Cánh sen hồng vừa nở trong tâm….
Cư sĩ Liên Hoa
Cập nhật: 09:23:14 25/12/2009

Cánh sen hồng

vừa nở trong tâm….

 

Cư sĩ Liên Hoa

 

 

 

 

 

 

 

Cánh sen hồng thon đẹp

Đôi tay nở nhẹ nhàng

diện kiến trời vô lượng

cho đời đón vạn hoa

 

trăm năm, tình vừa thở

nhành dương mở ngàn khơi

từ tâm ta tìm lại

bóng dáng thưở năm nào

 

ngàn trùng, ta dệt mộng

thoảng qua, đêm ngày thức

sao đời không độ lượng

tay trần nắm tay sen

 

một đời, ta từ biệt

gió cát về nơi đâu

chim bay từ vạn cổ

quê hương vẫn tìm về….

 

            Phoenix, Arizona nổi tiếng là ít mưa, một năm chỉ vỏn vẹn có vài cơn mưa nhỏ làm quà cho thiên hạ vui mừng, vì đây là xứ sở của vùng sa mạc. Nhưng, hôm nay, nhằm những ngày tôi bay qua thăm gia đình người bạn, vào những ngày đầu của tháng tư….mưa lại đổ xuống thật nhiều, làm cho dự tính của chuyến đi xa hơi trở ngại. Người ta hay nói là mưa làm e ngại để ra đường hoặc mưa hay giữ chân khách, nhưng lại sai trong trường hợp nầy, vì ai cũng muốn bước chân đi, ra đường.

 

- Anh có sợ đi ra ngoài khi trời mưa hay không?

- Không, chắc chắn là không rồi, vì thời gian tôi ở đây quá ít, có mấy ngày à, nên anh chị đưa đi đâu cũng được, mà không đi đâu thì cũng xong, nhưng hơi uổng phí..Chỉ ngại là phía anh chị thôi, vì phải lái xe đi xa. (Nói xong, mình cũng cảm thấy ngại ngùng vì được tiếng là nhớ bạn nên đi thăm, vậy mà còn đòi phải được đưa đi chơi xa).

 

            Nhưng rồi, dù trời mưa không nặng hột, như mưa rào, dai dẳng muốn trêu ngươi mọi người, dù vậy, ai nấy đều lên xe để khởi hành. Chuyến xe tưởng đâu nhiều người, nhưng lại vỏn vẹn có ba người, trong cuộc hành trình, không phải để đi về bên kia thế giới, nhưng là du lịch, vãng cảnh. Thức ăn, nước uống đã cụ bị đầy đủ, gồm luôn cả nhiều thứ lỉnh kỉnh khác cho chuyến đi mấy giờ đồng hồ, như vậy là quá an tâm rồi.

Thỉnh thoảng mưa ngừng rơi, nhưng gió lại nhiều, trời âm u. Buổi sáng mà như là hoàng hôn đang kéo về. Chiếc xe cũng chiều lòng những người có mặt, trườn mình lướt mưa gió.

 

Gió có qua đây,

người dấn thân sương khói

mảnh áo phong trần

kiếp lạnh đã bao lâu

có gì đâu em

đường đi vẫn từng bước

vầng trán có nhăn

tóc có điểm tuyết màu

tâm vẫn còn đó

dù sóng đời cay nghiệt

vẫn ngày hai buổi

đếm mảnh tâm son trẻ

cảm đến tình người

nên lòng vẫn chưa an

nuớc mắt trẻ côi

mẹ già lòng nức nở

cô gái bên đường

ôm mặt khóc tuổi xuân

ôi dòng oan nghiệt

niềm đau vò thân mọn

bác xích lô già

dừng bến ở lề đường

khách còn vắng bóng

chén cơm chiều khô lạnh

cửa nhà sụp đổ

bão cạn tình cạn nghĩa

đời đi về đâu

bao nổi kiếp nhọc nhằn

có gì đâu em

trăm ngàn lời không đủ

nhìn cảnh cuộc đời

nên lòng vẫn chưa an

dò dẫm bước chân

em, ta đồng cùng bước

đôi tay bé nhỏ

dù sẻ chia chưa trọn

vẫn còn tấm lòng

mở rộng đến bao la….

