TỰ VIỆN ĐẦU TIÊN Ở CHÂU ÂU: DATSAN GUNZECHOYNEY, SAINT PETERSBURG
Minh Thạnh
Cập nhật: 10:03:09 21/12/2009

TỰ VIỆN ĐẦU TIÊN Ở CHÂU ÂU: DATSAN GUNZECHOYNEY, SAINT PETERSBURG 

Minh Thạnh 

Điều khá thú vị là ngôi tự viện Phật giáo đầu tiên được xây dựng ở châu Âu, và cũng là ngôi tự viện đầu tiên của Tây phương (gồm cả Bắc Mỹ), là một ngôi tự viện ở thành phố Saint Petersburg, lúc đó là thủ đô của nước Nga Sa hoàng. 

Tên chính thức của ngôi chùa là Dasan Gunzechoney. Datsan có  nghĩa là một tu viện kiểu Tây Tạng. 

Địa chỉ của tự viện: Saint Petersburg, Đại lộ Primorsky, 91. Vị trí của tự viện nằm ở phía Bắc thành phố Saint Petersburg, gần ga tàu điện ngầm “Làng xưa”. 

Tự viện Gunzechoney được lạc thành vào năm 1915, những hoạt động tôn giáo trong thực tế đã bắt đầu từ năm 1913. 

DUYÊN KHỞI VIỆC XÂY DỰNG 

Tổ sư  khai sơn của tự viện là Lạc ma Agvan Dorziev (1853 - 1938), nhà lãnh đạo Phật giáo châu Á của nước Nga thời bấy giờ. 

Tuy nhiên, việc xây dựng tự viện Gunzechoney không chỉ là  nỗ lực chủ quan của riêng đại sư Dorziev. 

Nhu cầu xây dựng một tự viện Phật giáo tại thủ đô Saint Petersburg là một nhu cầu lớn lúc đó. Từ năm 1741, dưới vương triều Elizabeth, triều đình Nga đã ban hành một nghị định công nhận Phật giáo là một tôn giáo lớn của Nga. Nghị định cho phép các vị tăng sĩ Phật giáo được quyền truyền bá Phật giáo trên toàn lãnh thổ Nga và được miễn tất cả các thứ thuế đóng cho triều đình. Nghĩa vụ của các vị tăng sĩ là tuyên thệ trung thành với Đế chế Nga. 

Tuy nhiên, Phật giáo không chỉ truyền bá tại Nga bởi các vị tăng sĩ Phật giáo Lạc ma. 

Từ thế  kỷ XIX, trong giới trí thức hàn lâm và quý  tộc Nga tại thủ đô Saint Petersburg đã có nhiều người am hiểu Phật học. Một cộng đồng Phật giáo tại thủ đô Nga đã được ghi nhận, phần lớn là giới trí thức thượng lưu có ảnh hưởng lớn đối với vương triều. 

Đồng thời, các vị lãnh đạo Phật giáo Nga ở châu Á cũng xúc tiến việc truyền bá Phật giáo ở thủ đô Nga. Năm 1898, theo lời mời của Hoàng thân E. Ukhtomsky, Lạc ma Dorziev đã đến Saint Petersburg, hội kiến với Sa hoàng Nicholas II, các quan chức chính phủ và giới Phật học. 

Báo chí  Nga thời bấy giờ loan tải một trong những kết quả của cuộc viếng thăm: “Tại Saint Petersburg có rất nhiều tín đồ Phật giáo, vì vậy, gần đây có tin là một thỉnh nguyện đã đệ trình Nga hoàng xin phép xây dựng ngôi chùa có thể dung chứa khoảng 100 đến 200 người. Ngôi chùa sẽ được tọa lạc tại trung tâm thủ đô” (theo Trần Quang Thuận: Phật giáo Nga, Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội, 2008 trang 128). 

