba-la-mật vì bố thí mà không thấy có người cho, người nhận và của cho, người ấy thấy đó là bổn phận của mình, việc mình phải làm, hân hoan mà làm chứ không phải làm rồi than mệt, con cháu đi làm về nghe la, nghe mắng, v.v…!!! Như vậy khi người ấy rửa chén bát thì hành động rửa chén bát ấy cũng cao cả linh thiêng như khi người ấy tắm Phật… Bố thí như vậy thể hiện được lòng từ bi của chư Phật, chư Bồ-tát. Đó là tình yêu vô điều kiện (unconditional Love), cao hơn lòng mẹ nữa (vì bà mẹ thương con mình nhưng chưa chắc đã thương con người khác giống như con mình!).
C: Phải rồi, bố thí gồm có tài thí, pháp thí và vô úy thí. Chỉ nói tài thí gồm nội tài và ngoại tài; chưa nói đến tài sản bên ngoài, chỉ nói nội tài thì người nội trợ này đã đem tâm tư tình cảm, óc thông minh và tài khéo léo để giải quyết những việc trong gia đình, lo cân bằng ngân sách gia đình, lo dạy dỗ con cái, v.v...
A: Bố thí đứng đầu trong các thiện pháp. Này nha: trong 6 ba-la-mật thì bố thí, trì giới…trong bốn nhiếp sự thì: bố thí, ái ngữ… Vì hạnh bố thí bao gồm sự buông bỏ (xả) và gần như bao gồm tất cả các đức tính khác, cho nên ngay trong kinh Kim Cang, sau khi trả lời câu hỏi của Tu-bồ-đề, đức Phật cũng đề cập đến bố thí.
B: Đúng vậy, nhưng chúng ta phải trở lại nội dung “tu sáu ba-la-mật của người Phật tử tại gia” đi chứ! Mình xin tiếp tục với trì giới. Khi người nội trợ chăm chỉ làm việc nhà, cẩn trọng trong mọi hành động, ý nghĩ trong sạch với tình thương hướng đến mọi người… đó chính là người ấy đã luôn có chánh niệm tỉnh thức, coi như tự nhiên thực hiện trì giới (không vi phạm sát, đạo, dâm), nghĩa là trì giới mà không thấy mình trì giới gì cả.
C: Đồng ý! Mình hoàn toàn đồng ý với bạn rằng dù nói 5 giới, 10 giới, hay 250 giới, v.v... cũng từ 3 giới căn bản này mà ra. Nhưng người nội trợ khi làm việc nhà, mình nghĩ nhất định phải phạm giới sát rồi, vì trong nhà đâu có phải ăn chay trường, nên thức ăn phải có cá, thịt, tôm, v.v…
A: Trước hết mình nghĩ người nội trợ muốn tu Bồ-tát đạo thì phải ăn chay trường hay ít nhất là 10 ngày; thứ hai, những ngày khác nhất định không ăn cá sống (nghĩa là bắt cá lội trong hồ ra làm thịt ăn cho tươi!) hay tôm sống, v.v… mà toàn là thức ăn đông lạnh (frozen) như phần đông chúng ta ở đây; đó là chưa nói có thể họ làm cho gia đình ăn nhưng bản thân họ ăn chay. Tuy nhiên, mình lại nghĩ đến việc người nội trợ đôi khi phải dùng thuốc xịt gián, xịt muỗi, xịt kiến, v.v… đó mới là phạm tội sát, các bạn nói đi, có phải như vậy không?
B: Phải chứ! Nhưng có nhiều trường hợp đặc biệt bắt buộc mình phải giết kiến, mối, rầy, v.v… vì lợi ích và của cải tài sản chung của mọi người thì mình cũng phải đành nhận tội sát sanh đó thôi! Ví dụ làm ruộng hay trồng vườn cây ăn trái mà không xịt thuốc trừ sâu, trừ rầy, v.v… vì sợ mang tội sát sanh thì đâu có được! Mình chỉ tránh đến mức tối đa không giết hại loài vật, vậy thôi!
C: Đồng ý! Mình tiếp tục với ba-la-mật thứ 3 là nhẫn nhục. Người nội trợ kiên nhẫn và hoan hỷ làm công việc của mình một cách tỉ mỉ, không than phiền mệt nhọc hay buồn chán, không nổi sân… thì đó chính là người ấy đang tu tập hạnh nhẫn nhục. Lặp lại những công việc trong nhà, ngày nào cũng giống nhau, và toàn là những việc “không tên” thật rất khó khăn; cho nên người nội trợ quả thật là người có đức nhẫn nhục rất cao.