 

Lộ trình đến nơi chốn đó, dự trù cũng phải mất hơn ba giờ lái xe, nên thời gian trên xe cần phải có không khí hơi vui nhộn cho đỡ chán. Cái cảm giác yên lặng trong xe được phá tan bởi những câu chuyện trên đường đi, vừa đạo vừa đời, đủ thứ là chuyện được lôi ra từ trong ký ức của thuở nào đến giờ, chuyện thiên hạ sự, thỉnh thoảng thêm vài chuyện tiếu lâm để vui và cho có nụ cười. Vì cùng là người con Phật, nên biết bao là chuyện để bàn, kể lể...

Là người ít biết nói chuyện, lại không có khiếu hoạt bác, nên tôi nói ra điều gì, dù cố chọc cho ai đó cười qua câu chuyện vừa kể, nhưng lại không có ai cười vì có lẽ câu chuyện bị lảng xẹt, nên nhiều khi kể xong, tưởng hay lắm, rồi cũng chỉ tự mình cười, như vậy, thành ra tôi kiêm cả hai vai: thính giả và đạo diễn hề, cũng thú vị..

Nhưng, thông thường trên đường đi, vì ngồi ghế trước, cạnh bên người lái xe, nên tôi đành phải hay nói hoặc khơi chuyện vừa đỡ tẻ nhạt, vừa cho người lái xe khỏi buồn ngủ. Thỉnh thoảng ngâm vài câu thơ không vần, không điệu … chán mớ đời của mình, rồi cũng còn cất giọng ca- một giọng hát mà nếu thính giả vừa chợt nghe, đã muốn xỉu…

- Anh chị đừng nản, đừng buồn, tôi sẽ kể chuyện tình của tôi thời còn là sinh viên nha, một tình sử đầy lãng mạn.

- À, đó mới là hấp dẫn, tụi tôi muốn nghe lắm, muốn biết cái bí mật của anh…

Đó, vừa nói muốn kể lại chuyện tình sử “love story”, thì không khí trong xe đã khác rồi, vui nhộn hơn. Bởi chữ “Tình” vẫn luôn luôn có  sự hấp dẫn và theo người ta nói, là đề tài muôn thuở của loài người mà…?

Nói cho vui vui thôi, tưởng là chỉ để chọc cười, ai dè hai vợ chồng người bạn tưởng tôi sẽ kể thiệt, nên lắng tai nghe, vậy mới là khổ thân cho tôi…Bụng làm thì dạ chịu, tôi tự làm hại mình rồi, vì biết làm sao để lấy đâu ra câu chuyện tình thực sự của tôi để kể bây giờ, vì mình chưa bao giờ có tình yêu mà. Ví như nếu mà sáng tạo được ra câu chuyện đặc biệt, có lý một chút (make-up a story) thì mình lại càng mù tịt luôn, do không có khiếu nầy.

Là một người không được đẹp trai (nói để an ủi một chút, chứ nói đúng ra là người xấu trai), ăn nói vô duyên, lượm thượm, gặp ai mà muốn trình bày một câu chuyện thôi, cũng đã ấp a ấp úp, run rẩy, nói không ra lời, huống chi trước một người con gái nào đó. Tội nghiệp quá.

Tôi cũng có niềm mơ ước chứ, dệt mộng chứ, nhất là khi thấy các người bạn cùng trang lứa, cùng lớp với mình, sau những giờ vùi đầu học là dung dăng.. đưa bạn gái đi chơi, ăn kem, uống dừa tươi, ngồi nhìn nhau cả hàng đống giờ không chớp mắt, như đang tìm kiếm bụi bay bám trên mái tóc hoặc là gì đó ..? (chắc chắn là không sợ bị cận thị rồi).

Có lẽ, không ai trong lúc tình tự như vậy lại có hồn thơ lai láng, vội cảm hứng sáng tác vài câu thơ cho ra vẻ lãng mạn, có xúc cảm để ca tụng cho người ngồi trước mặt mình, như là …

 

“Có phải mây mờ trong mắt em.