TIẾN TRÌNH XÂY DỰNG 

Tịnh tài xây dựng tự viện Gunzechoney được đức Datlai Lama XIII hiến tặng một phần, Lạc ma A. Dorziev lo liệu một phần, phần còn lại do Phật tử Nga trên toàn quốc dâng cúng. Trong số liệt vị hảo tâm có Hoàng thân Tundutova, phu quân của công chúa Olizetta Begalievna Tudutova. Công chúa là người có nhiều liên hệ về sinh hoạt học thuật Phật giáo với Hoàng thân E. Ukhtomsky, người có nhiều cống hiến cho Phật giáo Nga. 

Công chúa thu xếp một cuộc gặp quan trọng giữa Lạc ma A. Dorziev với một vị tăng sĩ người Estonia có nhiều đạo tâm là Ngài Karl Tonisson. Ngài Tonisson đã tham gia tích cực vào việc xây dựng và quản lý tự viện ở Saint Petersburg

Việc xúc tiến xây dựng tự viện thu hút sự quan tâm của tình báo Anh. Người Anh lo ngại ảnh hưởng và quan hệ mật thiết giữa Nga với Tây Tạng, xứ sở giáp giới với thuộc địa Ấn Độ của Anh. 

Việc thiết kế tự viện được ủy nhiệm cho kiến trúc sư Nga G.V. Bananovsky, với mục tiêu được xác định là tự viện sẽ mang phong cách kiến trúc Phật giáo Tây Tạng. 

Kiến trúc sư G.V. Bananovsky (1860 - 1920) là người rất nổi tiếng. Ông còn được biết đến như là một nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, một người tổ chức hoạt động xuất bản ở Saint Petersburg. Từ năm 1891 ông là kiến trúc sư thiết kế xây dựng các cơ quan từ thiện của hoàng hậu Nga và chủ biên tạp chí kiến trúc Ngôi nhà của chúng ta

Lạc ma A. Dorziev đã tổ chức một hội đồng tư vấn công trình gồm những trí thức lớn của nước Nga bấy giờ như các viện sĩ viện hàn lâm V.V. Radlov, S.F. Oldenburg, Hoàng thân E. Ukhtomsky, các nhà Đông phương học và Phật học V.L. Kotvich, A.D. Rudnev, F.I. Shebatskoy, các họa sĩ N.K. Rerikh, V.P. Shneider. 

Việc chọn  địa điểm mua đất đã theo lời đề nghị của Lãnh sự Nga tại Urga, ông Shishmarev. Đất rộng một mẫu Anh, nằm ở khu vực yên tĩnh. Tuy nhiên, có điều bất tiện là nó nằm gần một nhà thờ Chính thống giáo. 

Sau việc mua đất từ năm 1903, năm 1909 ngôi tự viện được khởi công xây dựng. Kỹ thuật kiến trúc dựa trên nền tảng kiến trúc Tây phương với sự chỉ đạo của kiến trúc sư G.V. Baranovsky. Trong quá trình xây dựng đã xảy ra bất đồng giữa Hội đồng tư vấn và kiến trúc sư. 

Hội  đồng tư vấn đã rất nghiêm khắc đối với thiết kế, và yêu cầu tôn trọng đặc biệt đối với phong cách kiến trúc Tây Tạng. Do vậy, một kiến trúc sư khác, ông Richard Andrgovich Berzen đã được ủy nhiệm. Vị kiến trúc sư này là tác giả thiết kế tự viện Phật giáo ở Verkholensk, tỉnh Irkutsk, Nga. 

Việc xây cất không phải suông sẻ. Các ông Stchebatskoy và Radlov đã phải can thiệp với Thủ tướng của Chính phủ Nga Sa hoàng và chính Hoàng đế. Chính quyền địa phương cấp dưới, nghe theo sự xúi dục của một số nhân vật cực đoan trong Giáo hội Chính thống giáo Nga, đã cố gắng đình chỉ thi công ngôi chùa. Tuy nhiên, tiếng nói của các vị trí thức hàng đầu của nước Nga, nhất là viện sĩ Radlov, đã khiến Nga hoàng bác bỏ ý kiến cấm đoán của chính quyền địa phương. 

