Món quà đầu xuân
Chân Y Nghiêm
Buổi học vào những ngày cuối năm thật là rộn rịp. Các bạn vào lớp với tâm trạng háo hức đón chờ ngày nghỉ tết hơn là chú ý học. Giờ ra chơi từng nhóm túm năm tụm ba bên ghế đá dưới hàng cây, ngồi bàn tán dự tính vào ngày tết. Họ hẹn rủ nhau đi phố mua sắm quần áo mới, mua thiệp chúc tết, đi hội chợ mùa xuân. Linh Lan ngồi yên lặng, lơ đãng nhìn những chiếc lá vàng đang lượn theo cơn gió, rơi lác đác trên mái ngói đỏ. Nắng hanh vàng tung tăng theo gió nhảy múa trên sân trường. Thịnh ngồi trên băng đá góc sân đối diện.; anh cắm cúi trên trang sách. Bất chợt Thịnh ngẩng lên, bắt gặp ánh mắt Linh Lan đang tinh nghịch nhìn anh.
- Cái anh chàng sinh viên có ánh mắt sáng quắc ẩn dưới hàng mi cong này thật kỳ lạ. Anh đến lớp đúng giờ, học hành nghiêm túc, tỏ ra thông minh trong những giờ thảo luận, ít giao thiệp với bạn bè đặc biệt né tránh bạn gái.
Lan quí mến phong cách đứng đắn và lề lối học tập của Thịnh. Lan cũng biết nhà Thịnh rất nghèo. Tình cờ có khuya tan học về, Lan thấy Thịnh đang lui cui quét rác.
Thịnh đưa từng nhát chổi quét trên mặt đường. Thịnh đã vào nghề hốt rác được năm tháng kể từ ngày ba anh mất trong bệnh viện. Bịnh lao phổi của ông Giáo Hướng đã cuốn hết tài sản trong gia đình. Khi ông chết, để lại bà Giáo bịnh hoạn vì nuôi ông và ba đứa con còn nhỏ dại. Thịnh là con trai lớn nhất, anh đã vượt qua nỗi đau khổ, cố gắng thi tốt nghiệp lớp mười hai và vào đại học. Ngoài giờ học, Thịnh xin đi dạy kèm trẻ tại một gia đình buôn bán giầu có. Mặc dù anh đã dạy hết lòng, nhưng hai đứa bé đã quen lêu lổng, vừa dốt vừa lười, Thịnh đành xin nghỉ sau một tháng dậy không có kết quả tiến bộ.
Sau đó, anh xin làm dọn bàn cho một nhà hàng, nhưng ông chủ lại thêm vào dịch vụ đưa dón khách mua hoa cho mấy nàng kiếm cơm bằng nghề bán thân nuôi miệng. Thịnh từ giã chỗ làm sau hơn một tuần. Anh không thể hòa nhập được vào môi trường đầy ô nhiễm tinh thần ấy.
Cuối cùng anh đã gia nhập vào cái nghề hốt rác. Anh tìm thấy trong việc làm này ý nghĩa sống. Hàng đêm, sau chín giờ tối, mọi người quây quần bên ti vi thì anh lặng lẽ đến sở làm. Nói là sở làm, chứ thật ra đó chỉ là căn nhà tồi tàn của chú Tư bên cạnh đống rác. Chú Tư làm ở sở vệ sinh đã lâu năm, thấy một sinh viên nghèo khổ đến xin việc, chú đã nhường bớt cho anh phần quét rác. Lúc đầu, Thịnh cầm cây chổi quét một cách khó khăn, sau vài ngày quen đi, Thịnh quét đều và nhanh khiến chú Tư ưng ý lắm. Chú chỉ cho Thịnh cách lượm những bịch ni lông, những lon bia, đồ phế thải có thể bán được tiền. Nghề hốt rác có thể sống được là nhờ những thứ đó !
Mới đầu phải hốt những đống rác dơ bẩn, Thịnh thấy nhờm gớm, buồn nôn. Nhưng hình ảnh mẹ bịnh hoạn và hai đứa em nhỏ ở nhà đã thôi thúc Thịnh quên đi những cảm giác khó chịu ấy. Anh lầm lũi quét, lặng lẽ hốt từng đống rác bên đường. Anh nhìn thật kỹ, thật sâu vào từng thứ rác. Anh nhận ra từ những thứ đó một chất phân bón hữu ích cho nhà nông, nhà trồng tỉa. Từ trong đống rác này, những bông lúa sẽ được thắm tươi, nặng trĩu hạt, cây trái sẽ đơm bông kết quả xum xuê và những đóa mai vàng sẽ nở rộ trong mùa xuân nắng ấm.