Để tôi lấy thuốc nhỏ cho em…”

 

đã không có thơ mộng gì hết, mà còn như có ý mong muốn cho người kia bị đau mắt, nên e sợ rằng sẽ bị…… Họ còn đưa nhau đi xem ciné nữa… làm trong lòng tôi dâng lên nổi buồn tê tái, cũng có sự ganh ganh tức tức, ví như ai đó lâm vào hoàn cảnh như tôi, chắc cũng không tránh khỏi có tủi tủi hờn hờn…nhưng biết tìm đâu ra bây giờ, vì tình yêu mà ..

 

nhiếu khi dệt mộng, viết thư

ngập ngừng muốn gửi cho người chưa quen

sợ rằng người nhận, vô tình

ta e mình lại ngậm ngùi, tủi thân…

 

và xin…,

 

đừng nhìn tôi, sợ rằng tôi run rẩy

sợ tim tôi bỗng hốt hoảng đợi chờ

sợ mặt tôi cóng lạnh buổi trưa hè

sợ mưa gió quên rằng tôi yếu đuối

sợ rằng tôi quên cả mốc thời gian

sợ rằng tôi quên cả lối đi về

sợ đánh mất cả bầu trời thơ mộng ….

 

Cho nên, như ai nấy đều biết, do vì sợ nhiều thứ linh tinh, nên tình yêu trai gái trong thời sinh viên của tôi không có, đành sống khép kín mình lại trong be bờ của tâm, lấy đó làm niềm an ủi, niềm vui, tập nhìn rộng ra đến nhiều người bất hạnh khác.. để chạy trốn cho cuộc tình chưa hoặc không có của mình, và để thấy rằng đời mình có lý và ý nghĩa hơn.

 

mẹ còm cỏi, ốm o trong giá lạnh

áo bà ba không đủ để che thân

biết bao năm, khóc hận suốt cả đời

ôi đất mẹ, tiếng mưa hay nước mắt

 

từng hàng cây già, xác xơ hiu quạnh

mặt đất cày, máu đổ, hố bom sâu

hãy cùng tôi đi khắp nẻo quê nhà

nghe thấm lạnh một trời hoang tuổi trẻ..

 

            May quá, đang miên man với ý nghĩ vì sự bế tắc của mình, chưa biết trả lời cho …. Thì thành phố Sedona đã xuất hiện, nằm trên độ cao khoảng trên 4400 feet của sa mạc Arizona. Dân số khoảng 20 ngàn cư dân, nhưng vì có nhiều cảnh trí, môi trường trong lành và nhiều nơi chốn để đi thăm viếng, nên đã được tờ báo US Weekend bầu cho là một nơi đẹp nhất của nước Mỹ.

Đậu xe bên lề đường, trước tiệm tạp hoá, chúng tôi bước ra khỏi xe để chụp vài tấm hình. Xuyên qua màn mưa, xa xa là những ngọn núi nắm tay nhau nối dài, cao thấp, gánh nặng trên đỉnh núi là những đám mây bồng bềnh, có chỗ mây phủ hoàn toàn ngọn núi. Cảnh đẹp quá, như một nơi chốn thần tiên nào đó, lòng tôi thật vui, cám ơn vợ chồng người bạn đã đưa tôi đến đây.

Chiếc xe chạy đảo vòng quanh thành phố, dù là ngoài trời đang còn mưa, nhưng dòng người vẫn tấp nập đi.

- Mình đi bộ được không anh chị? - Được chớ, đâu có gì cản trở tụi nầy. Đậu xe vào chỗ parking, chúng tôi bước ra khỏi xe. – Anh chị cần đem theo dù để che mưa không, tôi thấy có vài cây dù để trong xe. – Không, mình đi như thế nầy sẽ hay hơn. - Được thôi, chỉ sợ bị cảm lạnh, chứ được đi duới mưa, lòng cảm khoái wá xá wà xa.