Dù thế, Lạc ma A. Dorziev cũng bị đe dọa ám sát cùng với đe dọa phá hủy ngôi chùa. Nhà thờ Chính thống giáo rất khó chịu trước sự hậu thuẫn của Sa hoàng đối với Phật giáo, cụ thể qua việc xây dựng Datsan ở St. Petersburg, vẫn ra sức cản trở trong nhiều năm sau.  

Năm 1913, ngôi tự viện cơ bản hoàn thành. Trần chánh điện trang trí các cửa sổ kính với các biểu tượng Phật giáo. Gạch lót nền với màu sắc đẹp cũng góp phần vào giá trị mỹ thuật của chánh điện. Các họa sĩ trong hội đồng tư vấn xây dựng đã có nhiều đóng góp trong việc trang trí chánh điện. Tự viện Gunzechoyney cũng có một hệ thống sưởi trung tâm rất có ích trong hoàn cảnh khí hậu khắc nghiệt của St. Petersburg

Trong năm này, những hoạt động nghi lễ đầu tiên của Phật giáo đã được tổ chức.  

Ngày 2 tháng 5 năm 1914, Sa hoàng đã ban hành quyết định về  việc tăng sĩ Phật giáo tu học tại tự viện, khởi đầu có 9 vị. Tự viện Phật giáo đầu tiên tại châu Âu chính thức hoạt động với giấy phép của triều đình. 

Ngày 10 tháng 8 năm 1915, lễ lạc thành tự viện Gunzechoyney đã được tổ chức trọng thể. Trước đó, chính Sa hoàng Nicholas II và Hoàng gia Nga đã đến viếng thăm tự viện. Đến dự lễ lạc thành có Thủ tướng Chính phủ Sa hoàng I.L. Goremykin, Bộ trưởng nội vụ N. Shcherbatov, đông đảo chư vị đại sư đại diện đức Dalai Lama, đức tăng thống Mông Cổ, Phật giáo Nga ở châu Á, đại diện Hoàng đế Xiêm La, đại sứ Xiêm tại Nga, đông đảo các tăng sĩ, quan chức, trí thức Phật tử Nga. Buổi lễ lạc thành đặt dưới sự chủ tọa của Lạc ma A. Dorziev. 

Tuy nhiên, thời điểm hoàn thành tự viện không thuận lợi cho việc hoằng pháp tại phần châu Âu của nước Nga. Chiến tranh thế giới thứ I diễn ra ác liệt mà Nga là một quốc gia tham chiến. Tự viện đã được sử sụng như một bệnh xá cho thương binh. 

Sau Cách mạng Tháng Mười, tự viện Gunzechoyney hoạt động trở lại từ năm 1924 đến năm 1935. 

Trong Chiến tranh thế giới thứ II, một đài phát thanh quân sự được đặt tại tự viện Gunzechoyney và trạm phát tuyến hoạt động đến năm 1960. 

Cuối năm 1968, cái nhìn về tự viện từ phía chính quyền  đã thay đổi. Tự viện được công bố là  một kiến trúc có giá trị quan trọng tại  địa phương. Tuy nhiên, nhà nước vẫn quản lý tự viện. 

Ngày 9 tháng 7 năm 1990, thời điểm này vẫn còn chế độ Xô Viết, tự viện được hoàn trả cho Phật giáo. Tại đây các hoạt động Phật giáo hồi phục và phát triển. 

Hiện nay, tự viện Gunzechoyney đã mở rộng hoạt động của mình.Tại đây đã hình thành một trung tâm văn hóa Phật giáo theo ước vọng của Lạc ma A. Dorziev. Trang Web của tự viện giới thiệu nhiều hoạt động tại đây (nghi lễ, thuyết pháp, tu tập…), đặc biệt có cả hoạt động phục vụ y dược học cổ truyền Tây Tạng. 

Tự viện Gunzechoyney cũng được coi là một thắng cảnh của St. Petersburg hiện nay. 

 

 
 
   
 
  
Tìm kiếm

 
  
Tìm trên:     hoangphap.info web khác
Visitor Number: 
Hôm nay