A: Ba-la-mật thứ tư là tinh tấn. Khi người nội trợ luôn cố gắng cải tiến mỗi ngày trong công việc của mình. Ví dụ làm sao để nấu món ăn ngon hơn, làm sao cố gắng tiết kiệm hơn, hy vọng ngày mai mình sẽ đạt thành tựu cao hơn hôm nay... thì đó chính là người ấy đang tu tập hạnh tinh tấn. Người nội trợ âm thầm lặng lẽ làm mọi việc lớn nhỏ trong nhà mà vẫn giữ tâm thanh tịnh, không tự hào, không mặc cảm, không khoe khoang… đó là người ấy đã và đang tu tập hạnh thiền định, xả ly mọi vọng niệm và tham dục. Khi tâm trí thanh tịnh, trí huệ sẽ phát sinh, người nội trợ sẽ có đầy đủ an lạc nội tâm, phát huy những sáng kiến để giải quyết những khó khăn trong gia đình, như vấn đề giáo dục con cái, việc chi tiêu trong gia đình, v.v... Đó là tu tập hạnh trí huệ ba-la-mật.
B: Phải! Phải! Nếu hiểu đúng đắn, chúng ta thấy rằng sáu hạnh ba-la-mật của bồ-tát: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ có thể được thực hành một cách trọn vẹn trong những công việc hằng ngày của người nội trợ như lau chùi, giặt rửa, quét dọn, giặt áo quần, nấu ăn, v.v...
C: Thật vậy, người nội trợ trong gia đình khi làm những công việc nhỏ nhặt ấy, họ đã thực hành đại nguyện rộng lớn của họ là giúp đỡ chúng sanh, bắt đầu từ sự giúp đỡ những người thân trong gia đình: cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, con cái, v.v... và họ chính là những Bồ-tát nhỏ bé, đệ tử thực sự của đức Phật.
A: Chính vậy! Đức Phật luôn hướng dẫn chúng ta thực hành những đức hạnh của người Phật tử, những người Bồ-tát tại gia, từ những tình cảm thân thiết trong gia đình, rồi từ đó lan rộng ra đến láng giềng, rồi mới lan rộng đến mọi người trong làng, trong xóm, v.v...
B: Đúng vậy, cho nên người nội trợ chính là một vị Bồ-tát tại gia đã có khả năng thực hành sáu pháp Ba-la-mật ngay trong công việc và trong bổn phận của mình.
C: Nói là nói vậy, nhưng mình không thể đánh đồng rằng những người Phật tử tại gia, đã thọ Bồ-tát giới đều là Bồ-tát cả rồi.
A: Bồ-tát nhưng có rất nhiều trình độ, thứ bậc, v.v… Các bạn không nhớ những giai đoạn tiến hóa tâm linh từ phàm phu qua các bậc Thánh và cuối cùng đến sự phát triển hoàn toàn của Phật tánh hay sao? Chúng ta phải trải qua ít nhất là sáu giai đoạn: Phàm phu, Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa. Hành trình tiến về đất Phật đang còn ở phía trước xa đó các bạn ơi! Còn phải tu nhiều đời nhiều kiếp nữa!
B: Đúng! Đúng! Chúng ta chỉ nói rằng chúng ta, qua ví dụ một người nội trợ, trong mọi lãnh vực của đời sống thì nam hay nữ, già hay trẻ, tất cả, đều có thể tu tập Bồ-tát đạo. Tu tập bằng cách làm tròn những bổn phận của mình. Trong kinh Kim Cang cũng có giới thiệu hình ảnh của đức Phật, con người Giác ngộ, với những sinh hoạt hằng ngày rất bình dị: đến giờ thọ trai ngài đắp y, mang bát vào thành, theo thứ lớp khất thực; xong, Ngài trở về tịnh xá, thọ trai, rồi ngài dẹp y bát, rửa chân, trải tọa cụ ngồi...
C: Như vậy, tu tập và sinh hoạt hằng ngày chính là một, chúng ta có thể sống đời cư sĩ tại gia mà vẫn hành Bồ-tát đạo được.
A: Đúng như vậy! Cho nên chúng ta mới nói rằng phận sự của Huynh trưởng là sinh hoạt, tinh tấn tu học và tu tập, hết lòng phục vụ đàn em để trở nên hoàn thiện và hoàn thiện để phục vụ! Đàn em của chúng ta chính là chúng sanh chứ còn gì nữa!
B: Chúng ta thảo luận như vậy là tạm đủ rồi nha! Mình đã học thêm được rất nhiều điều lợi ích.
C: Mình cũng vâỵ; hẹn gặp lại lần sau nha! Tạm biệt!
A và B: Tạm biệt!■
Nguồn Tập San Pháp Luân 67 |