            Chiếc áo khoác của tôi thấm ướt dưới làn mưa nhẹ, cũng vẫn đi, vẫn bước. Vài cơn gió thoảng qua, hơi lành lạnh. Ôi, cái cảm giác nầy sao kỳ diệu quá, những hạt mưa vui đùa trên tóc tôi, tóc của hai vợ chồng người bạn, tung tăng trên thân mình, nhảy nhót trên mặt đất, chạy đuổi nhau…Mưa đã qua hồn ai trên bước đường phiêu bạt, mưa đã than thở cùng ai khi bốn mùa thay đổi. Mưa là ai trên cuộc nhân sinh, vóc lên từng hạt mưa, lời thì thầm gió thổi, những bịn rịn, nhưng âu lo, những chia tay, những hạnh phúc, những sum họp, lìa tan, những phiền muộn, có ai đã bao lần nhìn mưa trong tâm cảm đau, khổ, có ai đã mân mê nụ cười của mưa để thấy những hư ảo của cuộc đời.

Mưa đó, mưa chạy băng ngàn sương gió, mưa đổ dồn trên mắt môi, trên những bước chân trần. Anh chạy qua đời, em có lần từng buớc trong phong trần, ai thương ai ghét, ai giận ai hờn, ai thù ai oán, ai thấm nhuần giáo pháp của đức Phật để mở rộng lòng thương, ai đi theo dấu chân từ bi để thấy đời là những dòng suối có muôn hình vạn trạng, có ảo ảnh, có như thật, có vị tha, có giải thoát, có suối mây băng qua vùng ảo giác, để rồi chậm rãi, đi lại từng bước chân theo hơi thở… tôi hít hơi thở trong mưa, như xoá tan bao nhiêu là phiền muộn của ngày qua, những bước chân con người đi tìm hạnh phúc trong những vong thân.

Sao mưa lại len lỏi trong từng sớ thịt, thấm vào trong trái tim ưu phiền làm lạnh, buốt giá, làm tăng cảm giác của cái khổ của con người. Mưa thổi hồn vào mắt làm mắt cay cay, tôi chưa khóc mà mắt đã cay, vì mưa tràn ngập, mưa ràn rụa trên mặt hay bụi đã bay vào mắt. Như vậy là theo dòng đời, tôi đã dấn thân mình trong mưa một cách nhẹ nhàng, thanh thoát để cảm nhận cơn mưa như những gì là chân thật của cuộc đời, để rồi một nụ cười nở nhẹ.

Mỗi người cảm nhận mưa tùy theo hoàn cảnh, tâm tình, nguyện vọng. Bác nông dân mong mưa thuận gió hoà để ruộng nương xanh tốt; nơi hạn hán cần mưa để có nguồn nước ngọt thấm đất thấm da; người thi sĩ nhìn mưa để khơi nguồn cảm hứng; nhà hoá học thấy mưa có nước, có oxy có hydro, có chất thủy giúp ích con người; còn các nơi có sóng to gió lớn, thì con người mong đừng mưa để cơn gió lạnh, cơn mưa đời tan dần…

Giáo Pháp của đức Phật được ví như cơn mưa tràn lan, tưới đều trên mặt đất, chứa trong mình của từng hạt mưa là lòng bi mở rộng, ban vui cứu khổ, là ánh sáng của tuệ giác nhìn rõ nguồn cơn chân vọng, là dũng lực đem tâm nguyện đi vào đời làm nhiêu ích cho con người, là dòng nuớc thanh lương, là những lương dược có thể chuyển hoá khổ đau của con người và tuỳ theo căn cơ, trình độ, cao thấp mà thấm nhuần, hấp thụ.

Chúng ta, mọi người ai nấy, như riêng tôi, cũng đã từng đau khổ, từng hụt hẫng trên đường đời, từng thấy tâm mình có nhiều vấn nạn và cũng từng muốn gục ngả trên bến bờ sinh tử. Giọt mưa Pháp của đức Phật đã rơi trên môi trên mắt, trong tâm tôi làm tỉnh thức, khơi sống dậy cả phương trời tánh thể, nhận thấy trong con người trần tục nầy có cái gì đó không sinh không diệt, dù là trong cuộc sống thường tình, dù trong cơ thể thô cằn hay đẹp đẽ, hay trong tâm tình vô thường ảo hoá, biến chuyển.