Anh nhớ lại những buổi tối làm ở khách sạn, những khuôn mặt chét phấn thoa son, những thân hình chải chuốt trong bộ vét đắt tiền, những lời nói rào đón được thốt ra cửa miệng mấy ông lớn, những kẻ tham ô, móc ngoặc, làm kinh tế phi pháp hiện lên lù lù, thoát ra từ bản tâm họ mùi nồng nặc làm ô nhiễm xã hội làm đất nước mãi đói nghèo và làm héo mòn đời sống tinh thần tuổi trẻ. Với so sánh đó, Thịnh thấy vui với công việc mình làm, thấy có cảm tình với đống rác còn hơn những con người mang hình nộm ấy.
Số tiền kiếm được do công sức lao động vất vả của anh cũng tạm nuôi đủ mẹ và hai em. Ngày hai bữa cơm rau; cuộc sống đạm bạc đã tôi luyện tâm hồn anh có chiều sâu, chí khí.
Thịnh lầm lũi cầm chổi đưa từng nhát, tiếng sột soạt chiếc chổi khua trên lá vàng, vang lên một âm thanh khô lạnh. Tiếng pháo bắt đầu lác đác nổ. Thịnh quét nhanh tay hơn. Cảm giác rộn ràng đang thấm vào da thịt, hình ảnh mẹ và hai em trong mái nhà ấm cúng sưởi ấm tâm hồn anh. Suốt cả tuần nay, anh làm cật sức, cố gắng kiếm tiền thêm để mua cho hai em chiếc áo mới, và cho mẹ cặp bánh chưng cúng Ba mà không nổi. Số tiền có thêm chỉ đủ cho mẹ mua thêm ít gạo và ít thịt kho cùng hũ dưa cải ăn trong mấy ngày Tết. Thịnh rất thương hai em, nhất là bé Liên, con bé mới có năm tuổi mà thật dễ thương, mỗi lần thấy anh là chạy lại hôn anh, nhõng nhẽo:
- Tết đến, anh Hai mua cho em cái áo trắng nha, đi học mặc cái áo ngắn cũn cỡn rách, tụi bạn cứ ghẹo bé hoài...
Hình ảnh bé Liên làm đôi môi Thịnh mằn mặn. Chàng cắn môi quét mạnh hơn. Chợt cây chổi khựng lại, một cái giỏ gói gọn ghẽ để trên tờ báo cạnh đống rác bên lề đường. Thịnh cúi xuống, từ từ mở ra... bên trong hiện ra một cặp bánh chưng, một gói lạp xưởng, và một khúc vải katê trắng. Trên miếng vải có miếng giấy nhỏ với mấy dòng chữ: ‘’ Thân chúc gia đinh bạn một mùa Xuân hạnh phúc. ‘’
Thịnh xúc động, gói cái giỏ lại, anh lặng lẽ đứng lên, quơ cây chổi quét những cọng rác cuối cùng...
Đêm ba mươi như chùng xuống, lặng lẽ rồi ngân vang rền tiếng đại hồng chung báo giây phút giao mùa. Thịnh hối hả bước vào nhà, mẹ và em rối rít mừng đón giỏ quà trong tay Thịnh. Cặp bánh chưng được đặt trên bàn thờ khói hương nghi ngút. Nét mặt bà giáo Hướng rạng rỡ hẳn lên như ông giáo Hướng đang đến bên đặt vào tay bà phong bao đỏ. Bé Như Ý nhìn gói lạp xưởng, bé Liên đôi mắt to nhìn tấm vải, reo lên:
- Bé sắp có áo mới đi học rồi !
Thịnh đến bên bàn thờ kính cẩn thắp ba cây hương, ông giáo Hướng đang nhìn anh mỉm cười. Thịnh quay sang mẹ, nhìn thật lâu vào khuôn mặt thân yêu mà bấy lâu nay vì bận rộn anh đã bỏ quên không nhìn thấy. Hơn bao giờ hết, dưới ánh nến lung linh đêm giao thừa, anh thấy mẹ đẹp và dịu hiền như bà tiên. Anh xúc động nắm chặt lấy bàn tay mẹ, bàn tay gầy guộc bao tháng năm lo cho chồng con. Anh nhìn thật sâu vào đôi mắt mẹ, nơi đó anh thấy tâm hồn anh đang trào dâng niềm hạnh phúc ngọt ngào trong tình yêu thương của Mùa Xuân bất tận.
Bên ngoài, tiếng chuông giao mùa ngân vang rộn rã hòa với tiếng pháo vang rền.
Saigon, Mùa Xuân 1992
|