 

Có bao giờ em hỏi

màu mắt năm xưa vẫn còn bên em

hay bụi thời gian xoá nhoà bến vắng

sao lại dừng chân

trên vạn nẻo đường, mây vẫn mù sương

chỉ một giọt trăng

hãy mở ra, để trăng là ngàn suối

ánh sáng nhiệm mầu,

chỉ là hạt vi trần

chỉ là giọt mưa

hãy làm mưa vỡ vụn

tròn lòng thủy tinh 

trong lăng kính trời Đế Thích

trải dài trong từng sớ tâm

mỗi vọng niệm là bước đường về

thấy đời rỗng không,

em là thế đó, phải không …

trời vẫn xanh, gió vẫn thoáng qua

tiếng gió cười mềm

nụ cười tươi ngọt

uống tận nguồn cơn

nắm bắt từng sương khói,

chảy từng giọt cam lồ

em không trở về khai phá

bỏ quên lối nhỏ ngày xưa

lấy ưu phiền ngày tháng,

lấy vọng niệm năm nào

nuôi dưỡng tâm trẻ thơ

tiếng bập bẹ lời thương

thì tâm bồ đề có trụ hay không?....

 

Trong Kinh Pháp Cú nói rằng “Như từ đống hoa có thể làm nên nhiều tràng hoa, tù nơi thân người có thể tạo nên nhiều việc thiện” (Phẩm Hoa, số 53). Đi tận cùng của đau khổ, bất hạnh, người trí sẽ thấy được ánh sáng của từ lực do chư Phật rải đầy, như người vừa rời bỏ thân xác (thân trung ấm), vầng sáng quang minh của đức Phật luôn xuất hiện, đến trước, toả sáng để tiếp dẫn, đưa đường đi về tự tâm, vào cảnh giới an lạc.

Đi về đâu, tìm nơi đâu, tìm đến với một đức Phật là “Phật giả Phật đà chi tỉnh sư”, là một vị Đại Tỉnh Thức, một nhân vật lịch sử hay lắng nghe lời chân thật của đức Phật chỉ con đường trở về với chính mình, một vị Phật của tự tâm. Chúng ta thường cảm thấy lạ lùng vô cùng với đạo Phật, một tôn giáo mà con người quá khứ, con người thời nay cũng như trong tương lai cầu cứu đến vì nơi đó có đủ mọi phương duợc điều trị tất cả những nhức nhói, đau buồn do các vết thương của tâm…. trong sự băng hoại của tư tưởng, đạo đức, niềm tin, bởi biết bao là vấn nạn của con người và do con người tạo ra.

Đức Phật là một nhà giáo dục lớn, phá vỡ thần quyền, phá bỏ giai cấp, phá bỏ bất bình đẳng, Ngài không có ban bố, không thưởng phạt, không giải thoát cho con người, dù tấm lòng của Ngài là nguyện lớn cứu khổ muôn loài và có đầy đủ bi trí… nhưng, mà Ngài chỉ bày con đường đi về, khai phá, thể nhập vào đức Phật của chính mình, vì sự đau khổ, nội kết, vô minh, tham sân si, phiền não v.v… là của chính mỗi người, mỗi hữu tình… đã làm che mờ tánh Phật.

Cho nên, chỉ khi nào con người nhận thức, thấu rõ được lời dạy của Ngài và xác tín rằng mình có khả năng thành Phật, là vị Phật sẽ thành, thì điều đó là một sự chuyển hoá vô cùng to lớn, sống với trí tuệ, tánh giác của chính mình.

Mưa vẫn rơi, rơi đều như cuộc đời của mỗi người trôi lăn theo dòng sanh tử, chuyển mình biến hoá theo nghiệp lực. Đôi vai thấm lạnh, đường đi còn dài, đời sống không biết dài ngắn, nhưng tánh thường trụ vẫn tràn lan, không ngằn mé.

Theo bước chân Thiện Tài Đồng tử đi qua những 53 cõi đời, trực nhận lời tâm tình của Ngài Văn Thù (Manjsuri), vẫn là bước đi tìm về trong hiện tại, trở về với vô ngôn để nhân lên thành những hạnh nguyện Phổ Hiền.

Chúng ta- mỗi người hành giả, mỗi con người đều sống để đi trên bước đường đi, thức giấc trong tiếng khóc chào đời cũng đã ghi dấu ngày giờ bước đi để trở về, đi để về hay về để đi. Có người trở về sau cuộc rong chơi trăm năm với sóng gió trầm luân, để rồi thay hình đổi dạng trong những hình thái sai biệt do tâm tưởng, do lực của nghiệp đã tạo ra trong cuộc nhân sinh. Có người trở về để an nhiên tự tại, thọ hưởng niềm an lạc của tự tánh, nhưng cũng có người trở về để đem nguyên lớn vào đời… nuôi dưỡng lớn tánh Phật bằng những hành trạng trong hạnh an lạc.

Phải nhìn thấu được tâm, sống với tâm, ngủ trong tâm, mìm cười cùng tâm, hơi thở cùng tâm trưởng dưỡng tâm với hạnh nguyện “nhất giả lễ kính chư Phật” (một là lễ kính các đức Phật). Đức Phật chưa bao giờ đòi hỏi tín dồ tôn kính Ngài như vị Thần linh để cầu ban ân, ban phước, ban lộc v…, nhưng Ngài chỉ cho mọi người tự xác tín mình có tánh Phật và cần cung kính là cung kính đức Phật của tự tâm, đó là cách sống và báo ân Phật trọn vẹn nhất.

Khi chúng ta ý thức được mình có tánh Phật, cũng có nghĩa chúng ta đã và đang trở về nhà Như Lai, dù đang sống trong cuộc đời ác trược điên đảo nầy.

Nhà Như Lai là nhà của bổn tâm, nơi có đầy đủ muôn hạnh lành, muôn đức… người hành giả sống trong Hành Xứ, nơi mảnh đất nhẫn nhục, vô úy, nhu hoà, không tranh chấp, nhìn rõ thực tướng của mọi sự vật rỗng không, tạo thành hành trạng Thân Cận Xứ, sống với hạnh lành, Hạnh An Lạc- gần gủi các bậc có Nguyện Lớn, bậc Thiện Tri Thức, đem từ tâm, trí tuệ.. dấn thân vào đời làm lợi ích cho con người, (Phát Tâm Đại Bi), tránh thấy lỗi người, vượt qua những vọng tưởng ràng buộc trong những vấn nạn đến từ tham sân si, chấp trước…

Chúng ta thấy rằng đạo Phật không có sự ngăn cách giữa Bi Trí và Nguyện, ba phạm trù nầy thoát sanh từ sự hành trì, tu tập và thể nhập vào tánh Phật. Trí để nhìn rõ được thực tướng của các Pháp, thấy năm uẩn đều không, nên sanh lòng Từ Bi, nhưng Từ Bi không phải là lời nói suông, không phải chỉ là một trạng thái an ổn, dễ duôi của Tâm, nhưng là một hành động, một nguyện lực đi vào đời làm lợi ích con người.

Trong Mật giáo, ba phạm trù trên càng rõ nét, vì Mật giáo quan niệm vũ trụ nầy như một Đàn Pháp*, nơi có cả sum la vạn tượng, nhưng được cấu thành bởi tâm “nhất thiết duy tâm tạo”.

Trong cuộc sống hiện tại, với nền kỹ thuật cao, khoa học kỹ thuật đóng góp rất nhiều cho đời sống con người qua biết bao nhiêu tiện nghi trong sinh hoạt hàng ngày, nhưng đồng thời cũng tạo ra bao nhiêu là vấn nạn cho con người mà ai nấy đều cảm thấy, hiểu được và bị chi phối. Tất cả những tiện nghi dù là tinh thần hay vật chất, theo Mật giáo đều là pháp thần thông, và thần thông đúng nghĩa là giúp cho đời sống nhân sinh được cải thiện theo tinh thần hướng thiện, nâng cao tâm thức, sống chan hoà trong hạnh lành, cảm thông với cuộc đời, với con người và tạo thành cuộc sống an bình và hạnh phúc, văn hoá, văn minh đẹp … như là một “phương tiện thiện xảo” hay như “thần thông du hí” do tâm tạo ra.

Nhưng khi tâm còn bị chấp trước, bám vào thần thông đó sẽ sanh ra các phiền trược, khổ đau bất hạnh khác cho mình và cho người, vì sự nô lệ của tâm thức trước đối tượng, trước các pháp. Cho nên, cần có nguyện lực, trí tuệ và tâm từ để giải quyết vấn nạn nầy và phương pháp giải quyết ổn thoả nhất, hữu hiệu nhất vẫn là Văn (nghe) Tư (Suy Tư) Tu (Thực hành). Bỏ ba pháp môn nầy, thì tất cả việc làm, hành động hay dù bất cứ gì, cũng đều là sự rong chơi trong chữ nghĩa, ngôn từ vì chúng ta chưa thực sự chứng được “du hí thần thông”, vì thiếu tu, thiếu thực hành, thiếu quán chiếu, cho nên, chúng ta không thể vững tâm, vô úy và không có tâm bồ đề trước những tám ngọn gió: thành bại, vinh nhục, được mất ….

Ba phạm trù trên cũng là Đàn Tam Giác gồm có ba cạnh sắc bén như thanh gươm trí tuệ chặt đứt phiền não, những chấp trước của tâm, cũng là biểu tượng của ngọn lửa trí tuệ đốt tan những vọng trần., làm hiển lộ con người chân thật, nhân bản đúng nghĩa….

Thưa bạn, miên man trong cuộc du lịch viếng cảnh tại thành phố Sedona, trước các cảnh thiên nhiên thật đẹp, nên thơ, trữ tình chung quanh và từ nơi chốn đó, tôi chợt nhận thấy được từ tâm của đức Phật Vairocana (Tỳ lô giá na) đã ban rải đều khắp vũ trụ, chỉ khi con người muốn tìm cho mình một cuộc sống có giá trị, có an lạc, có hạnh phúc, đi song song và mở rộng lòng chia sẻ đến tha nhân, sẽ cảm nhận được đầy đủ năng lực nầy.

Cảnh thiên nhiên cũng làm cho chúng ta nhìn lại đời mình qua bao nhiêu là sóng gió, chôn chân, giữ tâm trong những cảnh đời vọng nghiệp, nơi hoạt náo, nơi làm vong thân của chính bản tâm mình.

Cảnh rừng núi, mây ngàn, gió thoảng … cũng làm cho chúng ta tìm lại tâm mình sau những năm dài miệt mài chạy theo ảo vọng, bám theo những hoang vu của hỉ nộ ái ố, dầm mình qua những gập ghềnh của tâm động, quên đi cõi riêng trong ốc đảo của tâm, quên đi tiếng lòng của tự tánh, của diệu âm chân chất, của ngôn ngữ thường tình nhưng là mật ngữ, làm bùng vỡ tâm, là chân ngôn vuợt thắng đưa tâm thoát qua khỏi những bến bờ mê vọng, thấy được bầu trời mở rộng bao la, cảm nhận được bước chân của đức Bồ tát Quan Âm đi song song bên cạnh và trong tâm của mình, theo tinh thần của Phổ Môn.

 

“ ta thường bảo với tâm ngày đó.

Ôm Phổ Môn vào cõi sắc không…”.

 

Tiếng thơ đó thể nhập theo lời Kinh Phổ Môn trong sáng như dòng sữa cam lồ, tưới mát tâm, làm tâm trưởng thành, sống vững, sống với con người với tình thương chân chất, hoà bình, vì cánh cửa ngăn cách lẫn nhau, giữa người, giữa con người với nhau không còn có mặt khi được đối xử với nhau bằng tấm lòng, vì nếu không có tấm lòng chia sẻ, chân thành, thì các hạnh lành khó lòng trưởng nở…

Những ngày cuối năm Dương lịch, mọi người trên thế giới đều chung vui chào đón một năm mới với lời ước nguyện được sống đầy đủ tinh thần lẫn vật chất, sống với tâm an vui và hạnh phúc, sống với tâm tình chia sẻ chân thật đề cho cuộc sống trên trần gian nầy đều được thấm nhuần mưa pháp nhân bản, từ bi, trí tuệ và nguyện lực. Xin được chắp đôi tay lại, quán tưởng đến cánh sen hồng vừa nở trong lòng….

 

- Cầu xin cho mọi người, mọi loài trên trái đất nầy đều được sống chan hoà trong Hạnh Phúc.

- Cầu xin cho sự khổ đã có mặt, xin đừng khổ nữa. Những bất hạnh đã xẩy ra rồi, xin đừng xẩy ra nữa.

- Cầu xin cho chiến tranh chấm dứt, cho mọi niềm đau, nổi khổ, bất hạnh vì cảnh chia lìa. chết chóc, thù hằn, ganh tị v.v… đều được chảy hoà tan trong tinh thần nhìn nhau trong tình người, thấy nhau đều cùng có tánh giác, tánh Phật, hạt giồng của yêu thương, an lạc và Hạnh phúc.

- Cầu xin cho trong những ngày Lễ Lớn của con người trên trái đất nầy, dù ở bất cứ nơi đâu… thì xin cho những con vật dù là mang lông, đội sừng, mặc vảy hoặc bất cứ những loài vật nào mang nhiều dị dạng, khác thường do vì nghiệp lực tạo ra nên phải thọ lảnh….Xin cho tất cả các loài đó đều được tha thứ, giải thoát và không bị giết hại vì bất cứ lý do gì.

- Cầu xin cho hành tinh xanh nầy mãi mãi là nơi sống đầy ấm tình người, tình thương….

 

Là người con Phật, trong đời sống bận rộn vì mưa sinh, sự hiểu biết kém cỏi, có chút sự tu học, đem lời Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày, dù là tâm vẫn luôn thường chao đảo, nhiều vọng niệm. Những khi có những lúc nhìn trời trăng mây nước, những khi yên lặng cô đơn dõi theo từng hơi thở, chợt thấy có chút tánh giác hiễn hiện trong tâm, không động trước vài xáo động, niềm vui mừng, sự an lạc, hạnh phúc có mặt dù là nhỏ nhoi, đơn sơ… nhưng vì trong tâm vẫn luôn luôn vẫn mang tấm lòng muốn chia sẻ đến những người mang tâm nguyện sống đời có ích …

Vì vậy, với những lời văn, thơ mộc mạc viết ra như một tấm lòng, nên dù bạn có đồng ý hay không, cũng như xin nhận nơi đây lòng chân tình kính dâng tặng của người viết, vì chúng ta dù ở bất cứ hoàn cảnh, cảnh giới nào, dù là ở bất cứ quốc độ nào, dù là khác màu da, khác sắc tộc, khác tôn giáo…. Nhưng tình yêu, tình người, vâng, tình người, lòng mưu cầu hạnh phúc, sống cho có ý nghĩa nhân bản đích thực, có phải chúng ta, mỗi người, ai ai cũng đều mong muốn có được ……..

 

một hạt tâm sen vừa gieo xuống

Muôn loài các cõi huỡng an lành…”

 

Qua những gì được viết ra, ghi nhận những lời bộc bạch tâm sự, xin thành kính dâng tặng cánh hoa sen lòng đến tất cả mọi người nhân những ngày Lễ lớn và đầu năm 2010 Dương lịch….

 

Thành kính cám ơn và chia sẻ…..

 

 

Viết xong ngày 22.12.2009

( 07.11.Kỷ Sửu )

 

_________________

*Tư tưởng Mật giáo trong “Liên Hoa bộ và Kim Cang Bộ” của Cư sĩ Liên Hoa.

 

        

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay